NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ

Started by QUANGKHAI, 09/10/07, 10:15

Previous topic - Next topic

QUANGKHAI

"Mù màu"

Nếu chỉ nhìn từ phía sau lưng, mọi người nhất định sẽ nghĩ Tố Tố là một cô gái đẹp lạ lùng - thân thể cô tỏa ra một mùi hương cỏ mát trong, mái tóc dài đen óng như lụa chảy xuống tận eo... Nhưng khi đứng ra đằng trước, ai cũng thấy thất vọng, thậm chí có người còn giật mình sợ hãi.

Một vết chàm màu tím thẫm lan rộng từ gò má phải xuống cằm khiến cho Tố Tố từ một cô gái khỏe mạnh có làn da sáng mịn trở thành người xấu xí. Tố Tố càng lớn lên, vết chàm ấy lại càng rõ hơn.

Khi bạn gái cùng lứa tuổi xung quanh đã nhận được hoa hồng và những bức thư tình thì Tố Tố vẫn sống lặng lẽ trong bóng đen của vết chàm quái ác. Đến giai đoạn dậy thì, vết chàm càng lớn hơn, càng nổi bật hơn, Tố Tố chỉ còn biết dồn hết sức lực và tinh thần vào học hành và công việc.

Cô bắt đầu viết truyện ngắn gửi đăng trên các tạp chí tuần san, không ngờ giọng văn mộc mạc của cô nhanh chóng được mọi người đón nhận và khen ngợi. Có nhiều người con trai viết thư làm quen và đề nghị được gặp cô, nhưng khi thấy vết chàm họ đều lẳng lặng rút lui. Chỉ còn một người là Hải Tuệ.

Sau khi đọc truyện ngắn của Tố Tố, anh muốn thường xuyên viết thư trao đổi cảm tưởng của mình về tác phẩm với cô. Dần dần, 2 người trở thành bạn thân. Nhiều lần Hải Tuệ đề nghị gặp mặt nhưng cô đều kiếm cớ chối từ. Cô không còn đủ dũng khí để gặp mặt một người con trai nào nữa, lại càng không muốn mất đi một người bạn như anh.

Một thời gian sau, Hải Tuệ tốt nghiệp, quay về London thừa kế công ty của cha. Dù cho công việc bận ngập đầu, anh vẫn luôn dành thời gian theo dõi truyện của Tố Tố, vẫn giữ thói quen viết thư cho cô hàng tuần.

Tình cờ một lần xem phỏng vấn trên tivi, Tố Tố mới biết mặt Hải Tuệ. Cô thấy tim đập dồn, mặt đỏ bừng bừng. Trước đây cô chỉ biết Hải Tuệ là một chàng trai hài hước và tháo vát, không ngờ anh lại là một người đẹp trai và thành đạt như vậy.

Nhưng rồi cô sực tỉnh: Anh ấy hoàn hảo như vậy, sao có thể yêu mình được! Nếu muốn giữ được tình bạn tốt như bây giờ, tốt nhất là đừng bao giờ gặp mặt.
Từ hôm ấy, mỗi lần thấy Hải Tuệ trên báo hay tivi, Tố Tố lại rơi vào tâm trạng mâu thuẫn: Có tình cảm với anh nhưng lại không dám nghĩ đến, cô càng trở nên tự ti cực độ.

Thật ra sau mấy năm thư đi thư lại, Hải Tuệ cũng đã nảy sinh tình cảm, đó vừa là tình yêu vừa là sự ngưỡng mộ. Không lâu sau khi về London anh đã viết thư nói rõ với Tố Tố, nhưng không hiểu sao cô lại kiên quyết chối từ, thậm chí còn thôi không liên lạc khi thấy anh vẫn quyết tâm theo đuổi.

Anh hết sức băn khoăn, hai người đã chơi thân với nhau lâu như vậy, dù cô không thích anh đi chăng nữa thì gặp một lần cũng có mất gì đâu. Hải Tuệ nhờ bạn bè tìm hiểu xem Tố Tố có chuyện gì. Khi biết được nguyên do, Hải Tuệ đã nghĩ ngợi rất lâu.

Anh chưa vội viết thư ngay cho cô. Bạn bè nói rằng bây giờ tình cảm của Tố Tố còn tệ hơn, chuyên mục trên báo do cô gây dựng bấy lâu nay bỗng nhiên bị hủy, cô đang chán nản vô cùng. Hải Tuệ tự đặt mình vào thế giới đầy mâu thuẫn của cô, muốn xem xem nên đối mặt với sự thực ấy thế nào. Nghĩ đi nghĩ lại, Hải Tuệ quyết định...
Mấy ngày sau, Tố Tố nhận được thư của Hải Tuệ, anh nói đột nhiên mình mắc chứng mù màu, phải ra nước ngoài chữa bệnh. "Nhưng anh rất buồn, nghe nói bệnh mù màu không có thuốc chữa".

Tố Tố không dám tin vào mắt mình, Hải Tuệ mắc bệnh mù màu, nghĩa là anh sẽ không nhìn thấy vết chàm trên mặt cô. Cuối cùng cô đồng ý hẹn gặp anh. Cuộc gặp thật ngoài niềm mong đợi, từ đầu đến cuối anh luôn nhìn cô bằng ánh mắt chan chứa yêu thương.

"Đúng là anh ấy bị mù màu thật, vì khi khen mình anh ấy có chút giả tạo nào đâu". Cô nghĩ. Thế giới bỗng chốc trở nên tươi đẹp biết bao. Dù mới gặp lần đầu, nhưng cả hai đều có ấn tượng rất tốt về nhau.

Tố Tố lâng lâng trong niềm vui sướng. Đêm hôm ấy, Tố Tố không sao ngủ được. Cô thử đến soi gương - việc mà cô đã không dám làm từ nhiều năm nay. Chỉ thấy trong gương là một khuôn mặt rạng ngời lên vì hạnh phúc. Vết chàm vốn làm cho cô đau khổ, bây giờ dường như chẳng còn đáng sợ chút nào.

Hải Tuệ bắt đầu sống một cuộc sống của người bị mù màu. Anh nói quả cà tím có màu xám đen, anh mặc những chiếc áo lòe loẹt, hỏi Tố Tố cái này màu gì, cái kia màu gì y như đứa trẻ. Khi đi cùng anh trên phố, Tố Tố đã có thể bình thản trước những ánh mắt soi mói xung quanh. Chỉ cần người mình yêu thương không nhìn thấy vết chàm, đối với cô như vậy đã là quá đủ.

Không lâu sau, Tố Tố được bạn bè giúp đỡ đưa sang Pháp phẫu thuật. Vết chàm đeo đuổi cô suốt hai mấy năm trời cuối cùng cũng đã được xóa đi. Khi gặp lại Hải Tuệ, cô càng vui mừng hơn khi thấy anh không có vẻ gì là nhận ra sự thay đổi trên khuôn mặt mình: Vẫn nụ cười ấm nồng và ánh mắt dịu dàng như lần gặp đầu tiên.

Cùng Tố Tố đi thử váy cô dâu, Hải Tuệ sững sờ, suýt nữa thì anh buột miệng khen chiếc váy màu tím rất đẹp cô đang mặc. Anh muốn dùng tất cả những sắc màu đẹp nhất trên thế gian này để nói lên vẻ đẹp của cô. Nhưng anh cũng nghĩ, nếu Tố Tố không xóa được vết chàm kia, thì anh cũng vẫn yêu cô như lúc ban đầu. 


TQ

sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

QUANGKHAI

Cảm lạnh giữa mùa hè

Có người áo đùm áo bọc vẫn thấy lạnh, ăn sơn hào hải vị vẫn thấy nhạt miệng. Còn anh - người sống giữa những đồ dùng, vật dụng được lau chùi bóng loáng mà vẫn thấy mình hôi hám, dơ bẩn.

Hình như Hân đang bị lạc mất con đường trở về chỗ cũ, nơi tình yêu đã bắt đầu từ hơn chục năm về trước. Giờ đây trong lòng cô có một sự sụt lún kinh khủng về tinh thần, sự sụp đổ không phải ở lòng tham vô đáy, không phải ở sự nghi kị, ghen tuông hay lòng thù hận mà đó là sự thiếu tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống bình dị đời thường.

Từ khi lấy nhau, chị đã từng tự hào với bạn bè mình là đã lấy được một ông chồng "sạch sẽ". Sạch từ hình thức đến nhân cách, sạch trong cuộc sống hàng ngày và sạch cả lúc có hai người trên cùng một chiếc gối.

Có lẽ bởi Bách là bác sĩ da liễu nên anh nhìn thấy nơi nào cũng có nguy cơ bị vi trùng, vi khuẩn xâm nhập và anh muốn bọc vợ con mình trong thế giới vô trùng tối đa.

Trong nghề, anh là một bác sĩ cẩn thận đến đáng nể, chưa một lần sai phạm điều gì có hại tới bệnh nhân dù chỉ là một mũi tiêm. Anh không bao giờ nhận quà hay tiền bồi dưỡng riêng từ bất kỳ bệnh nhân nào vì anh cho đó là hành vi làm bẩn nhân cách của một người mặc áo trắng. Ăn sạch, uống sạch, ở sạch, chơi sạch và ngủ sạch là những nguyên tắc bất biến trong đầu anh.

Một người đàn ông luôn luôn sợ bị người khác làm vấy bẩn cho mình chắc chắn sẽ sống rất khỏe mạnh, ai cũng nghĩ thế nhưng sự thật lại không giống như điều họ tưởng.

Có những thời kỳ anh bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng chỉ vì nghe đài báo tuyên truyền ráo riết đang bùng phát dịch H5N1 ở gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc, lợn tai xanh, cá hoặc trai có quá dư lượng chì, nước tương không đảm bảo chất lượng... Thế là nhất định không ăn những món được chế biến từ những loại đó.

Có lần bà bác họ ở quê ra chơi xách theo một con gà trống thiến to tướng làm quà cho cháu. Chưa được một lời thăm hỏi, anh đã lớn tiếng đuổi như đuổi tà: "Bà không biết là dịch cúm gà đang bùng phát mạnh hay sao mà lại ném dịch vào nhà tôi thế này. Đồ nhà quê điếc không sợ súng". Bữa đó Hân phải xin lỗi đến khản cả cổ, nhưng tiếng vẫn đồn về tới tận làng.

Biết chồng mình là người sạch sẽ nên mỗi lần đi chợ Hân đều phải mua rau an toàn, thực phẩm an toàn... thế nhưng anh vẫn cảm thấy chưa được an toàn. Rau thì anh phải rửa tới sáu lần nước sạch và hai lần ngâm nước muối đến nát nhừ, thịt phải rửa cho bạc nhã rồi bỏ vào lò vi sóng bật 2 phút và cuối cùng mới đem ra chế biến.

Chính vì khó ăn như thế nên việc anh đi ăn tiệm là rất hạn hữu, chỉ khi nào không thể từ chối được mới phải miễn cưỡng đi cho xong. Đến những bữa tiệc anh chỉ uống nước lọc và ăn những loại củ quả được gọt bỏ vỏ kĩ càng.

Mọi vật dụng trong nhà dù là gương kính, nhôm, inox hay đồ gỗ thì đều có thể dùng làm gương soi để chải đầu ngắm vuốt. Mỗi khi có khách đến nhà chơi anh chú ý đến từng cử chỉ nhỏ của họ. Ai hút thuốc mà lỡ tay gạt tàn xuống đất thì lập tức anh lấy chổi quét sạch ngay. Họ vừa rời ghế còn chưa kịp xỏ dép thì ở trong nhà Bách đã lúi húi lấy khăn trắng tinh để lau chén tách bàn ghế.

Chờ cho khách ra khỏi cổng, Hân quay vào rít lên với chồng: "Thà anh cứ đuổi thẳng mặt còn hơn, làm như thế khác nào bảo họ lần sau đừng có đến nhà tôi nữa. Đấy là bạn của anh mà anh còn làm thế, không biết bạn của tôi mà lỡ đặt chân đến nhà này thì anh còn đến mức nào".

Bách lại điềm tĩnh: "Em nói thế là không đúng, sạch là chung cho mọi người chứ đâu phải cho một mình anh mà cũng chẳng cần phải phân biệt xem bạn của anh hay của em".

Vợ con có vô ý cho ai mượn thứ gì thì khi họ đem trả anh phải lau rửa mấy lần mới cho cất đi. Một hôm, nhà hàng xóm sát nách có con bé bị sốt cao phải đưa vào viện cấp cứu. Nhà người ta nghèo, chỉ có mỗi chiếc xe đạp nên phải muối mặt sang gõ cửa mượn xe vào lúc nửa đêm.

Nghe tiếng gọi anh lẩm bẩm: "Nửa đêm gà gáy mà cứ muốn làm phiền nhà người khác. Con bị co giật thì gọi cấp cứu, để tôi gọi xe hộ cho". Hàng xóm miễng cưỡng hỏi: "Dạ, bác làm ơn cho em mượn chiếc xe máy cũng được rồi ạ, em không có tiền để gọi xe cấp cứu".

Chẳng thèm trả lời, Bách đóng cửa đánh "rầm" một cái như muốn đập vào mặt hàng xóm. Hân thấy thế vội chạy xuống: "Anh không cho mượn thì tôi cho, người đâu mà ích kỉ".

Nói xong, chị dắt xe của mình ra cho mượn và khoảng thời gian còn lại anh úp mặt vào tường thức chờ trời sáng. Khi chiếc xe được trả về cho chủ thì anh dắt ngay ra giữa sân bơm nước rửa thật sạch và lau chùi bóng nhoáng không còn dính một hạt bụi, làm như thế chẳng khác nào bảo hàng xóm: "Không có lần thứ hai đâu nhé!".

Nhà anh thứ gì cũng đầy đủ, chưa có thì đi mua, có khi chỉ để dùng một lần rồi vứt bỏ. Chẳng thế mà anh không phải đi mượn của ai bất kì thứ vật dụng nào và anh cũng không muốn ai mượn thứ gì của nhà mình, thậm chí con cái cũng không được tự ý đụng vào đồ của bố mẹ.

Gia đình anh mua nhà và chuyển về khu phố này đã được sáu năm. Mới đầu hàng xóm còn năng qua lại "kiếm chuyện làm quà" phòng khi phải nhờ vả, nhưng lâu dần họ hiểu được cái tính "cẩn thận" của anh nên có người chỉ đến một lần rồi không bao giờ đặt chân đến nữa.

Đi ra ngoài đường thì anh lại rất niềm nở, gặp ai cũng chào hỏi như chỗ thân tình vậy, chẳng giống như mỗi khi khách đến nhà chơi. Đến ngay cả tứ thân phụ mẫu của anh cũng chẳng muốn đến chơi, khi nào nhớ cháu thì gọi điện và bảo cho đến nhà ông bà một buổi.

Cổng không cao nhưng rào lại kĩ, giờ nhà anh đến ngay cả người xông đất đêm giao thừa cũng không ai dám nhận lời. Mỗi đêm giao thừa anh đưa cả nhà đi xem bắn pháo hoa, rồi khi quay về tự xông đất cho nhà mình coi như may rủi là tự thân chứ không do vía ai nặng nhẹ.

Hân không phải là người luộm thuộm, trước khi đi ngủ bao giờ cô cũng tắm rửa sạch sẽ, thơm tho nhưng lần nào khi "chuyện ấy" kết thúc anh đều bắt vợ vào tắm lại. Có lần Hân nổi cáu: "Trâu bò cả quý nó không tắm có sao đâu. Tôi chưa thấy ai chết vì bẩn bao giờ, nhưng sạch quá có khi lại rước họa vào thân".

Vợ không tắm thì mình tắm, dù sao thì vợ có thể bẩn chứ mình thì không. Thấy chồng vào nhà tắm mãi không ra, Hân đẩy cửa vào thì thấy anh đang nằm gục cạnh bồn tắm.

Làm bác sĩ mà không chịu hiểu, đang lúc "hao sức mòn hơi" như thế mà lại dội nước lạnh vào người "cho mát" thì chỉ có trâu bò mới không bị cảm lạnh. Giữa mùa hè nắng như đổ lửa mà vẫn có người phải nằm một mình trên giường đắp chăn bông, không có vợ con bên cạnh chỉ vì mắc phải căn bệnh quá sạch. 

Yên Chi     



sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

QUANGKHAI

Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ

Nhiều lúc Quyên không thể hiểu nổi giải pháp ly thân giữa cô và Hùng có phải là phương pháp tối ưu hay không, nhưng ngay trong lúc không còn nghĩ được gì thì giữa họ có lẽ không còn cách nào để lựa chọn.

Cô uể oải trở về căn nhà mà cô biết ở đó chẳng còn ai khác ngoài cô ra. Buồn bực, Quyên đi lang thang hết con phố này rồi đến con phố khác, nỗi buồn cũng chẳng thể nào nguôi ngoai.

Yêu nhau là vậy, thế mà chỉ sau gần năm năm chung sống, mọi sự bất đồng đều đồng loạt nảy sinh. Hùng trở nên khó tính hơn, anh không còn là một người đàn ông cần mẫn trở về nhà sau tám giờ vàng ngọc. Những bữa cơm không ngon miệng, sự vụng về của Quyên càng khiến mâu thuẫn giữa họ càng trở nên gay gắt.

Vô hình chung thằng bé con trở thành tấm bình phong cho cả hai người lớn trút giận. Chỉ tội cho thằng bé, mới ba tuổi đầu cứ ngơ ngác nhìn ánh mắt hằn học của bố và sự giận dỗi của mẹ mà chẳng hiểu gì.

Trận chiến đâu chỉ dừng lại ở đấy khi mà những bữa tiệc, những buổi tiếp khách của cả Quyên và Hùng cứ diễn ra một cách liên miên. Họ đương nhiên bỏ bê thằng bé, mạnh ai người nấy làm.

Cuộc sống vốn đã không dễ chịu thì nay lại càng trở nên khó khăn hơn. Cả Quyên và Hùng đều cảm thấy bế tắc, cái Quyên cần là một người chồng hiểu vợ và luôn bỏ qua cho những khiếm khuyết của vợ, còn Hùng, giờ đây anh cần một người vợ biết nấu những bữa cơm của chính gia đình mình chứ không phải những món ăn mua sẵn ngoài chợ.

Không ai chịu ai bởi họ nghĩ họ đều là những người có học, nói ít và hiểu nhiều, nhưng hôn nhân đâu phải chỉ đơn giản như vậy, dù hiểu nhau hay không hiểu nhau vẫn cần một lời nói lắm chứ.

Chuông đồng hồ đã điểm đến hồi thứ mười một, đường phố vẫn nườm nượp người. Lạc lõng giữa những con phố rộng, Quyên mới thấy cô đơn làm sao. Cô ngồi xuống một cái ghế đá gần đó để ngồi đếm từng tiếng tích tắc trên chiếc đồng hồ của Bưu điện Hà Nội. Mỗi tích tắc trôi qua sao nặng nề đến vậy, sự ghen tuông, lòng kiêu hãnh càng khiến cô căm ghét Hùng hơn lúc nào hết.

Hai con mắt trũng xuống vì thiếu ngủ. Cô không thể hiểu nổi sao Hùng lại thay đổi đến thế, yêu nhau bao nhiêu năm đáng lẽ anh phải là người hiểu cô hơn bao giờ hết, được đùm bọc trong một gia đình giàu có, Quyên đâu phải mó tay vào bất kỳ việc gì, thế nên nấu ăn luôn là trở ngại lớn nhất của cô.

Nhưng đúng là khi yêu nhau, màu hồng đã phủ lên mọi khiếm khuyết của cả hai người, Hùng thấy chẳng có gì trở ngại với tài nấu ăn quá kém của Quyên mà luôn miệng tự đắc rằng mình đã lấy được một người vợ vừa xinh đẹp vừa có học vấn cao.

Quyên ngước mắt lên nhìn trời nhưng ai thấu được cho cô đây, sự cục cằn của Hùng sau mỗi lần cơm bị khê càng khiến không khí gia đình càng trở nên căng thẳng. Rồi những lần thằng bé bị đi ngoài vì món cháo Quyên nấu không ra đâu vào đâu, bà giúp việc trở thành người hứng chịu tất cả.

Chỉ đến khi không thể chịu nổi thì lần lượt năm bà giúp việc đều ra đi, một mình Quyên lúc đấy như đứng trên một trận tuyến. Không nhận được sự thông cảm của chồng, họ càng trở nên ít đối thoại với nhau hơn, bữa cơm trở thành nguội lạnh trong sự chờ đợi chỉ có duy nhất một người là Quyên. Và họ đã chọn giải pháp này để chấm dứt chuỗi ngày căng thẳng ảnh hưởng đến tinh thần cũng như sức làm việc của cả hai.

Chiếc giường trống trải, đơn độc bên hai chiếc gối, chưa lúc nào Quyên thấy nhớ con như lúc này. Mang con về bà nội, Quyên biết là Hùng đã quá giận dữ không chỉ vì sự vụng về của mình mà còn vì những buổi tối về quá khuya của Quyên, nhưng chẳng lẽ tình yêu giữa họ chỉ kết thúc vẻn vẹn vậy sao?

Cô muốn cải thiện chính mình, nhưng mỗi lần muốn làm điều đó thì dường như là ông trời đều không muốn giúp cô thì phải, cả hai vợ chồng họ liên tiếp ở trong tình trạng hiểu lầm nhau. Những cú điện thoại giọng phụ nữ gọi đến cho Hùng càng khiến Quyên khó chịu, đàn bà nào mà chẳng có tính ghen tuông, nhưng ở trong tình thế này Quyên lại càng trở nên cực đoan hơn.

Ấm ức trong lòng càng khiến không nói ra lời, với họ dường như chỉ có ánh mắt khó chịu là trao gửi được cho nhau mà thôi. Ông đi đường ông, bà đi đường bà, căn nhà càng trở nên như không có chủ đến nỗi có những hôm Quyên quên mất cả nhiệm vụ đón con vào những ngày chẵn khiến thằng bé phải một mình đứng khóc chờ mẹ.

Bế tắc càng khiến họ không còn nghĩ ra điều gì tốt hơn dành cho đứa con của mình, Hùng cùng thằng bé đến ở nhà bà nội như một giải pháp tình thế, nhưng cũng gần hai tháng còn gì. Đã đến lúc Quyên muốn chạy đến đó để chịu nhún nhưng cứ mỗi lần định làm điều đó thì sự tự cao trong người cô lại trào dâng khiến bước chân của Quyên lại chùng bước.

Thật là khó có phải không, như ngay trong buổi tối cô đơn này, cô thèm có lại được cái ôm eo đến chặt của chồng, nhưng sự sĩ diện lại vượt quá cả sự mong ước của Quyên. Cô không biết sẽ làm gì tiếp theo vào ngày mai và giấc ngủ lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Quyên choàng dậy trong một giấc mơ hãi hùng, trong giấc mơ bỗng dưng cô thấy mình đơn độc trên quãng đường tìm hạnh phúc, không có cả chồng cũng chẳng có cả con. Tiếng gọi mẹ của thằng bé cứ đứt quãng và cuối cùng là bặt tăm, Quyên sợ hãi như đó chính là kết cục của mình vậy, cô đã nức nở mà gọi tên thằng bé.

Giờ cô đã biết là mình phải làm gì, hạnh phúc không chỉ dành cho người biết chờ đợi mà nó chỉ trong một tích tắc. Bỗng dưng Quyên thấy sợ phải nghe thấy tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đến thế, nó càng làm Quyên cứ cuống lên như đang chạy đua với thời gian vậy.

Hy vọng rằng Hùng cũng có cùng cảm giác như Quyên trong lúc này, dù sao thì giữa họ đâu có người thứ ba xen vào, giải pháp ly thân chính là khoảng thời gian để họ hiểu về nhau hơn và cũng là để họ làm mới chính mình, nhất là Quyên - một người vợ, người chăm lo đến đời sống của cả gia đình. 

Ngọc Tú     



sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội