Menu

Show posts

This section allows you to view all posts made by this member. Note that you can only see posts made in areas you currently have access to.

Show posts Menu

Messages - tùng anh

#71
Văn xuôi / Ba
30/09/08, 13:29
Ba


Nó đưa tay quệt đôi mắt mọng nước giọng đầy kiên quyết nói với cậu Út:

- Nếu con thấy người đàn bà ấy xuất hiện ở nhà này lần nữa, con sẽ không tha đâu. Tại sao vậy cậu? Ba đã hết yêu mẹ rồi sao? Ba cần gì ở người phụ nữ đó chứ?

Cậu Út nói:

- Tuần rồi cậu tới thăm ba con, cậu đã nhìn thấy...

- Bà ta phải không cậu? - nó hậm hực.

- Không! Cậu thấy ba con đang cặm cụi khâu lại cái áo, nó bị bung chỉ mà tay ba con thì run. Ba con thật sự đã già rồi.

Cậu nói, buông một tiếng thở dài. Thảng thốt nó nghe lồng ngực nhói đau.

- Con đi học, rồi đi làm cả ngày, chưa kể những cuộc vui tuổi trẻ. Một ngày con ở nhà được mấy tiếng? Nói chuyện với ba được mấy câu? Ba con đau lưng cần người đấm bóp trước khi ngủ, con biết không? Cái áo lạnh của ba con đã sờn rách rồi con thấy không?...

Những lời cậu vẫn vang lên nhè nhẹ. Nó nghe tai mình ong ong, mắt mờ đi như có sương giăng.

- Tuổi già vẫn cần tình yêu. Con chăm cha không bằng bà chăm ông mà. Ba con liệu còn sống được bao lâu? Dì Hoa là người tốt, còn con, con hãy là người rộng lòng.

Nó nhìn cậu bật khóc.

- Con xin lỗi... Con vô tâm quá, ích kỷ quá. Con đâu có biết... Con thật sự không biết... Con xin lỗi!

Cậu Út vỗ về:

- Đừng xin lỗi, hãy hành động!

Nó quệt nước mắt mỉm cười, tưởng tượng đến hình ảnh bữa cơm chiều có ba người.


NGUYỄN THỊ THÙY VÂN
#72
Văn xuôi / Mái tóc
30/09/08, 13:25
Mái tóc


Tôi mê mẩn nhìn hai mẹ con có mái tóc mượt mà, buông xuống lưng như dòng suối. Suối tóc ấy khuất dần vào Trung tâm Ung bướu.

Mười ngày sau, tôi sững sờ khi gặp lại họ. Suối tóc biến mất. Hai cái đầu nhẵn thín lấp ló dưới vành mũ.

Tôi thở dài thương xót: "Tội nghiệp, hai mẹ con mang bệnh nặng!".

Cô bé tuổi trăng tròn, hồn nhiên: - Mẹ cháu bắt chước cạo trọc đầu!

- Thi tóc ai mọc nhanh hơn con nhé.

Đêm đêm, người mẹ lén cạo tóc để chờ tóc con mọc trước! 


MAI DUY QUÝ
#73
Không thốt nên lời


Nó không vui về việc ban giám hiệu nhà trường phân công nó thực tập chủ nhiệm tại một lớp nghe nói đa số là học sinh yếu. Sau buổi làm việc, trong lòng hơi bực dọc, nó ra quán cà phê cách trường không xa ngồi uống nước một mình và lên kế hoạch cho buổi chiều "ra mắt" lớp chủ nhiệm.

Vừa ngồi xuống ghế, một thằng bé tiến tới chìa vé số ra mời:

- Mời anh mua giùm em tờ vé số.

Trong lòng không vui, nó đáp gọn:

- Không mua!

Thằng bé nài nỉ:

- Xin anh mua giùm em một tờ.

Nó nổi xung:

- Đã nói không mua mà. Đi đi!

Thằng bé bỏ đi, nó nhìn theo thân hình đen nhẻm và cái dáng nhỏ thó của thằng bé. Nó thấy tội tội...

Chiều. Giáo viên chủ nhiệm dẫn nó vào lớp ra mắt. Sau vài lời giới thiệu, giáo viên chủ nhiệm nhường lớp lại cho nó sinh hoạt. Nó bước lên bục, định nói vài dòng tiểu sử về mình. Chợt, nó nhìn thấy thằng bé có thân hình đen nhẻm bán vé số hồi sáng đang ngồi ở bàn ba. Những từ ngữ tốt đẹp về bản thân nó bị nghẽn lại ở cổ họng...


TRẦN THÀNH NGHĨA
#74
Văn xuôi / Quà quê
30/09/08, 13:21
Quà quê


Úp cái nón cũ của bà lên đầu, Nguyên lò dò lội xuống mương rau muống. Mặt nước tỏa những vòng tròn quanh chân, như những vòng hào quang. Nguyên đứng im, ngắm bóng mình dưới nước. Trong bộ quần áo nâu sờn cũ của bà, trông Nguyên giống một cô nông dân lắm.

Rau non, không cần ngắt mà là bẻ. Mỗi ngọn rau một tiếng bụp nhỏ, chẳng mấy mà trên tay Nguyên đã có một ôm rau kha khá, gần đủ cho một bữa ăn. Mùi nhựa rau nồng nồng ngai ngái trộn lẫn mùi bùn bị khuấy động tạo một mùi là lạ quen quen không sao diễn tả được.

- Ê, nhóc!

Nguyên giật mình. Nó đang lục tìm trong trí nhớ của mình về mùi hương này thì bỗng đâu có kẻ chu mồm vào phá đám. Nó hất cái nón ra sau, nhìn lên. Trên bờ, một thằng con trai mới trổ mã đang lom khom, mũ lưỡi trai đội ngược, áo sơ mi vằn vện màu sắc, quần lửng, giày bố, mồm bỏm bẻm nhai kẹo cao su như bò nhai rơm. Có biết Nguyên là ai không mà dám lên giọng. Nguyên nhìn lại mình, suýt nữa thì bật cười, anh chàng này lầm cũng phải. Không thèm trả lời, Nguyên bỏ ôm rau vào rổ, gượng nhẹ như sợ lũ rau bị đau. Thằng con trai trên bờ tháo balô ném phịch xuống cỏ:

- Nhóc có biết nhà bà Tám Trầu đi đường nào không?

Nếu là hôm qua, Nguyên sẽ không biết. May sao hồi sáng này khi bà Tám Trầu sang nhà bà Nguyên hỏi mua chục trứng gà, Nguyên đã thấy bà Tám quẹo vào ngõ có cây ngâu già. Nguyên đang định chỉ đường thì thằng con trai móc túi ra tờ giấy bạc màu xanh:

- Nhóc chỉ giúp, anh cho tiền.

Nguyên quắc mắt nhìn thằng con trai và nhìn tờ giấy bạc, cái mặt nghênh nghênh thấy ghét. Tuổi ấy còn đang phá tiền của bố mẹ chứ đã kiếm ra được xu nào. Nguyên cầm tiền, chỉ vào ngõ có cây ngâu. Thằng con trai mắt sáng rỡ, đi gần như lết với cái balô kéo lệt sệt đằng sau. Trông có vẻ gã này cũng đã đi bộ từ đường cái vào đây. Thằng con trai đi được mấy bước, quay lại:

- Sao không nói gì hết vậy? Bị gì à?

- Câm!

Nguyên buột miệng, đọc được sự ngạc nhiên đến buồn cười của thằng con trai. Thằng con trai phì cười lết tiếp, Nguyên bỏ tiền vào túi, ngoe nguẩy cắp rổ rau về. Đi hái rau mà còn hái cả ra tiền, kiểu này ngày nào nó cũng đi hái rau vài bận.

Nhà bà Tám mở tiệc mừng thằng cháu sinh viên miền Nam đích tôn. Hình như có chung một nửa con lợn với đám cưới làng trên. Bà cháu Nguyên cũng được mời. Cái lệ ở quê nhà ai có việc gì là cả làng cùng xúm tay vào, niềm vui cũng thành vui chung.

So với ấn tượng ban đầu, hôm nay thằng cháu đích tôn của bà Tám ăn nói dễ thương hơn nhiều. Nó đứng trước mọi người, đĩnh đạc, lễ phép nói lời cảm ơn vì mọi người trong làng đã đến góp mặt, chung vui cùng bà cháu nó. Nó còn đến từng bàn mời mọc, chỉ thấy còn thiếu mỗi cô dâu nữa là y hệt một đám cưới. Ý nghĩ này làm Nguyên phì cười, và tưởng tượng cảnh thằng con trai khoác tay một cô gái váy áo lòe xòe cười cười nói nói. Nguyên cứ nghĩ, và cười một mình, đến khi bà gõ đũa vào tay, ra hiệu có người đang nhìn Nguyên mới thôi cười.

Bà khen nhà ai khéo đẻ con, thằng bé vừa ngoan vừa ra dáng. Nguyên ấm ức, định kể chuyện chiều qua cho bà nghe, lại sợ bà cho là mình ghen tị. Thì thôi chín bỏ làm mười.

Con chó vàng sủa nhặng xị báo nhà có khách, ngoài ngõ, thằng con trai xách cái bị cói nhảy choi choi, quát chó ầm ĩ. Nguyên lững thững ra, cố ý không ngó ngàng gì đến con chó. Thằng con trai thò tay vào túi, lấy ra hộp trà với gói bánh dẻo:

- Bà anh gửi biếu bà nhóc, quà miền Nam ăn lấy thảo.

Nguyên thò tay qua song cổng nhận, tính quay vào nhà, nghe thằng con trai nhiều chuyện:

- Nhóc không cảm ơn và mời khách vào nhà sao?

Nguyên tỉnh bơ lắc đầu, giơ hộp trà ra:

- Muốn trả lại không?

- Hóa ra nhóc đâu có câm, cũng đáo để ra trò, sao kiệm lời vậy?

- Kiệm lời để thấy có người lắm lời.

Bà ở trong bếp ra, thấy nó, chạy ra kéo cửa:

- Cháu vào nhà chơi, đừng chấp em nó nhỏ dại.

Nguyên suýt nữa thì phá lên cười. Mới tối qua thôi bà nói là bằng tuổi Nguyên bà đã tay bồng tay bế, mẹ Nguyên đã phải thoát ly gia đình đi làm công nhân, vậy mà trước mặt thằng con trai này, bà nỡ đè Nguyên xuống còn "nhỏ dại". Thằng con trai nghênh ngang theo bà vào nhà, không thèm liếc Nguyên lấy nửa cái.

Vào đến sân, nó khen: - Nhà bà có cây na to ghê.

Vào đến nhà, nó khen: - Nhà bà mát và sạch ghê. Nhà có con gái có khác.

Đúng là đồ lẻo mép nhiều chuyện.

Bà rót nước cho nó, hỏi thăm:

- Cháu học trường nào?

- Dạ, trường luật.

- Ngày xưa gọi là thầy cãi.

Thằng con trai phì cười, bà lại hỏi:

- Cháu tên là gì nhỉ?

- Dạ, cháu tên Đăng. Còn cô nhóc đáo để kia tên gì hả bà?

- Em nó tên Nguyên. Nó bướng lắm, lại ngang như cua ấy. Có gì cháu đừng chấp em nó.

Nguyên liếc nó một cái, đồ con trai vô duyên, dám nói người ta đáo để.

Thằng con trai chào bà đi về, "mai kia cháu lại sang thăm bà và em". Ngang qua chỗ Nguyên đang đứng với con chó, nháy mắt: "Anh về nghe nhóc, bớt đanh đá còn lấy chồng chứ?".

Suốt thời gian còn lại của buổi sáng, Nguyên ngồi thầm rủa thằng con trai vô duyên. Bà đi ngang, giục:

- Có chịu sang nhà cô Thảo không, khéo người ta chờ đấy.

Nguyên sực nhớ, ngày mai nhà cô Thảo có đám cưới con gái, lũ con gái trong làng được "trưng dụng" đến chuẩn bị bát đĩa. Nguyên cũng không nằm ngoài số đó, sao nó không nhớ ra. Nó sẽ rủ thằng con trai kia đi cùng, cho mấy cô nông dân thứ thật trị cho một mẻ, hết dám khiêu khích nó.

Đám cưới làng vui và ấm cúng. Nguyên thấy thằng con trai kia cũng đến cùng với bà, vừa đi vừa cúi rạp người chào hỏi các ông bà trong làng, phong cách rất ngoan hiền. Thời này mà có một gã biết lễ phép như vậy kể cũng quý. Loay hoay một lúc, nó thấy gã đứng trước mặt mình:

- Sao đầu bù tóc rối vậy nhóc, lên xem cô dâu để còn học hỏi, khi nào đến lượt nhóc nhớ mời anh nhe.

Gã cười hinh hích bỏ đi, còn nho nhỏ hát: "Trời xe duyên nên khiến anh gặp em, cho lứa đôi kết thành...". Nó lầm bầm: "Oan gia".

Nguyên đạp xe ra chợ. Đường đê lộng gió, nó không về nhà ngay mà lang thang quanh chợ, lúc ra khỏi chợ trên tay đã có một túi hoa quả đủ loại. Chợ quê bán rẻ như cho, lại toàn quả ngon. Mấy tháng ở nhà với bà, thể nào Nguyên cũng tăng cân.

- Nhóc, nhóc!

"Oan gia" đứng xoạc cẳng, giang tay giữa đường ngăn xe lại:

- Chở anh ra chợ. Anh cần gọi điện.

- Khoai ở đâu mà bở thế?

- Con gái quê ghê gớm thật! Thế này nhé, cho anh mượn xe, anh cho (gã giơ hai ngón tay), còn cho mượn cả người và xe thì... năm ngón.

Nguyên phì cười, đồng ý luôn. Xem thử bao giờ thì gã hết tiền.

- Nhóc học lớp mấy rồi?

- Đoán đi.

- Xem nào, chắc lớp tám, nhưng cái mặt đáo để, ăn nói ghê gớm cho thêm một lớp nữa là lớp chín. Có đắt mấy cũng không qua khỏi lớp mười.

Nguyên bật cười, gã ngoái cổ lại:

- Cười gì thế?

Nguyên kéo áo gã, nhắc: 

- Đi cho cẩn thận.

- Khéo lo, anh là tay lái lụa đấy. Thành phố đông là thế anh còn biểu diễn được nữa là đường quê vắng vẻ thế này...

Một cái bóng màu đen vụt qua đường, trong một tích tắc ngắn ngủi. Ai mà chứng kiến chắc cũng chẳng kịp nhìn thấy gì ngoài tiếng chó kêu ăng ẳng đau đớn khuất dần sau bụi cây, tiếng xe đổ, tiếng kim loại va vào nhau. Đến khi định thần lại có thêm tiếng rên rỉ của một thằng con trai, và hiện trường hiện rõ có một cái xe đạp bánh trước quăn quéo như cái bánh phồng tôm, thằng con trai ngồi xoạc cẳng, một chân còn gác qua khung xe nhăn nhó ôm tay. Cách chừng một mét về phía sau là một đứa con gái đứng tỉnh bơ, áo quần nó vẫn sạch sẽ tinh tươm. Thằng con trai bực bội:

- Biết võ à?

- Không.

- Sao phi xuống lẹ vậy?

Nguyên không trả lời, dựng xe dậy. Gã bỏ luôn ý định ra chợ. Tìm chỗ sửa xe, Nguyên phải chở gã về, cần phải đến chỗ thầy lang, hình như tay gã bị bong gân hay trật khớp gì đó. Cổ tay gã đang sưng lên nhanh chóng.

Nguyên chở gã đến nhà thầy lang già, không biết ông làm gì mà ở ngoài này còn nghe gã hét lên đau đớn và giọng ông lang hả hê: "Xong rồi". Ông bó cho gã thứ thuốc bột thơm lừng mùi quế, gã nhăn nhó xuýt xoa. Nó tỉnh queo:

- Công nhận tay lái lụa.

Vụ ngã xe làm gã phải ngồi nhà cho bà chăm sóc. Nó có qua chơi mấy lần, nghe bà gã xuýt xoa thương cháu nội, nghe gã nhăn nhó khi nó thay thuốc giùm. Cái mặt nghênh nghênh hồi gặp ở mương rau muống đi đâu mất, nhưng cái miệng thì vẫn không chừa.

- Mai đi hái rau muống nữa nhe. Hôm đó cứ nghĩ mình vớ được cô thôn nữ ngoan hiền, ai ngờ hóa ra...

Nó không thèm đấu khẩu, nghiến răng siết hai đầu vải, gã cũng nghiến răng chịu đau mà không dám kêu. Bà nội gã tưởng nó giận, vội vàng ra mắng cháu mình. Nó hất mặt ra về, lòng đinh ninh mai sẽ buộc chặt hơn nữa cái băng cho bõ ghét.

Bà ốm, phải đi viện. Nguyên ở luôn ngoài viện với bà. Hai mắt nó sưng húp, nó hoảng sợ khi nghĩ một ngày nào đó nó sẽ không còn bà ở bên mà thương yêu, mà mắng "chó con". Gã ra thăm, mang theo một túi hoa quả. Nó hỏi mà không nhìn gã:

- Ra làm gì?

Gã thản nhiên:

- Ra cho y tá riêng thay băng. Tay đau mà.

Nó quay đi, không cười. Gã vẫn vẻ nghênh ngang thường ngày, cúi nhìn nó.

- Thôi nào, lớn rồi. Khóc người ta cười cho đấy.

Nguyên cảnh giác:

- Khóc hồi nào?

- Mắt sưng húp thế kia không khóc thì là gì?

Nước mắt Nguyên lại chảy ra. Rất tự nhiên, gã vòng tay qua, vỗ vai nó rất ân cần. Tối, gã ở lại viện trông bà với nó, cô bác sĩ còn nói bà có hai đứa cháu hiếu thảo. Hôm nào gã cũng ra, không nói ra, có gã, Nguyên cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

- Này.

- Gì?

Gã xòe tay ra:  - Năm ngón tay, anh còn nợ nhóc. Của nhà làm được đấy.

Nó lườm:

- Tôi có tay rồi, lấy làm gì nữa.

- Hôm nọ anh nói anh cho nhóc năm ngón tay, nhóc chả đồng ý là gì. Giờ nó là của nhóc rồi, nhóc muốn làm gì chúng thì tùy, nhưng anh báo trước, chúng rất thích được nắm thật chặt và ở gần tay nhóc như thế này này.

Nó rụt tay về. Gã cười hinh hích:

- Công nhận nhóc ẩn mình kỹ thật. Sẽ có một ngày anh ra thăm Thủ đô của nhóc. Sẽ mang năm ngón tay này trả cho chủ nhân mới của chúng. Chắc Thủ đô không có chó đâu nhỉ?

Cô bác sĩ báo mai bà được ra viện, nó chờ mãi mà chưa thấy gã ra. Đến trưa cũng không thấy. Tự dưng nó thấy dỗi, tự nhủ lát nữa gã đến, nó sẽ không thèm nói chuyện. Rồi lại tự giễu mình, gã không ra thì sao, gã có quyền không ra lắm chứ.

Bà về, cũng không thấy gã sang. Mãi tối, bà gã mới sang thăm, báo tin, bố mẹ gã ở trong Nam ra, gã phải đi đón, tiện đi cùng bố mẹ thăm thú họ hàng ở tỉnh bên. Gã vội đi nên không ghé thăm hai bà cháu nó cũng phải. Nguyên thở dài, nhìn lịch. Nó sắp phải đi rồi, sẽ không gặp được gã để chào. Mà đã có gì đáng để bịn rịn đâu.

Nguyên ở thêm với bà một tuần nữa. Một tuần vui bên bà nhưng vẫn thấy thiếu thiếu cái gì. Rồi tự hỏi cái tay của gã không biết đã lành hẳn chưa. Hôm nọ thằng nhóc nhà hàng xóm bị ngã trật khớp chân cũng được ông lang già chữa, chỉ một tuần là khỏi. Không biết gã có còn quay lại đây hay là vào luôn miền Nam. Có khi nào gã nhớ nó không? Một chút thôi?

Chiều nó đi, bà làm gà cho nó ăn, hai bà cháu cứ nhìn nhau. Nguyên bảo hay bà lên thành phố ở với bố mẹ nó mà bà không chịu, nói đã quen sống ở quê. Bà ngậm ngùi: "Mỗi năm cháu về thăm bà một lần là bà vui rồi. Hai năm nữa cháu ra trường, đi làm, rồi lấy chồng là hết có thời gian về ở với bà". Nó ngúng nguẩy: "Còn lâu cháu mới lấy chồng". Bà nhìn xa xăm: "Thằng cháu bà Tám Trầu cũng ngoan nết, bà thấy nó cũng được". Nó phì cười: "Nó được là việc của nó, liên quan gì đến cháu bà". Bà lườm nó: "Thì bà cứ nói thế!".

Nó cười, cũng nghĩ là gã được. Nó tin gã sẽ làm như những gì gã nói, gã là món quà quê đã tặng riêng nó trong mùa hè. Nó cười một mình, lan man nghĩ đến ngày mình được sở hữu những năm ngón tay... 


NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
#75
Lung linh trăng rằm


Gần đến trung thu, tôi thấy những đứa trẻ cùng xóm có món đồ chơi rất lạ. Bọn chúng bảo đó là lồng đèn điện, dùng để rước ông trăng trong đêm rằm trung thu. Tôi thấy hứng thú lắm với những cái lồng đèn của mấy đứa bạn. Những ngọn đèn điện thắp lên trong đêm nhấp nháy thật đẹp.

Tôi muốn mình cũng có một cái như thế nên đã về nhà vòi bố mua cho. Nhưng chỉ thấy bố thở dài và đôi mắt càng thêm trĩu nặng. Tôi hiểu nên không nói gì thêm. Với hai bố con tôi, kiếm miếng ăn đã khó huống gì mua mấy thứ xa xỉ như thế. Vả lại nghề đạp xích lô của bố ngày càng hiếm khách.

Tôi hơi thất vọng. Rồi một suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi: "Sao mình và bố không cùng làm một cái lồng đèn nhỉ?". Bố cười, xoa đầu tôi. Hai bố con cùng bắt tay vào làm một cách khẩn trương vì hôm nay đã là ngày 13 rồi. Bố ra sau nhà chặt tre vót thành từng nan dài. Còn tôi thì lấy những tờ giấy gương mẹ gói kẹo còn dư trong tủ, cắt thành những hình mà bố đã định sẵn. Bố thật là giỏi, thoắt cái khung lồng đèn đã được làm xong. Tôi đảm nhiệm phần dán giấy và trang trí. Cuối cùng, công sức của hai bố con đã được đền đáp bằng cái lồng đèn thật tuyệt. Tôi ôm chầm bố cảm ơn. Bố cười, đôi mắt sáng ngời niềm vui. Tôi mong trời mau tối để khoe cùng bạn bè. Cảm giác đó thật khó tả và không ai có thể hiểu được.

Tối. Bố châm lửa cây nến trong cái lồng đèn. Ánh nến làm nó sáng rực lên. Thứ ánh sáng thật đẹp, dịu dàng như nụ cười của bố. Tôi chạy ra chung vui cùng lũ bạn. Bố từ trong nhà dõi theo tôi, trong đôi mắt vẫn còn in ánh sáng của chiếc lồng đèn.

Được một lúc, tôi trở về với cái lồng đèn tắt ngúm. Tôi thút thít kể lể cùng bố. Lũ bạn chê cái lồng đèn của tôi. Chúng bảo tôi tự làm trông thật xấu xí. Bọn nó không muốn chơi cùng tôi. Bố ôm tôi vào lòng và dỗ dành. Tôi không khóc nữa. Bố lấy ra một cái lồng đèn khác. Bố đã làm nó từ lúc nào tôi không biết. Bố bảo bố sẽ chơi cùng tôi. Hai bố con đứng dậy, chạy nhảy quanh cái sân nhỏ trước nhà. Tiếng cười của tôi và bố âm vang cả góc sân. Bố hát to: "Đêm trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường...". Tôi cũng lẩm bẩm hát theo vì chưa thuộc lời.

Rằm. Tôi và bố ngồi trước sân từ sớm chờ trăng lên. Tôi nằm gọn lỏn trong lòng bố và ngắm trăng rằm. Bên cạnh tôi là hai chiếc lồng đèn được thắp nến sáng rực. Thỉnh thoảng cơn gió hắt qua làm ngọn nến lay lắt. Tôi nằm yên bên bố. Gió liu riu đưa tôi vào giấc ngủ say. Đêm trung thu tuyệt vời.

Giờ đây, bố tôi tha phương kiếm ăn nơi xứ người. Trung thu lại về, lòng tôi nhớ bố khôn nguôi. Tôi mở tủ, lấy ra chiếc lồng đèn bố đã làm cho. Những nan tre đã mục dần theo thời gian. Những miếng giấy bóng cũng đã nhạt màu. Mân mê cái lồng đèn trên tay mà nước mắt chảy ngược vào tim. Tôi thầm gọi: "Bố ơi!". 


NGUYỄN QUỐC VIỆT
#76
Văn xuôi / Lý do chính đáng
30/09/08, 12:55
Lý do chính đáng


Ngày đầu tiên nhập học, chẳng ai muốn nổi tiếng bằng cách mò vào lớp sau thiên hạ. Không nhất thiết phải làm học sinh gương mẫu nhưng ít ra cũng phải đến trường đúng giờ. Tôi không mong được thầy cô "ưu ái" xếp vào dạng cá biệt nên tối hôm trước đã đặt hai cái đồng hồ báo thức. Vậy mới chắc ăn!


Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ thật đẹp. Tôi không thuật ra đây nhưng các bạn phải hình dung giấc mơ đẹp đến nỗi khi hai cái đồng hồ nối nhau rung lên, tôi không buồn bật dậy như đã quyết tâm trước đó. Tôi chỉ khẽ thò tay tắt cái bụp. Vậy là lại tiếp tục "giấc mơ tiên".

Đến khi giật mình choàng dậy, tôi... hận mấy ông sản xuất đồng hồ kinh khủng. Chứ sao! Nếu người ta giấu kỹ cái nút "on, off" hoặc làm cho nó khó sử dụng hơn thì tôi đâu có ngủ quên như vậy. Đằng này họ lại đặt cái linh kiện quan trọng đó ở một cái chỗ lộ liễu vô cùng và cách sử dụng nó cũng cực kỳ đơn giản. Đơn giản đến mức không cần đến một ý thức tỉnh táo, bạn vẫn có thể tắt bụp nó dễ dàng giống như tôi đã làm trong lúc... đang còn mơ. Thật là bi kịch!

Nhưng dù có trễ cả tiếng đồng hồ, bạn vẫn không thể bỏ ngày đầu tiên được. Nếu làm thế, tôi dám chắc cái tên của bạn sẽ bị thầy cô chú ý nhiều hơn. Một thằng nhóc vô kỷ luật. Hẳn là người ta sẽ nghĩ như vậy rồi. Mà như thế thì oan quá. Dù sao trốn buổi đầu cũng không phải là thượng sách.

Thượng sách là bạn phải trình bày hoàn cảnh éo le của mình sao cho thầy cô có thể sụt sùi cảm động mà bỏ qua lỗi lầm của bạn. Bạn phải nghĩ ra một lý do chính đáng và tội nghiệp đủ để khi xếp trong một tương quan so sánh nó là con voi, còn cái sai của bạn chỉ là con kiến.

Nhưng để tìm ra một... con voi như thế không dễ dàng gì, nhất là khi bạn vừa phải hộc tốc đạp xe vừa phải nặn óc suy nghĩ. Kẹt xe ư? Sẽ là một phương án hay nếu tôi ở một thành phố lớn. Còn thành phố của tôi thì đốt đuốc soi mười năm cũng chẳng tìm thấy vụ kẹt xe nào.

Không thể lò dò vô lớp với bộ mặt "nai tơ" mà gãi đầu: "Em lỡ ngủ quên!" được. Nếu bạn học cấp một thì lý do thật thà đó còn có thể được chiếu cố. "Ừ, thằng nhỏ còn ham ăn ham ngủ. Thôi tha cho nó lần này", thầy cô nghĩ vậy và khoát tay một cách bao dung: "Em có thể vào!". Nhưng tôi không học cấp một. Năm nay tôi lên cấp ba. Học đến cấp ba rồi thì không thể biện hộ mình còn ở độ tuổi ham ăn ham ngủ như các em nhi đồng được. Nghĩ vậy, tự nhiên tôi thèm được nhỏ đi vài tuổi vô cùng. Trời đất ơi!

Cuộc đời không phải là trang cổ tích. Không phải cứ cầu là được, cứ ước là thấy. Nguyện vọng quá đáng của tôi cũng không thể nào là hiện thực, dù có kêu trời đến trăm bận, kêu đất cả ngàn lần. Nhưng cuối cùng, trong đầu tôi cũng lóe lên một kế: hư xe. Phải! Tại sao tôi không nghĩ ra cái lý do đơn giản ấy ngay từ đầu nhỉ? Hư xe. Quá chính đáng! Thật tuyệt vời!

Dĩ nhiên tôi không thể phá hỏng chiếc xe rồi vác thẳng nó lên tận tầng ba để trình cho giáo viên và cả lớp thấy. Nhưng tôi muốn lý do mình đưa ra thật sự thuyết phục. Tôi muốn mọi người tin rằng lời nói của tôi là sự thật trăm phần trăm. Thế là tôi tấp xe vào lề đường.

Đó là một khúc đường vắng nên chẳng ai để ý đến hành động kỳ quái của tôi. Đầu tiên tôi tháo cái đĩa chắn sên xe ra, quệt một ít nhớt và xoa đầy hai tay. Phải làm cho giống xe bị hư nặng một chút và để mọi người tin rằng mình đã phải sửa chữa một cách khó khăn, tôi ịn một vết nhớt lên gò má, giống như ta đây đã cố gắng đến toát mồ hôi, đành phải đưa cái tay dơ hầy lên chặm mặt. Còn định quẹt nhớt lên áo nhưng sau một hồi tính toán thiệt hơn lại thôi. Hi sinh cái áo trắng bóc đó, mẹ không treo tôi lên mới lạ.

Mọi việc xong xuôi, tôi... hùng dũng giong xe đến trường.

Bác bảo vệ chặn tôi lại:

- Mày đi học muộn!

Tôi vội xòe hai bàn tay ra... khoe:

- Cháu hư xe.

- Mày nói xạo! Ngủ quên phải không?

Không biết ông bảo vệ này giữ cổng trường được bao lâu rồi mà "cao thủ" đến thế. Nhưng tôi tin ông chỉ đoán mò, bèn cãi cố:

- Cháu hư xe thật mà!

Bác bảo vệ lắc đầu:

- Đừng chối nữa! Về đi! Ngủ quên đến lớp trễ chỉ làm trò cười cho bạn bè.

Tôi nói như sắp khóc:

- Cháu nói thật mà! Cháu dậy từ lúc năm giờ. Trên đường đi xe bị trật sên...

Bác bảo vệ nheo mắt, giọng châm biếm:

- Và cái gương nhà cháu bị bể cho nên cháu không biết mắt mình vẫn còn ghèn và trên cái đầu xù như tổ quạ có dính một cọng chiếu...

Tôi đứng chết trân. Quả thật lúc nãy tôi chỉ rửa mặt quáng quàng rồi vội vã bươn đi nên không kịp... chỉnh đốn dung nhan. Mặt tôi đỏ dừ. Đúng là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Cuối cùng tôi đành ngượng ngập thuật lại đầu đuôi nguyên do. Bác bảo vệ khoát tay, tỏ ra rộng lượng:

- Thành thật ngay từ đầu có phải tốt không, cậu bé.

Rồi bác cười buồn:

- Ngày xưa tao cũng có những giấc mơ như mày. Nhưng tao không có đồng hồ báo thức. Chỉ có một con gà trống thôi. Mà gà trống thì khi nó gáy tao không thể chạy ra chuồng bóp cổ cho im rồi trở vào ngủ tiếp như mày có thể làm với chiếc đồng hồ đâu.

Tôi im lặng, ngoan ngoãn dắt xe qua cổng. Bỗng bác gọi giật giọng:

- Này! Lại lấy đôi dép bác mà mang! Mày không thể trưng cái lý do hư xe ra cho thầy cô tin trong khi dưới chân đang đi một đôi dép hai màu đâu.


NGUYỄN TRẦN THIÊN LỘC
#77
Những con đường trong cuộc đời con


Đã tròn một năm con xa quê. Ngày ấy ra đi mưa rơi dầm dề, nước chảy từng dòng len lỏi qua từng ngõ xóm. Ở nơi mới này, con vẫn thường thả bộ dưới mưa. Mưa đưa con đi qua những đường phố dài, dài lắm. Phố dạo này sầm uất quá. Mỗi đường phố con đi qua đều mang một tên riêng cho mình. Bất giác con nhớ về những con đường làng quê mình và nhớ về những con đường âm thầm, lặng lẽ mà con đã, đang và sẽ đi qua...

Con vẫn hay bước trên con đường mang tên CHA, vẫn thấy thấp thoáng xa xa mái tóc muối tiêu (có lẽ giờ này muối đã nhiều hơn tiêu rồi đấy!) phất phơ bay bay theo gió trên chiếc xe cọc cạch thô sơ gồ ghề. Con bước đi trên con đường âm vang tiếng "cọc cạch... cọc cạch..." ấy mãi mãi suốt cả cuộc đời này. Những nẻo đường vòng vèo quanh co như những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt cha. Con yêu từng nắm đất trên con đường ấy vì nó đã thấm mặn mồ hôi cha.

Con vẫn nhẹ nhàng đi qua con đường mang tên MẸ, vẫn vô tình bước đi trong nước mắt mẹ nhạt nhòa như con vẫn đẫm mình dưới mưa trên từng con phố. Mưa và nước mắt mẹ tranh nhau hôn lên má con. Mưa và nước mắt mẹ xuôi dòng trên con đường con đi, tiếp thêm nghị lực cho con trên đường đời.

Con bước đi trên con đường mang tên thầy cô, bè bạn. Có yêu thương hờn giận cho một thời để nhớ. Có nước mắt, nụ cười của thời mộng mơ. Con đường này đã đưa con, dạy con cách lớn lên và đưa con đến những bến bờ kỳ diệu.

Con đã bước đi trên những con đường không tên khác. Những con đường tuy không tên hóa ra có nhiều tên hay đến vậy. Trên con đường ấy,có chị bán nước cho con ly nước mát mỗi ngày, có bác xích lô đèo con đi học ngày ngày mà chưa bao giờ lấy một đồng tiền công, có anh thanh niên sửa xe đạp vui tính...; có mọi yêu thương đến từ mọi nẻo đường.

Con và một ai đó sẽ đi ngang đời con, sẽ tiếp tục bước trên con đường mang tên CON dù con vẫn biết không dễ dàng gì. Có cao thấp gập ghềnh, gian nan vất vả. Con đường này dài xa tít tắp, không bến bờ. Con biết rằng dù sẽ vấp ngã rất đau nhưng rồi cũng sẽ có vinh quang nơi phía cuối con đường. Và quan trọng hơn, con đường này được hình thành từ những con đường trước đó. Con sẽ mãi bước hết khả năng của mình vì những con đường con đã đi, và vì một con đường mang tên CON...


TRẦN VŨ THÚY VY
#78
Văn xuôi / Con hoang
30/09/08, 12:53
Con hoang


Năm tôi sáu tuổi, đi học về tôi chạy vù đến mẹ dồn dập hỏi:

- Ba con đâu?

- Ba đi làm ăn xa, sắp về rồi! Mẹ quay lưng ngước mặt nhìn xuyên qua bầu trời của ngày nắng gắt.

Mười sáu tuổi. Không chịu nổi tiếng người dèm pha, tôi đối diện với gương mặt khắc khổ những dấu chân chim của mẹ:

- Con là đứa con hoang phải không?

- ...

- Sao mẹ im lặng? Con phỉ nhổ vào chữ "trinh" mẹ dạy con hằng đêm.

Cơn đau tim quật mẹ quỵ ngã.

Ngày mẹ lên bàn mổ, sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ. Kéo tay tôi lại gần, mẹ nói nhẹ như không:

- Nhiên ơi! Nếu sáng mai mẹ còn nhìn thấy ánh bình minh thì còn gì vui bằng. Ngược lại thì con nhớ lời mẹ dặn: tủ sắt, hộp nhỏ và một lá thư.

Và mẹ ra đi mãi mãi...

Cúng 100 ngày cho mẹ xong. Tôi leo lên gác lục tung tủ sắt nằm im lìm trong một góc tối. Bên trong tủ có hộp gỗ nhỏ đã ngả màu và bên trong hộp có một lá thư gần như rách nát: "Chị Hai, kết quả của mối tình non dại giữa em và anh Kha là em sinh ra bé Nhiên. Gia đình không chấp nhận. Người ta ruồng bỏ. Em nợ chị ngàn lạy, chị hãy coi bé Nhiên như con ruột của mình...".

Tôi gục xuống giữa bao nhiêu sự xa xôi. Mẹ ơi!


BÙI TRƯỜNG TRÍ
#79
Văn xuôi / Con bươm bướm
30/09/08, 12:50
Con bươm bướm


Đã bảo cho thằng Tý đi học, không có lôi thôi gì cả. Chị Lượm nghe chồng nói nửa vui nửa buồn. Từ ngày gá nghĩa với Hai Luông, giờ chị mới thấy hắn có lo lắng cho thằng con của chị.

Lâu nay thằng nhỏ sáng sáng bán vé số dọc đường, trưa về thì xách nước, lặt rau. Bây giờ được đi học còn gì hơn? Nhưng sao lòng tử tế của Hai Luông lại được phát ra bằng giọng nói cộc cằn thường lệ, làm chị cứ sờ sợ thế nào ấy.

Chị nhẩm tính mỗi tháng chị kiếm chưa tới bảy trăm bạc. Thằng Tý đi học, nghe người ta nói ít ra mùa khai giảng phải tốn vài ba trăm. Lại còn quần áo, sách vở. Hai Luông nói vậy nhưng chắc chẳng chịu bỏ ra đồng nào. Mà thằng nhỏ cũng bướng lắm, la cà quán xá quen rồi, liệu có chịu đi học không đây?

- Không lôi thôi gì cả, tới hè này mà nó không biết đọc thì mày chết với tao!

Mắt Hai Luông đỏ sọc. Chắc mới uống vài chén ở đâu đó. Hắn đã giở cái giọng ấy ra thì chị làm gì còn dám cãi.

oOo

Chị Lượm làm phụ nề nơi cái nhà ba tầng to bự đang mọc lên lừng lững giữa ngã ba phố chính. Nghe nói là chi nhánh của công ty nào đó lớn lắm trong Sài Gòn. Hồi trước, thằng Tý trưa về còn giúp chị được ấm nước, nồi cơm. Bây giờ nó đi học, chị tụt từ giàn giáo xuống là vội bươn ra chợ mua mớ rau, nắm tép, nấu vội nấu vàng.

Ít ai biết ngay sau dãy phố chính đồ sộ lại có dãy nhà ổ chuột dựa lưng vào mép hồ, mỗi căn nhà ghép thành từ hàng trăm mảnh tôn vá víu. Gặp bữa trời mưa, nước dột chảy tong tong khắp nhà. Thằng Tý nằm chùm hum trên giường tập viết. May mà thằng nhỏ cũng chịu khó học. Nó sợ đến hè mà không biết đọc, dượng Hai Luông đánh má nó.

Mùa đông năm nay trời cứ mưa hoài nên cái nhà ba tầng xây mãi chưa xong. Mưa, không đi làm được, chị Lượm kiếm áo cũ ra vá lại. Điệu này chắc phải hỏi tiền chồng để đong gạo. Chị Lượm liếc về phía Hai Luông đang vạ vật trên giường, thấy lo lo. Cửa mở, thằng Tý bước vào, cởi cái áo tơi đẫm nước. Nó đưa cho chị cuốn vở. Mới được điểm 6. Lòng không yên nên chị chỉ nhìn ơ hờ. Hai Luông thấy vậy nhổm dậy, chỉ vào trang giấy:

- Đọc tao nghe.

"Kìa... con... bướm... vàng...". Thằng Tý vừa đọc vừa nhẩm. Hai Luông cáu kỉnh:

- Học bốn tháng rồi mà đọc chậm như rùa bò.

Tý rụt lại, lủi vào một góc. Qua lỗ hổng trên vách chỉ thấy mưa, thấy bức thành loang lổ ẩm ướt sau nhà. Nó mơ nghĩ về con bướm. Thực tình nó chưa thấy một con bướm thật bao giờ. Trong hẻm phố không có cây, không có hoa. Ở trường nó học chỉ có khoảng sân hẹp tráng ximăng trơ trụi.

oOo

Khi nhận những đồng tiền công cuối cùng, chị Lượm mới biết cái nhà ba tầng ấy sẽ là một siêu thị sách. Nghe nói sẽ khai trương to lắm, có đủ ông to bà lớn đến dự. Cô Hạnh quản lý giao cho chị lau chùi các kệ gỗ trước khi bày sách lên giá.

Hì hục suốt mấy ngày nên chị chẳng thấy thằng Tý mấy hôm nay ở đâu. Cả Hai Luông nữa. Nghe bảo hắn dẫn thằng Tý đi ăn cơm bụi ngoài quán ông Biên. Ừ thì chị lu bu ở đây suốt ngày, có về lo cơm nước được đâu. Mà hôm nay sao Hai Luông trở chứng tử tế vậy, hay là trời rủ lòng thương chị nên xui hắn đổi tính, đổi nết?

"Đâu phải mình thằng Tý, hắn dẫn theo năm sáu đứa trong xóm. Trúng số hay sao xài sang dữ ha?" - bà Bầu lối xóm bảo.

Thôi kệ, cũng may, mình rảnh tay mà cố cho xong mấy cái tủ cuối cùng, kiếm chút tiền. Ngày mai là phải đi tìm việc chỗ khác rồi.

Lễ khai trương vào bốn giờ chiều, khách đến dự ai cũng comlê, áo dài là lượt. Bốn dãy bong bóng châm nghe bôm bốp giả tiếng pháo mừng.

Cắt băng xong, quan khách vào rồi, cả đám đông đứng xem cũng ùa vào theo, nhà sách đông nghịt. "Điệu này dễ mất sách quá thôi?" - chị Lượm thầm nghĩ nhưng biết làm gì, nhân viên ai cũng tíu tít, ai cũng mới tuyển vào, mới bữa đầu làm việc...

Xong việc về nhà, đang lui cui quẹt diêm nhen bếp nấu nước, bỗng chị nghe tiếng bà Bầu:

- Trời Phật ơi, tụi con nít bị cảnh sát tóm hết rồi, không biết có thằng Tý trong đó không?

Hai chân chị Lượm rụng rời. Cả xóm rần rần kéo tới: tụi con nít khai ra Hai Luông tổ chức cho tụi nó len vào trong đám đông chen chúc, mỗi đứa lấy một ít sách. Nghe nói trên Hai Luông có thằng khác nó chỉ thị bắt tụi nhỏ lấy cuốn nọ, cuốn kia, phải trúng tên sách mới bán được. "Ghê hông, nghe bảo số sách mất trị giá hơn mười triệu!".

Trời ơi. Thảo nào hắn bắt thằng Tý phải biết đọc. Chị Lượm bập bệu chạy ra đồn công an. Không có cu Tý ngoài đó. Chị lại từ đồn công an chạy về siêu thị sách.

Siêu thị ngày đầu kinh doanh, tám giờ tối vẫn còn sáng đèn. Chị Lượm cố gượng giữ cho hai đầu gối đừng run, đi quanh quẩn giữa những giá sách. Không biết con mình nó có ẩn nấp đâu đây không?

Ôi trời, con chị đây rồi. Nó không nấp mà đang ngồi đàng hoàng trên cái ghế nệm dưới chân cột, mũi cắm vào một cuốn sách to có hình vẽ. Cuốn sách ấy chữ rất to và thưa, nhưng Tý đọc rị mọ mãi vẫn chưa xong. Hai Luông dặn chúng chỉ cần đọc cái bìa, nhưng thằng Tý tò mò giở sang trang kế tiếp, cứ thế nó mê mải quên cả hiệu lệnh rút lui của ông bố dượng. Bây giờ nghe mẹ gọi, cu Tý giật mình, ngóc đầu lên.

Trên trang giấy lớn là một con bướm rất đẹp. Cuốn sách nói về đời sống của chuồn chuồn và bươm bướm. Rồi nó theo lũ bươm bướm lang thang hết trang này đến trang khác...

Viên sĩ quan công an đang kiểm tra hiện trường đi ngang, đứng lại xét nét nhìn.

Cô Hạnh bảo:

- Em nhỏ này vào đọc sách, chứ không phải trộm sách đâu anh.

24-8-2008


TRẦN THÙY MAI
#80
Văn xuôi / Re: Thầy khai tâm
30/09/08, 12:49
Thanks garu và các bạn nhiều vì đã thích những câu chuyện TA post lên!  ;)
SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội