Người con gái xứ Quảng lòng son, dạ sắt

Started by vitconhocve, 30/04/07, 19:35

Previous topic - Next topic

vitconhocve


Vợ chồng bà Cúc trong vòng tay của bác Tô (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng)
Với một nữ biệt động, được gặp Bác Hồ 8 lần là niềm vinh hạnh vô ngần. Người nữ biệt động ấy còn được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem như con nuôi, được đi khắp các nước XHCN thời bấy giờ để "báo cáo thành tích".

Đó là sự "đền đáp" xứng đáng cho sự kiên trung, gan dạ của nữ biệt động Trần Thị Kim Cúc (SN 1945 - hiện ở số nhà 149 Thanh Long - TP. Đà Nẵng), người đã khắc thêm vào truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc ta một dấu ấn của tinh thần "không khuất phục trước kẻ thù"...

Chiến đầu mưu trí và ngoan cường

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, thủa nhỏ, bà đã được hun đúc lòng căm thù giặc khi chứng kiến những cái chết của người thân và bà con xóm làng dưới bàn tay của kẻ thù. Anh trai hy sinh trước họng súng của giặc; cha bị bọn địch hành hạ, phải "lìa trần" khi tuổi còn trung niên.

Lên chín, lên mười Trần Thị Kim Cúc đã là một liên lạc viên nhanh nhẹn, giỏi dang. 14 tuổi, xin đứng vào hàng ngũ đội du kích xã để được đánh giặc, trả thù. Trận mở màn của cô bé tuổi chưa độ tròn trăng đầy kỷ niệm, không bao giờ phai nhạt. Bà nhớ, đó là trận đánh ở cầu Tuý Loan (nay xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng). Để chặn bước tiến của giặc, Cúc được giao nhiệm vụ kiếm dầu lửa, rơm, củi khô... còn mấy anh du kích thì trộm hắc ín (nhựa đường) của giặc để đêm đến hoả công đồn Phú Hoà.

Năm 1962, khi nghe tin có 34 sĩ quan Mỹ đến Đà Nẵng huấn luyện cho nguỵ quân, bà cùng anh Phạm Nổi (sau này được phong Anh hùng LLVTND) là cơ sở nội tuyến được cử đi thăm dò. Đứng bên vách đá gần biển Tiên Sa xem chúng huấn luyện, thấy gần quá, cộng với "máu căm thù" bùng lên, hai anh em ném 2 quả lựu đạn M26 vào quân địch.

Tiếng nổ đinh tai, vang trong tiếng hoảng loạn, gầm rú của bọn địch. Hai anh em tháo chạy trên chiếc xe đạp, nhưng bọn quân cảnh khám xét quá dữ, cô bé 17 tuổi nhanh chân nhảy vào quán mỳ Quảng ven đường đun khẩu súng Ru lô được giấu trong người vào nồi... nước lèo. Bà chủ chưa hiểu đầu đuôi, mặt xanh tái, hai anh em vét hết tiền "đền" rồi tháo chạy... Được biết, lần đó có 3 tên lính Mỹ chết tại chỗ, 2 tên bị thương nặng.

Giữ trọn lòng son giữa bạo tàn

Sau khi xuống nội thành Đà Nẵng hoạt động, bằng sự khéo léo, bà Cúc đã vận động hàng chục binh lính cộng hoà quay về với cách mạng. Ở tuổi 17, bà được bầu làm Đội trưởng biệt động thành, hoạt động trong lòng địch.

Bà không thể nhớ hết những lần bị bắt và bị tra tấn dã man của kẻ địch. Chúng dùng những hình phạt man rợ: vứt vào hầm đất; đổ nước xà phòng vào miệng; đánh bằng chày đến hộc máu miệng, mũi; buộc ngược lên xà nhà rồi lấy kim châm; đập vỡ bóng đèn nê-on rồi "nhét vào cửa mình"... Bằng mọi cách vẫn không thể khai thác được một lời từ bà, chúng dùng "hạ thủ" cuối cùng là đóng đinh vào đầu.

Bà nhớ: "Sau khi đánh tôi be bét máu, mấy thằng mật thám khu 11 đem ra một cây đinh trắng dài chừng 5 cm (bỏ trong chai cồn) để trước mặt, hù doạ: "cái này đóng vào sọ não thì sức mấy mà không khai". Tôi vẫn nằm im, bất động. Chúng lật úp lại, trói chặt tay, chân trên chiếc ghế dài rồi... đóng cây đinh vào đầu".

Vừa nói, bà vừa vén tay trên đầu còn in dấu sẹo. Bà nói tiếp: "Lúc đó, cảm giác đau buốt tràn khắp cơ thể, mắt như thể bị ai chọc que vào. Tôi như chết lịm". Vì sự tra tấn cực hình này mà cuộc đời bà luôn đau đớn bởi những cơn động kinh từ hàng chục năm nay, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

8 lần gặp Bác Hồ, những kỷ niệm không phai

Từ đó bà Cúc như người mất hồn, nhất là khi những cơn động kinh "hoành hành" dữ dội... Bà được đưa ra miền Bắc dưỡng thương. Trong đau đớn, bà được đón nhận nhiều niềm vui, nhất là sự quan tâm, động viên của vị Cha già dân tộc.

Với bà, dấu ấn lần được nhìn Bác Hồ trên ảnh vào năm 1961 khi được vào Đảng, được tổ chức tặng 1 tấm ảnh Bác Hồ làm kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Bà "ôm" tấm ảnh Bác Hồ vào lòng và nguyện thề cống hiến cho Tổ Quốc, cho Đảng.

Bà Cúc nhớ mãi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Hôm đó lại vào đúng ngày sinh nhật Bác, 19/5/1966. Đang điều trị ở Bệnh viện Việt- Xô, cùng phòng với bà Mười (quê Mỹ Tho - Tiền Giang) thì GĐ Bệnh viện, bác sĩ Trần Kim Ánh thông báo chút nữa có người trong Phủ Chủ tịch đến thăm.

"Như một giấc mơ" - bà Cúc xúc động nhớ lại: "Khoảng 19 giờ, tôi thấy một người dáng cao, nhanh nhẹn với chòm râu bạc phơ, đi vào. Thoáng nhìn, tôi biết đó là Bác Hồ, Bác mặc bộ bà ba màu nâu thẫm, khoác chiếc áo bơ-lu trắng. Tôi hồi hộp, xúc động những muốn chạy thật nhanh để ôm Bác nhưng hai chân như có cảm giác dính dưới đất. Còn chị Mười thì không thể đi được vì chân bị tê liệt.

Bác bảo chúng tôi ngồi đó, rồi Bác lại bên giường bệnh ân cần hỏi han sức khoẻ. Bác lấy tay sờ trên vết thương bị đinh đóng trên đầu tôi lo lắng, hỏi: "Đau như vậy có ăn, ngủ được không?". Rồi Bác nói với GĐ Bệnh viện ngoài việc theo dõi bệnh tình phải chú ý đến ăn uống, bồi dưỡng...".

Lần khác, vào ngày 10/ 6/1966 Bác cho người đón bà và cùng một số chị em vào Phủ Chủ tịch, trước khi các chị được sang Trung Quốc chữa bệnh, Bác ân cần hỏi thăm, động viên mọi người cố gắng chữa bệnh. "Bữa cơm thân mật chỉ một vài món đơn sơ nhưng không sao tôi quên được" - bà Cúc xúc động.

Sau 18 tháng chữa bệnh ở Trung Quốc về tại ga Hàng Cỏ, Bác Hồ cho người ra đón về Phủ Chủ tịch. Những lời hỏi thăm của Bác thật ân cần, gần gũi xiết bao... "Bác tạo thêm lực sống, vượt qua bệnh tật. 8 lần gặp Bác, trong tôi đầy ắp kỷ niệm về người Cha, người Ông, người ruột thịt..." - bà Cúc hồ hởi, hạnh phúc.



Bà Cúc chăm sóc ông Trà đang nằm liệt giường vì tai biến

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Người se duyên hạnh phúc

Bà Cúc kể: "Thời điểm tháng 7-8/1969, Bác đang ốm nặng, Bác bảo chú Vũ Kỳ đón tôi về Bác gặp. Gọi bác Tô lại bên giường, Bác Hồ bảo: "Sau này tôi có mệnh hệ gì không chăm lo cho cháu Cúc và cháu Lý (Anh hùng Trần Thị Lý, quê Điện Bàn - Quảng Nam) được, nhờ chú Tô (bí danh của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng) chăm sóc dùm".

Từ đó, bác Tô xem tôi và chị Lý như con. Nâng chúng tôi từng bước trưởng thành". Và điều thú vị là chính bác Tô lại là người se duyên cho bà Cúc và ông Huỳnh Thanh Trà.

Hồi đó, trong một lần về thăm nhà, bà Cúc gặp lại ông Trà, người bạn của anh trai mình. Sau mấy lần gặp gỡ, biết bà Cúc bị thương tật nặng, nhưng ông Trà vẫn một mực xin cưới cho dẫu gia đình ngăn cản. "Vì đất nước, vì chiến tranh em mới bị thương tật, hiến dâng cho Đảng, cho Dân tộc" - ông Trà tự hào về bà Cúc.

Gia đình ông Trà cho rằng thiếu chi con gái 17-18 phơi phới lại đi lấy người bị tàn phế, thương tật thì ông Trà động viên gia đình: "Những người như Cúc thì không vàng bạc, châu báu nào mua được".

Sau khi đến xin ý kiến, bác Tô gật đầu, và khuyên: "Trà là một quân nhân đáng quý, một đảng viên đã lấy một thương binh nặng mà không suy nghĩ, đắn đo. Còn Cúc có TƯ, có Đảng lo chu đáo, tận tình nhưng cần có một tình cảm riêng tư". Lễ cưới được tổ chức.

Trước đó, nhân ngày sinh nhật của mình (1/3/1976), bác Tô đã gọi vợ chồng bà Cúc đến chụp ảnh làm kỷ niệm, Bác căn dặn: "Phải giữ gìn sức khoẻ, trân trọng hạnh phúc"... Bà Cúc cho biết, bác Tô xem bà như con, còn bà xem bác Tô như người cha thứ 2 của mình vậy. Bây giờ các con cháu mỗi lần nhắc đến bác Tô cũng gọi là "ông ngoại", "cố ngoại".

Sau khi chữa bệnh tại Trung Quốc, để bệnh tình thuyên giảm như ngày nay, bà được qua chữa bệnh ở Liên Xô và Đức. Bà đã từng đi tất cả  các nước XHCN thời bấy giờ để "báo cáo thành tích". Năm 1979, hai vợ chồng bà Cúc trở về Đà Nẵng. Họ đã có với nhau 3 mặt con và là một gia đình hạnh phúc.

Nguyễn Xuân Hoài - GiaDinh.net
Em đi, bỏ lại con đường vắng. Bỏ lại vạt nắng vàng, bỏ lại hàng cây buồn ngơ ngẩn..........

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội