Lý do chính đáng

Started by tùng anh, 30/09/08, 12:55

Previous topic - Next topic

tùng anh

Lý do chính đáng


Ngày đầu tiên nhập học, chẳng ai muốn nổi tiếng bằng cách mò vào lớp sau thiên hạ. Không nhất thiết phải làm học sinh gương mẫu nhưng ít ra cũng phải đến trường đúng giờ. Tôi không mong được thầy cô "ưu ái" xếp vào dạng cá biệt nên tối hôm trước đã đặt hai cái đồng hồ báo thức. Vậy mới chắc ăn!


Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ thật đẹp. Tôi không thuật ra đây nhưng các bạn phải hình dung giấc mơ đẹp đến nỗi khi hai cái đồng hồ nối nhau rung lên, tôi không buồn bật dậy như đã quyết tâm trước đó. Tôi chỉ khẽ thò tay tắt cái bụp. Vậy là lại tiếp tục "giấc mơ tiên".

Đến khi giật mình choàng dậy, tôi... hận mấy ông sản xuất đồng hồ kinh khủng. Chứ sao! Nếu người ta giấu kỹ cái nút "on, off" hoặc làm cho nó khó sử dụng hơn thì tôi đâu có ngủ quên như vậy. Đằng này họ lại đặt cái linh kiện quan trọng đó ở một cái chỗ lộ liễu vô cùng và cách sử dụng nó cũng cực kỳ đơn giản. Đơn giản đến mức không cần đến một ý thức tỉnh táo, bạn vẫn có thể tắt bụp nó dễ dàng giống như tôi đã làm trong lúc... đang còn mơ. Thật là bi kịch!

Nhưng dù có trễ cả tiếng đồng hồ, bạn vẫn không thể bỏ ngày đầu tiên được. Nếu làm thế, tôi dám chắc cái tên của bạn sẽ bị thầy cô chú ý nhiều hơn. Một thằng nhóc vô kỷ luật. Hẳn là người ta sẽ nghĩ như vậy rồi. Mà như thế thì oan quá. Dù sao trốn buổi đầu cũng không phải là thượng sách.

Thượng sách là bạn phải trình bày hoàn cảnh éo le của mình sao cho thầy cô có thể sụt sùi cảm động mà bỏ qua lỗi lầm của bạn. Bạn phải nghĩ ra một lý do chính đáng và tội nghiệp đủ để khi xếp trong một tương quan so sánh nó là con voi, còn cái sai của bạn chỉ là con kiến.

Nhưng để tìm ra một... con voi như thế không dễ dàng gì, nhất là khi bạn vừa phải hộc tốc đạp xe vừa phải nặn óc suy nghĩ. Kẹt xe ư? Sẽ là một phương án hay nếu tôi ở một thành phố lớn. Còn thành phố của tôi thì đốt đuốc soi mười năm cũng chẳng tìm thấy vụ kẹt xe nào.

Không thể lò dò vô lớp với bộ mặt "nai tơ" mà gãi đầu: "Em lỡ ngủ quên!" được. Nếu bạn học cấp một thì lý do thật thà đó còn có thể được chiếu cố. "Ừ, thằng nhỏ còn ham ăn ham ngủ. Thôi tha cho nó lần này", thầy cô nghĩ vậy và khoát tay một cách bao dung: "Em có thể vào!". Nhưng tôi không học cấp một. Năm nay tôi lên cấp ba. Học đến cấp ba rồi thì không thể biện hộ mình còn ở độ tuổi ham ăn ham ngủ như các em nhi đồng được. Nghĩ vậy, tự nhiên tôi thèm được nhỏ đi vài tuổi vô cùng. Trời đất ơi!

Cuộc đời không phải là trang cổ tích. Không phải cứ cầu là được, cứ ước là thấy. Nguyện vọng quá đáng của tôi cũng không thể nào là hiện thực, dù có kêu trời đến trăm bận, kêu đất cả ngàn lần. Nhưng cuối cùng, trong đầu tôi cũng lóe lên một kế: hư xe. Phải! Tại sao tôi không nghĩ ra cái lý do đơn giản ấy ngay từ đầu nhỉ? Hư xe. Quá chính đáng! Thật tuyệt vời!

Dĩ nhiên tôi không thể phá hỏng chiếc xe rồi vác thẳng nó lên tận tầng ba để trình cho giáo viên và cả lớp thấy. Nhưng tôi muốn lý do mình đưa ra thật sự thuyết phục. Tôi muốn mọi người tin rằng lời nói của tôi là sự thật trăm phần trăm. Thế là tôi tấp xe vào lề đường.

Đó là một khúc đường vắng nên chẳng ai để ý đến hành động kỳ quái của tôi. Đầu tiên tôi tháo cái đĩa chắn sên xe ra, quệt một ít nhớt và xoa đầy hai tay. Phải làm cho giống xe bị hư nặng một chút và để mọi người tin rằng mình đã phải sửa chữa một cách khó khăn, tôi ịn một vết nhớt lên gò má, giống như ta đây đã cố gắng đến toát mồ hôi, đành phải đưa cái tay dơ hầy lên chặm mặt. Còn định quẹt nhớt lên áo nhưng sau một hồi tính toán thiệt hơn lại thôi. Hi sinh cái áo trắng bóc đó, mẹ không treo tôi lên mới lạ.

Mọi việc xong xuôi, tôi... hùng dũng giong xe đến trường.

Bác bảo vệ chặn tôi lại:

- Mày đi học muộn!

Tôi vội xòe hai bàn tay ra... khoe:

- Cháu hư xe.

- Mày nói xạo! Ngủ quên phải không?

Không biết ông bảo vệ này giữ cổng trường được bao lâu rồi mà "cao thủ" đến thế. Nhưng tôi tin ông chỉ đoán mò, bèn cãi cố:

- Cháu hư xe thật mà!

Bác bảo vệ lắc đầu:

- Đừng chối nữa! Về đi! Ngủ quên đến lớp trễ chỉ làm trò cười cho bạn bè.

Tôi nói như sắp khóc:

- Cháu nói thật mà! Cháu dậy từ lúc năm giờ. Trên đường đi xe bị trật sên...

Bác bảo vệ nheo mắt, giọng châm biếm:

- Và cái gương nhà cháu bị bể cho nên cháu không biết mắt mình vẫn còn ghèn và trên cái đầu xù như tổ quạ có dính một cọng chiếu...

Tôi đứng chết trân. Quả thật lúc nãy tôi chỉ rửa mặt quáng quàng rồi vội vã bươn đi nên không kịp... chỉnh đốn dung nhan. Mặt tôi đỏ dừ. Đúng là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên! Cuối cùng tôi đành ngượng ngập thuật lại đầu đuôi nguyên do. Bác bảo vệ khoát tay, tỏ ra rộng lượng:

- Thành thật ngay từ đầu có phải tốt không, cậu bé.

Rồi bác cười buồn:

- Ngày xưa tao cũng có những giấc mơ như mày. Nhưng tao không có đồng hồ báo thức. Chỉ có một con gà trống thôi. Mà gà trống thì khi nó gáy tao không thể chạy ra chuồng bóp cổ cho im rồi trở vào ngủ tiếp như mày có thể làm với chiếc đồng hồ đâu.

Tôi im lặng, ngoan ngoãn dắt xe qua cổng. Bỗng bác gọi giật giọng:

- Này! Lại lấy đôi dép bác mà mang! Mày không thể trưng cái lý do hư xe ra cho thầy cô tin trong khi dưới chân đang đi một đôi dép hai màu đâu.


NGUYỄN TRẦN THIÊN LỘC
Đến đây một khắc tương phùng
Tri nhân tri kỷ ngại ngùng làm chi?
Đến đây một khắc ca thi
Dù mai không gặp xin ghi vào lòng

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội