Việt Nam có Viện sĩ hay không?

Started by saos@ngmo, 22/07/07, 13:41

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

Gần đây, ở Việt Nam có lối đặt thêm chữ "Viện sĩ" trước tên một số nhà khoa học. Thực chất, đây là một cách gọi thiếu chính xác.


Cùng hàm Viện sĩ, khác vai trò xã hội

Theo tôi biết, Viện Hàn lâm khoa học trước đây tồn tại ở nhiều nước trong hệ thống XHCN, là một cơ quan ngang bộ. Mỗi Viện Hàn lâm có một số lượng Viện sĩ nhất định, được bầu chọn trong số các nhà khoa học xuất sắc, các giáo sư đầu ngành.

Thông thường, các nhà khoa học phải trải qua giai đoạn Viện sĩ thông tấn (hiểu một cách đơn giản là Viện sĩ dự bị). Khi số Viện sĩ chính thức bị khuyết, hội đồng sẽ bầu bổ sung trong số Viện sĩ dự bị. Những nhà khoa học thật xuất sắc có thể được bầu làm Viện sĩ chính thức mà không qua thời kỳ dự bị. Nhưng số đó rất hiếm.

Viện sĩ chính thức là chức danh khoa học cao nhất. Người được bầu Viện sĩ thì mang mang hàm ấy suốt đời, không bầu lại.

Tuy cùng một cơ cấu, nhưng chỉ có Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (trước đây) mới có vị trí quan trọng trong xã hội, mặc dầu nhiều khi họ chỉ lãnh đạo một nhóm chuyên môn.

Giáo sư A. Salam (phải). Ảnh: tác giả cung cấp

Ở hầu hết các nước tư bản, hệ thống Viện Hàn lâm không phải là một tổ chức hành chính, ngay cả những Viện có truyền thống lâu đời như Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh. Họ bầu các thành viên (có cả người nước ngoài), nhưng đó chỉ là nơi các nhà khoa học lớn tập hợp lại với nhau để trao đổi các vấn đề học thuật, khoa học thời sự nóng hổi.

Đó cũng là nơi để các nhà khoa học lớn, có uy tín, có khả năng tài chính tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề để giúp đỡ các nhà khoa học trẻ ... Vì thế, ngay trong thời gian chính phủ Mỹ còn cấm vận ta, Hội các nhà khoa học Mỹ vẫn có nhiều hình thức hoạt động giúp đỡ các nhà khoa học Việt nam, trong đó phải kể đến công của những người như cố Giáo sư Copennman.

Đã "Viện sĩ" thì thôi "Giáo sư"

Ở các Viện Hàn lâm khác như Ba Lan, Bungari và ngay cả CHDC Đức, vị trí của Viện sĩ không hơn Giáo sư bao nhiêu. Chính vì thế, ở Liên Xô trước đây, khi viết hoặc xưng hô họ tên những nhà khoa học đã được bầu làm Viện sĩ, luôn có hai chữ Viện sĩ đứng trước. Nhưng khi họ đã dùng hàm Viện sĩ thì không dùng hàm Giáo sư kèm theo nữa.

Thời CHDC Đức, Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức là một cơ quan khoa học lớn, tập hợp đến 17.000 cán bộ. Hội đồng Khoa học có trên năm chục Viện sĩ 1. Nhưng trước tên các Viện sĩ cũng chỉ ghi hàm Giáo sư.

Nhiều nhà khoa học xuất sắc, trong đó có nhiều người được tặng giải thưởng Nobel, nhưng chẳng bao giờ họ viết, xưng hô thêm hàm Viện sĩ trước tên mình. Ngay cả người sáng lập ra "Viện Hàn lâm thế giới thứ ba", cũng chỉ luôn được nhắc đến với danh xưng: Giáo sư A.Salam.

Việt Nam đã bao giờ có Viện sĩ?

Trước đây, chúng ta có Uỷ ban Khoa học & Kỹ thuật Nhà nước và Uỷ ban Khoa học Xã hội, quản lý và điều hành nghiên cứu khoa học. Sau đó bộ phận nghiên cứu của UBKHKTNN được tách thành Viện Khoa học Việt nam. Những năm 80, chúng ta cũng đã có ý định thành lập Viện Hàn lâm Khoa học. Các nhà khoa học đã được nghe và thảo luận nghị quyết của cấp trên về việc thành lập Viện Hàn lâm.

Nhưng tất cả mới là nghị quyết, khi nó chưa được thực hiện thì luồng gió đổi mới thổi tới, kinh tế thị trường ùa vào cả trong lĩnh vực khoa học. Nhiều nhà hoạch định chính sách đã thấy Viện Hàn lâm là một tổ chức hoạt động không có hiệu quả. Do đó chúng ta chưa có Viện Hàn lâm, và đương nhiên chưa có những thành viên - Viện sĩ !

Thực ra, trong thời phong kiến, cũng có một số triều đại hưng thịnh, thành lập nên Hàn lâm Viện. Thực chất đó chỉ là bộ phận tư vấn cho vua hoặc dạy các hoàng tử. Các thành viên của bộ phận đó do vua đích thân chọn lựa và gọi là Hàn lâm học sỹ. Nhưng bộ phận này không phải triều đại nào cũng có.

Danh xưng đâu phải để đời

Thực tế, những con người đức độ, tài năng đã giành hết cả cuộc đời phụng sự cho khoa học như các Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Lương Đình Của v.v... Mặc dù trước không nhất thiết phải có hàm, học vị nào đi kèm, mà vẫn được mọi người ghi nhớ và rất mực tôn trọng.

Trên đây là một vấn đề tôi đã suy nghĩ, muốn trao đổi và mong có sự đóng góp ý kiến của nhiều người có tâm với nền học vấn, góp chút phần chuẩn hóa các danh xưng khoa học Việt Nam.

    *  GS.TS. Võ Đức Lạng

1 Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hoà Dân chủ Đức , bị giải tán sau khi n­ước Đức thống nhất (1990). Đến năm 1994 mới tổ chức được 10 Viện, thuộc Viện Max-Planck , thu nạp chưa đầy 1000 cán bộ, phần lớn là cán bộ mới !

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội