Sóng ầm ào quanh đây

Started by tùng anh, 10/09/08, 18:23

Previous topic - Next topic

tùng anh

Sóng ầm ào quanh đây


Tựa như cơn lốc, Trung xộc vào nhà tôi, khuấy động yên tĩnh bằng hơi thở dồn dập và câu hỏi lạ lùng:

- Giao nè, làm sao biết là mình đang yêu?

Trung kéo ghế ngồi đối diện với tôi, anh tự động xếp trang vở trước mặt tôi rồi đặt vào chồng tập bên góc trái bàn viết. Xong, anh trịnh trọng nhắc lại:

- Giao, tình yêu là gì? Làm sao biết mình đã yêu rồi?

Nhìn vào khuôn mặt bừng đỏ vì xúc động của anh, tôi giễu cợt:

- Dễ ợt! Khi thấy lòng mình đã chết đi một ít và một xương sườn của anh bỗng dưng biến mất.

Trung nhăn mặt phàn nàn:

- Đừng giỡn nữa Giao! Anh hỏi thật mà.

Từ thuở còn thơ, tôi và anh đã là đôi bạn thân thiết. Nhà anh nằm cạnh con xẻo nhỏ. Đi dọc bờ đất đến cuối dòng là chỗ ở của gia đình tôi. Dòng nước mỏng manh, ngầu đục như gạch nối giữa hai mái lá đứng chênh vênh trong khoảng đất đồng thênh thang, vắng vẻ. Con xẻo cũng là nhịp cầu nối liền tình bạn, nơi vun đắp kỷ niệm vui buồn suốt thời thơ ấu của chúng tôi.

Vào những ngày chủ nhật hay lễ tết, cứ mỗi lần bìm bịp gọi nước về, tôi ra ngõ là bắt gặp bặp dừa to tướng trôi dập dềnh trên mặt xẻo. Nó mang sứ mạng trao món quà nhỏ của Trung gửi cho tôi. Thường là một chùm ổi chín vàng óng hoặc vài quả bần xanh ngăn ngắt, chua phát sợ. Tôi chỉ việc chờ nó tấp vào bờ, lấy dây buộc lại rồi bắt đầu nhận quà. Tôi ngồi vắt vẻo trên thân một cây dừa nghiêng dáng ỏng ẹo cong mình soi bóng. Tàu dừa xòe ra bốn phía, che mát một vùng nước rộng. Như sợ cây rơi tòm xuống xẻo, rễ dừa mọc tua tủa, chằng chịt bám chặt vào lòng đất. Tôi vừa chén sạch sành sanh chùm ổi vừa dùng hai chân khuấy nước liên hồi . Bùn đất được dịp quay vòng cuồn cuộn, làm nước đã đục lại càng thêm đục.

Khi đã chán, tôi mở dây cho "con thuyền dừa" theo triều nước rút quay về chốn cũ. Tất nhiên, tôi cũng gửi cho Trung những thứ mình có như gương sen đầy hạt, mấy trái chuối nấu hoặc vài món đồ chơi bằng đất do tôi tự làm. Thỉnh thoảng, tôi lén mẹ lấy trộm một khứa cá lóc kho khô rồi dùng lá môn gói lại. Hôm sau, khi hai đứa đến trường, thế nào Trung cũng khen ngon đáo để nhưng... hơi mặn.

Trung rất tốt bụng nhưng lí lắc không ai bằng. Anh thường ôm cặp giúp tôi nhưng mỗi lần ngang qua cây đa đầu làng, anh bỏ chạy trước để mặc tôi lót tót đuổi theo vừa gào vừa khóc. Tôi sợ tiếng rên rỉ trên ngọn cây mà Trung thường hù dọa. Anh kể: Hồi cha mẹ anh còn bé như anh và tôi thì cây đa này to lắm. Cành lá xum xuê, xanh mườn mượt. Lá đa còn lớn hơn cả lá bàng. Mỗi chiếc lá xếp đôi vẫn có thể làm khăn trùm đầu được. Do vậy, ai đi ngang cũng hái một chiếc che nắng. Người làng bên biết được cũng sang hái lá.

Một hôm, có người đàn ông phương xa ghé lại, thấy cây đa hiếm quý muốn chiếm làm của riêng. Ông ta thuê một số người vào lúc nửa đêm lén đào gốc. Cây đa đau đớn lẫn hoảng sợ, không muốn rời xa mảnh đất đầm lầy, chua mặn đã nuôi dưỡng nó bấy lâu. Một cọng rễ vừa bị chặt đứt, cây đa liền buông cành, chùng thấp rồi níu lấy mặt đất quê hương. Cứ thế đêm tàn, trời sáng mà kẻ trộm vẫn chưa làm gì được. Dân làng đã đánh đuổi hắn đi nhưng từ đó cây đa bị mất sức, thân ốm, lá nhỏ lại.

Tuy vậy, đa vẫn tỏa bóng râm mát rượi quanh mình. Và cứ gặp trẻ con - Trung kể - cây đa lại khom xuống sờ đầu vuốt tóc rồi thì thầm: "Xin lỗi nhé! Lá của mình bé quá, còn đầu của các em thì... ngày cứ một to ra". Vì thế, tôi sợ lắm. Khi đi ngang gốc đa, tôi lấy hai tay ôm đầu rồi chạy vụt qua. Bao giờ cũng vậy, Trung luôn vừa cười vừa chạy trước.

Bây giờ nhìn Trung, chàng sinh viên năm cuối Trường đại học Bách khoa TP.HCM, đang ngồi thộn mặt chờ câu lý giải về tình yêu của con bé khờ ngày xưa tức cười gần chết. Con xẻo cũ đã cạn từ lâu. Người trong làng cứ đông dần hồi nào không hay. Người ta đã vùi lấp dòng nước mỏng manh ấy dưới những cái nền xây móng kiên cố. Quê tôi đã trở thành thị trấn trù phú tự lúc nào. Mọi thứ đều thay đổi trừ cây đa đầu làng. Nó vẫn đứng yên, lặng nhìn thời gian trôi qua và khung cảnh quanh mình biến dạng dần. Từ thằng nhỏ lí lắc chuyển sang anh thanh niên ngờ nghệch, hiền lành.

Còn tôi, con bé khờ đã trở thành cô giáo dạy trường làng. Có tới bốn chục cái đầu trẻ sẵn sàng cho tôi gõ. Cả anh chàng sinh viên tên Trung bấy lâu nay đã vượt hàng chục cây số đường lên tận thành phố học. Học miệt mài cả mấy năm trời, rốt cuộc chẳng mang "một sàng khôn yêu" nào trở về. Anh cũng tình nguyện cho tôi điều khiển suy nghĩ của anh. Tội nghiệp, tôi nhớ đến lá thư tỏ tình của một đồng nghiệp gửi cho mình: "Giao ơi! Tình yêu có phải là ngọn lửa? Nó sắp thiêu rụi anh! Mà không! Nó là trùng dương bát ngát, là sóng bạc đầu nhồi đẩy con thuyền. Nó là cơm, là áo, là hơi thở, là... là gì Giao nhỉ?". Tôi bật cười. Trung bực bội hỏi:

- Em cười gì vậy?

- Tình yêu!

- Đó là một thứ tình thiêng liêng, tuyệt vời. Có gì mà cười?

Tôi trêu:

- Thế à! Vậy làm sao biết mình đã yêu rồi hả anh?

Trung nổi nóng đứng lên:

- Giao cứ đùa mãi. Thôi, anh về đây!

Tôi kéo anh ngồi xuống ghế rồi vòng tay như học trò:

- Thưa anh, em xin lỗi! Hãy nghe cô giáo giải nghĩa đây. Tình yêu là ngọn lửa thắp trong tim, là sóng xô bờ. Khi yêu, ta bỗng dưng no, không sưởi mà ấm. Tình yêu là...

Trung cốc một cái lên đầu tôi:

- Là cái này này!

Tôi ôm lấy đầu:

- Ui da! Lãng nhách! Người ta biết sao nói vậy chứ. Khi không đi biệt cả năm trời mới về rồi còn hỏi lộn xộn. Thấy ghét! Sao anh không đi luôn đi!

Trung nắm lấy tay tôi, anh run giọng:

- Anh hiểu rồi Giao ơi! Dù có đến chốn phồn hoa đô hội mà mình vẫn nhớ về chốn cũ và không sao quên được người con gái năm xưa là mình đã yêu rồi! Phải không Giao?

Như từ trên cung trăng rơi xuống, tôi ôm lấy ngực mình. Trung đang nắm chặt trái tim tôi đong đưa, tạo nên những dao động lạ lùng. Bỗng dưng tôi thấy lửa bốc cháy. Có tiếng sóng ầm ào quanh đây. Tôi đói lã, tôi mệt nhoài rồi rét căm căm và... tôi đã yêu!


NGUYỄN THỊ MÂY
Đến đây một khắc tương phùng
Tri nhân tri kỷ ngại ngùng làm chi?
Đến đây một khắc ca thi
Dù mai không gặp xin ghi vào lòng

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội