Tạp Văn của Thảo Hảo

Started by saos@ngmo, 13/09/06, 20:06

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

Ai Khiến Mày Lạ

Trong "Tôi nghe, đọc, thấy, xem" tuần trước của Khuê Văn có bàn về việc "nếu một ngày kia nhặt được vật lạ" [ talawas 11.04.2003 ].

Khuê Văn cho rằng, nếu bỗng nhặt được vật thể lạ, người Việt ta sẽ về gọi mọi người cùng ra xem, sau đó cãi nhau như mổ bò mỗi người một ý, tiếp đó mỗi anh tự về bắt chước làm một cái vật na ná với cái vật lạ mà họ chưa biết gọi tên kia. Còn cái tên gọi thật, bản chất thật của cái vật đó, là việc cần biết nhất thì vẫn không ai biết...

Thưa bạn Khuê Văn,
Bạn nói chẳng có gì sai, duy có việc là bạn sống trong một đất nước có hẳn những cơ quan có thể giúp ta giám định vật thể lạ, vậy mà trong toàn bài của bạn không hề có một chữ nào nói đến vai trò của họ là sao? (xem tôi chụp mũ nhé!).

Bởi vì, ở nước ta, bản thân việc nhặt được vật lạ chưa phải là tốt hay xấu, mà phải đợi cho có kết luận của cơ quan chức năng sau khi xem xét mới biết là rủi hay may. Chính điều này nhiều khi làm ta lưỡng lự khi bất chợt thấy một vật lạ trên đường.

"Có nên mang về không? Có nên hét lên cho mọi người biết là nó "lạ" không?" ta tự hỏi.
Bởi vì ta đã biết bố mẹ chúng ta hình như hơi sợ những cái gì là "lạ", họ cho rằng hệ tiêu hóa của chúng ta còn non nớt. Nếu chúng ta hét lên, họ giấu béng vào tủ, và chúng ta cũng mất luôn cả cái cơ hội gọi bạn bč đến mà thảo luận về bản chất cũng như tên gọi của cái vật lạ kia.

Nếu bạn thường xuyên sống trong tâm trạng "không-để-bố-biết-mình-nhặt-được-vật-lạ", thì lâu dần, bạn sẽ mất thói quen ngắm nghía vật lạ ngay cả khi nó nằm hẳn trong lòng bàn tay. Trong khi con cái nhà người ta, được bố mẹ khuyến khích đi tìm cái lạ, sẽ băng rừng, vào núi, mang về những thứ lóng lánh để mà tự hào. Cũng có khi mang về, bố mẹ nó sẽ cho nó biết, vật này thường lắm, chẳng lạ đâu con, khiến nó thất vọng vứt đi, thì ít nhất cái cuộc hành trình đi tìm cái lạ của nó cũng đã là một phần thưởng.
Thế đấy, người Việt Nam ta là con nhà lành, bố mẹ cẩn thận (có lý do). Cẩn thận dạy con tránh vật lạ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, với những bài văn không được đi trệch lối, sách đọc tham khảo thì chỉ nên đọc tác giả này (tức là thầy) mà đừng đọc tác giả kia, không thì điểm kém. Cẩn thận tránh ngắm những triển lãm nhìn-mãi-không-hiểu-ý; tránh cho nhau đọc những từ ngữ mạnh bạo, tình tính dục gì đó - những cái có thể đề cập đến tận đáy sâu con người; Ở tầng nông, lửng lơ thôi, vì đáy sâu là đáy lạ, không ai xuống tận nơi thẩm tra được.

Chúng ta đã được giáo dục để tránh xa cái lạ, đến mức gán cho cái lạ đến 70% là nguy hiểm. Trước những vật thể lạ, chúng ta không dại mà cầm lên ngay, dí sát vào mắt tìm tương quan thị giác như người Pháp, càng không mạo hiểm lắc lắc bên tai tìm tiếng nhạc như người Đức, càng quyết không đập vỡ xem cái bản chất, cái tận cùng của nó là gì, như chú Tây Ban Nha...(những cái này tôi lấy ở đọan trích trong bài của Khuê Văn, chứ "lạ" thế, tự tôi không nghĩ ra.)

Không, chúng ta không liều mạng thế. Việc trước nhất, ta phải ghi nhớ: đã lạ là nhiều phần nguy hiểm. Nên nếu thấy vật lạ, chúng ta cần rủ vài người cùng đến xem cho có nhiều kẻ cùng phạm tội. Ta đứng từ xa, và quyết không đưa ra ý kiến rő ràng. Bởi vì, nếu ý kiến của ta hay, anh bên cạnh sẽ ăn cắp mất (và đăng trên báo khác), nếu ý kiến của ta nhỡ đâu không đúng, thế thì mất mặt ta. Mà thật ra, ta không phát biểu bởi vì ta cũng không chắc được lời ta nói ra là đúng hay là sai, là hay hay là dở. Về vật lạ, ta cần có một cơ quan thẩm định, với những nhân vật ta biết thẩm định còn dở hơn ta, họ hẹn 2h nhưng 6h vẫn chưa thấy tới. Nhưng ta phải đợi họ đến, vì không thì ai là người chịu trách nhiệm trước cái vật lạ khốn kiếp tự nhiên rơi xuống cuộc đời đều đặn và an nhàn này.

Thế rồi ta oán vật lạ... Lạ làm gì không biết cơ chứ!
Cơ quan thẩm định rồi cũng tới, khi tất cả đều đã mòn mỏi. Và vì họ cũng là người Việt Nam, cho nên họ cũng sẽ im lặng, vì họ cũng hoang mang như ta...

Tất cả sẽ đợi như thế. Trăng sẽ lên. Trong ánh trăng bàng bạc mà cô độc ấy, vật thể lạ trên mặt đường tan dần, tan dần. Nó teo tóp lại, lộ rő vẻ vô hại, bợt bạt dần đi, mang theo cả cái bí mật trong lòng, trôi đi mất cả xuất xứ.

Và chúng ta ra về, hội đồng giám định về trước vì có xe con. Chúng ta ra về sau, lòng hơi buồn buồn, vì mãi vẫn không có ai sờ được đến vật lạ đó, ngửi tới nó, thậm chí đá vào nó một cái. Và nhất là, trong lòng ta lại tiếc rẻ, nếu biết nó không hại như thế này, thì lúc nãy mình đã liều khen một câu, rồi mang về, bán.

saos@ngmo

Đánh kẻ ngã ngựa

Một cúp bóng đá thế giới đã xong. Mọi người bải hoải quay lại công việc cũ. Cứ bốn năm một lần, người ta lại rút được thêm một vài bài học qua bóng đá. Năm thì "mất bò mới lo làm chuồng", năm thì "thà đánh người trước khi người đánh mình", năm lại "hai đánh một chẳng chột cũng quč", nhưng có một thứ, lần cúp thế giới nào cũng có, mà cũng chẳng phải bài học, chỉ là một thực tế mà trong đời thường cũng vẫn gặp, lại gặp nhiều khi xem đá bóng (trên T.V hay đọc báo) ấy là "đánh kẻ ngã ngựa".

Năm nay thì anh Hàn Quốc vào sâu tận những vòng trong. Nhớ những vòng ngoài, khi các anh hùng hục chạy trên sân và thỉnh thoảng ghi bàn thắng, bình luận viên suýt xoa như dői theo một đội bóng của Hercule, lại còn dự đoán họ sẽ tranh trận chung kết. Rồi cũng chính những anh Hàn Quốc đó, vào vòng sâu và bắt đầu thua, mà thua oanh liệt đẹp mắt, chỉ vì đối thủ của họ giờ là những kẻ mạnh hơn; thì bình luận viên bẻ lái ngay sang hướng độ lượng mà cho rằng, những gì đội Hàn Quốc đạt được trước kia chỉ là nhất thời, họ nay "sức cùng lực kiệt", rằng đội Hàn Quốc đã "lạc quan tếu", rằng... nhiều thứ lắm, chỉ biết cuối cùng làm người xem như tôi hoang mang, bởi vì tôi vốn tin vào mấy anh bình luận viên, và khi anh thay đổi chính kiến quá nhanh, thì tôi bẻ lái theo không kịp. Lại hoang mang nữa vì nhìn ra trong đời hình như sẽ không có chỗ cho kẻ ngã ngựa. Khi bạn ngã, không có chuyện tại ngựa hôm nay cao hơn hôm qua, hay đường hôm nay xóc hơn hôm kia, mà người ta bắt buộc bạn phải nhận lỗi, tại hôm nay bạn cưỡi ngựa dở hơn mọi ngày. Có thể tôi coi không đủ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một anh bình luận viên nào bình luận trước một đội thua: "Họ chơi hay quá, chơi hay hôm cả mọi khi, nhưng đối thủ của họ quá mạnh. Thua thế này cũng là thắng rồi."

Tôi nhớ có lần xem chương trình Yan Can Cook; Ông Yan băm tỏi rất nhanh, chặt thịt phăm phăm, đến khi bốc vào chảo thì ông làm rơi ra ngoài. Yan lập tức gân cổ lên, đại loại, ai mà chẳng có sai lầm, (chỉ xuống khán giả) cô cũng có sai lầm, anh cũng có sai lầm, sao tôi không được sai lầm? Tôi rất thích cái đoạn này, vì biết rő là ông ấy đùa, nhưng ông ấy chỉ cho khán giả biết cách bảo vệ mình mỗi khi gặp sai lầm. Mình phải có một khoảng sai số để tự tha thứ cho mình. Mình phải trung thành với mình...

Nhưng xem tường thuật bóng đá thì ngược lại. Bạn được học một nguyên tắc: thua tức là có lỗi, và chỉ nên ngả theo người mạnh. Bóng ào qua sân này, ta phải hồ hởi khen ngợi. Bóng ào ngược lại, ta phải đổi chiều ngay. "Đã đến lúc đội X. phải xem lại mình," hay "Vâng, quả thực, tuổi tác, thưa các bạn, tuổi tác...", cũng là những nhân vật đó, trước đấy ít phút, ta mới khen là "đầy áp đảo", là "lão tướng đầy kinh nghiệm"... đại loại vậy. Nhưng, ta phải cứu lấy ta thôi, vì thế cờ đã đổi. Tí nữa bóng ào qua lại, ta đổi chiều cũng chưa muộn.
Ngày trước tôi vẫn hay vào cơ quan mẹ tôi chơi. Trong cơ quan có một chị mà tôi rất ghét. Chị nói năng rất ngọt. Chị lại hay nịnh. Bác trưởng phòng mẹ tôi có vẻ thân với chị ấy. Tôi thấy chị ấy hay đùa với bác, gọi bác là "sếp" luôn miệng, và "dạ" thật to mỗi khi bác gọi.

Thế rồi bác ấy đến tuổi về hưu. Nhưng bác ấy nhớ cơ quan và thỉnh thoảng vẫn đến chơi. Vả lại, đây là cơ quan về chữ nghĩa nên "hưu" nói chung cũng chỉ là một cái mốc hành chính, chứ về mặt công việc, quan hệ, thì vẫn thế. Người ta vẫn ngồi bàn chuyện với bác về sách vở, kiến thức. Chỉ có chị kia là không nói chuyện nhiều với bác nữa.

Một buổi chiều, mẹ tôi nhờ tôi ngồi đánh máy công văn. Bác trưởng phòng ấy vào cơ quan, lúc ấy chỉ có tôi và chị "đáng ghét". Bác ấy tìm cái gì đó trên bàn chung mà không có. Rồi bác nói to, cái sổ điện thoại đâu rồi nhỉ? Chị kia ngồi im, không trả lời. Bác hỏi lần nữa, và nhìn vào cái gáy chị "đáng ghét" đang cúi xuống chăm chú làm việc. Chị không ngẩng lên. Thật không giống chút nào với ngày xưa, cái ngày chị có gì ăn cũng mang mời "sếp", thân thiết "bố bố con con"... Từ hôm ấy, tôi thấy bác ít vào cơ quan hẳn.

Nói bác về hưu là "kẻ ngã ngựa" thì thật là quá đáng. Nhưng nói "ngã ngựa" thật ra cũng là dành cho những ai không còn trên lưng ngựa. Mà đâu đâu cũng gặp cảnh người-ngồi-ngựa-ngã-ngựa thế này. Thế nên tôi thích cái cách cổ động viên Hàn Quốc hô to rồi đồng loạt giơ tay ra sau mỗi tiếng hô, mặt nghiêm trang và đáng tin cậy, như bố mẹ giơ tay sẵn sàng đón con rơi từ trên lưng ngựa xuống, thấy mới nhân nghĩa làm sao. Lại nghe anh bình luận viên nói, người Việt Nam chúng ta phải học họ thôi. Anh nói đúng, nhưng nhiều khi các anh đã chẳng làm gương cho chúng tôi, từ đầu giải đến cuối giải, có gần một tháng thôi, người ta đã thấy các anh quật bao nhiêu là kẻ ngã ngựa.

saos@ngmo

Yêu + Hiểu


Bạn có biết người Cil không?

"... Ta gặp người Cil từ những vùng cao đầu tiên của Nam bộ cho đến biên giới phía Bắc của Tây Nguyên, bao giờ cũng là ở trên núi, tại những nơi rất khó leo tới, không bao giờ ở trong các thung lũng hay trên các cao nguyên... Chốn cư trú của họ thông thường chỉ có một nhà sàn duy nhất. Những người Cil khác ở cách đó đến ba hay bốn tiếng đồng hồ.

"Rú và rừng rất quen thuộc với người Cil. Người lạ không khỏi ngạc nhiên khi băng qua những khu rừng hoang dã của Tây Nguyên, họ bỗng khám phá ra một ngôi nhà sàn của người Cil trong khu rừng mà họ cứ ngỡ còn nguyên sinh... Rẫy của người Cil trồng lúa hay ngô. Sản phẩm đủ ăn một phần ba năm; thời gian còn lại, người Cil đi vay mượn và đói.

"Họ cũng không có chút tiện nghi tối thiểu trong nhà. Trong các kiểu nhà Tây Nguyên, đây là loại nhà thấp nhất, tối tăm, bẩn thỉu nhất. Dê sống chung với người trong ngôi nhà ấy; đôi khi lợn giành những mảnh chăn với người. Bao giờ cũng có một chỗ nước gần nhà, chỉ dùng để nấu ăn: một người Cil đúng kiểu không bao giờ tắm; có thể hình dung da họ màu gì vào kỳ đốt rẫy khi trong rừng chỗ nào cũng là than.

"... Sức chịu đựng và sự khéo léo của người Cil khiến họ đầy tự tin về mặt thể chất... Sự dai sức trong chuyện đi đường của họ đã thành truyền thuyết; đấy là một con sơn dương bất chấp mọi quy luật thăng bằng. Nếu họ muốn gặp những con người khác những người ở trong căn nhà của họ, họ phải leo núi nhiều giờ, và thường là chẳng có đường sá gì cả... Họ lao đi vững vàng và gấp gáp trên những đống đá lổn nhổn, những tảng đá to tướng trơn trợt vì rêu, trong những khu rừng muôn đời ẩm ướt, leo qua những rễ đa dựng đứng như những bức tường, vượt qua những vực thẳm không biết đâu là cùng trên những thân cây nhún nhảy; và bao giờ cũng trong một bóng tối lạnh buốt, vì các cây to ngăn không cho chút ánh nắng nào rọi được tới nền đất. Trong những dãy núi này, mọi thứ đều nhuộm màu đêm và bốc mùi mùn. Rắn lẫn với dây leo, chim ghẹo người đi qua, những con khỉ, vô hình, rít trên các cành cây cao.
"Ta hiểu sống trong một khung cảnh như vậy, chỉ có rừng già hoang vu là quen thuộc, đóng kín trong cô đơn tăm tối, quen cảnh khốn cùng, người Cil khó gần, không thích tiếp xúc và chậm tiến...

"... Cảnh đời họ là như vậy. Rừng già kinh hãi, bụi rậm dày kín, mùi ẩm mốc; nhưng giữa những thân cây thông to lớn khắc khổ, qua một lỗ thủng ở một bụi rậm đầy gai, ta nhận ra xa xa một vệt nhỏ sáng loáng, ánh bạc, trong suốt: bờ biển miền Trung, biển cả... Còn phải dạy cho họ biết nhìn, biết tìm cái điểm lý tưởng đó, giữa những thân cây thông cao lớn khắc khổ, sau một ngày lao động khổ sai..."

*
Đọc những dòng như thơ trên, được viết ra cách đây hơn 50 năm, mà làm tôi tò mò quá. Người Cil giờ sống như thế nào nhỉ? Họ đã đến nhúng mình vào cái điểm lý tưởng qua kẽ lá, là biển cả, chưa? Và biết thế nào là lý tưởng đây: làm một người Cil không tắm một mình bình thản đi trong tịch mịch? Hay làm một người hiện đại như chúng ta loay hoay cho đến lúc chết làm sao để không bị cô đơn?...

Tác giả là Dam Bo (Jacques Dournes), một nhà Tây Nguyên học người Pháp, đến sống ở đây gần 30 năm. Cuốn "Miền Đất Huyền Ảo"[1] này là một công trình nghiên cứu về Tây Nguyên, đầy những ghi chép tỉ mỉ lạ lùng, bỏ xa những cái bề nổi nhà mồ nhà rông rượu cần cồng chiêng đóng khố... mà lâu nay ta vẫn biết về Tây Nguyên một cách rất... cưỡi voi xem kơ nia. Dù bạn nói, không, tôi không thích đọc sách nghiên cứu; thì tôi vẫn mong bạn có cuốn này trong nhà; và khi đọc, bạn đừng quên mang theo bút để đánh dấu (dù rằng cái thói quen này có thể làm cho vợ bạn càu nhàu). Đánh dấu rồi gấp lại mà nghĩ ngợi. Có vô vàn mốc "nghỉ mà nghĩ" khi đọc cuốn này. Thỉnh thoảng nó sẽ làm bạn ngượng nữa, khi so sánh mình với họ, ai mới là văn minh hơn ai. Thêm vào đó, sách lại được viết (và được dịch) bằng một giọng văn rất hay, sinh động.

Tác giả Dam Bo viết: "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu." Phải yêu và hiểu lắm thì ông mới có thể tổng kết về người Tây Nguyên như thế này: "Người Tây Nguyên sống giống như trong quá khứ và họ sống bằng quá khứ. Họ không sống đúng thời của mình, trường hợp của họ là một ca lỗi thời... Đấy là cả một bài thơ và một cuộc sống; Nằm ngoài thời gian, nó không chỉ chăm chăm vào quá khứ, cho nên nó không nhất thiết là một cản trở đối với sự phát triển."
Ôi Trời!
Hiểu để mà yêu, yêu để mà hiểu. Cứ nghĩ đến sắp tới, một lô những công trình sách về 1000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ được tung ra, chẳng biết có bao nhiêu cuốn được đủ cả "yêu" lẫn "hiểu", và bao nhiêu cuốn chỉ là xào nấu những "hiểu", những "yêu" của người khác? Những công trình dằng dặc tên người thực hiện, tốn bao nhiêu tiền nhà nước, đọc lên chỉ thấy na ná nhau.

Ừ thì cái gì cũng có giá của nó thôi. Không "hiểu" và không "yêu" khi nghiên cứu, thì suốt đời bao nhiêu tên tuổi cũng chỉ lẫn lộn, na ná nhau. Còn tài hoa lặn lội tỉ mẩn giữa rừng suốt ba mươi năm, thì cái tên Dam Bo người đã đọc rồi sẽ không quên được.

[1] Miền Đất Huyền Ảo, NXB Hội Nhà Văn, 2003. Bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc. Tất cả các đoạn in nghiêng là trích từ trong sách.

saos@ngmo

Gửi ông X, Người ghét Karaoke

Thưa ông,

Chắc ông cũng biết, trên cơ thể ta có một số bộ phận mang tính hai mặt. Nếu ta quản được (về mặt đạo đức) thì những bộ phận ấy làm đời ta vui. Nếu ta quản không được, thì mặt tiêu cực của các bộ phận ấy lấn át mặt tích cực. Vì thế, trong trường hợp cái bộ phận ấy còn lành lặn mà lại sinh tiêu cực, thì là do ta quản kém. Ta chỉ cần chỉnh cách ta làm chủ nó, chứ ta không phải cứ thế mà cắt nó đi.

Nôm na ra, cái mồm ta chẳng hạn.

Karaoke là một bộ phận của cơ thể xã hội, nhưng vì nó [1]
• có những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Hiện yếu tố tiêu cực ngày càng nhiều, lấn át cả yếu tố tích cực,
• nhiều nơi vi phạm quy định về ánh sáng và âm thanh, không quản được,
• đa số lao động ở quán là nữ, và làm gái ôm, không quản được,
• người đến quán chủ yếu là những người tiêu tiền nhà nước chứ không phải tiền cá nhân, không quản được.
Cho nên, dù đó là loại hình giải trí rất phổ thông, thì cũng:
• dẹp nó đi.
Đó là lập luận của ông, người ký vào tờ trình của Bộ Văn hóa Thông tin, gửi Chính phủ ngày 2. 2. 2004, xin chính phủ hạ lệnh đến 01.01.2005 không cho các dịch vụ karaoke hoạt động nữa.
Thưa ông,

Bộ Văn hóa Thông tin, như mọi người vẫn nghĩ nôm na, là một bộ đảm bảo sao cho cuộc sống của người dân có...văn hóa. Và muốn làm được thế, với các hoạt động rő ràng là vô văn hóa, Bộ cần cấm tiệt. Cũng như với các hoạt động rành rành là có văn hóa, Bộ cần khuyến khích.

Nhưng ở đời không đơn giản thế!

Có những vấn đề mập mờ, đi chênh vênh trên đường ranh giữa văn hóa với vô văn hóa. Và Bộ Văn hóa này hơn Bộ Văn hóa kia là ở chỗ nghĩ ra những biện pháp để xử lý. Làm sao sau khi xử lý thì cái khối mập mờ tốt xấu ấy "văn hóa" hẳn, cho người dân còn được sử dụng.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, ông có viết: "Qua thực tế khảo sát, karaoke không là nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu tiếp tục cho phép hoạt động, loại hình dịch vụ này sẽ diễn biến phức tạp, làm suy thoái đạo đức." [2]

A! Tôi tin là mình đã hiểu được "bản chất" của ông rồi.

Không phải ông giáo điều. Không phải ông cứng nhắc. Không phải ông thù hận, ông ghét con người. Chỉ vì ông là một công chức quan liêu, sợ trách nhiệm thôi. Ông ngồi đấy, bên ấm chč, nghe những báo cáo về cuộc sống ngoài kia đang bộn bề, "phức tạp" mà nẫu cả ruột. Ông chỉ muốn nhàn, chỉ muốn mọi thứ hạ xuống đến mức tối thiểu cho ít việc, cho khỏi suy nghĩ. Mà "phức tạp" là một tính từ nguy hiểm đối với ông, nó không xấu hẳn hay tốt hẳn. Nó phức tạp. Nó làm ông có nguy cơ phải chịu trách nhiệm nếu nó "diễn biến phức tạp". Mà quản lý để nó không "diễn biến phức tạp" lại là một việc hết sức phức tạp, theo ông. Ông làm ngơ trước việc bao nhiêu cơ quan đi chơi cuối tuần ở quán karaoke, tập các bài hát "đỏ" cho hội diễn. Ông cũng làm như không biết karaoke là nơi bọn thanh niên vẫn tổ chức những buổi vừa hát vừa ăn sinh nhật trong lành. Ông muốn rảnh tay thì ông chỉ lấy những mặt xấu của karaoke ra làm cớ để thủ tiêu cái quyền được giải trí của người dân. Mà thưa ông, nói cho đúng, du nhập vào Việt Nam thoạt tiên dưới dạng trong veo, giờ nó trở nên càng ngày càng phức tạp như ông nói, thì đó không phải cũng là từ cái tội quản lý kém của ông sao?
Cuối cùng, tôi cũng phải thưa với ông: tôi là một phần tử "phức tạp".

Tôi không tốt hẳn mà cũng không xấu hẳn. Tôi có thể phạm nhiều tội, nhưng tôi chưa phạm tội. Thỉnh thoảng tôi cũng có "diễn biến phức tạp" nhưng nghĩ đến luật pháp, tôi vội dừng lại ngay.

Cho đến nay, tôi vẫn sống vui vẻ cùng gia đình. Thật là nhờ Trời, nhờ quản lý!


[1]Bài phỏng vấn ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa - Thông tin, báo Thanh Niên, ngày 24. 02. 2004
[2]Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 24. 2. 2004

saos@ngmo

"Nếu tao là nhà nước..."

Y.,
Tao mới đi rừng Cúc Phương về. Đẹp kinh khủng. Cây to, lối mòn sạch, chim hót, ve ran, bướm bay từng đàn từng đàn, và không khí trong veo, mát lạnh như thể mày bôi dầu gió vào người rồi chạy xe máy vậy.
Nhưng càng đi vào sâu trong rừng, tao càng ước gì mình là nhà nước. (Tao nghĩ nhiều người cũng có cái ước như tao, mỗi khi đi đến một khu du lịch nào đó trên đất nước này.) Nếu tao là nhà nước, thì tao đã thu được khối tiền từ Cúc Phương. Có biết bao nhiêu là khách, mà dịch vụ thì lại quá sức tồi tàn. Chúng tao thuê một phòng trong khu nhà rông ở sát khu rừng chính (có cây chò và cây sấu nổi tiếng). Đó là một khu đất đẹp đẽ, nhưng chỉ cất lčo tčo mấy cái nhà rông cho khách nghỉ, cạnh một nhà ăn to đùng xây bằng đá, như là ủy ban nhân dân huyện.
Phòng nghỉ tồi tàn, với chăn màn cũ kỹ, rčm cửa hồng hồng, một cái tủ cũ, một cái giường cũ... thật chẳng khác gì phòng của thầy giáo vùng cao. Cái gọi là khu nhà nghỉ đó không có nhà vệ sinh riêng. Chúng tao phải dùng nhà vệ sinh công cộng. Nhà tắm công cộng không có nước nóng, tao co ro dưới vòi nước lạnh mà ước gì mình là nhà nước.
Nếu tao là nhà nước, tao sẽ làm lại hết. Tao làm một khu nhà đơn giản, xinh xắn, nhiều cửa sổ; mở cửa ra, với tay ra, là đã chạm rừng. Chăn nệm sạch sẽ, nhà tắm nước nóng ở bên trong... Tao sẽ tính giá cao, nhưng tao chắc với mày là khách sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để ở lại một vài đêm giữa rừng như thế và phòng sẽ không bao giờ đủ; bởi vì, cứ như tao, nếu có một khu nhà nghỉ như thế, tao sẵn sàng mỗi năm đến đó nghỉ lại một lần.
Tao lại càng ước gì mình là nhà nước nữa, khi đến trưa thì tao đói. Chúng tao thong dong ra cái nhà bằng đá to đùng kia, và người ta nói là chẳng có gì mà ăn đâu. Chúng tao hỏi, mì gói thì sao? Mì gói cũng không có nốt. Chúng tao bảo, bất kỳ cái gì cũng được, đói quá rồi. Các chị mậu dịch viên tươi cười: không có gì hết. Cuối cùng, tao xông thẳng vào nhà bếp, tao gần như cầu cứu "em sắp ngất vì hạ đường huyết rồi". Người ta linh động kiếm cho chúng tao ít đồ ăn. Chúng tao ăn trong sự biết ơn và tao ước gì mình là nhà nước.
Nếu tao là nhà nước, tao đã thu được khối tiền từ cái nhà ăn này. Cúc Phương thì xa, khách từ ngoài vào đến đây chỉ có nước ăn ở đây chứ biết ăn ở đâu. Tao chỉ cần nấu những món ăn thông thường, sạch sẽ cho khách ít tiền, học sinh, sinh viên đi cắm trại; hoặc điệu đàng hơn, tao kê những bàn ăn dưới tán cây trên bãi cỏ trước nhà hàng. Ngồi ở đó, vào buổi chiều chập choạng, nhìn bướm bay từng đàn, nghe vượn hót, trong hương rừng, trong gió rừng, khách khá giả sẽ chẳng tiếc tiền mua những phút thư giãn mà no bụng đó.
Nhưng, tao muốn làm nhà nước nhất, khi từ trong rừng chui ra. Chúng tao rã rời, và không có một dịch vụ nào giang tay mời gọi cả.
Nếu tao là nhà nước, tao sẽ giàu to. Tao sẽ mở một cụm dịch vụ ngay cạnh khu nhà nghỉ và cái nhà hàng tao vừa nói. Tao sẽ bán gậy cho khách đi rừng, bán ống nhòm cho trẻ con nhìn ngọn cây, cho thuê vőng và tấm trải để khách nghỉ trong rừng, bán giày ba ta cho người lỡ đi cao gót, bán nước suối, bán phim chụp ảnh, bán dầu gió, bán thuốc chống muỗi bám... Tao sẽ làm tủ cho khách thuê để gửi lại bớt đồ đạc (như ở siêu thị). Khách lảo đảo từ trong rừng chui ra đã có khu tẩm quất, hoặc phòng tắm hơi, phòng gội đầu thảo dược. Chưa kể, tao có cả dịch vụ sửa xe cho những khách đi xe máy...

Y. ạ,
Xót ruột lắm khi thấy cái túi tiền nhà nước đáng lẽ được đầy mà lại vẫn cứ vơi. Một cơ hội làm ăn béo bở như vậy, tao còn thấy, sao nhà nước lại không thấy mà bỏ phí thế nhỉ?
Hay là thế này, tao với mày, chúng ta đến xin đấu thầu cái khu nhà nghỉ trong rừng Cúc Phương, và mỗi tháng nộp một khoản tiền cho nhà nước. Sẽ rất có ăn Y. ạ. Dân mình ngày càng giàu lên, và nhu cầu đi du lịch cũng tăng lên. Họ đã biết tiêu tiền. Họ chỉ cần dịch vụ tốt.
Mày cho tao biết ý của mày sớm để tao còn đi liên hệ người ta.

Tao,
X.
X.,
Tao đọc báo Phụ Nữ Thành Phố, có bài của nhà văn Trần Bạch Đằng nói về ông Hun Xen ra lệnh cho khu du lịch Angkor Wat nếu không xây nhà vệ sinh ngay cho khách thì ông cách chức hết. Tao cũng đang nghĩ: "Nếu tao là nhà nước..." đây.
Nếu tao là nhà nước, tao sẽ bắt các quan chức phải trình bày cho tao nghe cái kế hoạch "Nếu tôi là nhà nước..." của họ. (Thí dụ, tao bắt ông Ninh Bình trình bày kế hoạch làm thế nào để thu được tiền từ Cúc Phương mà vẫn bảo vệ được Cúc Phương). Nếu các quan chức của tao không có kế hoạch gì cụ thể mà chỉ có những từ ngữ chung chung vẫn dùng trong văn bản báo cáo, thì đến lượt tao, tao sẽ thực thi các biện pháp trong kế hoạch "Nếu tôi là nhà nước..." của tao đối với họ.

Nhưng, X. ơi,
Nếu tao là nhà nước, tao cho mày đấu thầu ngay cái khu dịch vụ trong rừng Cúc Phương mà mày nói.
Nhưng xác suất xảy ra việc đó rất thấp, bởi vì, nếu tao là nhà nước, thì giờ tao đã không trả lời thư cho mày. Hoặc là tao không đọc thư mày, hoặc là cấp dưới của tao đã đọc trước và vứt đi.
Như vậy, không biết là may hay rủi cho mày, là tao chưa thành nhà nước.

Y.

saos@ngmo

Sự Nan Giải Của Tí

Cách đây hai năm, khi Tí mới vào cấp III, bố Tí - một người cấp tiến, đã đưa ra quyết định táo bạo: Tí không cần là học sinh giỏi trong trường.

Với giấy phép này, Tí được phép lơ là:
môn Văn
môn Địa lý
môn Thể dục
môn Sinh vật
môn Sử
...

Tí chỉ cần giỏi:
• môn Toán
• môn Lý
• môn Hóa
• môn Anh Văn
Trong suốt hai năm đó, bố Tí đã nỗ lực dạy Tí những điều mà trường không dạy. Bố dạy Tí đọc báo, phân tích tin thời sự và xã hội (theo kiểu bố Tí). Bố cùng Tí đọc sách và đi chơi... "Nghiêm trọng" nhất, bố cho Tí tham gia phần điện của các công trình xây cất, để một khi thi đậu vào trường Kiến trúc, Tí sẽ là một sinh viên khác các sinh viên khác.

Với lối giáo dục như thế, Tí trở thành một học sinh "cá biệt" của lớp theo nghĩa đặc biệt. Từ Tí toát ra sự khinh khỉnh trước cái lối dạy vẹt và học vẹt. Tí coi thường sự "mãi không chịu lớn" của đám bạn cùng tuổi. Tí bất chấp hệ số với thang điểm. Tí là một học sinh điểm số trung bình mà đáng nể. Tí là một thách thức với thày cô và đồng loại bạn bč.

Tóm lại, Tí "đáng ghét".
Nhưng,
Mới ngày hôm kia thôi, quan niệm của Tí đã bị chao đảo. Khi nghe được ý kiến của Bộ Giáo dục - Đào tạo: "Chỉ những thí sinh khá giỏi mới nên dự thi đại học" [1] , các thầy cô đã nhìn Tí nín cười.

Bố Tí bảo, đừng lo, đó chỉ là "ý kiến", chứ chưa phải là một "quyết định".

Nhưng mẹ Tí bảo, ở nước ta, những "ý kiến" của cấp trên đều có thể được cấp dưới biến thành một "quyết định", rồi tự động triển khai thành một "đường lối" để lập công. Và nếu cái ý kiến trên của Bộ Giáo dục được đem vào áp dụng, để rồi Tí không được thi Đại học, thì mẹ Tí oán bố Tí cả đời. (Mẹ Tí thì vẫn oán bố Tí cả đời!)

Bố Tí lại cãi cùn, thế gương ông Anh-xtanh dốt Toán thì sao? Làm sao có thể căn cứ vào những gì người ta làm trong môi trường phổ thông, để mà chặn đường người ta đi vào tương lai cơ chứ? Cứ theo cái lối giáo dục này, thì chúng ta muốn có những công dân đặc sắc hay tròn đều ung ủng?

"Tôi không biết, tôi không biết!" Mẹ Tí xua tay và mở báo ra, trong đó [2] , ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ GD-ĐT, y như rằng, đã "triển khai" ý kiến mới nhen nhúm của Bộ. Ông ấy nói: "Vậy các em có học lực quá kém thì nên ở nhà hoặc đi thi trường THCN và dạy nghề, đỡ tốn tiền bố mẹ. Ở quê, 1 triệu đồng đã là rất quý rồi."

Thế nếu bố mẹ cái trò dốt đó có tiền, và 1 triệu là rất bé đối với ước mơ của trò ấy thì sao?

Thì ông nói tiếp: "Việc các em có học lực quá kém đi thi làm cho thành tích ngành giáo dục của tỉnh đó bị ảnh hưởng rő rệt."

Vậy là, theo hướng suy luận đen tối của mẹ Tí, một thông điệp "ngầm" đã được gửi tới toàn thể giáo viên cấp III. "Hãy nghĩ tới thành tích tỉnh nhà!" Hãy ngăn chặn bọn học kém mà lắm ước mơ đi thử sức. Hãy gác cửa ước mơ chứ đừng khuyến khích ước mơ.
Đại học chẳng của riêng ai, lại càng không phải của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ai cũng có thể đứng trước cánh cửa Đại học mà hão huyền hay thực tế nghĩ mình có thể bước vào, và thử bước vào. Qua được những bài thi, được điểm chuẩn, được chỉ tiêu tuyển sinh hay không là sức của mỗi sĩ tử. Nhưng ít ra, cái quyền được thử sức là quyền chính đáng của mỗi học trò tốt nghiệp cấp III, kể cả những trò lêu lổng và dốt nát.

Đó là suy nghĩ của bố con Tí, nhưng nhỡ các thầy cô và các trường Đại học nghĩ khác thì sao?

Thế là, từ sáng nay, Tí đã biết thân, "hoàn lương" cắm đầu vào những bài học mình không yêu thích, để rủi khi cái ý kiến về học sinh khá giỏi hẵng đi thi của Bộ thành "quyết định", thì Tí cũng còn vớt vát được chút nào.

"Để đạt được ước mơ, nhiều khi cần thỏa hiệp", đó là bài học Tí dạy ngược lại cho bố Tí. Và bố Tí, giờ mới hiểu nỗi lòng của các giáo viên, khi phải đối mặt với tinh thần "thành tích" của mẹ Tí trước các chị em cơ quan, đành phải dẹp ngay cái lối giáo dục của riêng mình, ngậm ngùi nhìn theo Tí bay theo đàn chim vẹt.


[1]Báo Thanh Niên, số ra ngày 9. 2. 2004
[2]Báo Thanh Niên, số ra ngày 9. 2. 2004

saos@ngmo

Có Giáo Dục Mà Vẫn Đáng Ghét

Có những tài liệu in đã lâu, nhưng tính thời sự và đúng đắn của chúng vẫn còn thích hợp với ngày hôm nay. Nếu chúng ta đọc được, và đưa ra cho mọi người cùng đọc (thay vì giữ riêng làm tài liệu), thì đó là một cách tiết kiệm chất xám, của người đi trước, cho người đi sau. Đó là chưa kể đến lợi ích tiết kiệm...giấy, bởi vì sách in ra đâu phải chỉ đọc trong một lần, một thế hệ.

Đây là đoạn trích diễn văn khai mạc của Thủ tướng Nehru đọc tại Đại hội lần thứ X của Tổng liên đoàn Giáo giới Quốc tế, diễn ra tại New Delhi vào năm 1961.
(Không thấy ghi tên người dịch của bài này. Xin thông cảm. Tít đoạn trích do người chọn đặt)

Tôi cho rằng khắp nơi mọi người đều lưu tâm đến giáo dục, bởi vì càng ngày người ta càng ý thức được rằng chính bằng giáo dục mà người ta có thể ảnh hưởng đến tâm trí chúng ta một cách thiết thực, và nhờ đó ảnh hưởng đến thời cuộc. Tôi nghĩ về bài mở đầu Hiến chương UNESCO, đã nói rằng chiến tranh khởi sự từ tâm trí con người. Vậy nếu chiến tranh khởi sự từ tâm trí con người chắc chắn như là nó đã xảy ra, thì người ta cần phải gây ảnh hưởng trên tâm trí nam nữ quần chúng.

Quý vị hội họp lại đây hôm nay để thảo luận những vấn đề này, trong khi khắp thế giới nhiều vấn đề nghiêm trọng đương diễn ra, và không một người nào có thể nói được việc gì sẽ xảy ra trong vòng mấy tháng sắp tới. Đây thật là một tình trạng éo le và khó khăn, nhưng có lẽ chính sự khó khăn của tình trạng này có thể dẫn chúng ta đến chỗ suy nghĩ chắc chắn về những sai lầm trong sự suy tưởng của chúng ta - không phải chỉ chúng ta tại nơi này, mà nói chung cho mọi nơi khác. Có một cái gì chắc hẳn lệch lạc. Một bên, chúng ta đi đến kết luận rằng giáo dục cần phải là phương tiện để giải quyết những vấn đề của thế giới. Điều này thực rő ràng. Nhưng chúng ta lại nhận thấy rằng những quốc gia và dân tộc có một nền giáo dục cao độ nhất trên thế giới, có tất cả những thuận lợi về mặt giáo dục kỹ thuật cũng như văn hóa, và đã thành công trong việc bài trừ được một số lớn những tai họa cố hữu mà từ trước nhân loại phải chịu đựng, như nghčo đói, v.v... lại không thể nào chung sống êm đẹp với nhau, mà còn nuôi căm thù đối với nhau.

Như vậy, đây là hậu quả của các chính sách giáo dục hay của sự thiếu giáo dục? Có phải giáo dục dẫn đến thù hận, mặc dầu có một sự hiểu biết lớn lao? Đây là một vấn đề mà tôi xin đem ra để quý vị nghiên cứu. Tôi tin chắc rằng giáo dục là điều thiết yếu, và tôi không hề phản đối giáo dục, nhưng sự thật là giáo dục, hay nói đúng hơn - một lề lối giáo dục mà chúng ta đã có trước đây không dẫn đến những phương thức giao tế hòa bình và hợp tác cho thế giới; chính phương thức giao tế ấy là điều cốt yếu cho việc tiến triển, hay nói thẳng ra, cho sự sống còn của thế giới. Điều này làm cho tôi bối rối.

Và có điều làm cho tôi kinh ngạc, là trong khi nền giáo dục chắc chắn được quý mến, trở nên chính yếu và không thể tránh được, thì tôi lại không thấy những kẻ được giáo dục luôn luôn đáng mến. Thường thường họ có một tầm trí thức hẹp hòi và hay đổ gánh nặng lên những kẻ, mà họ xem như người dưới, họ hành động như vậy với tư cách một cá nhân, một đoàn thể, hay một quốc gia, bất chấp nền giáo dục của họ. Và mặc dầu đã được hấp thụ giáo dục, trên nhiều phương diện, họ cũng chỉ có được một trí óc hẹp hòi. Họ không nhìn vào trí óc người khác, đi sâu vào tìm hiểu, vì họ bắt đầu mọi việc bằng cách nghĩ rằng họ đã tìm được tất cả những gì họ muốn có trong đầu óc họ, và họ không chịu mở rộng trí óc đón nhận những cảm tưởng của kẻ khác. Chắc rằng đó không phải là một kết quả tốt đẹp của giáo dục. Giáo dục cần phải mở mang trí tuệ và làm cho một người có khả năng thấu hiểu những người khác, và để được người khác thấu hiểu họ.

Và từ ngày rất xa xưa, các hiền triết và vĩ nhân đã nói với chúng ta rằng: căn bản của một nền giáo dục thực sự là tự biết mình, - dù điều này có thể mang ý nghĩa nào đi nữa - và đôi khi hình như trong khi tìm kiếm sự hiểu biết, chúng ta thâu lượm được một mớ kiến thức mà vẫn không khám phá được sự khôn ngoan thêm, và do đó chúng ra vẫn không hiểu nổi chính chúng ta hay kẻ khác, mặc dù chúng ta thu lượm được vô số những bản thống kê về cách thức người ta ăn như thế nào, người ta ăn bao nhiêu, và người ta làm những gì. Chúng ta có những pho sách lớn, những tài liệu thống kê về kinh tế và về những thứ khác, tuy vậy chúng ta vẫn thiếu đức khôn ngoan và đức khôn ngoan đó thiếu chính vào lúc khó khăn xảy ra. Làm cách nào để luyện được đức tính ấy - một chút khôn ngoan trong bộ máy giáo dục của chúng ta? Phải, đó là một vấn đề đáng cho quý vị nghiên cứu.
Chớ có giật mình

Đoạn trích này (không rő người dịch) nằm trong một bài phát biểu của Sir Ronald Gould - Chủ tịch Tổng liên đoàn Giáo dục quốc tế - phát biểu tại hội nghị Liên đoàn Giáo dục Quốc tế vào năm 1961. Tựa đề do người chọn đoạn trích đặt.

Khi đọc "Candida" của Bernard Shaw, tôi cảm động trước tinh thần cao cả và lý tưởng của mục sư Morrell. Thế mà, vợ ông đã chỉ trích ông nặng lời: "Khi có tiền bạc để trao tặng thì chính ông đem cho; còn khi cần từ chối, thì lại chính tôi phải từ chối". Quả vậy, tất cả những gì dễ chịu thì phần ông, những gì khó chịu thì phần bà. Tuy ông có một tinh thần lý tưởng cao cả, chính ông là kẻ tính tình hčn kém hơn, đáng khinh đôi chút nữa là khác, bởi vì ông trốn tránh những trách nhiệm của ông.

Một nhà kinh doanh có nói với tôi rằng, ông có thể tìm được hàng tá nhân viên có khả năng và vui lòng thi hành các mệnh lệnh, nhưng ít khi ông tìm thấy một người nào nhìn được những gì phải làm và làm công việc ấy với trách nhiệm riêng của mình. Vậy nên không có gì đáng kinh ngạc về việc Truman đã treo trước cửa văn phòng ông ở Bạch Ốc phương châm này: "The buck stops here", nói cách khác, "Ở đây người ta không thể đổ các quyết định cần phản chọn lên lưng kẻ khác."
...
Tôi đã tham dự những buổi họp trong đó người ta phải đương đầu với nhiều công việc, và phải đưa ra những quyết định quan trọng. Tôi nghe một cách nhẫn nại những lời lẽ trống rỗng mà hoa mỹ, và những lời tuyên bố mơ hồ vu vơ không gây nên trách nhiệm nào cho kẻ nói ra.

George Orwell đã nhận xét: "Kẻ thù lớn nhất của một ngôn ngữ minh bạch là sự thiếu thành thật" và tôi tự hỏi sự mù mờ ấy là do sự không làm chủ được ngôn ngữ một cách đầy đủ, hay là có nguyên nhân sâu kín hơn, và do một sự thiếu thanh liêm đạo đức.

Tôi ghi lại những câu thường được dùng đến. Người thì nói: "Có lẽ tôi nhầm, nhưng mà...", kẻ khác nói: "Hãy sửa giùm tôi, nếu tôi lầm, vì đây chỉ là ý nghĩ thô sơ." Người thứ ba nói: "Đây chỉ là một ý kiến ngộ nghĩnh vừa hiện ra trong trí tôi..." Nói như vậy, họ muốn gì? Phải chăng do đức khiêm tốn hay chỉ do sự đớn hčn tinh thần và đạo đức? Tôi để ý đến lối mở câu của họ. Thà rằng họ cứ nói, không cần ẩn ý nào: "Tôi nghĩ rằng...", "tôi tin rằng...", hay "tôi chắc rằng...". Nhưng họ không nói thế, và như thế tránh được việc gánh lấy một trách nhiệm. Trái lại, những người như Churchill, Lincoln đã không bao giờ trút trách nhiệm, họ đã biết chọn những quyết định, và chỉ định đúng vị trí của họ. Khi nói với hiệp hội các luật gia ở Oxford, Lord Atlee đã tuyên bố: "Điều cốt yếu trong thể chế Dân chủ là cai trị bằng những cuộc thảo luận, nhưng nền dân chủ sẽ không thể điều hành được trừ phi người ta ngừng nói." Lương tri chỉ rő cho chúng ta rằng chính nền dân chủ sẽ lâm nguy vì những lưỡng lự tinh thần và đạo đức, và vì sự thiếu hăng hái đảm nhận lấy trách vụ trọn lựa những quyết định và hành động.
...
Tự do và trách nhiệm, cũng như tình yêu và hôn nhân, bia và trò chơi ném đích, cá và khoai tây rán, Sodome và Gomorrhe, không thể nào tách rời nhau. Con người chỉ tự do một khi có trách nhiệm và ngược lại, con người chỉ có thể được xem như có trách nhiệm khi được tự do. Vì vậy Milton đã nói: "Không một người nào có thể hoàn toàn yêu mến tự do, nếu không phải là những người đức độ (nghĩa là những người có tinh thần trách nhiệm). Những người khác không phải yêu mến tự do mà chỉ là yêu mến sự phóng túng." Và đây là một vấn đề căn bản: Chúng ta có muốn các trường học của chúng ta sản xuất nên những người đức độ và những người công dân tốt hay không? Chúng ta có muốn cho các trường học của chúng ta làm việc như là những tổ chức văn minh không? Những người đức độ và những công dân phải là những kẻ chấp nhận một - cách - tự - do những trách nhiệm của họ.

... Vậy chức vụ của nhà giáo không phải chỉ việc nói đến tự do và trách nhiệm, mà còn phải dần dần truyền đạt những điều đó cho trẻ em, và nhờ đó dần dà làm cho mình trở nên ít cần thiết hơn đối với chúng.

saos@ngmo

Ra về lúc giải lao

Một cô gái tâm thần sống cùng ông nội nuôi. Hai ông cháu vẽ bong bóng rồi đi bán. Họ sống trong một khu chung cư, ở đó chiều chiều có một anh ca sĩ (sắp tới thời) lên sân thượng và hát một bài hát duy nhất (đợi thời). Chiều nào anh cũng gặp cô gái tâm thần kia trên sân thượng. Anh yêu cô, và ngay cả khi đã trở nên nổi tiếng, anh vẫn yêu cô.
Cô tâm thần kia lại chính là con gái của một người họa sĩ. Ông này khi trẻ lấy được vợ đẹp, rồi nổi tiếng, tiền nhiều, danh nhiều, đâm hắt hủi vợ. Vợ ông bỏ đi, mang theo cô con gái. Một ngày kia, vì một chuyện gì đó, cô con gái này bị bỏ giữa đường ngất xỉu, và ông bán bong bóng nhặt về, nhận làm cháu nuôi.
Ông họa sĩ có tiếng rồi thì lại mất vợ mất con. Nhớ thương khôn nguôi khiến ông năm nào cũng triển lãm tranh và lần nào cũng để bức tranh vẽ vợ mình ở gian trang trọng nhất, ai hỏi mua cũng không bán. Một hôm, cô gái bán bong bóng ghé lại, và ông họa sĩ sửng sốt, tưởng như vợ mình hiện về...

Tiếp theo thì sao?

Tiếp theo thì tôi không biết, bởi vì tôi bỏ về vào lúc giải lao.

Lúc đó vở kịch đã đi được khoảng 1 tiếng 30 phút, với những màn chọc ghẹo nhau, chửi qua lại tục tĩu, và hoàn toàn không có kịch tính.

Sự dung tục chen lẫn những ý đồ lãng mạn khuôn sáo không giấu vào đâu được. (Bong bóng biểu tượng ước mơ, dễ tan và dễ vỡ; Hiểu được và yêu được tâm thần là bằng chứng nhận đã đi được vào thế giới trong trắng chẳng bon chen...) Những màn mùi mẫn mẹ tìm lại được con kiểu kịch tôi vẫn xem khi còn 7 - 8 tuổi, nghĩa là cách đây 30 năm, xen lẫn với những cảnh nhí nhảnh thám tử "zé zé" của những phim thiếu nhi Mỹ... Có thể gọi, đây là một bữa ăn hổ lốn của những tác giả kịch đang cố tìm cách nhặt lấy từng tràng cười từ dưới khán phòng, bằng bất cứ giá nào.

Khán giả thì cười nhiều lắm. Khán giả, ai cũng biết, không phải là vị giám khảo đáng tin cậy trăm phần trăm. Họ chao đảo và phản ứng khá là "phong trào". Không tin, bạn cứ thử xem: bạn ngồi trong khán phòng, cạnh vài người lúc đầu cười khoái chí trước những câu thoại vô duyên. Bạn đăm đăm mặt vào nhé, rồi bạn cau mày. Những người ngồi quanh bạn sẽ để ý thấy bạn không vỗ tay, bạn còn chặc lưỡi bực mình. Chỉ sau đó một chút thôi, bạn sẽ thấy những hàng xóm của bạn cười ít đi, cười hoang mang hơn, và vỗ tay cũng nhẹ nhàng hơn. Thế đấy, khán giả là không đáng tin hoàn toàn. Tuy tác giả vẫn phải căn cứ vào khách hàng của mình mà lấy chuẩn làm việc, nhưng chỉ nên căn cứ một phần nào thôi. Việc của người sáng tác là phải cố hết sức đưa ra những cái hay, cái cao hơn khán giả, nói với họ, xem này, ở đây đẹp hơn, khó hơn nhưng đẹp hơn; chứ không phải là chiều theo khán giả, hạ mọi thứ xuống cho vừa tầm. Làm như thế là coi thường khán giả, bởi khán giả là một khối co giãn, anh dở mấy nó cũng hút anh được, và anh giỏi mấy thì nó cũng lớn hơn anh được. Anh chớ có tự cao mà hạ chuẩn mực mọi thứ đi và nghĩ là làm như thế là cho khán giả "hiểu được".

Quay lại với vở kịch, quả thực, ngoài việc đáng trách là đã để những khán giả "có lòng" với sân khấu (chịu khó đến nhà hát thay vì ra ngoài đường thuê băng Hàn Quốc về xem) không được hưởng một không khí trang trọng đúng nghĩa của nhà hát; thì đáng chán nữa là dàn diễn viên. Đài từ của các diễn viên nữ chua ngoa, không khá hơn bất kỳ ai trong chúng ta, nghĩa là họ chỉ hơn ta là họ có... cái micro. Diễn viên diễn nhợt nhạt và ý thức là có cả khán phòng đang nhìn mình, cho nên họ nói mà không nhìn nhau, họ nhìn khán giả. Một Ngọc Trinh với giọng nói tưng tửng mà vở kịch nào rồi cũng gặp. Một Minh Nhí mãi vẫn như thế kể từ ngày anh mới xuất hiện trong mục "Trong Nhà Ngoài Phố". Mà thôi thế còn đỡ tệ hơn là một Ngọc Giàu chấp nhận nói những lời thoại tục tĩu sau bao nhiêu vai để đời của một thời sân khấu còn thịnh vượng.

Có lẽ bạn sẽ nói tôi sai, chưa xem hết vở kịch mà đã chê như thế này. Người ngồi đến cuối mới có quyền nói mạnh. Nhưng trong trường hợp này, nếu bạn có bỏ 50.000 đồng ra, mất một buổi tối chủ nhật, đến sân khấu kịch Nhà văn hóa Phú Nhuận, xem vở kịch Đóa Hồng Gai, bạn mới thông cảm được cho tôi.

saos@ngmo

Tôi có đủ thuốc ngủ rồi

Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: "Nước Vệ có một người tướng mạo xấu xí tên là Ai Đài Đà (thế mà) người nam ở với hắn lại yêu quý hắn không nỡ xa rời, còn nữ nhân nhìn thấy hắn đều về xin cha mẹ: "làm vợ người khác không bằng làm thiếp cho người ấy"... Không hề nghe hắn tự xướng lên điều gì.... Hắn không có địa vị vua chúa..., cũng chẳng giàu có mà cho ai ăn, lại xấu xí khiến thiên hạ kinh hãi... Tri thức không vượt quá bốn cői, thế mà nam nữ đều tìm cách thân cận với hắn, nhất định hắn phải có chỗ khác người thường.

"Ta gọi hắn đến gặp ta, quả nhiên hắn xấu xí dễ sợ. Thế mà, hắn ở chung với ta chưa đến một tháng, ta để ý nết ăn nết ở của hắn, ở chưa đầy một năm, ta đâm ra tín nhiệm hắn. Lúc bấy giờ, trong nước không có tể tướng, ta bčn đem việc nước ủy thác cho hắn. Hắn lạnh nhạt ừ hữ, hờ hững như muốn chối từ, ta cảm thấy rất thẹn thùng nhưng cuối cùng vẫn giao việc nước cho hắn. Thời gian chưa lâu, hắn bỏ ta đi, ta rất hoang mang, cảm thấy như đánh mất cái gì đó, giống như trong nước không còn ai đáng chung vui với ta nữa. Thế thì sự thực hắn là loại người nào."

Khổng Tử đáp: "Tôi từng có lần xuất du đến nước Sở, đúng lúc nhìn thấy một bầy heo con đang bú xác mẹ. Rất mau chúng kinh hoảng nhận ra vội bỏ xác mẹ mà chạy trốn, vì heo mẹ không nhìn được chúng nữa và không có dáng gì là còn sống. Bọn heo con kia sở dĩ yêu mẹ chúng, không phải là yêu cái ngoại hình mà là yêu cái tinh thần chi phối, làm chủ hình thể... Ai Đài Đà không nói năng gì mà được tín nhiệm, không hề lập công lao mà khiến được người thân cận, khiến người trao việc nước cho mình mà còn e mình không nhận.

"...Sống chết, còn mất, cùng đạt, giàu nghčo, hiền và hư hỏng, khen chê, đói khát, lạnh nóng đều là biến hóa của sự vật, lưu thông của số phận... Những hiện tượng ấy không làm nhiễu loạn được thiên tính bình hòa của hắn, không xâm nhập được tâm linh sâu kín của hắn. Như vậy nội tâm hắn giữ được hòa thuận vui vẻ, tâm linh hắn không gián đoạn mà cùng vạn vật như xuân... Bình thản như nước đang ở trạng thái yên bình cao độ..., bên trong giữ được nội tâm an tĩnh mà bên ngoài không xao động. Cái gọi là đức chính là sự tu dưỡng thuần hòa của thiên nhiên. Người có đức không lộ, tự nhiên mọi người đều thích thân cận không muốn rời." (*)


Bây giờ là lúc tôi làm bạn bực mình đây, bởi vì cái đoạn trên kia gần như không ăn nhập đến những gì tôi sắp viết ra sau đây, lại càng không ăn nhập đến tít bài. Chẳng qua tôi đọc đoạn này xong thì thích quá, nên trích lại để bạn đọc thử, để bạn thích thì bạn đi mua sách về.

Đó là cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử (Nguyễn Tôn Nhan dịch và chú giải - NXB Thanh Niên). Mua được xong, tôi coi như một thắng lợi trong "quý I năm 2002". Đúng là loại sách "gối đầu giường", tối nào tôi cũng đọc. Đọc chậm chậm, vì mỗi bài, mỗi đoạn, mỗi câu, đều là những bài học; dễ hiểu có, khó hiểu có. Và có lẽ, cái hấp dẫn của sách chính là cái nhiều tầng ý nghĩa. Thêm tuổi, thêm kinh nghiệm thì đọc cũng hiểu thêm, cách khác, hoặc mức độ nông sâu khác...

(Viết đến đây, tự nhiên tôi thấy ngượng tay. Đấy, cái thói mình là thế. Tôi đến tuổi này rồi, đáng ra phải đọc những sách "di sản" kiểu này từ cách đây 10 năm, nay mới đọc, mà nói ra là mình đi mua về, mình đọc (bản dịch)... thì cũng ngượng. Cũng không hẳn là ngượng, mà là sợ. Sợ người đọc (vô hình) bĩu môi nói mình bịp, khoe chữ. Cái phản ứng này, tôi cũng có, đâm tôi sợ người khác cũng có. Tỉ như nghe ai nói thích nghe nhạc cổ điển, thì tự nhiên trong đầu mình đã có cái nhếch mép ngầm, "anh này trưởng giả"... Thôi thì nghĩ sao cứ nói toẹt ra vậy! Biết đâu bạn thu lại cái bĩu môi mà đọc tiếp.)

Quay lại với Nam Hoa Kinh, sách có nguyên bản chữ Hán, bản phiên âm, chú thích từ, bản dịch nghĩa (tôi chỉ đọc được phần này), và cuối cùng là "con sâu" - phần chú giải.

Thí dụ cái đoạn ở đầu bài kia, đáng lẽ có thể để người đọc gấp sách lại nằm ngẫm nghĩ muôn hướng, thì phần chú giải (vội vã) ghi ngay dưới bài, rất ngô nghê: "Đoạn thứ tư, tả Ai Đài Đà tuy ngoại hình xấu xí nhưng có tinh thần nội tại đủ hấp dẫn, cảm hóa người khác." Và chú giải kiểu thế có mặt gần như cả phần đầu của sách, chỉ từ chương thứ ba trở đi thì phần chú giải này mới tạm buông tha ta.

Bạn sẽ bảo tôi khó tính. Nó có gì sai đâu? Sao lại bực mình lên thế nhỉ?

Ờ, (tôi trích dẫn tiếp đây), nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, Jean Claude Carriere, trong một lớp học mở ở Việt Nam, có nói, cái đầu của người đọc là một con thú lười nhác, luôn muốn nghỉ ngơi. Khi có ai đánh thức, chìa ra cho nó một câu hỏi, thì bao giờ nó cũng tìm những giải đáp gọn gàng nhất, đến nhanh trong cái đầu mê ngủ của nó nhất. Nó bảo, thế là được rồi, được rồi, đi đi, cho tao nghỉ...

Những lời chú giải kiểu trên kia là một kiểu thuốc ngủ cho cái con thú-vốn-đã-buồn-ngủ trong chúng ta. Nếu cứ để cho người đọc đứng giữa rừng ý nghĩa, anh ta có thể lạc mất một lúc, nhưng tự anh ta sẽ tìm được đường, có khi dẫn đến thác nước bạc, có khi tới được hang u tịch, biết đâu sẽ kỳ thú gấp trăm lần cái lối mòn vạch sẵn dẫn ra... bãi giữ xe, như thế kia. Vả lại, sách của Trang Tử đâu phải loại sách đọc vào là gật gù đồng ý hay lắc đầu phản bác ngay một chiều. Chính ta có lúc thấy làm theo sách là đúng, lúc khác lại thấy thế là sai. Thế mà lời chú giải thì như đinh đóng cột, một chiều cắm vào gỗ.

Với người lớn chúng ta thì thôi, phẩy tay không đọc phần chú giải là xong. Nhưng lại nghĩ đến chuyện dắt-tay-làm-hại như thế này hiện có đầy ở sách giáo khoa mà con em chúng ta học trong trường. Cái con thú não bộ của bọn trẻ đã bị tiêm thuốc ngủ bằng những bài văn mẫu, những dòng tóm tắt nội dung bài học in sẵn cho học thuộc. Rừng đã biến thành công viên với những lối đi tráng cứng xi măng...

Nhưng dù sao, nói gì thì nói, mua được cuốn Nam Hoa Kinh này, tôi vẫn lấy làm đắc chí. Cũng biết ơn dịch giả bỏ công làm sách công phu, cho những kẻ không biết tí chữ Hán nào như tôi có thể đến được với một kho tàng. Tôi có chán là chỉ chán cái bản thân mình, chưa học được sự bình thản của ông Trang Tử để mà không bực với những dòng chú giải ở trong sách mà thôi.


(*) Đoạn trích trên lấy trong sách Trang Tử - Nam Hoa Kinh - dẫn ở trên. Vì mục đích khác của bài viết hơn là trích dẫn, nên xin được lượt bớt một số câu và đổi một vài chữ để tiện liền mạch theo dői.

saos@ngmo

Mỳ gói, bạn hay thù

1. Có một lần, em gái tôi được ra nước ngoài cùng một đoàn 10 người đàn ông. Mười người đàn ông Việt Nam dễ thương, rất chăm sóc thành viên nữ hiếm hoi trong đoàn, như những người anh chăm sóc em gái út.
Cả đoàn rong ruổi, từ ngày này sang ngày khác, từ thành phố này sang thành phố khác, đánh vật với phong cách ăn uống này rồi phong cách ăn uống khác. Trong cuộc chiến cuối cùng này, các anh trai của đoàn gục ngã. Và chị y tá, bà tiên, cô Tấm... đến nâng họ dậy chính là... mì gói.
Đã được nghe nhiều những mẩu chuyện về người Việt Nam ta đi công tác với một va li toàn mì. Không chứng kiến tận mắt thì cứ nghĩ chắc đây là một cách tiết kiệm. Có ở cạnh những chủ nhân của đống mì rồi mới thấy, nhiều khi không phải thế, em tôi nói. Chủ nhân của những thùng mì rất rộng rãi, chi tiêu thoải mái, nhưng họ cần mì. Có mì họ mới an tâm, như em tôi lúc nào cũng phải mang theo thuốc đau bụng rồi mới dám ăn ốc. Anh hướng dẫn viên du lịch thất vọng ra mặt khi thấy những món ăn địa phương chỉ được động tới một cách tự tin khi mì gói của đoàn đem theo đã được rót nước sôi để sẵn. Tô mì gói đứng lù lù trên bàn như một cái ao làng thân thương, nhìn thấy nó rồi thì những cậu trai mới dám (rón rén) đi chinh phục những miền đất mới.

2. Có người bạn, chị X., hay đi công tác nước ngoài. Chị bảo, tao buồn cười nhất là sang đến nơi là y như rằng có người trong đoàn đòi đi ăn... cơm Việt Nam, hoặc tệ hơn, ăn phở. Có người ăn chỉ để so sánh cơm Việt Kiều với cơm Việt Nam (trong khi còn vô vàn cái lớn hơn thì không so sánh); có người lại đơn thuần ăn là để đỡ nhớ, dù cách đó hai ngày vừa mới chén một bát phở đêm tú hụ, đến nỗi lúc đứng dậy còn nghĩ bụng, khéo phải một tháng nữa mới dám ăn lại.
Chị bảo, mình thì chỉ muốn có dịp ra nước ngoài thì ăn thứ họ ăn, uống thứ họ uống, thở không khí họ thở, nói tiếng họ nói, cố mà hiểu theo cách họ hiểu. Lần nào đi đến một nơi mới lạ, chị cũng ám ảnh rằng cuộc đời mình chỉ có một lần duy nhất, và biết đâu lần ghé thăm này cũng là duy nhất, khi xa Trái Đất rồi thì không còn dịp quay lại. Cho nên cố mà sống cho đầy, bằng tất cả những giác quan mà trời đã cho... Ấy thế mà những dịp hiếm hoi ra nước ngoài, thời giờ eo hẹp thế, vẫn có những người trong đoàn của chị đòi đi chợ Việt Nam bằng được, rồi lúi húi nấu cho dẻo một nồi cơm, đến nỗi chẳng còn mấy thời giờ mà đi chơi; hoặc tệ hơn, ăn không được thức ăn người, đến nỗi coi như chuyến đi ấy là thất bại, dù xứ sở ấy có đẹp đến chừng nào.

3. Gắn với nồi cơm hay gói mì đến mức không có không được, về sâu xa, cũng là một phần của tâm lý "giá người giống ta". Quên cái khẩu vị của mình đi ít ngày, "bỏ thói quen của mình ở nhà" vài bữa để sống với thói quen của người khác mà cũng đã khó vậy, thì cái gọi là "từng trải" làm sao có được nhiều?
Mà ở nước mình, hình như người ta không thích người từng trải cho lắm. Nếu bạn đổi mỗi hai năm một cơ quan, thì đến năm thứ sáu người ta đã e dč bạn rồi. Người ta đặt ra câu hỏi, hay là bạn có khuyết điểm gì mà không ai chịu đựng nổi? Không từng trải thì khó thông cảm, thế nên đa phần đàn ông Việt Nam chỉ chấp nhận vợ có quá khứ trắng tinh như... nồi cơm, và phụ nữ khó mà ngồi nghe (một cách đầy chia sẻ như một người bạn thân) chồng kể chuyện mình đi chơi vui với các cô bạn cũ ra sao. Lại đến bố mẹ thiếu từng trải, chưa bao giờ mạo hiểm, nên khó mà hiểu được tâm lý khi con làm liều để còn giúp nó vượt qua...

4. Tôi có người bạn, sống nay đây mai đó như chim, như gió. Sự tự do tỏa quanh anh này như một vòng hào quang. Trong cái bếp ở chỗ anh thuê có đầy mì gói. Nhưng đống mì để mãi chẳng thấy suy suyển là bao. Anh nói, để mì ở đấy cho tiện, nửa đêm có đói thì ăn, bận việc thì ăn, khỏi nấu, khỏi chạy ra ngoài; còn ra ngoài rồi thì ăn gì cũng được, có quan trọng gì!
Thế đấy, mì gói cũng như đàn bà, tùy hoàn cảnh mà biến thành bà hoàng hay chỉ là con ở, còn tùy theo người mua nó muốn là nô lệ hay ông hoàng (của thói quen).

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội