Tình người trong cõi mộng du

Started by vitconhocve, 25/07/07, 23:46

Previous topic - Next topic

vitconhocve

Tình người trong cõi mộng du

Có một bà mẹ già đến thăm con từ sáng đến chiều tối mà lần lữa chưa về được. Giữa giây phút của tình mẫu tử thiêng liêng ấy, bỗng dưng khuôn mặt của người con biến đổi dữ dội. Anh hô to: "Tất cả chú ý. Bọn địch đã đến tầm bắn. Bắn đi. Pằng, pằng, pằng...".

Người mẹ khóc ròng. Đó là một trong hàng vạn cảnh đời ở Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần kinh (xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình) Trung tâm là nơi nuôi dưỡng nhiều thương binh bị tâm thần.


Anh Tô Văn Long, 40 tuổi, hàng ngày vẫn phải có sự chăm sóc của bố.

Thế nhưng, trong cõi tối tăm của thứ bệnh nghiệt ngã này tình cảm người với người vẫn bừng lên mãnh liệt. Trung tâm có một trường hợp rất đặc biệt: cả 2 bố con cùng bị tâm thần. Đó là ông Tô Văn Thái (gần 70 tuổi) và con trai là Tô Văn Long (40 tuổi). Nếu được chứng kiến cảnh người bố chăm sóc người con thì không ai có thể bảo đây là hai bố con người điên.

Đến bữa đi ăn cơm, chúng tôi thấy ông Thái ân cần, nhẹ nhàng dẫn người con trai của mình xuống khu nhà ăn ("độ điên" của ông bố nhẹ hơn của người con). Ông Thái được hưởng chế độ ăn khá hơn dành cho đối tượng đã từng đi chiến đấu, còn anh Long hưởng chế độ của đối tượng xã hội. Nếu suất cơm của mình có quả trứng, ông đều đập vỏ rồi nhường trứng cho con trai. Hàng ngày, hai bố con cứ rủ rỉ tâm sự chuyện trò với nhau những câu chuyện không đầu không cuối, rời rạc. Đến bữa uống thuốc, ông đều giành lấy phần mang thuốc cho con uống.

Tại khu trại của giới nữ, nhiều phụ nữ tụ tập bên cạnh chiếc cửa xếp sắt, sát với bên khu nam để rủ rỉ tâm sự những điều người tỉnh không bao giờ hiểu được. Trong số đó có chị Lương Thị Lam, 53 tuổi, xã Tây Ninh, Tiền Hải. Chị từng là thanh niên xung phong, rồi không may bị nhiễm chất độc da cam. Sau khi phát hiện ra đứa con bị nhiễm chất độc da cam, bản thân chị lại bị tâm thần, chồng chị đã "chạy làng".

Hai mẹ con đã về quê sống một thời gian, khi bệnh quá nặng, chị đã phải vào đây chạy chữa. Năm ngoái, đứa con tội nghiệp của chị sống với bà ngoại đã bỏ chị mà đi vì bệnh tật. Trong số nữ bệnh nhân, chị là người tâm sự nhiều và các chị khác cũng rất chăm chú nghe. Chẳng biết họ tâm sự những gì, nhưng thấy họ ngồi đồng ở đó hàng giờ liền qua song cửa sắt.

Dù điên hay tỉnh, được nói chuyện vẫn là nhu cầu lớn của con người. Không thể tàn nhẫn với đồng đội, ông Bùi Xuân Quý, Giám đốc trung tâm, cho biết: "Ngoài việc khám bệnh, theo dõi sức khoẻ, tâm lý còn phải có tình thương của một người thân, một người đồng đội. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều bị rối loạn bản năng ăn uống nên miếng cá, miếng thịt phải gỡ xương mới dám cho bệnh nhân ăn. Mọi sinh hoạt đời thường như cắt tóc, cạo râu, tắm giặt, vệ sinh... bệnh nhân đều không có ý thức, các hộ lý, y tá phải trực tiếp làm".

Nhưng điều làm ông Quý cay đắng là không ít người thân khi đưa bệnh nhân đến đã nói nhỏ với bác sĩ, hãy tiêm cho họ một liều thuốc để có thể chết ngay.

Các nhân viên ở đây cũng hiểu hoàn cảnh của họ, bởi có bệnh nhân mỗi khi lên cơn đã phá phách, đánh đập cả bố mẹ già. Thế nhưng, các bác sĩ ở đây, bằng kinh nghiệm từng trải trận mạc, nên dễ thông cảm và biết cách chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. "Chúng tôi sẵn sàng nhận bệnh nhân dù Trung tâm luôn quá tải, đơn giản là vì không thể tàn nhẫn với đồng đội của mình", ông Quý nói Cũng vì tình đồng đội mà họ chấp nhận nguy hiểm.

Hộ lý Trần Đăng Phượng bị bệnh nhân đánh dẫn đến hỏng một bên mắt. Anh bảo: "Vào sinh ra tử suốt 10 năm trời, may mắn tránh được hòn tên mũi đạn, được lành lặn trở về, anh không ngờ mình lại bị mất đi một con mắt tại nơi này, ngay giữa thời bình". Thế nhưng, anh không hận người đã gây ra thương tích cho mình, vì "dù sao mình cũng còn suy nghĩ minh mẫn, còn có cả gia đình êm ấm để đi về. Đằng này anh em lúc nào cũng sống dữ dội với thời bom đạn, lúc lên cơn thì điên điên dại dại, được lúc tỉnh táo thì lại buồn chán, mặc cảm. Đến mình là đồng đội mà còn xa lánh thì tủi cho anh em lắm".

Ngoài anh Phượng còn có nhiều y, bác sĩ khác bị bệnh nhân đánh. Y sĩ Phạm Mạnh Cường bị bệnh nhân (vốn là sĩ quan đặc công) đá vào sườn làm gãy 3 dẻ xương; anh Hùng (hộ lý) bị bệnh nhân dùng gạch đập vào đầu; chị Dung (nhà bếp) bị một bệnh nhân khác ném đĩa vào mặt phải khâu 10 mũi...

Gần đây nhất, bác sĩ Hà Đình Hoàng bị bệnh nhân cầm đá ném vào gáy ngất lịm, phải đưa đi cấp cứu... Thế nhưng, trong câu chuyện kể về những cuộc đời thương binh ở đây, các y bác sĩ không hề trách móc mà vẫn lo: "Cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong có sự ưu đãi cho những thương binh đặc biệt này".

(Theo Nông Thôn Ngày Nay)
Em đi, bỏ lại con đường vắng. Bỏ lại vạt nắng vàng, bỏ lại hàng cây buồn ngơ ngẩn..........

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội