NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤNG DẠI

Started by hoatim, 16/06/07, 16:02

Previous topic - Next topic

hoatim

NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤNG DẠI


11.



Thở một hơi dài, Hà Phát nắm tay Khả Nhu bóp nhẹ, ấp úng:
- Anh, anh không được sự ủng hộ của cha mẹ. Hai người đã làm dữ với anh và đã tự kiếm cho anh một cô gái khác rồi... Anh.. Anh không biết phải làm sao bây giờ.. Mẹ anh và có cả cô gái mà mẹ anh chọn cùng nhau... đưa anh ra đây để gặp em đó...
Khả Nhu sững sờ nhìn Hà Phát. Vẻ rụt rè ngượng ngập của Hà Phát báo cho nàng biết có điều gì sẽ xảy đến. Linh cảm cũng mách báo sẽ có điều chẳng lành rồi. Khả Nhu bật hẳn người khỏi ghế, ôm lấy ngực lùi lại. "Mẹ anh và cô gái mà mẹ anh đã chọn. Họ cùng anh đến đây để làm gì? Để làm gì vậy? Còn anh thì sao hở Hà Phát và còn em nữa? trong lòng của anh, anh đang nghĩ gì vậy?". Cảm giác sợ sệt xâm chiếm càng lúc càng mãnh liệt. Toàn thân của Khả Như cứ rung rẩy liên tục. Cố chịu đựng, Khả Nhu thốt lời:
- Những người đó... cùng anh ra đây... để làm gì?
- Mẹ anh bắt buộc anh phải ra gặp em..
- Rồi sao nữa?
- Bình tĩnh đã Khả Nhu. Em hãy thông cảm cho anh, anh sẽ nói rõ cho em biết mà.
Khả Nhu nhắm mắt đau đớn. Nàng tì mạnh hai cánh tay lên mặt bàn đau khổ:
- Có lẽ... em đã hiểu ra rồi. Anh trở lại là để chia tay với em... Có phải không?
Hà Phát đứng như trời trồng không dám nhìn thẳng Khả Nhu dù một lần, như bị đoán trúng tim đen, Hà Phát lúng túng phân trần:
- Khả Nhu à, em hãy nghĩ xem: với cuộc sống khổ cực như thế này, chúng ta... không chịu mãi đựơc đâu. Nhìn em tần tảo anh không chịu nổi. Anh lại không có nghề nghiệp làm sao bảo bọc cho em. Chi bằng... anh đưa em trở về... Có lẽ cha mẹ của em cũng đã đau khổ vì mất em nhiều lắm rồi đó.
Khả Nhu nhìn thẳng vào mắt Hà Phát. Tia nhìn sắc lạnh như hai lưỡi dao bén ngọt đáng sợ. Nàng mỉm cười đau đớn rồi phá lên cười thật to như ngây dại. Nước mắt chảy ràn rụa, Khả Nhu phẩn uất thét lên:
- Đồ giả dối! Anh là một người giả dối! Hà Phát! Lúc này tôi không còn tin lời nói của anh nữa. Đã quá rõ rồi! Anh muốn "quất ngựa truy phong" mà không đủ can đảm để thú nhận trước mặt tôi chứ gì? Đến bây giờ tôi mới rõ anh vừa không chung thủy vừa là một kẻ hám lợi hèn nhát. Tôi linh cảm sẽ có ngày này, quả thật không sai. Ngày tháng trôi qua với những ngày khổ cực đã làm cho anh lộ rõ chân tướng. Anh thật là đồ sở khanh, là một tên đểu cáng!
Khả Nhu giận dữ gào lên rồi bụm mặt khóc nức nở. Hà Phát quăng điếu thuốc đang cháy dở xuống đất rồi lấy giầy nghiền lên một cách tức tối. Xoa nhẹ hai tay vào nhau, Hà Phát cắn chặt răng rít lên một cách đểu giả:
- Hám lợi, sở khanh hay thằng đểu cáng gì cũng được. Em thích chửi thì cứ chửi, nhưng phải hiểu một điều... là tôi không chịu nổi cuộc sống khó nhọc này nữa... Tôi đành lòng ra đi thôi. Mong rằng sau khi nguôi giận em sẽ tự trở về nhà mình. Đây là số tiền mà mẹ tôi trao cho em để đền bù...
Phát mở bóp lấy xấp tiền được bọc kỹ bằng một lớp giấy để lên bàn. Khả Nhu buông thỏng hai tay nhìn sững Hà Phát, rồi quay nhìn số tiền đền bù của mẹ Phát mà cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, Khả Nhu muốn chỉ thẳng vào mặt Hà Phát và hét thẳng vào hai người đàn bà nào đó trên xe rằng: "Chia tay với một con người lưu manh như Hà Phát thì không có gì đáng buồn... Nhưng mà... tôi không cho phép các người xúc phạm đến tôi. Nghe rõ chưa? Hãy cất những đồng tiền dơ bẩn của các người đi!". Nghĩ thế, Nhu run rẩy chụp lấy xấp tiền rồi dùng hết sức lực ném vào người Hà Phát:
- Tiền của mẹ con các người... hãy mang về mà tiêu xài đi. Tôi không cần đền bù cũng không cần thương hại. Tôi chỉ tiếc rằng tôi đã lầm anh một cách chua xót. Hà Phát! Mãi mãi và mãi mãi tôi sẽ không quên mối hận này. Tôi căm thù anh, luôn luôn nguyền rủa anh. Cút! Cút đi! Cút mau ra khỏi nơi này đi! Đồ khốn nạn.
Hà Phát bậm môi chộp lấy chiếc giỏ nhỏ định chạy ra cửa nhưng đã bị Khả Nhu chận đường. Trở mặt như trở bàn tay, Hà Phát vênh váo:
- Tôi muốn nói chuyện đàng hoàng, nghiêm chỉnh với em, em không chịu, cứ la hét chửi mắng cho thỏa dạ. Xong rồi em định làm gì nữa đây?
Khả Nhu sấn tới làm cho Hà Phát lùi lại:
- Làm gì à? Đối với những kẻ như anh tôi không có gì để làm. Chỉ yêu cầu anh nhặt hết những đồng tiền đó rồi mới được quay ra.
Phát nhìn tiền vương vãi trên đất rồi cúi xuống nhặt hết cho vào giỏ. Xong xuôi, Hà Phát ngẩng nhìn Khả Nhu:
- Đã sạch sẽ rồi, đi được chưa vậy?
Lòng Khả Nhu quặn thắt. Nàng quay phắt vào trong thét to:
- Đi đi!
Vài giây trôi qua... khi không còn nghe tiếng giầy của Hà Phát nữa, Khả Nhu mới từ từ quay lại. Căn nhà trở lại vắng lặng làm cho Khả Nhu hốt hoảng. Quỵ xuống nền gạch, Khả Nhu đưa hai tay quấn ngang hai bờ vai như cố tìm lại sự ấm áp trong cơn bão lòng. Nước mắt tuôn rơi, Khả Nhu nấc lên tức tưởi, nghẹn ngào. "Đã đi rồi sao? Đi thật rồi sao? Tại sao lại có thể bỏ đi một cách nhẫn tâm như vậy được? Hà Phát! Anh đã nói những gì anh có còn nhớ không? Anh đã hứa với em những gì, chẳng lẽ anh quên rồi sao? Anh trốn chạy cuộc sống khốn khó, hay là anh nhu nhược không có can đảm vượt qua hàng rào cản trở của cha mẹ anh. Đến rồi đi. Không một chút luyến tiếc - Không một chút nhớ nhung, xót xa hay đau lòng à? Anh thế nào hở Hà Phát - Còn em, em đang như chết đi từng giây phút đây. Tình yêu vẫn còn trong em, tất cả những gì với anh vẫn còn trong em. Em làm sao có thể một ngày một bữa mà quên mất được. Em đã từng nói với anh, muốn có đựơc hạnh phúc phải tự mình tìm kiếm trong một cuộc đấu tranh lâu dài, vậy mà em có thể buông trôi anh một cách dễ dàng như vậy. Để anh vuột mất trong tay em mà lại không hề có ý đấu tranh để gìn giữ".
Một tia lửa bốc lên trong mắt Khả Nhu, nàng lẩm nhẩm:
- Phải giữ anh ấy lại, phải giữ lấy tình yêu dù có phải tranh dành với hai người đàn bà kia.
Khả Nhu đứng lên lau thật nhanh nước mắt, vuốt áo quần bớt xốc xếch hơn rồi lao thẳng ra ngoài.
Bên ngoài chiếc xe chở hà Phát đang quay đầu lại. Đường xá vẫn đông. Khả Nhu cố hết sức gào lên:
- Hà Phát... Hà Phát!
Tiếng của nàng vang lên nhưng rồi tan loãng mau chóng.
- Hà phát.. Hà Phát!
Giờ phút này Khả Nhu cảm thấy đôi chân của mình thật là chậm chạp. Chiếc xe của Phát đã trở đầu chuẩn bị vọt đi! Khả Nhu lao thẳng qua đường.
Chỉ còn cách xe Hà Phát một quãng không xa, Khả Nhu gào lên muốn khan cổ:
- Phát ơi ! Hà Phát !
Trên xe có vài cái đầu quay ngó lại. Họ không những không thương tâm mà còn lạnh lùng quay mặt đi. Chiếc xe rú ga lao thẳng. Khả Nhu tiếp tục chạy theo, tiếp tục gào lên.
Chiếc xe càng lúc càng xa. Khả Nhu tuông rơi nước mắt nhưng không dừng lại. Nàng chạy như điên trên dường phố.
Xe cộ dập dìu. Những chiếc xe vút qua vút lại làm cho Khả Nhu hoa cả mắt. Nàng đuổi lả đuối lả, sức lực cạn kiệt. Trong giây phút nông nổi, Khả Nhu nảy sinh ý định quyên sinh, vì khi lịm tắt niềm tin, Khả Nhu thấy rằng cuộc đời nàng không còn ý nghĩa để sống nữa.
Trước mắt, một chiếc xe du lịch đang lao đến với một tốc độ không chậm, Khả Nhu nhắm mắt rẽ ngang qua, phóng mình lao thẳng vào đầu xe. Chiếc xe rít mạnh chồm tới đụng mạnh vào Khả Nhu, hất nàng bay ngược lên trên đầu xe, va mạnh vào tấm kính. Cùng lúc đó, chiếc xe lại đâm mạnh vào một chiếc xe khác phía trước, vì người lái xe đã mất bình tĩnh.
Cả con đường tắt nghẽn lại. Trên đầu xe, Khả Nhu nằm đó, toàn thân mềm nhũn, gương mặt nàng bê bết máu....
Một cảnh tượng làm khiếp đảm những người đi đường.
Khả Nhu lập tức được đưa vào bệnh vịên cứu cấp còn người đàn ông - đúng hơn là "nạn nhân" của nàng thì bị cầm giữ để điều tra tai nạn. Sau khi xác minh một cách chính xác do Khả Nhu tự ý lao vào đầu xe để tự sát, người ta mới hoàn tất hồ sơ thả "nạn nhân" đáng thương ra và yêu cầu anh ta có trách nhiệm chăm sóc thuốc men cho Khả nhu tử tế cho đến khi nàng bình phục.
Chàng thanh niên này tuổi ngoài ba mươi tên là Thiếu Sơn. Chàng có một gương mặt không thể liệt vào những chàng trai đẹp, nhưng bù lại chàng có một vóc dáng cao ráo, cộng với đức tính hiền hậu, độ lượng hiếm thấy.
Thiếu Sơn không cho rằng việc Khả Nhu lao vào xe chàng tự sát đến phải bị cầm cố suốt ba tuần lễ là xui xẻo mà có ý phiền trách Khả Nhu.
Suốt mấy tuần oan uổng ấy, chàng chỉ lo cho mẹ anh, sợ bà quá xúc động mà lâm bệnh thì lúc ấy chàng chắc chắn sẽ đau khổ nhiều mà không biết giải bày cùng ai. Gia cảnh của chàng rất đơn chiếc, chỉ vỏn vẹn có hai mẹ con chàng và hai người giúp việc, ngoài ra không còn ai nữa.
Điều thứ hai mà Thiếu Sơn lo nghĩ chính là tính mạng cô gái đã gieo họa cho chàng. Lúc ẵm nàng trên đường vào bệnh viện, dù bê bết máu đỏ trên mặt nhưng Thiếu Sơn vẫn trông thấy nàng thật đẹp. Một cô gái đẹp đẽ như vậy tại sao đến nông nổi phải tự sát? Có biết bao câu hỏi xoay quanh khả Nhu mà Thiếu Sơn không sao tìm được câu trả lời.
Mãi đến hôm nay Thiếu Sơn mới được tự do và phải gánh thêm "trọng trách" nữa nhưng chắc chắn một điều là, trong những ngày sắp tới Thiếu Sơn sẽ giải đáp được thắc mắc của mình.
hết: 11., xem tiếp: 12. 




trên con đường một mình em về nơi chốn tha hương ,cơn đau xa người còn thắm môi hôn nhớ về ai?....~bàn tay như cố kéo những ước mơ đã mai xa rồi
những tháng năm tàn phai hình bóng thôi còn ai??

hoatim

NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤNG DẠI


12.



Bệnh viện!
Buổi chiều nắng vàng rực. Trong phòng chăm sóc đặc biệt, Khả Nhu đang ngồi dựa vào thành giường. Phía sau nàng là một chiếc gối mềm mại đỡ lấy tấm lưng bé nhỏ thon thả. Nàng đã tỉnh táo nhưng đôi mắt đang băng kín vì vết thương chưa lành. Cánh tay phải của nàng cũng được băng một mảng băng lớn, cánh tay trái có vài chỗ xước nhẹ.
Rất may là người lái đã kịp thắng xe lại, mà nàng vẫn bị hất tung lên đầu xe... nếu không... thì hậu quả sẽ còn tệ hại đến mức nào nữa... làm sao mà biết được.
Cô y tá có khuôn mặt dễ thương với trang phục trắng toát ngồi bên Khả Nhu nhẫn nại đút cho nàng từng muỗng súp. Thấy Khả Nhu đột nhiên im lặng, cô y tá tên Oanh mở lời:
- Khả Nhu à, chị đang suy nghĩ gì nữa đó?
Đôi môi Khả Nhu thoáng động đậy:
- Sao cô biết tôi đang suy nghĩ?
- Chị ở đây đã hai tháng rồi, em chăm sóc cho chị mỗi ngày... ít nhiều cũng đoán được.
Mỉm cười, Khả Nhu gật đầu:
- Đúng là tôi có suy nghĩ... tôi nghĩ mình đã vô cớ quấy rầy anh Thiếu Sơn quá nhiều. Gây vạ cho anh ấy rồi còn phải để cho anh ấy nuôi dưỡng nữa.
Nhướng mắt nhìn Khả Nhu, y tá Oanh cười khúc khích:
- Em có một nhận xét khách quan này không hiểu chị có muốn nghe không?
- Nhận xét gì vậy... cô nói đi.
- Chị ăn muỗng xúp này đã.
Khả Nhu hé miệng húp lấy muỗng xúp sau cùng. Cô y tá Oanh vui vẻ để cái chén nhỏ xuống bàn rồi nắm tay Khả Nhu nói thật khẽ vừa đủ nghe:
- Anh Thiếu Sơn... có vẻ quan tâm tới chị lắm đó.
- Tại sao cô nói vậy?
Bị hỏi bất ngờ, Oanh ấp úng:
- Tại vì... chị à, nói thật nha, em là phái nữ nhưng suốt thời gian chăm sóc chị, em còn cảm thấy thông cảm với chị huống hồ chi anh Thiếu Sơn... chị không có biết đâu, anh quan tâm đến chị lắm, có ngày đến đây hai ba lần, nhưng ngồi ở một góc đó nhìn chị. Anh Thiếu Sơn xin em đừng nói cho chị biết nên em không nói... Em cũng đã kể hết hoàn cảnh của chị cho anh Thiếu Sơn nghe rồi.
Rời lưng khỏi chiếc gối dựa, Khả Nhu có vẻ khó chịu chồm tới. Cô y tá này quả thật là lắm lời. Chuyện gì của Khả Nhu tâm sự cô ấy cũng kể hết cho Thiếu Sơn nghe. Cảm giác xấu hổ làm nóng bừng cả mặt Khả Nhu. Nàng giận dỗi:
- Cô có thấy làm như vậy là quá đáng không? Rất may là tôi chưa có nói gia đình tôi ở đâu... nếu không, có lẽ cha mẹ tôi đã tức giận đến giẫy ra chết rồi.
Oanh phụng phịu nhưng rồi lại mỉm cười. Nàng không thể giận một "bệnh nhân" như Khả Nhu trong tình trạng này. Vì tâm lý của không lúc nào ổn định. Oanh đến rót nước vào ly rồi trao tận tay Khả Nhu, nói:
- Nếu chị cho rằng em quá đáng thì em xin lỗi chị, chị uống nước đi.
Khả Nhu uống hết ly nước mát thì cơn bực tức cũng hạ xuống. Nàng từ tốn hỏi:
- Cô Oanh à, đến bao giờ tôi mới thấy được.
- Phải đợi đến lúc cắt băng.
- Nếu không lầm thì còn hai ngày nữa cắt băng có phải không?
- Đúng vậy!
Khả Nhu bỗng buồn lặng:
- Có khi nào... tôi mãi mãi không thấy ánh sáng nữa không?
Câu nói vô tình của Khả Nhu làm cho y tá Oanh sững sờ đứng chôn chân một chỗ. Chút thương cảm lại bừng dậy trong lòng, Oanh nhè nhẹ lắc đầu rồi nhìn Khả Nhu không chớp. Bao suy nghĩ cứ ùa về mãnh liệt trong đầu Oanh:
"Chị Khả Nhu, giữa tôi với chị là hai người xa lạ, nhưng qua thời gian chăm sóc chị, có thể nói là tôi cảm mến chị nhiều. Hơn nữa, cùng là phái nữ nên tôi đồng cảm với chị và yêu thương chị. Tôi cũng có tình yêu nhưng may mắn hơn chị. Còn chị tại sao lại phải quá khổ như vậy? Ở trên đời lại có những người đàn ông đốn mạt như vậy sao? Tình yêu, vẫn là tình yêu, nhưng sao người hạnh phúc, còn chị lại đáng thương như vậy? Nghĩ đến ngày mai của chị, tôi thật đau xót và không cầm được nước mắt".
Nghĩ ngợi và cố nén tiếng thở dài, y tá Oanh nhè nhẹ đến bên cửa sổ. Ráng hồng bên ngoài tuyệt đẹp. Nàng định quay vào nói cho Khả Nhu nghe nhưng lại im lìm câm nín. Lại thở dài, y tá oanh nhớ đến câu chuyện giữa bác sĩ và Thiếu Sơn mà nàng đã vô tình nghe được. Bảo thẳng thừng rằng đôi mắt của Khả Nhu mười phần thì chỉ có hai phần hy vọng. Chính câu nói này đã làm cho Thiếu Sơn buồn trông thấy rõ. Có tiếng của Khả Nhu vang lên kéo Oanh về thực tại:
- Cô Oanh, cô Oanh à! Cô đâu rồi?
Oanh quay vội lại:
- Em đây nè, chị cần gì?
- Cô ở trong phòng mà sao im lặng?
Oanh bối rối:
- Em... em bận nhìn ra cửa sổ.
- Ngoài ấy có gì? Những đám mây, sóng nắng... và còn có gì nữa?
Nắm tay Khả Nhu, Oanh dìu nàng đến gần cửa sổ nói nhỏ:
- Ngoài mây, gió và ánh nắng, còn có màu xanh của cây cỏ...
- Vậy đã mấy giờ rồi?
Oanh nhìn đồng hồ:
- Bốn giờ, chị có muốn đi dạo không?
- Không! Đứng ở đây cũng được rồi.
Oanh vẫn cận kề bên Khả Nhu và rỉ rả kể cho "bệnh nhân" của mình nghe đủ điều...
Thời khẳc trôi qua thật nhanh. Độ nửa tiếng sau bên ngoài có tiếng gõ cửa thật khẽ. Đoán ra âm điệu đó là của Thiếu Sơn chẳng sai, Oanh kề sát bên tai Khả Nhu:
- Anh Thiếu Sơn đã đến. Em dìu chị trở lại giường nha.
Khả Nhu khẽ gật đầu. Nàng quay lại ngồi dựa vào thành giường như lúc ban đầu. Dọn dẹp vài thứ lặt vặt xong Oanh thốt lên:
- Vào đi !
Cánh cửa xịch mở,Thiếu Sơn trịnh trọng bước vào, trên tay duy nhất chỉ có một nụ hồng bạch thật to. Trao cho Oanh, Sơn lặng lẽ đến ngồi xuống ghế. Oanh thích thú đứa đóa hoa vào mũi Khả Nhu:
- Hôm nay chị có một nụ hồng bạch đó nha! Có thơm không?
Thay cành hoa mới vào bình xong, Oanh kiếm cớ:
- Sẵn có anh Sơn, xin trông hộ giùm bệnh nhân em có việc ra ngoài một chút.
Khả Nhu hơi động đậy nhưng rồi lại ngồi im. Thiếu Sơn chuyển ánh mắt hiền từ nhìn Oanh cảm kích:
- Cô Oanh à, tôi cám ơn cô nhiều lắm.
Oanh ra đến bên cửa bèn dừng lại:
- Cám ơn gì anh Sơn, phận sự của tôi mà... cô ý tá có vui vẻ thì bệnh nhân mới mau bình phục chứ!
Oanh nói nhanh và lui ra cũng nhanh, cánh cửa đóng lại.
Một chút im lặng nặng nề trôi qua. Thiếu Sơn âm thầm nhìn Khả Nhu, ánh mắt chàng trìu mến.
Còn Khả Nhu thì lúng túng, thấy tay chân thừa thải. Nàng bấu chặt hai tay vào chiếc gối để trước ngực. Nhận thấy Khả Nhu bối rối, chàng mở lời trước:
- Khả Nhu đã khỏe hẳn chưa vậy?
- Tôi đã khỏe, nhưng mà... tôi rất là áy náy... vì vừa gieo vạ.. lại vừa làm phiền anh.
Thiếu Sơn mỉm cười rời khỏi chiếc ghế tiến đến thật gần bên giường Nhu:
- Đừng có nghĩ quẩn nữa, hãy lo cho sức khỏe của cô trước đã. Còn việc "ơn nghĩa" hãy để từ từ tính sau. À! Căn nhà trọ của Nhu tôi đã cho người dọn dẹp và khóa lại kỹ càng rồi. Tiền nhà cũng trả trước vài tháng dùm cô luôn. Tạm thời không có gì để lo nữa.
Nghe nhắc đến căn nhà trọ, Nhu nghe lòng đau nhói. Hình ảnh hôm nào lại hiện về khiến nàng lên cơn hoảng loạn.
- Còn ai ở trong nhà đó không vậy? Nếu có, hãy đuổi họ ra dùm tôi. Hãy đuổi dùm tôi!
Thiếu Sơn lao đến nắm chặt hai tay Khả Nhu kềm lại cho nàng đừng giẫy giụa:
- Khả Nhu, đừng có xúc động như vậy. Nếu cô có một chút nể tình tôi thì hãy nghe lời tôi. Trong ngôi nhà đó không có ai cả. Những gì đã xảy ra với Nhu... đã qua hết rồi... Đừng nhớ nữa..
Khả Nhu cảm nhận được trong lời nói của Thiếu Sơn có một chút gì đó gần gũi đáng mến, nàng quờ quạng hai tay kêu lên:
- Thiếu Sơn!
- Tôi đây! Tôi đang đứng cạnh bên giường của cô đây.
Khả Nhu nghẹn ngào:
- Nếu anh có nghĩ đến tôi... thì hãy... ngồi xuống đây đi... và đừng ngại.
Thiếu Sơn nhìn Khả Nhu rồi ngửa cổ nhìn thẳng lên trần nhà. Trong lòng chàng trong thoáng chốc có những biến động mãnh liệt, chàng thật sự muốn trở nên gần gũi với cô gái nhỏ nhắn này vì nàng vừa rất đáng thương vừa lại đáng yêu. Nhưng rồi có những lúc chàng muốn rằng phải xa nàng thật xa, phải giữ với nàng một khoảng cách nhất định. Chàng lo sợ gần gũi sẽ mang lại cho Khả Nhu những cảm giác êm đềm ngắn ngủi, nhưng rồi sau đó khổ đau sẽ lại tràn đầy. Chính xác hơn, Thiếu Sơn lo ngại rằng sẽ có lúc mình vô tình trở thành một nỗi khổ to lớn cho Khả Nhu. Những gì mà Thiếu Sơn biết được về cô gái nhỏ này khiến Thiếu Sơn phải suy nghĩ. Chàng cho rằng bấy nhiêu đó khổ đau là đã đủ quá rồi không nên gây thêm một chút nào nữa cả.
Tiếng của khả Nhu lại vang lên khẩn khoản:
- Thiếu Sơn! Anh đang suy nghĩ gì vậy?
Thiếu Sơn cố cười thành tiếng thật thoải mái cho Khả Nhu yên lòng, rồi ngồi thẳng lên giường gần sát bên đôi chân duỗi thẳng của Khả Nhu, thiếu Sơn nói:
- Không có suy nghĩ gì. Tôi đã ngồi rồi đây.
Và Thiếu Sơn cởi mở:
- Khả Nhu à, chỉ cần cô đừng nghĩ ngợi quanh quẩn nữa thì anh không có gì phải lo lắng. Hãy cố giữ sức khỏe cần thiết cho mình và cần chuẩn bị chu đáo về tâm lý để hai ngày nữa bác sĩ sẽ mở băng mắt cho cô.
Khả Nhu mỉm cười bẽn lẽn:
- Thật ra, anh tốt với tôi quá sức tưởng tượng rồi đó.
Thiếu Sơn nhìn khả Nhu đăm đăm. Chàng nhìn như xuyên thấu cả tấm băng trắng trên mặt của nàng. Cảm nhận được một nét đẹp hài hòa khả ái dù có bị che khuất bởi tầm băng trên mặt nhu, Thiếu Sơn bỗng nghe lòng lắng dịu. Hình ảnh hôm nào trên phố bỗng có một cô gái bất thần lao vào xe chàng lại hiện về thật rõ. Nàng đã gây cho Sơn một phen thất kinh hồn vía. Chợt mỉm cười, Sơn thốt lên:
- Khả Nhu! Cô vừa ngốc lại vừa điên nữa đó!
Đôi chân mày của Khả Nhu chau lại, nàng ấp úng không hiểu:
- Tại sao vậy? Tại sao anh nói tôi vừa ngốc lại vừa điên?
Sơn hơi lo nên cười phân giải:
- Xin đừng giận nhé Khả Nhu. Tôi nói như vậy là cũng vì quá nghĩ ngợi về cô đó thôi. Đau khổ, đó là chuyện thường tình mà dường như không ai không có lần vướng phải. Nhưng tôi không sao hiểu nổi - trông cô có bản lĩnh kiên cường như vậy mà lại xử sự dại dột như thế...
Đôi môi xanh xao của Khả Nhu lại động đậy, nàng hỏi:
- Căn cứ vào đâu mà anh bảo tôi có bản lĩnh kiên cường?
Sơn rất muốn nói ngay nhưng anh ngưng lại rào đón:
- Nói ra không giận chứ?
- Không!
Chỉ cần một tiếng "không" Thiếu Sơn nói hết theo ý nghĩ của mình.
- Bởi vì cô dám phản đối, dám vượt qua một bức tường vừa dầy vừa kiên cố mà cha mẹ cô đã sắp đặt sẵn để thực hiện theo tiếng gọi của con tim. Như vậy không phải là kiên cường thì là gì? Tôi một lần nữa lại không thể hiểu nổi, trong lúc hoạn nạn cô đã bỏ quên chí kiên cường của mình ở đâu rồi? Tại sao cô không nghĩ rằng, một lần nữa bản chất ấy sẽ giúp cô chiến thắng hoàn cảnh. Thay vì dũng cảm vượt qua, cô lại ủy mị tự sát. Đó chính là sự nông nổi, sự ngu ngốc nếu không nói điên loạn có phải không Khả Nhu?
Không còn đường nào để chối. Con người này đã nói không sai một mảy may nào, cứ y như là chính anh ấy đi trong bụng mình ấy... Nghĩ thế, Khả Nhu chợt mỉm cười:
- Anh nói rất đúng! Không ngờ.5. Anh phân tích đúng tâm trạng của người khác đến như vậy? Dẫu sao, tôi cũng đã nợ anh quá nhiều, nếu muốn đền đáp thật khó lòng đền đáp được.
- Cô có ý gì vậy Khả Nhu? Lời nói của cô có gì uẩn khúc?
- Tôi sợ, mình không thấy lại được. Lúc đã mù lòa, không biết sẽ làm gì để sống.
Thiếu Sơn nhăn nhó đau xót:
- Tại sao cô lại nghĩ như vậy?
- Tôi linh cảm như thế!
Thiếu Sơn cắn chặt môi, đưa tay bóp nhẹ nơi vầng trán. Viễn cảnh một Khả Nhu mù lòa lăn lóc gió sương, vất vơ, vất vưởng kiếm sống trên hè phố vô tình làm cho Thiếu Sơn đau nhói. Nếu nói đó là một sự trừng phạt của số kiếp thì thật là bất công, tàn nhẫn. Nàng đã làm gì nên tội đâu. Dù muốn dù không, lương tâm của Thiếu Sơn cũng không cho phép chàng để xảy ra tình cảnh ấy, phải giúp nàng, dù mình không cố ý gây nên thương tích này, vẫn phải gánh lấy. Đó là một việc làm vui vẻ tự nguyện, chứ không phải là một kiểu gánh trách nhiệm bị bắt buộc.
Trở nên thoải mái, phấn chấn vì một ý nghĩa tuyệt vời, Sơn long lanh ánh mắt nhìn Khả Nhu rồi nhè nhẹ nắm lấy đôi tay nàng. Giọng của Thiếu Sơn êm êm như gió thoảng:
- Khả Nhu! Em không muốn trở về gia đình thật sao?
Khả Nhu hơi ngớ ngẩn vì tiếng "em" đổi cách xưng hô ngọt ngào của Sơn, nhưng Khả Nhu vẫn để yên bàn tay mình cho thiếu Sơn nắm. Nàng trả lời:
- Có lẽ không nên về nữa!
Bàn tay của Sơn xiết mạnh hơn, giọng chàng thành thật hơn.
- Khả Nhu! Hai ngày nữa băng mắt của em sẽ được mở ra. Nếu thấy rõ được thì cần cảm tạ trời đất đã phù hộ... còn ngược lại... thì em đừng vì điều đó mà quá đau buồn... Bởi vì, một ngày nào anh còn sống thì em sẽ không phải bơ vơ, cô độc với đời. Anh sẽ giúp đỡ,lo lắng cho em tất cả.
- Em làm sao có thể trở thành một gánh nặng cho anh được chứ? Em không đồng ý, không chịu đâu! Thiếu Sơn, cảm ơn anh đã quá tốt với em, Khả Nhu này không nghĩ rằng sẽ bơ vơ, vất vả trên đường đời đâu. Anh đã từng nói em rất kiên cường cơ mà. Em sẽ không bỏ quên nó nữa đâu, em sẽ dũng cảm vượt qua tất cả - em tin như vậy.
- Khả Nhu !
Thiếu Sơn kêu lên thống thiết. Khả Nhu trước mặt chàng bất động như pho tượng, làn da trắng xanh xao, Thiếu Sơn bậm nhẹ đôi môi rồi nói khẽ:
- Hãy hiểu cho anh một chút và hãy nghe anh nói thật lòng đây. Nếu em vẫn dứt khoát với những ý nghĩ như thế thì anh... anh sẽ đau khổ và không yên suốt cuộc đời này đó.
Khả Nhu giật thót người lên như chạm phải điện. Nàng định gào lên, phủ nhận lời Thiếu Sơn, nói rõ ý nghĩ của mình nhưng không còn can đảm, không còn lời lẽ.
Tay vẫn trong tay, Thiếu Sơn im lặng ngắm nhìn cô gái nhỏ đã vô tình tràn vào tay chàng. Căn phòng càng lúc càng im ắng. Sơn không nói nữa, Khả Nhu cũng im lìm. Tâm tư của cả hai cùng lắng đọng thật sâu theo thời gian và không gian tĩnh mịch. Tay vẫn trong tay. Máu trong huyết quản lúc như dừng lại lúc như chạy vội. Giữa hai người càng lúc càng như ngột ngạt. Một sự ngột ngạt thích thú.
o0o0o0o0o
Hai ngày sau, băng mắt của Khả Nhu được mở ra. Nàng nhẹ nhàng hé mở đôi mắt to đẹp từ lâu khép kín. Một thứ ánh sáng mờ ảo rất nhẹ lọt vào mắt Khả Nhu. Có một lớp màng mỏng bao phủ quanh mắt nàng khiến nàng phải cố gắng hết sức giương mắt để nhìn. Tiếng của y tá Oanh vang lên thúc giục:
- Khả Nhu, trước mặt chị là anh Thiếu Sơn đó, chị có thấy không, có thấy không hả?
Khả Nhu mường tượng thấy bóng một người trước mắt, rồi sau đó, trong đôi mắt mở to ráo hoảnh của nàng bao phủ một màu đen. Nước mắt chảy tràn ra, Nhu bụm mặt rên rỉ:
- Tôi không thấy gì cả!
Có tiếng uất nghẹn của oanh, tiếng than thở của vị bác sĩ, và rồi đôi tay quen thuộc của Thiếu Sơn đặt mạnh lên vai nàng như an ủi. Hiểu được điều gì xảy ra qua sự lặng im đáng sợ này rồi, Khả Nhu nấc lên ngả vào lòng Thiếu Sơn khóc mùi mẫn:
- Thiếu Sơn! Em không thấy được có nghĩa là sẽ mãi mãi sống cảnh mù lòa... Có phải vậy không anh? Có phải vậy không?
Khả Nhu khóc tức tưởi trong lòng Thiếu Sơn. Nàng chỉ cảm nhận rằng mình được ôm trong lòng Sơn thật chặt, thật sát. Ngoài ra, chàng không nói được lời nào.
hết: 12., xem tiếp: 13. 




trên con đường một mình em về nơi chốn tha hương ,cơn đau xa người còn thắm môi hôn nhớ về ai?....~bàn tay như cố kéo những ước mơ đã mai xa rồi
những tháng năm tàn phai hình bóng thôi còn ai??

hoatim

NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤNG DẠI


13.



Vũ Dung chết lặng nhìn mẹ. Bà khả Nhu im bặt nước mắt tuôn trào như thác lũ. Nhắc nhở những chuyện đau lòng của quá khứ càng làm đau đớn con tim bà.
Trong lòng của Vũ Dung, mẹ của nàng càng đáng thương, đáng quí hơn lúc nào hết. Quá khứ của mẹ thật la đau buồn. Người đàn ông tên Hà Phát quả là đáng khinh bỉ... và mối hận đến tận xương tuỷ của mẹ không phải là không xáng đáng.
Vũ Dung tuột khỏi ghế ngã vào lòng mẹ, nàng ôm chặt lấy bà nức nở khóc:
- Mẹ! con muốn được nghe, mẹ hãy kể tiếp đi. Mẹ thật đáng kính. Mẹ là một người phụ nữ cao vợi trong lòng con. Con yêu mẹ, Con yêu mẹ!
Không dằn được mối thương tâm, bà Khả Nhu nấc lên:
- Ta không đáng kính đâu. So với cha của con, ta không là gì cả. Vũ Dung, con chính là con của Thiếu Sơn đó. Mẹ không thể ngờ được ngay lúc bị mù lòa, mẹ lại tìm được hạnh phúc. Cha của con đã mang lại hạnh phúc cho mẹ. Ta mãi không quên có những chiều ngoài bãi biển, Thiếu Sơn nhắc lại: "Phải chi, em đừng hốt hoảng mở to mắt thì không đến nỗi những mảnh kiến vỡ lúc tai nạn sẽ làm tổn thương mắt em." Lúc ấy mẹ bảo rằng: "Anh không hối hận, anh chỉ tiếc rằng đôi mắt em không còn thấy được... và em sẽ không ngắm được em sẽ rực rỡ ra sao trong ngày lễ cưới sắp tới." Mẹ không biết là mơ hay là thật nữa. Nhưng đó lại là sự thật Vũ Dung à. Cha và bà nội của con sống trong ngôi biệt thự cổ kính này. Lúc ấy, Thạch Lựu và chú Thạch còn chưa là vợ chồng với nhau, vì cha con yêu mẹ nên bà nội của con cũng yêu mẹ. Thế la lễ cưới xảy ra. Nhẩm tính lại, từ lúc nằm viện cho đến khi tận hưởng những giây phút thiêng liêng đó ngót hơn một năm trời. Mẹ sống bên cha con đầy đủ lẫn tình thương lẫn hạnh phúc bên chồng, sống ấm êm trong gia đình chồng mà quên đi tất cả. Được vài năm sau, mẹ hạ sinh ra con. Việc chăm sóc con đều nhờ vào tay Thạch Lựu và bà nội. Lúc con lên hai tuổi, bà nội con đột ngột qua đời vì căn bệnh quái ác: đứt mạch máu não. Nội con qua đời làm mẹ hoảng hốt nhớ đến ông ngoại của con. Thế là mẹ quyết định với ba con: "phải về quê thăm ngoại con để tạ tội". Nhìn mẹ, ông bà ngoại không lời lẽ nào để quở trách nữa. Mẹ vui sướng vì chuộc lại lỗi lầm và được biết rằng hai người vẫn còn khỏe mạnh. Lần đó trở về Vũng Tàu, mẹ rất là vui sướng. Thế rồi bốn năm trôi qua. Lúc con được sáu tuổi, cha của con lại vĩnh biệt chúng ta. Người chết vì căn bệnh nhồi máu cơ tim. Một lần nữa mẹ lại hụt hẫng chới với. May mà còn vợ chồng Thạch Lựu, nếu không mẹ sẽ không làm gì đươc nữa. Những năm kế tiếp là những năm buồn nhất cuộc đời mẹ. Thời gian trôi qua, Vũ Dung của mẹ được mười tuổi, rồi mười lăm tuổi ông bà ngoại của con cũng lần lượt qua đời. Đau khổ thật không bao giờ hết được. Giữa lúc đơn chiếc, mẹ lại đươc Tâm Đan tình nguyện ở lại chăm sóc. Âu cũng là còn một chút an ủi cuối đời. Và những gì tiếp sau này con đã hiểu cả rồi đó...
Bà Khả Nhu lại im lặng. Vũ Dung hiểu rằng câu chuyện cần kể... mẹ đã kể hết rồi. Từ từ ngẩng lên, Vũ Dung ngước nhìn tấm ảnh của cha treo ở trên tường rồi thốt lên khổ sở:
- Cha! Cha của con... Cha ơi!
Bà Khả Nhu hốt hoảng sờ soạng:
- Vũ Dung con làm gì thế?
- Con không có làm gì! Con chỉ nhìn cha, hứa với cha là sẽ thay người chăm sóc cha mẹ, vâng lời mẹ... sẽ cùng mẹ thù ghét những kẻ mà mẹ đã thù. Thế Vỹ đã có một người cha như vậy. Anh ấy không xứng đáng để con yêu ... Cha của anh ấy không đủ tư cách để làm cha chồng con. Mẹ! con xin vâng lời me. Con sẽ tuyệt giao với anh ấy mà không cần chia tay. Miễn sao mẹ vừa lòng thì bất cứ điều gì con cũng làm cả.
Hiểu rằng con gái sẽ đau khổ, nhưng bà Khả Nhu vẫn tiếp tục muốn con gái phải vâng lời. Bà khẽ gọi Vũ Dung:
- Con gái của mẹ hãy đến đây, hãy đến đây!
Vũ Dung nhạt nhòa nước mắt bước tới. Nàng điếng người trong vòng tay của mẹ. Thật sự bất lực trước một tình cảnh oái oăm. Khi xưa, mẹ đã từng yêu với một tình yêu bỏng cháy, vậy mà bây giờ ... mẹ lại vì thù oán mà căt đứt tình yêu cao đẹp của nàng. Lẽ ra, Vũ Dung sẽ thu hết can đảm để gào lên những điều ấy trước mẹ để bà hiểu rằng bà đang đối xử bất công với nàng. Nhưng tuyệt nhiên, Vũ Dung không làm được. Lớp trẻ của nàng là lớp trẻ tiến bộ với nhiều suy nghĩ chín chắn trong cuộc sống. Chuyện chia quyên rẽ thúy, chuyện ân oán hận thù đã trở thành quá cũ kỹ rồi, không còn thích hợp nữa. Biết đươc như vậy biết càng rõ thì Vũ Dung càng câm lặng. Dĩ vãng đau buồn của mẹ, đôi mắt mù lòa vĩnh viễn của mẹ không cho phép nàng mở lời, đã không cho phép nàng đong đo lựa chọn giữa bên tình bên hiếu. Nàng có thể thiếu người yêu, xa vắng người yêu nhưng không thể thiếu mẹ.
Nàng không có quyền gieo thêm đau buồn cho mẹ.
Vuốt tóc Vũ Dung, bà Khả Nhu mỉm cười trìu mến:
- Mẹ cảm nhận được chiều cao của con. Con đã khôn lớn lắm rồi phải vậy không Vũ Dung? Lại sắp làm một bác sĩ rồi. Mẹ hãnh diện vì con lắm. Con ... con không oán hận mẹ sao?
Nhắm nghiền đôi mắt, Vũ Dung đau đớn không cùng, nhưng vẫn gắng gượng:
- Đừng lo lắng nữa mẹ ạ. Con yêu mẹ nhất trên đời này.
- Mẹ cũng yêu con như vậy ... Vũ Dung!
Nắm chặt đôi tay mẹ, Vũ Dung sững sờ buồn lặng:
- Mẹ à, mẹ đã xúc động và khóc nhiều, phải cần ngơi nghỉ. Con trở về phòng nha mẹ!
- Con không sao chứ?
Cố cười ra tiếng, Vũ Dung tỉnh táo:
- Con không sao! Ba và mẹ là những người giàu bản lĩnh. Con là con của hai người, tất phải ảnh hưởng rất nhiều đến ưu điểm đó ... Con sẽ không sao đâu!
Vũ Dung hôn trán mẹ, để mẹ hôn lại rồi lùi dần ra cửa. Nghe tiếng chốt cửa mở, bà Khả Nhu vội nói:
- Mẹ chúc con ngủ ngon sau đêm nay sẽ có thêm nhiều nghị lực.
Níu thật chặt bàn tay vào cánh cửa, Vũ Dung nhìn mẹ:
- Chúc mẹ ngủ ngon! Con sẽ nhất nhất vâng lời mẹ.Chuyện của đêm nay mãi không nhắc nữa.
Vũ Dung nói xong lui ra. Cánh cửa đóng lại thật nhẹ. Bà Khả Nhu vẫn giữ tư thế ngồi nước mắt đã khô trên má bà - Đôi mắt vẫn sửng to ráo hoảnh, gương mặt không lộ một chút cảm xúc nào. Bề ngoài của bà cứ như lạnh lùng không có gì! Nhưng thật ra, cõi lòng bà đang cuộn dâng mưa bão. Cuốn phim dĩ vãng với những khúc quanh oan nghiệt tiếp tục hiện về làm cho bà nghe nhức nhối. Vết thương ngỡ đã lành từ lâu lai tiếp tục sưng tấy lên nhức buốt.
****
Đêm đã khuya!
Ánh đèn ngủ trong phòng riêng của Vũ Dung vẫn ánh lên một màu vàng nhợt nhạt, buồn tẻ.
Trên chiếc giương rộng Vũ Dung lăn lộn day dứt rồi lại rời khỏi giường đến ngã dài lên bàn viết, viết lấy viết để. Ý nghĩ tuôn ra, tuôn ra mãi không dừng. Những trang giấy đầy chữ càng lúc càng nhiều hơn. Nàng viết, viết rồi khóc! Cứ như vậy suốt đệm đau khổ không dừng lại.
Đêm càng khuya càng tịch mịch. Vũ Dung mệt mỏi dựa lưng vào tường, mắt huớng thẳng vào bóng đêm một cách vô thức.
Thỉnh thoảng nàng buông tiếng thở dài. Bao nhiêu chuyện xưa hiển hiện ra trước mắt, nào là lúc hăng hái đi lạc quyên và thành lập tổ chức từ thiện "bàn tay nhân ái" để góp phần "xóa đói, giảm nghèo" cho dân. Nào là buổi gặp gỡ với những con người giàu lòng bác ái, rồi tham quan Vũng Tàu. Buổi khiêu vũ ở nhà hàng, rồi tình yêu với Hà Thế Vỹ, buổi chia tay ngậm ngùi mưa bão với Quang Trung. Nỗi buồn của Tâm Đan ... và bây giờ thì định mệnh của đời nàng. Tất cả lướt qua mắt Vũ Dung nhanh trong chớp mắt.
Đột nhiên, tiếng gọi của mẹ lại như vang vọng bên tai thật rõ: "Mẹ muốn con cắt đứt tình yêu với Hà Thế Vỹ. Con không thể về làm vợ của nó, càng không thể về làm dâu của một người đàn ông đã có với ta một mối hận đến tận xương tủy. Nếu con không nghe lời mẹ thì chúng ta đoạn tình mẹ con".
Vũ Dung hốt hoảng, run rẩy. Nàng quơ vội tấm mền quấn kín quanh người cố tìm một chút rét mướt trong tâm hồn. Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ có biết rằng con đau khổ lắm không? Con không còn một chút sức lực nào để chóng chỏi. Con phó mặc tất cả, xem như con nát ruột chôn vùi tình yêu vào đôi tay hận oán của mẹ. Con sẽ cắt đứt với Thế Vỹ, nhưng không bao giờ quên được anh ấy. Đó là một thanh niên tốt rất hợp với con, rất đáng để cho con nương tựa. Anh ấy là con của một kẻ nhẫn tâm, bội bạc, thậm chí la đểu giả lưu manh ... nhưng giữa họ hoàn toàn trái ngược. Đúng là "Cây đắng sinh trái ngọt", Hà Thế Vỹ là một điển hình hiếm hoi đó.
Con đã chấp nhận, chấp nhận lìa xa, tất nhiên sẽ không còn lời để nói nữa, nhưng trong thâm tâm con, trong tận cùng sâu thẳm của đáy tim con, con vẫn có quyền gào thét.
Còn anh Thế Vỹ! Hà Thế Vỹ! Đêm nay ở Sài Gòn anh thức trắng đêm như em không? Có linh cảm sẽ xảy ra chuyện chẳng lành không? Chuyến này vào Sài Gòn, em sẽ lẳng lặng trở lại căn phòng trọ dọn đến một nơi tạm trú khác để trốn tránh anh. Để chờ đợi một ngày xa anh mãi mãi. Cắt đứt tình yêu giữa lúc tình yêu đang tỏa hương ngào ngạt là một việc làm hết sức tàn nhẫn, là từng lúc từng lúc con tim em lịm chết, vỡ nát.
Vĩnh biệt anh, Thế Vỹ! Em xa anh muôn đời ... Giữa chung ta đã bị ngăn cách bởi một bức tường oán hận cao vợi. Em phải vì mẹ em! Phải phục tùng người, phải tuân thủ người đã sinh ra em.
Vũ Dung vừa khóc vừa thầm nói. Lần đầu tiên trong cuộc đời, nàng nếm trọn vị ngọt ngào chua cay của tình yêu và của cách xa. Đành thôi! Đến và đi, hợp và tan cũng là lẽ thường tình mà. Biết vậy! nhưng sao tim vẫn đau nhói dữ dội. Biết vậy! nhưng sao nước mắt vẫn rơi không dừng?
Gục đầu xuống gối, Vũ Dung khóc rưng rứt. Nước mắt thấm đẫm cả một vùng gối trắng.
Thời gian vẫn trôi, trôi vô tình lên cả nỗi đau của Vũ Dung. Như một chiếc bóng cô quạnh, Vũ Dung lại rời khỏi giường đến ngồi xuống bàn viết. Nàng lướt mắt qua những trang giấy chi chít chữ, đọc như nuốt trọn rồi dừng mắt lại đờ đẫn, trên tường có tiếng con thạch sùng tắc lưỡi nghe buồn não nuột.
Ý nghĩ lại rõ nét, Vũ Dung cúi xuống, lật sang một trang mới, rồi với tay cầm lấy cây bút nguệch ngoạc trên trang giấy trắng cho những dòng chữ thống khổ liên tục tràn:
"Những dòng chữ sau cùng cho anh ...!
Người yêu dấu ơi !
Tan nát lòng em anh biết không? Mỗi phút giây em quyết định xa anh thì đốm lửa tâm hồn em cũng đang dần tắt. Nói lời tạ lỗi cũng chỉ bằng thừa thôi ... chi bằng cứ đi như lúc đã đến - Cứ xa như lúc phải xa. Hãy không ngừng trách mắng em đi người yêu ơi. Từ nay và mãi mãi ta sẽ không tìm được những lúc bên nhau nữa. Anh sẽ không tìm đâu thấy nụ cười hờn dỗi của em và những lúc em hùng hổ gây sự với anh nữa. Tất cả những gì từ thường tình cho đến đáng yêu sẽ không còn cơ hội để xảy ra nữa".
Một dấu chấm hết trong tức tưởi nghẹn ngào.
Vũ Dung ... Vũ Dung ... ! Cô sinh viên ngày nào xông xáo, sôi nổi, thích đem vui đến cho mọi người. Thích làm những việc từ thiện có ích cho xã hội. Một Vũ Dung với sức mạnh khởi phát chỉ tiến chứ không lùi, nay phải chịu thua hoàn cảnh. Người có một ý chí đấu tranh rất mạnh mẽ nay lại phải đầu hàng, buông trôi hạnh phúc.
Vũ Dung dừng lại, cây bút trên tay nàng rơi một cách đáng thương xuống bàn viết. Hai bàn tay bé nhỏ áp sát vào đầu, mắt nhắm nghiền kềm chế cảm xúc. Vũ Dung bất động một lúc lâu rồi nhặt bút viết tiếp :
"Mảnh hạnh phúc bé bỏng mong người ở đấy, thật gần nhưng cũng thật xa. Thỉnh thoảng gặp lại ... nụ cười ... ánh mắt ... lòng chợt buồn nhưng chẳng hiểu vì đâu?
Hà Thế Vỹ! Vĩnh biệt vậy! xin hãy tha thứ - Mãi mãi yêu anh".
Vũ Dung lê đến bên giường ngã vật xuống mệt mỏi. Trời sắp sáng, xa xa có tiếng gà gáy gọi bình minh.
***
Thế là Vũ Dung đã làm tròn lời hứa với mẹ, đoạn lìa tình yêu với Hà Thế Vỹ.
Hai tháng sau đó, Vũ Dung tốt nghiệp bác sĩ. Thay vì về bệnh viện Vũng Tàu, Vũ Dung lại xin chuyển về một huyện xa xôi ở một tỉnh phía nam. Đó là một cuộc chạy trốn nhưng Vũ Dung cố tình không nghĩ thế. Nàng tuyệt vọng chán nản và rất cần cuộc sống ở những nơi hẻo lánh như thể để vùi lấp, để quên đi mối tình đầu.
hết: 13., xem tiếp: 14.
trên con đường một mình em về nơi chốn tha hương ,cơn đau xa người còn thắm môi hôn nhớ về ai?....~bàn tay như cố kéo những ước mơ đã mai xa rồi
những tháng năm tàn phai hình bóng thôi còn ai??

hoatim

NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤNG DẠI


14.



Đêm đang xuống nhanh dần trên đường phố. Khắp nơi, đèn đường đã bắt đầu rực sáng. Ngôi biệt thự của cha con Hà Thế Vỹ cũng vẫn sừng sững giữa màn trời tối sáng.
Thế Vỹ cho xe rà chậm lại rồi rẽ vào cánh cổng to lớn mở sẵn. Cho xe vào, Thế Vỹ quay ra vẻ im lìm, bực dọc hiện rõ.
Bước vào nhà, lướt qua phòng khách rồi đi thẳng lên lầu, Thế Vỹ vào phòng riêng đóng sập cửa lại. Tần ngần một lúc lâu, chàng bước đến mở nhạc. Tiếng nhạc êm đềm tràn khắp căn phòng.
Vẫn một dáng vẻ khó gần, Thế Vỹ đến ngồi lên chiếc nệm duy nhất có trong phòng chàng. Một điếu thuốc được đốt cháy lên. Vỹ rít thuốc và nhả khói thơm lan tỏa mịt mù.
Trên chiếc bàn tròn bằng mica màu trắng có một lọ hoa nhỏ bằng thủy tinh trong suốt. Trong lọ hoa đó là một cành hồng đỏ thắm đang tỏa hương thơm ngào ngạt. Không khí lặng im, có thể nghe cả tiếng côn trùng đang kêu rả rích ngoài vườn.
Bỗng dưng việc tìm kiếm Vũ Dung thật là khó khăn. Nàng dời nhà trọ, ở đâu cũng không ai biết. Muốn gặp được nàng, chàng phải đợi mòn mỏi trước cổng đại học mới mong gặp được. Nhưng khi đã gặp rồi chỉ là sự lạnh nhạt khó hiểu của nàng. Thế rồi nàng tốt nghiệp và biến mất. Nàng làm sao thế? Đã gặp phải chuyện gì chăng? "Vũ Dung ... Vũ Dung!" Đã bao đêm rồi Hà Thế Vỹ không ngủ, chàng lao đao tìm kiếm trong tuyệt vọng. Nàng vẫn biệt tăm không có lấy một tin tức, không có lấy một lời giã biệt để ngậm ngùi.
Cả ngày hôm nay Thế Vỹ đã lái xe phóng thẳng ra Vũng Tàu. Bước thẳng vào ngôi nhà trong rừng dương. Bà Khả Nhu không có mặt. Gian nhà rộng hoang hoác, chỉ có một Tâm Đan tiếp chàng. Cô gái này đột nhiên tính tình cũng đổi khác. Hỏi đến đâu trả lời đến đấy, không còn giữ lại gì một chút nồng nhiệt của ngày xưa. Hỏi mãi cuối cùng Thế Vỹ chỉ nhận được câu trả lời duy nhất của Tâm Đan: "Em chỉ biết chị Vũ Dung chuyển công tác đến một nơi thật xa mà thôi, không có địa chỉ".
Buồn bã, Thế Vỹ quay về Sài Gòn. Không ngần ngại vào trường đại học của Vũ Dung để dò xét. Ở đó, người ta không làm cho chàng toại nguyện.
- "Thế đấy! tìm em như thể tìm chim, Vũ Dung à. Trong lúc anh khắc khoải buồn đau em đang lưu lạc buồn khổ hay sướng vui ở một chốn xa xôi nào vậy hở Vũ Dung? Anh không tin rằng cô gái Vũ Dung đẹp người tốt bụng lại có thể đối xử với anh một cách nhẫn tâm như vậy. Anh đau khổ rất đau khổ, nhưng vẫn nghĩ rằng em đang gặp phải một khó khăn nào đó mà thà biến mất chứ quyết định không hé môi nói nên lời ..."
Thời gian trôi qua chẳng biết bao lâu. Cánh cửa phòng đột nhiên có tiếng gọi trầm ấm của ông Hà Phát.
- Thế Vỹ! cha muốn nói chuyện với con.
Bỏ mẩu thuốc vào chiếc gạt tàn, Thế Vỹ đứng lên mở cửa. Ông Hà Phát nhìn con trai rồi bước thẳng vào phòng, ngồi xuống ghế.
Mấy ngày qua, vẻ buồn bã của Thế Vỹ đã làm cho ông Hà Phát không yên. Đến hôm nay ông quyết định hỏi con trai cho ra lẽ. Việc gì đã làm cho Thế Vỹ chấn động đến như vậy?
Thế Vỹ chầm chậm đến tắt cassette rồi ngồi lên giường, giương mắt chở đợi. Nhìn thấy ánh mắt của con trai ông Hà Phát mở lời:
- Con có tâm sự gì phải không? Cha có thể nghe con tâm sự được mà!
Thế Vỹ nắm chặt hai bàn tay vào nhau, nhíu nhẹ đôi mày:
- Con không biết nói như thế nào!
- Con độ rày ít đến công ty, không phụ việc với cha như lúc trước. Con có gì khó xử, hãy nói cho cha nghe. Biết đâu, với kinh nghiệm của người đi trước, cha sẽ giúp ích cho con ... chuyện tình cảm đó có phải không? Cô bé sinh viên của con đi lấy chồng rồi à?
Thế Vỹ nhăn nhó:
- Không phải vậy đâu! Ba à, con phải giải thích như thế nào đây? Chuyện hôn nhân cha con mình đã bàn bạc với nhau rồi, vậy mà ... nàng bỗng dưng rời khỏi con không nói một lời giã biệt. Hiện giờ Vũ Dung ở đâu con cũng không biết. Có một điều gì đó thật lạ ... mà con không sao nghĩ ra được?
Ngẫm nghĩ một lúc ông Hà Phát mỉm cười nhìn con trai:
- Con yêu cô ấy lắm à?
Liếc lên nhìn cha, Thế Vỹ kêu lên:
- Ba kỳ quá! Tất nhiên là con yêu rồi! Nếu không con làm gì phải tìm kiếm cô ấy vất vả ... như vậy! Con khổ ơi là khổ nữa, không tìm được Vũ Dung con sẽ không làm nổi bất cứ một việc gì nữa.
Chợt nhìn cha Thế Vỹ muộn phiền chàng hỏi nhỏ:
- Bộ khi xưa, ba không yêu mẹ con sao?
Ông Hà Phát dựa ngửa ra ghế bật cười khoan khoái nói:
- Con trai à! Khi xưa cha của con rất là hào hoa phong nhã. Rất nhiều cô gái yêu cha, rồi khổ sở vời cha nữa. Nhưng rồi ta nhất định dừng lại nơi mẹ con, chấm dứt nếp sống ngang tàng phiêu bạt. Nhưng ngỡ mẹ con sẽ sống với cha cho tới ngày răng long tóc bạc. Nào ngờ, rốt cuộc ta phải ở lại một mình làm thân gà trống nuôi con. Con bây giờ đã sung sướng và may mắn hơn cha lúc còn trẻ nhiều lắm. Con có cha chăm lo hết mực. Đời sống giàu sang tột bực ... Con không nên bi quan mà phải lạc quan. Phải đứng vững như một bức tường đồng kiên cố. Đừng nên quá ủy mị.
Thế Vỹ nghe cha nói tỏ vẻ không hài lòng. Mỗi người mỗi khác, còn chưa kể đến tình cảm. Cha có thể lạnh lùng như băng giá, có thể trơ trơ như bức tượng đồng kiên cố, nhưng con trai của cha thì khác hẳn. Hà Thế Vỹ thì khác một cách rõ rệt.
Chớp chớp đôi mắt, thở những hơi thở ngắn nặng nhọc, Thế Vỹ buồn bực đến muốn thét lên. Chàng thật sự muốn nói với cha rằng "Con là một người giàu tình cảm. Con yêu bằng chính con tim mình chứ không yêu ở đầu môi chót lưỡi. Cha có thể phiêu bạt, ngang tàng, có rất nhiều bạn gái và khiến họ đau khổ về cha. Để rồi khi muốn dừng lại, cha chọn lấy mẹ con để dừng bước ... Nhưng con thì không! Con sống rất thật. Con không có nhiều con đường, cũng không có nhiều bạn gái. Con chỉ có một con đường duy nhất là thủy chung với người bạn gái của con. Giá mà cha biết con đã trao tim mình cho cô ấy rồi. Không có cô ấy con không làm sao sống nổi."
Chống hai tay ra phía sau giường, Thế Vỹ ngửa mặt nhìn lên trần nhà chán nản nói lớn:
- Con đâu phải con gái đâu mà ủy mị. Con chỉ tuyệt vọng vì không tìm thấy nàng ... và nhớ nàng tha thiết mà thôi.
Vỗ thật mạnh lên trán, Thế Vỹ lại nói:
- Không hiểu, hôm con mạo muội một mình ra Vũng Tàu nói chuyện hôn nhân với gia đình cô ấy ... Có phạm một lỗi lầm gì không nữa.
Ông Hà Phát chép miệng nhìn con trai mà trong lòng cứ dấy lên ý nghĩ" . Con không giống cha tí nào cả. Hãy nhìn xem giọng điệu buồn nản do thất tình của con kìa. Những điều này ta chưa bao giờ vướng phải. Tất nhiên, ta không bắt con phải theo ta, giống ta. Ta đã già quá rồi. Những gì mà ta đã làm đều là cho con, cho mỗi mình con."
Rời khỏi ý nghĩ của mình, ông Hà Phát mỉm cười, một nụ cười tự tin, nó hầu như không bao giờ vắng bóng trên gương mặt ông.
Thế Vỹ à, đến nước này thì cha phải nhảy vào phụ giúp con vậy. Phải tìm kiếm lại tình yêu bị mất ... À không bị thất lạc mới đúng. Nếu để nó mất đi thì ta phải mất con ... mà ... điều này thì ta không muốn bao giờ. Nào, hãy bắt đầu bằng chuyến đi cầu hôn ... Kiểm lại xem con có làm gì đến nỗi người ta phải trốn chạy con không?
Thế Vỹ cố nhớ. Chàng xới tung cả ký ức vẫn không tìm thấy một lỗi lầm nào. Lắc đầu Thế Vỹ nói nhanh:
- Con hoàn toàn không có lỗi. Thoạt đầu mọi người ai cũng vui vẻ. Nhưng chẳng hiểu sao mẹ của nàng không cho cô ấy về Sài Gòn cùng xe của con. Từ đêm đó chuyện khác lạ đã xảy ra.
- Con đã nói với họ những gì?
Xòe hai bàn tay ra phân trần, Thế Vỹ nói tiếp:
- Con nói rằng cha bận việc công ty không cùng ra với con được. Nếu mẹ của Vũ Dung đồng ý thì con sẽ về báo với cha chọn một ngày tốt để làm lễ đính hôn. Sau đó thì mẹ của Vũ Dung hỏi con về thân thế. Con thấy bà ấy hình như có ấn tượng mạnh khi nghe đến tên cha đó.
Ông Hà Phát chau mày hỏi vặn lại:
- Con nói sao? Có ấn tượng khi nghe đến tên cha à? Con không lầm chứ?
- Khó có thể lầm lắm, bởi vì bà ấy vừa kín đáo vừa lạnh lùng. Có một chút gì xáo động thì sẽ thấy ngay.
Ông Hà Phát nhìn thẳng xuống đất nghi ngờ. Trong lòng ông thoáng ẩn hiện câu hỏi: "Chẳng lẽ nào?" nhưng rồi ông cố xua đi thật nhanh.
- Con có biết bà ấy tên gì không?
- Dạ không biết.
Nhìn thấy cha bỗng dưng mất vẻ bình thản, Thế Vỹ suy nghĩ rồi phì cười:
- Cha làm sao vậy? Cha lo sợ đất trời xui khiến... gặp lại cố nhân à? Không đâu! Dù bác ấy đã lớn tuổi nhưng nét đẹp và dáng vẻ quí phái vẫn còn. Chắc hẳn lúc còn trẻ là một người có nhan sắc.
- Con đã khen như vậy ... hẳn bà ấy là một người đặc biệt lắm.
Rời khỏi chỗ ngồi, Thế Vỹ bước qua bước lại, gật đầu:
- Là như thế mà con cũng nên nói cho cha bớt lo nghĩ. Bác ấy hoàn toàn là một nguòi mù lòa, không thấy gì cả.
Ông Hà Phát trợn tròn mắt rồi thở phào như trút đi gánh nặng. Trong lòng ông phút chốc có nghĩ ngợi đến cô gái ngày xưa. Nhưng thời gian qua đã lâu, ông không tin rằng cô gái vẫn còn lưu lại một mình nơi đó. Chắc hẳn đã trở về nhà rồi. Giờ nghe Thế Vỹ nói đến hai chữ "mù lòa" ông càng thấy khỏe khoắn hơn lúc nào.
Trở lại bản tính vui vẻ tự tin vốn có. Ông Phát đứng lên tiến đến gần con trai vỗ nhẹ lên vai Thế Vỹ cười khà khà:
- Thế Vỹ, từ đêm nay con có thể yên tâm mà ngủ ngon. Hãy trông cậy vào cha đây. Cha giúp con thì việc gì cũng thành công cả. Vài ngày nữa cha sẽ ra Vũng Tàu. Con chỉ vẽ đường cho cha nhé! Cha sẽ đích thân đến đó.
Thế Vỹ sửng mắt:
- Để làm gì ? Cha tin rằng cha sẽ làm cho Vũ Dung đang sống ẩn thân ở một nơi nào đó sẽ ló ra sao? Chỉ hoài công thôi cha à!
Bật cười to hơn, ông Hà Phát vuốt nhẹ hàng ria trên mép:
- Khổ cho con khi con không tin tưởng chút nào ở biệt tài của cha. Để rồi con xem, cha sẽ làm cho người đàn bà mù lòa kia động lòng. Cả Vũ Dung của con cũng sẽ động lòng. Cha nhất định sẽ cưới Vũ Dung cho con nay mai. Rồi đâu sẽ vào đấy cha sẽ có con dâu và một hai năm sau cha sẽ có cháu nội ẵm bồng. Ngôi nhà này sẽ không phải cô quạnh nữa. A ...ha! Lúc đó thật là vui, thật là náo nhiệt.
- Cha làm y như thực vậy!
- Thực chớ sao không thực. Hà Phát này chưa chịu thua bao giờ. Rồi đây con sẽ học hỏi được ở cha rất nhiều.
Thế Vỹ nheo mắt gật đầu:
- Con cũng mong như vậy. Nhưng nè cha à, gia đình đó không thích hợp với việc mua chuộc bằng tiền đâu nhé. Ngôi biệt thự của họ tuy có cũ kỹ nhưng theo lời của Vũ Dung thì con hiểu vẻ đạm bạc bên ngoài của họ chỉ là giả vờ mà thôi. Cha nhớ đừng dùng đồng tiền với ý nghĩ sẽ làm lóa mắt thiên hạ. Cha chắc chắn sẽ thua mà còn làm hại con nữa đó.
- Con nói ra thì tốt, nhưng không nói thì cha cũng không làm như vậy đâu. Tiền bạc gia đình này có đã nhiều rồi, cha không cần thêm của ai, càng không nghĩ đến việc sử dùng tiền bạc mua chuộc đối với sui gia. Chà! Thế mới biết con đánh giá cha hơi tầm thường đó.
Thấy cha như vậy, Thế Vỹ không nỡ đùa dai. Chàng nhanh chóng xoa dịu tự ái của ông và nói:
- Con xin lỗi cha! Thật ra con dư hiểu, chỉ dùng tiền bạc với những kẻ ham tiền mà thôi.
- Tiến bộ một ít rồi đó. Thế Vỹ! Tối hôm nay con đã tâm tình cởi mở với cha rất nhiều rồi. Phần nào cũng đã nhẹ nhõm, vậy hãy nghe lời cha ngủ ngon lấy lại phong độ, sáng sáng đến công ty như mọi khi. Những việc lặt vặt của con cha sẽ dẫn đương phụ giúp con, nhưng ngược lại những việc lặt vặt của cha ở nhà máy con cũng làm cho tốt nhé. Vài hôm nữa cha sẽ đi Vũng Tàu mang tin mừng về cho con.
Thấy cha lo lắng cho mình như vậy. Thế Vỹ cảm thấy xúc động thật sự. Chàng nhìn cha trìu mến rồi cười thật tươi:
- Con không có lý do nào để đêm nay không ngủ ngon được cả. Chưa biết kết quả ra sao nhưng ... con vẫn cảm ơn cha đã tận tâm lo lắng.
- Nhảm nhí! Những việc này cha làm là thay thế mẹ con và để cho vong linh bà vừa lòng. Sau nay gặp lai sẽ không còn gì hờn dỗi, quở trách.
Thế Vỹ phì cười. Ông Hà Phát nói xong cũng bật cười:
- Cha về phòng nghỉ ngơi. Chúc con ngủ ngon. Bắt đầu ngày mai sẽ là một ngày mới tràn đầy may mắn.
Thế Vỹ mở rộng cửa, mắt vẫn không rời cha chàng nói khẽ:
- Chúc cha sức khỏe và ngủ ngon hơn con.
- Điều đó là hẳn nhiên rồi. Cha về phòng con nhé.
Ông Hà Phát nhẹ nhàng bước về hướng cầu thang rồi đi xuống. Nghe thấy tiếng chân của cha xa dần, Thế Vỹ mới quay trở vào khép cửa.
Cởi phăng chiếc áo sơ mi ném lên thành ghế, Thế Vỹ lại đốt thuốc. Làn khói mỏng tỏa lan mờ ảo như kéo Thế Vỹ vào mộng.
Chàng ngây người nhìn ngắm đóa hồng cắm trong lọ thủy tinh cứ thấy lồng vào đó là gương mặt xinh xắn của Vũ Dung nàng nói nàng cười với chàng như những ngày hai đứa khắng khít bên nhau nô đùa, yêu thương. Cánh hồng khẽ lay động theo cơn gió xoáy từ chiếc quạt trần xuống.
Hình bóng của Vũ Dung trong tâm tưởng của Thế Vỹ cũng lay động. Thế Vỹ hốt hoảng chụp lấy đóa hồng, thét lên:
- Vũ Dung! Đừng bỏ đi, em không được bỏ đi!
Những cánh hồng vô tội dưới bàn tay hoảng loạn của Thế Vỹ chợt rã rời, rơi xuống mặt bàn một cách đáng thương.
Thế Vỹ chạm phải một cái gai đâm đau điếng, mới hoàn hồn tỉnh mộng. Xung quanh chàng không có Vũ Dung chỉ có đóa hoa hồng rã nát.

*** hết: 14., xem tiếp: 15
trên con đường một mình em về nơi chốn tha hương ,cơn đau xa người còn thắm môi hôn nhớ về ai?....~bàn tay như cố kéo những ước mơ đã mai xa rồi
những tháng năm tàn phai hình bóng thôi còn ai??

hoatim

NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤNG DẠI


15.



Buổi sáng ở Vũng Tàu!
Ngôi biệt thự đã cũ kỹ của bà Khả Nhu vẫn như lúc nào, u buồn, ảm đạm, lạnh lùng như chính vị chủ nhân của nó.
Trước hiên, Tâm Đan ngồi lặng lẽ, trên tay là chú chó nhỏ có lông xù màu trắng dễ thương. Cô gái mơ mộng nhìn trời mây buổi sớm, nhìn nắng vàng len lỏi qua những rặng đường trải dài xuống nền gạch, xuống cát mà luống những ngậm ngùi.
Ngôi biệt thự này và cả những con người ở đây tự lúc nào ai cũng im hơi lặng tiếng ... có mấy tháng trời thôi mà bà Khả Nhu trông thất sắc thấy rõ. Có lẽ, bà phiền muộn Vũ Dung, đứa con gái duy nhất của bà mà không buồn hé môi nói đến nửa lời. Còn Vũ Dung không hiểu nghĩ gì mà lại nhận công tác ở một nơi xa xôi như vậy. Lâu lắm, nhớ nhung lắm mới về thăm một lần.
Tất cả những biến đổi ấy Tâm Đan cũng phần nào hiểu rõ. Nàng mơ màng biết rằng Vũ Dung chia tay cùng Hà Thế Vỹ, nhưng không hiểu nguyên nhân từ đâu. Suy người mà nghĩ đến mình, Tâm Đan buồn bã không chế ngự được. Cứ sáng sáng nàng lại thức sớm bước ra trước hiên để thở hết khí trời thoải mái.
Trong lòng của Tâm Đan, cho đến nay cái tên "Lê Quang Trung" vẫn chưa tan ... và mãi mãi sẽ không tan bởi vì nàng muốn vậy. Nàng vẫn nuôi hy vọng có một ngày nào đó Quang Trung sẽ trở về như lúc ra đi. Nàng cứ thương nhớ Quang Trung dù rằng đôi khi cô tự hỏi "tại sao lại yêu chàng đến thế? Chàng đã làm ta khổ mà tại sao vẫn không quên được." Tóm lại, Tâm Đan không thể yêu ai khác ngoài chàng. Biết rằng yêu đơn phương sẽ khổ, nhưng nàng vẫn cứ yêu. Tuy chưa hề có những gì sâu sắc những kỷ niệm dễ thương với chàng thì Tâm Đan có vô số. Nàng lấy đó để chờ đợi. Từ trong chốn tận cùng sâu thẳm của tiềm thức, thỉnh thoảng Tâm Đan vẫn nhận được một tín hiệu rất nhẹ nhàng.
"Hãy cố đợi, chàng sẽ quay về mà" và mỗi lần như thế, Tâm Đan như người được tiếp thêm sức mạnh, củng cố thêm sức mạnh, củng cố nghị lực, có lần rong chơi trong rừng dương, Vũ Dung có bảo với Tâm Đan rằng:
- Đừng nuôi hy vọng nhiều quá, nhưng cũng đừng tuyệt vọng. Trái đất rộng nhưng lòng người thì hạn hẹp. Sớm muộn gì chị cũng tóm được Quang Trung mang về cho em trị tội.
Lúc ấy, đột nhiên Tâm Đan lại lo lắng cho Quang Trung vô cùng nàng lại sợ sệt vu vơ khi nghĩ rằng Vũ Dung sẽ làm tình làm tội anh ấy nên vọt miệng phân bua:
- Có phải chị thấy em buồn nên nói vậy ... chứ còn em, Quang Trung đâu có tội gì đâu.
Vũ Dung nắm lấy tay Tâm Đan lôi lại, nhìn thật sâu vào mắt Tâm Đan rồi nói:
- Em yêu hắn quá rồi Tâm Đan à. Em càng yêu thì Quang Trung càng đắt tội. Tội làm khổ cô em gái trong trắng bé bỏng của chị. Hôm ấy ở rừng dương, Tâm Đan đã tâm sự với Vũ Dung thật nhiều, còn Vũ Dung đã an ủi nàng theo đúng tình yêu của một người chị.
Vũ Dung có nỗi buồn, Tâm Đan chua kịp nói chi thì chị ấy đã đi thật xa. Thật ra Dung đi tìm gì nơi đó? Chỉ càng thêm buồn mà thôi!
Cuối cùng, Hà Thế Vỹ và Lê Quang Trung cũng vuột khỏi cả em lẫn chị. Nỗi buồn của em so với nỗi buồn của chị thật là xa cách. Tình yêu cũng khác. Bản chất con người thì càng khác xa hơn nữa.
Cúi nhìn chú chó nhỏ, Tâm Đan đưa tay vuốt nhè nhẹ lên lớp lông xù xì trắng tinh của nó. Nằm trong lòng của Tâm Đan nó có vẻ sung sướng lắm nên lim dim đôi mắt trông thật đáng yêu. Tâm Đan mỉm cười hỏi khẽ:
- Gâu gâu à, mi có biết buồn không vậy? Mi có hay lo nghĩ vu vơ như ta không? Nhìn mi ta thấy sướng thật đó.
Nghe tiếng nói của Tâm Đan, con chó nhỏ ngóc đầu vểnh tai lên một chút như nghe ngóng rồi thè chiếc lưỡi đỏ hồng liếm vào tay Tâm Đan mấy lượt mới chịu nằm im.
Một lúc sau, Tâm Đan nhìn thấy một chiếc xe du lịch của ai đang hướng thẳng vào rồi đỗ lại trước cổng. Nàng còn đang thắc mắc thì chú chó nhỏ đã đánh hơi người lạ cục cựa liên tục.
Tâm Đan vừa hướng mắt nhìn ra ngoài vừa quát:
- Gâu gâu, nằm im xem nào.
Cửa xe vụt mở, một người đàn ông bước ra ngoài, gỡ kiếng mắt cho vào túi rồi nhìn thẳng vào nơi Tâm Đan ngồi ... trước mắt Tâm Đan là một con người hoàn toàn xa lạ. Thấy ông ta cứ nhìn chằm chằm còn như định nói gì, Tâm Đan ẵm chú chó đứng lên bước tới. Đến lúc còn cách người lạ cái cổng rào, Tâm Đan mới nhận thấy đó là một người đàn ông không còn trẻ nữa. Tóc hai bên thái dương của ông ta đã có chỗ lấm tấm bạc.
Nở một nụ cười chứa đầy thiện cảm, người đàn ông - Chinh là ông Hà Phát lên tiếng:
- Chào cô, xin mạn phép hỏi đây có phải là nhà của cô Vũ Dung.
Tâm Đan nhìn thẳng, đôi mày hơi nhíu lại. "Nụ cười này sao quen quá vậy? ... À hình như ta có gặp ở đâu rồi?" Nghĩ mãi không ra, sợ để khách chờ quá lâu, Tâm Đan bẽn lẽn cười:
- Dạ đúng rồi!
- Cháu là gì của Vũ Dung?
- Dạ, em họ!
Ông Hà Phát lại cười:
- Vậy thì tốt rồi! Ta cần vào nhà để gặp mẹ của Vũ Dung có chuyên hệ trọng.
Tâm Đan lại nghĩ rằng vị khách này mang tin tức của Vũ Dung đến nên cuốn quýt hỏi:
- Chị của cháu không sao chứ hả?
- Không sao?
- Được, được! Cháu sẽ gọi người ra mở cửa mời bác vào rồi sẽ gọi Dì cháu ra ngay.
Tâm Đan nói xong chạy biến vào trong lát sau có chú Thạch chạy ra mở cổng rồi trịnh trọng mời ông khách vào nhà, mang nước lên mời khách.
Tuy sự chờ đợi khá lâu, nhưng ông Hà Phát vẫn bình thản không lấy gì làm buồn nản. Đối với ông chờ bao lâu cũng được bởi vì điều ông mong muốn nhất chính là mang tin vui về cho Hà Thế Vỹ yêu quí của ông như đã hứa mà thôi.
Có tiếng lao xao. Ông Hà Phát nhìn thấy cô gái khi nãy đang dìu một người đàn bà bước ra. "Bà ấy không thấy đường như vậy chính là mẹ của Vũ Dung rồi".
Thấy người chủ nhà đã ra đến, ông Hà Phát vuốt sơ lại mái tóc rồi đứng lên:
- Chào bà.
Ông vừa mở lời vừa nhìn thẳng vào người đàn bà mà con trai ông đã không tiếc lời khen ngợi. Vừa nhìn thấy rõ, ông Hà Phát lảo đảo lùi lại té quỵ xuống ghế há hốc mồm kinh ngạc. Trời không có mưa không có giông bão, nhưng trong đầu ông lại như có tiếng sấm nổ. Ông nhìn trừng trừng vào bà Khả Nhu mà toàn thân chết điếng. Vừa lúc đó bà Khả Nhu lên tiếng chào lại:
- Chào ông, mời ông ngồi. Tôi nghe Tâm Đan nói rằng có một vị khách tìm tôi để mang tin của Vũ Dung tôi chính là mẹ của nó... có gì ông hãy nói đi.
Câm lặng một lúc lâu ông Hà Phát mới lấy lại được bình thản. "Sao lại là Khả Nhu? Sao lại là em và trở thành mù lòa thế này?" Ông Hà Phát cứ tiếp tục tê dại như người ông đang dần hóa đá. Thấy thái độ kỳ quặc của ông ta, Tâm Đan lạ lẩm lên tiếng:
- Dì của cháu đang chờ bác nói đó.
- Ờ ...ờ ... Tôi sẽ nói mà ...
Ông Hà Phát lo lắng sợ sệt, ông không còn đủ tư cách để đối diện cùng bà Khả Nhu nữa. Đối với người đàn bà này, ông đã có một lỗi lầm to tát khó mà tha thứ. Đúng là oan nghiệt! Quả báo thật rồi!
Ông Hà Phát muốn lách người chạy vụt ra ngoài leo lên xe và biến mất cho mau lẹ trước khi bị phát hiện, nhưng không còn kịp nữa. Ông không còn con đường nào khác ngoài việc lưu lại và phó mặc cho may rủi. Ông không dám nhìn vào đôi mắt mở to vô hồn của bà Khả Nhu, càng không biết mở lời như thế nào đây? Một trận lôi đình, một cơn bão lớn sẽ ập xuống mà ông khó lòng tránh khỏi rồi.
Thấy khách cứ im lặng bà Khả Nhu thúc giục:
- Tôi đang nóng lòng nghe tin con gái, sao ông ... ông cứ im lặng hoài vậy. Ông làm cho tôi lo sợ lắm đó ...
Ông Hà Phát cắn răng, bóp chặt hai bàn tay thu hết can đảm nói trong khi những giọt mồ hôi đã xuất hiện trên trán.
- Tôi không phải là người đưa tin!
Bà Khả Nhu giật nảy người lên, nắm chặt bàn tay Tâm Đan lay mạnh hỏi lại:
- Ông ấy nói gì?
Tâm Đan nhìn ông Hà Phát không chớp mắt rồi quay sang bà Khả Nhu khẽ nói:
- Ổng bảo không phải là người đưa tin của chị Vũ Dung.
Bà Khả Nhu quay phắt lại, gương mặt lộ rõ sắc giận. Bà hỏi xẳng:
- Không phải đưa tin vậy tìm tôi làm gì? Ông ... ông là ai? Cần gì? Có thể tránh được đôi mắt mù lòa của Khả Nhu nhưng không tránh được đôi mắt mở to của thẳng thắn của Tâm Đan, ông Hà Phát bối rối thật sự. Sau vài giây lưỡng lự, ông gào lên như kẻ phạm tội đang tự thú trước quan tòa:
- Tôi là ... Tôi là cha của Thế Vỹ, tôi từ Sài Gòn ra đây.
- Hà Phát? Ông là Hà Phát à?
Bà Khả Nhu đột ngột kêu lên thật to rồi run rẩy hét to:
- Tâm Đan! Gậy đâu, gậy của ta đâu. Đưa ta vào trong rồi tiễn khách đi ngay tức khắc, không có gì để bàn cũng không có gì để nói nữa.
Ông Hà Phát ôm đầu câm lặng. Tâm Đan khó hiểu nhìn hai người. Đây là lần đầu tiên nàng thấy dì Khả Nhu giận dỗi. Nhưng còn ông khách kia, sao ổng khổ sở quá vậy? Là cha của Thế Vỹ mà ...sao dì lại đối xử như thâm thù? tội nghiệp ông Hà Phát, Tâm Đan kêu lên:
- Dì ơi! Ông ấy, ông ấy có xúc phạm gì đâu. Dì đã làm cho ông ta khổ sở rồi kìa.
Bà Khả Nhu sựng lại phá lên cười rồi quát Tâm Đan:
- Câm miệng, tiễn khách cho mau. Một con thú rừng không bao giờ có điều khổ sở.
Lời nói nặng của bà Khả Nhu làm cho Tâm Đan kinh động, làm cho ông Hà Phát sững người bật dậy như chạm phải lửa. Ông bước đến vài bước cất tiếng nhỏ nhẹ:
- Khả Nhu! Hãy để cho tôi nói vài lời đã, rồi tôi rời khỏi nơi đây cũng không muộn mà.
Bà Khả Nhu, giận dữ thét lên:
- Hãy cút mau ra khỏi nơi này! Ông nghĩ rằng ông còn mặt mũi để nói chuyện với tôi sao? Tâm Đan, tiễn khách nghe rõ chưa?
Tâm Đan quýnh quáng:
- Dạ, con nghe ... nghe rồi! Ông à xin mời ông ... Dì của cháu không tiếp ông mà, xin ông ra cho.
Không đếm xỉa gì đến lời nói của Tâm Đan, ông Hà Phát bước đến chắn ngang mặt bà Khả Nhu không cho bà bước tiếp.
- Khả Nhu, xin hãy dừng lại. Dù bà có giận dữ như thế nào, tôi cũng sẽ lì nơi đây khi sự việc chưa được giải bày phân rõ.
Nghe tiếng của Hà Phát ở trước mặt bà Khả Nhu lùi lại tránh xa:
- Dang tôi ra! Các người, thật là quá lắm rồi. Dám vào rồi còn dám ở lì nữa.
Được! Hay lắm! Hà Phát, tôi để xem ông còn thủ đoạn gì nữa. Ông nên nhớ rằng, Khả Nhu bây giờ khác hẳn với Khả Nhu của mấy mươi năm về trước nhiều lắm.
Ông Hà Phát não nùng ngồi trở xuống ghế. Tận trong ký ức, một đoạn phim của quá khứ bỗng hiện về lướt qua mắt ông. "Chiếc xe du lich đang lao tới, còn Khả Nhu thì cố sức chạy ở phía sau, miệng la hét không ngừng." Cảnh tượng đó làm cho ông nhăn nhúm mặt lại. Quá khứ son trẻ của ông thật quá nhiều lầm lỗi. Những gì ông đã gieo cho Khả Nhu so với những lời mắng chửi nặng nề bây giờ cũng còn nhẹ hơn quá nhiều.
Cố gắng nhẫn nại để hòa giải, ông Hà Phát nhướng mắt nhìn bà Khả Nhu:
- Tôi biết bà rất hận tôi.
- Hận à?
Bà Khả Nhu lại bật cười lên man dai:
- Đừng có nói chữ hận với tôi. Tôi không chỉ hận mà còn hơn nữa . Không ngờ, mấy mươi năm qua một gã thanh niên lưu manh, đểu giả lại có thể trở thành một vị giám đốc của một công ty. Có được như vậy, chắc nhờ không nhỏ vào cái vỏ bọc bên ngoài và một sự bip bợm trắng trợn thật đáng khinh rẻ!
Tâm Đan càng lúc càng sửng sốt. Tại sao dì của nàng lại không tiếc lời mắng chửi ông Hà Phát như vậy? Hai người hẳn đã biết nhau từ lâu và dường như cả hận thù?
Bà Khả Nhu liên tiếp giáng những đòn chí tử vào ông Hà Phát, nhưng ông một mực lặng thinh không nói. Khi xưa ông như thế nào? Đã gây ra tội lỗi gì, Tâm Đan không cần biết . Nàng chỉ biết rằng sự thật tội nghiệp cho ông trong lúc này ông có vẻ ân hận lắm.
Sự thù hận của bà Khả Nhu chất chứa bấy lâu nay tuôn ra không ngừng, rồi cũng đến lúc dừng lại. Hơi thở của bà vẫn còn gấp gáp vì giận, nhưng lời nói đã dịu đi:
- Nói nhiều với một con người như ông chẳng có ích lợi gì. Thật ra ông đến đây với lý do gì. Nói thẳng ra đi!
Chỉ chờ có thế, ông Hà Phát phấn chấn hẳn lên, ông dịu ngọt:
- Khả Nhu à, bà trút bao nhieu cơn giận tôi cũng nghe cả vì tôi đáng tội lắm. Chúng ta bây giờ tóc đã bạc hết rồi. Chuyện ân oán do tôi gây ra xin hãy để cho mỗi mình tôi gánh lấy... Tôi tha thiết xin bà một điều thội. Bây giờ thì tôi đã hiểu nguyên nhân do vì sao rồi. Có phải bà phát hiện ra cha của thằng Vỹ nên cấm cản Vũ Dung và tách rời tình yêu của chúng nó? Bà nghĩ như vậy là hẹp hòi lắm đó Khả Nhu. Chuyện của chúng ta đâu có ảnh hưởng gì đến lũ nhỏ ... ngoại trừ ...Vũ Dung và Thế Vỹ ... là chị em với nhau.
- Câm ngay! Ăn nói hồ đồ! Tôi lặp lại một lần cho ông rõ. Vũ Dung là con của chồng tôi, là con của một người đàn ông tốt nhất trên thế gian này. Tôi ngăn cản Vũ Dung là có hai vấn đề. Một là ông không xứng đáng làm cha chồng của nó. Hai là, đứa con trai của ông mang đậm dòng máu của ông chắc hẳn nó cũng xấu xa như vậy. Biết đâu, ngoài cái vỏ bọc bên trong của nó ai dám bảo đảm rằng nó không phải là một kẻ lưu manh, môt tên đểu cáng. Con gái của tôi, Vũ Dung của tôi là một đứa con gái xinh đẹp, lại tốt nữa. Tôi là mẹ, tôi không để yên cho con tôi lọt vào vòng tay của những con người xấu xa mà đôi đây đã biết quá rõ. Xin lỗi ông miễn bàn với tôi chuyện đó đi. Con gái tôi có đau khổ nhưng rồi nó sẽ quên. Là một bác sĩ với tương lai trước mắt nó không lo gì mà không kiếm được một người chồng tốt. Vả lại, ông không đủ tư cách để làm sui gia với tôi. Bấy nhiêu đủ để ông ra về chưa vậy?
Ông Hà Phát bật hẳn người lên. Ông lấy khăn trong túi ra chậm mồ hôi lấm tấm trên trán và hai bên thái dương. Ông bị nhục mạ thì không sao cả, nhưng động đến Thế Vỹ thì ông không muốn chút nào.
Bước ra một khoảng ông đứng im lìm, cứ thở dài liên tục. Đôi mắt ông vẩn đục như có mây mù, gương mặt ông thoáng xanh xao như người bệnh hoạn.
Cho chiếc khăn trở vào túi, ông có vẻ cương quyết mở lời:
- Khả Nhu, bà có thể nói sao về tôi cũng được. Nhưng đừng bao giờ nghĩ sai theo kiểu "quơ đũa cả nắm" đối với Hà Thế Vỹ như vậy. Tôi nhìn nhận tôi lầm lỗi, tôi xấu xa nhưng Thế Vỹ thì không! Nó là một chàng trai tốt, nó biết yêu thương Vũ Dung hết mực. Nó đau khổ biết bao khi không tìm được Vũ Dung. Nó đã làm cho người cha đau lòng đến phải xen vào với hy vọng là sẽ giải quyết vấn đề Vũ Dung và mang Vũ Dung về cho nó. Từ lúc bàn bạc cho đến lúc đi, tôi rất tự tin. Nhưng bây giờ thì, tôi không những tuyệt vọng mà còn quá nhục nhã nữa. Khả Nhu ơi! Bà hãy nghĩ xem. Nếu bị chia cắt vĩnh viễn, nếu tình yêu bị bóp chết một cách oan uổng như thế thì hai đứa nó sẽ đau khổ ra sao? Và không chừng sẽ đến lúc nó nghĩ quẩn nữa đó.
Bà Khả Nhu cười nhạt nhẽo, xẵng giọng:
- Ông còn dám nghĩ rằng con tôi sẽ bỏ nhà ra đi với Thế Vỹ à? Không bao giờ đâu! Khi xưa, tôi là một cô gái ngu ngốc, suy nghĩ không chín chắn mới làm như vậy. Còn Vũ Dung bây giờ nó khôn ngoan lắm. Không có ý nghĩ ngu muội đó đâu. Ông hãy về lo cho con của mình đi. Đừng bao giờ nghĩ sẽ có lần thứ hai trở lại để bàn bạc với tôi. Tôi đã hết lời, không còn gì để nói nữa.
Bà Khả Nhu chống mạnh cây gậy rời khỏi ghế. Bà im lìm bước đi, được vài bước bà quay lại nói với Tâm Đan:
- Dì vào một mình được rồi con tiễn khách đi ngay.
- Dạ! Cẩn thận nghe dì.
Ông Hà Phát nhìn theo bà Khả Nhu rồi nhắm nghiền mắt, thở dài liên tục. Không ngờ, thật không ngờ có cuộc chạm trán oái ăm này. Mối hận ngày xưa không phai đi trong lòng của Khả Nhu. "Thế là xong, Thế Vỹ, cha không làm được gì cho con. Cha hoàn toàn tuyệt vọng. Hoàn toàn chịu thua rồi"
Mở bừng mắt ra, ông Hà Phát nhìn thấy Tâm Đan đang nhìn ông trân trối. Mỉm cười gượng gạo, ông nói:
- Có lẽ tôi phải ra về. Cảm ơn cháu đã có lúc cảm thông, thương hại cho bác. Tạm biệt nhé.
Tâm Đan bước theo ông Hà Phát ra ngoài. Nhìn vẻ khắc khổ đau buồn của ông, cô bé không dằn được thương cảm. Thấy cần nói một câu gì đó để xoa dịu ông Hà Phát, Tâm Đan mở lời:
- Cháu rất tiếc rằng không biết được địa chỉ của chị Vũ Dung. Nếu biết cháu sẽ nói cho bác nghe ngay. Hãy nói cho anh Thế Vỹ biết chị Vũ Dung phải ra đi chỉ vì chuyện của người lớn và cũng khổ sở không kém gì anh ấy đâu.
Ông Hà Phát buồn rầu gật đầu:
- Được! Ta sẽ nói. Chào cháu!
- Chào bác! Chúc bình an.
Cánh cổng mở rộng. Chiếc xe của ông Hà Phát nổ máy êm ru rồi trở đầu lao đi. Lớp bụi cát mỏng sau xe ông dấy lên mịt mù. Tâm Đan cứ đứng trông theo mãi lòng cô gái chợt buồn. hết: 15., xem tiếp: 16. 




trên con đường một mình em về nơi chốn tha hương ,cơn đau xa người còn thắm môi hôn nhớ về ai?....~bàn tay như cố kéo những ước mơ đã mai xa rồi
những tháng năm tàn phai hình bóng thôi còn ai??

hoatim

NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤNG DẠI


16.



Từ công ty, Thế Vỹ trở về nhà thì nắng chiều đã tắt . Phát hiện ra chiếc xe du lịch của cha nằm trong nhà xe, chàng mừng rỡ vì cha ở Vũng Tàu đã về rồi . Không biết cha có mang được chút hy vọng nào về không ?
Nắm chặt quai chiếc cặp trong tay, Thế Vỹ nhảy chân sáo từ bậc tam cấp lên hành lang rồi lao thẳng vào phòng khách .
Ông Hà Phát có mặt ở đó tự bao giờ . Thấy con trai bước vào, ông thoát ra khỏi những nghĩ ngợi suy tư, đưa mắt nhìn Thế Vỹ:
- Con đã về rồi à, công việc ... trôi chảy chứ ?
Thế Vỹ phấn khởi ngồi xuống ghế:
- Thưa cha, mọi việc vẫn trôi chảy . Cha ở Vũng Tàu về hồi nào vậy ?
- Khoảng ba giờ!
- Chắc là không hy vọng rồi ... nên cha mới buồn bã, nghĩ ngợi như vậy .
Hơi nhăn vầng trán, ông Hà Phát nhếch môi nói khẽ:
- Thế Vỹ à, cha rất đau buồn vì có việc nhỏ như vậy mà cha không giải quyết nổi . Đây cũng là lần đầu tiên cha chùng bước trước khó khăn .
Thế Vỹ buồn lặng . Chàng chỉ đoán thôi, nhưng không ngờ cha đã chính miệng nói ra chuyện đi không có kết quả . Cảm thấy ngạt thở, Thế Vỹ đưa tay nới lỏng chiếc cà vạt trên cổ ra rồi chìm trong đau khổ . Vẫn không có hy vọng, nghĩa là Vũ Dung sẽ mãi mãi biến mất trong cuộc sống của đời chàng .
Như có một lưỡi dao bén ngót hay một mũi tên vừa cắm phập, xuyên suốt con tim của Thế Vỹ . Chàng ngã dài ra ghế, đưa hai tay ôm lấy đầu rên rỉ:
- Suy cho cùng, con cũng đoán được điều ấy sẽ xảy ra rồi . Cha có gặp mẹ của Vũ Dung không ?
Gương mặt ông Phát thoáng thất sắc, ông trầm giọng:
- Có! Cha gặp ngay người mẹ mù lòa của Vũ Dung ... Nói quanh co đủ chuyện cuối cùng bà ta vẫn không cho cha một chút cơ hội nào ... Có lẽ ... bà ấy không muốn gã Vũ Dung cho con .
Không thể nào đâu! Thế Vỹ dựa ngửa đầu lên thành ghế, mắt nhắm nghiền . Câu nói đó của cha làm cho chàng phát điên lên được . Tại sao lại gả cho người khác mà không gả cho Thế Vỹ . Hà Thế Vỹ có chỗ nào đáng ghét đáng khinh ? Còn chưa kể đến tình yêu . Đối với Vũ Dung, nàng hiểu rất rõ Thế Vỹ yêu nàng đến như thế nào, và tình yêu của Vũ Dung dành cho chàng ra sao chàng cũng nhận được đầy đủ . Hai người đã có với nhau một cuộc tình đẹp và nhân lên theo thời gian thành một thiên diễm tình tuyệt đẹp . Chẳng lẽ Vũ Dung không còn nhớ gì đến kỷ niệm xưa . Những lúc rong chơi hay ngắm cảnh ngoạn mục, nàng có thói quen dang rộng đôi tay ngửa mặt nhìn trời với nụ cười tươi như hoa thắm và bảo rằng "em đang đón gió vào lòng" . Rồi những chiều mưa khi nàng ngồi ủ rũ nhìn hạt mưa rơi nơi khung cửa sổ thì Thế Vỹ lù lù xuất hiện . Mưa lấm tấm tóc Vỹ, trên mắt Vỹ làm đề tài cho những vần thơ cảm hứng của nàng . Rồi thỉnh thoảng nàng giận hờn, nàng khóc cho nước mắt dễ thương rơi vắn rơi dài .
Cả một bầu trời nhớ thương trong mắt Thế Vỹ . Tất cả những kỷ niệm luyến ái mới đó mà giờ đây nghe như cách xa dịu vợi . Đã xa quá rồi hay sao ?
Thế Vỹ không dằn lòng được nữa chàng vò rối tung cả đầu tóc rồi bật dậy bước đi như trốn chạy . Ông Hà Phát nhìn con trai, đau nhói lòng . Ông thẫn thờ một lúc rồi kêu lên:
- Thế Vỹ! Con đừng quá tuyệt vọng . Cha vẫn còn nhiều cách khác nữa .
Thế Vỹ dừng chân lại giữa thang lầu, chàng quay nhìn ông Hà Phát bằng đôi mắt thống khổ, giọng lạc hẳn đi:
- Con không giấu cha, con đau khổ lắm bởi vì con yêu Vũ Dung . Nhưng mà, con xin cha yên lòng . Con còn trẻ, trong con có cái nhìn riêng, có suy nghĩ riêng con muốn được tự do .
Ông Hà Phát gật đầu thật nhẹ trong khi Thế Vỹ nhanh chân biến mất lên lầu .
Còn lại một mình trong gian phòng rộng vắng, ông Hà Phát lẻ loi đau khổ niềm đau bất tận .
Sự đối mặt quá bất ngờ với bà Khả Nhu làm cho ông chới với, khổ sở lương tâm bị giằng xé dữ dội . Thêm vào đó còn có nỗi đau khổ của Thế Vỹ vì tình yêu bị chia cắt, khiến cho tinh thần của ông Phát giảm sút .
Ông có thể không can thiệp quá nhiều vào chuyện tình yêu của con trai . Nhưng nhìn nó với những đợt biển dữ dội trong tâm hồn, ông không thể nào chịu nổi . Ông lo sợ sẽ có những điều đáng sợ xảy ra . (77)
o O o
Thế Vỹ về phòng khóa trái cửa thật chặt, rồi ngã dài lên giường bất động .
Thật sự không còn con đường nào để tìm lại Vũ Dung sao ? Mẹ của Vũ Dung tại sao lại ra mặt không muốn gả Vũ Dung cho mình ? Còn nàng, tại sao nàng có thể chấp nhận một cách dễ dàng như vậy được ? Những điều mà Vũ Dung đã nói, đã cùng Thế Vỹ bàn bạc ... Sẽ có những gì, làm những gì trong lễ cưới ... so với hiện tại, rõ ràng phải có điều uẩn khúc phải kiên nhẫn, phải đợi chờ giáp mặt với Vũ Dung để hỏi, để biết cặn kẽ .
Thế Vỹ đã nằm không biết bao nhiêu lâu như vậy . Nhưng câu hỏi dồn dập trong trí chàng nhưng chẳng có câu trả lời nào xác đáng .
Vài tia nắng chiều vàng óng len qua khung cửa sổ soi rọi vào phòng . Thế Vỹ xoay trở liên tục rồi gối đầu lên cánh tay, nhìn những giọt nắng vàng . Cơn nắng chiều thật tẻ nhạt . Thế Vỹ cảm thấy chán nản với khung cảnh cô tịch này . (78)
o O o
Khi đó, ở một vùng xa xôi hẻo lánh, trên một bãi vắng cạnh dòng sông, Vũ Dung đang ngồi ngắm những cánh lục bình trôi mà lòng miên man với nỗi buồn sâu xa .
Con sông đầy ắp một màu xanh trong vắt, thỉnh thoảng có cơn gió mạnh làm sóng nước gợn lăn tăn nhẹ vào bờ .
Vũ Dung đã ngồi thật lâu nơi đó . Trên tay nàng là một chùm hoa dại với những bông hoa nhỏ li nhi màu vàng tím xen lẫn . Ngắt nhẹ từng nhánh, Vũ Dung lần lượt thảy chúng xuống nước rồi nhìn chúng bị cuốn trôi theo dòng chảy một cách tội nghiệp . Hoa hay nàng cũng có khác gì nhau đâu . Hoa bị cuốn trôi theo dòng nước, còn nàng không bị nước cuốn mà vẫn trôi, tự nguyện trôi đến tận chốn này . (79) Mỉm một nụ cười héo hắt, đơn độc, Vũ Dung ngửa mặt nhìn mây trời rồi thì thầm với chính mình .
- Vũ Dung! Mi thật là xấu số . Nếu còn là sinh viên như mấy tháng trước thì mi không xứng đáng với danh hiệu đáng yêu mà bạn bè trao tặng tí nào càng không thể tiếp nhận tấm lòng ưu ái của họ để giành lấy tình yêu, đã nắm trọn hạnh phúc trong đôi tay mình mà lại buông trôi, buông xuôi, giơ cả hai tay lên đầu hàng một cách dễ dàng . Vũ Dung đau khổ, nghẹn cứng nơi lồng ngực . Đã bao nhiêu chiều qua nàng vẫn ngồi lặng lẽ tự trách, tự hành hạ mình như thế . Biết rằng, việc tự đày đọa mình sẽ không đem lại một kết quả nào nhưng Vũ Dung vẫn làm, vẫn tự giằng xé .
Nước mắt lưng tròng, Vũ Dung bi phẫn bứt mạnh những cọng cỏ trên đất ném chúng ra xa rồi bụm mặt rên rỉ .
- Mẹ! Mẹ ơi! Tại sao càng lúc con càng đau thắt ruột gan vậy hở mẹ ? Con đã dâng tình yêu của con cho mẹ để mẹ tự do quyết định . Bây giờ, ở chốn xa xôi này, con không còn gì cả xung quanh con không có gì để giữ lại . Tất cả đã biến mất, đã gục chết một cách thảm thương rồi . Thế mới biết, chôn một mối tình là một đau khổ nhất của những kẻ đang yêu . Thấm thía nỗi đau này, con mới hiểu được nỗi đau của mẹ khi bị người tình phụ rẫy . Càng nghĩ, con càng thương mẹ, đồng cảm với mẹ và không một chút gì oán hận . Mẹ có biết không, con đã làm những điều mà chính con cũng không thể tưởng tượng nổi . Những điều con làm vì mẹ đều trái ngược với suy nghĩ của con, nghịch lý với con tim con, nhưng con vẫn làm bởi vì ... Con không muốn giữa mẹ và con giận hờn nhau, con không muốn mẹ thốt lên câu "đoạn tình mẫu tử" nữa . Bây giờ thì con đã đau, đang đau và đau càng lúc càng nhiều, nhưng cố chịu . Giá mà mẹ hiểu được con ngày đêm mong nhớ người yêu đến thế nào ?
Vũ Dung thương tâm uất nghẹn . Nàng lấy chiếc khăn nhỏ chậm nhẹ nước mắt rồi đưa lên răng cắn chặt kềm chế tiếng khóc . ba tiếng "Hà Thế Vỹ" càng lúc càng ngân vang rõ rệt trong nàng . Gió ở đâu bồng bồng thổi đến . Vài chiếc lá vàng rơi . Mặt sông lao xao sóng nổi . Những chùm lục bình theo sóng dạt xô tấp vào bờ . Mặt Vũ Dung thoáng nét xanh xao . Mắt nàng buồn như khung trời tím . Nhìn rõ hơn một chút, nàng đã có nhiều nét tiều tụy .
Chợt đứng lên khỏi thảm cỏ, Vũ Dung quay quất như tìm kiếm . Khung cảnh chiều nay làm nàng nhớ Thế Vỹ vô hạn . Nàng cố nhìn xa hơn một tí rồi gào lên:
- Thế Vỹ ... Hà Thế Vỹ ... Thế Vỹ ... Hà Thế Vỹ!
Chạy xa ra khỏi khoảng trống, Vũ Dung tiếp tục kêu lên:
- Giờ này ở Sài Gòn anh đang làm gì ? Vẫn nhớ em hay đã quên em rồi . Thế Vỹ ơi! Em thèm vòng tay ấm áp của anh . Thèm đôi môi mịn màng tham lam của anh . Nhớ da diết những giờ phút có anh bên cạnh . Em làm sao quên được hình bóng dễ yêu của anh thấp thoáng trước cổng trường đại học chờ em, càng không thể quên những lúc đèo nhau đi phố anh đọc cho em nghe bài thơ "nhớ bạn" của Tú Xương thật ngắn ngủi . Những lúc Sài Gòn đổ mưa buồn, em đang ngồi thẫn thờ nhìn mưa qua ô cửa thì anh hiện đến đáng yêu như một thiên thần cánh trắng . Nụ hôn của anh nồng say, đôi mắt của anh nồng nàn . Em rời khỏi anh không một tiếng tạ từ để lại biết bao nhiêu sầu nhớ ở nơi này em có khác gì anh đâu Vỹ ơi . Nước mắt em rơi không dừng . Nỗi đau trong lòng em không giới tuyến . May là em còn có những "bệnh nhân" của mình làm cho bận rộn, làm cho thời gian trôi đi không phải chờ đợi . Nếu không, có lẽ em chết rũ một cách đáng thương .
Nước mắt đẫm ươt đôi má mịn, Vũ Dung như người kiệt sức từ từ khụy xuống không gian mông mênh quanh nàng như càng hoang vắng hơn lúc nào .
Mây vẫn bay . Gió vẫn thổi . Nắng đang dần nhạt nhòa . Lòng sông vẫn đầy ăm ắp nước . Những cánh lục bình trôi không định hướng .
Trong tiếng gió, Vũ Dung cảm nhận như có giọng thở êm đềm của Thế Vỹ . Nàng nhắm nghiền mắt tận hưởng tiếng vọng vang từ tiềm thức:
"Ai về còn nhớ ai không ?
Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu Nào ai có tiếc ai đâu Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô ?
Người đi Tam Đảo, ngủ hồ Kẻ về khóc trúc, than ngô một mình Non non, nước nước, tình tình .
Vì ai ngơ ngẩn, cho mình ngẩn ngơ"
Vũ Dung mơ màng gọi khẽ:
- Thế Vỹ, em yêu anh, yêu hơn lúc nào hết . Càng yêu anh, càng yêu mẹ em, em càng hận oán ba anh khôn tả . Chắc hẳn là anh chưa bao giờ biết được anh có một người cha như thế nào ? Nếu sau này anh biết được em có nhiều lỗi lầm xúc phạm đến ba anh thì mong anh thông cảm . Em thật sự muốn ông ấy bị lương tâm phát xét và âm thầm đau khổ .
Vũ Dung lau khô nước mắt chống chỏi với mệt mỏi và chán nản để đứng lên . Không đếm được đây là lần thứ mấy nàng bước ra khoảng đồng vắng vẻ này để tự do bộc bạch, than thở những nhớ nhung và bất hạnh của cuộc tình . Bây giờ, thì nàng đã cảm thấy nhẹ nhõm rất nhiều .
Rời khỏi bãi vắng, Vũ Dung tản bộ chầm chậm trở về bệnh viện . Nàng đã viết gần hai mươi lá thư lên án dữ dội ông Hà Phát nhưng chưa gởi . Bắt đầu từ ngày mai, nàng sẽ gởi thẳng đến công ty từng lá một . Nàng biết chắn chắn rằng những lời lẽ trong thư của nàng sẽ làm cho ông Hà Phát không yên với tội lỗi trong dĩ vãng đã ngỡ như bị chôn vùi hết: 16., xem tiếp: 17. 




trên con đường một mình em về nơi chốn tha hương ,cơn đau xa người còn thắm môi hôn nhớ về ai?....~bàn tay như cố kéo những ước mơ đã mai xa rồi
những tháng năm tàn phai hình bóng thôi còn ai??

hoatim

trên con đường một mình em về nơi chốn tha hương ,cơn đau xa người còn thắm môi hôn nhớ về ai?....~bàn tay như cố kéo những ước mơ đã mai xa rồi
những tháng năm tàn phai hình bóng thôi còn ai??

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội