Số một

Started by saos@ngmo, 05/11/06, 00:58

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

Số một
Thanh Mai


Tôi sợ nhất em gái tôi mỗi lần đi thi về. Công thức là: bỏ ăn, nằm trên giường vật vã, thỉnh thoảng lại thảng thốt "chết rồi, quên mất một ý rồi", rồi quăng bên nọ, quật bên kia than khóc, rồi đần độn, ngây dại mặt mũi khiến cả nhà ăn không ngon ngủ không yên cho đến khi kết quả cuộc thi được công bố: Cô nàng được giải nhất. Không lần nào khác.

Mỗi lần như thế, cả nhà tôi lại tự nhủ: Kệ nó, than thở thế thôi chứ chắc là không sao. Nhưng không thể yên ổn trước những cơn vật vã dằn vặt bản thân của nó. Đến mức, bố tôi phải hét lên với nó: "Cho người khác một lần giải nhất cũng được chứ sao!". Nhưng mà nàng vẫn nước mắt ròng ròng: "Chị ơi sao em ngu thế nhỉ, em ngu quá, sao em lại quên được nhỉ!". Và cả nhà tôi lại mong ngóng đến ngày công bố kết quả cho cả gia đình được giải thoát khỏi những cơn tự vấn của cô con gái út. Tất nhiên, giải nhất sẽ lại thuộc về em gái tôi. Bố tôi nói hình như cả cái khoá của con này dốt nát hay sao mà lần nào cũng than thở thiếu sót chồng chất sao vẫn được chấm nhất.

Em gái tôi thì mặt mũi tươi roi rói, nhẹ nhőm, hân hoan như trên đời này chỉ cần đứng thứ nhất trong một cuộc thi thôi là đủ thoả mãn rồi. Các bạn của nó kể khi đi thi sợ nhất ngồi cùng phòng thi với nó: nó viết bài như một con điên, mặt mũi đỏ phừng phừng, xin hết tờ giấy thi này đến tờ giấy thi khác. "Cùng phòng với người như thế ức chế lắm - thằng Nam bạn cùng lớp nói - Nhìn nó tuôn chữ rào rào như thế thì chắc là mình toi rồi!".

Cũng thằng Nam kể chuyện em tôi đã oà khóc trong lớp khi thầy giáo trả bài kiểm tra mà nó chỉ được chín điểm rưỡi. Thầy giáo ngoại ngữ mới ra trường kinh hoàng nói. "Chín điểm rưỡi mà khóc à?". Vụ này lại lặp lại khi em gái tôi đã là sinh viên đại học. Hôm đó tôi sang trường nó chơi, vừa lúc nó thi vấn đáp về, mặt tái mét, thấy tôi liền khóc oà. Vỗ về, an ủi một hồi nàng mới nức nở: "Không biết có được mười không!". Bố tôi bảo: "Con phải bỏ dần tính hiếu thắng đi, cứ đòi nhất thiên hạ sao được!".

Nó bảo: "Con cũng là người, chúng nó cũng là người, con cũng học thầy đó, chúng nó cũng học thầy đó, tại sao con lại được điểm kém hơn chúng nó? Điểm kém hơn nghĩa là ngu hơn!". Bố tôi bảo, thế tất cả những đứa được điểm kém hơn là ngu hơn con à. Nó bảo, con chỉ trách bản thân con thôi chứ. Con không chấp nhận là người thứ hai. Mẹ tôi bảo, mặc kệ nó, cho nó chết.

Khi nó học xong đại học, cả nhà thở phào nhẹ nhőm. Thế là nhổ được cái dằm ở mông, mẹ tôi hí hửng. Nhờ mối quen biết mấy chục năm trong ngành thương nghiệp của mẹ, nó vào làm thư ký cho giám đốc công ty xuất nhập khẩu tổng hợp. "Cái bọn tóc rối đổi kẹo ấy mà!" - Nó tổng kết như vậy sau một tuần làm việc. Công ty xuất nhập khẩu gì mà trưởng phòng kinh doanh nói điện thoại oang oang "Lờ Xi à, Lờ Xi thì công ty anh đầy". Nó mới hỏi: "Chú nói chuyện với ai thế?". "Ŕ, khách hàng. Nó hỏi mình có dùng Lờ Xi không. Chú phải nói ngay là có. Nói không có nó bỏ đi mất. Kinh doanh là phải như thế!". "Ối giời ơi! - nó lu loa lên trong bữa ăn nhà tôi - ông ấy tưởng Lờ Xi là cái máy cái móc gì đó!".

"Thực ra nó là cái gì?" - bố tôi hỏi. "Là thư tín dụng, một hình thức thanh toán qua ngân hàng". "Kệ người ta. Việc của mình mình làm, đừng có mà khoe tài khoe giỏi - Mẹ tôi chặn họng - Đi làm trong cơ quan không phải cá mč một lứa. Mày có một tí tuổi, còn phải xách dép cho người ta. Đi làm thì phải nhìn trước nhìn sau. Những bà như bà Khiển, bà Du trông thế nhưng lừng lẫy một thời đấy. Phải đến sớm trước giờ, xem có việc gì làm được thì làm, giành giật lấy cốc chén mà rửa, đừng để các bà ấy làm". "Nhưng các bà ấy chỉ có mỗi việc đó thôi, con chẳng tranh được!". Mẹ tôi thở dài thườn thượt: "Đúng là thời thế thay đổi. Bà Du ấy ngày xưa thét ra lửa... "Con mà như bà ấy con nghỉ luôn". "Còn chế độ nữa - mẹ tôi thở dài - Bà ấy chờ vài năm nữa để lấy chế độ hưu". "Con ấy à, con thì không bao giờ như thế được. Không bao giờ..." -

Em gái tôi lẩm bẩm rồi chuồn mất, ngăn chặn một trận lôi đình sắp tới của mẹ tôi.

Mỗi ngày nó tha ở công ty về một chuyện. Chuyện cô văn thư em dâu của giám đốc đánh máy báo cáo cho giám đốc đi họp trên sở, giám đốc nộp báo cáo cho giám đốc sở, giám đốc sở đọc xong liền hỏi các anh có chính sách kinh doanh gì mà khủng khiếp thế này, giám đốc công ty đọc lại thì tóc tai dựng ngược. Chiến lược của công ty đề ra là: "Cạnh tranh bằng giá rẻ" đã bị cô văn thư đổi chữ "i" đứng sau chữ "a". Giám đốc sở bảo: "Anh về đi". Thế là giám đốc công ty về. "Cô văn thư có bị sao không?". Tôi lo lắng. Mẹ tôi trả lời thay; "Chẳng sao cả, đánh máy nhầm ấy mà". Em gái tôi bảo: "Đúng thế, chẳng sao cả - Rồi nó kết luận: Chán quá!". Hôm khác lại chuyện trong tủ lạnh của phòng hành chính có một hộp kim tiêm. Mỗi ngày phó phòng hành chính lại hì hục đun sình sịch một cặp lồng nước đựng ống tiêm, rồi tự tay tiêm thuốc bổ cho giám đốc. Phó phòng rất tự hào về tay nghề tiêm không đau của mình. Rồi chuyện cứ ba giờ chiều cả phòng kế toán lại hò nhau đi làm tiền, tức là đi đếm tiền của các xe hàng xuất tiểu ngạch trở về. Mỗi ngày một chuyện. Bố tôi bảo: "Mày không lo làm ăn chỉ lo nhặt chuyện!". Nó bảo: "Làm gì có việc gì mà làm!". Bầu không khí gia đình tôi lại đen tối trở lại. Có vẻ như cái dằm lại cắm ngược vào mông. Chính vì vậy, mặc dù hết sức thất vọng nhưng bố mẹ tôi cũng đành đồng ý cho em gái tôi nghỉ việc ở công ty này. Bởi vì nó đã lén lút thi vào một công ty khác.

Lạ là lần này không vật vã than thở chờ kết quả thi. Khi được hỏi vì sao đi thi mà không thấy kêu ca gì, nó bảo thi trộm thì làm sao dám kêu. Với lại thi đến đâu biết trúng đến đấy rồi làm sao còn kêu được. Rồi nó hào hứng: "Lúc đầu em cũng chán quá mà nộp đơn thi thôi, chứ em cũng coi thường lắm. Quảng cáo tuyển dụng gì mà chỉ yêu cầu tốt nghiệp phổ thông trung học, có quốc tịch Việt nam, tìm toét mắt cũng không thấy đòi hỏi bằng tốt nghiệp đại học chính quy hay bằng Xê tiếng Anh gì cả. Thế nên mới có cả trăm người đi thi. Sau vòng một chỉ còn ba mươi sáu người. Vì sao à, vì trong ba mươi phút phải làm hai bài kiểm tra. Bài thứ nhất là một bài mô tả tính cách bản thân bằng cách đánh dấu vào những tính từ chỉ tính cách trong số 60 tính từ in sẵn, làm trong 10 phút. Em gái của chị tất nhiên là đánh dấu vào những từ kiểu như "tự tin", "hài hước", "hấp dẫn", (nó cười hả hê).

Bài thứ hai là bốn mươi câu hỏi trắc nghiệm linh tinh lang tang, đại loại như: Mary và Jone đi ngược chiều nhau 8 mét, sau đó đến nửa đường Mary và Jone rẽ trái 3 mét, hỏi hai người cách nhau mấy mét". Tôi buồn cười: "Làm toán lớp bốn à?". Nó bảo: "Đúng thế, nhưng làm bốn mươi câu trong vòng 20 phút, lại trong tâm lý thi cử - cũng không dễ đâu. Ba mươi sáu người vào vòng hai lại rụng đi còn 5 người vì lại làm một nhát bốn mươi câu trắc nghiệm nữa nhưng chỉ trong 12 phút thôi. Vòng cuối cùng thì không phải làm bài gì cả mà trả lời một anh Tây đẹp trai ngời ngời, hỏi nếu được làm tổng thống thì bạn sẽ làm gì. "Em thực sự hơi lúng túng khi nghe giả thiết đó - Em gái tôi thành thực - Vì bản thân em chưa bao giờ mơ làm tổng thống". "Thế em trả lời ra sao?" - Tôi hỏi. "Trả lời là chưa từng nghĩ đến điều đó, hiện giờ chỉ nghĩ làm sao để chiến thắng trong cuộc thi này thôi. Thế là trúng".

Công ty Tây này đã mê hoặc em gái tôi. Lại mỗi ngày một chuyện. Ngày đầu tiên đi làm về nó làm bữa ăn tối của cả nhà kéo dài đến gần bản tin cuối ngày để mô tả về công ty, về việc giám đốc công ty thân chinh dẫn nhân viên mới đi từng phòng để giới thiệu nó với câu nói phát đi phát lại "Xin giới thiệu người đã làm hết bốn mươi câu hỏi IQ", về việc đích thân tổng giám đốc công ty ở trụ sở Singapore gửi thư welcome trên mạng nội bộ với lời lẽ hết sức trân trọng và cảm ơn nó đã đến làm ở công ty này. Em gái tôi ngây ngất.

Những bữa ăn tối ở nhà tôi giờ buồn tẻ và nhanh chóng. Chẳng ai có chuyện gì giật gân để kể, cũng chẳng phải mắng mỏ, kìm hãm ai vì em gái tôi hầu như không về đúng bữa. Thoạt đầu mẹ tôi hạ lệnh chờ nó về ăn cơm vì theo quan điểm của mẹ tôi gia đình là phải có ít nhất một bữa ăn xum vầy. Hôm thì nó về khi hết bản tin thời sự, hôm thì về khi VTV3 đã bắt đầu chiếu phim, về nhà thì lục sục tắm rửa, ăn trệu trạo bát cơm chẳng nói chẳng năng, mặt mũi đăm chiêu, sau đó như người mộng du leo lên phòng riêng, ngồi như thôi miên trước máy vi tính. Mẹ tôi điên lắm, nói: "Làm để sống hay làm để chết! Ai bắt mày phải khổ như thế?". Bố tôi hỏi:

"Giờ làm việc của công ty quy định đến mấy giờ? Bọn Tây này vẫn giữ bản chất bóc lột. Chúng nó o ép quá". "Chẳng ai o ép cả! - Em gái tôi gắt lên - Thích về lúc nào thì về có ai cấm đâu. Xong việc thì thôi!". "Có thể là em mới đến nên hay bị bắt nạt. Chị hồi mới đi làm cũng hay bị dồn việc lắm" - Tôi rụt rč thêm vào. Em gái tôi lừ mắt - "Lạc hậu! Mỗi người một việc, thử động vào việc của người khác xem, nó lại không kiện lên đến tổng giám đốc! Mà bố mẹ đừng đợi con về ăn cơm. Cơm cháo quan trọng gì. Sếp con thắc mắc với mọi người trong công ty, bảo không hiểu vì sao chúng mày ăn tới mấy bát cơm. Sếp con ăn ít ngủ ít. Buổi trưa không ăn, không "chợp mắt ngủ trưa" không uống nước không đi toilet. Mình còn lâu mới theo kịp!". "Theo nó làm sao được! - Mẹ tôi quá uất ức - Nó bơ sữa từ bé, mày thì nhũng nhẵng như cái dãi khoai. Tao cấm mày ốm!". Mẹ tôi bãi lệnh chờ cơm.

Em gái tôi hân hoan một cách mỏi mệt mang về một bằng khen chữ vàng ghi rő họ tên, lồng trong khung kính khen ngợi thành tích xuất sắc, đã là người đạt hiệu quả cao nhất khu vực trong quý. Giám đốc công ty mời cả văn phòng từ bảo vệ đến manager đi ăn tiệc buffet giá 18 USD một suất chưa thuế. "Công ty Tây thì thiếu gì tiền" - Bố tôi cắt ngang cơn hào hứng. "Không đâu bố ạ, là tiền - túi - của - giám - đốc!" - Em tôi nói một cách nghiêm trang. "Ừ, thì nó thiếu gì tiền - Bố tôi vớt vát. "Nhưng mà đầy người thiếu gì tiền vẫn chẳng chịu chi cho ai cái gì bao giờ" - Mẹ tôi bỗng nhiên bênh vực. Rồi mẹ thở dài: "Ít ra thì công sức đổ ra cũng được ghi nhận. Mẹ ngày xưa có làm chối chết cũng chỉ là thành tích của lãnh đạo hết". "Thì đây cũng là thành tích của lãnh đạo đấy chứ - Em gái tôi cười - Sếp con còn được thưởng gấp mấy lần bọn con. Vì thế ông ấy mới nịnh bọn con". - Em gái tôi hào hứng: Con sẽ mời bố mẹ đi ăn tiệc..." "Không tiệc tùng gì hết! - Mẹ tôi trở lại uy phong lẫm liệt - Tiền thưởng có đủ cắt thuốc uống không? Con gái chưa chồng mà má hóp mắt trũng. Thế là đủ rồi. Công ty người ta biết mày giỏi rồi. Làm vừa thôi. Rồi lấy chồng!". Em gái tôi chuồn vào phòng riêng.

Một quý mới bắt đầu. Tôi biết, nó sẽ không để lọt cái bằng khen tiếp theo vào tay người khác.

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội