Cổng vào tri thức => Không phân loại => Topic started by: Serenade24 on 08/01/07, 12:26 Return to Full Version

Title: Kiến thức chung về thương mại điện tử
Post by: Serenade24 on 08/01/07, 12:26
1. KHÁI NIỆM VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về "thương mại điện tử" nhưng tựu trung lại có hai quan điểm lớn trên thế giới xin được nêu ra dưới đây.
Thương mại điện tử theo nghĩa rộng được định nghĩa trong Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL): Thuật ngữ Thương mại cần được diễn giải theo nghĩa rộng để bao quát các vấn đề phát sinh từ mọi quan hệ mang tính chất thương mại dù có hay không có hợp đồng. Các quan hệ mang tính thương mại bao gồm các giao dịch sau đây: bất cứ giao dịch nào về thương mại nào về cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ; thỏa thuận phân phối; đại diện hoặc đại lý thương mại, ủy thác hoa hồng; cho thuê dài hạn; xây dựng các công trình; tư vấn; kỹ thuật công trình; đầu tư; cấp vốn; ngân hàng; bảo hiểm; thỏa thuận khai thác hoặc tô nhượng; liên doanh các hình thức khác về hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh; chuyên chở hàng hóa hay hành khách bằng đường biển, đường không, đường sắt hoặc đường bộ. Như vậy, có thể thấy rằng phạm vi của Thương mại điện tử rất rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế, việc mua bán hàng hóa và dịch vụ chỉ là một trong hàng ngàn lĩnh vực áp dụng của Thương mại điện tử.

Ủy ban Châu Âu đưa ra định nghĩa về Thương mại điện tử như sau: Thương mại điện tử được hiểu là việc thực hiện hoạt động kinh doanh qua các phương tiện điện tử. Nó dựa trên việc xử lý và truyền dữ liệu điện tử dưới dạng text, âm thanh và hình ảnh. Thương mại điện tử gồm nhiều hành vi trong đó hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ qua phương tiện điện tử, giao nhận các nội dung kỹ thuật số trên mạng, chuyển tiền điện tử, mua bán cổ phiếu điện tử, vận đơn điện tử, đấu giá thương mại, hợp tác thiết kế, tài nguyên mạng, mua sắm công cộng, tiếp thị trực tiếp tới người tiêu dùng và các dịch vụ sau bán hàng. Thương mại điện tử được thực hiện đối với cả thương mại hàng hóa (ví dụ như hàng tiêu dùng, các thiết bị y tế chuyên dụng) và thương mại dịch vụ (ví dụ như dịch vụ cung cấp thông tin, dịch vụ pháp lý, tài chính); các hoạt động truyền thống (như chăm sóc sức khỏe, giáo dục ) và các hoạt động mới (ví dụ như siêu thị ảo).

Tóm lại, theo nghĩa rộng thì thương mại điện tử có thể được hiểu là các giao dịch tài chính và thương mại bằng phương tiện điện tử như: trao đổi dữ liệu điện tử; chuyển tiền điện tử và các hoạt động gửi rút tiền bằng thẻ tín dụng.

Thương mại điện tử theo nghĩa hẹp bao gồm các hoạt động thương mại được thực hiện thông qua mạng Internet. Các tổ chức như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) đưa ra các khái niệm về thương mại điện tử theo hướng này. Thương mại điện tử được nói đến ở đây là hình thức mua bán hàng hóa được bày tại các trang Web trên Internet với phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng. Có thể nói rằng Thương mại điện tử đang trở thành một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức mua sắm của con người.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình cả các sản phẩm được giao nhận cũng như những thông tin số hóa thông qua mạng Internet.

Khái niệm về Thương mại điện tử do Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế của Liên Hợp quốc (OECD) đưa ra là: Thương mại điện tử được định nghĩa sơ bộ là các giao dịch thương mại dựa trên truyền dữ liệu qua các mạng truyền thông như Internet.

Theo các khái niệm trên, chúng ta có thể hiểu được rằng theo nghĩa hẹp Thương mại điện tử chỉ bao gồm những hoạt động thương mại được thực hiện thông qua mạng Internet mà không tính đến các phương tiện điện tử khác như điện thoại, fax, telex...
Qua nghiên cứu các khái niệm về Thương mại điện tử như trên, hiểu theo nghĩa rộng thì hoạt động thương mại được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin liên lạc đã tồn tại hàng chục năm nay và đạt tới doanh số hàng tỷ USD mỗi ngày. Theo nghĩa hẹp thì Thương mại điện tử chỉ mới tồn tại được vài năm nay nhưng đã đạt được những kết quả rất đáng quan tâm, Thương mại điện tử chỉ gồm các hoạt động thương mại được tiến hàng trên mạng máy tính mở như Internet. Trên thực tế, chính các hoạt động thương mại thông qua mạng Internet đã làm phát sinh thuật ngữ Thương mại điện tử.

Title: Re: Kiến thức chung về thương mại điện tử
Post by: Serenade24 on 08/01/07, 12:28
2.CÁC ĐẶC TRƯNG CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Đế xây dựng khung pháp luật thống nhất cho Thương mại điện tử, chúng ta cần nghiên cứu và tìm ra các đặc trưng của Thương mại điện tử. So với các hoạt động Thương mại truyền thống, thương mại điện tử có một số điểm khác biệt cơ bản sau:

2.1. Các bên tiến hành giao dịch trong thương mại điện tử không tiếp xúc trực tiếp với nhau và không đòi hỏi phải biết nhau từ trước.
Trong Thương mại truyền thống, các bên thương gặp gỡ nhau trực tiếp để tiến hành giao dịch. Các giao dịch được thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc vât lý như chuyển tiền, séc hóa đơn, vận đơn, gửi báo cáo. Các phương tiện viễn thông như: fax, telex, .. chỉ được sử dụng để trao đổi số liệu kinh doanh. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện điện tử trong thương mại truyền thống chỉ để chuyển tải thông tin một cách trực tiếp giữa hai đối tác của cùng một giao dịch. Từ khi xuất hiện mạng máy tính mở toàn cầu Internet thì việc trao đổi thông tin không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa các công ty và doanh nghiệp mà các hoạt động thương mại đa dạng đã mở rộng nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới với số lượng người tham gia ngày càng tăng. Những người tham gia là cá nhân hoặc doanh nghiệp, có thể đã biết, hoặc hoàn toàn chưa biết bao giờ.
Trong nền kinh tế số, thông tin được số hóa thành các byte, lưu giữ trong các máy vi tính và truyền qua mạng với tốc độ ánh sáng. Điều này tạo ra những khả năng hoàn toàn mới làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua bán của con người mà trong đó, người bán (mua) hàng có thể giao dịch với đối tác ở bất kỳ đâu trên thế giới mà không cần qua khâu trung gian hỗ trợ của bất kỳ công ty thương mại nào.Thương mại điện tử cho phép mọi người cùng tham gia từ các vùng xa xôi hẻo lánh đến các khu vực đô thị lớn, tạo điều kiện cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi đều có cơ hội ngang nhau tham gia vào thị trường giao dịch toàn cầu và không đòi hỏi nhất thiết phải có mối quen biết với nhau.

2.2. Xoá nhoà khái niệm biên giới quốc gia.
Các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện với sự tồn tại của khái niệm biên giới quốc gia, còn thương mại điện tử được thực hiện trong một thị trường không có biên giới (thị trường thống nhất toàn cầu). Thương mại điện tử trực tiếp tác động tới môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Thương mại điện tử càng phát triển, thì máy tính cá nhân trở thành cửa sổ cho doanh nghiệp hướng ra thị trường trên khắp thế giới. Không chỉ các công ty hàng đầu thế giới mới có thể tiếp cận những thị trường mới, mà ngay cả một công ty vừa mới khởi sự cũng có một mạng lưới tiêu thụ và phân phối không biên giới ngay đầu ngón tay của mình. Với thương mại điện tử, một doanh nhân dù mới thành lập đã hoàn toàn có thể kinh doanh ở Nhật Bản, Đức và Chilê ..., mà không hề phải bước ra khỏi nhà, một công việc trước kia phải mất nhiều năm.
Sang thế kỷ XXI, bất cứ người dân nào – dù là người tiêu dùng, các nhà kinh doanh nhỏ, hay chủ tịch công ty lớn - đều sẽ có thể mở rộng công việc giao dịch của mình tới những nơi xa xôi nhất của hành tinh. Toàn cầu hóa, tự do hóa mậu dịch và phát triển là con đường nhanh chóng đưa các quốc gia và các doanh nghiệp thay đổi theo hướng cạnh tranh quốc tế trên phạm vi toàn cầu, kể cả việc giành lấy các thị trường nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác thương mại.

2.3. Sự tham gia tất yếu của các cơ quan chứng thực (bên thứ ba)
Trong hoạt động giao dịch thương mại điện tử đều có sự tham ra của ít nhất ba chủ thể, trong đó có một bên không thể thiếu được là người cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực.
Trong Thương mại điện tử, ngoài các chủ thể tham gia quan hệ giao dịch giống như giao dịch thương mại truyền thống đã xuất hiện một bên thứ ba đó là nhà cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực... là những người tạo môi trường cho các giao dịch thương mại điện tử. Nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chứng thực có nhiệm vụ chuyển đi, lưu giữ các thông tin giữa các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử, đồng thời họ cũng xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch thương mại điện tử.

2.4. Thông tin thị trường trở thành công cụ cạnh tranh đắc lực
Đối với thương mại truyền thống thì mạng lưới thông tin chỉ là phương tiện để trao đổi dữ liệu, còn đối với thương mại điện tử thì mạng lưới thông tin chính là thị trường
Thông qua Thương mại điện tử, nhiều loại hình kinh doanh mới được hình thành. Ví dụ: các dịch vụ gia tăng giá trị trên mạng máy tính hình thành nên các trung gian ảo làm các dịch vụ môi giới, trọng tài cho giới kinh doanh và tiêu dùng; các siêu thị ảo được hình thành để cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên mạng máy tính.
Theo một số chuyên gia về kinh doanh trên mạng, chính những tính năng dễ sử dụng và hình thức vui mắt, dễ hiểu của các trang Web dành cho thương mại điện tử là những yếu tố quyết định trong việc thu hút khách hàng.
Các trang Web khá nổi tiếng như Yahoo! America Online hay Alta Vista..., đóng vai trò như các trang Web gốc khác với vô số thông tin. Các trang Web này đã trở thành các "khu chợ" khổng lồ trên Internet. Với mỗi lần nhấn chuột, khách hàng có khả năng truy cập vào hàng ngàn cửa hàng ảo khác nhau và tỷ lệ khách hàng vào hàng ngàn các cửa hàng ảo khác nhau và tỷ lệ khách hàng vào thăm rồi mua hàng là rất cao.
Giá cả không quan trọng bằng tính dễ sử dụng và tiện lợi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi các công ty kinh doanh trên Web cạnh tranh không liệt hơn và đua nhau dành cho khách hàng những dịch vụ tiện lợi nhất, giá cả sẽ lại trở thành yếu tố quyết định trong cạnh tranh.
Người tiêu dùng đã bắt đầu mua trên mạng một số các loại hàng trước đây được coi là khó bán trên mạng. Con người ngày càng trở nên lười biếng và họ cho rằng thà phải trả thêm một chút tiền còn hơn là phải đi tới tận cửa hàng. Một số công ty đã mời khách may đo quần áo trên mạng, tức là khách hàng chọn kiểu, gửi số đo theo hướng dẫn tới cửa hàng (qua Internet) rồi sau một thời gian nhất định nhận được bộ quần áo theo đúng yêu cầu của mình. Điều tưởng như không thể thực hiện được này cũng có rất nhiều người hưởng ứng.
Các chủ cửa hàng thông thường ngày nay cũng đang đua nhau đưa thông tin lên Web để tiến tới khai thác mảng thị trường rộng lớn trên Web bằng cách mở cửa hàng ảo.
Tóm lại, trong thương mại điện tử bản chất của thông tin không thay đổi. Thương mại điện tử chỉ biến đổi cách thức khởi tạo, trao đổi, bảo quản và xử lý thông tin, hoàn toàn không thay đổi những chức năng cơ bản của thông tin đối với các bên tham gia truyền thống của hợp đồng.
Việc mã hóa, số hóa nội dung của các thông tin, chứng từ và tài liệu giao dịch làm cho thương mại điện tử dù cho hoạt động trong khuôn khổ quốc gia hay quốc tế, có sự khác biệt so với thương mại truyền thống chủ yếu dựa trên chứng từ bằng giấy tờ. Trong thương mại truyền thống (bằng giấy tờ) nếu có nhiều bên tham gia thì sẽ phải tốn một khối lượng lớn giao dịch về hợp đồng. Trong khi đó nếu giao dịch được thực hiện thông qua thương mại điện tử, thì tiết kiệm được rất nhiều giấy tờ và thời gian. Tuy nhiên các chứng từ được thể hiện bằng giấy tờ, cho đến nay, lại có ưu thế hơn trong vai trò chứng cứ khi xảy ra tranh chấp.
Title: Re: Kiến thức chung về thương mại điện tử
Post by: Serenade24 on 08/01/07, 12:33
3. CÁC HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA TMDT

3.1. Thư điện tửCác doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước,.. sử dụng thư điện tử để gửi thư cho nhau một cách "trực tuyến" thông qua mạng, gọi là thư điện tử (electronic mail, viết tắt là e-mail). Thông tin trong thư điện tử không phải tuân theo một cấu trúc định trước nào.

3.2. Thanh toán điện tử
Thanh toán điện tử (electronic payment) là việc thanh toán tiền thông qua bản tin điện tử (electronic message) thay cho việc giao dịch dùng tiền mặt; ví dụ, trả lương bằng cách chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản, trả tiền mua hàng bằng thẻ mua hàng, thẻ tín dụng v.v.. thực chất đều là dạng thanh toán điện tử. Ngày nay, với sự phát triển của TMĐT, thanh toán điện tử đã mở rộng sang các lĩnh vực mới đó là:
a. Trao đổi dữ liệu điện tử tài chính (Financial Electronic Data Interchange, gọi tắt là FEDI) chuyên phục vụ cho việc thanh toán điện tử giữa các công ty giao dịch với nhau bằng điện tử.
b.Tiền mặt Internet (Internet Cash) là tiền mặt được mua từ một nơi phát hành (ngân hàng hoặc một tổ chức tín dụng nào đó), sau đó được chuyển đổi tự do sang các đồng tiền khác thông qua Internet, áp dụng trong cả phạm vi một nước cũng như giữa các quốc gia; tất cả đều được thực hiện bằng kỹ thuật số hóa, vì thế tiền mặt này còn có tên gọi là "tiền mặt số hóa" (digital cash), có công nghệ đặc thù chuyên phục vụ mục đích này, đảm bảo được mọi yêu cầu của người bán và người mua theo luật quốc tế. Tiền mặt Internet được người mua hàng mua bằng đồng nội tệ, rồi dùng mạng Internet để chuyển cho người bán hàng. Thanh toán bằng tiền Internet đang trên đà phát triển nhanh, nó có ưu điểm nổi bật sau:
+ Có thể dùng để thanh toán những món hàng giá trị nhỏ, thậm chí ngay cả tiền mua báo (vì phí giao dịch mua hàng và chuyển tiền rất thấp không đáng kể);
+ Không đòi hỏi phải có một quy chế được thỏa thuận từ trước, có thể tiến hàng giữa hai con người hoặc hai công ty bất kỳ, các thanh toán là vô danh;
+ Tiền mặt nhận được đảm bảo là tiền thật, tránh được tiền giả
c.Túi tiền điện tử (electronic purse); còn gọi là "ví điện tử" là nơi để tiền mặt Internet, chủ yếu là thẻ thông minh (smart card), còn gọi là thẻ giữ tiền (stored value card), tiền được trả cho bất kỳ ai đọc được thẻ đó; kỹ thuật của túi tiền điện tử tương tự như kỹ thuật áp dụng cho "tiền mặt Internet". Thẻ thông minh, nhìn bề ngoài như thẻ tín dụng, nhưng ở mặt sau của thẻ, thay cho dải từ là một chíp máy tính điện tử có một bộ nhớ để lưu trữ tiền số hóa, tiền ấy chỉ được "chi trả" khi sử dụng hoặc thư yêu cầu (như xác nhận thanh toán hóa đơn) được xác thực là " đúng"
d. Giao dịch ngân hàng số hóa (digital banking), giao dịch chứng khoán số hóa (digital securities trading).Hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng là một hệ thống lớn gồm nhiều hệ thống nhỏ:
(1)Thanh toán giữa ngân hàng với khách hàng qua điện thoại, tại các điểm bán lẻ, các kiôt, giao dịch cá nhân tại các gia đình, giao dịch tại trụ sở khách hàng, giao dịch qua Internet, chuyển tiền điện tử, thẻ tín dụng, thông tin hỏi đáp...,
(2) Thanh toán giữa ngân hàng với các đại lý thanh toán (nhà hàng, siêu thị...,)
(3) Thanh toán nội bộ một hệ thống ngân hàng
(4) Thanh toán giữa hệ thống ngân hàng này với hệ thống ngân hàng

3.3 Trao đổi dữ liệu điện tử Trao đổi dữ liệu điện tử (electronic data interchange, viết tắt là EDI) là việc trao đổi các dữ liệu dưới dạng "có cấu trúc" (stuctured form), (có cấu trúc nghĩa là các thông tin trao đổi được với các đối tác thỏa thuận với nhau tuân thủ theo một khuôn dạng nào đó) từ máy tính điện tử này sang máy tính điẹn tử khác, giữa các công ty hoặc đơn vị đã thỏa thuận buôn bán với nhau, theo cách này sẽ tự động hóa hoàn toàn không cần có sự can thiệp của con người. Theo Ủy ban liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), việc trao đổi dữ liệu điện tử được xác định như sau: "Trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) là việc chuyển giao thông tin từ máy tính điện tử này sang máy tính điện tử khác bằng phương tiện điện tử, có sử dụng một tiêu chuẩn đã được thỏa thuận để cấu trúc thông tin".
EDI ngày càng được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, chủ yếu phục vụ cho việc mua và phân phối hàng (gửi đơn hàng, các xác nhận, các tài liệu gửi hàng, hóa đơn v.v...), người ta cũng dùng cho các mục đích khác, như thanh toán tiền khám bệnh, trao đổi các kết quả xét nghiệm v.v. EDI chủ yếu được thực hiện thông qua mạng ngoài (extranet) với nhau và thường được gọi là "mạng thương mại" (net-commerce). Cũng có khi có "EDI hỗn hợp" (hybird EDI) dùng cho trường hợp chỉ có một bên đối tác dùng EDI, còn bên kia thì vẫn dùng các phương thức thông thường (như fax, thư tín qua bưu điện...). Trước khi có Internet đã có EDI, khi đó người ta dùng "mạng giá trị gia tăng" (Value Added Network, viết tắt là VAN) để liên kết các đối tác EDI với nhau; cốt lõi của VAN là một hệ thống thư điện tửcho phép các máy tính điện tử liên lạc được với nhau, và hoạt động như một phương tiện lưu trữ và tìm kiếm; khi nối vào VAN, một doanh nghiệp có thể liên lạc với nhiếu máy tính điện tử nằm ở nhiều thành phố trên khắp thế giới. Ngày nay EDI chủ yếu được thực hiện thông qua mạng Internet.
Để phục vụ cho buôn bán giữa các doanh nghiệp thuận lợi hơn với chi phí truyền thông không quá tốn kém, người ta đã xây dựng một kiểu mạng mới gọi là "mạng riêng ảo" (virtual private network), là mạng riêng dạng intranet của một doanh nghiệp nhưng được thiết lập dựa trên chuẩn trang Web và truyền thông qua mạng Internet. Hai mạng Intranet liên kết, trao đổi thông tin với nhau được gọi là mạng extranet giữa hai doanh nghiệp. Mạng riêng ảo có các khối phần cứng hoặc phần mềm dùng để mã hóa thông tin, đôi lúc có tác dụng như một tường lửa bảo vệ thông tin (firewall) giữa các đối tác với nhau.
TMĐT có đặc tính phi biên giới (Cross – border electronic commerce), về bản chất phi biên giới là trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) giữa các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau, công việc trao đổi EDI thường là các nội dung sau:
1/ Giao dịch kết nối
2/ Đặt hàng
3/ Giao dịch gửi hàng
4/Thanh toán
Vấn đề này đang được tiếp tục nghiên cứu và xử lý, đặc biệt là buôn bán giữa các nước có quan điểm chính sách, và luật pháp thương mại khác nhau, đòi hỏi phải có một pháp lý chung trên nền tảng thống nhất quan điểm về tự do hóa thương mại và tự do hóa việc sử dụng mạng Internet, chỉ như vậy mới bảo đảm được tính khả thi, tính an toàn, và tính có hiệu quả của việc trao đổi dữ liệu điện tử (EDI)

3.4. Truyền dung liệu
Dung liệu (content) là nội dung của hàng hóa, mà không phải là bản thân vật mang nội dung đó; ví dụ như: Tin tức, nhạc phim, các chương trình phát thanh, truyền hình, các chương trình phần mềm, các ý kiến tư vấn, vé máy bay, vé xem phim, xem hát, hợp đồng bảo hiểm, v.v..
Trước đây, dung liệu được trao đổi dưới dạng hiện vật (physical form) bằng cách đưa vào đĩa, vào băng, in thành sách báo, thành văn bản, đóng gói bao bì chuyển đến tay người sử dụng, hoặc đến điểm phân phối (như của hàng, quầy báo v.v.) để người sử dụng mua và nhận trức tiếp. Ngày nay, dung liệu được số hóa và truyền gửi theo mạng, gọi là "giao gửi số hóa" (digital delivery).
Các tờ báo, các tư liệu công ty, các ca-ta-lô sản phẩm lần lượt đưa lên Web, người ta gọi là "xuất bản điện tử" (electronic publishing hoặc Web publishing), khoảng 2700 tờ báo đã được đưa lên Web gọi là "sách điện tử"; các chương trình phát thanh, truyền hình, giáo dục, ca nhạc, kể chuyện v.v..cũng được số hóa, truyền qua Internet, người sử dụng tải xuống (download); và sử dụng thông qua màn hình và thiết bị âm thanh của máy tính điện tử. Đặt mua chõ trên máy bay, rạp hát qua Internet gọi là "Vé điện tử" (electronic ticket), ở Mỹ đã chiếm tỷ trọng tới 70%. Người tiêu thụ dùng Internet liên lạc trực tuyến với cơ quan tín dụng – ngân hàng để biết các thông tin về bảo hiểm và số liệu phút chót về tài chính của mình (tiền tiết kiệm, tiền gửi, tiền sắp phải trả v.v.). Với góc độ kinh tế - thương mại, các loại thông tin kinh tế và kinh doanh trên Internet đều rất phong phú, một nhiệm vụ quan trọng của công tác thông tin ngày nay là khai thác Web và phân tích tổng hợp.
3.5. Bán lẻ hàng hóa hữu hình
Đến nay, danh sách các hàng hóa bán lẻ qua mạng đã mở rộng, từ hoa tới quần áo, ôtô và xuất hiện một loại hoạt động gọi là "mua hàng điện tử" (electronic shopping), hay "mua hàng trên mạng"; ở một số nước, Internet bắt đầu trở thành công cụ để cạnh tranh bán lẻ hàng hữu hình (Retail of tangible goods). Tận dụng tính năng đa phương tiện (multimedia) của môi trường Web và Java, người bán xây dựng trên mạng các "cửa hàng ảo" (virtual shop), gọi là ảo bởi vì, cửa hàng có thật nhưng ta chỉ xem toàn bộ quang cảnh cửa hàng và các hàng hóa chứa trong đó trên từng trang màn hình một. Để có thể mua – bán hàng, khách hàng tìm trang Web của cửa hàng, xem hàng hóa hiển thị trên màn hình, xác nhận mua và trả tiển bằng thanh toán điệnn tử. Lúc đầu (giai đoạn một), việc mua bán như vậy còn ở dạng sơ khai: người mua chọn hàng rồi đặt hàng thông qua mẫu đơn (form) cũng đặt ngay trên Web. Nhưng có trường hợp muốn lựa chọn giữa nhiều loại hàng ở các trang Web khác nhau (của cùng một cửa hàng) thì hàng hóa miêu tả nằm ở một trang, đơn đặt hàng lại nằm ở trang khác, gây ra nhiều phiền toái. Để khắc phục, giai đoạn hai, xuất hiện loại phần mềm mới, cùng với hàng hóa của cửa hàng trên màn hình đã có thêm phần " xe mua hàng" (shopping cart, shopping trolly), giỏ mua hàng (shopping basket, shopping bag) giống như giỏ mua hàng hay xe mua hàng thật mà người mua thường dùng khi vào cửa hàng siêu thị. Xe và giỏ mua hàng này đi theo người mua suốt quá trình chuyển từ trang Wen này đến trang Web khác để chọn hàng, khi tìm được hàng vừa ý, người mua ấn phím " Hãy bỏ vào giỏ" ( Put in into shopping bag); các xe hay giỏ mua hàng này có nhiệm vụ tự động tính tiền (kể cả thuế, cước vận chuyển) để thanh toán với khách mua. Hiện nay, các hãng bán hàng đã có hệ thống phần mềm mới hơn gọi là " Thương điếm điện tử" (store – front, hay store - building ) có tính năng cao hơn, cho phép người mua giao tiếp thoải mái hơn với cửa hàng và hàng hóa v.v.. Vì hàng hóa là hữu hình, nên tất yếu sau đó cửa hàng phải dùng tới các phương tiện gửi hàng theo kiểu truyền thống để đưa hàng đến tay người tiêu dùng.
Một trong những thuận lợi của mua hàng trên mạng là khách hàng có cửa hàng tại nhà (home shopping ) mà không cần phải đích thân đi tới nơi có cửa hàng thật.
Title: Re: Kiến thức chung về thương mại điện tử
Post by: Serenade24 on 08/01/07, 12:38
4. KỸ NẰNG GIAO TIẾP TRỰC TUYẾN

1. Cách thức sử dụng thư điện tử có hiệu quả trong giao dịch điện tử
Một ưu điểm lớn nhất của vịêc sử dụng thư điện tử và giao tiếp trực tuyến đó là chi phí thấp. Khi bạn đã thiết lập một hộp thư điện tử bạn có thể chỉ mất rất ít hoặc hầu như không khoản phí nào cho mỗi lần sử dụng thư điện tử không giống như cước phí điện thoại fax hoặc điện tín. Hiện nay nhiều nhà doanh nghiệp đã sử dụng thư điện tử cho phần lớn các giao tiếp không chính thức của mình chẳng hạn như để gửi bản memo thông báo, báo cáo, thông tin hoặc để gửi các chào hàng mua hoặc bán. Hiện nay phần lớn các dữ liệu sử dụng phần mềm thông dụng có thể được chuyển đi thông qua thư điện tử. Thư điện tử còn có thể được sử dụng để chuyển giao các số liệu, biểu đồ, âm thanh, hình ảnh và chữ viết. Những đặc điểm theo sau việc sử dụng một lời nhắn bằng thư điện tử nhằm mục đích giúp bạn cải thiện và tiến hành tốt hơn việc sử dụng thư điện tử như là một hình thức trao đổi thông tin.
•   Trong dòng người nhận "To" :phân dòng và đánh địa chỉ của người nhận .
•   Trong dòng tiêu đề:dòng, cần ngắn gọn, sử dụng các động từ động và cung cấp các chi tiết cụ thể về nội dung thông báo qua. Nhiều người nhận đã phân vân trong việc đưa ra quyết định có đọc một mình dòng tiêu đề hay không. Nếu bạn đề sai tên của thông báo thì không những bạn đã lãng phí thời giờ của người nhận mà còn có nguy cơ không thể truyền đạt một cách chính xác ý của mình. Nếu bạn có thể truyền đạt được điểm quan trọng nhất của thông báo chỉ trong một ít từ - chừng 4 đến 5 từ thì thư điện tử của bạn sẽ hiệu quả hơn nhiều.
•   Phần bản thân "CC" (carbon copy): dòng này sẽ cho phép bạn gửi một bản copy thông báo của mình tới những người khác ngoài điạ chỉ của người được xác định trong "To".
•   BCC (blind carbon copy): đặc điểm này sẽ cho phép bạn gửi một bản copy tới người những khác mà không đề địa chỉ của người nhận. Chẳng hạn nếu bạn phải gửi rất nhiều bức thư tới hàng loạt người, đặc điểm này thông báo cho mỗi người nhận rằng anh ta hoặc cô ta sẽ không phải mất rất nhiều thời gian để bỏ qua phần địa chỉ.
•   Khi gửi thư điện tử, bạn chỉ nên gửi tới những người cần đọc, cần lưu ý rằng đối tác của bạn có thể phải nhận rất nhiều thư hơn bạn vì thế bạn cần nghĩ trước khi đưa ra quyết định gửi thư . Bởi vì , nếu bức thư của bạn chẳng có ý nghĩa gì hoặc giá trị gì cho người đọc nó có thể là vật gây nên nỗi bực tức và sự lãng phí thời giờ của người đọc(vấn đề Spam trong thư điện tử).
•   Cần đề họ tên, tiêu đề, địa chỉ, số điện thoại, số fax (cùng với mã vùng, mã quốc gia) và địa chỉ thư điện tử trong bất kỳ bức thư nào. Có thể bạn sẽ muốn tạo một chữ ký tự động nhập vào cuối mỗi bức thư vì thế bạn sẽ không mất thời giờ cho việc này mỗi khi bạn cần gửi thư.
•   Cần giữ cho bức thư của mình rõ ràng, dễ hiểu. Cần loại bỏ ngôn ngữ khó hiểu, dễ nhầm lẫn, cần phiên âm rõ từ viết tắt, và kiểm tra ngữ pháp, chính tả. Ðiều quan trọng là bạn tránh lối viết thư quá thân mật hoặc thẳng thắn trong thư. Mặc dù thư điện tử thì nhanh và dễ thiết lập, gần giống với đàm thoại, nhiều người vẫn cảm thấy rất khó khăn trong việc truyền đạt thông tin một cách chính xác khi viết so với khi nói. Nếu người đọc không thấy nụ cười trên khuôn mặt bạn, họ sẽ nhầm tưởng lời nói đùa của bạn là nghiêm trọng hoặc tồi tệ hơn là một sự xúc phạm.
•   Nếu bạn muốn người đọc hành động theo những gì đã thông báo trong thư, cần viết nội dung này lên đầu. Nếu bạn đang liên lạc với nhiều người, chỉ định mỗi đoạn cho một người. Chẳng hạn bạn muốn yêu cầu ông A làm nhiệm vụ trong đoạn này ,còn ông B tiến hành nhiệm vụ khác trong đoạn tiếp theo.
•   Cần nhanh chóng phúc đáp các bức thư, thường trong vòng 24 giờ. Sử dụng chức năng "trả lời tự động" khi bạn đi vắng vì thế người gửi sẽ biết được khi nào bạn sẽ quay lại hoặc là sẽ liên hệ với ai khi bạn vắng nhà.
•   Cần tránh đánh chữ in hoa vì điều này dễ dẫn đến sự hiểu không tốt cho người nhận.
•   Tránh gửi kèm hoặc các biểu đồ phức tạp vì người nhận có thể sẽ mất nhiều thời gian để tải xuống. Nếu bắt buộc phải gửi kèm cần chắc chắn rằng người nhận cũng có phần mềm tương tự để xem chúng. Sự sắp xếp tốt nhất đó là sử dụng sắp xếp nhiều ô chữ (RTF) trong tên tài liệu, sự sắp xếp dạng biểu đồ theo JPEG hoặc GIF, GTF, JPEG hoặc GIF sẽ giảm độ lớn của file rất nhiều.
•   Cần lưu ý cẩn thận khi mở các thư gửi kèm. Virus phần mềm gây hại rất nhiều cho máy tính của bạn thông thường lan toả thông qua các thư gửi kèm. Ðể bảo vệ hệ thống máy tính của mình bạn cần:
Cài đặt các phần mềm diệt virus
Thiết lập hàng rào bảo vệ chống virus, vì thế nó có thể tự động và thường xuyên quét virus trên ổ cứng của bạn.
Khi nhận được một thư điện tử có các gửi kèm, đừng mở nó trong hộp thư điện tử mà lưu giữ nó trong ổ cứng vì thế khi mở ra các chương trình diệt virus sẽ kiểm tra và nếu có nó sẽ diệt.

2. Cách thức tổ chức diễn đàn, hội thảo ảo có hiệu quả và chất lượng.
Ðể sử dụng internet như là một phương tiện đa dụng, nhiều tổ chức đã khai thác nó trong việc tổ chức diễn đàn đối thoại, hội nghị ảo.Tuy nhiên vẫn còn có những tranh cãi về các cách thức sắp xếp đa dạng và tính hiệu quả của nó. Ðiểm bắt đầu quan trọng nhất là so sánh một sự kiện tương tác trên internet với một sự kiện trực tiếp tương tự dưới góc độ mục tiêu và các nguồn lực yêu cầu.Ðối với những sự kiện cả ảo và trực tiếp thành công sẽ phụ thuộc vào mục tiêu, nguồn lực, việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện. Cấu trúc của bất kỳ sự kiện tương tác nào sẽ tập trung vào 4 điểm dưới đây.
•   Cách thức phát triển nội dung và việc định hướng mang tính chiến lược. Xác định loại nội dung nào bạn sẽ phát triển như là kết quả của hội nghị ảo và nó sẽ được sử dụng như thế nào đối với các sự kiện trên..
•   Xúc tiến: sử dụng các sự kiện thực tế (chẳng hạn các hội nghị), tờ rơi, các trang tạp chí, bản thông báo thư điện tử, các kết nối tới các trang WEB liên quan, cuộc điện thoại, Fax, các chuyến viếng thăm tới tổ chức, các cuộc tiệc trưa, và việc tổ chức hội tư vấn để khuyến khích gia nhập, các sự kiện càng có tầm quan trọng hơn, những kỳ vọng nhiều hơn về kết quả mang tính chiến lược, thì việc đầu tư càng nhiều hơn trong vấn đề xúc tiến.
•   Hỗ trợ kỹ thuật: cần quan tâm đến vấn đề bí quyết kỹ thuật và phần cứng có sẵn của các bên tham gia, phần mềm và cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia lưu ý đến khả năng của người tổ chức trong việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật mang tính tiền đề trước các sự kiện và các hỗ trợ mang tính sẵn có các bên tham gia trong quá trình diễn ra các sự kiện (chẳng hạn số lượng những khách mời chủ yếu, quốc tịch của các bên).
•   Sự quản lý tổng thể và cách tổ chức nguồn lực. Cần lưu tâm tới các nguồn lực tài chính và nhân sự cần có cho sự phát triển nhanh chóng, các yêu cầu về xúc tiến và các hỗ trợ mang tính kỹ thuật, chuẩn bị chu đáo các nguồn lực cần thiết về tổ chức trước, trong khi và sau các sự kiện, lưu ý tới các phân tích hậu sự kiện (chẳng hạn báo cáo về sự kiện đó) và kết quả của hoạt động xúc tiến.
Các phần theo sau nhấn mạnh những điểm chính về mặt tổ chức cho các sự kiện phong phú bắt đầu với những vấn đề yêu cầu các nguồn lực tối thiểu.

Những nhóm thảo luận không hạn chế:•   Quan hệ trực tiếp: các cuộc điện đàm các nhóm thảo luân trực tiếp .
•   Vốn đầu tư cần có: thấp
•   Thời hạn: không hạn chế
•   Công nghệ áp dụng phù hợp nhất: chương trình phần mềm thiết yếu dùng trong thư điện tử- một phương tiện liên lạc giữa các sự kiện trực tiếp chẳng hạn các cuộc hội thảo thường niên hoặc các cuộc gặp gỡ hàng tháng.
•   Nội dung và các nghi thức xã giao: tốt nhất là các nhóm gặp gỡ trực tiếp
•   Kỹ thuật áp dụng tiềm năng nhất: đây là một công cụ cần thiết đề kích hoạt danh sách thư trên INTERNET hoặc bất kỳ một mạng có quy mô lớn nào.

Những nhóm thảo luận hạn chế:•   
*           Quan hệ trực tiếp: các cuộc hội thảo, tranh luận
•   Vốn đầu tư: từ thấp đến trung bình, nguồn nhân sự vừa phải
•   Thời hạn: hạn chế, thông thường giữa một ngày và một tháng
•   Khả năng áp dụng phù hợp nhât. để cung cấp tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm về một vấn đề nào đó; để tạo điều kiện cho hệ thống làm việc liên quan đến doanh nghiệp, để phát hiện những quan tâm và nhu cầu của khách hàng.
•   Kỹ thuật áp dụng tiềm năng nhất: các công cụ phần mềm sử dụng trên mạng, hoặc hàng ngày gửi lên mạng dạng thức ngôn ngữ siêu văn bản ( HTML)
•   Bảo vệ các bên tham gia có hiệu quả. trước tiên chọn một hiệu ứng đặc biệt. bên tham gia phải quen với chủ đề, dễ dàng kích hoạt các tương tác điện tử, có khả năng cung cấp những giới thiệu chính xác, những tóm tắt sơ bộ, và những kết luận liên quan tới tranh luận nhóm, và không chỉ đơn thuần là do chuyên ngành của họ sau đó phân loại những đánh giá trước khi các sự kiện bắt đầu. nên tăng cường ghi nhận những đánh giá từ phía các bên tham gia khác nhau nếu không cuộc tranh luận sẽ đi đến chỗ cụt.
•   Cuối cùng, công bố danh sách số lượng lớn những người tham gia, trong phòng hội thảo, một số it cá nhân sẽ phát biểu, phần lớn góp ý và một số ít còn lại không làm gì, điều này cũng đúng với thảo luận nhóm, một đặc điểm chính là chỉ 20% số người sẽ tham gia vào một nhóm tổ chức tốt.

Các hội nghị ảo
Lợi thế lớn nhất của các hội nghị ảo là chúng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người trên thế giới cùng tham gia và không tốn một đồng xu chi phí đi lại nào. những hội nghị đó sẽ giúp thúc đẩy những cá nhân bình thường tham gia vào quá trình phát hiện những nhu cầu của khách hàng, kích thích sự liên kết nhóm và sự tham gia của những cá nhân bình thường không dám tham gia phát biểu trước các hội nghị thực bởi tính chất đa nguồn, các hội nghị ảo chính thức không được tổ chức thường xuyên mọi người thường cho rằng các sự kiện trên mạng yêu cầu không cao về nguồn khác với các diễn đàn có sự hỗ trợ kỹ thuật như các đặc điểm sẽ nêu dưới đây, việc quản lý các hội nghị, xúc tiên, nội dung và sự phát triển mang tính chiến lược cần có cho các hội nghị ảo cũng như các hội nghị thực. ngoài ra, các nhà tổ chức cần phải phối hợp các bên tham gia để xây dựng tinh thần và nghi thức hội nghị thích hợp, và để bảo đảm cung cấp hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Quan hệ thực tế. các hội nghị trực tiếp
Đầu tư: vừa phải đến cao bù vào chi phí đi lại thấp hoặc gần như không nhưng khả năng tham gia rộng rãi hơn so với hội nghị thực.
Công nghệ áp dụng thích hợp nhất. dựa vào công nghệ sẵn có đối với các bên tham gia như một chương trình hội nghị trực tiếp truyền qua mạng.
Bảo vệ các bên tham gia có hiệu quả. kết hợp một chiến lược gây dựng sự hiệu biết các bên tham gia tiềm năng, kích thích sự thu hút vào sự kiện, kích thích các bên tham gia vào chú ý tới sự chuẩn bị về mặt hậu cần để làm cho sự kiện cuốn hút và dễ dàng cho mọi người làm theo.

Có một số phương pháp đảm bảo sự hiệu quả như sau:
•   Phát triển một chương trình mạnh, hấp dẫn. sắp xếp những đại biểu chủ đạo, hình thành một nhóm tư vấn, các thành viên cần tham gia vào phát biểu, điều phối hoặc cá nhân trình bày thay mặt cho tổ chức. mô tả sự kiện (thực hoặc ảo) được tổ chức trong thời gian đó về cùng một chủ đề, sau đó yêu cầu các nhà tổ chức đưa ra các bài phát biểu trong hội thảo.
•   Không được để hoạt động hội nghị diễn ra vô tổ chức. Trước khi sự kiện bắt đầu, sắp xếp một người điều phối chủ toạ của hội nghị những diễn giả chính và các cá nhân đưa ra đánh giá dưới góc độ khán giả. Cũng giống như những nhóm thảo luận hạn chế, những người điều phối năng động, những nhà bình luận sắc sảo và nhóm những người tham gia rộng rãi ở các giới khác nhau sẽ rất cần thiết.
•   Cần tạo cảm giác chờ đợi và kỳ vọng hình thành và công bố chương trình nghị sự của hội nghị, vì thế những người tham gia có thể dự đoán được những phần mà họ quan tâm. Cần tổ chức lễ khai mạc và bế mạc một cách nghiêm túc.
•   Cần quảng cáo cho hội nghị một cách đa dạng. Cần viết thông báo và yêu cầu các trang web có liên quan công bố nó. Yêu cầu họ thiết lập một đường dẫn tới trang web của hội nghị (nếu có) gửi đi các thông báo ngắn bằng thư điện tử tới các đại biểu mong đợi, sắp xếp tiệc trà, các chuyến viếng thăm tới văn phòng, các cuộc điện đàm hoặc các cuộc bàn bạc qua mạng trước đó với những diễn giả chính và những người điều phối, khuyến khích hội đồng cố vấn gửi thông báo của hội nghị tới nhân viên, các trang web hoặc các tạp chí của họ.
•   Cần xây dựng một nghi thức đặc biệt cho hội nghị.Yêu cầu các diễn giả đưa ra các bài phát biểu cô đọng và dễ hiểu, vì thế mà những thông tin đưa ra sẽ dễ dàng được các chuyên gia bận rộn thu nhận.Yêu cầu những diễn giả chính hạn chế bài diễn văn của họ trong 1 đến 3 trang giấy những đánh giá về các cuộc tranh luận không nên dài quá 1 trang. Cần hạn chế những đánh giá mang tính ca tụng thay vào đó nên tăng cường những đánh giá thực tế. Khuyến khích người tham gia đưa ra những đánh giá song phương tới những người liên quan chứ không phải là toàn bộ nhóm. Ðưa ra các thông tin liên hệ vào đầu hoặc cuối mỗi bài phát biểu (cho dù là từ một diễn giả, người tranh luận hoặc là người điều phối) bao gồm cả tên của những người có liên quan, tổ chức và địa chỉ email của họ, để khuyến khích một hình thức hoạt động nhóm thường hay xuất hiện trong các hội nghị trực tiếp. Người ta có thể quan tâm tới những thông báo về các dự án hoặc sản phẩm mới,thế nhưng những thông tịn này phải được đưa ra một cách thích hợp hoặc người nghe phải cảm thấy là họ đang là chủ thể đối tượng của thông báo đó.Cần ghi chép lại các bài phát biểu và những tranh luận dưới dạng một công văn trên một trang web để cho sau này nó sẽ được các nhà nghiên cứu và các nhà tổ chức sử dụng.

3. Cách thức cải tiến giao tiếp và dịch vụ khách hàng thông qua thư điện tử và trang web.
Sự thành công lâu dài của bất kỳ doanh nghiệp hoặc tổ chức nào đều được xây dựng trên cơ sở các mối quan hệ. Các chương trình phần mềm cho thư điện tử dựa trên máy tính, các khảo sát, các bản thông tin, các nhóm thảo luận hạn chế và các hội nghị có thể giúp xây dựng những mối quan hệ đó. Ðể có nhiều lợi ích từ những hoạt động này, có thể bạn sẽ phải tiến hành một chương trình gọi là lập dữ liệu về khách hàng chẳng hạn xây dựng dữ liệu về tất cả các khách hàng, gặp gỡ trao đổi với khách hàng từng người một hoặc cả nhóm có cùng chung quan điểm. Bạn cũng có thể cung cấp cho các khách hàng các thông tin cần thiết.

Sau đây là các mách nước để làm tăng khả năng hướng tới các khách hàng của bạn:
•   Chỉ định một người quản lí các mối quan hệ khách hàng thông qua công cụ giao tiếp các dịch vụ khách hàng và việc truyền bá thông tin.
•   Bổ sung địa chỉ email của khách hàng vào hồ sơ dữ liệu của bạn và tạo một listserv có phân nhóm.
•   Phân biệt các khách hàng của mình trên cơ sở nhu cầu của họ.
•   Yêu cầu khách hàng trao đổi với mình bằng cách sử dụng các khảo sát trực tuyến, các listserv và các nhóm tranh luận giới hạn.
•   Xây dựng bản thông tin điện tử hàng tuần hoặc hàng tháng.
•   Tạo một trang web trực tiếp kết nối với mọi trang web của khách hàng.
•   Tổ chức khảo sát điện tử thường kỳ và gửi các kết quả tới các khách hàng.
•   Sử dụng các hội nghị có quay phim như là một phương pháp chi phí thấp để quan hệ với khách hàng.
•   Gửi các công văn báo cáo trực tuyến cùng với các đường dẫn tới các chủ đề có liên quan.
•   Việc sử dụng thư điện tử có thể giúp cải thiện các mối quan hệ và dịch vụ khách hàng ra sao?
•   Thư điện tử là một công cụ giao tiếp được sử dụng rộng rãi nhưng ít người hiểu hết được. Công cụ này có thể gửi đi các thông điệp tức thì, miễn phí và hướng đối tượng tới những khách hàng hiện tại và tiềm năng, tới các nhân viên, giám đốc, nhà cung cấp, đồng nghiệp trong ngành và các chuyên gia trong ngành. Có một số cách để hướng việc giao tiếp tới những nhóm khách hàng khác nhau như sau:
•   Các khách hàng hiện tại gửi các thông tin mới nhất cho khách hàng của mình thông báo về doanh số, sản phẩm mới hoặc về sự phát triển của công ty.
•   Dịch vụ khách hàng chỉ 1 - 2% số người truy cập vào một trang web, trong khi 90% số người đi vào các cửa hàng thực sự sẽ tham gia vào công việc mua bán.Phần lớn sự chênh lệch trong tỷ lệ mua có liên quan đến vấn đề dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Những công ty tham gia vào thương mại điện tử cần tiến hành dịch vụ chăm sóc khách hàng trực tuyến. Một dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt sẽ cung cấp địa chỉ liên hệ với một người thực sự, người này sẽ khắc phục vấn đề có hành động kịp thời và nhanh chóng tới tất cả các yêu cầu và sẽ tiếp diễn tới sau việc mua bán. Những phúc đáp tự động những vấn đề thắc mắc của khách hàng tuyệt đối cần tránh. Theo một khảo sát được Harris Interactive trên 100000 người sử dụng internet đã chỉ ra rằng các trang web của IQVC, Amazon, Land's End, Gab... là những trang web có dịch vụ hỗ trợ khách hàng tốt nhất.
•   Hướng dẫn những khách hàng tiềm năng trực tiếp tới trang web của bạn, vốn dĩ trang này đưa ra những bức ảnh về sản phẩm, hồ sơ dữ liệu và lịch sử của công ty, bảng giá và kế hoạch giao hàng và những thông tin tương tự.
•   Các nhân viên cung cấp cho các nhân viên của mình những thông tin cập nhật về doanh số của toàn bộ công ty, về những khách hàng mới, những đóng góp của nhân viên. những ý tưởng mới; phân phát các bản ghi nhớ các cuộc họp của ban lãnh đạo, các hoạt động của nhân viên.
•   Việc lãnh đạo. Phần lớn các thông điệp điện tử tới thành viên cấp cao (ví dụ những người có hoạt động về tài chính) cũng có thể được gửi tới người khác (trong phòng marketing, phòng sản xuất...) vì thế tất cả những nhân viên cấp cao của công ty đều luôn cập nhật những vấn đề của công ty. Những người này có thể copy thư điện tử của họ.
•   Các nhà cung cấp cần được biết các thông tin mới nhất về nhu cầu gửi hàng và xếp hàng, về các kế hoạch sản xuất.
•   Các đồng nghiệp và chuyên gia trong cùng chuyên môn sẽ hình thành một listserv hạn chế (bạn có thể làm được điều này trên máy tính cá nhân bằng cách nhập địa chỉ email vào hồ sơ hoặc vào một sổ ghi địa chỉ) cần chia sẻ quan điểm về một vấn đề nào đó chuyên ngành và các vấn đề cần quan tâm.
•   Nên nhớ rằng bất kỳ một bản viết tay, đánh máy, fax, phô tô hoặc lưu trữ có thể được phân phối một cách dễ dàng, thuận lợi mà không mất một chi phí nào thông qua internet. ái này bao gồm các sách hướng dẫn, các bản ghi nhớ và các danh sách của nhân viên, những hồ sơ xin việc.
(Theo "Secret of Electronic Commerce" ITC-Vitranet)
[/i]
Title: Re: Vấn đề thanh toán trong thương mại điện tử
Post by: Serenade24 on 08/01/07, 12:43
5. VẤN ĐỀ THANH TOÁN TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Hãy cho tôi xem tiền của anh. Ðây là điều thực sự cần thiết cuối cùng có phải không? Bạn có thể chỉ là một cửa hàng sở hữu một người, vận hành WEB site của mình trong một gara ôtô hoặc một quán cà phê nào đó hay là một tập toàn nhiều tỷ đô la đầu tư hàng triệu đô la vào hệ thống thương mại điện tử. Bạn có thể có một hệ thống phức tạp có khả năng tạo các trang WEB động cho người truy nhập và tích hợp nền với các hệ thống cơ sở dữ liệu cỡ lớn hoặc chỉ đơn thuần là một bản danh danh sách hàng hoá đơn giản trên trang WEB nằm trên máy chủ của một ai đó trên mạng. Bỏ qua mọi yếu tố về cấu hình hệ thống, điểm quan trọng cuối cùng của một hệ thống thương mại điện tử là có một cách nào đó để người mua kích vào phím mua hàng và chấp nhận thanh toán.
Trong thế giới thực, có ba cách thanh toán: Bạn có thể trả tiền mặt, thanh toán bằng séc và sử dụng thẻ tín dụng. Các cơ chế tương tự cũng được sử dụng cho kinh doanh trực tuyến. Bạn có thể nhận số thẻ tín dụng giải mã nó do được mã hoá lúc truyền đi và xử lý đơn đặt hàng bằng tay. Bạn cũng có thể nhận số thẻ tín dụng và xử lý điện tử. Bạn có thể nhận một số thẻ ghi nợ và xử lý nó như một thẻ tín dụng dù người mua có thể coi nó như là một tấm séc. Và cuối cùng bạn có thể nhận tiền mặt. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng hình thức thanh toán trên và bắt đầu bằng hình thức dễ nhất để thực hiện thanh toán trực tuyến là thẻ tín dụng.

1. Thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng đã được xử lý điện tử hàng thập kỷ nay. Chúng được sử dụng đầu tiên trong các nhà hàng và khách sạn sau đó là các cửa hàng bách hoá và cách sử dụng nó đã được giới thiệu trên các chương trình quảng cáo trên truyền hình từ 20 năm nay. Cả một ngành công nghiệp lớn đang tồn tại trong lĩnh vực xử lý các giao dịch thẻ tín dụng trực tuyến với các công ty như First Data Corp., Total System Corp., và National Data Corp., chi tiết hoá các giao dịch phía sau mối quan hệ giữa nhà băng, người bán hàng và người sử dụng thẻ tín dụng. Hàng triệu các cửa hàng bách hoá trên toàn nước Mỹ được trang bị các trạm đầu cuối (Hewlett-Package Verifone là nhà sản xuất hàng đầu của thiết bị này) thông qua đó thể tín dụng được kiểm tra, nhập số thẻ và biên lai được in ra. Người sử dụng ký vào biên lai này để xác thực việc mua hàng.
Trước khi nhận số thẻ tín dụng của người mua qua Internet bạn cần có một chứng nhận người bán. Nếu bạn đã hoạt động kinh doanh thì đơn giản là yêu cầu nhà băng của bạn cung cấp chứng nhận này. Nếu bạn chưa có bất cứ cái gì thì bạn có thể thực hiện việc này nhanh chóng tại một nhà băng nào đó hoặc truy nhập vào một WEB site có các mẫu đăng ký trực tuyến.
Sử dụng thẻ tín dụng trực tuyến ngày hôm nay, tuy nhiên, giống như việc sử dụng chúng với một "operating standing by". Số thẻ và chi tiết của giao dịch được lưu lại và xử lý, nhưng không có sự xuất hiện của người mua và khi có một vụ thanh toán bị lỡ thì nó vẫn được lưu lại trên hệ thống. Bởi lý do này các chi phí xử lý thẻ tín dụng trực tuyến nhiều ngang bằng với chi phí để xử lý một giao dịch chứ không ngang bằng với một mức phí như điện thoại và thông thường là vào khoảng 50 xen. (Các giao dịch được xử lý thông qua các trạm đầu cuối đã được hợp đồng chỉ mất khoảng từ 3 đến 5 xen).
Ngoài các khoản trên, phí được giảm nhờ việc sử dụng các dịch vụ của Visa và MasterCard, là các tổ hợp của các nhà băng, hoặc American Express Co. và Discover là các công ty riêng rẽ xử lý và quản lý các giao dịch thẻ tín dụng. Ðiều đó có nghĩa là bạn sẽ phải trả từ 2 đến 3 xen cho một đô la khi sử dụng Visa hay MasterCard, và ít hơn một chút với Discover, đối với American Express phí này vào khoảng 5 xen cho một đô la. Các thoả ước giữa các công ty cung cấp thẻ và các chủ doanh nghiệp giúp cho khách hàng không phải trả các chi phí này. Việc chiết khấu cũng khác giữa người sử dụng tại trạm đầu cuối nơi mà thẻ tín dụng tồn tại một cách vật lý, và môi trường WEB nơi mà thẻ không hiện diện. Trong quá trình chuyển đổi để chiết khấu người bán được đảm bảo thanh toán. Người mua được đảm bảo về việc sẽ nhận được hàng hoá và một số đảm bảo có giới hạn khác chống lại việc bị lừa hoặc mất thẻ. (Bảo hiểm thẻ được bán bởi các nhà băng phát hành thẻ và các rủi ro sẽ được thanh toán).
Cửa hàng trên WEB của bạn cần phần mềm nào để có thể xử lý thẻ tín dụng? ở mức đơn giản nhất, bạn phải có sẵn một số biểu mẫu có khả năng mã hoá bảo mật, thông thường là Sercure Socket Layer (SSL), một tiêu chuẩn đối với cả các trình duyệt của Microsoft và Netscape, và điều đó cũng có nghĩa là máy chủ của bạn phải có một khoá mã hoá. Tiếp theo bạn phải có một chương trình đóng vai trò là một giỏ mua hàng, cho phép người sử dụng thu thập các mặt hàng cần mua, tính giá và thuế sau đó đưa ra một hoá đơn cuối cùng để phê chuẩn. Cuối cùng nếu như bạn không muốn xử lý các tệp giao dịch bằng tay hoặc xử lý một gói các tệp thì bạn phải cần một cơ chế giao dịch điện tử.

2. Ðịnh danh hay ID số hoá (Digital identificator)
Các khoá mã bảo mật trên máy chủ, được biết đến như là các ID số hoá, được cung cấp bởi một số các cơ quan chứng nhận thẩm quyền, là nơi cấp phép và bảo dưỡng các bản ghi diễn biến trên các ID số hoá này. Tổ chức chứng thực thẩm quyền lớn nhất được điều hành bởi VeriSign Inc., một công ty được thành lập vào năm 1995 chuyên về lĩnh vực quản lý các chứng nhận số hoá. Công ty xử lý các yêu cầu ID số hoá cho các công ty như American Online, Microsoft, Netscape, tuy nhiên bạn cũng có thể trực tiếp có các ID số hoá trên WEB site của công ty. Vào mùa hè năm 1998, VeriSign thu phí 349 USD cho máy chủ ID đầu tiên mà một công ty mua và 249 USD cho thêm mỗi máy chủ ID tiếp theo. Một Máy chủ ID toàn cục - Global Server ID, 128 bit có mức chi phí 695 USD.
Công nghệ nền tảng cho các ID số hoá của VeriSign là SSL được xây dựng đầu tiên bởi RSA Technologies inc., nay là một đơn vị của Sercurity Dynamics. Mỗi thông điệp, được mã hoá bằng hai mã hoặc khoá là một chuỗi các bit làm thay đổi giá trị đã được số hoá các của dữ liệu được đưa vào hay lấy ra khỏi chương trình. Một khoá công cộng được dùng để mã hoá các thông điệp, trong khi khoá riêng thứ hai được dùng để giải mã nó. Tính thống nhất và xác thực của các khoá riêng được đảm bảo bởi một cơ quan chứng nhận thẩm quyền như VeriSign. Một máy chủ ID số hoá cho phép bạn ký vào các văn bản điện tử và chứng thực chữ ký của mình với một cơ quan chứng nhận thẩm quyền.

3. Xe mua hàng điện tử
MercantecỊs SoftCart Version 3.0 là một chương trình có chức năng của một giỏ mua hàng điện tử trực tuyến hiện đang sẵn có trên thị trường. Sau khi một phần mềm như trên được cài đặt trên máy chủ WEB thì bạn chỉ cần đặt một kết nối HTML trên trang WEB mô tả sản phẩm đến vị trí của chương trình này với các biểu mẫu để người mua có thể điền các thông tin về sản phẩm, thay đổi số lượng và chủng loại mặt hàng rồi hoàn thành giao dịch đó và chuyển đến một cơ chế xử lý giao dịch để thực hiện hoàn tất một quá trình mua hàng. Nếu như kho hàng của bạn nằm trong một cơ sỡ dữ liệu thì bàn cần có thêm các kỹ năng cần thiết để viết các hàm gọi đến cơ sở dữ liệu này dưới dạng .dll đối với môi trường Windows hay so đối với môt trường Unix. Nói chung các phần mềm dạng này sẽ cung cấp một số tính năng căn bản sau đây:
§ Liên kết các yêu cầu bán hàng đến một biểu mẫu đặt hàng mà khách hàng có thể truy nhập qua WEB.
§ Hoàn thành biểu mẫu đặt hàng sau khi đã lựa chọn hàng hoá và số lượng, rồi cập nhật thêm các thông tin về thẻ tín dụng.
§ Xử lý các biểu mẫu đặt hàng, thông thường là chuyển đổi các dữ liệu ở đó thành dạng một tệp để xử lý theo gói (sẽ cần thêm một chương trình riêng rẽ nếu như có nhu cầu xử lý các giao dịch một cách trực tuyến).
§ Gửi thư biên lai hoàn chỉnh đến khách hàng qua thư điện tử và kiểm tra xác thực việc mua bán.
§ Hỗ trợ khả năng mềm dẻo trong xử lý đơn đặt hàng sao cho hàng hoá có thể được giao nhanh nhất, việc xử lý có thể được thực hiện bởi bộ phận bán hàng hoặc bất kỳ một người nào đó được uỷ quyền.
Một số chương trinh còn cung cấp thêm các tính năng bổ trợ sau:
§ Có sẵn một cơ chế tìm kiếm cho các sản phẩm trong cơ sở dữ liệu.

§ Hỗ trợ các đối tượng HTML động sao cho giá cả có thể thay đổi nhanh chóng phụ thuộc vào số lượng đặt hàng.
§ Hỗ trợ các biểu mẫu thu thập thông tin bổ trợ như thông tin tìm hiểu về khách hàng, danh sách địa chỉ e-mail của các khách hàng được xắp xếp theo nhóm quan tâm đến một sản phẩm hoặc một dịch vụ mới nào đó.
§ Hỗ trợ EDI cho việc xử lý các đơn đặt hàng điện tử trong môi trường doanh nghiệp-tới-doanh nghiệp (B2B).
Các công việc này được xử lý trong một môi trường an toàn bảo mật (SSL). Phần mềm giỏ mua hàng điện tử được liên kết với một khoá mã bảo mật SSL sao cho tất cả các dữ liệu được truyền giữa máy chủ của bạn và trình duyệt WEB của khách hàng (giả sử là trình duyệt này hỗ trợ bảo mật SSL) được mã hoá bảo mật khỏi những tay rình trộm trên mạng.

4. Các bộ xử lý giao dịch
ICVerify, được sát nhập với CyberCash vào tháng 5 năm 1998, là một trong các doanh nghiệp trong làn sóng mới của thương mại trên Internet. Bộ xử lý giao dịch của nó, là một sản phẩm phần mềm thực hiện tất cả các công việc của một trạm đầu cuối của các cửa hàng bách hoá trong thế giới thực trừ một việc là nó được đặt trên một WEB site. ICVerify có thể chạy trên nền Windows NT và nhiều phiên bản Unix khác nhau hoặc cũng có thể là một thành phần ghép thêm vào các hệ cơ sở dữ liệu Oracle. Sẽ cần thêm một vài kiến thực về ngôn ngữ kịch bản Perl để thực hiện phần mềm này, tuy nhiên nếu bạn đã giao việc tích hợp hệ thống cho một đối tác nào đó thì sẽ không phải lo ngại gì về vấn đề này.
Phần mềm ICVerify thực hiện các công việc mà một trạm tính tiền đầu cuối thực hiện. Nó nhận số thẻ tín dụng của người dùng, số nhận dạng của người bán, các dữ liệu giao dịch (ngày, thời gian, số lượng), tạo lại thành các khuôn dạng chuẩn để xử lý, tao lời gọi đến các hàm có liên quan và hoàn thành các giao dịch. Nó cũng lưu lại các thông tin về thanh toán và mã xác thực, là dãy số được in trên phiếu nhận dạng thanh toán mỗi giao dịch được hoàn thành bởi bộ xử lý (phần mềm cũng có thể xử lý theo gói, có nghĩa là nó thu nhận tất cả các số liệu rồi xử lý vào ban đêm). Các số liệu giao dịch sau đó có thể được chạy trực tiếp thông qua một phần mềm giỏ mua hàng điện tử để xử lý đơn đặt hàng và tính toán các số liệu kế toán.
Phần mềm đóng gói ICVerify có thể được thiết lập để quản lý nhiều cửa hàng khác nhau, và nó còn có thể xử lý các giao dịch tuần hoàn như là với các khoản vay hoặc trả trước định kỳ. Khối xử lý các giao dịch thông thường chỉ chiếm khoảng 3.5 kilobyte bộ nhớ. Phần mềm này cũng bao gồm một số phần cho phép xử lý trong các ngành công nghiệp đặc biệt hoặc xử lý giao dịch của các công ty lớn với các khoản giảm giá theo định mức khác nhau.
Rủi ro nhiều nhất trong việc xử lý thẻ tín dụng bằng điện thoại hoặc thông qua WEB là người sử dụng có thể sử dụng một thẻ tín dụng hoặc số thẻ tín dụng ăn cắp của người khác. ICVerify là một trong số các sản phẩm có thể phần nào chống lại được các trường hợp này bằng việc kiểm tra tính đồng nhất của địa chỉ người mua hàng với địa chỉ được lưu trữ trên máy tính chứa cơ sở dữ liệu về địa chỉ của thẻ tín dụng.

4.1. Cyber Cash
CyberCash được biết đến như một công ty nối tiếng trong lĩnh vực xử lý các giao dịch cho thương mại điện tử. Có trụ sở ở Reston, Virginia, CyberCash cung cấp một hệ thống gọi là CashRegister cho phép các cửa hàng trên WEB có thể cung cấp các phương thức thanh toán sau cho khách hàng:
§ Thanh toán bằng thẻ tín dụng bao gồm các loại thẻ như Visa, MasterCard, American Express, Discover.
§ CyberCoin cho phép người dùng mua các sản phẩm có giá từ 25 xen đến 10 USD.
§ Séc điện tử và khả năng xử lý séc qua Internet.
CashRegister có thể tích hợp với một Website sẵn có và hoạt động trên nền Windows NT hay Unix. Người bán có thể cài đặt phần mềm bằng cách tải xuống miễn phí từ WEB site của CyberCash là www.cybercash.com hoặc có thể kết hợp với các công ty điều hành siêu thị trên Internet, các ISP đã có thoả thuận sử dụng CashRegister. Trong khi phần mềm CashRegister là miễn phí thì những người bán hàng thường bù cho CyberCash khoảng vài xen cho một giao dịch.
CashRegister là một phần mềm thực hiện các chức năng về phía người bán hàng. Ðể sử dụng hệ thống, khách hàng hoặc có thể chỉ sử dụng một trình duyệt WEB mà không cần phải thêm bất kỳ phần mềm hỗ trợ nào để điền vào các biểu mẫu mua hàng trên Internet hoặc họ có thể tải xuống một phần mềm miễn phí của CyberCash gọi là CyberCash Wallet, phần mềm này cho phép họ thiết lập một tài khoản với các thông tin trên thẻ tín dụng của mình, CyberCoins và séc điện tử. CyberCash chào hàng một vài hệ thống thanh toán khác nhau sẽ được xem xét chi tiết dưới đây:

a. Thanh toán bằng thẻ tín dụng
CyberCash Secure Internet Credit Card Service là một phần của CashRegister được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1995. Nó cho phép khách hàng với thẻ tín dụng có thể mua hàng hoặc dịch vụ từ các cửa hàng trên mạng đã cài đặt CyberCash CashRegister. Ðể hoàn tất phần mềm này người bán hàng phải tải xuống một bộ công cụ phần mềm từ WEB site của CyberCash. Việc cài đặt phần mềm yêu cầu một số kiến thức về Perl và HTML, các chi tiết sẽ được chỉ rõ khi tải xuống chương trình từ WEB site.
Qúa trình cài đặt sẽ tích hợp WEB site của bạn với một phần mềm máy chủ CyberCash để xử lý thanh toán.
Sau khi CashRegister được cài đặt người bán hàng phải đăng ký một tài khoản tại một nhà băng nào đó chấp nhận thanh toán thông qua việc xử lý thẻ tín dụng của CyberCash. Hiện tai các nhà băng sau ở Bắc Mỹ hỗ trợ CyberCash:
•   CheckFree Corp.
•   First Data Corp.
•   Global Payment Systems.
•   NOVA Information Systems.
•   Vital Processing Servers.
CyberCash lặp lại các công việc xử lý thẻ tín dụng trong thế giới thực qua Internet. Dưới đây là cách mà môt hệ thống xử lý thẻ tín dụng điển hình thực hiện:
1.   Khách hàng đưa thẻ tín dụng cho ngưòi bán.
2.   Người bán hoặc đôi lúc khách hàng, đưa thẻ vào một máy đọc thẻ.
3.   Thông tin trên dải băng từ của thẻ được truyền đến một bộ xử lý thẻ tín dụng để xác thực.
4.   Thông tín trên thẻ được so sánh với một tập hợp các nguyên tắc đã được định nghĩa trước bởi người phát hành thẻ cho khách hàng (ví dụ như Visa) như hạn mức tín dụng và ngày hết hạn.
5.   Sau khi qúa trình xác minh được chấp nhận, hệ thống sẽ gửi lại cho người bán một mã xác thực.
6.   Người bán sử dụng mã xác thực này trên phiếu thanh toán.

CyberCash tự động hoá quá trình xử lý này thông qua phần mềm của họ và mối quan hệ với các nhà băng khác và các mạng xác thực thẻ tín dụng. Sau khi khách hàng trên WEB nhập số thẻ tín dụng vào phần mềm CashRegister, thông qua CyberCash Wallet hoặc chỉ đơn giản là nhập nó vào một biểu mẫu trên trang WEB thì CashRegister sẽ định dạng giao dịch vào và chuyển nó qua Internet tới các trung tâm xử lý xác thực. Sau khi quá trình xác thực được chấp nhận thì nó sẽ được gửi lại CashRegister để đảm bảo chấp nhận quá trình mua bán này cho khách hàng. Toàn bộ quá trình này mất khoảng 15 giây. CashRegister chạy trên rất nhiều môi trường khác nhau bao gồm Solaris, SUNOS, SGI, HP-UX, BSDI, Windows, Linux và Macintosh.

b. Internet Wallet
Trong khi khách hàng mua hàng tại các cửa hàng cài đặt CyberCash không phải cần thêm bất cứ phần mềm nào ngoài trình duyệt WEB thông qua việc nhập các thông tin của thẻ tín dụng vào một biểu mẫu có sẵn trên trang WEB thì họ cũng có thể tự thiết lập "một chiếc ví điện tử" cho phép mình có thể có nhiều lựa chọn thanh toán khác nhau. CyberCassh Internet Wallet có thể được cài đặt trên máy của khách hàng và cung cấp các phương thức thanh toán cũng giống như của CashRegister:
•   Thanh toán bằng thẻ tín dụng.
•   Thanh toán bằng CyberCoin.
•   Thanh toán bằng séc điện tử.
Ðể có chương trình Internet Wallet, khách hàng có thể tải xuống miễn phí từ WEB site của CyberCash là www.cybercash.com . Rất nhiều các cửa hàng trên WEB sử dụng các phần mềm của CyberCash cũng cho phép khách hàng tải xuống phần mềm này từ chính WEB site của họ và CyberCash sẽ giúp đỡ người dùng cách cài đặt chương trình này.
Trong quá trình cài đặt chương trình, người sử dụng thiết lập một Wallet ID, là một cách để người bán hàng có thể nhận dạng được người mua, đây cũng là một cách giống như số PIN trên thẻ ghi nợ. Ngoài ra người bán cũng cần phải có một ID để người mua có thể nhận ra họ.
Trong lúc thiết lập Wallet người dùng sẽ tải xuống một chương trình được gọi là CyberCoin bằng việc rút tiền từ nhà băng qua Internet cũng giống bạn làm việc đó với một máy rút tiền tự động -ATM. Ðể xử lý thẻ tín dụng, chương trình sẽ chuyển số tiền đi từ tài khoản thẻ tín dụng và xử lý nó như một giao dịch thông thường, chứ không phải là một khoản tiền trả trước thường bị tính phí. Sau khi Wallet được cài đặt xong, khách hàng có thể bắt đầu việc mua hàng từ các cửa hàng chấp nhận các phương thức thanh toán CyberCash.
CyberCoin được xử dụng cho các khoản thanh toán rất nhỏ hoặc các khoản lặt vặt từ 25 xen đến 10 USD. Rất nhiều các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán qua WEB nhu các bài báo hay một bức ảnh chỉ có mức giá thấp và ít tăng đến nỗi khách hàng không muốn sử dụng thẻ tín dụng do sẽ bị tính phí, đối với các mặt hàng có trị giá cao hơn thì khách hàng hay sử dụng thẻ tín dụng hơn là CyberCoin. Ðâu là điều khác nhau giữa một người sử dụng Wallet và một người không sử dụng Wallet, đó là việc xử lý thanh toán sẽ thuận tiện hơn và người sử dụng Wallet sẽ có một số lợi điểm hơn như việc các phần mềm Wallet và CashRegister sẽ lưu lại một bản ghi giao dịch và nó sẽ xuất hiện trên bản kê tiếp theo của thẻ tín dụng giúp khách hàng dễ theo dõi hơn các giao dịch của mình.

c. DigiCash
DigiCash có trụ sở tại Amsterdam là một công ty cung cấp các phương thức thanh toán an toàn và bảo mật, người tiên phong của ecash-tiền mặt điện tử được sử dụng qua Internet. Dựa trên công nghệ mã hoá khoá công cộng, cho phép người sử dụng và nhà băng trao đổi chữ ký điện tử với nhau để kiểm tra nhận dạng, ecash cho phép khách hàng tải về máy tính PC của họ tiền số hoá từ tài khoản ngân hàng để thực hiện việc mua hàng điện tử.
DigiCash môt tả ecash "như là sử dụng một máy rút tiền tự động ảo". Khi người sử dụng kết nối qua Internet vào một nhà băng tham gia vào chương trình ecash, họ sẽ tải xuống các "đồng xu điện tử" về đĩa cứng trên máy tính của mình. Sau khi thực hiện việc đặt hàng từ một cửa hàng trên WEB cũng tham gia vào chương trình ecash, khách hàng sẽ chuyển các "đồng xu điện tử" này từ trình duyệt WEB trên máy PC của mình về máy chủ của người bán hàng.
Phần mềm cho người sử dụng là khách hàng được gọi là purse-ví tiền, có giao diện đồ hoạ và chạy trên môi trưòng Windows 3.1 và các phiên bản tiếp sau. Người bán hàng tham gia vào chương trình ecash sẽ cần một phần mềm được cung cấp bởi DigiCash, có nhiều phiên bản từ xử lý từ các giao dịch đơn giản đến cả một hệ thống kế toán phức tạp bao gồm cả các chức năng như điều khiển kho hàng.
Các nhà băng và công ty lớn tham gia vào chương trình ecash có thể kể đến bao gồm: Deutsche Bank, Germany; Bank Austria, Austria; Den Norske Bank, Norway; Advance Bank,
Australia; Nomura Reaserch Instritute, Japan; Mark Twain Bank, USA; và Eunet, Finland.

4.2. Giải pháp Millicent của Digital Equipment
Millicent là một công nghệ vi giao dịch được phát kiến bởi Digital Equipment Corp vào năm 1997. Hệ thống này có thể xử lý các giao dịch nhỏ đến một phần mười xen. Ðây là một hệ thống sử dụng các thủ tục được gọi là "brokers" để tập hợp các giao dịch nhỏ thành một lượng lớn đủ để xử lý và hình thành một "scrip-chứng khoán tạm thời" bao gồm một thông điệp xác định rằng thông điệp này có một giá trị riêng. Những người mua được quyền mua các chứng khoán tạm thời này sẽ xác định giá trị của nó.
Do các chứng khoán tạm thời này chỉ có giá trị kinh tế đối với người tạo ra nó nên không cần một giao dịch an toàn cho các chứng khoán tạm thời này. Người bán hàng phát hành các chứng khoán tạm thời này sẽ bảo vệ nó bằng việc sử dụng một mã khoá bảo mật trong phần tóm tắt của thông điệp.
Chủ tịch Robert Palmer của Digital mô tả Millicent là một phương thức tuyệt hảo cho các trò chơi video thanh toán theo nhu cầu sử dụng hoặc các bài báo chỉ bao gồm các ký tự và các người bán chứng khoán riêng lẻ. Millicent được giới thiệu vào đầu năm 1998.

a. Séc
Có hai cách để WEB site của bạn có thể nhận séc. Bạn có thể xây dựng các tờ séc ảo hoặc nhận thanh toán từ các thẻ ghi nợ liên kết với các tài khoản séc.
Thẻ ghi nợ cũng giống như thẻ tín dụng, chỉ khác là nó không trực tiếp truy nhập tới tài khoản séc của khách hàng. Nó là hậu duệ của thẻ ATM đã phổ biến từ đầu những năm 1980 được sử dụng để rút tiền từ các máy rút tiền của nhà băng và vẫn còn được sử dụng tới nay.
Ðiều thay đổi hiện nay các giao dịch của chúng đã được xử lý bình thường qua các mạng thẻ tín dụng của nhà băng. Giờ đây hầu hết các thẻ này đều có biểu tượng của Visa hoặc MasterCard. Ðiều đó có nghĩ là bạn có thể xử lý các giao dịch thẻ ghi nợ hết như là xử lý các giao dịch thẻ tín dụng, nhưng do tiền được chuyển tới trực tiếp từ tài khoản séc của người sử dụng nên chiết khấu sẽ thấp hơn.

b. Redi-Check
Redi-Check Inc. là một công ty chuyên xử lý các giao dịch ở Salt Lake City, Utah, cho ra đời một sản phẩm gọi là Internet Transaction Gateway, theo công bố là một phần mềm cho phép các cửa hàng trên WEB tiếp nhận séc trực tuyến. Redi-Check cũng chào hàng các dịch vụ bảo đám séc kể từ khi thành lập và mở rộng các dịch vụ này lên Internet kể từ tháng 3 năm 1997. Người bán có thể nhận được các dịch vụ xử lý, bảo vệ hoặc bảo đảm trên các tấm séc được tạo thành trực tuyến.
Ðể chào hàng dịch vụ này Redi-Check sử dụng các số ABA được in trên tấm séc giấy ở góc dưới bên trái của tờ séc. Số nhận dạng này sẽ được kiểm tra với hệ thống Federal Reserve để kiểm tra nhận dạng về nhà băng và khách hàng. Khi khách hàng viết một tấm séc trên máy chủ của người bán, số này sẽ được chuyển trực tiếp đến máy chủ của Redi-Check sau đó được kiểm tra với một danh sách mã bảo đảm của Federal Reserve. Redi-Check sau đó có thể xử lý giao dịch này như đối với một thẻ ghi nợ. Sau khi quá trình này hoàn thành cả người mua và người bán đều nhận được một bức thư điện tử để kiểm chứng giao dịch này.
Có ba mức bảo vệ được Redi-Check chào hàng. Trong quá trình xử lý số của nhà băng chỉ được kiểm tra thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu của Federal Reserve. Ðể bảo vệ cho những người bán có thể nhận được tấm séc này số tài khoản của người mua sẽ được so sánh với một danh sách các tấm séc hỏng và các tài khoản đã đóng. Một tấm séc đảm bảo giống như tên của nó mang ý nghĩa, người bán sẽ đảm bảo nhận được tiền thanh toán và cho phép họ có thể giao hàng ngay lập tức. Mỗi mức của dịch vụ sẽ đòi hỏi thêm một quá trình xử lý và sẽ tốn thêm các khoản chi phí.
Hệ thống của Redi-Check không chỉ giảm các chi phí cho hoạt động của người bán, nó còn có thể được dễ dàng cài đặt trên máy chủ WEB của bạn với một vài đoạn mã HTML và liên kết biểu mẫu đặt hàng của bạn với máy chủ Redi-Cash.
Vào năm 1998, Redi-Check cung cấp dịch vụ này cho các cửa hàng trên WEB với mức giá 249 USD và giảm giá 2% cho tất cả các giao dịch với điều kiện tối thiểu giao dịch đó có trị giá 25 USD. Dịch vụ bảo vệ séc cần thêm 15 USD nữa cho phí cài đặt và có giảm giá từ 0.02% cho đến 0.18% phụ thuộc vào độ lớn của số tiền trên séc. Dịch vụ séc bảo đảm có mức giá giống như bảo hiểm, với chi phí thêm trong khi thiết lập ban đầu là 50 USD và giảm giá 1.5% cho 500 USD giao dịch đầu tiên, 1.5% cho các giao dịch tiếp theo trong khoảng từ 500 USD đến 2,500 USD và tối đa là các séc có trị giá 2,500 USD. Tuy nhiên các dịch vụ bảo vệ và bảo đảm được sử dụng độc lập với nhau.
Title: Re: Giới thiệu một số giải pháp thương mại điện tử điển hình
Post by: Serenade24 on 08/01/07, 12:47
6. GIỚI THIỆU MỘT SỐ GIẢI PHÁP THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐIỂN HÌNH

6.1. Giải pháp thương mại điện tử của Microsoft Corp

Vào tháng 4 năm 1998 Microsoft Corp. cho ra đời phiên bản Microsoft WEB site Server 3.0 Commerce Edition một sản phẩm dùng cho thương mại điện tử nhằm vào các doanh nghiệp vừa và lớn quan tâm đến việc xây dựng các WEB site thương mại điện tử cho cả hai môt hình doanh nghiệp-tới-người dùng (B2C) và doanh nghiệp-tới-doanh nghiệp (B2B). Các khách hàng sử dụng Microsoft WEB site Server 3.0 Commerce Edition có thể kể đến bao gồm Office Depot, BarnesandNoble.com, 1-800-FLOWERS, Eddie Bauer, Tower Records và nhiều công ty thành công khác trong lĩnh vực thương mại điện tử. Phần mềm này có mức giá 4,609 USD cho một máy chủ với bản quyền truy nhập cho 25 người dùng hoặc 5,599 USD cho một máy chủ và bản quyền truy nhập cho 50 người.
"Kinh doanh trực tuyến không đơn thuần chỉ là việc nhận các giao dịch trên WEB", Gytis Barzdukas, giám đốc sản phẩm của bộ phận tiếp thị Internet tại Microsoft giải thích về chiến lược thương mại điện tử của Microsoft, "cần phải tự động hoá toàn bộ qúa trình kinh doanh trong thực tế từ bộ phận lãnh đạo, nghiên cứu thị trường và quảng cáo cho đến các đối tác kinh doanh".
Microsoft WEB site Server 3.0 Commerce Edition bao gồm ba phần chính sau:

1.   Tiến hành-Engage: Thành phần này giúp cho các doanh nghiệp tạo dựng các WEB site thương mại điện tử, tiến hành các công việc tiếp thị và quảng cáo trên WEB site cũng như tạo các trang WEB động phù hợp với sở thích của mỗi cá nhân khi truy nhập vào WEB site này. Các đặc tính của phần này bao gồm:
•   Ad Server, công cụ thực hiện các quảng cáo trực tuyến.
•   Intelligent CrossSell, tự động thực hiện các chương trình khuyến mại riêng biệt hoặc đan chéo.
•   Buy Now, công cụ tiếp thị trực tiếp cho phép các công ty trình bày thông tin sản phẩm và các mẫu đơn đặt hàng trên WEB cũng như thu thập các thông tín của khách hàng trong các pano quảng cáo hoặc dưới các khuôn dạng trực tuyến khác.
•   WEB site Server Personalization and Membership, công cụ cho phép tự động tạo ra các kịch bản của Active Server Page (một dạng ngôn ngữ kịch bản lập trình của Microssoft sử dụng trên WEB).
•   Database and Database Schema Independence, kết nối với các hệ cơ sở dữ liệu và kiến trúc cơ sở dữ liệu độc lập.
•   WEB site Foundation Wizard, cho phép người quản trị hệ thống tạo dựng các cấu trúc nền tảng của WEB site bao gồm cả thư mục ảo và thư mục vật lý.
•   WEB site Builder Wizard, cho phép các chủ cửa hàng trên mạng tạo các cửa hàng riêng biệt hoặc cửa hàng với nhiều cấp khác nhau.
•   Commerce Sample WEB sites, năm cửa hàng mẫu sẵn có được xây dựng bằng Active Server Pages giúp cho người sử dụng có được một ví dụ hoàn chỉnh về một hệ thống thương mại điện tử ở nhiều mức.
•   Integration with Microsoft Visual InterDev, một hệ thống phát triển tích hợp cho phép xây dựng các ứng dụng WEB động.
•   Content Deployment, cho phép người quản trị WEB site tách rời các phần đang phát triển với các phần sẵn có và đang hoạt động của WEB site.
•   Pipeline Configuration Editor, một công cụ soạn thảo cho phép người quản trị sửa đổi các quá trình đặt hàng hoặc các đường kết nối chuyển đổi thông tin thương mại.
•   Commerce Server Software Development Kit (SDK), công cụ để xây dựng các thành phần của một quá trình xử lý đơn đặt hàng.
•   Microsoft Wallet Software Development Kit (SDK), công cụ cho các nhà phát triển thứ ba mở rộng hệ thống thanh toán của Microsoft với các kiểu thanh toán của họ.
•   Migration and Comptibility from Commerce Server 2.0, khả năng nâng cấp và tương thích ngược với các ứng dụng từ phiên bản 2.0 trước đó.

2.   Giao dịch-Transact: Cho phép người quản lý hệ thống kiểm soát các giao dịch tài chính trực tuyến với các khả năng bảo mật, tiếp nhận các đơn đặt hàng nhiều mức, quản lý và định hướng các giao dịch. Các đặc tính của thành phần này bao gồm:
•   Corporate Purchasing Support, gồm các tính năng kiểm tra quyền truy nhập hệ thống của nhân viên, các lưu đồ và đánh dấu phê chuẩn một quá trình mua hàng của công ty, sơ đồ lưu trữ thông tin về các sản phẩm cần mua, hỗ trợ các đơn mua hàng có nhiều khuôn dạng đầu ra cần xử lý khác nhau.
•   Commerce Interchange Pipeline, một hệ thống cho phép trao đổi thông tin với các hệ thống thông tin kinh doanh có cấu trúc sử dụng Internet hoặc các hệ thống EDI sẵn có.
•   Order Processing Pipeline, một hệ thống các bước xử lý đơn đặt hàng tương ứng theo các quy tắc kinh doanh khác nhau.
•   Windows NT Integration, tích hợp với Windows NT.
•   Windows NT Security Support, hỗ trợ các cơ chế bảo mật của Windows NT.
•   Integration with Microsoft Internet Information Server 4.0, tích hợp với Microsoft Internet Information Server 4.0.
•   Integration with Microsoft Transaction Server, tích hợp với Microsoft Transaction Server.
•   Microsoft Wallet Integration, tích hợp với Microsoft Wallet.

3.   Phân tích-Analyze: Giúp các công ty đánh giá được các giao dịch mua bán của khách hàng và bạn hàng, các mức sử dụng dữ liệu để có thể đưa ra được các quyết định thay đổi nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình kinh doanh điện tử. Các đặc tính của thành phần này bao gồm:
•   Analysis, phân tích chi tiết các giao dịch mua bán và tần số truy nhập của WEB site
•   Purchase and Order Hístory, lưu trữ các thông tin về các lần mua hàng của khách hàng trong qúa khứ.
•   WEB site Server Administrator, cung cấp một công cụ quản lý tập trung cho tất cả các chức năng của hệ thống.
•   Promotion and Cross Sell Manager, hỗ trợ cho giám đốc tiếp thị thực hiện các chương trình khuyến mại cho một sản phẩm hoặc đan chéo nhiều sản phẩm.
•   Order Manager, quản lý toàn bộ các dữ liệu bán hàng theo tháng, năm, sản phẩm, chủng loại hoặc toàn bộ các sản phẩm.v.v..
"Thương mại điện tử không phải là một giải pháp đơn giản", Barzdukas nhấn mạnh, "Có rất nhiều điều phức tạp xuất hiện, rất nhiều mối tương tác xảy ra với nhiều đối tác khác nhau, nhiều công nghệ khác nhau. Hệ thống sẽ phải giải quyết hàng nghìn mối liên hệ khác nhau giữa rất nhiều các công ty khác nhau và các hệ thống khác nhau". Ðiều mà Barzdukas muốn nói tới là các vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu sản phẩm, xử lý thanh toán, tính toán thuế, và cơ sở dữ liệu về khách hàng. Ðiều mà Microsoft muốn làm theo Barzdukas nói là "Biến WEB site Server thành một nền tảng cho các công việc kinh doanh, phát triển thương mại điện tử, mở rộng , tích hợp và cảI tiến các công việc kinh doanh mà công ty đang thực hiện".
Giải pháp của Microsoft là một hệ thống mở và có khả năng mở rộng kết nối với các hệ thống khác cung cấp các chức năng phức tạp hơn như xử lý thanh toán của CyberCash hoặc xử lý các giao dịch nền của các công ty như Open Market Inc. .
Title: Re: Giới thiệu một số giải pháp thương mại điện tử điển hình
Post by: Serenade24 on 08/01/07, 12:49
6.2. Giải pháp thương mại điện tử của IBM

Chiến lược thương mại điện tử của IBM được gọi là e-business, nó bao gồm cả phần cứng và phần mềm cho an toàn trên mạng thông qua xử lý giao dịch. Ðối với thương mại trên WEB, IBM có sản phẩm được gọi là Net.Commerce một phần mềm chạy trên máy chủ cho cả hai ứng dụng doanh nghiệp-tới-doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp-tới-người dùng (B2C). Giá khởi đầu của Net.Commerce là 4,999 USD, dành cho các doanh nghiệp hoặc chủ kinh doanh muốn thiết lập một cửa hàng trực tuyến riêng của họ hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Ngoài ra nếu các công ty có nhu cầu mở rộng các ứng dụng của Net.Commerce thì họ có thể nâng cấp lên phiên bản hỗ trợ nhiều vi xử lý và phải chi thêm một khoản tiền nhất định. Net.Commerce là một phần mềm mà trên đó các giải pháp về thương mại điện tử của IBM được thực hiện. "Chúng tôi tập trung toàn bộ vào khả năng nâng cấp của hệ thống và tích hợp với các hệ thống cơ sở dữ liệu cỡ lớn", Tom Patterson, giám đốc về chiến lược thương mại điện tử của IBM cho biết.
Các khách hàng lớn của IBM sử dụng giải pháp Net.Commerce có thể kể đến bao gồm, Borders Books and Music với doanh số 1 tỷ USD một năm dùng giải pháp Net.Commerce để thiết lập một cửa hàng trực tuyến trên WEB. Aero-Marine Products, nhà sản xuất có doanh thu 5 tỷ USD một năm, có kế hoạch giới thiệu 80,000 linh kiện điện tử của mình trên mạng. Net.Commerce bao gồm các tính năng sau:
•   SET Support: Hỗ trợ chuẩn công nghiệp cho Giao dịch Ðiện tử An toàn-Secure Electronic Transactions (SET), được phát triển bởi một tổ hợp các công ty bao gồm MasterCard, Visa, IBM, Netscape, VeriSign
•   Intelligent Catalog Technology: Cung cấp một "trợ giúp bán hàng ảo" cho việc xem xét và thu nhận các thông tin về sản phẩm trên WEB.
•   ODBC support: Cho phép người quản lý sử dụng hệ thống với các hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu cớ lớn như Oracle, Sybase, Informix...
•   Support for Netscape Enterprise Web Servers: Cho phép các công ty mở rộng các WEB site đạng chạy trên nền Netscape Server với các tính năng được thiết lập cho một cửa hàng điện tử trên mạng.
Ngoài ra IBM còn kết hợp với các công ty khác như Taxware International, First Virtual Holding để cung cấp cho khách hàng các các ứng dụng như tính thuế, xử lý thanh toán và các chức năng khác mà IBM không cung cấp. Ðiểm mạnh của Net.Commerce là khả năng tích hợp nền với các hệ thống cơ sở dữ liệu như Oracle , Informix đồng thời cho phép tạo dựng một cách mềm dẻo các gian hàng trên WEb với khả năng tìm kiếm thông minh cho một số lượng sản phẩm lên đến hàng chục nghìn và hoàn toàn tương thích với SET.
Title: KỸ NĂNG MARKETING TRỰC TUYẾN
Post by: Serenade24 on 26/01/07, 13:47
7. KỸ NĂNG MARKETING TRỰC TUYẾN

1. Cách thức thu hút khách hàng đến trang Web của bạn

Quảng cáo sản phẩm và dịch vụ trên mạng được xem là một phương thức marketing hướng đối tượng thích hợp. Nó có khuynh hướng kích thích sự quan tâm của người mua hàng tới sản phẩm trên trang web của bạn. Chính vì thế, quảng cáo trên mạng có thể có hiệu quả hơn nhiều so với quảng cáo đại trà trên ti vi, báo chí hoặc các phương tiện thư từ khác.
Sau đây là một số nguyên tắc để thu hút sự chú ý của khách hàng đến trang web của bạn :
   Sử dụng các công cụ tìm kiếm đa chức năng.
•   Cung cấp cho khách hàng các địa chỉ website mới của bạn, cho phép họ truy cập vào trang web của bạn một cách thường xuyên.
•   Công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về website của mình
•   Thiết lập các đường dẫn tới các website tương thích với website của bạn, chẳng hạn những website về cùng một thị trường định hướng giống như bạn và không cạnh tranh với website của bạn .
•   Viết các bài báo, bài bình luận, những trang web mà ngành của bạn thường hay quan tâm .
•   In địa chỉ web, E-mail trên các đồ văn phòng phẩm và các cardvisit của công ty.
•   Quảng cáo trang web trên các phương tiện thông tin ở địa phương.
•   In địa chỉ trang web trong cuốn những trang vàng địa chỉ Internet.
•   Thông báo cho những người đại diện bán hàng về website mới.
•   Ðưa ra các mức giảm giá cho những người mua hàng trực tuyến.
•   Gửi các bưu ảnh hài hước về trang web của mình.
Như những nguyên tắc trên đã chỉ ra, bạn nên quảng cáo website của mình thông qua các hình thức quảng cáo truyền thống và thông qua hình thức quảng cáo sử dụng các kết nối tương hỗ. Nếu khách hàng quan tâm đến nhưng thông tin của bạn, họ sẽ đánh dấu địa chỉ và truy cập vào lần sau.

2. Những nhân tố giúp cho việc bán các sản phẩm, dịch vụ có hiệu quả trên mạng.[/b]•   

Sử dụng những hình thức đặc biệt để mô tả sản phẩm và dịch vụ. Nếu có thể mô tả sản phẩm và dịch vụ của mình bằng các hình thức đặc biệt, thì nên áp dụng hình thức đó trên mạng bởi vì tìm kiếm trên mạng dễ dàng hơn nhiều nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện tìm kiếm đặc biệt. Bạn cũng có thể quảng cáo cho sản phẩm và dịch vụ bằng sự kết hợp của nhiều hình thức khác nhau mà khách hàng có thể sẽ áp dụng khi tìm kiếm các loại sản phẩm của mình với điều kiện là những hình thức đó sẽ xuất hiện thường trực trên các trang web mà bạn yêu cầu những phương tiện tìm kiếm đó liệt kê lên.
•   Sử dụng chính sách định giá cạnh tranh. Nơi nào trên Internet hỗ trợ khách hàng so sánh giá của những mặt hàng cùng loại thì những mặt hàng có giá thấp nhất sẽ bán chạy nhất. Ðồng thời đối với hầu hết các sản phẩm, những mức giá trực tuyến có thể sẽ phải thấp hơn giá trên các cửa hàng nhằm tạo nên một sự ưu đãi để tạo sự tin tưởng của khách hàng đối với các nhà bán lẻ trên mạng, một phần do thiếu đi sự gặp gỡ giữa các cá nhân trong các giao dịch, và để bù lại việc khách hàng không thể mang hàng về cho mình.
•   Yếu tố hữu hình: Khách hàng vẫn muốn cầm nắm, xem xét, nếm, thử hoặc nói chuyện với một ai đó trước khi mua hàng. Người bán nên cung cấp các sản phẩm của mình cho các cửa hàng bán lẻ hoặc dự trữ các sản phẩm đó ở những nơi mà khách hàng có thể đến để cận mục sở thị trước khi quay lại mạng để tiến hành mua bán.
•   Sự đồng nhất của các mặt hàng. Các mặt hàng sản xuất hàng loạt thường dễ bán hơn so với các mặt hàng thủ công hoặc sản xuất theo phương pháp truyền thống. Những mặt hàng sản xuất hàng loạt thường có sự nhất quán hơn về các đặc điểm của mình, có chi phí sản xuất dễ tính hơn, và được nhiều người biết hơn.
•   Những yêu cầu gián tiếp. Khách hàng sẽ có khuynh hướng mua các mặt hàng chưa có nhu cầu hiện tại trên mạng hơn là các mặt hàng để sử dụng ngay. Những nhà sản xuất có khả năng lập các kế hoạch sản xuất định trước, các kế hoạch xếp hàng và giao hàng sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc sử dụng Internet để xúc tiến bán hàng.
•   Sự hiểu biết của khách hàng về sản phẩm. Người ta cho rằng thương mại trực tuyến giữa các doanh nghiệp (B2B) sẽ tăng nhanh hơn thương mại trực tuyến giữa doanh nghiệp và khách hàng (B2C) (Trừ trường hợp đối với các công ty lớn như Amadon, Auto Bytel , CD Now And Dell). Lý do là không giống như phần lớn các khách hàng, các doanh nghiệp không lạ gì những đặc điểm của mặt hàng mà họ cần và vì thế cảm thấy thoả mái hơn trong việc đặt hàng trên mạng.
•   Các mặt hàng được mua bán thường xuyên. Những mặt hàng được tiêu chuẩn hoá được mua bán thường xuyên (đồ gia dụng, quần áo trẻ em, đồ văn phòng phẩmv.v...) thường quen thuộc với khách hàng và vì thế dễ dàng đặt hàng trên mạng hơn. Những giao dịch này sẽ tiết kiệm thời gian và tránh cho họ thoát khỏi sự nhàm chán khi mua bán.


3. Những dịch vụ có thể triển khai được trên mạng.
Những dịch vụ sau đây là những dịch vụ có thể triển khai thành công trên mạng.
•   Kế toán
•   Quảng cáo
•   Giáo dục đào tạo mang tính thương mại
•   Các phần mềm và dịch vụ máy tính
•   Môi giới hải quan
•   Các dịch vụ tài chính, y tế, chăm sóc sức khoẻ từ xa
•   Bảo hiểm
•   Nghiên cứu thị trường.
•   Tìm kiếm lao động
•   Thông tin và truyền thông
•   Các dịch vụ lữ hành
•   Dịch thuật
•   Thiết kế và bảo trì trang web
•   Tư vấn quản lý
•   Giáo dục
•   Dịch vụ in ấn và đồ hoạ
•   Các dịch vụ đấu giá
•   Các dịch vụ viết thuê

Chỉ cần đảo qua một số trang web tìm kiếm chủ yếu như Yahoo (www.yahoo.com) hoặc là Google (www.google.com) có thể thống kê ra một loạt các dịch vụ thuộc mọi thể loại khác nhau đang được cung cấp trên mạng.
Sự thành công của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng cũng phụ thuộc vào các yếu tố thông thường; chẳng hạn mức độ sản phẩm đó đáp ứng nhu cầu thị trường như thế nào. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ lại có duyên với Internet bởi vì các sản phẩm của họ có khuynh hướng được xử lý bằng kỹ thuật số. Phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ hoạt động thu thập, lưu trữ, điều khiển và truyền bá thông tin .
Các thông tin được số hoá có thể dễ dàng thu thập và truyền tải ở mức chi phí thấp hơn thông qua Internet so với các phương tiện khác.Các dịch vụ viễn thông cũng thu hút được rất nhiều khách hàng thông qua Internet. Tiếng nói thông qua các nhà cung cấp cổng Internet sử dụng công nghệ IP để truyền tiếng nói điện thoại thông qua các kênh dữ liệu là một lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh nhất khắp nơi trên thế giới.

4. Những sản phẩm mà khách hàng có thể tìm mua trên mạng .
Nghiên cứu của Forester Research 1998 đã chia thị trường bán lẻ trực tuyến thành 3 loại mua bán: Hàng hoá tiện dụng, hàng hoá và dịch vụ nghiên cứu bổ sung và hàng hoá thông thường. Những hàng hoá tiện dụng được mua bán như là sách, âm nhạc, quần áo và hoa . Người ta dự tính là sự đa dạng của hàng hoá tăng lên, sự xuất hiện của dịch vụ gửi hàng và sự xúc tiến bán lẻ rộng rãi sẽ làm tăng sự thông dụng của việc buôn bán hàng hoá này trên mạng. Những hàng hoá bổ sung được mua bán phổ biến hơn, chẳng hạn như hàng tạp hoá, hàng cá nhân, những mặt hàng này tuy có giá thành trung bình nhưng lại là thiết yếu do trở ngại từ việc thiếu một hệ thống phân phối khả dĩ và sự bắt nhịp chậm chạp về thương mại điện tử của khách hàng. Cho nên người ta đánh giá thị trường này chủ yếu phát triển trong một số lĩnh vực nhất định như hàng đặc dụng, hàng dược phẩm. Chi phí của hàng hoá và dịch vụ liên quan đến nghiên cứu cao hơn nhiều so với hai chủng loại hàng hoá trên và là những mua bán được sắp đặt trước theo khuynh hướng thông tin; Loại này bao gồm vé máy bay, máy tính , ô tô. Việc cung cấp các nguồn thông tin trực tuyến và doanh số của loại này sẽ có xu hướng tăng lên đáng kể.

Những sản phẩm mà khách hàng có thể mua qua mạng .
•   Các sản phẩm máy tính.
•   Sách
•   Ðĩa CD
•   Ðồ điện tử
•   Các tour du lịch
•   Phim ảnh
•   Các tạp chí thường kỳ v.v...

Người ra dự tính rằng các lĩnh vực tăng trưởng chính trong thương mại điện tử sẽ là truyền thông toàn cầu và các ngành công nghiệp giải trí, du lịch (bao gồm khách sạn và hàng không), các dịch vụ chuyên nghiệp và tài chính, bảo hiểm và bán lẻ. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng những nhân tố thành công của các sản phẩm nhất định bao gồm các yếu tố: thương hiệu mạnh, sản phẩm đặc trưng và chào giá cạnh tranh.
Cần lưu ý rằng chưa có một nghiên cứu hoàn chỉnh nào về khía cạnh tâm lý của khách hàng trên mạng để xác định tại sao một số mảng khách hàng hoặc doanh nghiệp lại mua sản phẩm và dịch vụ này trong khi số khác thì không. Vào tháng 7/1998 trường Ðại học tổng hợp Wayne ở thành phố Chicagô thuộc tiểu bang Michigant đã tiến hành khảo sát 113 công ty, khoảng 87% số đó cho biết rằng họ không mua hàng hoá và dịch vụ trong 6 tháng trước đó. Có vẻ như rằng sự e ngại của khách hàng, ở một mức độ nhỏ hơn là của doanh nghiệp để tìm kiếm và mua hàng hoá và dịch vụ qua mạng đã vượt ra ngoài những lo ngại về vấn đề an ninh, tài chính của các giao dịch. Một nghiên cứu giới hạn đã được tiến hành để tìm ra những nhân tố này. Một câu hỏi khá thú vị là mức độ của việc thay đổi thói quen mua hàng của khách hàng và doanh nghiệp. Có lẽ các doanh nghiệp sẽ dễ dàng thay đổi hơn để cắt giảm chi phí, cải thiện thời gian giao hàng, liên lạc với nhà cung cấp, và đơn giản chỉ là tăng hiêu quả của việc đặt hàng, gửi hàng và giao hàng . Hơn nữa có lẽ hình thức mua bán giữa các doanh nghiệp B2B tăng lên bởi vì nó có đặc điểm khác với những thói quen mua hàng cá nhân truyền thống. Ðiều quan trọng là phải đặt ra câu hỏi có phải do đặc trưng của người mua hàng muốn trực tiếp đi dạo qua các gian hàng, các cửa hiệu, các trung tâm thương mại, các cửa hàng bách hoá hay là họ muốn mua hàng qua mạng để tiết kiệm thời gian cho những hoạt động khác như thể thao, giải trí,v.v...

(Theo "Secret of Electronic Commerce" ITC-Vitranet)