Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: dinosaurs on 27/02/07, 16:07 Return to Full Version

Title: Mười hai - Lưu Thị Lương
Post by: dinosaurs on 27/02/07, 16:07
- CHƯƠNG I -

Sơ kết học kỳ I, lớp xếp hạng thi đua 18/18 của khối. Ngân hỏi lớp trưởng:

- Không biết lớp mình có bị rã ra chia đi mấy lớp khác như hồi đầu năm không?

Lớp trưởng nhăn mặt đau khổ:

- Chắc là không. Rắc rối lắm chớ bộ. Ðổi danh sách tùm lum. Nhưng mà tao ớn tụi nó quá rồi. Ðổi, không chừng tao gặp hên, khỏi làm lớp trưởng. Khỏe ra như con bò kéo xe.

Thy dậm chân một cái bịch, liếc mắt cái xoẹt, cái mồm nhọn hoắt:

- Thôi đi. Ðồ lớp trưởng dã man. Nếu mày xuống làm dân thường như tụi tao, mày cũng quậy tung như cái máy xay sinh tố đang hoạt động.

Lớp trưởng cười mỉm, mắt nhìn xuống - đã thành tật (nên tụi Lâm, Hải, Tuấn Anh coi như "chẳng là gì").

- Nhưng mà Thy đâu có quậy.

- Biết rồi. Thì nói chung vậy mà. Chứ tính ra lớp mình nhiều đứa hiền, ngoan lắm chớ bộ. Ðứa nào cũng lo học chết cha. Phụng nè, Thy nè, Thư nè...

- Mấy đứa mới chuyển từ lớp khác qua nữa.

- Xì ! Giờ này còn mới gì nữa. Cũng chỉ được có thằng Khoa dê, Minh Phương.

Ngân nhổm người trên ghế:

- Khoa dê tức là... dê đó hả?

Thy lại liếc một cái nặng hơn hồi nãy:

- Nghe tới Khoa là nhảy cà tưng lên liền. Cho mày biết. Nó gặp tao là tìm cách nắm tay, kéo áo hay đứng sát vô người. Như vậy, không kêu là dê sao được.

Giọng Ngân vẫn the thé nhưng ỉu xìu:

- Ai mà biết. Tưởng mày gọi theo tên cái lô nhà ở chung cư của nó là... lô G, lầu một.

- Trời ơi ! Cái này đọc là giê mới đúng.

- Gờ.

Ngân, Thy nhảy lên hét:

- Mày mới nói hả Phụng? Mày nói được rồi hả?

- Coi chừng nói sớm trước quy định là rách họng, câm luôn đó.

Lớp trưởng gật gật đầu, cười chúm chím, gõ tạch tạch lên bàn phím.

- Nói ít thì được. Tao nói thử coi nó có bị gì không. Tại thấy hai đứa bây đọc sai. Ðúng ra là phải cong cái lưỡi lên như đọc chữ J vậy đó.

Thy vẫn quan tâm đến cái chuyện của Phụng hơn :

- Bác sĩ biểu chừng nào mới được nói ?

Phụng múa tay. Hai đứa bạn châu đầu nhìn vô màn hình.

- Hết tuần này.

Ngân xỉa tay lên mặt kính bảo vệ :

- Vậy là thứ hai tới, mày sinh hoạt lớp được rồi. Mày kiểm điểm con Như Hiền cho tao. Thứ đồ con gái gì mà để con trai cả lớp bu theo, làm mất đoàn kết hết trơn.

Thy giơ tay như xin phát biểu :

- Hổng có tui à nghen.

Phụng cũng giơ tay. Trên màn hình từng chữ nối đuôi nhau hiện ra :

- Tui không ưa ba cái vụ tình cảm lăng nhăng. Sắp thi tới nơi, không lo học. Rớt cho coi.

- Xí.

Thy vỗ tay cái đốp.

- Con Ngân này gan lắm. Rớt thì nó lượm lên. Nhưng năm nay chỉ thi có một lần thôi em ơi. Không ai cho lượm đâu.

- Biết rồi.

- Biết thì lo học đi, đừng để ý Khoa dê nữa.

Ngân chống hai tay lên hông:

- Thì tao tới đây là để học nhóm nè. Này giờ có đứa nào chịu học đâu, toàn là lo nói chuyện.

Phụng lật đật tắt máy.

- Ê. Ðể đó. Ðể nói chuyện. Quên, để tụi tao hỏi mày trả lời. Mày chưa được nói mà.

Buổi học nhóm bắt đầu, trước cái máy vi tính.

Phụng mới cắt a-miđan, bị cấm nói một tuần. Trước khi đi cắt họng, nó bị ho, khò khè thường xuyên, tiếng nói nhỏ xíu. Hiện giờ thì đang bị câm tạm thời. Mà một cái lớp, nếu không có lớp trưởng to tiếng hét lên trấn áp thì thấy thiếu thiếu, kỳ kỳ sao đó. Dư luận quần... thể lớp nhận định "Chắc tại lớp trưởng có giọng nói hạn chế về công suất phát thanh nên tụi quậy càng giả điếc, thích gì làm nấy". Rồi bàn tán " Vậy mà bắt nó làm lớp trưởng, tội nghiệp nó " - Thôi thôi. Ai mà dám nhận chỗ đó. Bị chủ nhiệm la mỗi ngày, còn thêm bị tụi nó ghét - Xét cho cùng thì, chỉ có nó mới hội đủ điều kiện: giỏi chăm ngoan, học lực hạnh kiểm đều khá tốt, uy tín đầy mình, tụi lớp không sợ, nhưng mà nể.

Nên Ngân, Thy mới rủ nhau đến nhà Phụng học nhóm. Tuy bữa nay nó không nói được, nhưng vẫn chỉ dẫn rất tận tình, rõ ràng, dễ hiểu. Nó lại rất siêng năng học hành. Ngồi học chung với nó, còn có thêm một cái lợi nữa là " bị lây lan " tinh thần chăm học.

Phụng ngồi học, lưng thẳng, tay xếp trên bàn, chân xếp dưới ghế, gọn gàng đâu vào đấy, như hình vẽ mẫu trong sách. Có lẽ vì thế, mặc dù học khá giỏi nhưng nó không bị cận thị. Trong khi nhiều đứa khác, học dở ẹt lại chễm chệ kính trắng trên mũi. Bởi vậy, tụi nó giấu biệt mắt kiếng. Khi nào bí quá, không thấy bảng, mới chịu lấy ra đeo. Coi xong, lại lục đục tháo ra, cất kỹ. Chẳng biết vì sợ quê với bạn, sợ bi phê phán "Bày đặt làm trí thức giả hiệu", hay vì sợ mang kính thường xuyên, con mắt sẽ co lại nhỏ xíu như "ti hí mắt lươn", trong câu tục ngữ là hết đẹp cuộc đời.

Phụng ngồi học, như đang xuất thuần đi vào cõi khác trong phim giả tưởng. Thành ra muốn nói chuyện với nó cũng chẳng được. Nhưng thắc mắc gì, hỏi là nó nói ngay, nói say sưa. Phụng bảo "Nói cũng là một cách ôn bài".

Thy kết luận:

- Bởi vậy, mới xứng đáng làm lớp trưởng. Nhưng không có thời gian đầu tư để làm lớp trưởng giỏi.

Nhưng Thy là một đứa tốt bụng nổi tiếng. Nó thấy thương thương tội tội Phụng, mỗi lần lớp rớt hạng, chủ nhiệm khiển trách lớp trưởng không tiếc lời. Lớp trưởng cuối đầu xuống, khóc lên. Nếu để chủ nhiệm biết thì sẽ bị la thêm. Năm ngoái, Phụng là thủ quỹ. Ðứa nào cũng nộp quỹ hằng tháng răm rắp, không thiếu một ngàn nào. Phụng theo truy đòi dai nhách và sát ràn rạt, không có cách gì trốn nổi. Tiền bạc lại thu vào chi ra rất rõ ràng. Năm nay, lớp bị rã. Lớp trưởng ôm cặp sang phòng khác. Chủ nhiệm mới nghe Phụng báo cáo tiền quỹ còn dư, vừa thành thật vừa mạch lạc, lại thấy nó có chiều cao, nên cử nó làm lớp trưởng luôn (!).

Phụng sắp khóc. "Dạ, em không biết la mấy bạn. Mấy bạn phá lắm. Sợ lớp mình hạng bét khi thi đua".

Chủ nhiệm phất tay " Không quan trọng. Lớp mười hai chỉ cần học cho đàng hoàng, thi đậu là tốt rồi".

Nói thì nói vậy, nhưng Phụng bị la dài dài, đều đều, đầy đủ. Sổ đầu bài bị ghi kín mít. - Tại sao không nhắc nhở các bạn, không biết năn nỉ xin tha. Giáo viên bộ môn than phiền lớp lười học - Lớp trưởng đâu, sao không làm gương tốt cho bạn noi theo. Phụng lỡ bị điểm thấp - Lớp trưởng mà học hành như vậy hả thử nghĩ coi có được không?

Còn nữa, nhớ không hết. Cứ như thế, suốt học kỳ 1. Nên đến lúc bác sĩ bắt cắt a-miđan, Phụng hy vọng tràn trề". Tao sẽ nói lớn hơn, chắc đỡ khổ hơn". Trong khi chờ đợi được nói lớn gấp mấy lần một thời quá khứ đã qua. Phụng vẫn cắm cúi học. Học bài trong lớp, đi luyện thi đại học. Nó học như chưa bao giờ được học, như lần cuối cùng được học trong đời, rồi chấm dứt, giã từ, chia tay vĩnh viễn.

Thy trách như vậy, Phụng gật đầu ngay:

- Ðúng đó. Mai mốt tụi mình đâu còn được học chung với nhau nữa. Sắp làm đơn thi đại học rồi. Mỗi đứa thi một trường khác nhau.

Ngân hớn hở, mắt long lanh:

- Tao biết một bí mật.


oOo


Mặc dù hôm đó, Phụng vì thèm biết bí mật quá nên đã nói một câu khá dài so với tình trạng cấm khẩu:

- Làm ơn nói đi mà.

Nhưng Ngân cứ cười rất bí hiểm, và nham hiểm thế nào ấy. Cho đến ngày cả khối mười hai chộn rộn đi mua đơn, Ngân mới xì ra:

- Con Như Hiền sẽ thi cái trường mà chẳng có đứa con trai nào trong lớp dám theo.

Như Hiền ở lớp khác chuyển qua hồi đầu năm. Thấy nó lạ lại hay hay nên " phái nam " đổ xô vào săn sóc, chăm sóc, mượn tập, mua dùm bánh mì, bánh tráng... Trước đây, chuyện " quái đản " này không hề xảy ra nên Ngân mới nảy sinh cái sự bực mình. Nói chính xác thì cũng có nhiều " bạn nữ " phản ứng giống như Ngân. Nhưng nhìn mãi cũng quen, cũng thường, cũng nhàm. Chỉ còn một mình Ngân cay cú " Ðúng là cái đồ có mới nới cũ ". Vào đó khuyên can:

- Thằng Khoa là đồ mới đó nghe.

- Lo gì. Học xong năm nay, đường ai nấy bước. Có gặp nữa đâu mà đeo với bám.

- Kệ. Thông cảm cho tụi nó. Tụi mình quen quá, biết mánh của tụi nó hết trơn, tụi nó đâu dám ve vẩy, ve vãn nữa.

- Ăn thua là ở kết quả thi kìa. Nhiều người theo đuổi mà thi rớt thì cũng huề. Ðâu có ai tính cái thành tích, kỷ lục đó. Mày quên đi. Ðể ý cho mệt. Mất thì giờ.

Ai cũng biết tại sao Ngân không chịu quên. Nó đã cố ý nghe được cuộc đối thoại sau đây. Kể tới đâu, Thy cười lăn tới đó :

- Như Hiền thi trường nào cho Khoa thi chung với.

- Không được.

- Cấm tui hả?

- Cấm hết con trai.

- Trường gì kỳ vậy? Nói nghe thử.

- Trường Trung học Y tế.

- Ðược mà.

- Ngành Nữ hộ sinh.

- Á!

Thy vỗ tay chan chát, chẳng biết là khen thưởng ai:

- Ðáng đời Khoa dê. Tưởng tượng cái mặt mắc nghẹn của nó lúc đó chắc buồn cười chết luôn.

Ngân gật gù:

- Con Như Hiền này cũng thuộc loại thú dữ đó. Như vậy thằng Khoa mới chừa cái tật.

Thy cười đã đời rồi tỉnh táo hỏi:

- Có chắc nó thi ở đó không? Hay là nó nói giỡn chơi?

- Ai mà biết.

- Còn chàng thi trường nào?

- Tao không muốn biết.

Nghe Ngân trả lời cay đắng, Thy lại nổi lòng thương. Mặc dù Thy không ngừng lên án " chuyện yêu đương " làm xao lãng học hành, nhưng Ngân lại là một đứa có " hoàn cảnh ". Nó là con gái lớn trong nhà. Không có chị đã đành, lại còn có thêm mẹ kế để bổ sung cho đầy đủ sự cô đơn, cô độc, hoàn toàn thiếu vắng người lớn để tâm tình, trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Khoa lại ngồi cùng bàn. Ở chung cư thì hai lô nhà hai đứa nó ngó mặt nhau. Khoa hay cười cười với tất cả mọi người, rất dễ gây hiểu lầm, đối với những tâm hồn ưa bay bổng. Khoa lại có tính con gái. Vừa nhiều chuyện, vừa hay ăn hàng. Chỗ nào có con gái là nó sa vào, xưng tên mình gọi tên bạn om sòm, thân mật.

Mà Ngân lại thích nó ra mặt, không giấu diếm, ngay tuần lễ thứ hai, đầu năm học. Từ tiết một cho đến tiết năm, có dịp là cứ Ngân Ngân Khoa Khoa luôn mồm luôn miệng. Tình cảm cứ thế phát triển cho đến ngày Khoa tách ra khỏi đám con gái, hùa theo đám con trai bu vòng trong vòng ngoài quanh Như Hiền.

Thời gian Phụng bị cấm khẩu, Ngân còn tức tối. Về sau, khi Phụng nói được thì Ngân cũng thay đổi thái độ. Vì vậy, Thy mới nghe được câu chuyện " học sinh cười " trên kia.

Thy hỏi dè dặt, chuẩn bị tinh thần để nói lời an ủi:

- Mày buồn hả Ngân?

Ngân gật đầu:

- Ừ. Nhưng mà tao sắp hết buồn rồi. Tao đang lo, lỡ thi rớt thì xấu hổ. Bà dì ghẻ tha hồ nói này nói nọ. Tao không muốn.

- Mày biết nghĩ vậy là quá giỏi.

- Với lại, tao là chị lớn, phải làm gương cho mấy đứa em. Dù không cùng mẹ tụi nó vẫn là em của tao. Phải có trách nhiệm với tụi nó, không nên để tụi nó khinh thường rồi tụi nó học theo cái xấu thì khổ.

Thy xoa hai tay vào nhau, miệng xuýt xoa, lưng cong lại, khòm xuống, kiểu làm động tác bái phục, thường thấy bất cứ chỗ nào:

- Trời ơi. Mày lột lưỡi hồi nào vậy Ngân?
Title: Re: Mười hai - Lưu Thị Lương
Post by: dinosaurs on 27/02/07, 16:08
- CHƯƠNG II -

- Bởi vậy tao mới tính thi trường nào dễ đậu nhất. Thí dụ như dân lập hay mở bán công gì đó. Miễn đậu là được.

Bữa học nhóm tiếp sau đó biến thành buổi thảo luận về chọn ngành nghề tương lai. Ba đứa châu đầu vô cuốn cẩm nang hướng dẫn mới mua, lật tới lật lui, đọc đi đọc lại, tính toán ngược xuôi. Trường này có khối A, thi được. Nhưng trường kia (cũng thích) lại thi khối D. Tréo ngoe vậy chứ. Ðành phảI bỏ một cái. Tiếc ơi là tiếc.

Nhưng mà không hạn chế số trường nộp đơn cho mỗi đầu người. Nghe cô nhận đơn ở phòng giáo vụ vừa kể vừa cười " có ông phụ huynh vô đóng tiền tới bảy cái đơn cho một thằng con ".

Vì vậy cứ cố gắng chọn đi. Coi chừng trùng ngày thi thì uổng tiền.

Phụng xòe ra ba cái bao đựng hồ sơ. Y khoa, Ðại học Sư phạm, ngành Toán Tin học. Ðại học Kinh tế, ngành quản lý tin học.

Thy le lưỡi :

- Khối B khối A luôn. Hèn chi nó học như bị ghiền.

Phụng xếp xếp mấy tờ giấy như tiện tay mà làm, không có gì hết. Nó nói đều đều:

- Ba tao biểu phải thi y dược. Con gái làm thầy thuốc khéo tay khéo chân. Nghề cứu người, có chuyện gì thì cứu cả nhà. Trong nhà có bác sĩ, đỡ lo bệnh tật. Mà lại an toàn, khỏi đấu tranh giành giựt quyền lợi. Cả đời chỉ tiếp xúc với những người yếu đuối bệnh đau, họ mang ơn mình không hết, khỏi lo ai ghen ghét, ám hại. Nói chung là sống rất yên tâm, yên ổn.

Ngân sáng mắt lên:

- Chắc má của Như Hiền cũng nói như ba màỵ Vậy mà hôm giờ tao cứ nghĩ, nó bị ảnh hưởng cái truyện trong sách văn tập hai. Có tên kia là thanh niên, giữa đường đi tự nhiên xông dzô đỡ đẻ cho cái bà mu gích. Bà chửi thôi là chửi, còn anh chàng thì khóc hu hu. Khi đem được đứa nhỏ ra ngoài, ảnh lại cười rỉ rả. Lạ lùng hết sức. Chà. Uổng công tao ái mộ nó mấy bữa nay.

Thy chỉ tay vào mặt Ngân:

- Cấm nghĩ xấu cho người khác. Tại mày có máu lãng mạn. Hở ra là tưởng tượng tùm lum. Ðừng nói chi màỵ Tao đây cũng phục Như Hiền luôn. Cái nghề đó - Thy rùng mình - ghê lắm, cực lắm, không dám nói.

Phụng nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, phân trần:

- Tao cũng sợ học y khoa lắm. Tao sợ chích. Y tá chích tao, tao còn bịt mắt không dám dòm. Hai trường khối A là tao được tự chọn. Ba tao dọa " Học kinh tế ra trường đi làm dính tới chuyện bán mua, tiền bạc, dễ đi tù lắm con ơi ". Bởi vậy tao mới thi hai ngành tin học luôn. Máy móc dù gì cũng đỡ nguy hiểm hơn con người.

- Khôn quá vậy trời.

Thy nói câu đó, thấy rõ ràng Phụng có khả năng hơn mình. Thy học khá Anh văn. Ðiểm môn Anh văn thường được sáu, sáu rưỡi. Nên Thy chỉ biết thi khối D. Cứ trường nào có khối D là nộp đơn, chẳng chọn lựa gì hết. Sư phạm, Du lịch, Phụ nữ học.... Học trường nào cũng được, miễn là có học Anh văn. Ra trường thiếu gì chỗ làm. Cùng quá đi dạy kèm cũng được.

Nhưng biết có đậu nổi không?

Vô nhà sách thấy muốn ngộp. Sao mà quá chừng sách luyện thi, đếm thì hết nhưng mua không nổi, đọc không thấu. Bỏ cuốn nào xuống cũng tiếc rẻ, mà mua cuốn nào cũng tiếc tiền. Lỡ cuốn đó không trúng tủ. Lỡ cuốn kia xuất bản hồi năm ngoái. Hè năm lớp mười một, Thy có xin đề đại học làm thử, thấy cũng tàm tạm, cỡ 60%. Nghe đồn, thi đại học năm đầu ít có người đậu nổi. Hỏi tại sao, trả lời rằng không có kinh nghiệm. Kinh nghiệm gì chứ? Khó nói lắm, cứ thi rồi biết, phải tự mình rút ra kinh nghiệm cho mình, mới có kết quả. Nghe vậy, hết biết luôn.

Kệ. Cứ thi. Rồi biết.

Ngân vẫn chưa chọn được trường nào.

- Lo gì. Sau cắm trại hướng nghiệp mới bắt đầu nộp đơn mà.


oOo


Hôm nay sinh hoạt lớp đột xuất.

Chủ nhật tuần sau, khối 12 cắm trại, chủ đề hướng nghiệp. Tức là mỗi lớp sẽ tự tìm chọn một trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nào đó. Rồi tự đi sưu tầm tài liệu, thông tin, hình chụp... Nói chung là tất cả những gì có thể biết được, rồi tự xét khả năng của mình để có thể dám chọn trường đó mà nộp đơn thi.

Nói sơ qua nghe đơn giản như vậy. Nhưng chương trình của một ngày trại thì phát chóng mặt.

Năm giờ sáng có mặt (như đi Vũng Tàu).

Có mặt rồi thì dựng lều với cái bảng tên trường đã chọn. Bảy giờ rưỡi chấm điểm trang trí trại và diễn hành từng lớp.

Mười hai giờ rưỡi thi trí tuệ. Thật ra là thi văn, toán, anh văn, lý, sinh vật lịch sử, địa lý.

Mười lăm giờ thi thuyết trình về trường mà lớp mình đã lấy làm tên trại.

Mười bảy giờ rưỡi bế mạc. Nhổ lều ra về, sáng mai đi học như bình thường, không được nghỉ ngủ bù. Quá ngán !

Ðó là chương trình đại cương, chi tiết có thể thêm bớt, rút ngắng thời gian. Còn một tiết mục thi thố nữa, chưa biết xếp lúc nào vì thiếu điạ điểm thuận lợi, mà chọn sân khấu giữa sân trường thì lại thừa ánh nắng chói chang đổ lửa của tháng ba chưa mưa sắp sửa vào hè. Dứt khoát là không thuận lợi cho thí sinh lẫn giám khảo. Ai nấy nóng rừng rực, mồ hôi mồ hám chảy ròng ròng. Tinh thần, xúc cảm đâu mà biểu diễn, mà bình xét chấm điểm.

Thôi để đó tính sau. Ðầu tiên, chủ nhiệm chỉ định các cán bộ lớp lo việc làm tờ báo ảnh để thi.

- Mấy em chọn trường nào? Chọn chưa? Hỏi văn phòng Ðoàn cách thức làm sao? Xong rồi đưa tôi coi qua trước một chút.

Lớp trưởng đứng dậy:

- Dạ mấy bạn tính chọn trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh.

Chủ nhiệm hừ một tiếng:

- Rõ ràng chỉ lo xem phim suốt ngày, chẳng lo học hành. Thôi được. Thích thì cứ làm.

Lớp trưởng chưa dám ngồi xuống, tay tiếp tục đưa lên:

- Dạ không phải. Tại trường này có chú bạn Thị Thủy làm phòng tài vụ. Tụi em nhờ chú dắt vô, xin tìm hiểu cho dễ mà lại mau lẹ nữa.

Một cái phẩy tay vừa lòng, vừa ra hiệu đã giải quyết xong vấn đề. Phụng thở phào vén áo ngồi xuống.

Cả lớp im khe, chờ lệnh khác.

- Bây giờ chọn ra mười nam mười nữ để thi trò chơi kéo co. Ai to, cao hơn hẳng các bạn thì đứng lên.

Rột rẹt. Loạt xoạt. Sau hai phút, đội ké co nam nữ được hình thành.

- Tiếp theo, hai nam hai nữ thi nhảy bao bố. Lựa bạn nào điểm thể dục cao cao ấy.

Học trò lào xào.

- Hôm trước dán thông báo, mỗi lớp chỉ cần một nam một nữ, để làm thành một cặp, một đôi.

- Cặp đôi hả? Nhảy chung một cái bao bố, chật ních?

- Ừa. Bốn chân bỏ trong bao. Hai tay nắm miệng bao cho khỏi tuột. Hai tay còn lại ôm eo ếch nhau cho khỏi té.

- Té chung hai đứa một lượt?

- Dĩ nhiên. Ðồng đội mà.

- Ý ẹ!

- Li kỳ à nha!

Chủ nhiệm giải thích, tiếng hơi lớn vì khá nhiều xì xào:

- Nhà trường xét thấy nam nữ chung một cái bao bố không tiện, nên chia ra nam riêng nữ riêng. Như vậy sẽ mất thêm thời gian, thêm người.

Nói nhỏ nhau nghe thôi nhe các bạn.

- Mất vui nữa.

- Người lớn sợ cái gì không hiểu nổi. Không tiện chứ gì.

- Sợ tụi nó không lo nhảy tới đích mà cứ lo ôm.

- Toàn nghĩ xấu cho người khác. Lo nhảy cho tới để giựt giải cho lớp, chớ hơi đâu mà...

- Sợ tụi nó té chồng chất lên nhau rồi lợi dụng...

- Tưởng tượng thấy ghê. Người đó chắc học giỏi văn lắm.

- Ừa!

Tuấn Anh xin phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng:

- Em đề nghị cử bạn nào vừa vừa người. Nếu không sẽ rách bao bố. Chạy mua cái khác không kịp đâu ạ.

Cả lớp cười hét lên. Tuấn Anh có điểm thể dục cao, nhưng nó chỉ có thể đứng trong cái bao bố một mình, là vừa khít. Tưởng gì khó, chứ chọn đứa ốm ốm thì có cả đống. Xong ngay.

Tiếp theo, tìm sáu nam nữ thi trò đua ghe Ngo. Cách chơi như sau: Tất cả ngồi bẹp xuống đất. Chân đứa đằng sau ôm bụng đứa đằng trước, kết thành một chuỗi mắt xích. Rồi cứ thế chống hai tay, nhấc cái để ngồi của mình lên mà tiến. Sáu đứa tượng trưng cho cái ghe của dân tộc Khờ-me, còn mười hai cánh tay tượng trưng như mái chèo.

- Còn cái mông?

- Ðể lết cho đến đích. Không lết sao tới được, sao thắng nổi lớp mấy đứa nó.

- Coi bộ hay à nghe. Lại chia riêng nam nữ hả?

- Chắc rồi.

- Hết hay.

- Chắc chắn là không hay rồi. Bảo đảm có đứa bị rách quần cho coi.

- Vậy thôi, tao không chơi.

Nhưng trên bảng, ở các chương trình phải tham gia buổi cắm trại, những tên tuổi vẫn lần lượt bị ghi vào.

Sĩ số lớp lại lẻ, bốn mươi mốt mạng, mười tám trai hai mươi ba gái. Trừ những đứa quá ốm yếu, bất tài vô tướng ra, hầu như ai cũng phải có phần. Kéo co, nhảy bao bố, chèo ghe. Thêm một món đặc biệt dành cho những nam giới thích cảm giác mạnh: môn thi đấu đẩy cây vào bụng nhau.

Tuấn Anh xung phong liền:

- Bụng ta đây rất dầy, không sợ bị thủng. Ghi tên đi.

Lớp trưởng cầm cục phấn, ngần ngừ:

- Nhưng bạn còn phải thi xếp hình dây ADN. Lỡ bạn bị lủng bụng, biết lấy ai mà thế.

Tuấn Anh huơ lia lịa hai bàn tay mập ú:

- Lựa đứa khác. Lựa đứa khác. Tui không biết cầm đũa, không gắp trái banh được đâu. Từ nhỏ tới giờ tui ăn bằng muỗng xúc cơm trong tô quen rồi.

- Hèn chi!

Câu nói cảm thán này phát ra từ cái miệng hiếm hoi nụ cười của chủ nhiệm. Vì vậy, khỏi phải nói, cả lớp thừa cơ hội cười đã đời luôn. Lập lại câu nói kia. Bình phẩm. Ðập bàn. Ðủ thứ hoan hỉ và ồn ào. Tuấn Anh sửa sửa vai áo, tay vỗ ngực, mặt vênh váo, mắt đá lông nheo với lớp, ý nói " Thấy ta có nghề chưa? Làm cho mấy bay được cười giỡn công khai, hợp pháp ".

Chủ nhiệm ngưng cười cái rét (thắng ăn ghê), gõ mấy khớp ngón tay lên bảng:

- Vậy thì thế người nào đã từng thi nghề môn kỹ thuật nấu ăn hồi lớp mười một ấy. Ai? Lê Nghĩa nhé. Còn mấy môn kia, cứ lấy cán sự bộ môn là xong.

Lớp phó học tập đưa hai ngón tay:

- Dạ còn thiếu một bạn, ý quên, mỗi môn phải đủ hai bạn.

Thì những đứa chăm ngoan được lọc ra, ghi tên vào.

Thy xòe tay đếm:

- Lỗ lã quá chừng. Thi thuyết trình, làm báo ảnh, thi lết, thi Anh văn. Ðời sao bất công quá vậy nè. Hổng biết còn bị thi gì nữa đây?

Câu hỏi tu từ ấy được trả lời ngay. Chủ nhiệm nói, có vẻ không bằng lòng.

- Còn thi thời trang học đường thì tôi chỉ cho phép mấy em học khá tham gia, như Thy, Phụng, Thư, Bích Ngọc, Minh Phương, Ðăng Khoa, Tuấn Anh. Tập tành chừng một bữa thôi, không nên sa đà, mất thời giờ học tập.

Ối trời xanh đất đỏ ơi ời!

Thy có một mét năm mươi lẻ năm mi li mét. Phụng lưng tôm. Thư - ma cây (cây mía). Minh Phương cái mặt già ngắt như ông nội lại có râu. Ðăng Khoa thấp hơn Thy khi Thy đi guốc cao. Tuấn Anh - ổ bánh mì con cóc. Chỉ được mỗi mình Bích Ngọc nhỏ nhắn mảnh mai. Vậy mà biểu diễn thời trang. Chưa thi đã biết kết quả rồi. Chắc chắn là lại xếp hạng 18 trên 18 lần nữa.

- Hay là bỏ mục này? Oải quá!

- Không được. Bỏ là mất điểm. Bị dũa ê mình luôn.

- Rồi đồ đẹp đâu mà mặc?

- Biểu tụi người đẹp, người mẫu mà học dở đó, nó đem vô cho mượn. Thiếu gì.

Chủ nhiệm nói trước khi ra khỏi lớp:

- Nhớ ăn mặc cho kín đáo, nghiêm túc đó.
Title: Re: Mười hai - Lưu Thị Lương
Post by: dinosaurs on 27/02/07, 16:09
- CHƯƠNG III -

Số đứa được cho đi trình diễn thời trang chỉ có bảy, thiếu một thằng để đủ cặp. Thy nói ra một cái tên.

- Thằng Phong có hai cái răng nanh chó, cười cũng có duyên lắm. Học kỳ một, nó cộng được 6.4. Chắc là được duyệt.

Lớp trưởng vội vàng trình lên chủ nhiệm qua điện thoại, lập lại nguyên văn câu nói của Thy nhưng chỉ có phần học lực, còn mấy phần kia không dám bàn thêm. Chủ nhiệm ừ ừ.

Vậy là xong. Bây giờ lo kiếm quần áo. Còn tập đi tập đứng tập quẹo cua nữa chứ.

Lớp trưởng Phụng nhắc mãi câu dặn dò mệnh lệnh " Phải kín đáo, nghiêm túc ". Biết mặc gì đây? Kín mít, nghiêm chỉnh chỉ có áo dài là đạt yêu cầu nhất. Cổ cao, tay dài, áo lá, quần dài chấm đất, chỉ hở mười ngón tay với cái mặt thôi. Nhất trí nữ mặc áo dài nhé. Còn nam thì sơ mi cài măng - sét, thắt cà - vạt, cũng kín cổng cao tường luôn. Giao cho Thị Thủy đi năn nỉ mượn đồ, nó có gốc, quen nhiều người có áo xịn.

Thy hoan hô hăng nhất vì nó có tật lùn bẩm sinh. Mặc áo dài, mang thêm guốc một tấc hai, quần dài che mất dấu, đâu ai biết là cao giả hiệu. Ðược đó, Thị Thủy đi vay mượn gấp rút lên.

Vì vậy phải đổi cặp.

Minh Phương - Phụng: cặp già nhất (mặt nhăn, lưng còng).

Khoa - Bích Ngọc: cặp xứng đôi vừa lứa nhất.

Tuấn Anh - Thư: cặp kinh dị nhất (mập quá - ốm quá).

Phong - Thy: cặp quý hiếm nhất - Gương vỡ lại lành.

Bởi đầu đuôi câu chuyện như vầy.

Chỗ Phong ngồi ngay trước mặt Thy. Bữa học văn đến bài có nhân vật tên Sô - kô - lốp, cả lớp bèn có ý kiến.

- Tên gì khó nhớ quá. Ðổi lại thành sô-cô-la cho dễ đọc.

Phong cao hứng giơ tay hỏi:

- Thưa thầy. Ông Sô-kô-lốp có bà con với sô-cô-la không ạ?

Câu trả lời là: ghi sổ đầu bài cái tật phát biểu linh tinh. Thy đang cầm cây viết chì bấm, tiện tay xỉa xỉa vô lưng Phong, ý chê trách nó đã làm lớp mất điểm. Không ngờ lúc đó Phong lại ngả lưng ra sau để dựa. Nghe " tích " một cái. Phong kêu ái úi om xòm. Nguyên khúc đầu viết chì đâm xuyên qua áo, dính chặt trong thịt luôn. Phong kêu cứu ầm ĩ, chẳng nghĩ đến chuyện bị ghi sổ đầu bài nữa. Lớp vừa cười ỏm tỏi vừa um xùm bàn cách lấy " cái dằm " ra. Thầy Văn cũng hơi bị hết hồn, nên bỏ qua không ghi thêm tội " lớp ồn " nữa.

Thy mới là người sợ nhất. Ra chơi, Thy lôi Phong xuống phòng y tế, xin cô y tế " mổ " cho nó. Cô y tế mổ thật. Phong ngồi giơ lưng ra, tay ôm chặt lưng ghế, vừa vặn vẹo vừa úi ái vừa cười mà chảy nước mắt vì đau.

Thy vừa nhìn lưỡi dao lam đào bới khoét lỗ trên da thịt bạn, vừa xin lỗi luôn mồm.

- Thy không cố ý mà. Phong biết mà. Ðể lát nữa, Thy đền một đĩa nui xào trứng.

Phong rên rỉ :

- Thôi ăn thứ đó độc lắm. Có hại.

- Hại gì hả?

- No chớ sao. Á đau. Ðau !

Ðau là vì Thy nhéo nên Phong ẹo một cái và bị lưỡi lam rạch thêm một đường không cần thiết, bên cạnh vết thương đang rỉ máu đỏ lòm. Cô y tế quát đuổi Thy ra ngoài. " Học trò gì mà vừa phá vừa dữ quá vậy? ".

Sau vụ đó, Phong không giận Thy (nó nói vậy). Nhưng Thy cứ thấy không yên lòng thé nào. Sẵn dịp mặc quần áo đẹp này, Thy mới " tiến cử " Phong, với ý định là giúp bạn làm việc tốt. Phong sẽ được chủ nhiệm khen thưởng vì có đóng góp cho phong trào chung của lớp. Phong sẽ được thi thố tài năng (nếu có). Vân vân và vân vân, nếu còn gì gì nữa mà nó có sẵn trong người. Không dè, Thy phải sánh vai sóng bước với Phong. Bởi vậy mới có cái tên đặt là cặp quý hiếm nhất.

Buổi thi đấu diễn ra, lớp thành công gần rực rỡ.

Ðến giờ chót, lịch xếp đổi mục biểu diễn thời trang học đường lên đầu, cho mát. Chủ nhiệm bị học trò níu kéo đi kéo nài ban giám khảo, xin được lùi đến mục cuối cùng. Lý do: làm đầu chưa kịp.

Nên khi xuất hiện, cả bọn đã gây xôn xao dư luận liền.

Bốn cái áo dài đồ hiệu, thướt tha, lạ mắt và sang trọng. Cái thì năm sáu tà. Cái thì hai ba màu sắc. Ðầu bới lên, ghim kẹp như quý bà mệnh phụ phu nhân. Mặt mũi tô hồng tô tím. Bước đi yểu điệu như người mẫu thứ thiệt.

Mười lăm lớp còn lại choáng váng.

- Ðẹp ghê !

- Già quá !

- Tụi nó bỏ tiền ra mướn người dạy, thuê đồ xịn. Muốn chơi nổi mà. Lớp nó giàu có tiếng.

Thầy cô giám khảo gật gù, chụm đầu bàn tán (không nghe được).

Buổi chiều kết thúc trại, " tụi áo dài " được trao giải ấn tượng. Lúc đó chủ nhiệm mới chịu cười nguyên miệng. Tụi lớp kể lại :

- Hồi mà mấy bây lượn qua lượn lại trên sân khấu, khó mà diễn tả thái độ, tình cảm lắm. Ðang thư giãn bỗng nhăn nheo. Rồi đang nhăn nhó bỗng nhếch mép cười. Hai tay chắp phía sau, môi mím mím, đầu gât gật, lắc lắc. Khó hiểu kinh khủng.

Giải ấn tượng được một trăm ngàn đồng. Và được biểu diễn thêm hai lần nữa, trước toàn trường. Hôm đi thi, chỉ có khối mười hai. Còn lần này diễn buổi sáng để khối mười coi cho biết, buổi chiều giúp khối mười một rút kinh nghiệm, sang năm sau lên lớp, biết cách mà làm cho hay.

Sau buổi biểu diễn báo cáo một tuần, chủ nhiệm kêu Thy tan học ở lại chờ để " có chuyện ".

Phòng giáo viên vắng ngắt, giọng chủ nhiệm khẽ mà vẫn vang vang.

- Em với bạn Phong có chuyện gì?

- Dạ... chuyện gì là sao ạ?

- Tụi nó đồn rùm beng. Bộ em không biết sao. Hay em giả vờ?

- Dạ chuyện đó tụi em giảng hòa rồi. Ðâu có gì.

Chủ nhiệm gần như đập tay lên bàn, bực tức.

- Ðâu có gì. Giảng hòa là thế nào. Giảng hòa là em với nó đưa nhau đi chơi cùng khắp, biết bao nhiêu người thấy, phải không?

Thy cố gắng thanh minh. Vừa nói vừa làm điệu bộ như những lúc bị nghi oan trong lớp.

- Dạ không hề. Em có đi với bạn Phong một lần, vô phòng y tế thôi. Còn đi chung hôm biểu diễn thì không tính.

Chủ nhiệm đứng bật dậy :

- Phòng y tế ở đâu?

Thy chỉ tay ra cửa :

- Dạ ở trường mình, dưới tầng trệt.

- Vào đó làm gì?

Thy ngập ngừng. Bây giờ mà kể là mang tội đánh nhau với bạn. Có nói dối, thì thằng Phong bị kiểm chứng cũng sẽ khai ra. Thy thường được khen trước lớp: đàng hoàng, hay giúp đỡ bạn bè. Vậy mà bây giờ... Thy cắn môi, suy nghĩ. Mặt mũi chắc là rất căng thẳng, nên chủ nhiệm quát :

- Nói mau!

Thy lắp bắp :

- Dạ. Vô để mổ...

- Ai mổ? Mổ ai?

- Dạ.. cô y tế mổ cái lưng của bạn Phong.

Thy lí nhí kể lại câu chuyện vô ý làm bạn bị thương bữa trước. Nghe xong chủ nhiệm tra hỏi tiếp:

- Không phải chuyện đó. Tôi được báo tin là em với Phong, sau vụ trình diễn thời trang thì thành bồ bịch với nhau luôn. Cô khối trưởng 12 hỏi tôi biết gì chưa, rồi kể, làm tôi muốn nín thở.

Giọng trở nên chì chiết :

- Tôi đã đoán trước mà. Tôi không ưa ba cái vụ tra gái nắm tay nhau, từng cặp diễu qua diễu lại trên sân khấu. Chắc chắn là sẽ bị xúc cảm, xúc động vớ vẩn. Rồi mơ mộng, không lo học hành. Em cứ vậy đi. Thi rớt đừng nhìn mặt tôi.

- Dạ em bị oan. Em xin thề.

- Không được thề thốt với giáo viên. Sai nguyên tắc.

- Nhưng...

Mắt chủ nhiệm nhìn thẳng vào mặt Thy, Thy chỉ muốn chùi nước mắt cho ra vẻ bi đát. Nhưng khốn thay, không nặn ra được một giọt nào cả. Thy chỉ thấy căm tức chứ không uất ức, đau khổ. Tụi lớp, mà ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng biết rõ. Thy chẳng hề nghĩ đến chuyện tình cảm tình kiếc bao giờ. Ðứa nào bị vướng vào, Thy còn xỉ vả, còn lôi kéo nó về con đường học tập ngay ngắn. Thằng Phong đẹp trai thật. Nhưng đó là chuyện của nó, không dính dáng gì đến chuyện học của Thy. Chắc Phong cũng nghĩ về Thy vậy thôi. Bằng cớ là sau mấy bữa mặc đồ đẹp, nắm tay nhau xong thì đứa nào vẫn ngồi bàn đứa ấy. Có nói thêm gì nữa đâu.


oOo


Làm sao chứng minh rằng, chuyện Thy với Phong " có vấn đề " là tin đồn đây. Không biết ai tung tin này ra. Mà bịa đặt để làm gì mới được. Thy bị bạn bè ghét bỏ rồi sao.

Thy nhăn trán. Trong đầu cứ lục bục mấy câu hồi đó.

Chủ nhiệm đổi giọng nhẹ nhàng tình cảm :

- Em có chắc chắn là chẳng đi đâu ngoài giờ học cùng với bạn Phong không? Thử nhớ lại coi. Thông thường có lửa mới có khói. Phải làm sao, có cái gì thì người ta mới nói chứ. Ðồng ý không? Về suy nghĩ kỹ rồi cho tôi biết nhé. Ðừng để tôi mất lòng tin ở em.

Thy gật đầu, dạ dạ. Lòng sôi sùng sục những câu rủa xả của đứa nào mà... Lúc đó, học kỳ II đã trôi qua hơn một tháng. Sắp sửa biết các môn thi, các môn học mang sẵn thân phận không thi gấp rút dứt điểm. Còn mười phút đầu giờ ổn định lớp học để vào tiết một thì ngày càng sôi động, quắn quíu. Bởi nhà trường đã lấy nó làm giờ truy bài, kiểm tra miệng, các môn chính có thời khoá biểu hôm đó. Học như điên.

Sáng học chính khoá. Tối học thêm. Chiều phụ đạo.

Môn phụ đạo dành riêng cho mấy tay học yếu. Mỗi lớp đều đóng góp trên mười em. Ði học nườm nượp như đi hội chợ. Tốp này lết bết ra về, tốp khác lẹt xẹt đi vô. Ngay cả giờ ra chơi cũng xách cuốn tập xuống sân ngồi ghế đá. Chẳng biết có ghim được chữ nào không, nhưng xem ra muôn phần khí thế.

Buổi trưa, thư viện chật ních các huynh muội bị cấm túc. Giáo viên mặt lành lạnh như đang gác thi, giọng nói băng giá, đi qua đi lại nhắc nhở kẻ này, phê phán kẻ kia bởi tội không thuộc bài buổi sáng.

- Học có một chút xíu như vậy mà không xong. Học tới đâu quên tới đó. Chắc rớt hết quá.

Buổi trưa tan học, ở lại dò bài tiếp. Chỗ nào cũng được biến thành lớp học. Ðứa chạy vù ra nhà xe giáo viên, cô dặn trước như thế. Ðứa bị chặn ngay cầu thang lên xuống. Ðứa được ngồi ghế đá đàng hoàng. Và trơn tru, ấp úng trả bài. Thuộc thì về. Còn ngắc ngứ thì thầy (cô) sẽ nán lại mà chờ. Ðói hả? Ráng chịu ! Ai bảo làm biếng học hành. Không biết thương thầy cô thì thôi. Thầy cô cũng biết đói bụng như tất cả mọi người. Nhưng vẫn ngồi đợi được. Có chết ngay đâu mà sợ.

- Học đi. Không thuộc không về. Nghe chưa?

Chủ nhật - ngày nghỉ ngơi, xả hơi, thư giãn duy nhất trong tuần cũng cứ đi dò bài như thường. Quần áo mô - đen, xe đời mới, xe đời xưa ra vào tấp nập. Nguyên một dãy hành lang lầu một nhộn nhịp. Phòng nào phòng nấy khẩn trương tự học, tự dò, tự nguyện trả bài. Ðạt mức tám tiêu chuẩn mới chính thức thoát hiểm. Nếu bảy rưỡi, tuần sau lại tiếp tục thôi.

- Nếu em thi rớt thì thầy cô cũng rụng rơi. Mấy em là học sinh, không hiểu nổi mối dây nhợ này đâu.

Dạ thôi. Hiểu làm gì cho mệt. Mà cũng chẳng có thì giờ để tò mò tìm hiểu. Trước mắt bây giờ như có hai con đường trong truyện cổ tích. Một bên hoa thơm nở, bướm sặc sỡ bay, đủ đầy ánh sáng, chim hót véo von, đường đi bằng phẳng. Còn một bên kia thì gai góc miểng chai, sâu bọ cóc nhái, đường đá gồ ghề lởm chởm, cúp điện tối thui. Muốn lựa chọn con đường nào tùy ý thích. Vì vậy, cũng giống y như truyện cổ tích, con đường hoa lá sáng tươi sẽ dẫn đến nhà phù thủy, động yêu tinh, con đường khó khăn hiểm trở sẽ tới xứ sở thanh bình, đầy đồng lúa chín.

Ai thích chơi, không thiết tha chuyện đậu rớt thì cứ việc ăn, ngủ, giải trí, học hành lấy lệ cho có, kể như đang dung dăng dung dẻ trên con đường mát mẻ.

Ai không dám chơi, từ sáng tới tối chỉ lo cắm đầu cắm cổ vào sách vở, lúc nào cũng rên rỉ " sắp thi rồi ", là đã chọn con đường lắt léo gập ghềnh khó đi.

Thy tự ví von như thế. Phong hình như cũng giống mình. Bởi vậy hơi nào để ý đến nhau mà " có vấn đề ". Nói thật ra, cũng có quan tâm lắm lắm. Nhưng chỉ để hỏi han nhau như vầy.

- Ê, Toán mấy điểm?

- Bài làm hết hông?

Rồi tập ai nấy học.

Và có một lần duy nhất, nói chuyện hơn hai câu mỗi đứa, tổng cộng là sáu câu. Phong rụt rè chạm tay vào cuốn sổ của Thy.

- Cho tui ghi lưu bút với.

- Con trai nhiều chuyện. Dẹp ! Không cho.

- Tại tui với bà có kỷ niệm chớ bộ.

- Ðừng vu oan giá họa cho người ngay à nghe.

- Thiệt mà. Không cho tui ghi. Mai mốt đừng có tiếc.

- Nè. Mai phải trả lại liền. Nói xạo ở trỏng là chết với tui đó.

Title: Re: Mười hai - Lưu Thị Lương
Post by: dinosaurs on 27/02/07, 16:10
- CHƯƠNG IV -

Ðọc xong hai trang chữ viết nhọn hoắt của Phong, Thy vừa giật mình vừa buồn cười.

"... Rồi mai đây, dù có học ở trường nào hay hơn đẹp hơn, Phong vẫn sẽ không quên những ngày cùng học, cùng chơi của lớp mình... Nhớ nhất là hôm cắm trại. Nhớ không Thy? Hai đứa mình cùng chạy xì khói qua nhà... để lấy cái " Bí mật! Con trai không được coi " về để cho Thy mặc áo dài. Bữa đó, Phong đâu có biết nó là cái thứ gì. Tới nay thì Phong đoán ra rồi. Nhưng Phong cũng không muốn nói ra nữa. Ðã nói là bí mật mà. Một cái bí mật rất độc, hay hay và kỳ cục. Chỉ có hai đứa mình biết."

Cái thằng quỷ ! Tự nhiên viết vô cuốn sổ nhiều người đọc một chuyện dị hợm như vậy. Thy đã định giấu luôn, không chuyển cho đứa nào nữa. Nhưng mà uổng lắm. Hồi này mắc học tối mặt, chẳng có mấy đứa làm lưu bút. Tại Thy tiếc năm cuối cùng, mà Tuấn Anh hay nói giỡn: năm cuối đời... học sinh (Thiệt đó ! Nếu nghĩ học là đúng boong. Còn lên đại học thì gọi là sinh viên rồi). Nên Thy mới " làm mặt lì ", đưa mời gọi, rủ rê hết cả lớp " viết cho tao ít chữ ". Mặc kệ tụi nó nói không thương tiếc.

- Xưa rồi !

- Mất công chung viết màu mè dở ẹt. Mà mình cũng mất công đọc nữa.

- Ừa. Toàn những lời như bài mẫu.

Mới định như vậy thôi, bởi vì tiếc rẻ. Mới có tám đứa, mà sổ thì còn bao nhiêu là giấy. Thy lấy hồ dán kín mít, cái phần phát biểu linh tinh của tên bạn trai cùng lớp có trí nhớ ác ôn kia lại. Rồi bình tĩnh đưa tiếp cho nhiều đứa khác.

Hay là... Tin đồn từ hai trang giấy bị bưng bít ấy mà ra?

Mà chuyện có gì đâu. Mặc dù có đi chung một cái xe. Phong chở Thy. Lúc đó, Thy đã vẽ mặt, làm tóc xong xuôi khoác áo vào, mới biết quên cái phụ tùng thiết bị chuyên dùng để mặc áo cho đẹp ở phần trên. Không phải Thy đãng trí, (bởi Thy chưa đến lúc có thói quen xài thứ đó, còn con nít) mà là nhỏ... quên đem cho Thy mượn, nhà nó có chị bằng cỡ người như Thy.

Có thể, người nào đó đã bắt gặp Thy với Phong lúc cầm cái Phong không biết đường chạy trở vào trường. Hú hồn! Mừng muốn chết. Thiếu nó thì không đẹp, thì không có giải thưởng, thì chủ nhiệm nhăn nhíu... Bởi vậy hai đứa mới cười tít mắt, giống y hệt như mấy cặp bồ bịch chở nhau đi chơi ngày chủ nhật. Nghi ngờ là phải. Nghĩ ra được mấy nguyên nhân " chết người " ấy, Thy tức tốc ngoắc Phong ra hành lang.

- Ông có hay gì chưa?

- Rồi.

- Lỗi tại ông hết trơn. Khi không năn nỉ xin xỏ viết lưu bút. Rồi viết bậy bạ vô trong đó. Tui mới bị la nè.

- Tui cũng bị chớ bộ. Tại bà nữa. Ai biểu bà quên đồ... độc làm chi.

Thy tròn mắt, cười toe:

- Vậy là ông cũng nghĩ giống tui. Tụi mình dư sức tự minh oan được rồi. Không ngờ mình lại có tầm cỡ Bao đại nhân trong những ngày cuối cùng của đời học trò chớ.

Phong cho hai tay vào túi quần, môi mím lại:

- Tui còn tự điều tra được một nguồn tin vịt này nữa. Tụi mười một, lúc ngồi ngóc mỏ coi lớp mình biểu diễn, đã xầm xì: không biết băng này có bồ bịch gì không mà nắm tay nhau mát trời luôn. Chắc mỗi đứa đồn một ít, nó thành ra như vậy. Tam sao thất bổn là vậy đó.

Thy dậm chân, đập tay bạch bạch lên thành lan can đúc bê tông:

- Cha ơi. Cha biết chuyện sinh tử vậy mà sao cha không cho tui hay.

Phong nhìn lãng đi chỗ khác:

- Tui... thấy kì dị quá. Tự nhiên nói tui với bà.

Thy dậm chân cái nữa:

- Ông không nói để giải oan cho tui còn kỳ đời hơn. Tui bị mang tiếng xấu. Mà mấy bữa nay, từ hôm bị mời nói chuyện tới giờ, học bài không dzô. Tui mà thi rớt thì..

Phong bỗng dưng đứng xích ra xa:

- Không ngờ Thy ích kỷ như vậy.

Rồi không thèm chào, không ừ hử, Phong quay lưng đi thẳng vào lớp, mặc kệ Thy đứng ngơ ngác.

Lần đầu tiên có người nói Thy ích kỷ. Tức là chỉ chăm chắm lo cho riêng mình, ai sướng khổ gì cũng chẳng dính dáng đến, chẳng an ủi, không chia sẻ buồn vui, gặp người vấp té cũng không đỡ dậy, vân vân và vân vân nữa. Ðến nỗi Phong không muốn đứng gần nói chuyện. Mà chuyện đó quan trọng biết bao.

Chắc là Thy đã trách Phong quá nặng lời. Thật ra, nó cũng bị kêu ở lại sau tiết năm để chủ nhiệm nói chuyện riêng. Nó cũng vì vụ này mà học bài không nổi. Nó cũng tức vì bị tai tiếng.

Nhưng Thy phải ích kỷ thôi. Thy là con gái. Dù gì Thy cũng sẽ mang tiếng là con nhỏ không đàng hoàng, dễ dãi, để cho con trai nắm tay cả buổi, dám dựa vào phong trào của lớp để cặp bồ đi chơi. Chưa hết, Thy còn bị phê phán là đồ đạo đức giả. Lúc nào cũng oang ác chê bai " Ngu si thậm tệ mới vừa yêu đương vừa học ". Thế mà, trong nháy mắt đã có bồ ngay, nổi như bánh bò, đến nỗi thầy cô cũng biết, bất kể là năm nay thi tốt nghiệp ra trường.

Tình cảnh của Thy ngang trái như vậy. Phong làm sao hiểu nổi. Học lực của nó thường suýt khá, chứ chưa được khá bao giờ. Ðiều này có thể suy ra rằng Phong tư duy cỡ phần kém sâu sắc, rộng rãi. Hiểu không được là phải. Kẻ không biết thường đánh giá thấp cái mà họ không hiểu. Ðúng quá !

Mà Phong là con trai rõ rành rành ra đấy chứ. Ðáng lẽ nó phải bao dung, rộng lượng theo nề nếp của phái tính chứ. Nó nỡ lòng nào buộc tội rằng Thy xấu bụng. Lời phát biểu quá vội vàng, nông cạn. Thử hỏi nó còn đáng cái bản mặt tu mi nam tử hay không?

Nghĩ như vậy, Thy bèn quyết định, không thèm đếm xỉa gì tới Phong nữa. Ðồ cái mặt không đáng để giận. Thy lặng lẽ mà nhanh chóng đi tìm chủ nhiệm, xách theo cả cuốn lưu bút viết chưa đủ khắp, để làm vật chứng.

Chẳng biết Phong có đơn thân độc chiến đi kêu oan như Thy không. Chỉ biết rằng, chủ nhiệm không khiển trách lần nào nữa. Còn riêng hai đứa cùng chung chịu tai biến thì bắt đầu giận nhau.

Giận là giận theo lệ tất yếu khi chưa giải quyết xong xuôi mâu thuẫn. Ðể cục giận nằm yên đó, lo học thôi. Môn thi đã chính thức công khai trên báo chí. Kiểm lại thì thấy những môn học thuộc lòng chiếm đa số. Không cố sức tụng cho nhuyễn nhừ, hễ quên một chữ đầu là mất toi, mất trắng, mất đứt cả đoạn.

Ngân tự tin khoe:

- Tao viết ra một cái lịch. Ngày nào học bài nào cho tới hôm đi thi. Học xong, lấy viết đỏ gạch chéo qua. Vậy là xong. Rất khoa học, lại còn có công dụng nhắc nhở mình chưa giải quyết hết bài vở nữa.

Phụng đề nghị bỏ học nhóm, đỡ mất thời gian đi lại nhà nhau. Nghe cũng có lý nên ba đứa tạm chia tay, nhà ai nấy học.

Tụi Tuấn Anh bỗng dưng tu tỉnh, hầu như chẳng còn quấy rối gì nhiều. Bởi làm quá, bị cấm thi là uổng đời.

Lúc nào cũng học, học bất cứ nơi đâu. Hành lang, ghế đá, sân trường, dưới gốc cây... Học đến nỗi mấy cuốn hướng dẫn nhàu nhò, quăn queo, tơi tả.

Có đứa đang ngồi lảm nhảm, tự nhiên nói một mình:

- Học xong, thi xong, chắc phải xây thêm một cái nhà thương tâm thần mới đủ chỗ chứa tụi mình.

Có đứa thở dài, tuyệt vọng nhìn tài liệu:

- Càng học càng quên. Học hoài quên hoài.

- Ðầu chật cứng rồi. Chẳng còn chỗ để nhồi nhét nữa.

Cứ như vậy, quay qua quay lại đã tới thi học kỳ hai.

Thi xong xuôi, các vị chủ nhiệm cặm cụi cộng điểm sáu môn, lên lớp đọc sang sảng. Cứ như đang công bố kết quả chính thức từ bộ giáo dục gởi về. Lớp nào cũng có một vài, năm ba hoặc hàng chục em bị hờ (hỏng). Ðậu thì cười, hí hửng, lạc quan yêu đời. Rớt thì bảo tại mình xui, cứ chờ đó, chừng nào thi thiệt mới chắc đúng. Chưa sao. Chưa sợ.

Thi học kỳ xong, khối mười, khối mười một chỉ học nhẹ nhàng, cầm hơi, vô lớp có khi được ngồi đánh ca rô, tìm số thoải mái. Hoặc xuống phòng nghe nhìn coi phim tư liệu. Thấy mà thèm. Còn mười hai cứ học bình thường tới ngày tổng kết. Ai cũng biết, sau lễ bế giảng năm học ba bốn ngày là thi chính thức. Vì vậy, " em ơi lười làm chi ".

Lại còn ước gì một ngày không có ban đêm, để khỏi cần đi ngủ, để thức thâu đêm suốt sáng mà học liên tu bất tận, không cần biết chỗ nào dừng.

Nhưng... học thì học. Lo cứ lo. Chơi vẫn chơi.

Thứ tư mới tổng kết. Hôm nay thứ bảy, trường vắng vẻ ghê hồn. Khối mười, mười một được cho phép nghỉ từ thứ năm. Nhưng đó chỉ là nguyên nhân phụ. Nguyên nhân chính là do tụi mười hai đồng loạt rủ nhau trốn học.

Tuấn Anh hào hứng kể:

- Lạ lùng nghe. Từ nhà đến đây tao thấy đầy học trò đi ngược chiều ngoài đường. Từ A1 tới A18 đều có đủ. Thêm mấy trường kia nữa. Vui kỳ cục. Không nói được.

Rồi hạ giọng:

- Tụi mình cũng đi nhé. Ði hầm đá. Bảo đảm chuồng hết tiết 5 là về tới cổng.

Khoa ôm cặp của Như Hảo, níu tay áo Thy. Giọng nói cong vút:

- Thy.... y.... y.... Nghĩ một bữa với bạn đi. Từ đầu năm tới giờ, Thy chưa vắng lần nào. Thử nghỉ cho biết mùi vị trốn học, để mai mốt ra trường khỏi tiếc " trời ơi, tui chưa được hưởng sự ngọt ngào hồi hộp của cái môn cúp (không phải súp) cua ".

Và còn rất nhiều nhiều nữa. Những lời mơi mọc, níu kéo, dụ dỗ vừa ngọt vừa thơm như đường thốt nốt. Thế là cuối cùng, Thy gật đầu, thầm tự hứa, tối nay mình sẽ thức khuya hơn.

Thy mới ra khỏi nhà gởi xe. Lớp lại ở ngay lầu một. Lâm lấy tay làm loa rủ tiếp, " cho đủ xe". Nó nói vậy, khi thấy Thy lại đòi vào lớp học.

- Phong ơi, Phong à.

Sau chớp nhoáng chỉ dẫn bằng tay chân múa máy, nháy mắt, méo miệng của cả bọn, Phong quăng cái cặp xuống trước. Rồi chuyền qua cây mít kế bên ngoài cửa sổ. Và rớt xuống một cái bịch với một tiếng thét đau đớn, còn hơn trong phim đánh đấm.

Tuấn Anh chạy huỳnh huỵch vào chỗ Phong đang nằm lăn lộn. Xem xét chớp nhoáng, nó hét:

- Ði báo thầy cô ! Cấp cứu !

Thy chạy trong đám chạy nháo nhào vòng qua cổng chính, phóng thẳng lên lầu. Trong trường người lớn cũnng đang hớt hải chạy ngược ra.

Phong được chở đi nhà thương cấp tốc. Cả đám chẳng còn hứng thú bỏ học đi chơi nữa. Lớp cứ xầm xì mãi về tai nạn bất ngờ rùng rợn ấy. Không biết phe con trai nói sao. Bên con gái thì bàn tán như sau:

- Bị bể mất một bên thiệt hả?

- Thì chính thằng Tuấn Anh khám thấy mà.

- Lỡ trời sinh ra nó chỉ có một bên thì sao?

- Dám chết lắm à nha.

- Dễ gì mà chết. Trong phim lão công công có cả đống. Sống nhăn răng.

- Không biết có bị vô sinh không?

- Bộ tính lấy nó hay sao mà lo.

Thy không nói gì hết, cắm cúi xếp mấy con cò bằng giấy tập còn dư trong cuốn nông nghiệp nuôi gà. Không biết Phong phải nằm nhà thương bao lâu. Chắc chắn là nó phải bị mổ. Lần này mổ thiệt, chích thuốc mê man bất tỉnh, chứ không như lần khều cái đầu viết chì bị Thy vô ý đả thương. Tội nghiệp Phong. Cầu mong sao cho nó mau khỏi bệnh, để kịp kỳ thi đang tới sát bên mình.

Ngân kê miệng vô tai Thy, hỏi thì thào:

- Mày tính xếp đủ một trăm con để cầu nguyện như trong phim à?

Thy trả lời, cố ý nói tiếng to:

- Không. Ðừng nghĩ tốt cho tao quá vậy. Xếp xong chắc tao rớt đau hơn nó. Tại ngồi buồn xếp chơi thôi.

Tại Ngân không nhớ. Hôm qua, Như Hảo lúi húi xếp hết một bịch khăn giấy thành bông hồng. Nó nhờ Hà Chính, cao một mét tám mươi, nhai kẹo cao su gắn lên trần nhà. Nhìn giống như cái quạt tí hon, lại vừa giống như khu vườn bị lộn ngược. Thấy cũng hay hay. Chẳng đứa nào muốn gỡ xuống, dù tụi lớp chiều bực bội viết trên bảng " Xin giữ vệ sinh chung ". Tại mấy hôm rồi, buổi tan học nào cũng thấy một mớ đứng lấm lét, lại có vẻ gian gian, dước gốc mấy cây phượng đang rực rỡ hoa. Quăng cây, chọi dép, rung cành, làm đủ mọi cách để lượm cánh hoa phượng rụng về ép thành con bướm, xếp bông hồng.

S....u.... y... t ! Ðừng la lớn. Bạn thừa biết, chỉ có cái bọn mười hai mới diễn những trò lãng mạn như thế, với mùa hè.
                                             
Lưu Thị Lương