Cổng vào tri thức => Không phân loại => Topic started by: vitconhocve on 11/03/07, 23:23 Return to Full Version

Title: Truyện tranh là một nhu cầu không thể thiếu của thiếu nhi Việt Nam
Post by: vitconhocve on 11/03/07, 23:23
Truyện tranh là một nhu cầu không thể thiếu của trẻ em. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào hay điều kiện sống nào đi nữa, thiếu nhi vẫn thích đọc truyện tranh, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng nhìn lại thấy thật đáng buồn, dạo quanh một vòng qua các sạp sách báo, đâu đâu cũng gặp toàn là truyện tranh nước ngoài, nhất là truyện tranh Nhật Bản, Truyện Tranh Việt Nam - ở đây chúng tôi muốn nói đến Truyện tranh do họa sĩ Việt Nam vẽ và truyện tranh có đề tài về Việt Nam - chỉ lác đác đôi ba nơi mới có, nhưng cũng chiếm vị trí rất khiêm tốn, trông thấy mà chạnh lòng.
    Nhân buổi hội nghị hôm nay, chúng tôi xin phép được nêu lên đôi nét về thực trạng Truyện Tranh Việt Nam hiện nay, với mong muốn tìm ra một giải pháp khả thi để truyện tranh có một chỗ đứng trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi, cũng như một chỗ đứng trên thị trường.
SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH:    Một thực tế không thể chối cãi là truyện tranh nước ngoài rất hay và hấp dẫn, vì được đầu tư rất kỹ lưỡng về kịch bản và họa sĩ thể hiện, nhưng chẳng lẽ chúng ta không làm được như họ hay sao? Chúng ta bất lực ư?
    Nêu lên vấn đề này là quả thật là bức xúc, vì các Nhà Xuất Bản lớn có thèm để ý đến điều này đâu, họ chỉ việc chạy theo lợi nhuận, truyện tranh nước ngoài chỉ việc photocopy, dịch lời rồi đem in, đâu cần phải vẽ vời làm chi cho mệt, thậm chí ngay cả cái bìa truyện cũng bê nguyên xi, tung ra hằng loạt hết bộ này đến bộ khác mà chẳng thèm đếm xỉa đến đội ngũ họa sĩ kế thừa cho truyện tranh Việt Nam mai sau, nhiều lúc chẳng cần biết hay dở hoặc có yếu tố giáo dục nào trong truyện hay không? chỉ cần hấp dẫn là xong! Lời thoại nguyên bản ra sao thì cứ ghi y chang như thế, lời lẽ ngô nghê, thậm chí khó hiểu nữa là đằng khác, những cảnh hun hít lăng nhăng, đánh đấm ì xèo cứ việc bày ra đấy mà chẳng thèm cắt bỏ, vì cắt bỏ thì thiếu trang, ai sẽ vẽ lại bây giờ cho đủ? chẳng hiểu ghi họa sĩ này họa sĩ nọ biên tập để làm gì nữa?! Truyện Nhật Bản đọc từ phải qua trái thì ta cứ việc photocopy trên giấy can rồi lật ngược tờ giấy lại, thành ra một số truyện có số áo cầu thủ, số nhà v.v... đều đọc ngược cả, chẳng ai thèm sửa vì phải lo cho kịp in để bán, để thu lợi nhuận. Mà chắc chắn là phải có lợi nhuận nhiều rồi, vì có phải trả tiền cho họa sĩ vẽ đâu? họa hoằn lắm thì trả một ít tác quyền cho Nhật Bản mang ý nghĩa tượng trưng, có lợi nhuận nên ai cũng lao vào làm, Nhà xuất bản lớn ở trung ương làm, thì tỉnh cũng làm, anh tư nhân càng làm mạnh hơn nữa, anh chủ quán sách ở đầu đường cũng chẳng kém, đua nhau làm tuốt luốt, vì thấy dễ làm quá, dễ ăn quá, ai dại gì không lao vào. Việc làm của họ đã vô hình trung giết chết đội ngũ họa sĩ vẽ truyện tranh Việt Nam. Sau này ai sẽ là người vẽ truyện tranh cho thiếu nhi chúng ta đọc? đội ngũ họa sĩ truyện tranh Việt Nam có còn tồn tại được hay không? Đây là những câu hỏi đặt ra cho các Nhà xuất bản lớn và cho cả chính chúng ta nữa, cần phải có một lời giải đáp để truyện tranh Việt Nam có cơ hội tồn tại.
    Chúng tôi trình bày sự việc trên không có dụng ý nêu đích danh một ai cả, nhưng xin hỏi quý vị, mang danh là một Nhà Xuất Bản lớn, đến cuối kỳ, cuối quý, cuối năm, khi lập bảng tổng kết thành tích, quý vị không thấy xót trong ruột khi nhìn lại mảng truyện tranh Việt Nam của nhà xuất bản mình "bốc hơi" đâu mất sao? Tôi theo dõi hai năm nay rồi, các Nhà xuất bản lớn chẳng hề xuất bản một cuốn truyện tranh nào do họa sĩ Việt Nam vẽ cả. Đó là một sự thật! tuy rằng nó phũ phàng nhưng cần phải nói ra để cho các quý vị quyền cao chức trọng đang ngồi ở Hội nghị này tự xem lại mình. Một Nhà Xuất Bản thành công không phải là một nhà xuất bản có lợi nhuận cao, có số lượng bản in khổng lồ, mà chủ yếu là có những cuốn sách hay, mang tính dân tộc và do chính chúng ta thực hiện thì mới đáng quý, đáng trân trọng, chứ chỉ chú tâm vì nhờ lợi nhuận từ những cuốn truyện tranh nước ngoài cóp lại thì Nhà Xuất Bản ấy có hơn gì là một nhà in hay một nhà buôn sách đơn thuần?
    Đành rằng truyện tranh chỉ là một mảng nhỏ trong một Nhà Xuất Bản, nhưng rõ ràng là nhờ nó mà phát triển cho các đầu sách khác. May mà chúng ta vẫn còn có một đôi đầu sách truyện tranh Việt Nam ấn tượng với độc giả, đáng kể nhất là bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt, nhưng tiếc thay, đó cũng là một công trình của một Công Ty Tư nhân liên kết chứ không phải của chính Nhà Xuất Bản, còn các đầu truyện khác như Cô Tiên Xanh, Tâm hồn cao thượng, Tiên học lễ... thì số lượng có phần hạn chế và chủ yếu là do các Nhà Xuất bản Tỉnh cấp phép. Nhưng rõ ràng so sánh với Truyện tranh Nhật Bản của các đại gia trong ngành xuất bản thì Truyện tranh Việt Nam chỉ là một phần rất nhỏ, như một đứa con côi cút, thấy mà thương!
PHƯƠNG HƯỚNG KẾ HOẠCH    Như vậy, để cải thiện tình hình truyện tranh Việt Nam hiện nay, chúng ta phải làm như thế nào? Chúng tôi xin mạn phép đề ra các phương hướng sau:
    1- Hạn chế xuất bản truyện tranh nước ngoài bằng cách cương quyết không cấp phép những bản thảo photocopy vì cần phải tôn trọng tác giả, muốn xuất bản thì phải can (sao chép) lại bằng bút mực, biên tập viên sẽ dễ dàng nhận ra bản vẽ mực và bản photocopy một cách dễ dàng, tất nhiên bìa truyện cũng phải vẽ lại, không được copy nguyên bản, khi duyệt, cần phải trình giấy bản quyền và nguyên bản. Việc này sẽ làm chùn tay bất cứ ai muốn in truyện tranh nước ngoài một cách ào ạt để thu lợi nhuận vì cho dù sao chép lại cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, và phải trả tiền cho người sao chép, nếu sao chép không tốt, truyện sẽ không có chất lượng và bán không chạy, còn nếu sao chép tốt, tất nhiên nhuận bút cho người sao chép sẽ cao và sẽ thu hẹp lợi nhuận lại, đồng thời có điều kiện cho người sao chép nâng cao tay nghề thực hành, vì thực tế, số họa sĩ có thể sao chép hoặc vẽ bằng bút sắt chấm mực hiện chẳng có bao nhiêu người. Ngoài ra, tiền xuất bản phí cho một bản truyện tranh nước ngoài sẽ cao gấp 3 lần truyện tranh do họa sĩ trong nước sáng tác. Điều này sẽ khích lệ và động viên đội ngũ họa sĩ trong nước sáng tác nhiều hơn.
    2- Nên thành lập một Nhà Xuất Bản chuyên về Truyện Tranh, bao gồm cả trong nước và nước ngoài, truyện tranh thiếu nhi và truyện tranh dành cho người lớn. Giám đốc Nhà Xuất Bản này phải chịu trách nhiệm trước Trung Ương, trước pháp luật và nhất là chịu trách nhiệm trước thế hệ trẻ khi xuất bản truyện tranh tung ra thị trường. Nếu cần cho cả tư nhân tham gia, vì đây là một thành phần kinh tế thực sự rất năng động trên thị trường.
    3- Truyện Tranh Việt Nam, ở đây chúng tôi muốn nói đến Truyện tranh do chính họa sĩ Việt Nam sáng tác, cho dù là bất cứ đề tài nào như viễn tưởng, thần thoại, phiêu lưu ở nước ngoài, hoặc các đề tài lịch sử, dân gian, thần thoại, cổ tích, giáo dục của Việt Nam (tất nhiên là do họa sĩ Việt Nam sáng tác rồi) sẽ được khuyến khích bằng cách giảm tiền xuất bản phí, chỉ nên từ 3 - 4% mà thôi, hỗ trợ phát hành và quảng cáo để đưa đến tận tay người đọc một cách dễ dàng nhất. Có được những yếu tố thuận lợi này, chúng tôi tin rằng các họa sĩ sẽ không cần đi chụp photocopy nữa, mà cầm lấy cây bút để sáng tạo, hầu cho ra đời những cuốn truyện tranh hay và có giá trị hơn. Được như vậy mới mong truyện tranh có hy vọng phát triển và tồn tại.
PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN:    Muốn phát triển được các yếu tố nêu trên, theo chúng tôi thì cần phải thực hành triệt để các việc sau:
    1- Các Nhà xuất bản cần có đội ngũ biên tập viên truyện tranh có tay nghề thực sự, xem qua bản thảo đã biết truyện này copy hay sáng tác ngay, phân biệt bản vẽ tay một cách chính xác và nhanh chóng, cần kiên quyết và triệt để, không dễ dãi để lọt ra ngoài thị trường các bản thảo bất hợp pháp.
    2- Cần thành lập các Nhóm truyện tranh trong Nhà xuất bản, mỗi nhóm phụ trách một mảng đề tài riêng biệt, có định hướng giáo dục và chuyên môn, chất lượng, để có thể tạo ra những cuốn truyện tranh hay và hấp dẫn. Việc này bước đầu tất nhiên sẽ hơi tốn kém, nhưng khi các nhóm định hình được phong cách vẽ và đề tài rồi thì đây sẽ là một tài sản vô giá cho Nhà Xuất bản và cho cả Truyện tranh Việt Nam có cơ hội phát triển.
    3- Theo chúng tôi được biết, Khoa đồ họa của ngành Mỹ thuật công nghiệp và Đại học Mỹ thuật có dạy về Vẽ truyện tranh, nhưng còn quá hời hợt và thời lượng quá ít, không đủ cho sinh viên nắm rõ các quy trình xuất bản một cuốn truyện tranh hoặc phân cảnh kịch bản, dựng hình, hậu cảnh để thực hiện. Cần phải tăng cường thêm khâu đào tạo này, may ra có thể tạo nguồn nhân lực để phát triển Truyện tranh Việt Nam mai sau.
Kính thưa Hội nghị,
    Với tâm huyết của một người vẽ truyện tranh lâu năm, nêu lên những ý kiến này, chúng tôi không hề có ý muốn chê trách ai hoặc đả kích một nhà xuất bản nào cả, chúng tôi chỉ muốn nói lên nỗi bức xúc của mình trước thực trạng não lòng của Truyện tranh Việt Nam hiện nay và mong tìm ra lối thoát mà thôi. Kính mong quý vị hãy cùng thảo luận để đưa ra những biện pháp tốt nhất, những phương hướng khả thi nhất hầu cho Truyện Tranh Việt Nam có cơ hội tồn tại trên thị trường năng động và khốc liệt nhất hiện nay. Xin chân thành cám ơn quý vị và kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Sưu tầm