Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: tinhbanvatoi on 29/07/06, 14:26 Return to Full Version

Title: Sao đổi ngôi
Post by: tinhbanvatoi on 29/07/06, 14:26
Sao đổi ngôi
Nguyễn Xuân Hải

Một tháng sau chúng tôi ra tòa. Tòa cố gắng hòa giải, nhưng cả tôi và Lẫm đều ương ngạnh. Đến phần phân chia tài sản, Lẫm chỉ xin một phần nhỏ số tài sản mà vợ chồng tôi đang có, hoặc một số tiền đủ để chuộc lại nửa căn phòng cơ quan chia cho anh ta ngày trước. Tôi chẳng có cách nào khác, đành phải đau xót nhìn năm chục ngàn đôla trong sổ tiết kiệm rơi vào tay Lẫm.

Tôi là một phụ nữ giỏi giang. Họ hàng hai bên nội, ngoại thường khen tôi như vậy. Có lần bà cô ruột còn chỉ vào mặt chồng tôi mà nói rằng: "Cái ngữ cù lần như anh mà không lấy được chị vợ tài giỏi như cháu tôi thì đến kiếp sau cũng chả có cửa cao nhà rộng mà ở". Tôi nghĩ, mọi người nói đúng phóc.


Minh họa của Phạm Minh Hải


Ai ai cũng biết, hồi mới cưới nhau, chúng tôi phải ở một nửa gian phòng của khu tập thể cơ quan. Tất tần tật việc ăn, ngủ, nấu nướng bó gọn trong sáu mét vuông. Nửa còn lại là một đôi vợ chồng trẻ khác. Đêm đến, người nhà này trở mình, nhà bên kia nghe thấy. Lắm đêm, bên kia hú hí, hứng chí cười rinh rích thì hoặc là Lẫm (tên chồng tôi) nằm im không nhúc nhích, hoặc là bỏ ra ngoài hiên hút thuốc. Thành ra, khi vợ chồng nhà kia đã "úp rá" đi chợ rồi mà bụng tôi vẫn lép kẹp như con cá rô đực. Chẳng thể nào cải tạo được cái tính vừa nhát vừa cả nể của Lẫm, tôi quyết định tính kế dời chỗ ở.

Trước khi có sự đồng ý của chồng, tôi đã sang nhà hàng xóm tỉ tê sự lợi hại, hơn thiệt. Cuộc thương lượng của tôi thành công ngoài dự kiến. Nhà hàng xóm đã dốc toàn bộ hầu bao tích cóp gồm ba chỉ vàng và hơn triệu bạc giúp đỡ vợ chồng tôi dời đi để thông phòng. Tôi làm cái sự đã rồi khiến Lẫm bị bất ngờ. Ban đầu Lẫm không đồng ý. Tôi phải nhờ đến bà cô góp lời mãi mới xuôi. Không ngờ chỉ với ba chỉ vàng của nhà hàng xóm và hai chỉ vàng của hồi môn ngày cưới, tôi đã làm một cuộc đổi đời.

Tôi tìm được một cái nhà tận ngoại thành thuộc loại "mua mà như xin". Ngôi nhà vốn là cái lán coi vịt của một ông nghiện rượu, tọa lạc trên đám ruộng méo mó, bắc giáp bãi tha ma, nam giáp vùng sình lầy cỏ mọc lút đầu. Ban đầu chúng tôi cải tạo ngôi nhà bằng cách thay các bức phên thưng bằng tường gạch ba banh, lợp ngói ximăng thay cho những tấm giấy dầu. Sửa sang nhà xong, tôi đón bà cô lên, vừa là để trông nom nhà cửa, vừa giúp việc tăng gia và lấn đất.

Bà cô tôi là người khỏe mạnh, tham lam và nhiệt tình với toan tính mở mang điền thổ của tôi. Chỉ sau hơn một năm, từ mảnh đất ban đầu hơn hai trăm mét vuông, tôi và bà cô đã cơi nới thêm hơn trăm mét nữa. Chồng tôi là người dửng dưng với đất cát, lại chán cái cảnh đi làm xa, nhà hiu hắt, thường tìm cớ ở lại cơ quan mỗi tuần một, hai buổi hoặc xin đi công tác.

Bỗng một ngày kia, người ta về cắm đất xây dựng khu đô thị mới trên cánh đồng chiêm khê mùa thối bên cạnh nhà tôi. Biết tin này, người trong làng ùa ra tranh thủ dựng nhà, trồng cây để có cớ xin tiền đền bù. Vậy là gia đình tôi có đồng minh và ngôi nhà vốn là cái lều vịt bỗng trở nên có giá. Từ sáng đến tối, ôtô, xe máy của những tay buôn bán bất động sản liên tục kéo đến gạ mua ngôi nhà chúng tôi đang ở. Tôi cũng tiếp nhưng chỉ là để thăm dò giá trị của nó để có động cơ tiếp tục mở mang bờ cői.

Cho đến khi khu đô thị mới mọc lên tòa nhà chung cư cao ngất ngưởng đầu tiên thì khu đất của gia đình tôi chiếm giữ đã có tới ngót nghét sáu trăm mét vuông. Chưa hết, tôi còn là người khởi xướng và tham gia đoàn đại biểu của dân sở tại kéo lên Ban quản lý dự án đô thị mới đòi thêm quyền lợi. Ban quản lý dự án đã phải nhượng bộ bằng cách bỏ tiền ra làm đường bê tông, lắp đặt hệ thống cáp điện chiếu sáng, điện thoại, ống nước ngầm đến từng hộ dân xung quanh. Khi đã có cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm vào loại cao cấp, tôi mới quyết định bán đi một nửa diện tích. Phút chốc, vợ chồng tôi trở thành tỷ phú. Ngôi biệt thự nội thất Đức, ngoại thất Pháp do tôi đứng tên chủ hộ, hai chiếc xe @, một cho Lẫm, một cho tôi và cuốn sổ tiết kiệm hơn năm chục ngàn đôla Mỹ đứng tên Lẫm, hoàn toàn là tiền "mỡ nó rán nó" từ cái lều vịt ban đầu.

Nhưng tôi vẫn là người phụ nữ bất hạnh.



Title: Hồi âm: Sao đổi ngôi
Post by: tinhbanvatoi on 29/07/06, 14:27
Từ khi trở thành chủ nhân của ngôi biệt thự, tôi luôn luôn là trung tâm trách móc của cả bên nội lẫn bên ngoại. Thoạt đầu là bà cô ruột của tôi. Một tháng sau khi khánh thành ngôi biệt thự, bà cô tôi từ quê xách lên đôi gà, nói là mừng nhà mới, nhưng thực ra là ngỏ ý muốn xin tiền để sửa sang lại cái nhà ở quê. Ngẫm ra, để có cái biệt thự hôm nay, công của bà cô tôi không phải là nhỏ. Tính sơ sơ thì bà cũng có đến trên dưới hai trăm đêm cùng tôi xe xỉ than, xe đất về lấn đầm. Nhưng khi bà cất lời xin tôi mười triệu thì lập tức tôi nhìn bằng con mắt khác. Cứ cho rằng bà ta giúp tôi hai trăm công, mà công cơm nuôi ở quê là hai mươi ngàn đồng một ngày, thì cũng chỉ được bốn triệu. Sau vài giây như bị điện giật, tôi bỏ lên trên nhà nói là để bàn thêm với chồng, nhưng thực ra là để cho nguôi cơn bực. Sau khi đã tạm hạ hỏa, tôi mở két lấy ba triệu mang xuống đưa cho bà và nói:

- Tiếng là nhà cao cửa rộng thế nhưng chỉ được cái xác ngoài chứ bên trong thì rỗng hoác rồi. Vả lại toàn bộ việc chi tiêu bây giờ đều do nhà cháu quyết hết. Mà cô còn lạ gì tính anh ấy nữa... Cô thông cảm cầm ba triệu, sau này có điều kiện, cháu sẽ...

Bà cô tôi cũng không phải là người vừa. Bà nói xa nói gần đến cái công cùng tôi ăn trộm đất ruộng, xúc trộm xỉ than để lấn cái thổ này. Bà còn tỏ ra thông thạo trong việc tính số đất lấn ấy ra cây, ra chỉ. Người nói đi, kẻ nói lại, ỏm tỏi cả nhà. Chồng tôi ở trên gác vừa bước xuống, chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao đã bị bà cô tôi nói bóng, nói gió, xỉa xói một hồi. Sau khi ném toẹt cọc tiền tung tóe ra nhà, bà cắp nón đứng dậy. Chồng tôi lắp bắp... Hình như anh ấy muốn giữ bà lại để phân bua điều gì đó. Nhưng bà không thčm nghe mà đùng đùng bỏ đi. Ra đến cổng, bà chỉ tay vào mặt Lẫm mà đay nghiến:

- Cái ngữ cù lần như anh mà không lấy được chị vợ tài giỏi như cháu tôi thì đến kiếp sau cũng chả có cửa cao, nhà rộng mà ở.

Lẫm lặng đi như Từ Hải chết đứng. Rồi dường như xấu hổ trước những ánh mắt và đôi tai xoi mói của hàng xóm, chồng tôi bỏ vào nhà, lên phòng riêng đóng cửa suốt cả ngày hôm ấy.

Sau cái đận bà cô ruột tôi muốn "dây máu ăn phần", tôi tiếp tục phải đối phó với đám chị em gái bên chồng. Lần lượt ba bà chị và cô út dẫn con cái lên tham quan cơ ngơi của chúng tôi. Sau những ngày ăn dầm ở dề, hoan hỉ chúc tụng, khen ngợi, họ đưa ra ý kiến: đưa mẹ lên ở cùng vợ chồng tôi. Họ bảo, mẹ ở cùng cậu mợ, vừa là để trông nom nhà cửa vừa là để cùng hưởng chút sung sướng tuổi già. Việc này thì tôi không thể từ chối vì xưa nay bố mẹ phải ở với con trai chứ mấy ai ở với con rể. Rồi chẳng cần vợ chồng tôi chuẩn bị, ngay sau khi đoàn chị em của Lẫm về được năm ngày, cô út đưa luôn mẹ chồng tôi lên.

Từ khi có bà cụ, nhà tôi trở thành trung tâm đưa đón khách ở quê. Hết họ hàng đến hàng xóm, lấy cái cớ lên thăm bà cụ để đi xem phố xá mà không phải lo nơi ăn chốn ở. Cứ mỗi lần tiếp đón một món khách nợ là một lần tôi rã rời chân tay, bải hoải đầu óc. Dồn nén mãi sự bực dọc trong lòng, cuối cùng tôi cũng nói toạc ra với Lẫm:

- Anh xem, lúc mình túng thiếu cơ hàn, chẳng chó nào thčm đoái hoài, chẳng đứa nào thí cho một đồng, một cắc. Vậy mà, sao bỗng dưng bây giờ họ hàng, xóm làng kéo đàn kéo lũ lên đông thế.

Lẫm thủng thẳng trả lời tôi:

- Vậy theo em, nhà mình nên trở lại cái cảnh nghčo hčn xưa để không ai ngó ngàng tới hay là tiếp tục được nở mày nở mặt với quê hương xóm làng như bây giờ?

Tôi điên tiết:

- Có mà tối mày, tối mắt. Mà nói thật lòng nhé, ngay bà cô ruột tôi công lao là thế mà khi toan tính lợi dụng là tôi cắt phéng...

- Và em đã để tiếng ác cho anh. Anh định khi nào rỗi về xin lỗi cô.

- Dẹp cái trò cao đạo ấy đi. Cứ cái đà khách khứa như thế này thì đến của như núi cũng phải hết.

- Vậy theo em anh phải làm gì?

- Anh cứ để tôi. Tôi sẽ nói huỵch toẹt ra rằng đây không phải là nhà trọ, không phải là nhà từ thiện. Phải nuôi một bà mẹ già cũng tốn kém và khốn khổ lắm rồi.

Tôi không ngờ cuộc cãi lộn của vợ chồng tôi hôm ấy, mẹ chồng tôi nghe thấy hết. Nhưng bà không nói ra mà nuốt đau vào lòng một cách nhẫn nhục. Mấy hôm sau, bà nằng nặc đòi về quê. Lẫm vặn hỏi căn nguyên, bà bảo:

- Tôi sống ở quê có con, có cháu, có hàng xóm láng giềng quen rồi. Còn ở đây, dẫu có nhà cao, cửa rộng, ăn sung mặc sướng, nhưng suốt ngày vong vóng một mình, buồn lắm phát bệnh.

Lẫm lựa lời giữ bà ở lại, bà gắt:

- Bao giờ anh chị có cháu, không mời tôi cũng lên.

Câu nói ấy của mẹ chồng tôi đầy hàm ý và động chạm đến nỗi lo hơn một năm nay của tôi.

Chồng tôi lấp lửng:

- Thì mẹ cứ ở đây, năm nay chúng con sẽ cố...

Title: Hồi âm: Sao đổi ngôi
Post by: tinhbanvatoi on 29/07/06, 14:27
Mẹ chồng tôi không nói gì. Nhưng đến tối, khi tôi đang lúi húi ở bếp làm cơm nước thì bà bỏ đi. Suốt đêm, chồng tôi chạy đôn, chạy đáo tìm. Gần sáng mới thấy bà ở góc nhà chờ một bến xe. Ngày hôm sau bà đổ bệnh nằm liệt giường. Sau một tuần chăm sóc mẹ chồng ốm, soi gương, tôi phát hoảng vì sự xuống cấp nhan sắc của mình. Tôi nói với Lẫm phải thuê "Ôsin". Lẫm đồng ý, nhưng lại muốn về quê đón người làng. Lẫm bảo, người làng vừa là chỗ tin tưởng để giao nhà, giao cửa, vừa là để có người thân thuộc trò chuyện để mẹ đỡ buồn.

Chị "Ôsin" do em gái Lẫm dẫn lên hơn chồng tôi một tuổi nhưng trông như một mụ khọm già. Nghe đâu hồi còn bé, Phẩm (tên chị) là bạn chăn trâu với Lẫm. Lớn lên, Phẩm đã nhận trầu cau của một anh bộ đội cùng làng. Nhưng sau lễ ăn hỏi mấy tháng anh bộ đội ấy hy sinh ở biên giới tây nam. Từ ấy đến nay, Phẩm vẫn ở vậy.

Phẩm không chỉ lo việc chăm sóc người ốm mà mọi việc như giặt giũ, nấu nướng, lau cửa, lau nhà, đến việc tưới cây, cho chim, cho cá cảnh ăn... Phẩm đều vơ lấy làm tất. Hình như chị sinh ra chỉ là để làm việc, mà việc gì chị cũng làm rất nhanh, rất chu tất.

Từ khi có chị, mẹ chồng tôi phục hồi sức khỏe từng ngày. Bà vui vẻ hẳn lên và trò chuyện với chị cứ như là con cái trong nhà.Và tôi để ý, chỉ sau hơn ba tháng ở nhà tôi, chính nhan sắc của Phẩm cũng thay đổi. Làn da đen đúa và nhăn nhúm ngày nào của chị đã trở nên mịn màng. Gương mặt của chị ngày thêm đầy đặn, tươi tắn. Cả cái dáng lòng khòng của chị ta cũng biến mất. Hôm chồng tôi mua tặng Phẩm bộ quần áo, chị ta mặc xong, tôi phải giật mình. Phẩm đã lột xác thành một phụ nữ khác, cao ráo, khỏe mạnh và đằm thắm.

Mẹ chồng tôi ngắm chị và khen:

- Trông cháu bây giờ, chả khác thời con gái là mấy... Chứ cái Minh nhà bác, hơn cháu có một tuổi mà trông như mẹ sề.

Chị Phẩm đỏ mặt lí nhí:

- Bác nói thế chứ, được mẹ sề như chị Minh mới là hạnh phúc. Thân phận cháu có nằm mơ cũng chả được.

Rồi chị bỏ xuống nhà bếp. Mẹ tôi nhìn theo, nói với vợ chồng tôi:

- Người cao ráo, óng ả thế là mắn đẻ phải biết. Chỉ tiếc là nhà nghčo, lại mang tiếng là đã có chồng nên nhỡ nhàng đến giờ.

Lẫm cắt ngang:

- Mới ăn hỏi sao đã gọi là đã có chồng được.

Mẹ tôi:

- Khổ, ở nhà quê là thế. Con gái cứ nhận trầu cau của ai đó rồi là đám con trai chúng nó lảng hết.

Lẫm giọng vui vẻ:

- Bây giờ nhà nước đã cho phép phụ nữ không chồng mà vẫn có quyền được sinh con, làm mẹ cơ mà. Chị ấy cứ mạnh dạn xin ai mà đẻ lấy một đứa rồi nuôi có hơn không.

Mẹ tôi cười:

- Ở nhà quê, cánh thợ cày, phó mộc đều con đàn cháu đống rồi. Ai người ta chịu cho. Mà có ai cho, chắc gì đã nhận. Chả ai đẹp trai và tốt như chồng sắp cưới của nó...

Từ sau cuộc trò chuyện ấy, tôi thấy Lẫm trò chuyện với chị Phẩm nhiều hơn. Lại có lần tôi bắt gặp Lẫm đứng rất lâu trên ban công nhìn Phẩm tưới mấy chậu cây cảnh ở trước sân với ánh mắt trìu mến lắm. Lo xa cái sự "lửa gần rơm" giữa Lẫm và Phẩm, tối hôm ấy tôi bàn với Lẫm:

- Bây giờ mẹ đã khỏe, nhà mình chả cần thuê "Ôsin" nữa.

Tôi không ngờ Lẫm phản đối một cách quyết liệt:

- Mẹ đã khỏe nhưng việc nhà lút đầu. Liệu em có cáng đáng nổi không? Hay lại bắt mẹ phải quần quật từ sáng đến tối!

Chuyện không mướn Phẩm làm "Ôsin" cũng là cái cớ để tôi trút tất cả nỗi bực dọc chất chứa bấy lâu. Ban đầu, Lẫm còn giữ thái độ nhường nhịn, bất cần như mọi lần vợ chồng va chạm. Nhưng sau vài câu xóc óc của tôi, anh đã phản công lại. Tôi phát hoảng vì hôm nay anh đã nói toẹt ra rằng, sống với tôi dẫu có cả nhà vàng cũng chẳng có hạnh phúc. Rằng chỉ vì ham làm giàu mà đã hai lần tôi lén đến cơ sở nạo thai chui, tước bỏ quyền làm mẹ của mình để đến bây giờ cứ trơ ra.

Cuộc cãi vã của chúng tôi mỗi lúc thêm ầm ĩ và đã lọt ra ngoài. Ngay sáng hôm sau, cũng giống như cách ứng xử của mẹ chồng tôi hôm trước, chị Phẩm xin về quê với lý do nhớ nhà. Chồng tôi chẳng có cớ gì để giữ Phẩm lại. Nhưng khi Phẩm thu xếp hành lý thì mẹ chồng tôi cũng một mực đòi về. Khi hai người bước ra khỏi cổng, Lẫm lên phòng lấy mũ áo rồi xăm xăm bước theo mà chẳng thčm nói với tôi một lời. Một tuần sau Lẫm mới vác mặt về nhà, nhưng đó là bộ mặt đầy khiêu khích. Tôi điên tiết, trút tất cả những lời cay độc lên đầu anh ta rồi ném toàn bộ đồ đạc, quần áo của anh ta ra ngoài sân. Lẫm không thčm nhặt mà bình thản châm lửa hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Khi tôi không còn lời nào và cũng không còn hơi sức để rỉa rói nữa, Lẫm nhếch mép hỏi:

- Vậy thực ra cô muốn gì và cần gì?

Tôi gào lên:

- Tôi muốn ly dị. Tôi không muốn nhìn thấy cái mặt đần độn của anh nữa!

Lẫm lạnh lùng:

-Vậy cô viết đơn đi.

Tôi lao lên phòng đọc sách. Phải ba lần xé đi những dòng chữ xổ ra trong nỗi uất ức đến tận cổ, tôi mới viết xong được lá đơn. Lẫm không thčm đọc mà ký luôn và nói:

- Dẫu cô có viết gì thì tôi cũng ký. Miễn là sớm để cô khỏi phải nhìn thấy mặt đần độn của tôi.

- Vậy thì ngay từ giờ phút này anh hãy cút ra khỏi nhà này! – Tôi thét lên.

- Phải đợi tòa xử nữa chứ. Nhưng ít ra tôi cũng phải có được một nửa căn phòng như ngày trước. Không có nửa căn phòng ấy tôi biết sống vào đâu?

Một tháng sau chúng tôi ra tòa. Tòa cố gắng hòa giải, nhưng cả tôi và Lẫm đều ương ngạnh. Khi tòa hỏi đến việc phân chia tài sản, Lẫm chỉ xin một phần nhỏ số tài sản mà vợ chồng tôi đang có, hoặc một số tiền đủ để chuộc lại nửa căn phòng cơ quan đã chia cho anh ta ngày trước. Tôi chẳng có cách nào khác, đành phải đau xót nhìn năm chục ngàn đôla trong sổ tiết kiệm rơi vào tay Lẫm.

Ròng rã ba năm từ khi ly dị, tôi không gặp và cũng không muốn quan tâm tới anh ta nữa. Cũng trong ba năm ấy, tôi mới thấy cuộc sống của mình tẻ nhạt và trống rỗng. Những ngày đầu biết tôi là chủ một biệt thự lớn, lại vừa ly dị chồng, một số lão, phần lớn là đã có vợ và tuổi cỡ "đầu" năm, "đầu" sáu tìm đến ve vãn, tán tỉnh. Sợ không giữ được mình, mắc bẫy sẽ mất nhà hoặc sẽ bị mẹ con lũ sư tử cái đến đánh ghen, tôi đành phải về đón bà cô tôi lên ở cùng. Bà cô tôi cũng là người bộc tuệch bộc toạc, chả để ý chuyện ngày xưa, lại nai lưng ra vun vén cho tôi. Biết tôi chỉ còn mỗi khoản lương công chức còm lại quen chi tiêu như các quý phu nhân giàu có, bà cô liền hiến kế:

- Hay là bán quách cái nhà này đi mua vài miếng đất như ngày xưa. Cô còn sức khỏe, cô sẽ lấn thêm. Bán đi lại bộn tiền mà chả phải chia chác cho thằng chồng đù đần nào nữa cả.

Tôi chua chát:

- Buôn đất giờ khó lắm rồi cô ạ. Mà cháu cũng ngoài bốn mươi, nghĩa là đã bước sang cái tuổi toan về già rồi. Nhiều tiền cũng chả để làm gì. Chi bằng bán nhà đi, mua một căn hộ ở chung cư nào đó. Tiền dôi ra đem gửi tiết kiệm dưỡng già.

Và tôi đã làm theo dự định ấy. Cô cháu tôi dọn về căn hộ chín mươi mét vuông, tầng ba của khu chung cư vừa mới xây xong ở phía tây thành phố. Nhưng vừa như bất ngờ, vừa như trời xui đất khiến, hai ngày sau khi chúng tôi dọn về nhà mới, tôi gặp Lẫm ở trong cầu thang máy. Cái làn trên tay anh ta lỉnh kỉnh đồ ăn và sữa cho trẻ con.

Ba năm gặp lại, chẳng thấy vui cũng chẳng còn buồn, tôi hỏi:

- Anh cũng ở đây à...

Lẫm đỏ mặt:

- Ở cách nhà Na một phòng. Hôm qua mẹ tôi trông thấy Na, về nói, tôi định hôm nào sang thăm...

Tôi nhìn xuống cái làn trong tay Lẫm, hỏi trống không:

- Có vợ mới rồi hả?

Lẫm cười, vẫn nụ cười vừa ngây ngô, vừa chân thành mà cách đây mười lăm năm anh ngỏ lời yêu tôi.

- Mẹ bắt tôi phải có cháu nối dői tông đường. Phẩm mới sinh được ba tháng nay, một thằng cu kháu...

Lẫm nói chưa hết câu, tai tôi đã ù đi. Mắt tôi nhòa lệ. Thang máy đã dừng ở tầng ba, tôi không nhấc nổi bước chân. Lẫm toan đưa tay kéo tôi ra nhưng không hiểu sao, lại rụt lại. Thang máy lại tiếp tục chạy lên tầng trên. Một mình tôi trong khoang cầu thang lạnh lẽo. Thang máy dừng lại ở tầng chín. Tôi bước ra ban công mà chẳng biết mình đang ở đâu và sẽ đi đâu. Đêm đã buông tự lúc nào. Những ngôi sao đổi ngôi như sà xuống trước mắt tôi. Thân phận tôi có khác gì ngôi sao vừa biến mất sau vệt sáng cuối cùng kia. Nghĩ về chúng tôi bật khóc.

Theo VNCA