Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: hoatim on 03/05/07, 11:08 Return to Full Version

Title: NHỮNG BÓNG NGƯỜI KHÔNG ĐẦU
Post by: hoatim on 03/05/07, 11:08
sao không hát cho những người còn mãi mê?...

"Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng...". Chị ngồi nhìn con, rươm rướm nước mắt. Đứa bé gái lên năm, kiểng chân nhón gót, chân trước chân sau, đôi tay gầy bé bỏng vươn cao trong nắng sớm. Trông bé như một vũ công nhà nghề ở nhà hát lớn, chị cũng trông lớn lên no được như thế. "Là người xin được một lần nằm xuống, nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ". Nó nhoài người ngã rạp, tay vẫn vươn cao khẩn thiết. Chị xấu hổ, mang tội với con. Sanh nó ra làm chi cho nó khổ. Ở tuổi nó, đáng lý ra nó phải được no cơm ấm áo. Đằng nầy con bé phải bương chải từ sớm đến khuya, lúc bán hàng rong, kẹo bánh gần ga xe lửa, lúc nài nỉ Việt kiều mua đồ kỷ niệm ở phi trường, và lúc này đây hát dạo bên lề đường. Đã nhiều lần chị muốn chấm dứt cho rồi, không còn ý chí và sức mạnh để phấn đấu, để tồn tại ở thế giới nầy. Trái tim của chị đầy rẫy những ưu phiền, tuyệt vọng. Sống để làm gì? Chỉ vì một miếng ăn nho nhỏ nhét vào cái dạ dầy đói rách vào cuối ngày. Từng ngày lại từng ngày. Sống chui nhủi như một loài bò sát, dấu mặt không dám nhìn đồng loại, như một cây ký sinh nhờ gửi vào những cây khác. Mọi người đều xa lánh chị. Ngay cả khi có tiền, muốn mua sắm đồ người ta cũng ruồng rẻ, khinh khi. Chị là một con ăn mày .

1.

Thằng Đức đang chăm chú đứng [em xin lỗi, em là người chửi bậy] ở bìa rừng khi Thái rón rén đến bên cạnh. Giật mình, nín, Đức quay lại khi nghe tiếng bước chân người lết trên lá khô. Thái đến đứng một bên, làm bộ vạch quần, nhưng không [em xin lỗi, em là người chửi bậy], coi bộ lúng ta lúng túng như hồi nó mới lấy vợ. Đức tiếp tục chuyện đang làm, quay ngang hỏi bạn:

- Bộ bí hả?
- Bí thiệt Đức à. Tao muốn hỏi mầy chuyện nầy nghe...

Nó lại ngập ngừng. Từ hồi mới biết nó đến giờ, Đức đã quen cái lối nói ngập ngừng của bạn. Có một dạo nó làm như hết cái tật ấp a ấp úng đó, nhưng gần đây hình như nó lại trở lại cái tật cũ.

- Chuyện gì thì mầy cứ xịt ra đi, tao nghe.

Đức nói, mắt không rời vòi nước đang róc rách trên tàn lá.

- Chuyện thằng Bình...nói, hôm trước...tao nghĩ...
- Mày nói cái gì?

Đức sững sờ quay ngay lại. Dòng nước lia trên đôi dép cụ Hồ của Thái rồi tắt tịt. Nó không buồn nhảy tránh mà cũng không chửi lại. Lần này thì thằng Đức cụt hứng, nín [em xin lỗi, em là người chửi bậy] thật sự.

2.
Chúng nó đến quân trường Quang Trung lúc trời đã xế chiều. Bọn tân binh ùa xuống sân từ những chiếc quân xa Motolova lẫn lộn với những chiếc GMC đỏ bụi đường. Những chiếc quân xa chiếm được của quân đội Cộng Hòa, với cờ đỏ sao vàng được sơn dối trên cửa hông, có lẽ vì thiếu sơn, không đủ che lấp dấu cờ vàng ba sọc đỏ hoặc những ngôi sao trắng mờ mờ ở bên dưới.

Mặc dù đã vào Thu tiết tháng Mười, gần bảy giờ tối mà mặt trời vẫn chưa khuất hẳn, chói chang như đầu mùa Hạ. Đức nhảy xuống đất, uể oải vươn vai, đưa tay che mắt vì ánh nắng chói lòa ở chân trời phía Tây. Con đường từ Sài Gòn đến đây gập ghềnh nhiều ổ gà đã dồng xóc nhừ tử những tên lính mới. Mặt thằng nào thằng nấy lớ ngớ, ngỡ ngàng, cái hồn phất phơ trên chỏm tóc như không hiểu tại sao cái xác của mình lại hiện diện nơi quân trường xa lạ nầy. Mới tháng trước đây bọn chúng hãy còn là học trò, hoang mang bàn cãi nhau khi chiến tranh trở lại sau vài năm "tương đối hòa bình". Bọn bành trướng Trung Quốc từ phương Bắc đe dọa lãnh thổ, bọn cuồng tín Pôn-Pốt, Iên Sary chặt đầu ông bà lão, mổ ruột trẻ thơ, hãm hiếp phụ nữ ở miền Tây. Tin tức được loan đi trên truyền hình, kêu réo trên đài phát thanh, nhai đi nhai lại mỗi sáng đầu chợ cuối xóm. Bọn trong lớp cá nhau, "phe mình" sẽ thắng. Tự dưng cái "phe mình" đã được đổi chủ lúc nào không hay, như coi một phim cao bồi giết da đỏ: khi xưa mình là cao bồi, bây giờ mình là mình là da đỏ. Cái lập trường của đám sinh viên học trò nó bồng bột làm sao, cái bồng bột lửa rơm, nay đổi mai thay như chong chóng.

Có lệnh gọi tập họp. Tân binh hàng một tiến vào sân. Mùi vải của ba lô và quân phục mới lẫn mùi mồ hôi của người đi trước truyền qua người đi sau át cả mùi cay của đất cát sủi lên từ những bước giày vải xô lịch bịch. Vào giữa sân, bọn nhóc được lệnh đổi đội hình, cứ mười người làm một hàng dọc. Kiểm tra quân số, được gần một trăm mạng hiện diện, non một đại đội, tức một "C". C trưởng, một thượng úy, dáng người dong dỏng cao, " ...xin chào đón các đồng chí, các người con yêu của nhân dân, các thành viên mới của quân đội Nhân Dân Việt Nam anh hùng....". Thằng Đức không biết có mấy đứa trong đám xứng đáng với hai chữ "anh hùng" ấy. Có "anh hùng" hay không thì chắc còn phải thử lửa mới biết. Giờ đây, nó nghĩ, cả đám chỉ là những thằng nhát, nhát như cáy, thì đúng hơn. Những thằng có gan mà hèn đã trốn mất tự hôm qua. Sáng thứ bảy sau buổi lễ đưa quân trong tiếng kèn trống tùng xèng do bởi các thiếu niên Tiền Phong và tiếng khóc tỉ tê thút thít của mấy bà mẹ, sau lời phát biểu đầy khẩu hiệu của các đồng chí chính quyền địa phương, và sau khi cờ quạt, biểu ngữ bị cuốn phăng mất, cả bọn được lùa vào phường đội nhốt vào phòng để ngủ qua đêm. Trong lúc bên ngoài công an và phường đội canh phòng cẩn mật những người đi làm nghĩa vụ, có đứa dám nạy cửa sổ, leo hàng rào trốn mất dạng, bỏ lại những thằng nhát gan thức trắng đêm chờ sáng để líu ríu leo lên xe ra quân trường làm "anh hùng" với thiên hạ.

Xong phần diễn văn, bọn lính mới được phân thành "A", các tiểu đội. Đức cùng đồng đội theo A trưởng về trại. Đó là một dãy nhà lợp tôn ở cuối sân được ngăn làm nhiều gian, xây dựng lên bởi quân đội Cộng Hòa cũ. Mỗi A được một phòng, những căn phòng trống, gió lùa từ hai cửa trước thông qua hai cửa sau. Giường cá nhân được kê sát tường, những cái sạp gỗ trên có trải những chiếc chiếu bèo nhèo, cụt cỡn, thiếu thước tất, lòi trơ những miếng ván đen thủi vì đã nhuộm không biết mấy lớp bùn, đất và mồ hôi của những thế hệ lính từ muôn đời kiếp trước. Đức xí một "cái giường" gần cửa ra vào phía sau. Vừa đặt ba lô xuống thì có lệnh tập họp xuống nhà bếp ăn cơm.

Đức biết Thái, hay nói đúng ra cả tiểu đội biết đến "Thái giám" buổi sáng đầu tiên ở quân trường. Cũng tội, với cái thân gầy nhom xương xẩu, đáng lý ra nó phải nhẹ tênh hênh trong gió sớm mới phải, đằng nầy nó nặng nề, ì ạch kéo lê trên sân cỏ. Khi cả trung đội đã chạy xong tám vòng sân, Thái hãy còn ở vòng thứ tư. Nó lì thật, vẫn chạy cho đủ tám vòng không thiếu. Trung đội ra giếng làm vệ sinh cá nhân, vừa hò hét cổ võ Thái đang ở vòng cuối cùng của buổi tập. Nó hổn hển, da mặt trắng bệt, cắt không ra máu, xách lon đến cạnh Đức, lẳng lặng ngồi xuống súc miệng. Được một lúc, nó hớp lại được hồn, trông mặt dễ coi hơn: bạch diện thư sinh, với đôi mắt tròn và sâu, buồn như con gái. Đức gạ chuyện. Thái nói, nó bị bệnh suyễn từ khi còn bé. Giọng nói nhỏ nhắn mềm mại qua vành môi mím, tái xanh, nhẫn nại. Cái nhẫn nại đã quen của một người yếu đuối kinh niên, không than van, không trách oán.

Từ hôm ấy, Đức và Thái làm bạn với nhau thật nhanh vì hoàn cảnh đưa đẩy chúng lại gần nhau. Cũng tại cái tên của chúng nó mà thôi. Chỉ cần vài ngày là cả tiểu đội biết đến cái biệt danh của Đức, "Dukkev". Có thằng làm bộ biết tiếng Liên Xô, thông ngôn cho cả tiểu đội, Dukkev chính là "Đức cốp". Thế đấy, Thái giám và Dukkev là cặp bài trùng mới của tiểu đội. Cả bọn hoan nghênh tán thành việc mai mối nầy. Thái dọn giường đến gần chỗ của Đức ít ngày sau. Thái được phong "giám" là do bởi trò chơi "khám súng". Buổi tối, một bọn chơi nghịch, chụp bao bố từng thằng trong trung đội, đè cổ "khám súng", Thái gọi là "Thái giám" vì, nó chưa trổ mã.

Con đường từ cư xá Thanh Đa, qua cầu Kinh, ra đến đường lộ đổ về phía Hàng Xanh lúc này đông nghẹt xe cộ, từ rạng sáng cho đến một giờ đêm là thường. Đông đến độ người ta phải dùng con đường đá chạy song song với đường cái chính, chạy từ cái chợ xép bên phải cầu Kinh, đổ ra phía cầu Bình Triệu. Con đường những năm về trước chỉ dành cho người đi bộ, nay cũng chật ních xe gắn máy qua lại. Sài gòn tốn mất hai mươi năm mới trở lại được cái thời trước 75. Đâu cũng xe gắn máy, xe đạp rất ít. Ngay cả ngã tư Hàng Xanh, vì xe cộ quá đông, người ta phải xây thêm một cái bùng binh như ở chợ Bến Thành vậy. Nay cả vùng thôn quê Bình Quới đi về phía Thủ Đức cũng không còn là thôn quê nữa. Người ta tu sửa và xây dựng thêm những câu lạc bộ đắt tiền dành cho giai cấp có của. Dọc hai bên đường, nơi mà từng vòng tròn lính nhảy dù rụm lại nổ lựu đạn tự sát hồi 75, quán cà phê đổ ra như nấm, bây giờ là vỉa hè nơi chị đang ngồi nhìn con ca múa. Hồi bằng tuổi nó, chị sống yên ấm với gia đình ở tầng trệt, lô IV của cư xá Thanh Đa bên kia cầu Kinh. Bố chị là Thiếu Tá Pháo Binh. Có lần nghỉ phép bố dẫn chị đi ăn phở, chị tròn mắt nhìn người ăn mày què, gác chân trên nạng, húp vội phần nước lèo còn thừa trong tô phở của chị một cách ngon lành. Bố dặn:

- Con phải thương người nghèo khó.
- Bố ơi, con không muốn như vậy khi con lớn
- Hoàn cảnh cả con ạ.
- Hoàn cảnh là gì hả bố?
- Khi lớn con sẽ hiểu. Bây giờ con ngoan, con học cho giỏi, con sẽ không như vậy .

3.

Thằng Thái mở to mắt nhìn trân trân vào họng súng AK đang chĩa vào giữa trán của nó. Cái họng súng tròn vo, đường rãnh xoáy trôn ốc hun hút, cái vòng tròn dường như lớn dần theo nhịp rung của đầu ruồi lên lên xuống xuống, qua qua lại lại, vạch thành dấu thánh giá giữa hai chân mày của thằng Thái.

- Bắn đi. Xử lý tao đi.

Thái thách thức. Thằng kia tay run run, cọ quậy trên cò súng. Nó biết, chỉ một cái ngoéo tay là đầu thằng Thái sẽ bung ra như trái dừa khô mọng nước, có đìều, không phải là nước. Không được. Họng súng hạ xuống đất, người lính ôm lấy đầu mình:

- Thái ơi mày hại tao. Mày làm tao điên cái đầu.

Từ ngày ra chiến trường tới giờ, Đức chưa khi nào dám bắn ai mà phải nhìn thẳng vào mặt đối tượng cả. Địch quân đã thế, huống hồ gì là chính bạn của mình. Chuyện không đâu mà đưa đến cuộc cãi vã chí tử giữa hai thằng bạn. Thật ra kẻ nói nhiều, nói dai như đỉa là thằng Thái. Nghĩ đến chuyện thằng Thái nói hồi chiều lúc đứng [em xin lỗi, em là người chửi bậy] ở bìa rừng cứ lảng vảng trong óc làm Đức ăn cơm chiều, nuốt không trôi được. Ăn xong, tới phiên gác của nó, Đức kéo bạn ra chỗ vắng, gạn hỏi:

- Còn con Noi, vợ mày?
- Nói bậy, vợ con hồi nào?
- Mày ở với nó...
-...

Thằng Thái im lặng, vân vê chuỗi bùa Kà Tha lủng lẳng trên cổ. Bắp tay nó để trần, thớ thịt xoáy qua xoáy lại, thụt ra thụt vào dưới tay áo xắn cao theo động tác mò mẫn của mười đầu ngón tay. Thêm một chuỗi bùa nữa bằng ngà voi và xương heo rừng mang lúc lắc vòng quanh cổ tay. Đức nhìn. Những cơ thịt bắp rắn chắc hơn là hồi còn ở quân trường. Lúc nầy nó ăn nắng, đen thui như một thằng Miên. Một năm lửa đạn đã đưa nó qua tuổi dậy thì, đẹp trai thêm ra. Không đứa nào dám gọi nó là "giám" nữa. Nhất là từ khi nó "lấy vợ".

Hồi mới tới làng nầy, nó thèm thuốc lá, cái tật mà bọn lính dậy nhau ở quân trường. Ra đơn vị tiếp xúc với bọn "chính quy", bọn lính bổ sung học thêm nhiều điều mới. Tập tễnh với điếu cầy, Đức sinh ghiền thuốc Lào. Có lúc bọn chính quy còn đem trộn rễ và lá cây Hồng Ma, thứ hồng dại hút vào say như thuốc phiện. Họ nói, Hồng Ma ở Miên hút không say bằng thứ Hồng Ma ở rừng Trường Sơn, vì thiếu máu người. Theo kinh nghiệm chỗ nào càng nhiều bộ đội chết, Hồng Ma chỗ ấy hút càng ngon, càng ngọt. Họ ám chỉ chiến trường Kam Pu Chia chẳng qua chỉ là một trò chơi cho đám học trò trung học vừa nứt mắt mà thôi. Đổ máu chưa đủ. Thái lại không thích hút thuốc Lào trộn Hồng Ma, hay có lẽ không thích chuyện bọn chính quy lên mặt về sự tích của cây Hồng Ma, nó tìm đi mua thuốc lá địa phương. Người ta bảo tìm đến con Noi, đưa một trăm đồng riel và nói: "ôn xtra lanh bông tê?". Thế là với nửa tháng lương trong tay, nó lẽo đẽo theo con nầy, tối ngày cứ "ôn xtra lanh bông tê?". Tới một hôm đi lùng địch, nó xông vào buồng con nhỏ lần đầu tiên, lục lọi dưới gậm giường. Ông bố con bé nắm đầu bắt cưới vì nó đã vi phạm tiết hạnh của con gái ổng. Thái vẫn giãy nảy, nó có rờ rẫm gì đâu mà cưới, nó chỉ vào buồng để truy lùng địch! Người Miên có cái tật thù dai, và đeo dai như đỉa. Họ muốn gì thì phải có. Họ thù ai thì người đó phải chết mà thôi. Cha con ông già cứ bám theo nó tối ngày. Họ nói con gái Miên tới tuổi cập kê không được gặp đàn ông con trai. Khi thằng Thái chui xuống gậm giường con Noi, nó đã vi phạm tiết hạnh con gái người ta. Không biết chuyện ngã ngũ ra sao, ít bữa sau tiểu đội thấy Thái mang chuỗi bùa Kà Tha lủng lẳng. Con "vợ" nó thì sáng chiều cứ đem cơm cho nó hoài thôi. Lúc rãnh nó cũng ra ruộng kéo cầy cho gia đình vợ, ra vẻ là rể quý. Hoãn ít bữa anh em hỏi nó, "cái ấy" nó như thế nào, nó lắc đầu nguầy nguậy. Không như hồi ở quân trường có thằng chui hàng rào, băng ruộng đi "ăn chè", lúc về anh em hỏi: "cái ấy" như thế nào. Đương sự chưa kịp trả lời thì Thái đã xoay báng súng CKC, chọc tay vào cái lưỡi gà đậy ống thông hơi, và trả lời "giống cái nầy". Bây giờ, nó lắc đầu lia lịa, không phải như vậy, không phải như vậy. Có điều bây giờ nó đã hiểu, "ôn xtra lanh bông tê" có nghĩa là "em có yêu anh không" ! Khi muốn hỏi cưới một người con gái, người con trai thường đem quà tặng đến người yêu và nói với cô gái, "ôn xtra lanh bông tê?". Kể cũng tội cho bọn lính trẻ, chưa quá hai mươi tuổi đầu, có nhiều thằng chết xuống âm phủ chưa biết chuyện gái trai là gì.

- Tao thấy cuộc chiến tranh nầy phi nghĩa...
- Nói nhỏ nhỏ lại con cầy ạ!
Đức bịt miệng nó. Thái hất cằm, quay mặt cố tránh bàn tay của bạn, tiếp tục như mê sảng:
- Mày thấy mấy thằng chính quy miền Bắc coi. Đổ máu làm anh hùng chống Mỹ cứu nước, để bây giờ vẫn tiếp tục đổ máu. Còn tụi mình, một lũ đi thi hành chính sách "thay đổi màu da trên xác chết", chỉ tiếp tục đổ máu mà thôi. Ít ra thì tụi nó còn được mang danh "giải phóng dân tộc". Còn tụi mình, "giải phóng" ai đây? Mày không thấy tụi nó vẫn "công thần" hay sao. Coi tụi mình bằng rác. Họ là ai? Chỉ lớn hơn mình đôi ba tuổi là đã nằm vào thế hệ đi trước. Kẻ đi trước bao giờ cũng mù quáng về những hào quang mà họ nghĩ là của họ tạo ra, cho dù thứ hào quang ấy chỉ là một lớp sơn mạ, lớp phấn son được nhồi thoa lên những xác chết mà thôi. Họ đem cái hào quang ấy để lòe mắt lớp đàn em. Được những gì? Chiến tranh. Bi thảm. Nghèo đói.

- Mày im đi Thái ạ. Mày nói sảng. Tầm bậy. Mày lậm bùa ngải của con vợ mày rồi.

Bọn trong trung đội kháo nhau rằng con nhỏ Noi có máu Chàm, bùa ngải ghê gớm lắm. Tổ tiên của con Noi là người Chiêm Thành chạy loạn từ đất Đồ Bàn qua tận Biển Hồ Tông Lê Sap thời thế kỷ 16, 17 khi người Việt đánh chiếm Chiêm Thành. "Lấy vợ" được ít tháng, thằng Thái như bị đồng hóa, nó phát biểu, có lẽ nó có máu Chàm, do bởi nó người Đà Nẵng. Biết đâu kiếp trước tình duyên của nó và con Noi dang dở, cho nên kiếp này...

- Tao không mê. Chỉ có mày mê. Mày nói tao lậm bùa. Còn mày? Mày nghĩ cái hai sao chằn trên cầu vai của mày sẽ là thứ bùa hộ mạng cho mày hay sao? Tao suy nghĩ rất nhiều về những điều tao nói. Mày coi, tao chỉ tội nghiệp cho mấy thằng miền Bắc. Tụi nó cũng như mình thôi. Lính khố, chân trần, thời nào cũng khổ như nhau cả. Đầu đen máu đỏ cả thôi. Mày nhớ hôm tết dưới chiến hào, tao hát nhạc vàng, bài "Xuân Này Con Không Về" hay không? Thằng nào cũng rơm rớm nước mắt.

Thằng Thái thích hát với hò. Hôm ra đơn vị, anh em lại tập họp bên lửa trại, đàn ca. Diễn văn và khẩu hiệu bên ánh lửa. Hội nghị Diên Hồng. Ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Thế ta là thế đứng trên đấu thù..v.v...Coi khí thế hào hùng lắm, làm những thằng nhát gan như thằng Đức bớt sợ. Thái chơi đàn gió, rất hay. Đêm ấy, không riêng gì Đức mà cả đại đội mê mẩn với tiếng hát cao vút chưa bể tiếng hòa với tiếng đàn điêu luyện của Thái. Câu hát vô tình, đã quyết định số phận của Thái sau nầy.

"Ôi mỗi bát canh chua đỡ quãng đường vất vả,
Một nắm rau rừng nầy ủ kín yêu thương,
Với nắm gạo rang, đường ra chiến trận. Ôi tất cả tâm tình đi nhớ mải,
Nổi lửa lên em, nổi lửa lên em,
Ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trận đánh núi rừng xanh dồn dập bước quân hành..."

Đức ngồi bó gối nhìn trời sao, ngày mai nó sẽ vào trận đánh, vào trò chơi lớn với núi rừng xanh. Đức không ngờ thằng ấy đa tài đến thế. Nó học nhạc từ mấy cha cố đạo. Thái trước học ở trường dòng, sém chút nữa vào chủng viện đi tu, nếu không có giải phóng vào. Cái đàn gió, do người đại đội trưởng trao lại. Anh kể, cái đàn ấy của một người đi B, chết buổi sáng đầu tiên của ngày hòa bình bên dốc cầu Phan Thanh Giản, lúc vào Sài Gòn. Anh định mang cái đàn ấy về trao cho hôn thê của người đã khuất. Nhưng biết cô ấy có còn chờ đợi hay không. Biết Thái thích chơi đàn, anh bảo cứ giữ lấy mà dùng. Những buổi tối, tiểu đội chụm lại nấu chè, Thái kéo đàn, những ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn thành thạo. Đức không rõ Thái học đàn có khó nhọc như nó học ném lựu đạn hay không. Hôm tập ném lựu đạn, Thái luống cuống kéo kíp nổ, nó sợ đến độ quăng trái lựu đạn không quá 5 thước. May, có bức tường ngăn bảo vệ. Một lần Đức bảo Thái dạy cho mình chơi đàn, nó sẽ đền cho bạn hai điếu thuốc Điện Biên, Thái giận Đức mấy bữa. Khi Đức xin lỗi, nó bảo: "Thích thì tao dậy cho, còn thuốc của mày tao không cần". Thằng Đức hối hận, mình đã đánh giá bạn quá rẻ. Ra đơn vị, Thái bạo gan hát nhạc vàng, từ những "rừng lá xanh xanh che phủ đường đi..." cho đến "phố núi cao phố núi đầy sương.." v.v... Cũng như chuyện cấm hút Hồng Ma, bọn sĩ quan lúc đầu cấm đoán nhạc lính...ngụy, rồi cũng lờ đi vì chính sĩ quan, có người khóc sướt mướt khi nghe Thái hát. Họ, những "người giải phóng quân một lòng ra đi" chiến trường B đã lâu mà có "'biết đâu ngày trở về..." Khi nào sẽ trở về, họ làm sao biết?

- Mày nhớ thằng tiểu đội trưởng cũ của mình, cái chức mà mày đang làm, hôm đi về Bắc ôm ấp một xấp vải lụa làm quà cho vợ, một con búp bế cho con, gói ghém trong cái ba lô rách ten beng thấy có tội không? Hạt giống chiến tranh đã được chuyền qua mày, qua tao. Cuộc chiến tranh này sẽ còn tiếp diễn, cho dù đó là một cuộc chiến bỏ quên đối với thế giới bên ngoài. Đến khi nào? Mày nghĩ lại đi.

Nghĩ lại đi. Một tiểu đội trưởng Khối ngây ngô. Ngây ngô đến tội nghiệp, người anh hùng "sinh Bắc tử Nam". Một hôm tập họp anh em lúc hai giờ sáng để "hành quân đêm", tiểu đội trưởng Khối, với giọng Nghệ An đặc sệt:
- Các đồng chí đã chuẩn bị súng ống đầy đủ chưa?
Hiểu ý, cả tiểu đội răm rắp trả lời:
-Đủ, đồng chí!
Dĩ nhiên, cũng với giọng Nghệ An, đặc sệt. Trước sự ngơ ngác, có phần hân hoan của Khối, anh em "miền Nam" ôm bụng lăn quay ra sân cười nứt nẻ. Khối cười theo, thành thật. Lúc hiểu ra, Khối không giận anh em chút nào cả. Hôm được giải ngũ, Khối ôm từng người trong trung đội, bịn rịn.

- Mày có tư tưởng tiểu tư sản, thoái hóa...
- Không. Mày ngu...Nhưng không tao không trách mày. Mày chỉ là một con người trong một chế độ. Một con ốc trên bánh xe bò kéo lê trên đường đầy ổ gà chằng chịt.
Thằng Đức cảm thấy dòng máu nóng như ùn un trào dâng lên khỏi cổ, ngập lụt cả mặt mày. Nó giương khẩu súng AK, lên đạn, dí nòng súng vào đầu Thái.
- Mày sẽ báo cáo với trên? Cứ báo...

Đức buông súng, ôm đầu:
- Mày làm tao khó xử. Tao chỉ lo cho mày. Mày chết, có chó nó thương mày con cầy ạ...

Chị đã nghe lời bố dặn dò, chị đã học thật giỏi. Cho đến ngày mẹ chị khóc sướt mướt khi một người lính gõ cửa trao cho mẹ cái ví và chiếc đồng hồ của bố. Đó là ngày Ban Mê Thuột mất. Chị không hiểu Ban Mê Thuột mất nghĩa là gì, nhưng chị biết, chị mất bố. Bố tự bắn vào đầu, sau khi dặn dò người lính đem đồ về cho mẹ.

Rồi chị lớn, chị đi Thanh Niên Xung Phong. Lý lịch của chị không đủ cho chị vào đại học. Mà lý lịch có sạch sẽ hơn tí thì cũng vào bộ đội mà thôi. Chị đi dân công chiến trường Kam Pu Chia. Như hàng trăm ngàn thanh niên phục vụ chiến trường Kam Pu Chia, không mất mạng thì cũng một phần thân thể, chị đã để lại ở đất khách đôi chân, trên cánh đồng hoang đầy mìn bẫy. Tàn tật, chị không dám về Sài Gòn, lây lất ở Nam Vang cho đến ngày được tin mẹ mất. Ở Miên, người Việt mình là thứ công dân hạng hai, chịu mọi sự chèn ép, giết tróc từ phía chính quyền lẫn người dân Miên, trong khi nhà nước mình đã "bán cái", "đem con bỏ chợ". Họ bảo nhau, những người Việt như chị được chính quyền Việt Nam cài lại để làm gián điệp, để đồng hóa dân tộc Khmer, để thực hiện Liên Bang Đông Dương. Ở Miên, cũng như ở mọi nơi trên thế giới, ăn mày bị người ta khinh rẻ. Họ không chấp nhận một lý do ngụy biện nào. Vì ở Miên người què cụt vì mìn vì bị Khmer đỏ tra tấn quá nhiều. Ở Miên, chị đã chán ngấy mấy chữ "ky-um chhum-pi-ka": tôi là người què cụt. Chúng như những tiếng sấm, tiếng sét, nện vào đầu chị từ mọi hướng. Tai của chị điếc, mắt của chị lòa, cổ họng của chị siết lại, và cơn đau tim trào lên từng hồi trong lồng ngực .

4.

Buổi tối về lán, Đức nằm trăn trở tự hỏi, mình có phải là một thằng sát nhân chuyên nghiệp hay không? Không. Đức chỉ là một chiến sĩ gương mẫu của quân đội nhân dân mà. Chưa tròn một tuổi lính nó đã đóng lon hạ sĩ tiểu đội trưởng, được kết nạp vào Đoàn, vào cảm tình Đảng. Tháng tới trên hứa là nó sẽ được gửi đi học trường sĩ quan Hòa Cầm, Đà Nẵng. Sẽ được lên Thiếu Úy. Nó đi làm nghĩa vụ giải phóng dân tộc anh em thoát khỏi chế độ diệt chủng, bọn cuồng tín Pôn Pốt Iên Sari, bọn sát nhân. Có yêu thương thì phải có căm thù. Có cứu thì phải có giết. Có xây dựng thì phải có đập phá trước. Người ta dạy như thế. Nó có lỗi gì trong cuộc chiến tranh nầy? Còn những thằng đồng đội, có bao giờ suy nghĩ nhiều như nó không nhỉ? Cuộc chiến đã làm bọn nó già đi rất nhiều. Tuy vậy rất ít thằng sâu sắc như thằng Thái. Phần nhiều, chỉ đâu đánh đó, không thắc mắc.

Thằng Chiến là một trường hợp ngoại lệ.

Đức còn nhớ đứa con gái Miên giữ ổ thượng liên, bị lựu đạn nát cả đùi. Giương súng. Khoảng cách chỉ hơn ba thước. Nhắm ngay thắt lưng. Bóp cò. Khoảng cách chỉ hơn ba thước. Đức bắn trật. Tệ. Tệ hơn cả thằng Thái hồi ở quân trường nữa. Đức biết mình bắn trật vì nó còn nghe tiếng rên của con bé đến cả tuần sau. Cũng tại ánh mắt của nó. Tại ánh mắt của nó. Phải chi, nó quên gài chốt liên thanh như thằng Thái hồi còn ở quân trường, lia cho con nhỏ một băng, làm phước, thì có hơn hay không? Cũng may, thằng Chiến trong đội trinh sát, đến kịp thời, với lối bắn tàn độc của nó. Bóp cò xong, Chiến kéo Đức đến khám xác con bé. Cằm của nó trúng đạn văng mất tiêu. Chiến vạch ngực con nhỏ, da ngực trắng ngần, còn lên xuống thoi thóp. Khá trắng cho một cô gái Miên, có lẽ tại mất máu, và, đầu vú của nó, chưa nhú, lung lay. Cái xác đứa con gái cố vin vào sự sống như con gián cồ bị đạp nát đầu, ruột be bét, chân cẳng gãy cong queo, vẫn còn mò mẫn lê lết trên sàn, bò về phía bên nầy, lằn ranh của sự sống.

Mặc cho Đức nôn ọe, thằng Chiến quay lưng:

- Thêm một cái đầu!.

Một hôm, Chiến kể:

-Tụi bây biết hông, tao dí súng "dô" miệng nó. Nó la bai bãi. Nó nói tía gì Đ.M. nó, tao đâu biết. Nó lạy tao tha cho nó. Tụi bây biết hông?
- Mày tha cho nó?
- Không. Tao "bắng" nó "chớt". Tao "bắng dô" mặt nó. Tao nghĩ đến mấy thằng mình bị tụi nó cáp duồn, mổ bụng, treo lên cây. Tao bóp cò. Máu nó phọt trong bàn tay tao. Tao thấy "xướng" trong "guột".

Chiến cười sặc sụa như thằng điên. Đầu nó cao hơn mũi súng tí xíu. Vành nón tai bèo phủ xuống mặt, rung rinh, chỉ thấy hàm răng trắng ỡn, với vành môi thâm, nước da đen dòn. Có lẽ đen hơn thằng Miên mà Chiến đã cho ăn kẹo. Chuyện kể, Chiến đi tìm một đồng đội lính trinh sát đã mất tích hơn mấy ngày. Ở đây, mất tích thường được xem là chết. Thứ lính trinh sát dễ chết yểu lắm. Đức đã từng thấy một thằng trinh sát đạp mìn, xác vỡ ra bay tung tóe như pháo tết. Lần nầy thằng bạn của Chiến cũng không toàn thây, ở một góc rừng hẻo lánh, cây vạc nhọn xiên vào đít, ruột đổ lòng thòng trồi ra khỏi thành bụng khoét toang hoác bằng lưỡi lê, đầu lâu còn đội nón cối lăn lóc trên xác lá. Dưới gốc cây đa, hai thằng Miên chụm củi nướng trui lá gan còn tươi rói. Chiến nổ súng bắn chết một thằng, thằng còn lại bị què giò, van lạy Chiến. Kể ra thằng Chiến còn nhân đạo, không hành hạ kẻ thù. Cũng lạ, đáng lý ra Chiến phải hiền lắm hiền hơn bây giờ mới phải. Nó người Tây Ninh, nhà gần rừng cao su Trà Võ. Hồi trung đoàn còn đóng ở Tây Ninh trước Giáng Sinh 78, Đức biết người dân ở đó. Hiền hòa, mẫu mực như những địa danh mà họ đặt cho những làng xã địa phương: Thiện Ngôn, Khiêm Hạnh, Hiếu Thiện...Hầu hết người Tây Ninh theo đạo, ăn chay trường, không dám giết một con kiến chớ nói gì đến sinh mạng con người. Đức nghe kể, giặc tràn qua biên giới đốt nhà chặt đầu cha mẹ và mổ ruột em gái nó. Nó đi tìm đầu của cha mẹ nó để chôn cất, tìm hoài mà không được, đành chôn những xái xác không đầu. Từ đó, nó nổi điên. Vào bộ đội, nó có lối bắn súng kỳ lạ, hơi tàn bạo, chỉ bắn vào đầu kẻ địch. Khi nào bắn trúng, nó thường hay lẩm bẩm:

- " Thêm một cái đầu!"

Kể từ hôm bắn hụt, đã nhiều lần Đức quay ngược nòng súng, mở to mắt nhìn xuống đường xoáy trôn ốc, chỉ để nghe tiếng đứa con gái rên rỉ réo gọi từ phía bên kia cò súng. Có lẽ như Đức, thằng Chiến đã thấy cái gì đó vẫy gọi nó từ phía bên kia cò súng, khi nó tự bóp cò vào miệng hôm tháng rồi. Và, như mọi khi, nó để lại mảnh giấy móc trên nòng súng:

- " Thêm một cái đầu!".

Cái đầu, cuối cùng, của Chiến. Bộ sưu tập đã hoàn tất. Một dòng chữ nhỏ trong những trang sử đẫm máu. Những cuốn sử với những cái bìa được sơn son thếp vàng để che đậy đi cái màu máu của những chém giết dã man, đã nhuộm đẫm từ trang sử nầy đến trang sử kia. Giọt máu oan cừu của con rắn Thị Lộ không chỉ làm cho ba họ nhà Nguyễn Trãi mất đầu, mà cả ba trăm họ về sau nữa. Máu của thế hệ nầy qua thế hệ khác, tiếp tục. Máu và thây người đổ càng nhiều thì chiến thắng càng vinh quang. Cứ chém giết thêm nữa đi để được suy tôn thần thánh.

Vâng, nó, chính nó đang trở thành kẻ sát nhân chuyên nghiệp. Chữ "nhân" trong "nhân loại" đã bị sát hại. Bởi chính nó. Thằng Thái có cái lý của nó. Thằng Đức, và lũ bạn của nó cũng đang làm lịch sử. Những trang sử bỏ quên.

Đức thiếp đi trong tiếng gió lùa qua mái lá như tiếng rú của những oan hồn uổng tử từ muôn ngàn kiếp trước trở về réo gọi. Nó nằm mơ thấy mình đi qua một con suối nổi lềnh bềnh những đầu lâu. Nó dẫm lên một cái đầu lâu, lúc nhìn xuống, nó nhìn thấy cái đầu của chính mình đang nhìn mình trân trân. Khiếp sợ, Đức hét lên khi thằng Thái vạch mùng chui vào. Hai thằng ôm nhau ngũ khò, không như mọi lần khác, dưới chiến hào, ôm nhau, mà sợ chết.


5.

Hôm ấy dù trời kéo mây đen kịt, khi nghe chiếc xe vận tải của thằng Bình rền rĩ đầu rừng anh em chạy ào ra đón nó như một anh hùng, như con chờ mẹ mang quà về từ chợ. Thằng Bình xứng đáng là "bà nội" nuôi của anh em. Cứ độ một tháng, Bình lại lái xe từ dưới thành đem lương thực, thư từ lên tiếp tế cho anh em, chả mừng sao được.

Ở đây miền rừng núi, xa biển, gần nhất là Biển Hồ Tông Lê Sáp mà cũng là xa, anh em thèm nhất là...nước mắm. Ôi cái mùi nước mắm ngọt ngào, làm anh em nhỏ dãi mỗi khi nghe tiếng còi xe của Bình từ đàng xa vọng lại. Hết nước mắm bọn lính phải rang gạo khô cho cháy đen, đem trộn với nước muối dùng thế...nước mắm. Có lúc, muối cũng không.

Hôm ấy giao hàng xong, Bình vào bếp xin lửa hút thuốc, gặp Thái và Đức.

Thằng Thái làm anh nuôi cho trung đội từ hôm mới đến làng Pursat. Hôm đó, khi đoàn xe vừa dừng lại, một số người Miên cởi xe đạp, liệng vào trong quân xa những quả bom xăng tự chế, rồi bỏ chạy. Trong lúc đồng đội đang tán loạn, xô đẩy nhau, Thái nhảy khỏi lòng xe với khẩu CKC. Nó ưa xài CKC vì tay đòn súng dài và nặng hơn AK, bắn ít giật. Thái quỳ xuống ngay giữa lòng con đường hẻm, nâng súng, nhắm, và bóp cò hai phát một. Lối bắn của những tay xạ thủ chuyên nghiệp, luôn luôn bắn hai phát một để cầm chắc việc hạ thủ kẻ địch, trong hai viên thế nào cũng dính một. Từ đằng xa, khá xa, non hai trăm thước, người ta có thể nhìn thấy một người cởi xe lảo đảo. Chiếc xe chao qua, chao lại, ngoằn ngoèo, rồi ngã rạp xuống mặt đường.

Độ rầy, thằng Thái bắn súng khá giỏi, chả bù với lúc ở quân trường. Hồi đó cả đại đội dành rất nhiều thì giờ cho việc tập nhắm. Sáng tinh sương. Trưa nắng chang chang. Thước ngắm ba, cự ly một trăm mét, thời gian không hạn chế, đầu ruồi ngay thắt lưng, đạn sẽ vào tim kẻ địch, cứ thế mà ngắm, còn đạn thì không. Nhắm đến tối, đến chiều. Nhắm cho đến khi mờ mắt mới thôi. Nhắm cho đến khi hàng chữ : "Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu" sơn ở trên vách tường, ở cuối bãi bắn, trở thành nhòe nhoẹt, mới thôi. Mải, cho đến ngày thi, được phát ba viên đạn thật, thằng nào thằng ấy mừng và sợ đến run. Run nhất lại chính là thằng...Thái. Sau khi nạp đạn, cu cậu quên không bật chốt liên thanh qua phát một, lúc bóp cò, đạn nổ rền bên tai, súng giật ngược lên trời, ba viên đi tìm chim không đầy một giây tích tắc. Một viên có lẽ bay vô hàng chữ " một viên đạn là một quân thù " ở phía tường bên trái. Tội nghiệp, lúc huấn luyện viên đến chỗ Thái, hắn sợ đến...bắn nước [em xin lỗi, em là người chửi bậy] ra cả bãi nằm! Coi vậy nhưng Thái rất lì. Khi được phát ba viên đạn khác, hắn nằm lì cả giờ mới bắn xong ba viên. Thời gian không hạn chế cơ mà. Cả ba đều trúng hồng tâm! Sau nầy ra đơn vị, cả trung đội không thiếu chất thịt cũng nhờ tài săn bắn của Thái.

Trong khi đồng đội hoan nghênh tài thiện xạ của nó, Thái băn khoăn, bẻ ngón tay rộp rộp cả buổi chiều, thở ngắn thở dài cả đêm. Không phải vì lời khiển trách nhẹ của trên về hành động "anh hùng cá nhân", làm mất lòng nhân dân địa phương, vì một lý do khác. Người bị bắn chỉ là một đứa bé con, mười ba mười bốn tuổi gì đó. Máu thằng bé chưa đỏ, hãy còn trong vắt, trong như hổ phách, đổ lênh láng, thấm ướt cả vành bánh xe đạp méo mó, chơi vơi trên mặt đường.

Tuần sau, sự ray rứt của Thái càng tăng dần khi đơn vị đi qua trường trung học Tuol Seng nơi mà hằng vạn người dân Khmer bị xử tử tập thể vô tội vạ trong những năm đầu dưới chế độ Pôn Pot. Đến Battambang, nhân chuyện người anh nuôi cũ được giải ngũ, Thái xin làm anh nuôi mới cho toàn trung đội. Nó không muốn cầm súng nữa. Nếu có, từ nay chỉ bắn khỉ chứ không bắn người .

Khi Bình bước vào bếp, Đức đang phụ Thái quét sạch soong chảo. Những cái chảo thật to mà tuyền là bo bo và khoai mì, ăn không đủ no. Đức nhớ chuyện người lính nhảy dù ở gần nhà kể chuyện ăn cơm quân trường. Anh kể cơm ở quân trường khổ lắm chỉ có gạo và cá khô, người ta phải trộn vitamin B1 để tránh phù thũng. Vậy mà lính nhảy dù, thằng nào thằng đó cũng đô con. Nghĩ lại bây giờ Đức không biết nó có đô con nỗi không khi mà cơm chẳng có, cá khô cũng chẳng còn, đừng nói chi đến vitamin B1. Về sau từng đứa trong trung đội trông chờ cấp dưỡng "mì gói ăn liều" như những bữa ăn thịnh soạn.

Thái rút cây củi đang cháy trong bếp đưa cho Bình. Đức buông chổi nhìn người tài xế đón lấy ngọn lửa, lẳng lặng ra ngồi ở hàng hiên mồi thuốc. Hắn ngồi xổm trên nền đất, lặng lẽ kéo liên tu đôi ba điếu thuốc, cho đến khi trời chuyển mưa, Đức phải giục:

- Này, vào đây kẻo mưa ướt bác tài ơi.

Gọi người tài xế trẻ bằng "bác tài", Đức thấy tức cười. Bình như hiểu ý, đáp lại, giọng Nam Kỳ đặc sệt:

- Không sao cháu, bác dô liền hà.

Nó nhảy trở lại vào trong bếp, tay phủi bụi mưa trên ngực áo. Phủi thật mạnh, gần rớt cái ngôi sao vàng trên cổ áo bạc màu.
- Này, trước ở đâu?
- Sài Gòn chớ đâu!
- Trường nào?
- Vạn Hạnh, còn tụi bây?
- Tổng Hợp.

Đức đáp lại, quay qua Thái sẵn đà giới thiệu:

- Thằng nầy, Thái, LaSan Taberd.

Cũng tội cho nhau, toàn là dân tốt nghiệp trung học hoặc đang dang dở đại học mà giờ đây toàn là binh nhì với binh nhất. Thời trước, không Đà Lạt thì cũng Thủ Đức. Gặp nhau đây không có gì mời, Đức trèo lên thành bếp, rút gói thuốc Lào Hồng Ma giấu sau tấm phên chắn gió. Gặp bạn mới, thằng Thái phá giới. Ba thằng ngồi chuyền tay nhau điếu cầy khi trời mưa nặng hạt trên mái lá.

- Mùa mưa đã đến. Điệu nầy tụi Miên sẽ quậy dữ. Bộ đội mình sẽ chết nhiều hơn nữa. Chết rỉ rã cho tới khi mình phản công vào mùa khô mới thôi.

Mùa mưa thì lính chết rỉ rã, rỉ rã theo từng cơn mưa, lúc nhiều, lúc ít tùy theo nhịp độ của thời tiết và những trận tấn công của địch, quân ta co cụm cố thủ. Mùa khô, ta pháo dập, pháo qua bên kia biên giới, pháo vào những vị trí cố thủ của địch, có khi lẫn lộn cả với thường dân tị nạn nằm trong vòng kiểm soát của bọn Miên Đỏ. Biết làm sao. Tính nhẩm từ hồi vưưỡt biên giới Miên Việt hồi Giáng Sinh tới bây giờ con số lính chết cũng mươi vạn.

- Khô hay nắng, lính chết cứ chết.

Bình ném tầm nhìn vào đám khói bên kia bìa rừng, lo ngại tiên đoán. Thực sự ra không phải là lời tiên đoán, mà là kinh nghiệm của bản thân. Nhờ biết lái xe số, nó được xung vào đội xe tải. Khi chở lương thực, lúc vũ khí tiếp liệu, lính bị thương, lính sống, và cả lính chết. Có khi mọi thứ cùng một lúc. Mùa mưa xe tải ì ạch nặng thêm vì xác lính.



6.

Hai thằng mò mẫn trong cái khoảnh rừng ấy đã hơn hai ngày rồi. Lúc cùng đơn vị truy kích địch, quãng đường rừng không đài và âm u như bây giờ. Ngày leo lên cây, vô bụi để tìm chỗ ngủ đợi đêm xuống mới lò dò đi. Trời sao chẳng thương người lành, mấy hôm nay ổng đổ mưa um sùm. Buổi tối, mây đem vần vũ, thấy đường thấy sá đâu mà đi. Đi hai bữa lại "quay về chốn cũ". Giờ nầy, trong cái góc rừng quạnh quẽ nầy, hai thằng vừa đói vừa lạnh. Thằng đi trước, hục hặc quơ cái mã tấu, phạt những bụi gai góc chằng chịt, mở đường, vô vọng. Hướng xa không biết thì đường gần có nghĩa gì đâu. Nó thọc mũi dao vào một bụi cây, cằn nhằn:

- Vây mà mày cứ khoe là đã từng đi Hướng Đạo, có bằng rừng bằng rú. Mày nói mày có thể mò rêu ở gốc cây để tìm hướng, bên khô là hướng mặt trời mọc, bên ướt là phía mặt trời lặn. Tao không hiểu mày giỏi mò cái gì...

- Mưa quá mạng bên nào cũng ướt nhẹp như nhau làm sao biết cho được. Mà ai chặt tre lồ ô, tránh thuốc độc, cho mày uống nước để mày lên giọng chửi tao.

Thằng đi đàng sau quay đầu dáo dác nhìn quanh. Thình lình nó chuyển khẩu súng từ tay mặt sang tay trái, tự tát vào mặt mình cái bốp:

- Đ.M. muỗi với kiến.

Muỗi với kiến, con nào cũng to như nhau, to như con ong bầu lận. Lũ muỗi chờ mưa rừng hơi ngớt khi trời chạng vạng tối, ùa ra o e như ong vỡ tổ. Còn kiến, lũ kiến vàng, kiến đen, người ta kể có thể tha cả xác bộ đội xềnh xệch trên lớp lá mục. Thằng cầm súng sốt ruột lên đạn như thể nó có thể bắn tan xác đám muỗi rừng dã man ấy.

- Biết vậy tao ở lại trong lán có sướng hơn không?
- Ai biểu mày đi theo tao làm chi.
- Tao đã bảo làm sao được, không phải thời trước "cáp duồn" nữa đâu...Mày không thấy mấy thằng tháng trước hay sao?

Cằn nhằn. Thời trước "cáp duồn", trước trận giải phóng Nam Vang hồi tháng giêng 79, trung đoàn còn ở Gò Dầu Hạ, Tây Ninh, trong khi các trại lính của sư đoàn 25 bộ binh quân đội Cộng Hòa được dùng làm trại cải tạo, bộ đội lại đóng quân lây lất ở ngoài Trãng, nhiều thằng bỏ trốn khá dễ dàng. Có thằng không dám men theo đường quốc lộ 15 mà cứ len lỏi trong rừng bốn năm ngày, đi đã, lạc đường, mò trở lại đơn vị. Mấy trự đào ngũ hụt chỉ bị khiển trách bằng phê và tự phê vài ngày, rồi thôi. Đối với bọn bộ đội " bất đắc dĩ ", thằng nào chuồn được là mừng cho thằng đó. Năm đó, có một thằng giả đò đau bao tử, không chịu ăn uống gì cả. Cả bọn "ngụy" miền Nam, ai cũng biết chuyện nầy nhưng giấu nhẹm. Chính cả bọn để dành cơm cho thằng ấy ăn ban đêm. Ban ngày nó cứ tuồng cũ, ôm bụng la lối om sòm. Nhức đầu, bọn y sĩ tiểu đoàn họp lại, ký giấy cho anh chàng giải ngũ. Ở đây, đơn vị chỉ cách biên giới Thái Lan hơn hai ngày đường bộ. Thêm một ngày về hướng Tây Bắc là sẽ đến trại tị nạn Khao-I-Dang. Hôm tháng trước truy kích địch có lần bộ đội vượt biên giới Thái, đánh vào Poipet, chạm súng với lính Thái Lan, lại được lịnh rút lui. Sau trận đó nhiều thằng tự dưng mất tích. Tìm lại họ không khó. Họ chỉ là những cái xác chương sình bị xiên bởi những cành cây vạc nhọn cắm dọc đường rừng. Ruột đổ lòng thòng, ròi bọ lúc nhúc. Có xác còn đầu, có cái không. Có thằng còn giữ được cái đầu lặt lìa, cổ họng bị rạch đến mang tai. Có điều quạ, kiến chia phần rỉa mất mắt mũi tai. Những hố mắt sâu hoắm đóng rêu. Bọn Miên Đỏ không dám tấn công các đại đơn vị, để khủng hoảng tinh thần địch, chúng đặt mìn, đặt bẫy, phục kích bắn hạ những thằng bộ đội đi lẻ, như thú săn mồi. Đức còn nghe đồn, số bộ đội còn lại chạy qua bên kia biên giới cũng bị tụi Thái bắt giữ, đối xử tàn mạt như những tù tội phạm chiến tranh. Từ đó chuyện đào ngũ không ai muốn bàn đến, chính thức hay không chính thức. Tuyệt.

- Mày có chắc thằng Bình nói cái gì không?
- Nó hứa... chỗ nầy mà.

Đứa cầm dao im lặng. Nó khụt khịt đánh mùi, mùi thum thủm của lá mục, mùi xác chết vữa nát. Nó ngước nhìn những đám dây mây, dây gai leo chằng chịt. Những dây choại, dây bòng bong trườn mình trên những cành cây to nhỏ, qua lại. Những thân cây to chỗ sần sùi, chỗ đóng rêu nhờn nhợn như những con trăn khổng lồ, không trơn lán như đám cây Ngô Đồng vỏ cây trơn láng vì nón sắt cào sạch gai nhọn ở vườn Tao Ngộ.

- Kiếm chỗ ngủ qua đêm cái đã.

Giấc ngủ đến chập chờn trên chạc ba, khi tiếng hô xung phong và trái sáng tỏa khắp góc rừng đã đánh thức hai thằng dậy:

- Phe mình đụng tụi nó.

Tiếng súng giao tranh càng gần hơn. Tiếng chân người đuổi nhau lịch bịch. Thằng cầm súng, như một phản xạ có điều kiện, quơ súng, bóp cò. Một tiếng cắc bụp nhỏ đáp trả.

- B40!

Hai thằng la hoảng cùng một lượt, nhảy xuống đất như hai quả mít rụng. Những quả cầu lửa xoáy tròn đốt cháy những lỗ thủng lớn lỗ chỗ trong màn đêm dày đặc. Tiếng đạn liên thanh như hòa tấu vào điêu luân vũ của lửa B-40. Điệu nầy thì chết cháy vì B40. Nhớ đến dãy mả tân binh chết vì B-40 ở quân trường hồi năm ngoái. Số là trong khi giảng dạy về cách sử dụng B-40, người huấn luyện viên vô ý bóp cò. Đầu đạn nổ giết chết đám tân binh ngồi đàng trước và giết luôn anh ta do sức nóng dội lại từ bức tường phía đằng sau. Nghe nói, đơn vị trước có đám bày trò cầu cơ, hỏi hồn khi chết có nóng không, hồn nói rằng có. Rõ khỉ, chết vì B-40 mà không nóng sao được. Có điều hồn không chịu nói mình là ai, huấn luyện viện hay tân binh.

Một quả cầu lửa bất thần quất mạnh vào thân cây gần đó không quá năm thước. Nổ bùng. Tiếng chân người rầm rập đến càng gần. Tiếng động cơ xe tải. Từ phía bên kia con đường mòn trơn ướt, chiếc xe Din tuôn chạy như không có thắng. Thùng xe, lửa đốt cháy gần hết tấm bạt, còn nghi ngút. Người lính chồm dậy, lôi kéo đồng đội:
-Chạy mày, chạy. Xe tới rồi.
-...
Thằng còn lại không trả lời. Im lỉm. Lôi không được. Kéo không được.

- Lên. Leo lên lẹ lên.

"Bác tài", tung cánh cửa xe thò đầu kêu réo. Một tràn đạn khoan dập vào hông xe.

- Chờ chút cho tao kéo nó lên.
- Nó chết rồi. Lên lẹ đi. Chết theo nó bây giờ.
- Nó chưa chết.
- Tao bảo mày bỏ. Mấy cái xác đằng sau tao còn muốn liệng cho nhẹ, ở đó...

Lôi. Kéo. Xe gầm gừ. Đạn B-40 ào ạt. Không được. Người lính một tay đu đưa cánh cửa xe, tay kia níu kéo đồng đội. Xe tăng tốc độ. Cái xe kéo theo cái xác người lính xềnh xệnh trên đường bùn lầy lội. Cái xác lôi theo khẩu súng AK, quai đeo móc ngang lưng. Cứ thế mà kéo nhau đi dưới làn mưa rơi năng hạt hòa lẫn với tiếng đạn rào rào. Bàn tay buông lỏng dần, lỏng dần. Cái xác lăn xuống sườn đồi. Chiếc xe đỗ dốc. Bỏ sau lưng trận chiến đang tiếp diễn...

Về quê hương, hòa bình đã trở lại, nhưng chân của chị không bao giờ mọc trở lại. Khi nào thì bàn chân của chị sẽ mọc trở lại? Tại sao? Chị chờ đợi một kết quả không bao giờ tới, nhưng vẫn chờ. Chị phải sống qua ngày, chị van. chị xin, chị khóc, khóc thầm, khóc khô cạn nước mắt. Đất nước nghèo, ai cũng nghèo, ai cũng đổ ra đường ăn mày, thương binh chế độ cũ, thương binh chế độ mới, dân nghèo thôn quê, dân nghèo thành thị, ăn mày như nhau. Ăn mày từ trên xuống dưới. Nhưng ăn mày có nhiều hạng, có nhiều thứ cấp. Thứ ăn mày tàn tật của chị là thứ ăn mày mạt hạng. Cũng may, chị chưa đi làm đĩ.

"Trường của em be bé, nằm ở dưới rặng tre. Cô giáo em tre trẻ dậy em hát rất hay..". Con chị hát thánh thót theo tiếng đàn. Giống như chị, nó có những giấc mơ, giữa ban ngày lẫn ban đêm, mơ ước được "đến trường, mẹ dắt tay từng bước". Nhưng không giống như chị, nó chưa bao giờ được đến trường cả. Chị thấy bất công cho nó, sanh nó ra làm chi cho nó khổ. Hồi gặp anh, chị nhất quyết là không có con. Nhưng thương anh, trót lỡ, biết làm sao. Được cái là anh hiền. Lúc sanh con ra ở vỉa hè, anh mừng lắm. Chị nhìn con, má bầu bĩnh, mắt trong sáng, chân cẳng lành lặn, chi mừng, chị khóc. Chị khóc nhìn anh ôn con nâng niu. Anh chưa bao giờ được nhìn mặt con được rõ ràng. Anh bị lòa từ những năm đi bộ đội ở chiến trường Kam Pu Chia. Cả một đời tuổi xuân anh chị đã hy sinh cho Đảng, cho đất nước kể cũng còn may. Cha mù, mẹ cụt, con hát dạo theo tiếng đàn gió của cha, kiếm sống qua ngày.

Tiếng hát chấm dứt. Những đồng tiền được ném vào chiếc gà mên lẻng kẻng.

- Này có chơi được nhạc hải ngoại không?

Có người hỏi từ trong đám đông.
- Được chứ.

Con bé liến thoắng thay cha.
- Phải không bố. Bố hát bài "mười năm tình cũ" đi bố. Cho nhiều tiền vào bà con ơi...

Con bé vẫn liên tu. Cha lòa, mẹ cụt, nhưng dường như cả hai lúc nầy đều câm cả, chỉ có con bé xinh đẹp trời cho bù trừ cho cha mẹ chúng. Bố con bé không câm. Tay ông lướt thuần thục trên phím đàn. Những phím đàn chen lẫn với những lỗ đạn, phải vá lại bằng nhựa đường. Tuy thế bàn tay ông vẫn phân biệt được đâu là phím, và đâu là chỗ vá. Ông cất tiếng hát:

- "Mười năm không gặp..."

Và ông hát rất hay, cho đến khi có tiếng xe Dream thắng gấp ở vệ đường. Đám đông giãn ra, nhường chỗ cho người công an phường vừa đến. Hắn hãy còn trẻ, mặt búng ra sữa, có lẽ sanh ra sau giải phóng.

- Đã bảo các người không được hát nhạc phản động, mà cứ hát...

Hắn hùng hằn, hắn hung hăn. Đôi ria cá trê lên xuống méo mó như lý trưởng bắt xâu trong những vở kịch cộng đồng. Hắn bắt xâu thật, hắn chộp lấy lon gà mên đầy tiếng kên. Như một con sóc, con bé nhảy chộp lên níu lấy tay áo của hắn. Lon tiền rơi xuống đất, tiền rơi loảng xoảng. Tên lý trưởng nổi khùng, vung tay tát vào mặt con bé.

- Tôi lậy cậu...

Mẹ nó, như một phản xạ, van nài. Bố nó lại trở thành một người câm. Như một phát hiện bất ngờ con nhỏ lại vùng lên từ mặt đường, chạy xộc vào đám đông, cầu cứu:

- Bác Việt kiều ơi, cứu gia đình cháu, bác Việt Kiều ơi.

Con nhỏ níu áo người đàn ông lạ mặt. Cũng lạ, con bé khá tinh đời, nó có thể nhận diện người Việt kiều rất dễ dàng, cho dù trong đám đông. Người khách bước vào vòng ngỡ ngàng đôi chút. Ông nắm lấy tình thế khá mau. Rút tay ra khỏi túi quần, ông bắt tay người công an, nói nhỏ:

- Cảm phiền anh, thông cảm cho. Bài hát khá phổ thông cho người Việt hải ngoại.

Nhám nhám trong lòng bàn tay, người Công An xuống giọng:

- Chính sách nhà nước là ưu đãi Việt kiều, nếu không...

Đút tay vào túi quần, như một ảo thuật gia sợ khán giả biết tẩy của mình, người công an vội quay lưng. Màu xanh biến mất vào màu vàng của túi quần, và chiếc quần vàng cũng theo người biến dạng sau bụi khói xe gắn máy trắng đục tan dần vào khoảng trời xanh biếc cùng nắng vàng tươi.

Còn lại với đám đông, người Việt kiều ngồi xuống đất, ông ôm con bé vào lòng. Con bé rờ má ông, nhòa lệ. Ông kề miệng vào tai cha con bé, nói nhỏ, chỉ đủ cho bốn người nghe mà thôi:

- Gần hai mươi năm không gặp. Hát nữa đi, hát đi...Đức ơi.

Ông Đức buông đàn, ngơ ngác định hướng. Tay run run ông quờ quạng, cố tìm cho được người khách với tiếng nói quen thuộc:

- Cái đầu của mày đâu rồi, Thái hả?

Bàn tay ông nắm chặt lấy chuỗi bùa Kà Tha trên cổ bạn. Chuỗi bùa đong đưa trong nắng.
Chung quanh họ, những bóng người không đầu, lố nhố.