Cổng vào tri thức => Tin học => Topic started by: vitconhocve on 18/05/07, 21:43 Return to Full Version
Title: Ý nghĩa của sắc màu qua thời gian
Post by: vitconhocve on 18/05/07, 21:43
Post by: vitconhocve on 18/05/07, 21:43
Mắt chúng ta nhận ra được 6 màu chính là trắng, xanh lam, xanh lục, vàng, đỏ và đen. Nhưng bộ não lại hiểu chúng khác nhau tùy theo thời kỳ và dân tộc.
Màu đỏ:
Cho đến đầu thời kỳ La Mã, nhuộm vải chủ yếu là nhuộm trong gam màu đỏ: từ hồng nhạt đến đỏ tía. Người ta dùng loại cây thiến và vỏ sò ốc để màu có thể chịu được ánh nắng, nước....
Nhiều ngàn năm trước công nguyên, những thợ nhuộm ở vùng đông Địa Trung Hải đã sử dụng nhiều loại vỏ sò ốc cho ra màu sắc đa dạng, có nét lóng lánh từ đỏ đến đen, qua xanh và tím. Rất khó đoán trước, các màu đó không ngừng biến hóa một khi đã ăn lên vải. Đó là trường hợp của màu đỏ tía, màu rất được ưa chuộng quanh vùng Địa Trung Hải ở thời cổ đại và đã trở thành màu đế vương ở Rome.
Nối tiếp các đại đế La Mã, tất cả các vị vua châu Âu đều tự ban đặc quyền sống trong màu đỏ. Nhưng từ thế kỷ 13, họ lại thích màu đỏ rực, được lấy từ một nguyên liệu mới rất thịnh hành: khoáng lapis - lazuli. Ngược lại, các hoàng tử Italy vẫn trung thành với màu đỏ, giống như Đức Giáo hoàng. Huy hiệu của những gia tộc trị vì chuyển từ màu đỏ sang màu xanh. Chỉ có hoàng đế Đức là luôn giữ màu đỏ như màu biểu trưng.
Mới đầu, màu đỏ được xem là quý hiếm, chỉ dành cho giới quý tộc vì giá rất đắt, nhưng cuối cùng cũng xuất hiện trong mọi dịp trọng đại như hội hè hay lễ cưới. Cho đến thế kỷ 18, đó là màu ổn định, rực rỡ nhất, biến cách nhiều nhất trong cách nhuộm, do vậy cũng được ưa chuộng hơn cả.
Cuộc cách mạng Pháp đã biến màu xanh thành màu của binh lính. Nhưng sự kinh doanh màu chàm lại nằm trong tay của kẻ thù là quân Anh; vì thế vua Charles X cho quân đội mặc đồ đỏ vào năm 1829. Đẹp nhưng quá nổi bật, đồng phục đỏ là đặc trưng của quân đội cho đến năm 1915, có lẽ là nguyên nhân gây ra số tử vong quá mức cho quân đội Pháp vào đầu thế chiến thứ nhất.
Hiện nay vẻ sinh động của màu đỏ được dùng nhiều nhất trong lĩnh vực tiếp thị, thu hút sự chú ý.
Màu xanh dương
Đó là màu ưa thích của người châu Âu, đặc biệt là Pháp, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand. Với các nền văn hóa khác, nó gợi ra văn minh phương Tây.
Đối với người La Mã, màu xanh dương là của dân man rợ Gaulois, Đức và nhiều dân tộc khác, chẳng những có mắt xanh mà còn nhuộm quần và tóc màu xanh. Hơn nữa, đơn giản vì thậm chí chẳng có từ Latinh nào để chỉ màu đó. Các ngôn ngữ khác phải vay mượn từ tiếng Đức (blau) và Ả Rập (lazurd).
Màu xanh dương vẫn là một màu bị chê và ít được dùng đến vào đầu thời trung cổ. Nhưng nó đã nhanh chóng tự khẳng định. Mau phai màu, rẻ tiền, giống như màu nâu, màu xanh dương là của người nghèo. Người ta có được từ loài cây cải nhuộm. Nhưng khi trở thành màu của Chúa, nó hấp dẫn cả những vị vua, khởi đầu là Saint Louis. Màu xanh trở thành màu của vua Pháp, rồi đến vua Anh, kế đó là những vị vua khác ở châu Âu. Họ còn tưởng tượng rằng máu của họ cũng có màu xanh.
Thế là màu xanh dần thay thế cho màu đỏ. Màu xanh là màu của nam giới, còn đỏ là phái yếu. Màu xanh thời trung cổ rất rực rỡ nên được xem là màu nóng. Chỉ từ thế kỷ 17, nó là màu lạnh vì thường được dùng để chỉ biển cả và nước mà trước đây được mô tả là xanh lục hay xám. Nó còn là màu của bóng đêm.
Hiện nay cũng như thời trung cổ, người phương Tây thích mặc màu xanh dương. Nó có trên áo lao động, đồng phục và quần Jean. Nó được dùng trong bệnh viện, trên cờ của các tổ chức quốc tế, ở các biển báo giao thông.
Màu xanh lục
Cỏ, táo, bạc hà, thông, oliu... mọi màu xanh lục đều có trong thiên nhiên. Xanh lục là màu của thực vật. Có lẽ vì đó là màu không ổn định trong ngành nhuộm nên từ lâu màu xanh lục luôn được liên kết với sự ngẫu nhiên, số phận, may rủi. Đó là màu của sự không lâu bền, tuổi trẻ, may mắn, hy vọng.... Và nếu nó mang lại điềm gở cho các diễn viên, nếu ngọc lục bảo được ít người mua nhất trong các loại ngọc quý, màu xanh lục lại là điềm may cho giới cờ bạc, do vậy mọi bàn cờ bạc đều được trải thảm xanh lục.
Thời Trung cổ, xanh lục gắn kết với mùa xuân, nhựa cây, tuổi trẻ và tình dục. Từ đó người ta gán ghép nó với ý nghĩ nổi loạn, chống lại trật tự, đạo đức. Chính vì thế vào thời đó ác quỷ có màu xanh lục, nếu không phải là đỏ, nâu, đen hay xanh sậm. Đó cũng là màu của hiệu thuốc tây, bởi vì đa số thuốc men đều làm từ thực vật.
Liên kết với sức khỏe và thiên nhiên, màu xanh lục gợi ra ý tưởng tươi mát, hơi thở và sự thoải mái. Trong trường học, trại lính, bệnh viện, văn phòng có màu xanh để làm dịu tinh thần. Hiện nay xanh lục là màu của môi trường.
Màu vàng
Trước đây được ưa chuộng, nhưng giờ đây màu vàng đã ít được yêu thích. Có lẽ vì màu vàng mang hai ý nghĩa. Nhưng màu của mặt trời, ánh sáng, sức nóng, năng lượng đó vẫn được trẻ em ưa thích.
Là màu của gié lúa, của các kim loại đầu tiên như vàng hay đồng và được biến thành tiền, từ hàng nghìn năm trước màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc, thịnh vượng.
Vào thời trung cổ, kết hợp với màu lục, nó biểu hiện sự điên rồ, thái quá. Lũ hề của vua mặt đồ vàng và lục, với vai trò là tấm gương phản chiếu các điều cấm kỵ, tập trung mọi lời chế giễu, khinh miệt. Màu vàng là màu của những kẻ nói dối, làm đồ giả. Người ta sơn lên nhà của bọn làm tiền giả hay hiệp sĩ phản nghịch để tố cáo hay bêu riếu họ. Hiện nay màu vàng gợi ra nỗi buồn man mác: lá mùa thu, thư hay ảnh úa màu vì thời gian.
Màu đen
Màu này chạm đến sự sâu thắm. Nó là tiêu cực. Trước tiên nó chỉ sự ô uế. Và người ta nhanh chóng trộn lẫn sự bẩn thỉu thể xác với sự nhơ nhuốc tâm hồn. Màu đen cũng là không ánh sáng. Nó là tội lỗi, là địa ngục, là bóng tối.
Tập tục cổ xưa phủ người với tro giàn hỏa hay đất trong đám tang có lẽ là nguồn gốc của phong tục La Mã phải mặc đồ tang để tỏ lòng đau đớn. Là biểu hiện của cái chết, nỗi bất hạnh lo âu, sầu muộn, màu đen đối kháng với màu vàng, đỏ và xanh lục vốn mang ý nghĩa cuộc sống nhục dục. Nhuộm được màu đen đậm và bền rất phức tạp và khó khăn, kể cả hiện nay. Màu đen thực sự chỉ dành cho người giàu sang. Như vậy, người ta đã biến một biểu tượng khiêm tốn và đạm bạc thành thanh lịch và sang quý.
Màu trắng
Theo định nghĩa, màu trắng tương ứng với những gì không vấy bẩn, không ô uế, dù là của cơ thể hay tâm hồn. Chính vì thế, ngay từ thời cổ đại, màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, ngây thơ, trinh trắng, các phẩm chất của thể xác và tâm hồn. Màu trắng còn đồng nghĩa với sự hòa giải, hòa bình, trung lập. Vào thế kỷ 9, màu trắng trở thành màu áo của cô dâu phương Tây với hàm ý trinh trắng và tinh khiết theo đạo đức trưởng giả.
Thời đại thực dụng của chúng ta kết hợp màu trắng với sự sạch sẽ, lạnh lẽo và vệ sinh. Dường như người ta thích bột giặt, băng cứu thương, máy móc gia dụng, vải giường, đồ lót... có màu trắng.
Theo vnExpress