Cổng vào tri thức => Tin học => Topic started by: vitconhocve on 25/05/07, 13:14 Return to Full Version
Title: Ông vua logo
Post by: vitconhocve on 25/05/07, 13:14
Post by: vitconhocve on 25/05/07, 13:14
(Thanh Niên) - Mấy chục năm qua, những ai mê bóng bàn ở Công viên Kỳ Hòa, TP.HCM vẫn thường so tài với người đàn ông trung niên có dáng vẻ thoăn thoắt, đôi mắt tinh anh, và là tay vợt cừ khôi. Ít ai biết, ông chính là "ông vua" logo, họa sĩ Vũ Hiền. Hiện ông làm trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp, Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM.
Bước ngoặt cuộc đời
Thời trẻ, bố mẹ nổi tiếng khắp làng Bát Tràng với nghề may nên cậu bé Vũ Hiền cũng có nhiều dịp trổ tài khéo tay ngay từ còn thơ. Từ vẽ, may, cắt Vũ Hiền đều thích, riêng khoản chữ đẹp thì cậu bé nức danh, liền tù tì mấy năm đi học toàn giữ vị trí "thư ký tòa soạn kiêm trình bày" cho báo tường của trường. Lên Hà Nội học, Vũ Hiền cũng toàn được nhờ viết bằng khen, giấy khen cho Chính phủ.
(http://www.zidean.com/image.php?size=150&path=zv4_a1&filename=nen_6294.jpg)
Họa sĩ Vũ Hiền
Thấy Vũ Hiền lanh lợi, dẻo dai, bố mẹ khuyên con trai mình nên thi Đại học Thể dục - Thể thao để phát huy khả năng và rèn luyện sức khỏe. Vũ Hiền nghe cũng bùi tai. Ầm ừ làm thủ tục thi và đậu. Nhưng nỗi ám ảnh qua những buổi ghé qua cửa hàng thiết kế nhãn hiệu vẫn theo mãi Vũ Hiền. 10 ngón tay ngọ nguậy, những ý tưởng màu sắc hình khối trong đầu lại trỗi dậy, chàng trai trẻ quyết định bỏ Đại học Thể dục - Thể thao để lùi một bước, làm sinh viên Trường trung cấp Mỹ nghệ Hà Nội (sau này đổi tên thành Trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp). Ấy là năm 1961. 5 năm sau, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp được nâng cấp thành Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Vũ Hiền nghiễm nhiên trở thành sinh viên đầu tiên của trường này nhờ thành tích học tập nổi bật. Năm 1971, tốt nghiệp đại học, "vua logo" tương lai được giữ lại trường giảng dạy cũng nhờ thành tích học tập này. Từ những năm 1970 của thế kỷ trước, khi mỹ thuật ứng dụng còn là khái niệm mới mẻ ở VN thì Vũ Hiền đã có trong tay khá nhiều giải thưởng về logo, bìa sách và áp phích, cả trong và ngoài nước. Cái tên Vũ Hiền trở nên quen thuộc trong giới mỹ thuật lúc bấy giờ.
Tình thầy trò ở Đức
Tuy nổi danh thế, nhưng gia đình chẳng có thành tích gì nổi bật nên hơn 10 năm sau khi ra trường, Vũ Hiền mới có một suất tu nghiệp nước ngoài, sau khi được một giáo sư người Đức biết tiếng và gửi thư đến trường mời đích danh ông sang Đức tu nghiệp. Sang đến xứ người, ông mới thấy mình thiếu nhiều quá. Khi đưa ông về Trường Mỹ t huật công nghiệp Halle, giáo sư người Đức hỏi ông có cần gì thêm không, ông thẳng thắn luôn: "Tôi cần những kiến thức còn thiếu. Tôi muốn học thêm về kỹ thuật in ấn, chụp ảnh để có kiến thức tổng hợp, làm mỹ thuật ứng dụng tốt hơn".
(http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/vinhbao/12-5-2007/vua-3.jpg)
Tính thẳng thắn của chàng trai VN khiến giáo sư Ewinn Andra bật cười. Ông thầy tốt bụng này không chỉ giúp Vũ Hiền học những thứ ông cần mà còn giới thiệu để ông có điều kiện theo học với giáo sư Gehard Voigt, một bậc thầy về logo và đồ họa ở Đức lúc này.
Đến giờ, họa sĩ Vũ Hiền vẫn nhớ ngày đầu nhập học ở Halle, giáo sư gọi Vũ Hiền vào và giao cho ông một bài tập "thử tay nghề". "Cậu hãy làm cho tôi một hình cầu, một bộ tem, một áp phích kỷ niệm 100 năm ngày mất của Các - Mác và một mẫu bao bì. Cậu nhắm xem sẽ làm tất cả trong bao lâu". Nghe cậu tu nghiệp sinh VN trả lời "một tháng", vị giáo sư người Đức ngạc nhiên lắm. Chỉ Vũ Hiền hiểu đây chính là cơ hội thể hiện mình. Sau một tháng, ông mời giáo sư người Đức đến khánh thành "phòng tác phẩm" của mình: Kết quả của một tháng trời còn hơn cả yêu cầu đề ra. Ông trình làng liền một lúc 4 mẫu bao bì (dành cho xoong nồi, ấm chén, bánh kẹo, đồ chơi); 11 bộ áp phích về Các - Mác. Giáo sư người Đức rất hài lòng và nhận Vũ Hiền làm "đệ tử ruột" luôn từ ngày ấy. "Tôi được giáo sư Voigt giảng dạy rất kỹ về kỹ thuật xử lý chữ, nghệ thuật xếp hình mảng để tạo thành hình tượng của logo. Thời gian ở Đức tôi còn học được nhiều thứ, như thói quen làm việc nghiêm túc, giữ kỷ luật nghiêm ngặt, luôn đúng giờ. Có lẽ chính tinh thần ấy đã giúp tôi có được nhiều mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp nước ngoài sau này", họa sĩ tâm sự.
Lãng tử mê xê dịch
Cái máu nghệ sĩ thích khám phá cộng với con mắt tinh tế trời ban đã đưa bước chân ông đến gần hết địa danh trên bản đồ Tổ quốc. Nào đi công tác, đi sáng tác, du lịch hay chỉ đơn thuần là đi ngắm quê hương. Từ non cao, đến những vùng hải đảo xa xôi, từ miền trung du đồi núi đến đồng bằng sông nước. Thi vị, hào hứng có mà gay cấn vất vả cũng nhiều. Có lần, ông lênh đênh trên biển cả tuần, phải uống nước mưa ăn cá sống, may mà vẫn sống sót trở về đất liền.
Nghề dạy học cũng cho ông nhiều cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới, khám phá nhiều vùng đất mới. "Tôi có cái may mắn là có nhiều cơ hội để đi. Rồi nhờ đi nhiều, nên luyện cho mình khả năng phản xạ tinh tế trước nghệ thuật. Mãi sau này tôi mới biết, tôi sáng tác được nhiều logo thành công hơn người khác là vì "độ nhạy" với cuộc sống mà tôi đã tích lũy được qua những chuyến đi". Rồi ông kể về cảm giác say mê, choáng ngợp của mình trước những công trình nghệ thuật vĩ đại ở Rome, Vatican, cảm giác lâng lâng khi tham quan bảo tàng nghệ thuật ở Paris, Viene, Amstecdam... Đến bây giờ, ông vẫn tích góp tiền bán tranh, tiền lương đi dạy, để thỉnh thoảng lại đưa vợ cùng đi du lịch, thăm thú nhiều nơi, đến những vùng mình thích đến. "Tiền bạc làm ra để mang lại cuộc sống vui vẻ. Cuộc sống của tôi đến giờ vẫn là những đam mê những điều mới lạ trong nghệ thuật".
Những chuyến đi đấy không chỉ mang lại cho ông những khám phá mới về cuộc sống mà còn đưa đến cho ông những mối quan hệ với giới làm mỹ thuật ứng dụng trên thế giới. Và ông lại có điều kiện mời đại diện các trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp nước ngoài giao lưu cùng khoa Mỹ thuật công nghiệp của Đại học Tôn Đức Thắng, nơi ông đang đảm nhận chức vụ trưởng khoa.
Người đưa đò thầm lặng
Người ta biết đến ông nhiều ở danh hiệu "vua logo" vì hàng trăm tác phẩm logo của ông vẫn đang hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, như logo của Công ty xăng dầu Việt Nam Petrolimex, Đại học Tôn ĐứcThắng, Công ty May 10... Nhưng nghề giáo lại là nghề ông yêu thích nhất và gắn bó suốt từ thời trai trẻ đến giờ.
Từ Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ông vào TP.HCM tạo nền móng cho khoa Mỹ thuật công nghiệp ở Đại học Kiến trúc TP.HCM, lập khoa Mỹ thuật công nghiệp Đại học Hồng Bàng, và bây giờ là Đại học Tôn Đức Thắng.
Ông bảo ông yêu nghề giáo vì nghề này cho ông cơ hội tiếp xúc với giới trẻ. Nhiều lớp học trò của ông nay đã thành danh, ở cả trong và ngoài nước.
Đến giờ, điều làm ông trăn trở nhất vẫn là làm sao hoàn thiện môi trường dạy và học Mỹ thuật ứng dụng (design) ở TP.HCM. Ông bức xúc, vì cái nghề này góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và học phải đi đôi với hành, nhưng nhiều người không hiểu, không thật sự tạo điều kiện cho các học trò được thỏa sức sáng tạo của mình. Nhưng tính ông hiền lành, nên chẳng kêu gọi được ai, biết không thay đổi được gì, thì ông lại im lặng làm một mình. Nơi nào "tanh tao mật mỡ", lắm điều thị phi, ông lại lẳng lặng rút lui, bởi con người của ông, đích thực vẫn là một con người nghệ sĩ và say mê sáng tạo. Để bây giờ, ngoài giờ đi dạy và quản lý trung tâm Mỹ thuật công nghiệp của trường, ông lại về góc sáng tác nhỏ ở nhà để thư giãn cùng hội họa. Con người nghệ sĩ hiền lành, giản dị ấy đã tìm thấy niềm vui từ những sáng tạo bắt nguồn từ trái tim mình.
Lan Anh
Ảnh: Đoàn Ngọc Thạch