Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: saos@ngmo on 27/08/06, 17:49 Return to Full Version

Title: Trong trường mẫu giáo - Ha Jin (Cáp Kim)
Post by: saos@ngmo on 27/08/06, 17:49
eVăn: Ha Jin là nhà văn Mỹ, gốc Trung Quốc, tên thật là Xuefei Jin, sinh năm 1956 tại Liêu Ninh. Năm 14 tuổi, ông nhập ngũ. Ha Jin làm lính pháo binh ở biên giới Xô - Trung gần sáu năm, sau đó chuyển về hậu cứ học truyền tin. Sau khi giải ngũ, ông làm điện báo viên cho công ty đường sắt ở đông bắc Trung Hoa.

Năm 1977, các trường đại học mở cửa lại sau Cách mạng Văn hóa. Ông trúng tuyển vào đại học Hắc Long Giang tại Cáp Nhĩ Tân, khoa Anh văn. Sau khi xong cử nhân Anh văn, ông tiếp tục theo học tại Đại học Sơn Đông và tốt nghiệp cao học năm 1984.

Ông đến Mỹ năm 1985 để học môn Văn chương Mỹ tại Đại học Brandeis. Sau đó ông quyết định ở lại Mỹ và làm đủ nghề để kiếm sống. Năm 1993, ông học xong tiến sĩ, rồi dạy tại Đại học Emory ở Atlanta cho đến nay.

Khác với phần lớn các nhà văn Trung Quốc sống ở nước ngoài, ông viết bằng tiếng Anh. Các tác phẩm đã xuất bản:

- Tập truyện ngắn: Under the Red Flag, Oceans of Words, The Bridegroom.

- Tiểu thuyết: In the Pond, Waiting, The Crazed.

- Thơ: Between Silences, Facing Shadows.

Ha Jin từng được trao giải thưởng Sách quốc gia năm 1999 (cho tiểu thuyết Waiting), giải thưởng PEN/Faulkner, giải thưởng PEN/Hemingway và giải thưởng Flannery O"Connors của Hoa Kỳ.

Trong trường mẫu giáo (In the Kindergarten) là truyện ngắn được rút từ tuyển tập The Bridegroom, do nhà xuất bản Pantheon Books ấn hành năm 2000 tại New York.

Từ điểm nhìn ngây thơ của một đứa trẻ, Ha Jin đã khéo léo gợi ra những "chuyện người lớn" - những chuyện tế nhị và khó nói.

eVăn trân trọng giới thiệu. 


----------------------------

Thiếu Na nhắm mắt lại, cố ngủ. Bên ngoài, mặt trời giữa trưa rực rỡ, lũ ong nghệ vo ve dưới bóng cây du. Thỉnh thoảng một con va vào lưới cửa sổ đánh huỵch rồi lại kêu vo vo lớn hơn. Chẳng mấy chốc tiếng cô giáo Thẩm ở phòng bên càng lúc càng rő.

Cô giáo bù lu bù loa trong điện thoại:

- Ồ làm ơn đi! Tôi sẽ trả trong vòng ba tháng. Bà đã giúp tôi nhiều rồi, sao không giúp tôi cho xong?

Những lời đó làm Thiếu Na hoàn toàn tỉnh ngủ. Nó nhích đầu lại gần tường và lắng tai nghe. Cô giáo van nài:

- Tội nghiệp tôi, bác sĩ Ngưu. Tôi có mẹ già ở nhà. Mẹ tôi và tôi phải sống... Bà biết, tôi mất quá nhiều máu, vì em bé, tôi phải ăn trứng để hồi phục. Bây giờ quả thật tôi hết tiền. Bà cho tôi thêm một tháng nữa được không?

Thiếu Na ngạc nhiên, nghĩ sao em bé có thể làm hại sức khoẻ cô giáo của nó. Bà nó thường nói em bé đào từ ruộng bí đỏ ở nhà quê ra. Tại sao cô giáo nói như em bé từ trong người cô ra? Tại sao cô chảy máu vì em bé?

Tiếng cô giáo Thẩm tuyệt vọng:

- Làm ơn đừng nói với ai về vụ phá thai! Tôi sẽ cố hết sức trả cho bà... sớm. Tôi sẽ thử coi có thể mượn tiền bạn không.

Thiếu Na tự hỏi: Phá thai là cái gì? Có phải là cái chứa em bé không? Nó trông giống cái gì? Chắc phải đắt lắm.

Cô giáo đập điện thoại xuống và than:

- Trời ơi cứu tôi!

Thiếu Na không ngủ được nữa. Nó nhớ bố mẹ nhiều tới nỗi lại bắt đầu nức nở. Nó mới ở trong trường mẫu giáo mới được tuần thứ hai, thành thử nó chưa quen ngủ một mình. Giường sắt nhỏ không thoải mái, khác đủ kiểu với cái giường lớn êm ái ở nhà có thể nằm cả gia đình. Nó không thể không tự hỏi liệu bố mẹ có còn thương nó như trước nữa không, vì ba tuần trước mẹ nó cho nó một em bé trai. Hồi này bố nó vui tới nỗi hay hát mấy trích đoạn tuồng cổ.

Trong phòng bảy đứa khác đang ngủ, một đứa trong bọn khò khč vì nghẹt mũi. Hai con bướm đêm lớn màu đồng mệt lả vì nóng đang đậu trên trần, đôi cánh như phủ bụi thỉnh thoảng lại đập. Thiếu Na ngáp, nhưng vẫn không ngủ được.

Chuông reng lúc hai rưỡi, tất cả bọn đang ngủ bước xuống giường. Cô giáo Thẩm tập họp toàn thể lớp năm và sáu tuổi trong hành lang. Rồi chúng sắp hàng hai ra vườn củ cải sau trường mẫu giáo. Trời vẫn nóng. Tàu hơi nước hụ còi phía bắc, một cặp chiến đấu cơ phản lực bay trên bầu trời xa vẽ hai đường cong dài. Thiếu Na tự hỏi làm sao phi công có thể chui vào trong hai chiếc máy bay trông nhỏ như chim bồ câu đó. Không khí lởn vởn mùi đi-clo ngòn ngọt xịt trên thành phố để giết ruồi muỗi sâu bọ. Bọn trẻ con thích thú vì ít khi chúng được phép ra ngoài bức tường đá bên trên có gắn mảnh thủy tinh nâu sẫm. Hôm nay, thay vì chơi trong vườn như mấy lớp khác, cô giáo Thẩm sẽ dạy chúng hái rau sam. Ít đứa biết rau sam như thế nào, nhưng cả bọn đều háo hức.

Trên đường đi, cô giáo của chúng quay lại vung bàn tay thon của cô và nói:

- Các con ơi, tối nay các con sẽ ăn rau sam xào. Ngon lắm, khác với mấy thứ các con đã ăn. Nào, tất cả có muốn ăn rau sam tối nay hay không?

Vài tiếng kêu lên:

- Có! Có!

Cô giáo chép môi. Mũi cô cháy nắng nhăn nheo, nụ cười nhợt nhạt trên mặt. Cô tiếp tục bước, hai đuôi bím tóc buộc sợi len xanh lá cây đánh vào đáy quần thùng thình. Cô là một thiếu phụ cao và xương xẩu, với đôi lông mày lưỡi liềm. Hồi trước cô hay hát; giọng cô ngọt ngào và trong sáng. Nhưng gần đây cô lặng lẽ, mặt hơi vàng vọt. Người ta nói hč năm trước cô ly dị chồng vì ông bị xử tù mười ba năm, tội tham ô.

Tới vườn rau, cô giáo Thẩm ngắt một lá sam giữa hai cây cải. Cô nói với bọn trẻ đang đứng thành hình móng ngựa:

- Xem này, lá nó nhỏ, tươi, hình quả trứng. Cuống nó màu đỏ khác với cỏ và các loại rau thường. Có khi nó có hoa nhỏ màu vàng.

Cô bỏ lá sam vào túi vải thô trên mặt đất và tiếp:

- Nào, mỗi đứa chịu trách nhiệm một luống.

Theo lệnh cô, bọn trẻ túa ra tới dọc bìa vườn rồi bước vào luống cải.

Thiếu Na vén váy kẻ ô của nó thành cái rổ trước ngực và bắt đầu tìm. Tìm rau sam không khó trong luống củ cải lá chưa lớn hơn bàn tay. Chẳng bao lâu đứa nào cũng hái được vài lá sam.

- Đừng giẫm lên củ cải!

Bác Trường thỉnh thoảng la chúng. Ngồi dưới cây keo, ông hút ống điếu dài có nő đồng, cái đầu hói của ông lấm tấm mồ hôi. Ông trông nom mấy vườn rau và nhà máy bơm đổ nát.

Thiếu Na nhận ra thằng đầu bò đầu bướu Đại Biên đang lén tới bên nó, nhưng nó giả vờ không thấy. Thằng nhỏ thúc khuỷu tay và hỏi:

- Mày hái được bao nhiêu rồi?

Thằng chảy nước mũi, hai dòng nước lầy nhầy biến vào lỗ mũi rồi lại chảy ra.

Nó hạ váy xuống cho thằng nhỏ xem chừng một chục lá rau sam. Thằng nhỏ nheo một mắt nói:

- Mày kém. Coi của tao nč.

Thằng nhỏ giơ ra một mũ lưỡi trai đầy. Nó thấy hơi bực, nhưng không nói. Thằng nhỏ quay đi nói chuyện với mấy đứa khác, bảo tụi nó rau sam ăn dở ẹc. Nó kể có lần nó bị tiêu chảy, nó phải ăn một chén rau sam[1]. Nó sẽ không bao giờ đụng tới thứ đó trừ phi cha mẹ bắt ăn. Nó cam đoan với chúng:

- Ăn như cứt, đắng hơn lá khoai lang nữa.

Con nhỏ khẳng khiu Vi Lan nói:

- Không đúng. Cô Thẩm nói ngon.

- Làm sao mày biết?

- Tao biết.

- Mày biết bà ngoại mày đánh rắm!

Vi Lan lč lưỡi ra nhạo và nói:

- Đồ dơ dáy.

- Nói lại coi, đồ chó!

Thằng nhỏ tiến tới nắm vai nó đẩy xuống đất và đá vào đít nó. Nó bật khóc oà.

Cô giáo của chúng chạy đến hỏi đứa nào gây sự. Thiếu Na chỉ Đại Biên. Nó ngạc nhiên thấy cô giáo bước tới xách tai thằng nhỏ, rít qua kẽ răng:

- Không ngày nào mày không gây sự. Đi, tao cho mày một chỗ khỏi gây sự.

Cô lôi nó đi. Nó kêu sụt sịt trong cổ họng:

- Ai da! Cô kéo đứt tai con.

- Mày còn tai kia.

Đi ngang Bác Trường, cô giáo Thẩm dừng lại nhờ ông để mắt trông bọn trẻ một lát. Rồi cô kéo Đại Biên vào trường.

Miệng Thiếu Na há hốc. Thằng nhỏ sẽ bị "tù", và sau khi nó được thả, nó sẽ trả thù Thiếu Na. Trên tầng hai có một phòng, nhà bếp thường dùng làm kho chứa, trong góc phòng có ba cái tủ quần áo. Đôi khi một thằng phá rối bị nhốt trong tủ mấy tiếng. Thỉnh thoảng cô giáo của nó quên cho nó ra đúng giờ, thế là nó khỏi ăn trưa hay ăn tối.

Khoảng mười phút sau, cô giáo Thẩm trở lại, thở hổn hển như vừa mới chạy nước rút xong. Cô đếm bọn trẻ để chắc không có đứa nào thất lạc.

Chẳng bao lâu Thiếu Na quên Đại Biên, mải mê tìm thêm rau sam. Đối với hầu hết bọn trẻ, đó là công việc thật sự. Ít đứa từng nếm món tự chúng mót được, vì thế chúng chăm chỉ tìm. Mỗi khi chiếc váy hay cái mũ nhỏ của chúng đầy, chúng tới đổ rau sam vào túi vải thô, ở đó cô giáo tíu tít nhặt cỏ và các loại rau thơm khác lẫn trong rau sam ra. Bọn trẻ thích thú thấy chỉ trong một tiếng rưỡi cái túi đã đầy ắp, và chúng đã lùng gần khắp vườn. Cô giáo liên tục nhắc nhở chúng câu tục ngữ đã học: "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Khi đã sục hết vườn, chúng xếp hàng, tay nắm tay sau nhà máy bơm, sẵn sàng trở về trường mẫu giáo. Nhưng trước khi đi, vì lý do nào đó cô giáo của chúng cho Bác Trường mấy nắm rau sam. Chúng bực tức nhìn cô bỏ gần một phần ba thu hoạch của chúng vào rổ cói của ông cụ, nhưng không đứa nào nói gì. Ông cụ cứ mỉm cười với người thiếu phụ và nói:

- Được rồi, đủ rồi, đủ rồi. Cô cứ giữ phần còn lại.

Ông vừa nói nước dãi vừa bắn ra những kẽ răng hở của ông.

Thiếu Na nghĩ nhanh, và nó không đợi nổi bữa ăn tối. Nó nghĩ: Nếu rau sam quả thật ăn ngon, mình sẽ ngắt một ít cho bố mẹ. Nó biết một chỗ trong trường mẫu giáo – bên trong chuồng heo bỏ trống – nó thấy mấy cây rau sam ở đó.

Nó thất vọng thấy bữa ăn tối giống như các hôm khác: cháo bắp, khoai lang hấp và củ cải xào. Thậm chí không có một lá rau sam trên bàn. Mọi đứa trong lớp nó bực tức. Không biết nói gì, vài đứa lấy muỗng quậy cháo bắp ồn ào. Thiếu Na muốn khóc, nhưng kìm được. Nó nhớ thấy cô giáo về nhà với túi vải thô căng phồng buộc trên yên xe đạp. Lúc đó Thiếu Na nghĩ cái túi xanh đựng đồ giặt hay gì đó, vì nó đầy như thế. Bây giờ nó hiểu, cô giáo mang thu hoạch của chúng về nhà.

Thiếu Na thích khoai lang, nhưng nó không ăn nhiều. Giận và đầy hơi làm nó no. Mặc dù mặt mày ủ rũ và trong lòng thất vọng, không đứa nào nhắc tới rau sam. Trông chúng khá ủ ê, ngoại trừ Đại Biên. Thằng nhỏ cứ nhìn Thiếu Na trừng trừng từ lúc được thả ra khỏi tủ áo để ăn tối. Nó biết thằng nhỏ sẽ trả thù. Nó nên làm gì đây?

Lúc trời nhá nhem bọn trẻ chơi trong sân, Thiếu Na bắt gặp Đại Biên. Nó gọi và vẫy tay ra hiệu. Nó đến gầm gừ:

- Chuyện gì hả con nhỏ bẻm mép?

- Đại Biên, mày muốn cái này không?

Trong lòng bàn tay nó là hai vỏ đậu phụng dài. Bố nó cho nó sáu vỏ bữa về lại trường mẫu giáo hai hôm trước.

Thằng nhỏ bĩu môi:

- Hừ! Tao chưa bao giờ thấy đậu phụng có bốn hạt.

Thằng nhỏ giật đậu khỏi tay nó và không nói một tiếng bóp vỏ một hạt. Mắt nó lấp lánh và miệng nhai hạt đậu rang nhồm nhoàm như thỏ.

Trong vài giây thằng nhỏ ăn hết sạch đậu phụng, rồi hỏi:

- Mày còn nữa không?

Nó lắc đầu, cặp mắt xếch của nó dán chặt xuống đất:

- Ư-ư.

Thằng nhỏ khám túi áo len của nó, trống không. Nó đã giấu bốn hạt kia trong vớ. Thằng nhỏ nói:

- Từ nay mày phải tử tế với tao. Nhớ để dành nhiều bánh kẹo cho tao, nghe chưa?

Nó gật đầu mà không nhìn thằng kia.

Đứng dưới cầu tuột, nó nhìn thằng nhỏ chạy ra trên cặp chân khuỳnh để gia nhập với tụi con trai đang ném máy bay giấy và giả tiếng nổ. Sau hàng giậu bách gần cổng trước đã đóng, hai đứa đang chơi trốn tìm, bộ áo trắng của chúng lung linh và tiếng thét vui thú vang lên trong ánh hoàng hôn.

Tối hôm đó, Thiếu Na ngủ không ngon. Nó vẫn sợ căn phòng tối đen. Một trong các bạn cùng phòng, Ngải Lý, ngáy không ngừng. Một con cú hay con ó cứ kêu như tiếng ho của ông già. Tiếng búa hơi trong xưởng đóng tàu ngoài bờ sông thỉnh thoảng nện sắt. Không ngủ được, Thiếu Na ăn một hạt đậu phụng mặc dù luật cấm ăn bất cứ gì sau khi đã chải răng đi ngủ. Nó cẩn thận giấu vỏ dưới gối. Nó nhớ bụng mẹ ấm mềm làm sao; nó lại lặng lẽ khóc.

Sáng hôm sau trời mưa, nhưng sau chín giờ mây tan, vì thế bọn trẻ con được phép ra ngoài chơi. Giữa sân có vòng quay ngựa gỗ nhỏ, trần xanh da trời rộng ba thước. Tụi con trai ngồi trên ngựa, quay tròn và la hét thích thú. Đại Biên và Lữ Văn mắt lé trong bọn đang bắn súng gỗ lên ngọn cây, người ta, chim chóc, ống khói, và mọi thứ trong tầm mắt. Chúng hét "tạch-tạch-tạch", như thể bệ quay là pháo tháp xe tăng. Thiếu Na không dám chơi quay ngựa gỗ. Tuần trước nó cưỡi cái đó và bị quay chóng mặt, bịnh mất hai ngày.

Vì thế, nó chơi trò cung điện với tụi con gái. Chúng chọn nó làm hoàng hậu, bảo là nó đẹp nhất bọn. Cùng bốn đứa tì nữ hầu hạ, nó phải ngồi trên mặt đất ướt suốt buổi. Vi Lan và Ngải Lý là hai nữ tướng, mỗi đứa cầm một cành cây vặt lá làm cây giáo. Tụi con gái ước gì rủ được một đứa con trai khỏe mạnh làm vua, nhưng chỉ có Đôn muốn chơi với chúng. Nó là một thằng rụt rč, và phần lớn tụi con gái có thể đánh nó dễ dàng. Đáng lẽ nó nên làm cận thần hơn là người cai trị. Chẳng bao lâu Thiếu Na không muốn đóng vai hoàng hậu nữa, vì nó thấy ngốc khi gọi thằng nhỏ là "Thưa bệ hạ" và ghét phải tuân lệnh nó. Nó xin tụi con gái thay nó, nhưng không đứa nào chịu. Nó đứng lên la:

- Tao nghỉ chơi!

Để cung điện khỏi bị rã đám, Ngải Lý nhận làm thứ hậu.

Vì mặt đất sũng nước, tới giờ ăn trưa nhiều đứa thấy quần áo chúng vấy bẩn. Cô giáo Thẩm giận dữ, nhất là với mấy đứa chơi làm bánh. Cô nói nếu chúng không cẩn thận áo quần, buổi chiều cô không cho chúng ra ngoài. Cô tuyên bố:

- Không có đứa nào ngoan hết. Tất cả mấy đứa muốn cô phải thêm việc thôi.

Ăn trưa xong, trong khi tụi nhỏ ngủ, cô Thẩm gom áo quần chúng để cọ vết bùn. Cô bực vì không được ngủ trưa.

Quá mệt không còn nhớ bố mẹ nữa, Thiếu Na ngủ ngay khi đầu nó đặt xuống gối. Nó ngủ một tiếng rưỡi. Khi thức dậy, nó vui thấy cái áo len và váy của nó sạch không một vết bùn. Nhưng khi thò tay vào túi áo len nó ngạc nhiên - mất ba hạt đậu phụng. Nó lột tấm khăn bông phủ giường và lục lọi khắp giường nhưng không tìm thấy dấu vết. Ngay cả vỏ đậu dưới gối cũng biến mất. Đau khổ, nó không cầm được nước mắt, biết rằng cô giáo đã tịch thu đậu phụng.

Buổi chiều mặt trời ló ra, đất trên sân đổi sang màu hơi trắng. Cô giáo Thẩm lại dẫn hai mươi bốn đứa ra vườn củ cải. Trên đường chúng hát bài "Hoa đỏ" đã học tuần trước:

Hoa đỏ nở khắp nơi
Vỗ đôi tay em hát
Em chơi trong công viên
Vui như hoa xuân nở

Khi chúng tới vườn, không thấy Bác Trường, nhưng bơm nước đang khục khặc, những tia nước nhỏ lấp lánh đó đây giữa các luống củ cải.

Cảnh tưới nước làm cô giáo của chúng lưỡng lự vài giây, rồi cô nói lớn với tụi nhỏ:

- Mình sẽ hái thêm rau sam chiều nay. Dì bếp không nấu rau sam hái hôm qua vì mình nộp trễ quá, nhưng hôm nay dì sẽ nấu cho mình. Thôi mấy đứa phải ngoan và chăm chỉ làm việc. Hiểu chưa?

- Hiểu.

Chúng đồng thanh nói rồi bắt đầu tìm trong luống củ cải.

Mặc dù phần lớn tụi nhỏ hăng hái như hôm qua, khu vườn lầy lội và trơn trợt chả còn mấy rau sam nữa. Một số ngã ngồi vấy bẩn áo quần. Giầy chúng bết bùn đen.

Tuy vậy bụng váy của Thiếu Na chả bao lâu đầy mấy lá rau sam čo uột, và mấy đứa thậm chí đã đổ một đống vào túi vải thô đang bắt đầu phồng lên dần. Không như tụi con trai con gái ngờ nghệch vẫn bàn về món rau sam, Thiếu Na sưng sỉa cả buổi, mặc dù nó tìm không ngừng.

Trước mặt nó vài bụi ngải tây lẫn trong mấy hòn đá nâu bị cỏ khô che phủ. Một đàn bướm nhỏ đậu trên ngải tây, cánh trắng điểm đốm đen vỗ vỗ. Thỉnh thoảng một con cất cánh bay chéo tới đậu trên hòn đá. Thiếu Na tiến tới tìm trong cỏ; cử động của nó làm cả bầy bướm bay lên như bông tuyết chợt đến. Thình lình một con thỏ hoang nhảy ra, bỏ chạy về hướng tụi con gái, chúng thấy nó và bật lên reo hò. Con thú hoảng sợ vì tiếng la của chúng, bčn chuyển hướng và trốn tới bức tường phía sau của trường mẫu giáo. Thấy con thú đang chạy trốn, cô giáo Thẩm hét:

- Bắt lấy nó! Đừng để nó thoát!

Lập tức tụi con trai bắt đầu đuổi theo con thỏ, hoá ra nó quč một chân sau. Lúc này cô giáo cũng đuổi theo nó, ra hiệu cho tụi nhỏ chận con thú. Bím tóc dài của cô đong đưa qua lại khi cô lao tới. Trong mấy giây cả bọn trẻ con ngoại trừ Thiếu Na nhập cuộc săn đuổi. Vườn củ cải nát bừa, nhiều cây bị giày xéo và bùn văng theo bàn chân chạy đuổi. Tiếng la hét và tiếng cười vang lên trong cánh tây của khu vườn.

Thiếu Na không theo chúng vì nó muốn đi tiểu. Nhìn quanh không thấy ai ở gần, thế là nó ngồi xổm xuống túi vải thô, dùng váy che kỹ cái mông nhỏ và tiểu trên đám rau sam trong túi. Nhưng nó không dám xả hết; nó ngưng lại nửa chừng, đứng dậy, che đám rau sam ướt bằng những lá khô nó hái. Rồi, tim đập mạnh, nó chạy đi nhập bọn đang săn đuổi con thỏ.

Con thỏ đã mất tăm, nhưng bọn trẻ vẫn còn hào hứng, tụi con trai thở hổn hển, khoe khoang suýt nữa bắt được con vật. Đại Biên thề là ngón chân nó thòi ra ngoài đôi xăng đan đã chạm cái đuôi mịn màng. Lữ Văn nói thỏ hoang ăn ngon hơn thỏ nhà nhiều; vài đứa nghe nó tả chú nó bắn một cặp thỏ hoang trên núi và thím nó chặt ra từng miếng hầm với khoai và cà rốt thái vuông. Cô giáo chặn không cho nó kể hết chuyện. Không chần chờ, cô tập họp bọn trẻ và dắt chúng ra khỏi vườn, sợ Bác Trường chửi cô vì tội giày xéo củ cải.

Trước bữa tối, Thiếu Na sợ bà bếp sẽ nấu món rau sam bẩn cho chúng. Thật là nhẹ người, bữa ăn tối hoá ra khá giống mọi ngày. Nó sướng run. Lần đầu tiên trong trường mẫu giáo nó ăn một bữa thật no - ba củ khoai lang, hai bát cháo bắp và rất nhiều cà tím chiên. Cả buổi tối nó hứng khởi tới mức nhập bọn với tụi con trai chơi trò lính, đeo súng nước, như thể bỗng dưng nó trở thành một đứa con gái lớn. Nó cảm thấy từ nay ban đêm nó sẽ không khóc như con nít nữa.

Phạm Văn dịch

[1] Rau sam là một vị thuốc dân gian để trị tiêu chảy.