Thư giãn - Giải trí => Giao lưu âm nhạc => Topic started by: saos@ngmo on 23/06/07, 12:12 Return to Full Version

Title: “Rơi lệ ru người” _Khúc tình ca mùa hạ!
Post by: saos@ngmo on 23/06/07, 12:12
Cơn mưa đầu hạ mù mịt đất Sài Gòn dường như được "vô tình dời" hẳn lên buổi sáng để người ta có thể an tâm hòa lòng mình với đêm nhạc Trịnh "Rơi lệ ru người" tại nhà hát Hòa Bình đêm 22/6. Mới gần 8h, khán phòng đã kín người, và nói không ngoa, tôi nghe đâu đó từng nhịp tim người đập lên rộn rã, cái cảm giác rất quen thuộc mỗi khi ta sắp được gặp lại một cố nhân!

(http://www.giaidieuxanhcuoituan.vietnamnet.vn/dataimages/200706/original/images1344449_tcs31.jpg)

"Tôi là ai, là ai mà yêu quá cuộc đời này..."

Sân khấu lặng im, chỉ rực rỡ ngay chính giữa một chiếc giá vẽ cao sừng sững, như gợi cho ta thấy rằng, Trinh Công Sơn không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là họa sĩ, là nhà thơ, nhưng tất cả những tác phẩm đó ông đều nâng nó lên bằng nhạc. Từng ngọn nến khẽ lướt qua, từng bức tranh, từng nét cọ lại khiến người ta nhớ lại hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa, một kẻ lãng du nhân hậu lướt nhẹ qua cuộc đời này! Trên nền saxophone réo rắt, giọng đọc của nhà thơ Đỗ Trung Quân khi đọc từng dòng Trịnh viết về tình yêu. Trịnh biết "Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì" nhưng cuối cùng vẫn nhận ra rằng "cuộc sống không thể thiếu tình yêu", để rồi dâng trọn cho người, cho đời cả một tấm lòng thành, một trái tim cháy lửa.

Dưới bàn tay của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, ánh sáng và các đồ họa sân khấu bỗng trở nên thật sống động và gần gũi. Có lúc, nó giống như môt căn phòng nhỏ, với ngổn ngang sách vở, có lúc lại là một tán cây với từng chiếc lá lả tả rụng sang thu, lại có khi nó là sóng biển dập dờn trong tâm thức... Đoan Trang vắt vẻo đầu trăng với Nguyệt Ca, Đức Tuấn da diết, mạnh mẽ, nồng nàn trong Tôi ơi, đừng tuyệt vọng, Quang Dũng và Lệ Thu thể hiện hai lần bài Hạ Trắng, một sự gợi nhớ về hai thế hệ bằng hai phong cách hát và phối khí khác nhau, hai màn tam ca khá đặc sắc của Lệ Thu - Mỹ Linh - Hồng Nhung trong "Nhìn những mùa thu đi". Đặc biệt nhất có lẽ là tiết mục song ca giữa ...nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhóm Năm Dòng Kẻ ca khúc Con mắt còn lại. Hình ảnh người nhạc sĩ hiền hòa, mộc mạc trong chiếc guitar thùng với chất giọng Huế đặc sệt khiến người nghe bỗng như sống lại những ngày bên Trịnh... Và người ta lại nhớ...

(http://www.giaidieuxanhcuoituan.vietnamnet.vn/dataimages/200706/original/images1344453_tcs45.jpg)

Mỗi tiết mục trong đêm nhạc đều mang đến cho người nghe những xúc cảm lạ kỳ. Đắm mình với một Mỹ Linh tha thiết, một Nguyên Thảo ngọt ngào, một cô "Bống" quyến rũ tươi xinh, một Lệ Thu "gừng càng già càng cay" cùng những lời tâm sự rất chân tình về cái vinh dự, "hân hạnh được là người đầu tiên cất tiếng gọi nắng", saxophone Trần Mạnh Tuấn cùng Cẩm Vân trong Chiều một mình qua phố, một sự kết hợp tài tình nhưng lại rất nhẹ nhàng. Sự xuất hiện của Thủy Tiên trong ca khúc Xin cho tôi khép lại chương trình, như lời tự sự của một con người trong khúc nhạc thơ 7 chữ:

Xin cho mây che đủ phận người
Xin cho tôi một sáng trời vui
Xin cho tôi đến tận nụ cười
Cho tôi quên một nấm mộ tươi
Xin cho tôi xin vạn lần rồi
Một góc này chỉ biết rong chơi
Xin cho tôi yên phận này thôi
Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài
Cho tôi nghe lời hát cỏ cây
Xin cho tôi quên phận tù đày
Xin cho tôi là thoáng rượu cay
Xin cho tôi xin cả cuộc đời
Một hôm nào trẻ hát trong nôi
Xin cho tôi xin chỉ một ngày

(http://www.giaidieuxanhcuoituan.vietnamnet.vn/dataimages/200706/original/images1344455_tcs48.jpg)

Vẫn còn đó những tấm lòng...
Có câu hỏi vì sao mỗi lần nghe nhạc Trịnh, người ta lại thấy lòng mình bình yên đến lạ? Câu trả lời cũng đã tự nằm trong câu hỏi. Bình yên trong lòng bởi tự sự bình yên trong chính từng nốt nhạc, cũng chính bởi sự giản đơn mà những giai điệu đó đem đến cho cuộc đời này.

Cũng như những chương trình khác, "Rơi lệ ru người" được cháu gái của Trịnh Công Sơn là cô Hoàng Típ đề xướng nhằm gây quỹ ủng hộ học bổng Nguyễn Thái Bình. Tuy nhiên, xét về tính chất quy mô, so với những chương trình đã diễn ra trước đó thì "Rơi lệ ru người" vẫn thiếu chút "tình" nào đó. Chữ "tình" ở đây chỉ gói gọn trong khuôn khổ cảm xúc, bởi dường như tuy đã có những nét ý tưởng độc đáo nhưng cái chất nhạc của chương trình lại không được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó để phát tiết hết tinh hoa của nó.

Ở mọi lúc, mọi nơi người ta đều có thể nghe nhạc Trịnh, bởi nó đã đi thật sâu vào lòng, vào tim, vào máu của cả một thế hệ con người. "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng", nhưng không phải "để gió cuốn đi" mà phải giữ trọn với tất cả ý nghĩa của nó. Thủ pháp dàn dựng cũng như ý đồ tổ chức có lẽ là làm cho người xem có cảm giác như mình đang lật từng trang sách của đời Trịnh Công Sơn bằng nốt nhạc.

Tuy nhiên, những gì đọng lại chưa được như mong muốn. Kỹ thuật ánh sáng sân khấu là một điểm nhấn của chương trình, và lời dẫn đọc thay cho MC cũng là một nét mới, nhưng lại tạo ra sự đơn điệu trong cách xuất hiện của từng ca sĩ. Ngoài ra, cá nhân tôi cho rằng, nếu cô Hoàng Típ không cần cầm mảnh giấy khi phát biểu, và nội dung phát biểu không phải bắt đầu bằng câu cô cám ơn... nhà tài trợ thì có lẽ chương trình của "cậu Sơn" cô đã trọn vẹn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, giữa lúc mà chúng ta đang mải ngụp lặn trong nền âm nhạc thị trường nhập nhằng về định hướng thẩm mỹ, thì dòng nhạc Trịnh vẫn là "một cõi đi về" đáng trân trọng trong ta!   

Một buổi tối đã trôi qua thật nhẹ nhàng với những hoài niệm đẹp về một người nhạc sĩ, về một dòng nhạc làm say đắm lòng người chỉ bởi vẻ giản đơn, dung dị của nó. Và chiếc áo mà nhạc Trịnh đang khoác vốn là một chiếc áo nhuốm màu thời gian quý giá, thiết nghĩ, hãy cứ để nó nằm nguyên ở chính nơi nó được sinh ra!

K'Link
http://www.giaidieuxanhcuoituan.vietnamnet.vn/tieudiem/2007/06/709561/