Thư giãn - Giải trí => Giao lưu âm nhạc => Topic started by: saos@ngmo on 17/07/07, 19:00 Return to Full Version

Title: Nghe nhạc như nghe đấu võ mồm
Post by: saos@ngmo on 17/07/07, 19:00
"Ngày hôm qua đó, tôi nằm mơ thấy con cầy cắn tôi, chó nhỏ 11 chiều nay nó sẽ ra, bạn hãy đánh bao lô 11 đi. Ôi thôi rồi 11 ra ngay chóc, nhưng đài phụ không phải đài chính rồi...". Đây là trích dẫn nguyên văn ca từ của ca khúc Kiếp đánh đề do một ca sĩ trẻ trình bày. Lần đầu tiên nghe qua, không thể tưởng tượng đây là một bài hát.

CÃI NHAU BẰNG... BÀI HÁT

Chưa bao giờ trong lịch sử nhạc Việt từ trước đến nay, các kiểu trạng thái về đàn ông, đàn bà lại được đưa vào các bài hát để chửi rủa nhau nhiều như bây giờ. Nhìn qua danh sách các ca khúc mới, ca khúc được yêu thích trong các trang nhạc trẻ, mới thấy tình trạng này đang ở mức báo động. Đầy rẫy trong top hàng đầu là những ca khúc kiểu như: Kiếp đàn bà thân xác đàn ông, Lỗi của đàn ông, Đàn bà là thế, Xin đừng xát muối trái tim em, Người đàn ông tham lam, Đàn ông không được làm đàn bà khổ đau... Dĩ nhiên là để xứng với mấy cái tựa giật gân này là mớ từ ngữ mà người nghe cứ tưởng như đang lạc vào một trận đấu võ mồm nào đó. Bao nhiêu chua ngoa có thể, người ta dồn hết vào ca khúc: "Đàn bà là thế ai cũng giống như ai. Đàn bà là thế, nỗi đau của tôi. Làm sao hiểu hết trái tim đàn bà" (Đàn bà là thế), "Người thứ nhất là người tôi rất yêu. Yêu hơn chính cả bản thân của tôi. Người kế tiếp chỉ là tôi muốn yêu cho vui chứ chẳng muốn yêu thật lòng. Lỗi do riêng mình tôi nhưng đã khiến hai người đau. Và lỗi này của hầu hết đàn ông". (Lỗi của đàn ông).

Ca sĩ H.C với bài hát Người đàn ông tham lam rất được khán giả trẻ ưa chuộng. Bài này "vạch mặt" những người đàn ông lăng nhăng yêu một lúc nhiều người rất cụ thể: Người đàn ông tham lam chính là anh, một bàn tay năm ngón anh chẳng biết chọn ai... Một là anh yêu mình em, lỗi lầm xưa em bỏ qua, còn không hãy bước theo người ta.

Được "bình chọn" đứng hàng đầu của mấy vụ chửi nhau trong ca khúc là bài Cô ấy chọn anh không chọn tôi. Trong ca khúc này, có đến hai người đàn ông cùng ra sức hát để tranh giành một cô gái. Thương lượng không thành, hai ông quay sang chửi nhau, trực tiếp và tay đôi: Tình yêu của anh liên quan gì đến tôi, cô ấy chọn anh không chọn tôi dù biết tôi yêu cô ấy. Tình yêu của anh không liên quan gì đến tôi. Đoạn căng thẳng này khá dài và lặp đi lặp lại, cuối cùng để tỏ rõ quan điểm của mình, kết thúc cuộc chiến tình yêu, cô gái kết luận: Thôi hai anh đừng như thế, em sẽ không yêu một ai trong hai người (?!).

MỐT THỜI THƯỢNG?

Khi chủ đề bài hát ngày càng hướng vào những vấn đề đơn giản ngay trong cuộc sống, ca từ càng trở nên bình dân hơn. Đặc biệt, khi có một số bài thuộc kiểu này trở nên đình đám, có rất đông ca khúc tương tự như thế xuất hiện ngay. Không chỉ "ấn tượng" bằng tên bài hát, nhiều bài lảm nhảm đủ loại tình yêu tay ba, tay tư phức tạp. Ngã ba tình là chuyện của ngày xưa, bây giờ đã có bài Ngã tư tình: Vậy là tôi đã trách lầm em... Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người... Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa. Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao. Em yêu một lúc bốn người sao. Chẳng lẽ em đem quả tim chia làm bốn cho từng người (?!). Quả thật không có lời nào để diễn tả về mấy bài thế này. Kinh dị hơn, trong mấy lần nghe nhạc ở các quán cà phê, chúng tôi còn được thưởng thức một nam ca sĩ cứ lặp đi lặp lại một câu hát: Anh là anh, còn em là em. Sao em ép anh phải yêu em. Anh chỉ xem em như em gái, chứ chưa từng yêu em. Thậm chí, có ca khúc viết về tình yêu thời hiện đại còn để nhân vật chàng trai chân thành thú tội: Giờ đây anh đã trót yêu bạn thân em hay Kiếp sau tôi sẽ không là đàn ông (Kiếp đàn bà, thân xác đàn ông). Khán giả nghe xong chỉ muốn ngất, cứ tưởng mình đang nghe nhầm bi hài kịch nào đó.

Mặc dư luận ta thán về các kiểu ca từ kinh dị, ca khúc tình yêu thế này vẫn cứ đều đặn xuất hiện và ào ào lên sân khấu. Thậm chí có những bài còn trở thành "hit". Xu hướng chung của nhạc trẻ thế giới cũng là những ca khúc có ca từ đơn giản, cụ thể về những vấn đề ngay trong cuộc sống. Thực ra, không cần đòi hỏi một ca khúc phải có chất thơ trong nhạc, nhưng ít ra, để đọng lại trong lòng người nghe một ấn tượng tốt, các tác giả cũng không bao giờ nên đưa vào nhạc mấy lời tranh luận qua lại, mấy câu kết tội thẳng thừng mà nghe cứ như là đang chửi rủa.

Theo Công An TPHCM