Cổng vào tri thức => Không phân loại => Topic started by: saos@ngmo on 12/08/07, 13:46 Return to Full Version

Title: Bẩn như tay bác sĩ
Post by: saos@ngmo on 12/08/07, 13:46
(LĐCT) - Người ta vẫn có câu: "Sạch như bệnh viện" hay "sạch như bác sĩ", nhưng một kiểm tra ngẫu nhiên đối với nhân viên y tế BV Chợ Rẫy (TPHCM) cho thấy, trung bình bàn tay một hộ lý có tới 481.273 con vi trùng, bàn tay một bác sĩ - 275.110 con vi trùng.

Trong khi đó, chỉ có khoảng 10% nhân viên y tế tuân thủ quy trình vệ sinh bàn tay - đó là một trong những nguyên do của tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện tới mức báo động ở VN. Từ cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã phải bắt đầu phát động chiến dịch rửa tay trong nhân viên y tế cả nước...

"Cầu nối" cho vi khuẩn

Bà Vũ Thị T. đã nhập viện Bạch Mai (HN) được 3 tuần. Mắc lao phổi, hen, nhập viện trong tình trạng suy thở. Từ một BV ở  Hà Tây chuyển ra, bà T. đã bị nhiễm thêm vi khuẩn acinobacter baumanii, loại vi khuẩn đang kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện nay. Mặc dù được chăm sóc đặc biệt tại phòng riêng, nhưng sức khoẻ của bà T. vẫn không có dấu hiệu lạc quan. Bà T. là một trong rất nhiều trường hợp bị nhiễm trùng BV, và một trong những cầu nối cho vi khuẩn lây lan là bàn tay không sạch của nhân viên y tế.

Số vi trùng đếm được trên bàn tay nhân viên y tế BV Chợ Rẫy (TPHCM) năm 2001 theo một kiểm tra ngẫu nhiên thật đáng  rùng mình: Trung bình bàn tay hộ lý có tới 481.273 vi trùng, bàn tay bác sĩ 275.110 và nhóm điều dưỡng sạch nhất cũng là 126.857 con vi trùng.

90% bệnh lây lan qua đường tiếp xúc mà bàn tay là cầu nối chủ yếu. Và chỉ một động tác rửa tay sạch có thể giảm được hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn. Vậy nhưng, phương thức chống nhiễm khuẩn rất cổ điển và hiệu quả này còn bị nhân viên y tế xem thường.

Nhiễm trùng mắc phải trong BV sẽ làm kéo dài thời gian và tăng chi phí điều trị, tăng tỉ lệ tử vong. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy các bệnh nhân nặng, nằm tại các đơn vị hồi sức cấp cứu phải tiến hành nhiều lần phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn, suy tạng... đều nằm trong nhóm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao.

Chuyện chống nhiễm khuẩn nói chung và vệ sinh bàn tay nói riêng là cả dây truyền quy trình khép kín mà tất cả các thành viên tham gia điều trị chăm sóc người bệnh đều phải tuân theo. Chỉ cần một khâu bẩn cũng khiến cố gắng của tất cả các khâu còn lại "đổ xuống sông xuống biển" và sẽ tăng thêm những bệnh nhân bị nhiễm trùng BV như trường hợp của bà T.

Chiến dịch "bàn tay sạch"

Đào tạo lại cả kỹ thuật và ý thức vệ sinh bàn tay, chiến dịch "bàn tay sạch" này sẽ được phát động lần lượt trong những bệnh viện đầu ngành: BV Nhi TƯ, BV E, Hữu Nghị, Lao và Bệnh phổi, BV Đa khoa Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Gang thép Thái Nguyên, BV huyện Đồng Hưng, Thái Nguyên...

Khi chiến dịch bắt đầu phát động tại BV Nhi TƯ, chúng tôi chứng kiến khá nhiều nhân viên y tế trong số 300 người có mặt đã thao tác sai quy trình. Thậm chí chiếc máy soi, kiểm tra mức độ vi trùng trên tay sau khi rửa tay còn rất lạ lẫm với họ.

Thạc sĩ Phạm Đức Mục - Phó Vụ trưởng Vụ điều trị, Bộ Y tế - thừa nhận: "Không thể đổ lỗi cho họ hoàn toàn, đó cũng là hậu quả của thực tế nhiều năm thiếu xàphòng, nước sạch".

Bà Phạm Thu Hà - thành viên ban Giám sát BV Nhi TƯ - nhận định: "Sau khi phát động và được tập huấn, các nhân viên y tế đều cảm thấy sự nghiêm túc của chuyện rửa tay. Những người thao tác sai, khi được yêu cầu thực hiện lại đều không thấy gò bó. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là duy trì điều đó thành nền nếp".

Chuyện rửa tay cũng không còn là điều nhỏ, khi mà Hội Điều dưỡng HN cũng vừa ra quyết định cũng giám sát tuân thủ vệ sinh bàn tay tại 10 bệnh viện ở HN từ nay đến cuối năm: Lao và Bệnh phổi, BV Nhi TƯ, Bạch Mai, Việt Đức, Xanh Pôn, Việt Nam - Cuba, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đa khoa Gia Lâm, Bắc Thăng Long.

Rất nghiêm túc với chuyện vệ sinh bàn tay, nội quy đầu tiên của khoa Điều trị tích cực - BV Bạch Mai đặt ra đối với sinh viên thực tập là: Phải học rửa tay, kể cả những bác sĩ lớn tuổi.

Không ít bác sĩ tương lai đã bị phê bình công khai, thậm chí từ chối không nhận đào tạo vì không tuân thủ yêu cầu rửa tay. Thậm chí các xe tiêm ở đây cũng được trang bị cồn sát khuẩn nhanh.

Thế nhưng, theo các bác sĩ tự nhận định: Bàn tay của họ vẫn... bẩn. Bởi nước dùng trong bồn rửa tay là nước máy thành phố, không vô trùng.

Theo GS-TS Trần Quỵ - nguyên GĐ BV Bạch Mai, từ chỗ tỉ lệ nhiễm khuẩn BV trên 10%, sau khi triển khai các chương trình phòng chống nhiễm khuẩn, trong đó có tuân thủ vệ sinh bàn tay, tỉ lệ này giảm xuống 5-7%, tương đương tỉ lệ ở các nước có nền y học tiên tiến.

GS Quỵ lý giải: "Tuy nhiên, 94% BV cả nước có khoa chống nhiễm khuẩn nhưng chỉ 30% hoạt động hiệu quả. Giá trị của chống nhiễm khuẩn không được đo ngay ra giá trị kinh tế, thậm chí, việc chống nhiễm khuẩn còn làm lỗ cho bệnh viện, vì họ phải tự bỏ kinh phí ra. Nên không phải nơi nào cũng muốn đâm đầu vào việc khó, lại không ra tiền bạc ngay. Vì thế, điều cốt yếu vẫn là phải có một cơ chế, đưa vào quy định rõ ràng về chống nhiễm khuẩn cho tất cả BV".

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1 (TPHCM): "Không thể kể hết những căn bệnh mà nguyên nhân đều xuất phát từ đôi bàn tay bẩn, như: tiêu chảy, thổ tả, thương hàn, kiết lỵ, cảm cúm đã được phát hiện từ rất xa xưa. Hay những năm gần đây còn phát hiện thêm những vi trùng, vi khuẩn từ đôi bàn tay còn khiến người ta mắc những bệnh hết sức nguy hiểm như hội chứng viêm não cấp. Và thậm chí, thời gian qua ngành y tế của ta còn có hẳn một căn bệnh được định danh chính xác là bệnh: Tay - Chân - Miệng, thường xảy ra ở đối tượng là trẻ em...cũng có "xuất phát điểm" của nguyên nhân gây bệnh ấy là đôi bàn tay bẩn".
T.U ghi
Nguyễn Hằng