Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: QUANGKHAI on 17/08/07, 15:59 Return to Full Version

Title: NGƯỜI ĐÀN ÔNG TÔI YÊU
Post by: QUANGKHAI on 17/08/07, 15:59
Cà phê không đường

"Thùy Trang, anh buồn lắm!". "Sao vậy huynh? Đệ có thể giúp gì cho huynh?". Tôi hỏi, vẻ thông cảm. Giọng rất kịch. "Người như anh mà cũng biết buồn?". "Anh cũng không biết nữa!".

Anh uể oải: "Em hồn nhiên như nắng. Em có thể dành một ít tâm hồn trong trắng của em để nâng đỡ lão già tội nghiệp này không?". Tôi nghiêng người, nâng cái khay đựng những ly cà phê vừa thu dọn trên bàn lên cao, trịnh trọng: "Kẻ hèn mọn này sẵn sàng trao cho huynh hết tâm hồn mình đó. Chỉ sợ huynh không thèm thôi!". Xong, tôi cười híc híc, bước vô trong.

Anh đẹp trai và giàu có. Vợ anh đẹp và rất yêu anh. Vậy mà sao anh nói buồn? Vô lý! Anh vẫn ngồi trong tư thế ấy, hơi ngả người ra sau. Một tay để trên thành ghế, tay kia cầm điếu thuốc, mắt nhìn thẳng. Thỉnh thoảng, điếu thuốc cháy đỏ lên, sáng rực.

Anh rít thuốc, thở dài rất khẽ, nhắc lại: "Thùy Trang! Em đừng đùa! Anh buồn lắm, cô đơn lắm! Em có biết không?". Lần này tôi im lặng. Hình như anh nói thật.

Hôm đó, bị chủ nhà mắng oan, tôi quyết định nghỉ làm gia sư. Tôi đạp xe lang thang một hồi, thấy mình đứng trước cái quán cà phê này. Quán nhỏ. Cách bài trí giản dị nhưng ấn tượng: Những chiếc bình gốm đất nung mang bản sắc Chăm đặc trưng, những bức tranh đồng quê, một hòn non bộ róc rách...

Từ trên chiếc loa nhỏ vang lên giọng hát rất trầm. Bài "Chiếc lá đầu tiên" của nhạc sĩ Tuấn Khanh. "Hỡi chiếc lá nào bay về trời, chớ ngại ngần với tôi. Hãy giữ lấy giùm tôi nụ cười và đức tin ở con người". Những lời ấy đã kéo tôi vào quán.

Không còn chỗ trống, ngoài một cái ghế duy nhất bên cửa sổ. Người đàn ông có vẻ sang trọng ngồi cạnh đang trầm tư bên ly cà phê đen. Người ấy hỏi tôi vì sao có một mình. Tôi nói vì tôi chỉ có một mình. "Vì sao anh cũng chỉ có một mình?". Tôi hỏi lại. Anh cười: "Vì mình thứ hai của tôi đang bận!".

Đắn đo vài giây, anh hỏi tiếp: "Còn em? Sao có vẻ không vui?". Giọng anh ân cần. Thế là tôi đem những buồn bực trong nhà đứa học trò ra kể và kết luận: "Giờ thì em gay rồi! Sinh viên tỉnh lẻ mà anh!". Anh ngẫm nghĩ: "Vậy à? Để anh tính coi có cách nào giúp em không nhé!".

Một người mới gặp lần đầu mà muốn giúp đỡ mình? Hoặc là một cái bẫy? Hoặc là cổ tích? Nhưng tôi vẫn gật đầu khi bắt gặp ánh nhìn trung thực của anh. Anh nhìn quanh, ngần ngừ: "Em có sợ... mang tiếng không?". Tôi như người sắp chết đuối vớ được phao: "Ồ! Không đâu! Việc gì cũng được! Miễn là có tiền!".

Anh nhắc lại, kéo dài giọng, chế giễu: "Việc gì cũng được? Kể cả bán linh hồn cho quỉ dữ?". Tôi đỏ bừng mặt, lúng túng: "Vâng! À! Không ạ! Cũng còn phải xem việc gì...". Anh cười, ấm áp: "Anh đùa đấy! Anh nghĩ... Chắc cũng không đến nỗi nào!".

Anh nói tôi ngồi đợi rồi đi vào phía trong. Mấy phút sau, anh đi ra với một người đàn ông tầm thước có khuôn mặt phúc hậu. Anh chỉ tôi: "Giới thiệu với anh Bảy, đây là Thùy Trang, cô bạn mới quen! Anh có thể thu xếp cho cô bé một công việc nào trong quán không?".

Chú Bảy nhìn tôi dò xét rồi ngập ngừng: "Không biết cô Trang có chịu làm không?". Ông khoát khoát hai bàn tay to bè: "Thì đó, nếu đồng ý, hàng ngày, cô đến đây giúp tôi bưng bê, thu dọn, rửa ly chén...". Anh hỏi: "Em thấy sao?". Quá bất ngờ nên tôi chưa kịp trả lời.

"Làm ở quán cà phê" - những tiếng đó nghe không mấy cảm tình. Tôi nhìn kỹ chú Bảy. Chú cũng nhìn tôi bằng ánh mắt hiền từ. Tôi gật đầu: "Cháu đồng ý!". "Vậy là xong trách nhiệm của "Trung tâm giới thiệu việc làm", há! Phần còn lại là của các đối tác, nghen!".

Anh xoa xoa hai tay vào nhau, hồ hởi. Tôi rất muốn hỏi chuyện lương bổng nhưng ngại. Thôi thì cứ làm rồi tính sau. Nói như anh, có lẽ không đến nỗi! Có một điều bất ngờ. Hầu hết khách là những nghệ sĩ, nhà văn nổi tiếng trong thành phố. Vả lại, công việc không nhiều nên tôi có thời gian rảnh rỗi nghe họ bàn luận tranh cãi. Những chủ đề mới lạ và rất hay. Tôi ngầm hiểu ra 1 điều: Chú Bảy đâu có cần người giúp việc. Có lẽ anh nói sao đó mà chú nhận, kiểu như một cách giúp đỡ...

Hầu như chiều nào anh cũng ghé quán. Anh luôn ngồi vào cái ghế ấy. Tôi cảm thấy hình như anh vui hơn, nói nhiều hơn. Không còn cái dáng ủ rũ như hôm tôi gặp lần đầu. Tôi cũng quen với việc đem cho anh một ly cà phê đặc sánh không đường. Và nói chuyện.

Anh có giọng nói rất hay. Vừa trầm ấm vừa biểu cảm. Cũng như những người khác, chủ đề của anh là tác giả và tác phẩm văn học. Tôi say mê nghe, có khi quên mất mình đang làm việc. Song bao giờ anh cũng chỉ ngồi đến 7 giờ là đứng dậy. Mặc dù có khi ly cà phê, do mải nói chuyện với tôi, vẫn còn nguyên vẹn.

Tháng lương đầu tiên, chú Bảy đưa tôi 1 triệu. Tôi thành thực: "Sao nhiều quá vậy chú Bảy?". Chú cười: "Công xá là 700. Còn 300 là được tài trợ!". Tôi biết ngay ai là nhà tài trợ. Ngày hôm sau, tôi đưa lại anh. Anh khoát tay: "Đừng từ chối! Cô bé! Coi như anh cho em mượn! Ít nữa đi làm trả lại anh! Chứ thu nhập chừng đó, tiêu sao đủ?".

Anh có lý nên tôi đút tiền vô túi. Với một người như anh, 300 ngàn thì nhằm nhò gì. Ít nữa giàu có, tôi trả lại mấy hồi. Vậy mà, sao bữa nay anh lại than buồn? Và cô đơn nữa! Lạ chưa?

Tôi ngồi xuống cái ghế bên cạnh. Biết nói gì để an ủi anh. Tôi hỏi: "Sao coi anh giàu vậy mà cũng biết buồn? Em vẫn nghĩ, cuộc sống của anh thật là hoàn hảo!".

Anh nhếch mép, chua chát: "Hoàn hảo?". Tôi đùa cho anh vui: "Có phải vậy mà anh dùng cà phê không đường như một thứ thuốc chữa buồn và cô đơn?". Anh cười mà vẫn buồn: "Ôi Trang! Em thật thú vị! Nhưng anh ngồi đây, uống cà phê không đường là để chiêm nghiệm cuộc đời đấy!". Tôi tinh nghịch: "Vậy có ngộ được gì không?". Anh trầm ngâm: "Có! Anh nghiệm ra, tiền không mua được hạnh phúc!".

Có khách gọi. Tôi đứng dậy. Khi tôi quay lại, chiếc ghế cạnh cửa sổ bỏ trống... Ngày hôm sau, không thấy anh tới. Hôm sau, rồi nhiều hôm sau nữa cũng vậy.

Tôi hỏi chú Bảy: "Chú có biết anh Minh đi đâu không?". Chú Bảy rít một hơi thuốc rê, trầm ngâm: "Nó đi xuất khẩu lao động rồi! Tội nghiệp! Ngày xưa, nó cũng là sinh viên tỉnh lẻ như cháu! Ham lấy vợ giàu...". Chú lắc đầu: "...Để rồi chẳng tìm đâu ra hạnh phúc!".

Trời ơi! Hóa ra hôm đó anh đến để chia tay tôi? Tôi buồn bã cúi đầu. "À! Mà quên! Trước khi đi, nó gởi cháu cái này!". Chú Bảy đưa tôi một gói báo dày. Tôi mở ra: Toàn tiền 100 ngàn mới tinh. Nhiều quá! "5 triệu! Nó nói để chú phụ thêm vào tiền công của cháu. Nhưng chú nghĩ, để cháu quyết định thì hơn. Có thể có tiền thì cháu sẽ thôi làm ở đây...".

Tôi nắm chặt xấp tiền, ngậm ngùi: "Không đâu chú Bảy! Cháu vẫn làm! Để mai mốt về, ảnh còn biết chỗ mà tìm cháu...". 

Thùy Trang