Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: QUANGKHAI on 24/08/07, 10:52 Return to Full Version

Title: MÁI TÓC VÀNG
Post by: QUANGKHAI on 24/08/07, 10:52
Mái tóc vàng

Khi biết tin đỗ vào lớp 10, đám bạn của Hoa rủ nhau đi ăn mừng. Hứng chí, Hoa nhuộm béng mái tóc đen tuyền thành màu vàng hoe. Được cái tóc Hoa đẹp, nên mái tóc vàng cứ óng như mớ tơ, trông cũng hay.

Ngày tập trung đầu tiên, thầy chủ nhiệm đã nhắc nhở nó phải về nhuộm lại tóc, nhưng vài ngày sau thầy vẫn thấy mái tóc vàng nhấp nhô trong lớp. Buổi sinh hoạt lớp đầu tiên sau 1 tháng nhập trường, thầy nhắc lần nữa đến mái tóc vàng của nó.

Nó im lặng, nhưng nhìn mặt nó ịch ra, nặng chịch, thầy biết nó bất mãn. Tan học, thầy gọi nó lên văn phòng. Sau bài giáo huấn đạo đức, thầy đe: Nếu không chịu nhuộm lại tóc sẽ mời phụ huynh đến. Nó cãi: Nhuộm đen cũng là nhuộm. Tại sao nhuộm đen được mà lại không được nhuộm vàng?

Tại sao người Việt Nam cứ phải tóc đen mới được? Nếu nhuộm tóc vàng là người xấu tại sao nhiều người lớn cũng nhuộm tóc vàng, nâu...? Nó còn lý luận: Nó đâu có làm gì xấu, đâu có vi phạm đạo đức. Nó thấy tóc vàng hợp với nó, nó thấy đẹp thì nó nhuộm.

Cũng như người già thấy tóc bạc là xấu, thì họ nhuộm tóc đen. Chỉ là ý thích và quan niệm đẹp xấu của mỗi người mà thôi. Nó nhuộm tóc vàng đâu có vi phạm quy chế nhà trường... Thầy còn bảo nó: Như thế là ăn chơi, không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nó cãi: Nó chẳng ăn chơi gì cả. Đơn giản là nhuộm tóc - thế thôi.

Nó còn táo bạo hơn, bảo: Nếu cấm nhuộm tóc thì phải cấm tất cả các màu... thì phải cấm các thầy cô giáo trước đã, nhất là thầy hiệu trưởng. Thầy mời mẹ nó đến trường kể tội nó. Mẹ nó cũng đành bó tay trước những lý luận của nó, nhưng bố nó chẳng cần lý luận gì hết, bố đánh nó một trận và dọa: Không nhuộm lại màu đen thì cạo trọc.

Nó ấm ức: Cạo trọc thì không đi học nữa. Bố mẹ nó đành bất lực. Thầy cũng bất lực. Mỗi khi nhìn xuống lớp thấy mái tóc vàng hoe của cái Hoa, thầy bứt rứt, khó chịu, đâm ra ác cảm và khắt khe với nó.

Nó cảm nhận qua ánh mắt của thầy và nó hiểu điều đó rõ ràng qua những câu vặn vẹo của thầy mỗi khi nó phải đọc bài. Cái Hoa chán học. Kiến thức càng ngày càng hổng, nó đâm chán.

Thỉnh thoảng chán quá nó lại vờ ốm, xin nghỉ học. Những buổi nghỉ học tăng dần. Một buổi trốn học, nó quen anh Bình trên nó một lớp. Từ đó hai đứa hay rủ nhau bỏ học. Đi chơi chán, chúng rủ nhau về nhà xem phim trên mạng và tập như phim.

Cho đến một hôm, mẹ nó về nhà giữa giờ bắt gặp quả tang hai đứa đang ôm nhau ngủ say sưa trên giường, chẳng quần, chẳng áo, mới tá hỏa, bắt nó chuyển trường, rồi thuê vệ sĩ đi kèm. Nhưng trong lòng, mẹ nó vẫn hiểu: đó không phải là biện pháp tốt.

Nói đến chuyện nhuộm tóc vàng tôi lại nhớ đến cậu bé Tân. Tân vào bệnh viện để nắn lại xương tay lệch. Cậu bé thì thầm kể: Bốn hôm nữa cháu mới được mổ, ở đây cháu chán quá. Cháu xin bác sĩ cho về, đến hôm mổ cháu sẽ đến, nhưng bác sĩ không cho... - Thấy tôi ngạc nhiên, cậu bảo: Tại bác sĩ ác cảm với cháu đấy bác ạ. Bác sĩ bảo cháu đầu xanh, đầu đỏ... mà... bác xem, đầu cháu có đầu xanh đầu đỏ gì đâu, tóc cháu bị cháy nắng chứ có phải cháu nhuộm đâu... bác nhỉ... - Vừa nói, cậu bé vừa xòe mấy ngón tay lùa vào mái tóc, kéo lên như để tôi nhìn cho rõ.

Cô bé bệnh nhân giường bên, cười hí hí hí, bảo: Đúng là có nhuộm, lại còn cãi... - rồi cô quay sang tôi mách - Bác ơi, hôm qua, đúng lúc bác sĩ đi thăm bệnh nhân, thấy mấy anh bạn anh ấy cũng nhuộm tóc, bác sĩ đuổi ra và mắng cho một trận, hí hí hí...

Cậu bé quay lại nhìn tôi cười ngỏn nghẻn. Mấy thằng bạn cháu làm hại cháu bác ạ, chúng nó làm bác sĩ ghét lây cả cháu, chứ cháu có nhuộm tóc đâu, bác nhỉ...Tại cháu đi nắng nhiều nên tóc cháu bị cháy nắng... Tôi tin ngay vì biết cậu là lơ xe, thường cùng bố đi chở khách và chở hàng buôn bán các tỉnh. Tôi gật đầu, bảo: - Đúng, bác tin - tôi quay sang bé gái, bảo - đúng là tóc anh bị cháy nắng, với lại, anh nói thì phải tin chứ.

Cậu bé nhìn tôi. Cái nhìn thật lạ. Tôi không diễn tả nổi, nhưng tôi hiểu ngay: mình đã tin nhầm. Chỉ một lát sau, cậu bé rứt rứt mái tóc, thầm thì: Cháu cũng nhuộm đấy, nhưng lâu rồi, bố cháu bắt cháu nhuộm đen, cháu cũng đã nhuộm đen rồi đấy, nhưng bây giờ nó lại phai hết màu đen nên thành thế này... với lại... chắc nó cũng bị cháy nắng...

Tôi tò mò: Thế sao ngày ấy cháu lại chịu nghe lời bố nhuộm lại tóc đen, có phải bố đánh đau quá không chịu nổi không? Cậu bé cười rất ngoan: Bố cháu mà đánh cháu á, thì còn lâu cháu mới nghe... Bố cháu chỉ bảo: Mày trông như thằng lưu manh, ai trông thấy cũng khiếp, thế thì còn ai dám đi xe của tao nữa, mất hết cả khách... Mày mà không nhuộm lại tóc thì ở nhà... - Ở nhà thì cháu chết... - cậu rụt cổ, cười toe toét.

Cậu bé lại áy náy: Bác ơi, chắc bác sĩ ghét cháu chỉ vì mái tóc của cháu nên không mổ sớm cho cháu, bác nhỉ. Mà cô y tá cũng nhuộm tóc đấy thôi, bác nhỉ... - Cậu lo lắng - Cháu sợ đau lắm, uống thuốc bao nhiêu cháu cũng không sợ, cháu chỉ sợ đau thôi. Cháu sợ bác sĩ ghét cháu rồi tiêm cháu đau thì chết... - Thấy tôi phì cười, cậu bé nghiêm trang nói: Thật đấy, cháu thấy bác sĩ không thích cháu...

Không biết bác sĩ có không thích cậu bé hay chỉ là cậu tưởng tượng ra, nhưng những bệnh nhân ở buồng khác thì tôi biết rõ, họ xếp cậu vào dạng bất hảo. Nếu chỉ nhìn bên ngoài.

Cậu bé cao lớn, già dặn hơn cái tuổi 16 của mình với mái tóc cắt cua hoe vàng, nước da rám nắng gió, với cái nghề lơ xe - người ta sẽ cảnh giác. Nhưng với tôi, tôi được nghe cậu bé nói - rất ngô nghê, rất trẻ con, được thấy cái cười rất duyên và cũng rất non của cậu - tôi nhận ra rằng: Bất kể bề ngoài thế nào - lứa tuổi mười sáu của các em vẫn rất trong sáng, ngây thơ.

Dù cách nói, lời nói của các em thế nào thì tâm hồn của các em cũng vẫn là ánh trăng mười sáu. Để ánh trăng mười sáu mãi mãi sáng trong, trách nhiệm vẫn luôn thuộc về người lớn chúng ta. Ước gì đừng ai làm tổn thương ánh trăng tròn.

Ngày con tôi sáu tuổi, cháu đã ao ước mình được như bé Tây, có đôi mắt xanh biếc và mái tóc vàng óng. Khao khát đến độ nó trách tôi: Sao mẹ không đi Tây để đẻ con này này (nó vỗ vỗ vào ngực) lai thật là lai...

Ngô nghê đến buồn cười, nhưng cũng đủ hiểu: Trẻ con khi thích là thế nào. Nhận thức về cái đẹp trong mắt mỗi người sẽ thay đổi theo mỗi bước đi trong cuộc đời họ.

Người lớn chúng ta không thể áp đặt ý thích của mình cho con trẻ. Giá như người lớn thủ thỉ bảo rằng: nhuộm tóc không tốt cho da đâu, cho tóc và cho thần kinh... mà đừng quy về đạo đức, tác phong, đừng nói đến cái xấu, cái đẹp - có lẽ các em dễ tiếp thu hơn.

Với tình yêu thương và sự thông cảm, người lớn chúng ta hãy nhớ lại một thời tuổi trẻ, ta đã thích những gì để hiểu các con, để dạy các con, để tuổi trăng tròn của các con không vương bóng mây đen.


TN