Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: QUANGKHAI on 01/09/07, 07:58 Return to Full Version

Title: hạnh phúc quanh ta
Post by: QUANGKHAI on 01/09/07, 07:58
Trụ cột gia đình

Tôi còn nhớ hồi đó, khi sắp về nhà chồng, bà cô ruột của tôi thì thầm vào tai: "Nè cháu, nhớ khi vợ chồng lần đầu tiên bước vào phòng tân hôn thì cháu làm sao đạp lên cái bóng của thằng chồng cháu trước thì sau này cháu mới "nắm quyền" trong nhà, nói cái gì chồng cũng nghe!".

Mới hơn 20 tuổi, tôi không quan tâm lắm đến chuyện "quyền binh", tôi lấy anh vì yêu anh, ai nắm quyền mà chả được. Thế nhưng vì nể bà cô có tiếng đảm đang và cũng đầy uy quyền nên tôi nghe bà làm theo.

Khi tụi tôi vào "phòng hoa chúc" thì trời đã tối, phải thắp đèn nên bóng hai đứa ập vào nhau khi mới bước vào cửa phòng, sực nhớ lời bà cô tôi liền dậm dậm vào cái bóng của anh, anh không hiểu gì quay lại hỏi: "Em bị làm sao vậy?". Nhìn vẻ mặt lo lắng, ngơ ngác của anh tôi liền phá ra cười: "Em bị kiến cắn!". Anh vội cởi giày tôi ra để... bắt con kiến!

Rồi những ngày chung sống, tôi chỉ thích nũng nịu với anh hơn là tìm cách "nắm quyền". Rồi dần dần tôi khám phá ra "bí quyết" là khi nào tôi dịu dàng, hiền hậu thì tự nhiên anh làm theo ý tôi hơn tôi tỏ ra quyền lực.

Tính anh rất ham vui, hay bù khú bạn bè, không biết tiết kiệm, thế mà từ khi có con anh đã thay đổi hẳn, bao nhiêu tiền lương anh đưa hết cho vợ, kể cả tiền làm thêm, tiền thưởng anh cũng không giấu, chỉ giữ lại một ít để vui vẻ với bạn bè...

Cuộc sống vợ chồng tôi đang bình yên, chuẩn bị đón đứa con thứ 2 chào đời và bao nhiêu kế hoạch đặt ra, nào mua xe, làm nhà..., thế mà một cơn tai biến ập đến khiến anh liệt nửa người, khiến bao nhiêu tiền bạc dành dụm tôi đổ ra chạy chữa cho anh suốt cả năm trời cũng chỉ giúp đôi chân vốn mạnh mẽ ấy có được cảm giác chứ không đi lại được. Thế là anh đành phải ở nhà, đi lại trong nhà bằng đôi nạng rất khó khăn khiến tôi rất xót xa, nhưng anh vẫn lạc quan và kiên trì tập luyện.

Trước đây anh rất ít khi làm việc nhà và lười nữa là khác, nhưng bây giờ để tôi đỡ vất vả vì đi làm suốt ngày, anh không ngại việc gì. Từ nấu ăn, giặt đồ, lau nhà, dạy con học... Anh mua sách dạy nấu ăn về nghiên cứu và nấu ăn rất ngon. Rồi anh còn làm được giò chả, xíu mại, patê ngon hơn cả ngoài tiệm.

Nhiều khi có khách đến chơi, chúng tôi mời ăn cơm họ đều ngạc nhiên trước "tài vặt" ấy của anh. Không ít người còn mua vật liệu đến năn nỉ nhờ anh bày một số món, đó cũng là niềm vui khiến anh mau bình phục.

Nhưng gần ba năm trời chạy chữa, bao nhiêu tiền bạc ra đi, đôi chân anh cũng chỉ bình phục ở mức đó, phải nhờ vào đôi nạng mới có thể di chuyển được và chúng tôi biết rằng cuộc sống phía trước sẽ rất khó khăn.

Một hôm đang ngủ bỗng anh vùng dậy nói với tôi: "Này em, nhà mình ở đầu hẻm, hơi chật không mở quán ăn được nhưng anh có thể làm một cái tủ bán bánh mì thịt nguội. Anh chuẩn bị trước kỹ lưỡng rồi, một mình đứng bán được". Tôi biết tính anh nói là làm nên không cách nào hơn là ủng hộ.

Ban đầu, khách mua chỉ là hàng xóm, bà con, bạn bè đến ủng hộ nhưng nhờ ngon và giá cả phải chăng nên dần rất đắt hàng, có người còn đến đặt hàng với số lượng lớn để mang theo trong những chuyến đi chơi xa, dã ngoại vì món patê anh làm ai đã ăn rồi là rất mê.

Để anh đỡ vất vả, tôi bèn nhờ một cháu trai hàng xóm đang không có việc làm đến phụ anh. Cháu này ham chơi, lông bông khiến mẹ cháu rất buồn. Khi làm với anh, anh ân cần khuyên bảo nên cháu chịu làm và siêng năng hẳn ra, cháu rất vui khi có tiền mang về cho mẹ.

Anh không ngừng tìm cách để món bánh mì thịt nguội ngày càng ngon và rất kỹ lưỡng trong việc vệ sinh thực phẩm, từ đó khách hàng yên tâm và lượng hàng bán ra ngày càng tăng, anh phải nhờ một bà chị họ ở quê lên phụ giúp.

Với đôi nạng vướng víu nhưng anh thoăn thoắt gói chả, chế biến patê, còn buổi sáng đứng trông coi việc buôn bán, giao nhận hàng. Khách hàng ủng hộ một phần cũng vì cảm kích nghị lực, sự siêng năng của anh và nhất là thái độ phục vụ niềm nở của anh.

Và công việc buôn bán giúp chúng tôi lấy lại những gì đã mất. Rồi cũng xây lại được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi đầy đủ và lo cho các con ăn học. Tầng trệt căn nhà dành hẳn cho việc buôn bán, có chỗ ngồi cho khách muốn ăn tại chỗ và đường dây giao hàng tận nơi...

Bây giờ trông anh phát tướng, bệ vệ, ra dáng một ông chủ quán. Và dù với đôi chân phải nương vào đôi nạng nhưng anh vẫn là trụ cột của gia đình. Nhớ lại chuyện "đạp bóng" của mình ngày xưa, tôi lại tủm tỉm cười... 

st