Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: QUANGKHAI on 01/09/07, 08:04 Return to Full Version
Title: NGƯỜI ẤY ĐÃ ĐI RỒI
Post by: QUANGKHAI on 01/09/07, 08:04
Post by: QUANGKHAI on 01/09/07, 08:04
Tôi khoe với nàng: "Anh có di động rồi đây này!". Nàng cười khanh khách: "Thấy chưa, trước sau gì thì anh cũng phải dùng. Thời đại thông tin khoa học mà một nhà giáo nổi tiếng như anh lại không có di động thì thật buồn cười".
Nói xong, nàng rút chiếc di động nhỏ nhắn, long lanh của nàng ra: "Anh đọc số đi". Tôi lúng túng mãi vì không nhớ ngay được cái dòng mười con số mới tinh của mình khiến nàng lại bật cười: "Chỉ cần anh bấm gọi vào máy em là em lưu được số máy của anh, nhưng em muốn anh phải đọc cho nhớ".
Trong đầu hiện về dần, tôi đọc chậm rãi từng con số và đọc đến đâu thì ngón tay có chiếc móng vẽ hoa xanh như đầu rắn của nàng cứ thế mà mổ theo. Nạp xong số máy của tôi, nàng ngồi thử lại bằng cách nhoay nhoáy một dòng tin. Nàng vừa dừng thì máy tôi tít tít tít. Thế là đúng số rồi.
Nàng dằng lấy đọc to: "Từ nay anh có máy rồi/ Nhớ em thì gọi một lời em thưa". Tôi nhìn vào dòng tin thấy hai câu thơ rất tình thì thích lắm. Nàng bảo: "Anh lưu số của em vào đi".
Tôi ớ người. Lại lúng túng. Thú thực với bạn đọc là hôm qua nhân ngày Nhà giáo, thằng con trai tôi lĩnh tháng lương đầu tiên mua ngay tặng bố một chiếc di động hãng NOKIA loại 6030 này đây. Nó đang bận nên mới tạm hướng dẫn bố cách bấm để nghe gọi đến và gọi đi. Còn những tác dụng khác nó bảo đợi nó đi công tác về sẽ hướng dẫn tiếp.
Tôi, một nhà giáo thần tượng trong mắt nàng luôn được nàng khen: "Anh giỏi thật, cái gì cũng biết", chả nhẽ lại để nàng dạy cho cách sử dụng điện thoại di động trong cái thời đại mà đến ông bán than tổ ong, bà mua đồng nát còn có di động thì thật là xấu hổ. Nghĩ thế, tôi ra vẻ tinh vi để giữ sĩ diện: "Được rồi, về anh lưu, số em nằm trong tay anh, chạy đâu cho thoát".
Chuyện tưởng đơn giản mà hóa ra phức tạp. Sau buổi chiều ngồi uống cà phê với nàng, tôi trở về luôn dỏng tai chờ nghe chiếc điện thoại của mình reo gọi. Nếu nó réo, chỉ là nàng gọi chứ chẳng phải ai vì chưa ai được biết số máy này của tôi.
Mười giờ đêm thì chiếc máy gọi thật. Thằng con hiện đại cài hẳn cho bố nhạc chuông bằng bài hát Họa mi hót trong mưa làm tôi giật nảy cả mình. Chẳng có kinh nghiệm gì cả. Vừa cầm máy tôi đã nói luôn mà không xem số máy của ai.
"Em đấy à? Sao bây giờ mới gọi?". Đầu bên kia cất lên lời của thằng con tôi: "Bố ơi con đây. Con đang ở Đà Nẵng rồi. Bố cất hộ con bộ giấy tờ xe máy con để quên trong nhà tắm nhé. Với lại sáng mai là ngày lấy kết quả xét nghiệm bệnh cho mẹ. Bố nhớ đến bệnh viện lấy nhé".
Tôi hú hồn, may thằng con chẳng chê trách gì việc tôi a lô sai đối tượng, chỉ dặn thế rồi cúp máy. Nhưng bà xã tôi đã đứng đằng sau lúc nào mà tôi không biết.
"Em đấy à... à". Giọng cô ta nhại lại lời tôi vừa rồi một cách chì chiết, riết róng. Rồi cô ta hỏi gay gắt: "Em nào? Hóa ra mong ngóng gái?". Tôi tức quá quẳng chiếc máy ra bàn: "Chẳng có ai cả, chỉ nghi ngờ vớ vẩn! Đây, không tin thì kiểm tra trong máy xem đã có ai mà gọi".
Vợ tôi cũng vào loại ghê gớm, cô ta liền vồ ngay chiếc máy rồi bấm nhoanh nhoách khiến tôi trố cả mắt (vì nghĩ từ trước đến nay đã có máy điện thoại di động đâu mà biết dùng).
Lạ chưa, không hiểu sao trong chiếc máy đã có tới 5 tin nhắn cho tôi, tất cả 5 tin đều của một người. Nàng. Vợ tôi đọc những dòng tin ấy như hét lên: "Anh về đến nhà chưa?/ Tối nay anh ăn gì? Có nhớ em không?/ Chiều nay trông anh có vẻ buồn. Có gì đấy?/ Sao anh không trả lời em, hay là bị kiểm soát?/ Anh trả lời em đi chứ? Hay cái máy lại hỏng rồi?".
Gào xong, vợ tôi dò tiếp để tìm trong hộp thư cũ. Lại thấy hai câu thơ nàng gửi thử lúc chiều. Đến đấy thì vợ tôi không chịu nổi, lăn đùng ra đi văng khóc ầm lên, rồi vừa khóc cô ta vừa sỉ vả như dứt từng miếng thịt trong người tôi ra: "Thấy chưa? Tôi ốm đau, kém cỏi nên mới bị anh lừa dối, coi thường. Tôi chưa chết đâu nhá! Chưa chết mà đã có người định thay thế tôi trong cái nhà này rồi. Trời ơi là trời! Chồng ơi là chồng! Anh là kẻ táng tận lương tâm. Vợ đang ốm đau bệnh tật mà cũng vui với gái được. Thật là dã man! Sao tôi không chết quách đi cho anh rước nó về đây sớm để mà hầu hạ nó hả trời ơi...".
Vợ tôi gào đến đó thì như đứt hơi, tự nhiên thấy tắt lịm, nằm yên nhắm nghiền mắt. Tôi hoảng quá, sờ tim cô ấy thấy đập thoi thóp càng lo sợ liền gọi xe cấp cứu đưa ngay vào bệnh viện.
Đêm ấy, tôi ngồi trực vợ cho đến sáng. Sáng ra, vợ tôi tỉnh lại tôi mới dám gọi điện thông báo cho thằng con. Nghe xong, thằng con tôi rất bình tĩnh hỏi: "Nguyên nhân mẹ phải cấp cứu không phải do chiếc điện thoại di động của bố chứ?". Tôi nói yếu ớt: "À, ờ... có thể, thôi lúc nào về bố kể".
Buổi chiều lúc về nhà rồi, vợ tôi được thằng con gọi hỏi thăm mẹ vào máy điện thoại cố định. Tôi nấu cơm trong bếp nghe rất rõ tiếng hai mẹ con nói chuyện với nhau: "Con xin lỗi mẹ, hôm qua con nhắn tin trêu bố đấy, vì bố chẳng hiểu gì về điện thoại di động cả. Con thử nhắn vài tin xem bố có biết mở đọc không đấy. Không tin mẹ thử lấy máy của bố mở lần nữa xem. Vẫn chẳng biết đọc tin có chán không?".
Thấy vợ tôi dập máy điện thoại rồi nói vọng ra bếp: "Anh Bình cho tôi mượn chiếc di động một chút, tôi nhắn tin cho thằng Đức". Tôi lẳng lặng lên phòng cầm xuống chiếc máy cho cô ấy mà trong lòng rất lo. Nếu có tin của nàng nhắn trong này nữa thì chết.
Nhưng may sao, khi vợ tôi mở máy chỉ có ba dòng tin của thằng con trai đùa tôi: "Anh bị bà xã trị cho một trận rồi à? Bà ấy đúng. Phải tay em thì em xé xác anh từ lâu rồi/ Anh có nhớ em không?/ Tội nghiệp cho người không biết đọc tin nhắn trong máy của mình".
Tôi đang nhặt rau, tim đập loạn nhịp vì hồi hộp, bỗng nghe vợ tôi chửi đổng: "Tiên sư bố nhà nó, con với cái. Bây giờ chúng nó bằng vai phải lứa thật đấy, dám trêu chọc cả bố mẹ".
Câu chửi quá chua ngoa nhưng tôi vẫn vô cùng thích thú vì như thế vợ tôi đã được giải thoát. Cô ta đã tin tất cả là do thằng con quỷ sứ của chúng tôi trêu đùa bố chứ không phải bố nó có người thứ ba. Như vậy, huyết áp của cô ấy sẽ không bị ảnh hưởng và hạnh phúc gia đình tôi vẫn được an toàn. Thằng con tôi quả là thông minh tuyệt vời. Con ơi, bố vừa nể vừa sợ con đấy.
Chiều nay sau lúc tan trường, khi tôi đến quán cà phê Huyền Kiêu thì đã thấy nàng đợi sẵn ở đó. Vừa ngồi xuống ghế, tôi đã đưa chiếc di động ra trước mặt nàng: "Nói thật là anh chưa biết cách mở đọc và gửi tin nhắn, hôm nay em làm cô giáo dạy cho anh nhé".
Nàng lườm yêu: "Nỡm, anh còn phải dạy cái gì nữa. Định trêu đùa em chứ gì?". Tôi nói chân thành: "Anh chưa biết thật, nếu không dạy thì tạm thời em đừng nhắn tin gì cả. Đợi khi nào thằng con anh đi công tác về nó hướng dẫn thì anh mới biết dùng và em hãy nhắn tin. Bây giờ tin toàn để đấy".
Nghe thế, nàng vội cầm chiếc máy của tôi rồi nhoanh nhoách nàng mở các tin ra đọc. Khổ tôi không, lại những dòng tin của thằng con trai tôi đập vào mắt nàng. Tức thì mặt nàng tái xám. Nàng nói xít xịt qua hai kẽ răng: "Anh có cô nào nhắn tin nữa đây thôi chứ đâu chỉ mình em? Anh cũng đào hoa ra phết. Bắt cá hai tay cơ đấy".
Tôi ra sức thanh minh rằng đó là những dòng tin thằng con trai cứu nguy cho tôi nhưng nàng không tin. Tôi buồn lắm, chẳng muốn thanh minh nữa, ngồi lặng lẽ nhấm nháp cà phê.
Lúc chia tay, thấy nàng rơm rớm nước mắt bảo: "Em lúc nào cũng thần tượng thầy giáo. Đừng lừa dối em mà tội nghiệp. Em chỉ làm doanh nghiệp, suốt đời cọ sát với kẻ có tiền, không khéo léo trong chuyện tình cảm, gặp được anh là người mẫu mực, em kính trọng và yêu lắm".
Từ hôm ấy cho đến một tuần sau lúc thằng con trai tôi đi công tác về, tôi không gặp nàng nữa. Có những đêm khuya soạn bài xong, tôi ngồi thẫn thờ nhớ nàng. Tôi yêu con người ấy ở đức tính diệu hiền và có tâm trong ứng xử, làm ăn. Nàng hay kể cho tôi nghe những vụ việc mà người quản lý như nàng phải đương đầu, thỉnh thoảng còn hỏi tôi cách ứng xử.
Tôi hay đọc thơ hoặc kể những câu chuyện hài hước cho nàng đỡ căng thẳng. Chúng tôi là đôi người tâm đầu ý hợp, yêu nhau và tôn trọng nhau. Vì thế suốt mấy năm trời vợ tôi bệnh tim, bệnh tiểu đường, ốm yếu, hay gắt gỏng và trái tính trái nết, tôi đều nhịn nhục được tất vì tôi được nàng an ủi, động viên.
Tôi buồn và nhớ thương nàng quá. Phải chi vẫn làm gia sư cho thằng con nàng như những năm xưa thì còn có cớ gặp nàng. Bây giờ thằng con nàng đã đi du học ở bên kia bán cầu. Nó học rất giỏi và lúc nào cũng nói với mẹ là nhờ có thầy (là tôi) chỉ bảo dạy dỗ nó mới được thế. Nàng vì vậy càng thần tượng tôi.
Thằng con tôi về buổi chiều thì buổi tối đã sang buồng tôi: "Điện thoại của bố đâu đưa con hướng dẫn tiếp". Tôi đưa ra. Nó mở xem một lúc rồi mỉm cười bảo: "Bố có bốn mươi tin nhắn suốt từ hôm mua máy đến giờ, kể cả 3 tin "giải nguy" của con". Tôi bảo: "Ai dạy mà bố biết đọc tin, gửi cũng chẳng biết".
Nó ngồi xuống cạnh chỉ dẫn cho tôi vài phút. Hóa ra cũng đơn giản, nhoằng cái tôi đã biết đọc, biết viết "xóa mù" ngay rồi. Nó bảo: "Giờ này có người đang hẹn bố ở quán Huyền Kiêu đấy, bố đọc tin rồi ra đó đi, để con ở nhà vui với mẹ".
Tôi ngơ ngác rồi mở các dòng tin ra. Đúng thật, có một cuộc hẹn: "20 giờ ngày 7 em vẫn uống cà phê một mình ở Huyền Kiêu. Nếu tiện thì anh ra nhé!". Tôi đứng dậy thay quần áo, nói to: "Bố sang bác Vinh mượn cuốn sách cái nhá" rồi dắt xe máy đi. Nghe vợ tôi giục rất nhẹ nhàng: "Đức đâu, ra mở cổng cho bố đi kìa".
Thế mà chỉ hai tháng sau, tôi và nàng đã xa nhau và có thể là mãi mãi. Tối ấy, tôi đang lên phòng thì có tin nhắn của nàng. Tôi đọc và không tin ở mắt mình: "Em bắt đầu lên máy bay, bay sang Úc làm ăn và ở luôn đó với con em đây. Nhà cửa em bán rồi, doanh nghiệp đã nhượng, tha thứ cho em trong cuộc ra đi này. Em yêu anh và biết rằng phải ra đi mới giữ được tình yêu lý tưởng của chúng ta. Tạm biệt".
Tôi choáng người. Muốn gào to lên gọi nàng hay khóc rống lên cho thỏa nỗi khổ đau nhưng không được. Chiều hôm qua còn ngồi với nàng cơ mà. Chiều qua nàng còn hỏi tôi: "Sang năm về hưu anh làm gì?", rồi nàng cầm bàn tay tôi nắn nhẹ... Vậy mà giờ này nàng đã bỏ tôi ra đi bất ngờ?
Tôi ngồi xệp xuống ghế, thẫn thờ, nhợt nhạt... Chợt tỉnh ra, tôi vội bấm điện thoại gọi cho nàng. Nhưng máy đã tắt. Có thể máy bay đã cất cánh. Một bàn tay vừa đặt vào vai tôi, ngẩng lên thì ra thằng Đức. Nó mỉm cười giục tôi: "Bố xuống nhà ăn cơm đi, mẹ con đang đợi".
Thằng bé tưởng không biết gì về chuyện này, nào ngờ nó chính là thủ phạm. Tuần sau, nhận được thư của nàng qua email tôi mới sửng sốt vì con mình. Nó đã chủ động gặp nàng và bảo: "Cảm ơn cô đã động viên bố cháu trong mấy năm qua. Bố cháu thật hợp với cô. Tuy nhiên trong hoàn cảnh mẹ cháu đang bệnh tật ốm đau, nếu cô cứ là người thứ ba như thế thì mẹ cháu sẽ chết sớm vì đau khổ và cô cũng không thanh thản được lương tâm. Nếu cô chuyển được đi đâu xa hẳn bố cháu thì tốt cho gia đình cháu và cho cả cô".
Hóa ra thằng con tôi lớn hơn nhiều so với tôi nghĩ về nó.
Hạnh Hoa
Nói xong, nàng rút chiếc di động nhỏ nhắn, long lanh của nàng ra: "Anh đọc số đi". Tôi lúng túng mãi vì không nhớ ngay được cái dòng mười con số mới tinh của mình khiến nàng lại bật cười: "Chỉ cần anh bấm gọi vào máy em là em lưu được số máy của anh, nhưng em muốn anh phải đọc cho nhớ".
Trong đầu hiện về dần, tôi đọc chậm rãi từng con số và đọc đến đâu thì ngón tay có chiếc móng vẽ hoa xanh như đầu rắn của nàng cứ thế mà mổ theo. Nạp xong số máy của tôi, nàng ngồi thử lại bằng cách nhoay nhoáy một dòng tin. Nàng vừa dừng thì máy tôi tít tít tít. Thế là đúng số rồi.
Nàng dằng lấy đọc to: "Từ nay anh có máy rồi/ Nhớ em thì gọi một lời em thưa". Tôi nhìn vào dòng tin thấy hai câu thơ rất tình thì thích lắm. Nàng bảo: "Anh lưu số của em vào đi".
Tôi ớ người. Lại lúng túng. Thú thực với bạn đọc là hôm qua nhân ngày Nhà giáo, thằng con trai tôi lĩnh tháng lương đầu tiên mua ngay tặng bố một chiếc di động hãng NOKIA loại 6030 này đây. Nó đang bận nên mới tạm hướng dẫn bố cách bấm để nghe gọi đến và gọi đi. Còn những tác dụng khác nó bảo đợi nó đi công tác về sẽ hướng dẫn tiếp.
Tôi, một nhà giáo thần tượng trong mắt nàng luôn được nàng khen: "Anh giỏi thật, cái gì cũng biết", chả nhẽ lại để nàng dạy cho cách sử dụng điện thoại di động trong cái thời đại mà đến ông bán than tổ ong, bà mua đồng nát còn có di động thì thật là xấu hổ. Nghĩ thế, tôi ra vẻ tinh vi để giữ sĩ diện: "Được rồi, về anh lưu, số em nằm trong tay anh, chạy đâu cho thoát".
Chuyện tưởng đơn giản mà hóa ra phức tạp. Sau buổi chiều ngồi uống cà phê với nàng, tôi trở về luôn dỏng tai chờ nghe chiếc điện thoại của mình reo gọi. Nếu nó réo, chỉ là nàng gọi chứ chẳng phải ai vì chưa ai được biết số máy này của tôi.
Mười giờ đêm thì chiếc máy gọi thật. Thằng con hiện đại cài hẳn cho bố nhạc chuông bằng bài hát Họa mi hót trong mưa làm tôi giật nảy cả mình. Chẳng có kinh nghiệm gì cả. Vừa cầm máy tôi đã nói luôn mà không xem số máy của ai.
"Em đấy à? Sao bây giờ mới gọi?". Đầu bên kia cất lên lời của thằng con tôi: "Bố ơi con đây. Con đang ở Đà Nẵng rồi. Bố cất hộ con bộ giấy tờ xe máy con để quên trong nhà tắm nhé. Với lại sáng mai là ngày lấy kết quả xét nghiệm bệnh cho mẹ. Bố nhớ đến bệnh viện lấy nhé".
Tôi hú hồn, may thằng con chẳng chê trách gì việc tôi a lô sai đối tượng, chỉ dặn thế rồi cúp máy. Nhưng bà xã tôi đã đứng đằng sau lúc nào mà tôi không biết.
"Em đấy à... à". Giọng cô ta nhại lại lời tôi vừa rồi một cách chì chiết, riết róng. Rồi cô ta hỏi gay gắt: "Em nào? Hóa ra mong ngóng gái?". Tôi tức quá quẳng chiếc máy ra bàn: "Chẳng có ai cả, chỉ nghi ngờ vớ vẩn! Đây, không tin thì kiểm tra trong máy xem đã có ai mà gọi".
Vợ tôi cũng vào loại ghê gớm, cô ta liền vồ ngay chiếc máy rồi bấm nhoanh nhoách khiến tôi trố cả mắt (vì nghĩ từ trước đến nay đã có máy điện thoại di động đâu mà biết dùng).
Lạ chưa, không hiểu sao trong chiếc máy đã có tới 5 tin nhắn cho tôi, tất cả 5 tin đều của một người. Nàng. Vợ tôi đọc những dòng tin ấy như hét lên: "Anh về đến nhà chưa?/ Tối nay anh ăn gì? Có nhớ em không?/ Chiều nay trông anh có vẻ buồn. Có gì đấy?/ Sao anh không trả lời em, hay là bị kiểm soát?/ Anh trả lời em đi chứ? Hay cái máy lại hỏng rồi?".
Gào xong, vợ tôi dò tiếp để tìm trong hộp thư cũ. Lại thấy hai câu thơ nàng gửi thử lúc chiều. Đến đấy thì vợ tôi không chịu nổi, lăn đùng ra đi văng khóc ầm lên, rồi vừa khóc cô ta vừa sỉ vả như dứt từng miếng thịt trong người tôi ra: "Thấy chưa? Tôi ốm đau, kém cỏi nên mới bị anh lừa dối, coi thường. Tôi chưa chết đâu nhá! Chưa chết mà đã có người định thay thế tôi trong cái nhà này rồi. Trời ơi là trời! Chồng ơi là chồng! Anh là kẻ táng tận lương tâm. Vợ đang ốm đau bệnh tật mà cũng vui với gái được. Thật là dã man! Sao tôi không chết quách đi cho anh rước nó về đây sớm để mà hầu hạ nó hả trời ơi...".
Vợ tôi gào đến đó thì như đứt hơi, tự nhiên thấy tắt lịm, nằm yên nhắm nghiền mắt. Tôi hoảng quá, sờ tim cô ấy thấy đập thoi thóp càng lo sợ liền gọi xe cấp cứu đưa ngay vào bệnh viện.
Đêm ấy, tôi ngồi trực vợ cho đến sáng. Sáng ra, vợ tôi tỉnh lại tôi mới dám gọi điện thông báo cho thằng con. Nghe xong, thằng con tôi rất bình tĩnh hỏi: "Nguyên nhân mẹ phải cấp cứu không phải do chiếc điện thoại di động của bố chứ?". Tôi nói yếu ớt: "À, ờ... có thể, thôi lúc nào về bố kể".
Buổi chiều lúc về nhà rồi, vợ tôi được thằng con gọi hỏi thăm mẹ vào máy điện thoại cố định. Tôi nấu cơm trong bếp nghe rất rõ tiếng hai mẹ con nói chuyện với nhau: "Con xin lỗi mẹ, hôm qua con nhắn tin trêu bố đấy, vì bố chẳng hiểu gì về điện thoại di động cả. Con thử nhắn vài tin xem bố có biết mở đọc không đấy. Không tin mẹ thử lấy máy của bố mở lần nữa xem. Vẫn chẳng biết đọc tin có chán không?".
Thấy vợ tôi dập máy điện thoại rồi nói vọng ra bếp: "Anh Bình cho tôi mượn chiếc di động một chút, tôi nhắn tin cho thằng Đức". Tôi lẳng lặng lên phòng cầm xuống chiếc máy cho cô ấy mà trong lòng rất lo. Nếu có tin của nàng nhắn trong này nữa thì chết.
Nhưng may sao, khi vợ tôi mở máy chỉ có ba dòng tin của thằng con trai đùa tôi: "Anh bị bà xã trị cho một trận rồi à? Bà ấy đúng. Phải tay em thì em xé xác anh từ lâu rồi/ Anh có nhớ em không?/ Tội nghiệp cho người không biết đọc tin nhắn trong máy của mình".
Tôi đang nhặt rau, tim đập loạn nhịp vì hồi hộp, bỗng nghe vợ tôi chửi đổng: "Tiên sư bố nhà nó, con với cái. Bây giờ chúng nó bằng vai phải lứa thật đấy, dám trêu chọc cả bố mẹ".
Câu chửi quá chua ngoa nhưng tôi vẫn vô cùng thích thú vì như thế vợ tôi đã được giải thoát. Cô ta đã tin tất cả là do thằng con quỷ sứ của chúng tôi trêu đùa bố chứ không phải bố nó có người thứ ba. Như vậy, huyết áp của cô ấy sẽ không bị ảnh hưởng và hạnh phúc gia đình tôi vẫn được an toàn. Thằng con tôi quả là thông minh tuyệt vời. Con ơi, bố vừa nể vừa sợ con đấy.
Chiều nay sau lúc tan trường, khi tôi đến quán cà phê Huyền Kiêu thì đã thấy nàng đợi sẵn ở đó. Vừa ngồi xuống ghế, tôi đã đưa chiếc di động ra trước mặt nàng: "Nói thật là anh chưa biết cách mở đọc và gửi tin nhắn, hôm nay em làm cô giáo dạy cho anh nhé".
Nàng lườm yêu: "Nỡm, anh còn phải dạy cái gì nữa. Định trêu đùa em chứ gì?". Tôi nói chân thành: "Anh chưa biết thật, nếu không dạy thì tạm thời em đừng nhắn tin gì cả. Đợi khi nào thằng con anh đi công tác về nó hướng dẫn thì anh mới biết dùng và em hãy nhắn tin. Bây giờ tin toàn để đấy".
Nghe thế, nàng vội cầm chiếc máy của tôi rồi nhoanh nhoách nàng mở các tin ra đọc. Khổ tôi không, lại những dòng tin của thằng con trai tôi đập vào mắt nàng. Tức thì mặt nàng tái xám. Nàng nói xít xịt qua hai kẽ răng: "Anh có cô nào nhắn tin nữa đây thôi chứ đâu chỉ mình em? Anh cũng đào hoa ra phết. Bắt cá hai tay cơ đấy".
Tôi ra sức thanh minh rằng đó là những dòng tin thằng con trai cứu nguy cho tôi nhưng nàng không tin. Tôi buồn lắm, chẳng muốn thanh minh nữa, ngồi lặng lẽ nhấm nháp cà phê.
Lúc chia tay, thấy nàng rơm rớm nước mắt bảo: "Em lúc nào cũng thần tượng thầy giáo. Đừng lừa dối em mà tội nghiệp. Em chỉ làm doanh nghiệp, suốt đời cọ sát với kẻ có tiền, không khéo léo trong chuyện tình cảm, gặp được anh là người mẫu mực, em kính trọng và yêu lắm".
Từ hôm ấy cho đến một tuần sau lúc thằng con trai tôi đi công tác về, tôi không gặp nàng nữa. Có những đêm khuya soạn bài xong, tôi ngồi thẫn thờ nhớ nàng. Tôi yêu con người ấy ở đức tính diệu hiền và có tâm trong ứng xử, làm ăn. Nàng hay kể cho tôi nghe những vụ việc mà người quản lý như nàng phải đương đầu, thỉnh thoảng còn hỏi tôi cách ứng xử.
Tôi hay đọc thơ hoặc kể những câu chuyện hài hước cho nàng đỡ căng thẳng. Chúng tôi là đôi người tâm đầu ý hợp, yêu nhau và tôn trọng nhau. Vì thế suốt mấy năm trời vợ tôi bệnh tim, bệnh tiểu đường, ốm yếu, hay gắt gỏng và trái tính trái nết, tôi đều nhịn nhục được tất vì tôi được nàng an ủi, động viên.
Tôi buồn và nhớ thương nàng quá. Phải chi vẫn làm gia sư cho thằng con nàng như những năm xưa thì còn có cớ gặp nàng. Bây giờ thằng con nàng đã đi du học ở bên kia bán cầu. Nó học rất giỏi và lúc nào cũng nói với mẹ là nhờ có thầy (là tôi) chỉ bảo dạy dỗ nó mới được thế. Nàng vì vậy càng thần tượng tôi.
Thằng con tôi về buổi chiều thì buổi tối đã sang buồng tôi: "Điện thoại của bố đâu đưa con hướng dẫn tiếp". Tôi đưa ra. Nó mở xem một lúc rồi mỉm cười bảo: "Bố có bốn mươi tin nhắn suốt từ hôm mua máy đến giờ, kể cả 3 tin "giải nguy" của con". Tôi bảo: "Ai dạy mà bố biết đọc tin, gửi cũng chẳng biết".
Nó ngồi xuống cạnh chỉ dẫn cho tôi vài phút. Hóa ra cũng đơn giản, nhoằng cái tôi đã biết đọc, biết viết "xóa mù" ngay rồi. Nó bảo: "Giờ này có người đang hẹn bố ở quán Huyền Kiêu đấy, bố đọc tin rồi ra đó đi, để con ở nhà vui với mẹ".
Tôi ngơ ngác rồi mở các dòng tin ra. Đúng thật, có một cuộc hẹn: "20 giờ ngày 7 em vẫn uống cà phê một mình ở Huyền Kiêu. Nếu tiện thì anh ra nhé!". Tôi đứng dậy thay quần áo, nói to: "Bố sang bác Vinh mượn cuốn sách cái nhá" rồi dắt xe máy đi. Nghe vợ tôi giục rất nhẹ nhàng: "Đức đâu, ra mở cổng cho bố đi kìa".
Thế mà chỉ hai tháng sau, tôi và nàng đã xa nhau và có thể là mãi mãi. Tối ấy, tôi đang lên phòng thì có tin nhắn của nàng. Tôi đọc và không tin ở mắt mình: "Em bắt đầu lên máy bay, bay sang Úc làm ăn và ở luôn đó với con em đây. Nhà cửa em bán rồi, doanh nghiệp đã nhượng, tha thứ cho em trong cuộc ra đi này. Em yêu anh và biết rằng phải ra đi mới giữ được tình yêu lý tưởng của chúng ta. Tạm biệt".
Tôi choáng người. Muốn gào to lên gọi nàng hay khóc rống lên cho thỏa nỗi khổ đau nhưng không được. Chiều hôm qua còn ngồi với nàng cơ mà. Chiều qua nàng còn hỏi tôi: "Sang năm về hưu anh làm gì?", rồi nàng cầm bàn tay tôi nắn nhẹ... Vậy mà giờ này nàng đã bỏ tôi ra đi bất ngờ?
Tôi ngồi xệp xuống ghế, thẫn thờ, nhợt nhạt... Chợt tỉnh ra, tôi vội bấm điện thoại gọi cho nàng. Nhưng máy đã tắt. Có thể máy bay đã cất cánh. Một bàn tay vừa đặt vào vai tôi, ngẩng lên thì ra thằng Đức. Nó mỉm cười giục tôi: "Bố xuống nhà ăn cơm đi, mẹ con đang đợi".
Thằng bé tưởng không biết gì về chuyện này, nào ngờ nó chính là thủ phạm. Tuần sau, nhận được thư của nàng qua email tôi mới sửng sốt vì con mình. Nó đã chủ động gặp nàng và bảo: "Cảm ơn cô đã động viên bố cháu trong mấy năm qua. Bố cháu thật hợp với cô. Tuy nhiên trong hoàn cảnh mẹ cháu đang bệnh tật ốm đau, nếu cô cứ là người thứ ba như thế thì mẹ cháu sẽ chết sớm vì đau khổ và cô cũng không thanh thản được lương tâm. Nếu cô chuyển được đi đâu xa hẳn bố cháu thì tốt cho gia đình cháu và cho cả cô".
Hóa ra thằng con tôi lớn hơn nhiều so với tôi nghĩ về nó.
Hạnh Hoa