Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: QUANGKHAI on 01/09/07, 10:42 Return to Full Version

Title: Bà Cụ Có Tên Là " MẸ" ***
Post by: QUANGKHAI on 01/09/07, 10:42
- Hành lang khu nhà an dưỡng nồng nặc mùi thuốc khử trùng, và dù có lượn tới bất cứ góc nào trong dãy hành lang trải dọc suốt từ phòng người chị gái ra tới cửa chính, cái mùi khó chịu đó dường như vẫn đeo bám tôi, hoà lẫn với mùi thức ăn đầy khiêu khích của bữa tiệc lễ Tạ ơn đang được chuẩn bị trong nhà bếp ở phía xa bên tay phải.


Cuối cùng tôi cũng tới được góc hành lang, đổi hướng và bắt đầu nhìn thấy thế giới rực rỡ, đầy sức sống phía sau những cánh cửa màu xanh ảm đạm.



Đi được nửa đường, tôi thấy một bà lão rất già được gắn giữ trong chiếc xe lăn bằng sợi dây da, cả người bà mềm oặt và rũ xuống vì tuổi tác nhưng đôi mắt vẫn đang gắng gượng nhìn tôi khi tôi tiến đến gần bà.



Khi chúng tôi chỉ còn cách nhau chừng 20 bộ, một giọng nói yếu ớt phát ra từ đôi môi run rẩy của bà, nó yếu ớt tới mức tưởng như không phải bà đang nói nữa. "Frankie, có phải con đó không? Frankie, con trai của mẹ! Con trai bé bỏng của mẹ! Mẹ biết là con sẽ trở về mà!".



Tôi nhìn quanh quất, bà lão đang cố giơ hai cánh tay lên không trung để ôm lấy cậu con trai Frankie cuối cùng đã trở về với bà, nhưng trong hành lang lúc đó nào có ai khác ngoài tôi và bà lão.



Tôi vẫn chậm rãi đi tiếp, thận trọng lách người qua chiếc xe lăn, nhưng cánh tay bà lão đang giang rộng liền với theo tôi. "Frankie, con trai của mẹ", bà nói và bắt đầu bật khóc nức nở. "Mẹ biết là con sẽ tới".



Tôi dừng lại bên bà, quỳ xuống sàn hành lang để nhìn vào đôi mắt màu xanh da trời của tâm hồn đang rất đỗi mệt mỏi đó. "Mẹ à, con đã bảo với mẹ là con sẽ về mà. Con xin lỗi vì đã lâu quá rồi. Nhưng giờ con đã về đây". Tôi ôm bà lão, bà ghì tôi vào lòng.



Tình yêu thương lan toả qua đôi cánh tay của bà, qua cơ thể đã kiệt quệ theo năm tháng và sức mạnh nhân lên trong trái tim khi bà được ôm trong lòng đứa con trai đã mỏi mòn trông ngóng. Bà lão thổn thức trên vai tôi, lập bập nói những lời mà có lẽ chỉ trái tim bà mới hiểu được, bà không dám rời buông đứa con bà đã khao khát được ôm ấp bấy lâu nay.



Cuối cùng, sau bao xúc động, bà thì thào bảo, "hãy đẩy mẹ về phòng đi Frankie". Những ngón tay xương xẩu của bà chỉ đường cho tôi ở mỗi ngả rẽ.



Chúng tôi tới phòng của bà, nó ấm áp dưới bàn tay của một người mẹ. Trên tường treo các bức ảnh kỷ niệm của bà, trong số đó, có một bức đã ố vàng chụp một người lính trẻ có chiếc cằm vuông, bên dưới đề dòng chữ "Con yêu mẹ, mẹ ơi, con sẽ trở về".



Bên dưới là nét chữ do một bàn tay rất mạnh mẽ đã ký, "Frank". Ngày tháng đề ở góc dưới cùng bức ảnh kể về bao câu chuyện xa xưa... Tháng 2/1942.



Một lá cờ được gấp ngay ngắn và bọc trong nilon để trên ngăn kéo. Một mẩu giấy đã nhàu mờ với dòng đề mục "Điện tín liên minh phía Tây", một chiếc gương treo ngay bên trên tờ giấy, tôi không muốn đọc nó.



Tim tôi như muốn vỡ ra vì xúc động, tôi khóc vì tất cả những gì có thể đã xảy ra. Có thể Frankie của bà đã trở về sau cuộc chiến, một cuộc chiến anh không đồng tình khởi xướng nhưng lại chấp nhận tham gia chiến đấu để kết thúc nó?



Có thể anh đã dâng hiến cuộc đời mình ở đâu đó, trên một miền đất lạ, cho gia đình anh, cho tổ quốc và cho mẹ anh. Anh có bao giờ biết anh đã được yêu thương nhiều đến thế không? Có thể anh đã hứa với mẹ, vào một ngày cuối tháng 11/1993 này, trong hành lang màu xanh tẻ ngắt của nhà an dưỡng, anh sẽ trở về với người mẹ đã chờ đợi anh trở lại sau chừng ấy năm?



Tôi chưa bao giờ biết tên bà lão, cho tới tận hôm nay, tôi cũng không biết tấm bia nào trong nghĩa trang Wyuka là mộ của bà. Dẫu vậy tôi cũng đã biết rằng, Frankie đã được yêu thương, rằng bà mẹ anh đã cố sống tới phút cuối cùng chỉ để nói với anh điều đó. Bà cụ đã mất vài ngày sau đó trong giấc ngủ và tôi đã được chọn để là người nói với bà... "Con yêu mẹ, mẹ ơi".



Bà cụ đã ra đi. Tôi đã nói lời tạm biệt với cụ thay cho anh, Frankie, dù anh đang ở đâu, tôi cũng cầu cho anh luôn hiểu thấu tình yêu thương của bà. Bà là một người thật đặc biệt... Bà là người có tên là "Mẹ", bà đã tìm được sự bình yên cần thiết trong ngày lễ Tạ ơn. Và cuối cùng thì bà ấy cũng đã có thể yên nghỉ.



st