Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: tùng anh on 12/06/08, 21:00 Return to Full Version
Title: Phép lạ
Post by: tùng anh on 12/06/08, 21:00
Post by: tùng anh on 12/06/08, 21:00
Phép lạ
Hè đến rồi! Nói sao cho hết nỗi niềm xôn xao, nao nức, rộn ràng trong những ngày sắp về quê. Có đêm tôi thức trắng. Hình như sinh viên năm thứ nhất đứa nào cũng có tâm trạng như tôi?
Tôi cứ đếm từng ngày. Ly thì tỉnh bơ, còn trề môi bảo tôi trẻ nít. Tội nghiệp Ly, tôi thừa biết nó đang rầu thúi ruột nhưng cố làm bộ phớt đời. Chuyện lãng nhách. Đang chat với bồ trên Yahoo!Messenger, Ly giỡn, Buzz! Rồi gửi cái mặt ngáp (Yawn) trong Emoticons, thằng bồ giận liền!
Tuần lễ rồi, hễ tiện đường, tôi liền ghé chợ Bà Chiểu. Chen chúc giữa dòng người tấp nập, tôi vẫn chưa quyết định nên mua cái gì. Bởi, gì cũng muốn mà túi tiền sinh viên nghèo thì lép kẹp. Cha bị bệnh ho, cần đồ ấm, nhưng cái áo sơmi trắng duy nhất để cha đóng bộ đã ngả vàng. Đôi dép lưới của mẹ mòn vẹt, mà cái áo len của mẹ lại thủng nhiều lỗ, vá víu tùm lum. Còn bốn đứa em? Tưởng tượng tụi nó vui mừng cỡ nào khi tôi đem về cho mỗi đứa một bộ đồ mới... Những bài toán kinh tế vĩ mô trong sách vở tôi giải dễ dàng mà sao phép toán nhỏ này tính hoài không ra!
oOo
Vé tàu lửa tôi đã có trong tay, đây là việc phải làm đầu tiên, khỏi cân nhắc. Tôi vừa đọc thư mẹ. Mẹ hỏi có đủ tiền mua vé tàu không, túng quá thì bán chiếc nhẫn phòng thân. Rằng từ dạo bão lũ đi qua quê mình đến giờ, gia đình thêm chút khó khăn, nhưng chính trong hoàn cảnh này, con càng nên về. Cả nhà đang ngóng trông con. Niềm vui sẽ tiếp sức cho người ta vượt qua được những thử thách dễ dàng hơn con à. Mẹ căn dặn, bằng mọi cách con phải đi tàu lửa, đừng đi xe đò, mẹ sợ lắm, thương mẹ thì nghe lời mẹ nghen con...Giọng mẹ tôi ngọt ngào yêu thương và chứa chan nhung nhớ! Ấp lá thư vào ngực, cổ tôi nghèn nghẹn, mắt cay xè. Mẹ luôn là niềm tin, nghị lực cho tôi.
Tối, tôi đi dạy kèm, buổi dạy cuối năm. Lương tháng này tôi đã nhận hôm giữa tháng. Lương! A! Một ý nghĩ bỗng lóe lên: Lương! Tại sao tôi không mượn trước một tháng lương? Ồ, mượn trước một tháng lương! Hay quá! Đối với nhà giàu, tháng lương dạy kèm có đáng gì! Ừ ha! Sao tới giờ mới nghĩ ra? Lương! Tôi có lối mở rồi! Người tôi bỗng lâng lâng. Vòng xe quay đều nhẹ hều. Bé Na đang ngồi ở xích đu. Thấy tôi, nó toét miệng cười, chạy ra níu tay tôi, tía lia:
- Cô ơi! Bữa nay cho em nghỉ đi. Sắp hè rồi!
Tôi nghiêm mặt và dỗ dành:
- Không được. Nào, vào phòng học. Ngoan cô yêu!
Bé Na mặc cái đầm ren trắng mới tinh, xinh quá. Hai bím tóc kết nơ hồng trông lí lắc, dễ thương làm sao. Na bằng tuổi em Sáu của tôi. Tôi thở dài trong nỗi buồn mênh mang. Ước gì em Sáu có cái đầm như Na!
Suốt buổi, tôi vất vả lắm mới tập trung được việc dạy. Đầu óc tôi rối bời với nhiều cách ngỏ lời xin ứng trước một tháng lương. Phải nói sao cho đỡ mắc cỡ, cho được việc? Lỡ bị từ chối thì quê chết...
Buổi học kết thúc. Như thường lệ, tôi ra chào ba má Na. Tim tôi đập loạn xạ. Tôi bối rối, lí nhí:
- Dạ... Cháu...
Ba Na hỏi:
- Chừng nào cô giáo về quê?
- Dạ... tối kia... Dạ... cháu kính chúc gia đình cô chú khỏe mạnh, an lành, hạnh phúc. Dạ, cháu... cháu chào cô chú...
Ôi thôi, tiêu đời rồi! Kế hoạch quan trọng vừa tan theo mây khói. Tôi không tài nào hiểu nổi tại sao chưa kịp nói chuyện ứng lương, tôi đã chào ra về và làm cả tràng lời chúc! Tôi muốn vả cái miệng của tôi quá! Thẫn thờ dắt xe ra cổng, mắt tôi nhòa đi, thấy chán ghét mình thậm tệ.
Dựng xe đạp vào tường trước nhà Na, tôi vắt óc tìm kế sách... À, hay là... mình giả bộ rờ rờ cái dây sên, bóp bóp cái lốp xe... để chờ đợi phép lạ. Biết đâu ba má Na ra khóa cổng, thấy tôi, hỏi xe tôi hư, nhân đó tôi sẽ thưa. Chẳng phải trong chuyện cổ tích vẫn có những nhân vật đang khát khao một điều gì đó bỗng được Tiên, Bụt giúp đỡ đó ư? Nàng Tấm, cô bé Lọ Lem... Niềm tin mới nhen nhóm trong tôi tia hi vọng. Dẫu mong manh, nhưng chút hi vọng vẫn có thể khiến người ta phấn chấn lên.
Bỗng... Tôi lạnh toát người! Ngay dưới chân tôi, cái gói giấy bằng bàn tay! Phép lạ? Dường như bóng cô tiên vừa lướt qua? Tôi run run cầm lên... Run rẩy mở sợi dây thun bí ẩn, mở ra từng lớp giấy bí ẩn, từng lớp giấy...
Và trong cùng là vài miếng dưa leo, lát ớt, thoảng mùi thơm của bánh mì thịt. Tôi thất vọng. Tủi thân. Xấu hổ với chính mình... Niềm mơ ước xẹp lép như ruột xe cán phải đinh.
Dòng người trên đường vẫn ken dày, hối hả. Tôi nhìn theo những chiếc xe hơi lộng lẫy sang trọng. Lòng tràn ngập nỗi buồn. Sao người ta giàu có đến thế? Sao nhà tôi khó nghèo đến vậy?
Một chiếc Dream trờ tới, người đàn ông thắng gấp ngay trước mặt tôi. Tôi kinh hoàng nhảy phóoc lên xe, hòa vào dòng người trên đường, chân đạp như điên, muốn hụt hơi, mồ hôi ướt cả lưng áo. Về tới nhà, tôi vẫn còn hoảng sợ. Ly hỏi chuyện gì vậy? Tôi ngượng ngùng lặng thinh, kẻo nó cười chết. Lạ chưa, nỗi buồn đã rơi đâu mất trong cuộc tháo chạy vừa rồi!
oOo
Tôi và Ly chuẩn bị hành lý lên tàu về quê. Đó là miền đất nhọc nhằn với nắng gắt mưa dầm, với lũ lụt bão giông. Hoàn cảnh Ly cũng na ná như tôi, cũng nghèo, đông em; chỉ khác là nhà Ly ở bến sông, nhà tôi ở xóm núi. Hổm rày Ly cũng như tôi, lùng sục trong chợ, chúi mũi vào mấy chỗ bán quần áo được đổ trên tấm nilông, trải dưới đất, rao đại hạ giá. Chúng tôi hay khoe nhau về một món đồ hãy còn mới, đẹp mà rẻ. Tôi thèm thuồng dòm cái áo gió dày cộm Ly mua cho ba nó. Công nhận Ly giỏi giang hơn tôi nhiều.
Tiếng bà chủ nhà kêu tôi có người tìm. Ai vậy? Hay là má bé Na? Tại sao tôi lại nghĩ đến má bé Na? Thật khó hiểu! Ờ, khi hết năm học, người ta vẫn thường tặng quà cho gia sư dạy tốt đó thôi! Như một phần thưởng. Biết đâu... Có thể hôm trước cô ấy quên. Trên đời này vẫn có những phép lạ xảy ra đó thôi! Những bậc thang gỗ bé nhỏ mỏng manh nhún nhảy theo nhịp tim tôi háo hức rộn ràng.
- Ơ, Lam! Sao lại là mày? Sao giờ này mày còn ở đây? Tối qua mày đã lên tàu rồi mà! Đồ quỷ! Lam ôm chầm lấy tôi, giọng chùng xuống:
- Tao nhường vé cho người khác rồi. Nhà tao túng lắm. Tao ở lại kiếm tiền.
- Mày làm gì?
- Tao giữ em bé...
Túi quà của Lam gửi về quê trĩu nặng tâm tình trên tay tôi. Mộng tưởng của tôi đã vỡ tan như bong bóng nước! Từng bước chân chậm chạp nặng nề leo lên cầu thang, tôi muốn khóc thật to, thấm thía thương bạn và thương mình... Chợt nhớ ai đó từng nói, khi ở vào tình huống quá ngặt nghèo, người ta thường có những mơ ước viển vông, ngốc nghếch, ví như tôi nghĩ má bé Na tới tìm tôi. Trời ơi, tôi là cái thớ gì...
Ồ, sao tôi không bắt chước Lam? Vừa kiếm được một số tiền, vừa đỡ được một số tiền, tiền vé tàu tha hồ mua quà cho những người tôi yêu thương. Hạnh phúc biết chừng nào! Đến giờ phút này tôi vẫn có thể quyết định lại được.
Tôi nói điều đó với Ly. Nó trề môi, đãi giọng ra, thấm đẫm chất triết lý:
- Dẹp chuyện đó đi mày ơi! Mỗi năm chỉ có một cái hè. Về nhà cho vui, đừng ngớ ngẩn. Kệ đời tất cả! Mọi sự rồi sẽ trôi qua. Tao khoái câu nói này lắm! Mọi sự rồi sẽ trôi qua, mày hiểu không? Chỉ có niềm vui chất ngất và nỗi buồn sâu thẳm còn đọng lại... Hi hi...
Tôi trầm ngâm. Ừ, đừng ngớ ngẩn.
Lại có tiếng chủ nhà kêu tôi có người gặp. Ai vậy? Chắc lại đứa bạn nào gửi quà về quê, như Lam? Thật não nề! Không còn trông mong phép lạ nữa, tôi hờ hững vác cái mặt chì bị như bánh đúc thiu đi xuống.
Trời ơi! Tôi đang nằm mơ chăng? Không, đây là sự thật! Trăm phần trăm sự thật! Tôi dụi mắt kinh ngạc...
Sự thật là má bé Na đang đứng nói chuyện với chủ nhà! Tự nhiên tôi hơi lo lo.
- Cháu chào cô!
Má bé Na quay lại, cười vui vẻ.
- Sắp lên tàu hả cháu? À, hôm rồi cô lu bu quá quên béng cái này.
Vừa nói, má bé Na vừa nhét cái phong bì vào tay tôi. Hơi thở tôi bỗng nhanh và cạn:
- Cháu... cám ơn cô. Cháu... sẽ dạy bù cho bé Na vào năm học tới.
Má bé Na nhướng mày ngạc nhiên:
- Cháu nói gì kỳ vậy? Cô không hiểu. Sao phải dạy bù? Đây là món quà cô tặng cháu sau một năm học. Bé Na đã đạt danh hiệu học sinh giỏi là nhờ cháu đó. Cháu đã hết lòng yêu thương, dạy dỗ bé Na. Gia đình cô mang ơn cháu nhiều lắm. Thôi lẹ lên cháu, khéo trễ tàu mất. Cho cô gửi lời chúc sức khỏe gia đình!
Vai tôi như mọc cánh. Tôi bay vút lên gác, cẩn thận gói phong bì tiền vào trong cái áo giữa túi xách. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi lại lôi tiền ra, chia làm bốn phần, bọc trong túi áo một phần, túi quần một phần, chia trong túi xách hai phần ở hai chỗ khác nhau.
Tôi và Ly lao ra đường. Ơ, má bé Na đang đứng cạnh chiếc taxi, vẫy chúng tôi: "Tiện đường, các cháu lên xe luôn!". Ui trời ui! Còn trên cả tuyệt vời! Sinh viên nghèo như hai đứa tôi mà được đi taxi? Lại đúng thời điểm này nữa chứ! Vậy sao người ta lại nói "phúc bất trùng lai"?
Tàu lửa tới thị xã quê tôi khoảng bốn giờ chiều. Ly háo hức về nhà trước. Còn tôi? Tôi hớn hở bay vào chợ, vui vẻ nhìn mọi người, lòng thầm mong ai cũng gặp may mắn. Quanh tôi, nhộn nhịp người mua sắm, ấm áp giọng nói mặn mòi, chân chất, quen thuộc. Và tôi tha hồ xổ giọng đặc sệt quê mình, đã cái miệng gì đâu!
Những món quà cho cha cho mẹ, cho các em căng phồng túi xách! Hạnh phúc tột cùng với cái túi to đùng, ăm ắp mùi thơm yêu thương, tôi ao ước được hét to lên rằng cuộc sống sao đáng yêu quá đỗi!
Kìa! Xóm tôi nhỏ nhắn, vẫn bình yên dựa lưng vào vách núi, đang tràn ngập nắng hạ ban chiều. Đâu đó làn khói bếp nhà ai uốn éo, vấn vương trên mấy ngọn tre... Kìa nhà tôi nhỏ xinh êm đềm, ngời lên với mái ngói đỏ rực rỡ. Này cây rơm bên hông nhà vàng óng, dáng đứng vững vàng, an lạc. Nọ vạt nắng vàng đằm thắm vẫn còn ngập ngừng, lưu luyến trên luống rau bên hè...
Quê nhà tôi đây! Mãi mãi là chốn bình an, là điểm tựa để tôi lấy lại thăng bằng khi bối rối trước nghịch cảnh. Mãi mãi là tình yêu, để trên hành trình đi tới, tôi không được phép chùn chân, lạc hướng.
Tôi chạy bay vô nhà, kêu inh ỏi:
- Cha ơi, mẹ ơi, Ba, Bốn, Năm, Sáu ơi!
TRƯƠNG THỊ KIM CHI