Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: tùng anh on 25/06/08, 00:28 Return to Full Version
Title: Nắm tay em đi anh!
Post by: tùng anh on 25/06/08, 00:28
Post by: tùng anh on 25/06/08, 00:28
Nắm tay em đi anh!
- Đám cưới Nhạn.
Tấm thiệp màu hồng phấn lấp loáng nhũ kim tuyến chìa ra trên những ngón tay thon dài của Hân và nhìn tấm thiệp, tôi tưởng tượng ra gương mặt rạng rỡ của bạn. Tất cả làm tôi muốn thở dốc ra hơn lúc nào hết.
- Cưới ai?
Con Hân cong môi:
- Không hỏi cũng nói: Việt kiều.
Tôi im lặng. Không ngạc nhiên cũng không xuýt xoa tôi cầm tấm thiệp, giở nhìn nơi đãi tiệc. Hân như biết trước điều đó, nói gay gắt:
- Nhà hàng đàng hoàng à nghen.
Hân thấy thái độ bình tĩnh quá lâu của tôi, nó đâm ra sốt ruột:
- Sao không nói gì hết vậy?
Tôi ngó Hân. Nói gì, tôi cũng không biết nói gì. Tôi cũng không còn là đứa trẻ con để bộc lộ cảm xúc một cách lộ liễu nữa. Tôi biết kiềm chế mình. Tôi hỏi ngược:
- Nói gì bây giờ?
Không giấu vẻ ganh tị, Hân vuốt tóc:
- Nhỏ này sướng. Lớp mình, có ai ngờ ...
- Kệ nó! Ai có phận nấy!
Tôi nói như nạt, rồi ngó ra sông. Chung cư đã bước qua thời kì xuống cấp, tồn tại trong tình trạng chết vật vờ, những mảng tường lở loét, róc bong những vệt vôi để lại những hình thù quái đản. Nhìn nó tôi biết chắc mình đang trong giai đoạn mất nơi ngụ cư, còn thời gian đâu nữa mà nghĩ đến chuyện hơn thua. Hân thấy tôi nín khe, phản ứng không giống như thâm tâm Hân đang mong đợi, ngồi cũng bằng thừa cho nên lặng lẽ nói: Thôi về nghen.
Hân về rồi, tôi mới phát hiện ra rằng mình cũng đã suy nghĩ giống nó, chỉ là không nói ra thôi. Tôi cũng ganh tị, khó chịu khi thấy đứa kém mình lại hơn mình. Nghĩ xong, tôi lại cố gắng chắc lưỡi lắc đầu: Mình đã nói con người ta có số rồi mà! Mình cũng có số vậy, chẳng biết là số mấy thôi. Chị Hường cầm tấm thiệp rồi cười: Con nhỏ này số chín!
- Còn em?
- Mày á? Số không!
Nói xong chị cười hô hố, cái răng cửa mọc lệch chìa ra, vô duyên tệ. Vậy nhưng chị nói đúng, số tôi số không thật. Số phận của tôi kéo tôi, và tôi lẳng lặng trôi theo nó, không chống cự. Nó đẩy tôi đến chung cư bảy tầng đang trong giai đoạn thoi thóp này với tiền thuê rẻ mạt để ông chủ cố vớt vát những gì còn có thể vớt vát và cho tôi có được chỗ ngụ cư. Thế nhưng cái giá cả được xem là rẻ mạt theo như lời ông chủ nói lại là cả một tháng trời vật lộn với công việc của tôi. Thằng Du không phải chưa đủ lớn để biết đỡ đần cho chị, nhưng chỉ lo cho việc học của nó cũng đủ cho tôi không nghĩ gì đến việc gì khác ngoài cắm đầu cắm cổ làm và làm. Không có thời gian để nghĩ đến mình nữa là ngạc nhiên về số phận của người khác. Tôi hỏi:
- Còn chị? Chị số mấy?
- Tao hả? Số tao số vất mày ạ! Là vất đi ấy! Chị nói rồi nhoài người về sau ngước hẳn mặt lên trần nhà, cái răng mọc lệch chìa ra, kệch cỡm mà hay hay. Chị có vóc, vóc tôn chị sáng rực lên giữa cái chung cư có hành lang tối om om dẫn ra con hẻm nhem nhuốc, dơ bẩn. Chiếc Atila trắng tinh của chị giành nhiều mét vuông nhất trong nhà xe ở nơi đất được đong bằng vàng này. Đẩy chị cao hơn nữa chắc là ông bồ có cái bụng phệ chứa đầy những thức uống thức ăn mà cả đời ở tạm ở trọ, những người chung cư này chưa ngó được đến... Nhưng kéo chị gần lại và xuống thấp (bằng tôi) là kiểu ăn nói bỗ bã và tấm lòng của người phụ nữ sang quí ấy. Chị ló đầu ra khỏi phòng nạt nộ người đàn bà phòng kế bên làm gì mà khuya trờ khuya trật còn chửi con lớn tiếng quá! Rồi ngày hôm sau nắm đầu thằng nhỏ ghí xuống mặt sàn gỗ: Mày xin lỗi mẹ mày chưa hả? Chị nấu nồi lá xông, lột trần tôi ra rồi trùm mền lên. Tôi ngồi trong mền rên hừ hừ, ló đầu chui ra trước cách trị cảm lạ lùng này.
- Mày muốn chết hả? Chui vào?
Người đàn bà ấy, tưởng như không bao giờ khóc. Nhưng Sài Gòn không dễ cho đi mà không đòi hỏi lại. Ông bụng phệ biến đâu mất khi cái bụng chị mỗi ngày một tròn hơn. Và đó là lần duy nhất tôi thấy chị khóc, chị tựa hẳn đầu vào vai tôi, mái tóc vàng duỗi đơ xộc xệch cạ vào gáy tôi êm êm mà rát buốt. Mười lăm phút sau chị dụi mắt: Tao sẽ nuôi con tao. Nó không có tội. Chị quay qua bẹo má tôi:
- Mà lo làm gì! Kiếm thằng hơn mày một số ấy. Số một. Số 1 với số 0 là mười. Mười nhé. Sướng nhất em rồi còn gì!!! Chị nói xong lại cười, cười hô hô. Đẩy cửa đi ra, còn hoáy đầu lại: À! Tao sẽ chở mày đi. Atila nhé! Nhà hàng mà. Rồi kiếm thằng có số một chở về! Tao không rảnh để hầu cả đêm đâu!
*
* *
* *
Không có chiếc váy đẹp để đi đám cưới. Tôi xốc tung đống quần zin, chọn cái ít bụi bặm nhất, cái áo thun màu trắng mới nhất, cầm thêm cái áo sơmi sọc dài tay cho đêm về đỡ lạnh. Tôi ngó vào góc trái, trong cái gương ố gần 2/3 là đứa con gái da không trắng, tóc không duỗi, gương mặt nhàu nhàu không sinh khí của thời đại mới. Tôi hòa nhập không được vào cái xã hội này, cái xã hội thay đổi người ta nhanh hơn bao giờ hết. Thằng Du ngồi phía sau gương, hai tay bợ càm ngó tôi:
- Chị Di đi đám cưới à?
Tôi "hừm" trong cổ họng, không ra tiếng. Thằng Du chuyển thế ngồi, ngả người chống hai tay ra phía sau, ngó tôi:
- Chị Di đi đám cưới thiệt ha?
Tôi cáu, tôi cáu thiệt. Cái thằng này, nói không biết bao nhiêu lần rồi còn hỏi. Tôi gằn giọng:
- Ừ!
Thằng Du cũng không tha:
- Phải đi đám cưới không đó?
Tôi quay lại, thằng Du chồm lên ngó tôi, chân mày nó nhíu lại vì cố nín cười. Tôi ghét kiểu giỡn chơi dai dẳng này ghê, nên ném cây lược đang cầm trong tay về hướng nó nạt lớn:
- Cái thằng, lúc này còn giỡn!
Thằng Du chồm người lấy cây lược:
- Em hỏi thiệt mà! - Cái giọng nó nhẹ bâng, mủi cả lòng, tôi nhẹ giọng theo:
- Thì chị đi đám cưới. Đám cưới chị Nhạn! Em biết rồi mà?
- Thấy chị mặc đồ, em tưởng chị đi du lịch!
Nó nói xong, nín khe. Tôi ngó nó, rồi ngó ngược vào gương. Rất xì-po. Tôi chỉ cần đeo cái balô vào nữa là đúng chóc người đi chơi xa, đi dã ngoại hay đi du lịch gì đó... Đã nói là tôi hòa nhập không được vào cái xã hội này rồi mà. Chị Hường đẩy cửa bước vào, ngó tôi xì một tiếng rõ dài rồi nói:
- Tao không chở cái thứ đó đi ăn cưới đâu nhé!
*
* *
* *
Rốt cuộc tôi đi ăn cưới bằng chiếc đầm trắng không phải của mình, đôi giày cao gót nhọn hoắt mũi không phải của mình và tôi cũng không là tôi. Tôi luôn muốn mình là mình, cho nên từ đám cưới ra tôi đi thẳng hướng cổng nhà hàng. Hân níu tay:
- Mày điên à? Bạn bè cũ gặp lại.... Đi hát nhé!
Tôi ngồi thu lu trong góc khuất của căn phòng, bên cạnh chậu hoa giả cao qua tầm người ngồi. Minh cầm lon bia lên, chồm người qua bàn nhướng cặp mắt lướt qua người tôi:
- Thay đổi rồi nhỉ?
Tôi túm chân khẽ nhích chiếc quai giày đang xiết gót. Minh không nghe trả lời nên lùi lại hí hoáy gắp thức ăn. Tôi không trả lời nhưng trong lòng lại lắng nghe tim mình nhảy nhót vì câu nói của Minh. Tôi còn nhớ câu triết học hồi năm nhất: Hình thức quyết định nội dung. Và xét trong trường hợp này với tình huống Minh quét mắt nhìn bộ váy của tôi, tôi thấy nó đúng hơn bao giờ hết. Cũng như Nhạn đã chịu đảo mắt nhìn tới tôi và không quên nói câu: Hôm nay Di đẹp quá. Tôi đẹp gì bằng Hân trong áo hai dây, đẹp gì bằng chiếc áo cưới Nhạn đang mặc lóng lánh cườm... chỉ là tôi khác quá trong chiếc váy trắng này, và so với bốn năm quần zin ở giảng đường (cả bây giờ nữa), nó càng bỏ xa.
Phòng karaoke chật như chiếc quai giày đang xiết chân tôi. Tôi bắt đầu hối hận khi mang đôi giày không phải của mình. Hân ngồi kế tôi, ngả người hẳn lên vai của Khang. Tôi níu Hân dậy, không thấy nó cử động. Con nhỏ này say. Mà bốn năm đại học có thấy say bao giờ đâu. Khang khuất nửa sau dáng ngồi của Hân, mái tóc vẫn vậy, bồng, dài chấm bâu áo sơ mi. Len lén nhìn lướt bên kia mái tóc nhuộm vàng của Hân, tôi gặp ánh mắt của thời sinh viên. Bữa tiệc cưới, Khang nhìn tôi đúng hai lần. Khi tôi ngơ ngác bước lên đại sảnh rộng gấp biết bao lần sân gạch tàu ở chung cư, nền gạch bóng loáng thấy được bóng cả con nhỏ mặc váy lạ hoắc dưới chân mình giữa đèn đuốc sáng choang. Tôi không nhận ra ai quen, ai cũng đẹp, cũng sang. Khi tôi thấy mình ngơ ngác như con chó con vừa vào nhà chủ mới thì ai đó túm cổ tay tôi.
- Đằng này!
Rồi buông ra. Khang! Khang cười miệng vẫn rộng. Hai lần đủ để gót giày nhọn hoắt trì chân tôi suýt lật. Và đã hai lần tay tôi nằm trọn trong tay Khang.
Minh hát không đúng chữ nữa, giọng đã bắt đầu lạt nhạc. Tôi tưởng tượng giọng Minh đang đi một hướng, mấy nốt nhạc kia nhảy múa một phương rồi cười một mình. Khang không cười, mà ngó chăm chắm vào cái màn hình chói lóa...
Khi tôi bắt đầu thấy hối hận việc phải vừa ngồi đồng, vừa lắng tai nghe vừa tỏ vẻ tán thưởng thì Hân tỉnh dậy. Gương mặt ngây thơ ngượng ngùng, nhưng có vẻ hài lòng về việc ngủ đúng lúc, đúng nơi như vậy. Tôi chỉ chờ có thế: Về Hân!
Hân cong môi:
- Tao đã hát gì đâu!
Rồi chồm qua người Khang, với tay lấy chiếc micro.
Tôi lặng lẽ, nhớ rằng rất lâu rồi mình mới có được không khí như thế, sôi nổi, hào hứng phấn khích. Không hoàn tất trọn vẹn những đòi hỏi rất tầm thường của cuộc sống khiến tôi như đứa trẻ cần bàn tay nắm. Tôi loay hoay, không biết phải làm gì? Không biết mình đúng hay sai?! Không biết dựa dẫm vào ai? Không biết nên nắm bàn tay nào?!
Phòng karaoke khó thở như chiếc váy tôi đang mặc. Bạn cũ đại học sau mấy năm bước qua cửa cuộc đời, gần mà xa, thân mà lạ. Tôi ngó bàn tay Minh, to và rắn, tay cầm micro, tay cầm lon bia, trán nhíu lại như ca sĩ thứ thiệt. Tay Khang khuất sau Hân. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhớ bàn tay đó. Trắng, thon dài và có lẽ(?) mềm lắm! Bàn tay kéo tôi đứng dậy khi tôi vấp bậc cầu thang. Cầu thang ở giảng đường tôi qua hết bốn năm Đại học đến thuộc làu như bài Triết thi lại ở năm nhất. Hôm lễ Tốt nghiệp, tôi vấp nó, bậc thứ ba, và nằm sải dài. Không phải tôi không thể tự mình đứng dậy, nhưng lúc đó tôi ngạc nhiên quá, vì không hiểu vì sao mình có thể ngã, ngã trên bậc thang mà mình quen thuộc. Và trong phút đó tôi nhận ra một điều là: Đừng nghĩ mình biết tất cả. Ngay lúc ấy, Khang chìa tay cho tôi. Khi Khang chìa tay kéo tôi đứng dậy, tôi nắm, thì tôi đã quên tất cả, lại tự hỏi sao mình không ngã bậc thang sớm hơn?
Khang cầm micro. Tôi không nghĩ mình có thể nghe được Biệt khúc ở phòng này, vào lúc này. Nhưng Khang đã ngân dài giọng. Tôi biết Nguyễn Ánh 9 gởi gì trong bài hát, nhưng tôi lại cố tình làm khó dễ câu hát thê thiết nhất (mà dễ hiểu nhất) "biết ai còn nhớ tình yêu thứ nhất"? Đã yêu nhau đâu mà tình yêu thứ nhất? Mà có yêu đi chăng nữa thì chắc gì đối với anh, tôi là tình yêu thứ nhất?
Minh chấm hết cho buổi gặp gỡ bằng câu:
- Chán quá, về thôi!
Tôi đứng dậy trong vẻ miễn cưỡng khác hẳn lúc vào. Tôi muốn nghe Khang hát. Cuộc sống vốn vậy, không bao giờ muốn là được, không bao giờ chiều chuộng ai quá mức. Bốn người lục đục kéo ra, Hân bảo:
- Mệt quá! Hân nhờ anh Khang chở về đây!
Hân nghiêng đầu vẻ mệt mỏi rất tiểu thư, nói như ra lệnh:
- Chở Di về nhé Minh.
Rồi quay sang tôi:
- Về nhá!
Tôi chau mày, nhưng vẫn dịu giọng:
- Ừ!
Trong đêm tối, tôi thấy mắt Khang ánh lên! Đàn ông như thế cả sao?!
- Về trước nhé! Hân quay ngược, chiếc váy xòe ra chiếc ô quyến rũ và ngồi lên xe rất nhanh, dường như quen thuộc, dường như hấp tấp.
*
* *
* *
Con hẻm về chung cư rất tối. Minh chống xe. Tôi tự hỏi, sao mình không hò hẹn với bất kì người con trai nào sớm hơn để được nhấm nháp khung cảnh con hẻm ban đêm êm đềm này cùng với người khác phái. Không nhem nhuốc, không dơ bẩn, lặng lẽ. Minh quay xe nhanh, sau lời từ chối của tôi. Tôi đứng thật lâu, dựa hẳn vào bức tường tróc vôi của chung cư ngó ngược ra đầu hẻm. Đại lộ rộng, sáng choang, rin rít những âm thanh vô nghĩa của xe cộ, tiếng rao hàng, tiếng nhạc, tiếng cười nói... Ánh đèn không ngủ, vàng vọt như mệt mỏi nhưng tôi nghĩ, nó hài lòng vì nơi nó đang sống. Ở con đường này, không cần bóng đèn, vì ở đây nó lạc lõng, tôi lại cần con đường trôi trong bóng đêm. Du nhoài người ra cửa sổ, gọi thôi ơi ới trên cao. Nếu chỉ cần đứng một phút nữa thôi, tôi biết, mình có thể khóc, nên tôi quay vào. Khang thắng kịt xe phía trước, tóc bồng dạt hẳn về sau vì gió, hay vì chạy nhanh để kịp gặp tôi?
- Đi đâu đi!
Tôi nhớ Minh cũng nói với tôi câu này khi nãy, nhưng dài hơn ấm hơn: Mình đi đâu đi Di! Tôi cũng nhớ là mình từ chối, cái tay ga vô tội vạ rít lên. Giọng Khang thì lạnh, lạnh như tính Khang vốn vậy, như khí trời chuyển sang khuya. Tôi ngước lên cửa sổ có Du đang nhoài người trên ấy, chỉ thấy cái khối đen thăm thẳm. Rồi bước lên xe.
Trước mặt chúng tôi là dải sông đen thăm thẳm loang loáng vệt sáng, giữa chúng tôi là khoảng trắng gió lùa. Khang ngước mặt ra sông hỏi:
- Có biết là Khang đã tìm Di rất lâu rồi không?
Tôi im lặng. Thấy má mình nóng bừng khi gió từ sông rất lạnh. Gió thổi dạt tóc tôi, và chiếc váy trắng của tôi sang hướng của Khang, tôi quên mình đã hối hận vì phải mặc chiếc váy này. Chiếc váy và đôi giày không phải của mình. Của chị Hường, chị Hường vừa cài giày cho tôi vừa nói đôi giày và chiếc váy trắng này sẽ giúp em tìm được con số một cho mình. Tôi quay qua, hỏi một câu không ăn nhập gì đến đề tài khá mượt mà của Khang:
- Khang số mấy?
Và không đợi con mắt tròn xoe của Khang đợi lâu, tôi nói nhanh:
- Khang là số một. Số một của Di nhé!
Phạm Khánh Liêm