Khu Phố Văn Hoá => Văn xuôi => Topic started by: tùng anh on 30/09/08, 17:01 Return to Full Version
Title: Mắt buồn
Post by: tùng anh on 30/09/08, 17:01
Post by: tùng anh on 30/09/08, 17:01
Mắt buồn
Tôi có thói quen nhìn ngắm các đôi mắt. Với tôi, đôi mắt không chỉ nói lên tâm trạng mà còn phản ánh số phận. Quen dần thành thích. Và đôi mắt tôi thích nhìn nhất lại là một đôi mắt rất buồn.
Mắt tôi, nó chỉ có thần khi đeo thêm cặp kính. Mười hai đi-ốp rồi, muốn ngắm nhìn chính mình cũng khó. Nên thôi không bàn về đôi mắt của tôi. Đơn giản là một khiếm khuyết.
Nhỏ Lý cứ bảo tôi đi mổ mắt để vứt cặp kính đi cho đỡ phiền. Tôi đâu có nhớ được trước khi bị cận mắt tôi trông như thế nào. Nhưng hình như chẳng ai khen mắt tôi đẹp cả. Mẹ tôi còn nói không chừng tôi đeo kính lại có duyên hơn. Chứ con gái mà mắt cứ lồ lộ thì chán chết! Nên thôi, mổ mắt làm gì.
Mắt đẹp như nhỏ Lý thì cận mới uổng. Hồi cấp ba học chung, tôi đã ráng kiếm cớ lại ngồi gần nó, cốt chỉ để nhìn cho thật kỹ đôi mắt đó. Mắt đẹp dĩ nhiên có một số đặc điểm lý thuyết sau: to tròn, đen lay láy và hàng mi dài cong vút! Nhưng không vì thế mà tôi bị lôi cuốn, tôi chỉ muốn biết còn điều gì chất chứa sau làn mi dài ấy khiến đôi mắt lúc nào cũng buồn buồn, hiu quạnh.
Hầu như không ngày nào tôi không nhìn vào mắt nhỏ Lý, ở mọi góc độ. Càng nhìn càng thấy mênh mông y như nhìn về phía chân trời. Hồi đầu nó ngạc nhiên lắm, vì xưa nay người ta chỉ khen mắt nó đẹp, mắt đa tình, mắt mộng mơ... Chỉ mình tôi nói mắt nó buồn.
Rồi ba năm phổ thông, thân nhau như ruột thịt, hiểu nhau qua từng ánh mắt. Nhưng cái buồn trong đáy mắt cô bạn khiến tôi không rời tâm được. Nó buồn rười rượi mà mong manh đến khó tả. Cứ chợt nao lòng như chính nỗi buồn theo ánh mắt chạm vào tâm hồn tôi.
Lý yêu thơ văn, yêu nghệ thuật và có trái tim một nghệ sĩ. Nó hát hay, vẽ đẹp, lại còn biết làm thơ và viết cả tiểu thuyết. Tôi hỏi nó bộ định theo nghiệp thơ văn suốt đời. Nó cười hiền khô, bảo ừ, làm nhà văn cho nghèo chơi! Tôi nhíu mày, lên giọng: "Tỉnh lại đi bà cụ non! Thế kỷ bao nhiêu rồi mà còn sống bằng mộng tưởng?". Nó cũng cười, không nói chi hết.
Tôi với nó là hai thái cực khác nhau, không hiểu sao lại thân. Hai đứa có thể nói về mọi thứ trên đời, ngoại trừ nói về cuộc đời. Tôi ghét cách lý tưởng hóa cuộc sống của nó, nó lại lấy "màu hồng" phủ lên cái đầu thực tế, hay thực dụng cũng được, của tôi. Kết cuộc là tôi tức xì khói, còn nó cười trừ, rồi tiếp tục mơ mộng.
Ví như một lần tôi hỏi cái tên Thiên Lý của nó có ý nghĩa gì, nó "giảng" cho một tràng. "Hoa thiên lý thơm ngát một mùi hương thanh khiết trong sương đêm. Là giàn hoa nơi góc phố ngày xưa ba má tao hẹn hò. Rồi tao cũng sẽ có một cuộc đời bình dị như thế. Sẽ có một người yêu thương và nâng niu cái bình dị đó như ba má tao từng yêu hoa thiên lý. Các tác phẩm của tao sẽ để lại cho đời một chút hương, một chút tình. Cuộc sống cứ thế là ý nghĩa rồi mày ạ!". Tôi dửng dưng: "Tao chỉ thấy bông thiên lý xào thịt bò là ngon thôi. Mày định cuộc đời mày chỉ yểu xìu như cánh hoa vậy thôi à? Mày thấy tên tao không! Anh Thư, nữ hào kiệt không những chuyển dời được số phận của chính mình mà còn thêm sức mạnh cho toàn thể phái yếu làm một cuộc cách mạng xã hội vĩ đại! Chứ góp ít công cho đời như mày thì uổng một kiếp người dai dẳng". Hai đứa cùng cười vang.
Tôi thường hay đọc tiểu thuyết của Lý. Xa mái trường lâu rồi mà nét văn nó vẫn nhẹ nhàng như tà áo trắng. Tôi không thích những con đường bằng phẳng, trơn tru hay đại loại như những việc quá nhẹ nhàng, êm ái. Nhưng tôi hài lòng khi đọc tác phẩm của nó. Có lẽ tâm hồn nó trải ra theo từng dòng văn. Nó viết nhiều về cuộc sống, về tình yêu bằng tư duy của một người trẻ. Nhưng không phải người trẻ nào cũng có một tâm hồn như nhau. Và không phải tâm hồn nào cũng được chất chứa trong đôi mắt buồn như nó. Cái buồn miên man đến phẳng lặng, hay chính sự bình yên phủ mềm những gai góc cuộc sống. Và nó cứ thế mang đời vào sách để người khác vì sách mà yêu đời. Tôi nghĩ đó là một thành công của sự lãng mạn.
Có một đêm mưa tầm tã, tôi ngủ lại với Lý trên căn gác xép ẩm thấp. Một không gian sống vô cùng thiếu thốn. Không máy tính, không tivi cũng không có điện thoại. Tôi không tưởng tượng được mình sẽ phải làm việc thế nào trong một môi trường thế này. Buổi chiều khi hai đứa tản bộ qua khu ẩm thực gần nhà Lý, tôi chợt nảy ra ý tưởng cho bài tiểu luận của mình. Thế nhưng tối về lại căn gác này, tôi lại không biết làm sao để thực hiện bài luận. Tôi bảo giá như có laptop ở đây tôi sẽ làm ngay bài luận tối nay. Lý ngạc nhiên hỏi tôi, tại sao lại không viết tay. Tôi mới ngỡ ra rằng từ lâu mình đã quá phụ thuộc vào công nghệ. Viết tay, ừ nhỉ, đã bao lâu rồi tôi không dùng đến kỹ năng cơ bản nhất của một con người văn minh? Chắc phải lâu, lâu đến nhạt nhòa ký ức.
Đêm đó hai đứa không ngủ được. Mưa cứ rả rích từng cơn, hoài không dứt. Nhìn vẻ mặt Lý hạnh phúc khi cầm trên tay quyển sách hay và thong thả ngồi đọc, tôi chợt thấy vui lây. Chốc chốc cô bạn tôi lại mỉm cười, mắt hấp háy theo từng con chữ diệu kỳ. Nhưng đôi mắt không cười, nó vẫn cứ buồn và xa xăm vời vợi.
Tôi nhận ra rằng, con người có thể thay đổi tâm trạng và thái độ nhưng không thể che giấu chiều sâu tâm hồn. Mắt buồn bởi cuộc sống khó khăn này thật sự đáng buồn. Có những tổn thương cuộc đời mang đến cho tâm hồn sẽ trở thành vết sẹo sầu in trên ánh mắt. Nhưng hãy như bạn tôi, để nỗi buồn vương lại trên bờ mi, môi vẫn nở nụ cười và đáp lại cho đời những khoảng lặng êm ái nhất. Để lại yêu đời, yêu người và biết đâu đôi mắt sẽ thôi buồn bã.
Tôi nhắm mắt lại, yên bình nghe tiếng mưa rơi. Thấy đêm trôi thật chậm, thật khẽ.
VÕ THị KIM HUYÊN