Cổng vào tri thức => Ăn mặc - Sức khỏe - Mẹo vặt => Topic started by: Sao_Online on 23/03/09, 09:53 Return to Full Version

Title: Khắc phục triệu chứng suy giảm thị lực do máy tính
Post by: Sao_Online on 23/03/09, 09:53
Nếu mỗi ngày ngồi trước máy tính từ 2 tiếng trở lên, bạn có thể sẽ trở thành nạn nhân của triệu chứng suy giảm thị lực do máy tính (CVS) như đau đầu, kém tập trung, mắt mỏi, mờ, đau cổ và đau vai.

(http://img.huongtinhyeu.net/files/gd86xernwdwhg5jzxqrn.jpg)

Nếu có những triệu chứng trên thì bạn không phải là người duy nhất mắc phải CVS. Theo một nghiên cứu được trường Đại học bang Ohio, Mỹ, công bố năm 2003 thì có tới hơn 90% người dùng máy tính mắc phải những chứng bệnh về mắt.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng nếu ngồi trước máy tính hơn 5 tiếng mỗi ngày thì mắt người dùng sẽ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Thật may là chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản để khắc phục CVS. Đừng đợi tới khi bạn mắc phải CVS, mà ngay bây giờ hãy nên thực hiện một số điều chỉnh đơn giản sau:

1. Sử dụng ánh sáng phù hợp

Hầu hết các văn phòng để ánh đèn rất sáng và thường xuyên. Thường thì đèn càng sáng thì càng tốt nhưng với trường hợp này thì không hẳn như thế.

Tuy nhiên, cách giải quyết cũng khá đơn giản. Nếu có cửa sổ thì bạn nên sử dụng rèm để hạn chế ánh sáng từ ngoài chiếu vào.

Sử dụng các loại bóng đèn có mức sáng dịu hơn. Hãy tắt ánh sáng trong phòng và mở rèm rồi điều chỉnh cho tới khi thấy ánh sáng phù hợp thì thôi.

Nếu bạn đã quen làm việc trong môi trường ánh sáng mạnh thì có thể ban đầu bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu. Có thể sẽ phải mất chút thời gian thì bạn mới quen được môi trường ánh sáng tối hơn. Nếu không điều khiển được ánh sáng thì bạn nên đeo kính mờ (kính chống lóa).

2. Giảm độ chói xung quanh

Ánh sáng chói thường phản chiếu trên các bề mặt như tường và màn hình máy tính.

Để giảm bớt hiện tượng này bạn nên sơn tường bằng màu tối hơn, hoặc sử dụng màn hình chống lóa. Nếu bạn đeo kính thì hãy sử dụng bộ phận chống phản chiếu cho mắt kính.

3. Cấu hình máy tính hợp lý

Một trong những cách đơn giản nhất để giảm mỏi mắt là điều chỉnh độ sáng và mức độ tương phản của màn hình.

Thực ra không có cấu hình nào là đúng, và không có cấu hình nào là sai, bạn cần điều chỉnh cho tới khi nào cảm thấy hợp lý thì thôi. Nếu ánh sáng môi trường xung quanh sáng quá thì bạn có thể giảm bớt độ sáng của màn hình.

Ngoài ra, bạn có thể giữ mức độ tương phản của hình nền và ký tự ở mức cao.

4. Điều chỉnh kích cỡ chữ và màu sắc

Cách làm này có thể giúp mắt bạn cảm thấy thoải mái đôi chút. Hãy giảm kích cỡ chữ xuống mức nhỏ nhất mà bạn có thể nhìn thấy được, rồi sau đó phóng to lên hai hoặc ba lần.

Hầu hết các phần mềm và trình duyệt đều cho phép người dùng điều chỉnh kích cỡ chữ trên màn hình. Khi có thể, bạn hãy sử dụng chữ màu đen và nền màu trắng để đạt được độ tương phản tốt nhất.

5. Giải lao

Nếu bạn đã làm việc bên máy tính cả ngày thì hãy nghỉ giải lao đôi chút. Theo khuyến cáo của Viện An toàn nghề nghiệp và sức khỏe Mỹ (NIOSH) thì mỗi ngày ngồi bên máy tính, người dùng phải nghỉ giải lao ít nhất 4 lần, mỗi lần 5 phút; và nghỉ giải lao bắt buộc 2 lần, mỗi lần 15 phút.

Nếu không nghỉ giải lao 2 lần 15 phút kia thì cứ mỗi 1 tiếng ngồi bên máy tính, người dùng phải nghỉ giải lao ít nhất 5 phút. Hiệp hội thị lực Mỹ (AOA) khuyên người dùng nên nghỉ giải lao 15 phút mỗi 2 tiếng sử dụng máy tính.

6. Lau sạch màn hình

Cách dễ nhất trong số những cách thức giúp giảm mỏi mắt là hãy thường xuyên lau sạch màn hình. Bụi bặm và vết vân tay lâu ngày sẽ khiến cho việc đọc màn hình khó hơn.

Hãy tự luyện cho mình thói quen lau màn hình thường xuyên, tốt nhất là hàng ngày.

7. Ngồi cố định

Chính thao tác ngồi không cố định khoảng cách khi gõ bản thảo cũng khiến cho mắt của bạn bị mỏi. Để khắc phục, bạn nên đặt bản thảo càng gần màn hình máy tính càng tốt.

Ngoài ra, bạn nên sử dụng thanh kẹp giấy để dựng bản thảo càng ngay ngắn càng tốt. Đây là lúc bạn cần thêm một chút ánh sáng. Hãy trang bị thêm một chiếc đèn bàn (ánh sáng dịu) chiếu vào trang bản thảo, chứ không chiếu vào mặt hoặc chiếu vào màn hình.

(http://img.huongtinhyeu.net/files/ulga3e85vtmokzc96z51.jpg)

8. Giữ tư thế ngay ngắn

Hãy giữ đúng khoảng cách giữa bạn và màn hình máy tính bởi phần lớn mọi người đều có xu hướng ngồi gần hơn mức cần thiết. Hãy đặt màn hình cách mắt bạn khoảng 20-24 inch. Tâm của màn hình cần phải thấp hơn mắt khoảng 10-15 độ. Với tư thế này, mắt bạn sẽ có được sự hỗ trợ tốt nhất.

Còn nếu không thể thay đổi được khoảng cách giữa bạn và màn hình thì nên điều chỉnh phông chữ.

Chẳng hạn như nếu bạn ngồi xa hơn mức bình thường thì hãy tăng kích cỡ chữ lên. Mặc dù đây không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng ít ra cũng còn tốt hơn việc ngồi xa và căng mắt ra nhìn chữ trên màn hình.

9. Sử dụng kính đeo chỉ dành cho sử dụng máy tính

Nếu vẫn chưa cảm thấy thoải mái thì bạn có thể sẽ cần tới loại kính đặc biệt dành cho người làm việc với máy tính. Tuy nhiên, bạn sẽ cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi đeo loại kính này.

Thông thường, kính đeo để đọc chỉ có tác dụng với khoảng cách từ 16-21 inch; trong khi đó khoảng cách với kính đeo dùng cho máy tính là 18-28 inch. Do vậy, nếu bạn sử dụng kích đeo cho máy tính để đọc tài liệu trong lúc soạn thảo thì xem ra cũng không có tác dụng là mấy mà mắt vẫn bị ảnh hưởng.

10. Tìm kiếm sự trợ giúp thay thế

Nếu tất cả những biện pháp trên tỏ ra không có tác dụng với bạn thì hãy tìm kiếm một phương pháp thay thế khác, chẳng hạn như tập yoga.

Nghiên cứu với 291 người Ấn Độ tập theo phương pháp này cho thấy một nửa số người tập yoga mỗi ngày một tiếng, 5 ngày một tuần, đã có sự cải thiện rõ rệt sau 60 ngày. Phần còn lại không tập yoga thì không thấy sự chuyển biến nào.

Nếu mắt bạn không bớt mệt mỏi thì ít ra bạn cũng có một khoảng thời gian thư giãn thú vị với yoga.