Khu Phố Văn Hoá => Thế giới trẻ thơ => Topic started by: Sao_Online on 21/04/09, 17:30 Return to Full Version

Title: Bệnh tay chân miệng ở trẻ
Post by: Sao_Online on 21/04/09, 17:30
Bệnh tay chân miệng ở trẻ

Với những triệu chứng thông thường như lở miệng, lở lưỡi, nổi bóng nước... bệnh tay chân miệng (tên một loại bệnh) thường được chẩn đoán là phát ban, nhiễm trùng da, dị ứng.

Tuy nhiên, nếu bệnh xuất hiện biến chứng thì nguy cơ trẻ tử vong là rất cao.

Khi được chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - TPHCM, tình trạng sức khỏe bé T.N.V, 28 tháng tuổi (ngụ Tây Ninh), bị bệnh tay chân miệng đã ở giai đoạn hết sức nguy hiểm. Mặc dù được các bác sĩ tận tình chăm sóc nhưng bé N.V đã tử vong ngay trong ngày đầu nhập viện.

Bệnh dễ gây tử vong nếu xuất hiện biến chứng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, bệnh tay chân miệng có từ lâu nhưng rất ít bà mẹ quan tâm đến. Thậm chí một số bác sĩ trong ngành cũng không chú ý nhiều, nên thường dẫn đến chẩn đoán lầm bệnh cho trẻ. Bệnh này thường có những triệu chứng như lở miệng, lở lưỡi. Sau đó, ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, miệng nổi lên những bóng nước màu hơi xám có kích thước từ 1-3 mm. Bóng nước này khi ấn vào thường không đau và nó sẽ tự biến mất sau 3-5 ngày. Ở một số trẻ có thể có thêm triệu chứng sốt, đau miệng, biếng ăn kèm theo tiêu chảy. Thông thường, trẻ mắc bệnh này sẽ tự khỏi từ 5-7 ngày.

Tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ phát hiện một tác nhân mới của bệnh có thể gây biến chứng đe dọa đến tính mạng của trẻ. Đó là khi tác nhân EV71 xuất hiện thì có thể gây biến chứng lên thần kinh, tim mạch đưa đến viêm não, viêm cơ tim và dẫn đến tử vong.

Cách phòng bệnh tốt nhất: ăn uống, vệ sinh sạch cho trẻ

Năm 2005, Khoa Nhiễm của BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận hơn 500 trường hợp trẻ bị bệnh tay chân miệng. Trong đó, có một số trường hợp bị chẩn đoán nhầm từ tuyến dưới nên bệnh đã ở giai đoạn nặng, khi chuyển đến BV không quá 1 ngày trẻ đã tử vong. Trong khi đó, tại BV Nhi Đồng 2, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng nhanh (năm 2004 là 164 bệnh nhân, năm 2005, tính đến giữa tháng 12 là 385 bệnh nhân).

Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa do siêu vi trùng đường ruột gây ra. Chính vì vậy, các bác sĩ cho rằng để phòng bệnh cho trẻ, cách tốt nhất là các bà mẹ hãy cho trẻ vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp với các siêu vi trùng (thường được thải qua phân và bóng nước).

Lúc trẻ bắt đầu ngủ, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như giật mình, hoảng hốt, chới với, nổi bóng nước thì nên đưa trẻ đến BV. Không nên để đến lúc trẻ bị sốt cao vì rất dễ bị co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong.
Title: Re: Bệnh tay chân miệng ở trẻ
Post by: Sao_Online on 21/04/09, 17:32
Bệnh tay chân miệng: trẻ có thể chết!

BS TRƯƠNG HỮU KHANH
(Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1)

Nguy hiểm hơn là ngay cả khi bệnh đã có biến chứng gây tử vong nhưng thầy thuốc và người nhà cũng không hề biết được là do bệnh tay chân miệng diễn biến nặng cần can thiệp kịp thời.

Chẩn đoán nhầm, biến chứng nặng

Bệnh tay chân miệng không phải là bệnh mới xuất hiện, trong tài liệu y khoa đã nói đến từ lâu. Tuy nhiên, đa số bác sĩ và người dân đều không biết bệnh này vì trước đây bệnh chủ yếu là do tác nhân coxsakie - rất lành tính - gây ra.

Gần đây trên thế giới đã phát hiện thêm một tác nhân mới rất nguy hiểm cũng gây ra bệnh này là enterovirus 71. Tác nhân này nguy hiểm vì nó có thể gây biến chứng ở não và tim, gây tử vong cao và rất nhanh. Do không biết bệnh này nên đôi khi bệnh được chính thầy thuốc chẩn đoán nhầm là bệnh thủy đậu, nhiễm trùng da hay dị ứng...

Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất dễ lây. Thường lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ.Theo tổng kết nhiều năm của Bệnh viện Nhi Đồng 1,TP.HCM, bệnh xảy ra theo hai mùa trong năm, từ tháng 2-4 và sau đó từ tháng 9-12.

Biểu hiện của bệnh cũng rất dễ nhận biết nếu được chú ý, đó chính là các bóng nước. Bóng nước có kích thước từ 2-10mm, màu xám, hình ô van, thường xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng.

Năm ngoái, Bệnh viện Nhi Đồng 1,TP.HCM tiếp nhận 1.000 bệnh nhi bị "bệnh tay chân miệng", trong đó có 400 ca có biến chứng cần nhập viện. Trong hai tháng đầu năm nay đã có thêm 187 ca nhập viện vì biến chứng của bệnh này.

Khi nổi bóng nước trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp đi và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.

Đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 gây ra, một số trẻ sẽ có biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Điều nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý.

Trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như: khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật.

Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Phát hiện sớm, theo dõi sát

Để phát hiện sớm biến chứng, điều quan trọng là khi thấy trẻ có bệnh tay chân miệng (triệu chứng bóng nước ở tay, chân, miệng) thì người thân cố gắng theo dõi sát trẻ ít nhất tám ngày để phát hiện ngay các dấu hiệu nghi ngờ biến chứng và mang trẻ đến bệnh viện.

Mặt khác nếu thấy có những triệu chứng bất thường kể trên thì tìm xem trẻ có những bóng nước ở lòng tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông hay không. Nếu có thì nhanh chóng mang trẻ đến bệnh viện. Đối với trường hợp không có biến chứng có thể điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa.

Hiện nay tác nhân enterovirus 71 chưa có thuốc chủng ngừa nên cách phòng ngừa tốt nhất là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống. Nên cho trẻ nghỉ học hay tránh tiếp xúc với trẻ bệnh khi ở chung nhà vì bệnh rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác khi tiếp xúc.
Title: Re: Bệnh tay chân miệng ở trẻ
Post by: Sao_Online on 21/04/09, 17:34
Coi chừng những cái "bóng nước"!

Một trường hợp nổi bóng nước điển hình ở trẻ bệnh tay, chân, miệng.

Ban đêm đang ngủ trẻ hay giật mình thức giấc, cảm thấy chới với khi không có người lớn nằm cạnh, kèm theo là những triệu chứng nóng sốt, nổi những bóng nước ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, miệng... Bệnh rất dễ lây nhưng người nhà của trẻ và cả bác sĩ cũng rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác. Bệnh gây tử vong rất nhanh khi đã có biến chứng, nếu ở thể nặng.

Rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác

Bé Trương Gia Phú, 2 tuổi, con trai của chị Nguyễn Ngọc Bích Nga và anh Trương Thanh Liêm (nhà ở Q.Tân Phú, TP.HCM) vào Bệnh viện (BV) nhi đồng 1 hôm 6.3 được các bác sĩ khoa Nhiễm của BV chẩn đoán là hội chứng "tay, chân, miệng". Chị Nga cho biết: "Trước khi nhập viện hai ngày, ở lòng bàn tay của bé có nổi hơn 10 mụt và lòng bàn chân nổi 2 mụt bóng nước, gia đình cứ nghĩ bé bị con gì cắn. Kèm theo, bé còn bị lở miệng nhưng tôi lại nghĩ rằng bé bị đẹn nên rơ miệng, vẫn không thấy giảm. Đêm đó, cháu bị nôn ói kèm nóng sốt... nên gia đình đưa bé vào BV, bác sĩ đã cho nhập viện để điều trị ngay". Cũng nuôi con trai 9 tháng tuổi (bé Nguyễn Chí Mỹ) mắc bệnh tương tự, đang được điều trị tại khoa Nhiễm BV nhi đồng 1, chị Phạm Thị Thơ (nhà ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) cho chúng tôi biết: "Ở nhà, mỗi khi có tiếng động là bé giật mình, tình trạng này tăng dần. những lúc có mẹ nằm gần dằn tay mạnh lên người bé thì bé không bị giật mình nhưng bỏ tay ra là bé có cảm giác chới với. Sau đó xuất hiện tình trạng sốt cao, mắt nhìn lờ đờ, nôn ói, rồi nổi những bóng nước... gia đình lật đật đưa bé thẳng lên BV nhi đồng 1 hôm 6.3...". Các bác sĩ cho biết, trường hợp con của chị Thơ là đã có biến chứng, nếu không vào viện để điều trị sớm là rất nguy hiểm. Còn bé Võ Phương Dung, 2 tuổi (nhà ở Q.10, TP.HCM) nhập viện hôm 9.3 bởi một ngày trước đó trong lúc đi học bé bị nôn ói, tiêu chảy, nóng sốt, kèm vài nốt bóng nước nổi ở chân. Riêng trường hợp của bé Chung Minh Dũng, 19 tháng tuổi (ngụ ở Cần Đước, Long An) nhập viện hôm 7.3, thì cả bác sĩ khám cho bé trước đó ban đầu cũng bị nhầm lẫn bệnh của bé với một loại bệnh khác. Chị Lê Phương Thảo - mẹ của Dũng cho biết: "Trước lúc nhập viện 3 ngày, bé bị nổi những bóng nước ở tay, chân, nóng sốt... đi khám ở phòng mạch bác sĩ gần nhà, bác sĩ chẩn đoán bé bị dị ứng...". Tại khoa Nhiễm của BV nhi đồng 1 hiện cũng đang có một trẻ mắc loại bệnh này nằm viện là con một chị nhân viên của khoa. Ngoài ra, rất nhiều con, em của nhân viên y tế, bác sĩ của BV nhi đồng 1 cũng mắc phải hội chứng "tay, chân, miệng" nhưng nhờ là "dân trong nghề", nên phát hiện bệnh sớm, đưa trẻ vào BV chữa trị kịp thời.

Bệnh có thể gây tử vong rất nhanh

Nếu bệnh ở thể nhẹ thì có thể tự khỏi sau khoảng 5 ngày, không cần chữa trị. Các bóng nước tự hết (lặn mất) không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu không may nguyên nhân gây nên bệnh là do Entero virus 71 thì sẽ gây biến chứng lên não, màng não, gây co giật, gây viêm cơ tim, phù phổi, hôn mê... dẫn đến tử vong rất nhanh trong vòng vài giờ.

Tại khoa Nhiễm, BV nhi đồng 1, TP.HCM, hôm chúng tôi đến ngày 9.3 có 18 trẻ mắc hội chứng "tay, chân, miệng" đang được điều trị. Từ sau Tết âm lịch đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị nội trú cho hơn 200 bệnh nhi mắc bệnh này (trong số đó 70% trẻ đã có biến chứng). Năm 2005, đã có một số bệnh nhi tử vong bởi bệnh này. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm của BV: Hội chứng "tay, chân, miệng" thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng gặp nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh thường xuất hiện hai đợt trong năm (từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 10 đến tháng 12). Nguyên nhân gây bệnh là do siêu vi trùng đường ruột". Trước đây, người ta chỉ nghĩ đến loại siêu vi trùng gây bệnh lành tính là Coxaski, nhưng những năm gần đây các nhà khoa học đã phát hiện thêm một loại vi-rút gây bệnh khác cực kỳ nguy hiểm là Entero virus 71 - một loại vi-rút xuất hiện gần đây tại Việt Nam và đã gây ra một đợt dịch bệnh viêm não cấp khiến nhiều trẻ tử vong vào năm 2003. Trước đó, loại vi-rút này cũng đã gây ra một đợt dịch, khiến nhiều trẻ em tử vong tại Đài Loan vào năm 1998.

Khả năng lây lan của loại bệnh này rất cao, nhất là ở môi trường nhà trẻ, mẫu giáo đông đúc, người lớn không bị lây nhiễm bệnh từ trẻ. Triệu chứng điển hình của bệnh thường gặp là nổi những bóng nước, màu xam xám hay màu đỏ, tập trung nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng (gây vết loét), đầu gối, mông. Ngoài ra, bóng nước còn có thể nổi rải rác ở những vị trí khác trên cơ thể. Đặc biệt, những bóng nước này khi ấn vào không đau. Sau đó có kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy... Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, loại bệnh này khiến người nhà của trẻ và cả bác sĩ không chuyên rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như: viêm họng, viêm nướu răng, viêm lưỡi, bệnh ngoài da, nhiễm trùng da, da bị dị ứng...

Bóng nước trên chân ở trẻ mắc hội chứng "tay, chân, miệng".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, nếu bệnh ở thể nhẹ thì có thể tự khỏi sau khoảng 5 ngày, không cần chữa trị. Các bóng nước tự hết (lặn mất) không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu không may nguyên nhân gây bệnh là do Entero virus 71 thì sẽ gây biến chứng lên não, màng não, gây co giật, gây viêm cơ tim, phù phổi, hôn mê... dẫn đến tử vong rất nhanh trong vòng vài giờ nếu không can thiệp kịp thời. Thường một tuần sau khi khởi phát bệnh thì bệnh diễn tiến nặng. Khi bệnh bắt đầu trở nặng, việc chữa trị kịp thời, đúng trong vòng 3 ngày sau đó mang tính chất quyết định. Nếu được chữa khỏi, bệnh không để lại di chứng cho trẻ về mặt trí tuệ như các loại bệnh viêm não khác.

Do bệnh lây nhiễm từ siêu vi trùng đường ruột nên việc phòng ngừa mắc bệnh quan trọng nhất là vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt của trẻ. Phải rửa tay cho trẻ trước khi ăn; nguồn nước đảm bảo vệ sinh; môi trường trẻ chơi phải sạch sẽ, không để trẻ ngậm đồ chơi trong miệng, ngậm bú ngón tay, không cho trẻ chơi trên nền đất... Việc quan trọng nữa là phát hiện và sớm đưa trẻ đến BV để được theo dõi, xử trí kịp thời, tránh được những biến chứng nặng cho trẻ.
Title: Re: Bệnh tay chân miệng ở trẻ
Post by: Sao_Online on 21/04/09, 17:34
Chính thức công bố dịch bệnh "chân, tay, miệng"

Hội chứng "chân, tay, miệng".

Trước tình trạng hội chứng virus đường tiêu hoá "chân, tay, miệng" lây lan ra diện rộng, hôm qua (27/3), tỉnh Ninh Thuận đã chính thức công bố dịch.

Đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện ở 26 xã, phường của 5 huyện, thị trong tỉnh với 128 ca mắc bệnh và 2 trường hợp đã tử vong.

Trước sự lây lan nhanh của dịch bệnh này, một số trường mầm non trên địa bàn thị xã Phan Rang - Tháp Chàm đã tạm thời cho học sinh nghỉ học. Các bậc phụ huynh đổ xô tìm đến Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng cho con em mình.

Tuy nhiên, hiện nay hội chứng "chân, tay, miệng" chưa có vaccine tiêm phòng. Nhiều phụ huynh thấy con em mình được tiêm phòng bệnh viêm màng não mô cầu a, c và nhóm b lại ngỡ là đã được tiêm phòng hội chứng "chân, tay, miệng" nên không quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lây lan bệnh.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Ninh Thuận, bệnh virus đường tiêu hoá, hay bệnh "chân, tay, miệng", nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng não, màng não và có thể dẫn đến tử vong.

Đây là dịch bệnh lây lan rất nhanh, chủ yếu lây qua đường tiêu hoá, đối tượng chủ yếu là trẻ em. Vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nhà trẻ, trường mẫu giáo, các trường tiểu học là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu trong công tác ngăn chặn dịch.

Ngoài sự hỗ trợ của ngành y tế, các điạ phương cần phát động toàn dân làm sạch vệ sinh thôn xóm, mỗi gia đình cần chú trọng hơn công tác giữ gìn vệ sinh và an toàn thực phẩm. Khi phát hiện những triệu chứng bất thường về sức khoẻ phải kịp thời đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Nguồn (For All): http://www.webtretho.com