Cổng vào tri thức => Không phân loại => Topic started by: saos@ngmo on 25/07/09, 23:36 Return to Full Version

Title: Hoa Kỳ và thách thức Trung Quốc
Post by: saos@ngmo on 25/07/09, 23:36
SGTT - Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư môn chính trị học chuyên về quan hệ quốc tế của đại học George Mason (Mỹ), viết riêng cho SGTT, phân tích về đối sách của Mỹ trong tương lai về tranh chấp hải phận ở biển Đông sau khi diễn ra cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi giữa tháng 7. SGTT giới thiệu bài viết này như một tư liệu tham khảo về vấn đề biển Đông qua lăng kính của các nhà chính sách Mỹ.

(http://www.sgtt.com.vn/HTMG/2009/0721/54486/01.jpg)
Hải quân Mỹ trong những lần xuất hiện ở biển Đông. Phiên điều trần này đạt được sự đồng thuận rằng ngoài các biện pháp ngoại giao, hải quân Mỹ nên thường xuyên lui tới biển Đông để làm chùn tay những cường quốc đang nhăm nhe nuốt chửng vùng biển giàu tài nguyên này. Ảnh: TL


Ngày 15.7.2009 vừa qua, một cuộc điều trần về "Tranh chấp hải phận và vấn đề chủ quyền tại Đông Á" trước ủy ban Ngoại giao Thượng viện được thực hiện dưới sự chủ tọa của thượng nghị sĩ Jim Webb, người khởi xướng và chủ tọa với tư cách là chủ tịch tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc ủy ban Ngoại giao Thượng viện.

Tại Hoa Kỳ, các cuộc điều trần tại Quốc hội là phương cách để Quốc hội tỏ lộ quan tâm của mình về một vấn đề và tìm cách ảnh hưởng tới chính sách của Hành pháp về vấn đề ấy. Trong quá khứ có những cuộc điều trần tạo ảnh hưởng sâu sắc trên chính sách của chính quyền, như cuộc điều trần Fulbright về chiến tranh Việt Nam.

Mối quan tâm của ông Webb về tranh chấp biển Đông cũng như ảnh hưởng của nó đối với Hoa Kỳ và Việt Nam bắt nguồn từ hai nguyên nhân: ông từng làm bộ trưởng Hải quân dưới thời tổng thống Reagan và từng tham chiến ở Việt Nam trong hàng ngũ thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh hưởng chính trị của ông Webb không phải chỉ vì ông là chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương và có chân trong cả hai ủy ban Ngoại giao và ủy ban Quốc phòng của Thượng viện, mà còn vì kiến thức và kinh nghiệm của ông cùng mối quan hệ cá nhân của ông đối với tổng thống Barack Obama được hình thành trong thời kỳ Obama tranh cử tổng thống.

Đông Nam Á trên bàn nghị sự

Cuộc điều trần cho thấy Hoa Kỳ rất quan tâm đến chính sách và hành động bành trướng của Trung Quốc ở Đông Á. Thứ nhất, những người tham dự cuộc điều trần đều quan tâm đến chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển phía Đông Trung Quốc và Đông Việt Nam, và những hành động để xác định chủ quyền của họ, kể cả việc chiếm đảo của Việt Nam và Philippines, sách nhiễu tàu Mỹ, bắt ngư dân Việt Nam, và đe dọa các hãng dầu Mỹ khi họ ký khế ước với các quốc gia khác để khai thác dầu tại vùng tranh chấp.

Thứ hai, về hậu quả của chúng, thượng nghị sĩ Webb cho rằng: "Những tranh chấp này ảnh hưởng mạnh mẽ đến Hoa Kỳ vì chúng de dọa hòa bình và an ninh khu vực." Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc không những chỉ muốn bành trướng ảnh hưởng kinh tế và chính trị, mà còn muốn bành trướng lãnh thổ." Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Robert Sher cho rằng: "Khả năng quân sự gia tăng của Trung Quốc đã trở thành một yếu tố ảnh hưởng đến cách thương thảo của Trung Quốc về những tranh chấp trên vùng biển." Giáo sư Dutton, trường đại học Chiến Tranh hải quân, nhận xét rằng, những đòi hỏi của Trung Quốc là "một phần trong kế hoạch đặt Nam Hải (biển Đông) với đường phân ranh hình lưỡi bò dưới quyền kiểm soát quân sự riêng biệt của Trung Quốc." Theo học giả Dan Blumenthal, Trung Quốc muốn đẩy Hoa Kỳ càng ngày càng xa hơn bờ biển và vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều mà các học giả lưu tâm là nguyên tắc tự do lưu thông trên biển. Ông Cronin nói: "Tác phong của Trung Quốc đe dọa trực tiếp những quyền lợi chính đáng của Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á, kể cả nguyên tắc tự do lưu thông trên biển cả, quyền khai thác trữ lượng dầu khí dưới biển, việc phát triển hợp tác và bền vững các nguồn tài nguyên khác dưới đáy biển, và quyền đánh cá."

Ủng hộ đàm phán đa phương

Về biện pháp đối phó, các đại diện chính quyền Mỹ bắt đầu bằng khẳng định rằng họ không đồng ý với những đòi hỏi lãnh hải của Trung Quốc, vì nó không phù hợp với luật quốc tế; rằng Mỹ sẽ tiếp tục hành động để bảo những quyền lợi chính đáng của mình và của đồng minh, chủ yếu qua giải pháp hòa bình, đồng thời củng cố sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương bằng cách tăng thêm quân đóng ở đảo Guam và tiếp tục gửi tàu chiến đến cả khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Tuy bề ngoài nói đứng ngoài tranh chấp, nhưng Hoa Kỳ chống đòi hỏi của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải với Việt Nam và Hoa Kỳ ủng hộ giải pháp đàm phán đa phương. Đại diên bộ Ngoại giao xác nhận rằng Mỹ "quan tâm đến căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam", chủ yếu Mỹ không thiên vị nước nào và khuyến khích hai bên giải quyết tranh chấp bằng thảo luận, Mỹ chống mọi cố gắng de dọa các công ty Mỹ hoạt động khai thác dầu khí ở Nam Hải (biển Đông). Đại diện bộ Quốc phòng khẳng định: "Quyền lợi của Mỹ là bảo vệ tự do lưu thông trên đường biển, tránh bị lôi cuốn vào các tranh chấp khu vực, khuyến khích giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khuôn khổ thương thuyết đa phương, tránh tạo tiền lệ đặt mọi người trước sự đã rồi, và bảo vệ uy tín của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á."

Thượng nghị sĩ Webb cho rằng: "Chỉ Hoa Kỳ mới có cả tư thế lẫn quyền lực để đương đầu với thế bất quân bình quyền lực do Trung Quốc tạo ra." Ông chỉ trích: "Chính quyền Mỹ phản ứng với những sự cố ở ngoài biển như là những thách thức chiến thuật đơn lẻ, trong khi Trung Quốc hành động với một viễn kiến chiến lược". Giáo sư Dutton cũng ủng hộ giải pháp thảo luận đa phương và đề nghị "Hoa Kỳ cần nói rõ rằng mình ủng hộ phương thức giải quyết ôn hòa các tranh chấp lãnh thổ dựa trên Tuyên ngôn về Ứng xử tại biển Đông". Ông Dutton lưu ý, viêc gia tăng những hành động quân sự và tuần tra để cưỡng hành luật biển của Trung Quốc là "không hữu ích".

Thách thức của Hoa Kỳ trong tương quan với Trung Quốc, theo giáo sư Dutton, là "xử lý căng thẳng tại khu vực Đông Á trong khi khuyến khích cộng tác trên mức độ toàn cầu." Dan Blumenthal khuyến cáo Hoa Kỳ phải "tăng cường chính sách ngoại giao liên minh, đảm bảo với các đồng minh của chúng ta là họ sẽ không bị nước nào cưỡng ép. Chúng ta phải vạch rõ một ranh giới mà Trung Quốc không thể vượt qua liên quan đến những nguyên tắc ứng xử căn bản ở ngoài biển".

Ông Cronin đề nghị chính quyền Obama "bỏ thái độ thụ động của chính quyền tiền nhiệm từ năm 1995 đối với tác phong không phù hợp với luật quốc tế của Trung Quốc tại Trường Sa và những nơi khác"; rằng "chính quyền Obama ít nhất cũng phải ủng hộ tinh thần cho những quốc gia Đông Nam Á đang bị hăm dọa, và phải cương quyết khẳng định quyền của mình được tự do lưu thông trên biển trước những hành động của Trung Quốc".

Tóm lại, cuộc điều trần cho thấy Hoa Kỳ rất quan tâm đến chính sách và hành động bành trướng của Trung Quốc ở Đông Á. Tuy bề ngoài nói đứng ngoài tranh chấp, nhưng Hoa Kỳ chống đòi hỏi của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải với Việt Nam, và Hoa Kỳ ủng hộ giải pháp đàm phán đa phương. Cuối cùng, chính phủ Hoa Kỳ được khuyến cáo một mặt phải tăng cường hải lực và tạo thêm đồng minh trong khu vực, mặt khác phải nói rõ cho Trung Quốc biết những giới hạn mà họ không thể vượt qua mà không gặp phản ứng của Hoa Kỳ.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Mỹ)