Menu

Show posts

This section allows you to view all posts made by this member. Note that you can only see posts made in areas you currently have access to.

Show posts Menu

Messages - artnhon

#1
    Trưa nay do ảnh hưởng của cơn bão xa, gió lùa thật mạnh chạy dọc đường Nguyễn Du thổi tốc sang đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã hất tung những cánh hoa dầu ở góc sân Dinh Thống Nhất bay tỏa khắp ngã tư đường. Một cánh hoa dầu bay tấp lên ngọn một cây me phía góc phải sân trướcTòa Án Nhân Dân Thành Phố.
- Ui! Anh làm em giật mình! Một trái me chỉ có một hột tròn lựng đang treo tòng teng ở một đầu nhánh vươn dài vào tận sân trước Tòa Án.
- Em nghĩ gì dữ vậy? Anh bay vòng vòng trên đầu em nãy giờ mà em không thấy à? Cánh hoa dầu cạ cạ cánh tay lên đầu trái me.
- Nhẹ nhẹ đứt tóc em! Còn có một sợi tóc thôi đó! Trái me chỉ có một hột ( loại me đậu phọng rất ngon) nhổm người ngồi lọt tót vô lòng cánh hoa dầu - Anh ơi có chuyện này ngộ lắm! Mấy chị bán trái sê ri ngồi tám chuyện dưới gốc cây của em hồi sáng này nói trong Tòa Án đang xử một vụ án thương tâm lắm anh ơi!
- Em bày đặt nghe chuyện của con người làm chi vậy? Cánh hoa dầu móc tay vào cành me giữ không cho rớt vì gió đang thổi mạnh.
- Đâu có bày đặt gì đâu nà! Đó đó anh thấy cô bé đang đứng dựa cửa sổ đó hông? Trái me chồm người qua chỉ tay về hướng phòng xử án.
- Ờ thấy rồi, mà cô bé dính gì tới vụ án? Em nói nhanh đi tay anh mỏi lắm rồi đó!
- Em thấy bạn ấy lượm hoa dầu mà không liệng lên trời để coi nó bay mà cứ ôm riết vào lòng rồi khóc thút thít!
- Làm sao mà liệng đựợc!Tay bạn ấy bị đau bộ em không thấy sao? Cánh hoa dầu lắc qua lắc lại cứ như tự khen mình khi phát hiện cô bé bị băng bột cánh tay phải.
- Ờ hé! Em nghe họ kể người đàn ông đã ghen tức vì vợ khinh thường anh ta, cô ấy hay qua nhà anh bạn cũ của mình về để nhờ kiếm việc làm và mượn tiền lo chạy ăn hằng bữa vì anh chồng thất nghiệp lại còn say xỉn hoài, anh ta uống rựou say tới nỗi về giết chết vợ mình và còn xô ngã con gái mới tám tuổi vừa chạy vào can làm bạn ấy bị gãy tay luôn đó!Trái me nói thật nhỏ như sợ gió sẽ mang giọng nói của trái me tới tận tai cô bé làm cô bé tủi thân vậy!
- Trời đất! Chồng mà giết vợ sao! Cánh hoa dầu tức giận gồng người lên làm trái me muốn văng ra ngoài! - Thật không tin nỗi nữa mà! Những cặp tình nhân thường nói chuyện dưới gốc cây của anh hằng đêm đâu có anh chàng nào lộ vẻ ác độc đâu!
- Hình như anh ngây thơ hơn em rồi đó! Bây giờ em ngồi sẵn trong lòng anh, chút nữa gió thổi mạnh, anh buông tay ra hai anh em mình bay qua với bạn gái ấy nha! Trái me sửa lại tướng ngồi.
- Chi vậy?
- Tặng bạn ấy cánh hoa dầu và trái me thật ngọt nè! Em thấy thương bạn ấy quá anh à!
Cơn gió lùa tới thật mạnh, thổi tốc cành me dẽo như một có thêm sức bật mạnh cánh hoa dầu xếp hai tay sẵn, bật bung lên không trung, cánh hoa xoay xoay lượn theo gió bay xuống ngay chỗ đứng của cô bé. Cô bé mĩm cười khom xuống lượm cánh hoa dầu và trố mắt nhìn trái me vừa văng ra. Cô bé lượm cả hai chạy nhanh vào phòng xữ án.
Hình như bên trong đã tuyên án xong rồi, hai chú công an đang còng tay một trung niên khoảng ba mươi tuồi mà nhìn lọm khọm như đã bốn mươi.
- Ba ơi! Cô bé chạy nhanh vào ôm chầm lấy ba.
- Tay con chừng nào tháo băng vậy? Con hết giận ba rồi hả? Người đàn ông khom xuống cụng đầu vào đầu con gái như muốn dấu những gịot nước mắt đang trào ra.
- Ba cầm cánh hoa dầu này, con một cái ba một cái để nhớ tới má nhe! Cô bé ngây thơ dúi cánh hoa dầu vào hai bàn tay của cha đang bị còng.
- Chắc má còn giận ba lắm! Hồi đó ba hay lượm hoa dầu liệng lên trời cho má con vui, má con thích được bay cao bay xa như cánh hoa dầu! Nhưng bây giờ má con có còn đâu nữa mà vui mà thích! Giờ ba giữ nó cũng vô ích thôi! Ba bị tử...ơ không..ba bị đưa đi thật xa...con về với ngoại ráng học nghe...thôi ba đi. Anh ta đứng dậy rồi như muốn quỵ xuống, hai anh công an phải đỡ hai bên anh mới đứng vững và cúi mặt lê từng bước.
- Ba ơi đừng đi mà! Má chết rồi ba còn bỏ đi đâu nữa? Ba ơi!
Cô bé định chạy theo ba cất tiếng kêu não nuột, nhưng bà ngoại đã nhanh tay chụp cô lại, cô vùng vẫy, ngoại càng ôm thật chặt, bà cháu ôm nhau khóc sướt mướt.
- Anh cũng biết khóc nữa sao? Ướt mình em hết rồi nè! Trái me trân mình lên khỏi cái đầu của cánh hoa dầu - Ơ anh hoa dầu này cũng ướt hết rồi nè!
- Hai bạn kéo tôi lên chút đi khó thở quá! Sao mà không khóc cho được, mình là những vật kỷ niệm một thời của ba má bạn ấy mà!
- Biết chọn một vật để làm vui cho vợ vậy mà tới lúc giận giết là giết! Chắc có lẽ uống rượu quá làm cho con người không còn minh mẫn nữa hay sao ớ? Cánh hoa dầu chở trái me bắt đầu suy tư! Một giọt nước mắt của cô bé rơi trúng mắt của cánh hoa dầu làm mắt anh cũng cay cay!...
- Ba má ơi hãy bay cùng với nhau nhe!
     Cô bé bất ngờ ngưng khóc, dùng tay trái nắm hai cánh hoa dầu tung thật mạnh lên trời, vừa lúc có gió cuộn thành một cơn trốt nhỏ cuốn lấy hai cánh hoa dầu bay thật cao lên trời, chắc có lẽ má của cô bé đã hết giận rồi và chỉ có tới lúc mất đi cô mới được bay thật cao thật xa nhưng lần này cô đã cùng chồng cô bay chung về một phía rồi vì ngày xưa khi mới yêu nhau họ đã thề non hẹn biển có sống cùng sống có chết cũng đừng xa nhau mà! Cô bé mỉm cười đưa trái me lên tính cắn vỏ nhưng nghĩ lại thôi, chắc có lẽ em muốn đem về cúng cho má vì má  em rất thích ăn trái này.. Em nhìn theo bà ngoại đang lầm lủi lê từng bước dài nặng trịch...Em chạy nhanh lên nắm tay bà, bà gạt nước mắt.. bà nhìn cô bé rồi hai bà cháu không nói một lời đi nhanh ra khỏi cổng,
#2
Bài viết rất hay, thanks bạn nha! Chúc vui vẻ! ;)
#3
OK, cảm ơn anh nhiều nha! Chúc vui vẻ!
#4
code]<iframe width="480" height="390" src="http://www.youtube.com/embed/xJiQIifKWjk" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>
#5
Rất vui được làm quen với anh, artnhon học ĐH Mỹ thuật Huế, khoa Thiết kế đồ họa và đang muốn tìm hiểu thêm về thiết kế Website! Em muốn lập một trang web giới thiệu bản thân (tức bao gồm tiểu sử và một số đồ án đã làm trong các năm học đó) để năm sau nộp cho chỗ xin việc! Hiiii có gì nhờ anh chỉ bảo thêm nha, thanks anh trước nha! ;)
#6
Huynh làm về thiết kế đồ họa ah! artnhon cũng là sinh viên ngành này, sang năm ra trường! Bài viết của huynh rất bổ ích, thanks so much!  ;)
#7
Hiii ai cũng thích ngày đó mà! Rất vui được làm quen với bạn! Chúc một ngày vui vẻ!
#8
1) Lịch sử tết dương lịch
   Sau 12 tháng thì chúng ta lại chuẩn bị đón năm mới, ở các nước Tây Phương thì gọi là New Year người Việt gọi là Tết Dương Lịch.
Tết Dương Lịch ở Hoa Kỳ nhằm ngày 01 tháng Giêng. Mọi người nô nức đón năm mới với những lời chúc tụng hạnh phúc, vui vẻ và may mắn.
Với các nước Tây Phương, đêm giao thừa là đêm vui nhất, mọi người nô nức vui chơi ở nơi công cộng để chờ đón giây phút giao thừa. Những quả bóng được thả rơi trong giây đầu tiên bắt đầu cho năm mới, pháo bông được bắn lên sáng rực đất trời, mọi người cùng nâng ly chúc tụng nhau trong niềm vui mới.
Tết Dương Lịch hiện nay chưa được tất cả các quốc gia trên thế giới chấp nhận ngày 01 tháng Giêng là ngày New Year. Tuy nhiên Tết Dương Lịch vẫn là thời điểm đánh dấu một năm trôi qua và năm mới bắt đầu. Có nhiều người trong chúng ta thắc mắc là không biết Tết Dương Lịch đã có từ bao giờ. Hôm nay xin phép được đóng góp vài hiểu biết thô thiển để cống hiến cùng quí vị.
Tết Dương Lịch đã có từ lâu đời, biến đổi qua nhiều thiên kỷ trong lịch sử tiến hóa của loài người và hôm nay vẫn còn tồn tại. Tết Dương Lịch bắt đầu từ thời đại xưa cỗ, mang dấu ấn lịch sử văn minh của con người. Ngày và Giờ được thành lập khác nhau trên từng quốc gia và từng lục địa ảnh hưởng với tiết khí, múi giờ.v.v. đồng thời còn tùy thuộc vào sự khác biệt đa dạng của chủng tộc và nền văn hóa của từng Quốc Gia.
Hiện nay thế giới đón Tết Dương Lịch "New Year" vào ngày 01 tháng Giêng, ngày Tết hôm nay không giống như vài trăm năm trước đây. Sự phổ biến rộng rãi để chấp nhận ngày 01 tháng 01 là ngày Tết Dương Lịch đã liên tục trong bốn trăm năm qua.
Đế Quốc La Mã là Quốc Gia đầu tiên chọn ngày 01 tháng Giêng làm ngày New Year trong năm đầu tiên 153 trước công nguyên. Trước đó ngày 25 tháng 03 là ngày xuân phân (vernal equinox) được chọn là ngày đầu năm Dương Lịch (New Year). Ngày năm mới này đã được đa số những quốc gia Cơ Đốc Giáo ở Âu Châu chấp nhận ( khoảng thời trung cổ 1,100 - 1,400 trước Công Nguyên) Medieval.
Ngày 01 tháng Giêng chính thức là ngày Tết Dương Lịch (New Year) căn cứ theo Lịch "Gregorian Calendar" được hầu hết các Quốc Gia sử dụng.
Các nhà thờ chính thống Đông Phương thì ngày Tết truyền thống rơi vào ngày 14 tháng Giêng (tức là ngày 01 tháng Giêng với lịch Julian Calendar). Thông thường họ dùng cả hai Lịch "Gregorian Calendar" và "Julian Calendar".
Các Quốc Gia như: Bulgaria, Cyprus, Egypt, Greece, Poland, Romania, Syria và Turkey đều ăn Tết vào ngày 01 tháng Giêng. Những nhà thờ dòng chính thống ở Georgia, Jerusalem, Russia và Serbia thì dùng Lịch "Julian Calender".
Người Trung Hoa tính theo hệ thống quay của mặt trăng cho nên ngày New Year đều rơi vào tháng bắt đầu có trăng khoảng trước bốn hay tám tuần khi mùa xuân đến. Ngày chính xác có thể vào khoảng giữa ngày 21th tháng Giêng hay ngày 21 tháng Hai của lịch "Gregorian Calendar". Lịch Trung Hoa thiết lập không giống như lịch "Gregorian Calendar", bởi vì phạm vi của mùa thay đổi. Và mỗi năm có một ký hiệu tượng trưng với 12 con Giáp theo qui tắc Ngũ Hành với chu kỳ 60 năm.
2) Tết Nguyên Đán:
   Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau.
Đời nhà Đông Chu, Khổng Phu Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Cho đến khi nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy tháng giêng (8 ngày).
Ngày nay, Việt Nam quy định viên chức và công nhân lao động được nghỉ Tết vào ngày 29 hoặc ngày 30 trước Tết và từ mùng Một đến mùng Ba (tổng cộng 4 ngày).
Ngoài ra, người ta thường nói "20 Tết", "15 Tết"... đây chỉ là nói những ngày ảnh hưởng do những công việc để chuẩn bị đón Tết hay dư âm còn lại của những ngày Tết.
Nguyên nghĩa của Tết chính là "tiết". Văn hóa Việt – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thời") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.
Ngày nay, cùng với người Hoa, người Việt, các dân tộc khác chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan, H'mông Trung Quốc cũng tổ chức Tết âm lịch và nghỉ lễ chính thức. Trước đây Nhật Bản cũng cử hành Tết âm lịch, nhưng từ năm Minh Trị thứ 6 (1873) họ đã chuyển sang dùng dương lịch cho các ngày lễ tương ứng trong âm lịch.
Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
3) Lễ Valentine (14 tháng 2)
   Ngày Valentine là 14 Tháng Hai là ngày mất của Ông Thánh Valentine. Theo truyền thuyết thì ông là người có trái tim nhân ái, anh hùng và lãng mạn. Đang lúc nước có chiến tranh, Hoàng Đế Claudius II cho rằng những ai có vợ con sẽ không có tinh thần hăng say chiến đấu vì có nhiều lo âu cho gia đình, vì vậy ông ra lệnh cấm tất cả trai tráng lấy vợ. Ông Valentine đã âm thầm chống lại lệnh của Hoàng Đế, bí mật cử hành hôn lễ cho nhiều đôi tình nhân trẻ, ông bị bắt và bị xử tử ngày 14 Tháng Hai năm 269 sau Công Nguyên.
Để tưởng niệm ông, người bấy giờ quyết định lấy ngày 14 Tháng 2 làm ngày hẹn hò và đính ước. Dần dần có nhiều thay đổi, nay ngày này được coi là ngày của tình yêu, những người yêu nhau chọn những món quà độc đáo, lãng mạn tặng cho người yêu để biểu lộ tình yêu và cũng để sưởi ấm tình nồng.
Có truyền thuyết cho là lúc Ông Valentine bị giam trong ngục, ông đã đem lòng yêu cô con gái của người bắt giam ông. Khi ra pháp trường ngày 14 Tháng Hai ông viết một lá thư cho người yêu rồi ký tên "From your Valentine" . Từ đấy ngày 14 Tháng Hai trở thành ngày của tình yêu. Lá thư nhỏ của Ông Thánh Valentine đã trở thành tục lệ trao đổi thiệp cho nhau trong ngày này.
Điều quan trọng nhất là ngày này không phải là ngày chỉ dành riêng cho những người đang yêu nhau mà cũng là ngày của tình bạn, của tình người. Tình Yêu là niềm giao cảm kỳ diệu, là những rung động bất tận của những trái tim đa cảm ... cho đến nay tình yêu vẫn còn là những hiện tượng còn đầy bí ẩn mà loài người vẫn chưa tìm hiểu được cho thấu đáo. Thi ca VN là một dàn đại hợp xướng , kết hợp bằng những giai điệu tuyệt vời, những âm hưởng du dương và lãng mạn, tình yêu trong thi ca VN đã trở thành một đề tài lớn, một nghệ thuật rực rỡ và vĩnh cữu của nền văn hóa dân tộc.
4) Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (Mồng 10 tháng 3 âm lịch)
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm"
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương trên Đền Thượng.

Từ xa xưa lễ hội Đền Hùng đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: "...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...".

Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: "Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ". Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
5) Ngày Quốc tế Phụ nữ (Mồng 8 tháng 3)
   Trước đây do trọng nam khinh nữ, nên phận làm nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất hàng thế kỷ. Lịch sử đấu tranh mới chỉ bắt đầu từ Thời cổ Hy Lạp, Lysistrata cuộc tranh đấu chống lại nam giới để chấm dứt chiến tranh.

Lịch sử của ngày Quốc Tế Phụ nữ bắt đầu từ năm 1857 đến 1911.
Ngày 8 tháng 3 năm 1857, các công nhân ngành dệt chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại Thành phố New York: 12 giờ làm việc một ngày. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt thành lập công đoàn (syndicat) đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
50 năm sau, ngày 8 tháng 3 năm 1908, 15.000 phụ nữ diễn hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Khẩu hiệu của họ là "Bánh mì và Hoa hồng" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.
Sau đó, Đảng Xã hội Mỹ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28 tháng 2 năm 1909. Trong Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8 tháng 3 năm 1910, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch là Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã chọn ngày 8 tháng 3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Ngày đó năm 1911 đã được hơn một triệu người tham gia trong các nước Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ.
Ngày 25 tháng 3 năm 1911, 145 nữ công nhân, phần lớn là di dân người Ái Nhĩ Lan và người Do Thái của hãng Triangle Shirtwaist Company tại Thành phố New York đã chết trong một vụ cháy trong xưởng dệt. Họ không có ngõ thoát ra ngoài được: cửa xưởng đã được khóa chặt để công nhân không được ra ngoài trước khi hết giờ làm việc (Điều này đã thúc đẩy việc sửa đổi luật lệ lao động). Có khoảng 80.000 người diễn hành trong các đường phố đễ đưa đám tang lớn của 145 nạn nhân chết cháy.
Năm 1912, 14.000 công nhân hãng dệt đình công và la Lớn "Better to starve fighting than starve working"! (Chết đói vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc). Nữ công nhân nghỉ việc 3 tháng.
Năm 1912, nhà thơ Mỹ James Oppenheim (1882-1932) viết bài thơBread and Roses sau lần diễn hành 14.000 đình công tại Lawrence, Massachusetts. Sự can đảm của họ đã làm cảm hứng bài Bread and Roses, thường đi hát trong ngày Quốc tế Phụ nữ.
Ngày 8 tháng 3 năm 1914: Phụ nữ Đức đòi quyền bầu cử nhưng đến ngày 12 tháng 10 năm 1918 mới được chấp thuận.
Ngày 23 tháng 2 năm 1917 theo lịch Nga, nhằm ngày 8 tháng 3 dương lịch, các nữ công nhân Nga đã ra đường biểu tình đình công, đòi bánh mì và đòi trả chồng con họ trờ về từ chiến trận. Cuộc đình công này đã khiến Sa hoàng Nicolas II phải thoái vị và góp phần rất lớn vào cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga.
Ngày 21 tháng 4 năm 1944, Quốc hội Pháp chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ Pháp. Phụ nữ Pháp đã đi bầu hội đồng thành phố lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 4 năm 1945. Trong lúc đó đàn ông Pháp đã được đi bầu từ năm 1848, tức là từ một thế kỷ trước 8 tháng 3 năm 1948, tại nước Pháp, 100.000 phụ nữ đã tổ chức một cuộc diễn hành tại Paris, từ Place de la République đến tượng Jeanne d'Arc.
Từ năm 1950 tại Việt Nam, vào ngày mùng 6 tháng hai âm lịch mỗi năm đều có tổ chức ngày lễ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, và sau đó đã dùng ngày lễ này làm ngày Phụ nữ. Mỗi năm dều chọn một nữ sinh trường Trưng Vương và một nữ sinh trường Gia Long đóng vai Hai Bà Trưng ngồi trên bành voi trong dịp cử hành lễ.
Năm 1971, Thụy Sĩ chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ.
8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ.
Năm 1977, nghĩa là hai năm sau ngày Quốc tế Phụ nữ, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện nay ngày Quốc tế Phụ Nữ vẫn còn được xem là ngày lễ chính thức tại những nước sau đây: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Macedonia, Moldova, Mông Cổ, Nga, Tajikistan, Ukraine, Uzbekistan, và Việt Nam. Trong những xã hội này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái, vv.vv. Tại một số nơi, nó cũng được xem tương đương với Ngày Hiền Mẫu (Mother's Day).

Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam, một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
6) Ngày Quốc tế Lao động ( Mồng 1 tháng 5)
   Si-ca-go, thành phố trung tâm công nghiệp của nước Mỹ đã đi vào lịch sử bằng những cuộc đấu tranh quyết liệt của giai cấp công nhân Mỹ hồi cuối thế kỷ XIX. Cũng như ở bất cứ nơi nào trên thế giới tư bản chủ nghĩa, đời sống của người lao động Mỹ vô cùng khổ cực. Ngày làm việc kéo dài 14, 15 giờ, đến nỗi họ "không bao giờ được thấy mặt vợ con dưới ánh mặt trời". Đồng lương không đủ sống, nhà ở chật chội thiếu vệ sinh, điều kiện lao động rất vất vả. Đã từ lâu, giai cấp công nhân Mỹ tiến hành đấu tranh đòi rút ngắn thời gian lao động, tăng tiền lương và cải thiện đời sống. Họ bị bọn cầm quyền khủng bố gắt gao nhưng ý chí không hề giảm sút, kinh nghiệm càng thêm dày dạn. Họ tiến dần đến những cuộc đấu tranh có tổ chức trên qui mô lớn.
Theo quyết nghị của Liên đoàn lao động Mỹ khi đó thì ngày 1 tháng 5 năm 1886 được chọn làm ngày đấu tranh của công nhân Si-ca-go. Mặt dầu bị chánh quyền ngăn chặn, các công đoàn và báo chí công nhân vẫn khẩn trương vận động nhân dân tham gia đấu tranh. Đúng ngày hôm đó, công nhân Si-ca-go tiến hành tổng bãi công, xuống đường biểu tình giương cao khẩu hiệu: "Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập trong một ngày". Từ Si-ca-go, làn sóng bãi công lan nhanh ra toàn quốc, 5000 cuộc bãi công có 34 vạn công nhân tham gia đã diễn ra trong các thành phố lớn của Mỹ. Công nhân ở New York, Ban-ti-mo, Pi-xbơ-nơ... đã giành được thắng lợi, buộc bọn chủ phải nhận yêu sách ngày làm 8 giờ. Nhưng ở nhiều nơi khác, máu đã đổ trên đường phố. Đặc biệt ở Chicago, cuộc xung đột vũ trang bùng nỗ. Trong suốt mấy ngày, số công nhân ở đây tham gia bãi công càng thêm đông đảo, từ 1,5 vạn lên đến 4 vạn. Bọn chủ điên cuồng chống lại bằng cách sa thải những người bãi công, gọi cảnh sát đến đàn áp. Chiều ngày 3 tháng 5, chúng bắn bừa bãi vào đám biểu tình là 6 người chết và 50 người bị thương. Chúng lại cho bọn khiêu khích len vào cuộc mít tinh của công nhân, ném 2 quả bom làm chết một số tên cảnh sát. Mượn cớ đó, chúng xả súng vào quần chúng làm hàng trăm người chết và bị thương. Những người lãnh đạo phong trào bị bắt và nhiều người trong số đó bị kết án tử hình.
Lòng căm phẫn của công nhân Mỹ và những người lao động thế giới bùng cháy. Bọn tư bản đã lộ nguyên hình là những tên bóc lột tàn bạo. Chúng không từ bất cứ một thủ đoạn nào để dập tắt phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân. Nhưng dòng máu hy sinh của công nhân Si-ca-go càng nhuộm đỏ thắm lá cờ đấu tranh cách mạng do Mác và Ăng-ghen giương cao trong 40 năm qua kể từ ngày ra đời Tuyên ngôn Cộng sản.
Tại đại hội Quốc tế thứ hai năm 1889, dưới sự chỉ đạo của Ăng-ghen, một quyết nghị quan trọng đã được thông qua: đoàn kết giai cấp công nhân quốc tế đấu tranh cho khẩu hiệu "ngày làm 8 giờ" và chọn ngày 1 tháng 5 hằng năm làm ngày đấu tranh của giai cấp công nhân toàn thế giới. Ngày 1 tháng 5 được mở đầu bằng sự kiện Si-ca-go đã trở thành ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân, ngày đoàn kết quốc tế của những người lao động, ngày hội của nhân dân bị bóc lột. Ngày 1 tháng 5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.
Hưởng ứng nghị quyết nói trên, ngày 1 tháng 5 năm 1890, công nhân nhiều nước đã bãi công, đấu tranh chống tư bản. nhiều cuộc biểu tình, mít tinh được tổ chức ở Đức, áo, Hung, Bỉ, Thụy Điển và nhiều nước khác. Khẩu hiệu chiến đấu của Mác và Ăng-ghen: "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại" được giương cao. Công nhân Anh đòi ban hành đạo luật quy định ngày làm 8 giờ trong phạm vi cả thế giới. 10 vạn công nhân Pháp biểu tình rầm rộ ở Paris. Những sự kiện đó chứng tỏ giai cấp công nhân đã trưởng thành, đã bước đầu phối hợp đấu tranh trên quy mô rộng lớn.
Nơi đầu tiến hành kỷ niệm ngày 1 tháng 5 một cách công khai và hợp pháp với tư cách của người làm chủ là nước Nga Xô-viết, quê hương của Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Từ đó, ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, ngày 1 tháng 5 được coi là ngày hội lớn của quần chúng. Giai cấp công nhân, nông dân tập thể cùng các tầng lớp lao động khác ra sức thi đua xã hội chủ nghĩa để lấy thành tích chào mừng ngày Quốc tế Lao động.
ở nước ta, những ngày kỷ niệm 1 tháng 5 gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong nửa thế kỷ qua. Có thể kể đến một vài sự kiện quan trọng dưới đây:
Ngày 1 tháng 5 năm 1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Từ các thành phố đông dân như Hà Nội, Huế, Vinh, Sài Gòn, Gia Định đến các vùng nông thôn Thái Bình, Nghệ An, Long Xuyên, Sa Đéc, tùy theo điều kiện mà treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, biểu tình, mít tinh. Đặc biệt là ở Vinh-Bến Thủy, hàng ngàn nông dân kéo về sát cánh cùng giai cấp công nhân biểu tình đòi ngày làm 8 giờ, tăng tiền lương, bỏ sưu, giảm thuế. Cuộc đấu tranh đó mở đầu cho một cao trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một cuộc tổng diễn tập thứ nhất của cách mạng: cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Mùng 1 tháng 5 năm 1938, tận dụng những khả năng hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp của thời kỳ Mặt trận dân chủ, Đảng ta tổ chức một cuộc mít tinh lớn, thu hút đến 25 nghìn người tham gia tại khu Đấu xảo Hà Nội (khu vực Nhà hát Nhân dân hiện nay). Đại diện các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu thương và các đoàn thể xã hội đứng theo hàng ngũ, hát Quốc tế ca, hô vang khẩu hiệu cách mạng, chống chiến tranh đế quốc. Những hoạt động sôi nổi trong cả nước kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đã góp phần thắng lợi vào cuộc tổng diễn tập thứ hai, dẫn tới ngày cách mạng thành công.
Ngày 1-5 đã khắn sâu vào trái tim các chiến sĩ cách mạng bị tù đày. Mặc dầu nhà tù đế quốc rất khắc nghiệt, chế độ khủng bố rất dã man, nhiều đồng chí cộng sản đã tổ chức những buổi kỷ niệm trong buồng giam, đơn sơ mà nghiêm trang, động viên tinh thần đấu tranh cách mạng. Bài "Quốc tế ca" từ lời thơ phỏng dịch của đồng chí Nguyễn ái Quốc đến bài ca hoàn chỉnh đã vang lên từ các ngục tối, toát lên ý chí chiến đấu và tinh thần bất khuất của các chiến sĩ.
Sau khi giành Độc lập, ngày 29 tháng 4 năm 1946, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1-5. Từ đó, ngày 1 tháng 5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức của nhà nước ta.
Ba mươi năm sau ngày Cách mạng tháng Tám, một sự trùng hợp ngẫu nhiêu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc: ngày 1 tháng 5 năm 1975 toàn miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn Độc lập, Tự do.
Từ đó, đối với chúng ta, niềm vui của ngày 1 tháng 5 được nhân lên gấp bội.
7) Lễ Phật Đản: ( 15 tháng 4 Âm lịch)
Ðức Phật Thích Ca đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ca Tỳ La Vệ, được gọi là Thái tử Tất Ðạt Ða (hay Sĩ Ðạt Tha), con của đức vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia.  Ngài lớn lên trong hoàng cung, vâng lệnh song thân lập gia đình với Công chúa Gia Du Ðà La, và hạ sanh Thái tử La Hầu La.  Trong các chuyến xuất cung du ngoạn ngoại thành, Ngài chứng kiến các cảnh: sanh, lão, bệnh, tử trong nhân gian.  Từ đó, Ngài luôn luôn trầm tư mặc tưởng, muốn tìm phương tự độ và cứu giúp chúng sanh thoát khỏi cảnh trầm luân sanh tử, cho nên Ngài lìa bỏ hoàng cung, lên đường tìm đạo giải thoát.  Sau 6 năm tu khổ hạnh ở chốn rừng già, và 49 ngày đêm ngồi thiền định dưới cội cây bồ đề, tâm trí thanh tịnh, Ngài hoát nhiên giác ngộ, thành Phật, thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, vào năm Ngài được 35 tuổi.  Sau đó, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp, đem chân lý giác ngộ giải thoát giảng dạy cho mọi người trong 45 năm ròng rã, và Ngài thị tịch, nhập niết bàn, năm 80 tuổi tại khu rừng ta la song thọ.
Các buổi lễ của Phật giáo, quan trọng nhứt là Lễ Phật Ðản, đều nhằm mục đích dẫn dắt con người đến với đạo, xoa dịu bớt những nỗi khổ đau của cuộc đời.  Và mục đích quan trọng hơn hết là:  "hãy bước vào cửa đạo", chứ không phải chỉ bước vào cửa chùa rồi thôi, hay vẫn cứ đi lang thang, lòng vòng bên ngoài, bằng lòng với các hình thức cúng kiến, lễ lạy, các buổi văn nghệ xổ số, các cuộc hành hương thương mại, các cuộc vận động in sách cầu vãng sanh lưu xá lợi, kêu gọi đóng góp tạo chùa to tượng lớn, mà không quan tâm việc tu học, không lo việc tu tâm dưỡng tánh, không biết đến Chánh pháp là gì?  Bước vào cửa đạo nghĩa là: phải biết tu học theo lời Ðức Phật dạy trong các kinh sách, để đạt giác ngộ và giải thoát, chứ không phải là: không chịu học, chỉ tu mù, ai bảo sao làm vậy, ai nói sao nghe vậy, người trước làm người sau sao y bản chính, chẳng hiểu ý nghĩa, có nhiều điều hết sức mê tín dị đoan! Ðây chính là mục đích cứu cánh của đạo Phật vậy.
Theo truyền thuyết, ngay khi Thái tử Tất Ðạt Ða đản sanh, có hai vị Long vương đến phun hai dòng nước tắm cho Thái tử.  Một vị phun dòng nước lạnh và một vị phun dòng nước nóng.  Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn, sướng khổ của cuộc sống hằng ngày, mà tất cả mọi người sanh ra trên thế gian này phải chịu đựng.  Thái tử Tất Ðạt Ða đã chịu đựng được hai dòng nước lạnh nóng, cho nên sau này Ngài trở thành Ðức Phật Thích Ca.  Trong kinh sách, Ðức Phật dạy rằng: người nào chịu đựng được những sự thuận nghịch của cuộc đời, mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản nhiên, an nhiên tự tại, thì người đó sẽ là một vị Phật trong tương lai.  Ðây chính là ý nghĩa hết sức thâm sâu vi diệu của đạo Phật vậy.
Trong kinh sách, những cảnh thuận nghịch của cuộc đời được gọi là: bát phong. Bát là tám, phong là ngọn gió. Bát phong chia làm bốn cặp, mỗi cặp gồm hai cảnh giới đối nghịch, đó là: lợi và suy, hủy và dự, xưng và cơ, khổ và lạc.  Lợi là những điều thuận lợi, đem lợi lộc, tài lợi đến cho con người. Suy là suy tàn, suy sụp, đem đến sự thua lỗ, mất mát cho con người.  Cả hai điều này đều làm cho tâm của con người xao động, bất an.  Hủy là hủy báng, chê bai làm cho tâm con người bị động.  Dự là danh dự, khen tặng cũng làm cho tâm con người bị động. Kế đến là xưng và cơ, nghĩa là xưng tán, tán tụng, nói tốt, và cơ bài, bài bác, chỉ trích, nói xấu.  Hai ngọn gió này của cuộc đời cũng làm cho tâm của con người bị xao động.  Cuối cùng của bát phong là khổ nạn và lạc thú trên trần gian.  Trên đời này, cảnh khổ quá nhiều, sanh lão bệnh tử là khổ, cầu mong không được cũng khổ, thương yêu phải chịu chia ly là khổ, thù ghét gặp nhau cũng khổ, thân thể ốm đau là khổ, tâm loạn động nhiều, bất an cũng khổ.  Còn lạc thú trên đời cũng không ít việc đưa đến phiền não khổ đau.  Chẳng hạn trò chơi bài bạc đỏ đen, tưởng là vui thú, nhưng thường dẫn tới hoàn cảnh bần cùng túng thiếu, tiền mất tật mang, lang thang lếch thếch, vợ bỏ con chê, mê chi cờ bạc, xạt nghiệp trắng tay, cửa nhà tan nát!
Trong Phật giáo, thường có nhiều hình thức nghi lễ, nhằm mục đích truyền bá giáo lý sâu rộng trong nhân gian, giúp đỡ mọi người xây dựng cuộc sống hiện đời được an lạc và hạnh phúc hơn.  Nhân ngày rằm tháng tư âm lịch hằng năm, khắp nơi tưng bừng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Ðức Phật đản sanh, để ghi nhớ công đức của bậc toàn giác tìm ra con đường cứu độ chúng sanh được giác ngộ và giải thoát khỏi phiền não khổ đau và sanh tử luân hồi.  Trong phần nghi lễ kỷ niệm ngày Ðức Phật đản sanh, luôn luôn có tiết mục tắm Phật.  Nghi lễ tắm Phật dựa vào truyền thuyết có hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng, tắm cho Thái tử Tất Ðạt Ða trong ngày đản sanh. Mọi người đều hoan hỷ sắp hàng, tâm niệm Phật, miệng niệm Phật, chờ đến phiên mình tiến lên lễ đài để múc nước tắm cho tôn tượng Ðức Phật đản sanh. Khi múc gáo nước đầu tiên tắm cho vai phải tôn tượng Ðức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp thuận cảnh, phải lòng, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.  Khi múc gáo nước thứ hai tắm cho vai trái tôn tượng Ðức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp nghịch cảnh, trái lòng, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.  Việc làm này mang nhiều ý nghĩa vi diệu, có ích lợi lớn cho việc tu học, có thể chuyển hóa tâm trạng của con người từ phiền não khổ đau thành an lạc và hạnh phúc.  Ðây chính là ý nghĩa sâu xa của nghi lễ tắm Phật vậy.
Trong các buổi lễ kỷ niệm ngày đức Phật đản sanh, chúng ta thường thấy hoạt cảnh, hoặc bức tranh vẽ Ðức Phật đản sanh đứng trên đóa hoa sen thứ 7, phía sau có 6 đóa hoa sen khác, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Bức tranh đó được vẽ theo truyền thuyết: Ngay khi đản sanh, Ðức Phật bước trên 7 đóa hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, và tuyên bố: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn".
7 đóa hoa sen tượng trưng cho thất chúng trong đạo Phật, đó là: Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Thức xoa ma na ni, Sa di, Sa di ni, nam Phật Tử và nữ Phật Tử.  Nói chung là toàn thể con người, dù tại gia hay xuất gia đều có thể áp dụng giáo lý của đạo Phật trong cuộc sống hằng ngày để được an lạc hạnh phúc và giác ngộ giải thoát.  Muốn được như vậy, con người phải chứng được bản tâm thanh tịnh, được ví như đóa hoa sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, cho nên vẫn sống trong trần đời đầy dẫy các điều hệ lụy, bất an, bất trắc, bất như ý, mà chẳng cảm thấy phiền não khổ đau! 
Khi thành đạo dưới cội cây bồ đề, Ðức Phật ngồi trên thảm cỏ, nhưng trong hình vẽ hay tôn tượng, Ðức Phật đều ngồi trên tòa sen, tượng trưng cho bản tâm thanh tịnh. Ngài đã giác ngộ được rằng: tất cả mọi chúng sanh đều có bản tâm thanh tịnh đó, cho nên đều có thể trở thành một vị Phật, nếu biết thực hành pháp môn tu tâm dưỡng tánh. 
Bản tâm thanh tịnh trong kinh sách Phật giáo được gọi với nhiều danh từ khác nhau, chẳng hạn như là: chân ngã, chân tâm, chân tánh, Phật tâm, Phật Tánh, bản lai diện mục, v.v. Do đó, câu nói: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn", có nghĩa là trong 6 cõi luân hồi: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, hay nói gọn hơn: trên trời dưới đất, chỉ có chân ngã, tức là bản tâm thanh tịnh, là đáng tôn kính.  Người giác ngộ được điều này, sẽ giải thoát được phiền não khổ đau và sanh tử trong 6 cõi luân hồi, đứng trên tòa sen thứ 7, tức là an trú nơi cảnh giới niết bàn: thường, lạc, ngã, tịnh.
8) Ngày Quốc tế thiếu nhi (Mồng 1 tháng 6):
   Vào rạng sáng ngày 1-6-1942, bọn phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người. Hai năm sau, ngày 10-6-1944, bọn phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Căm phẫn trước tội ác dã man của bọn phát xít Đức, cả loài người tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án và đấu tranh để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Sau khi phát xít Đức bị đánh bại, nhà nước Tiệp Khắc lúc bấy giờ đã cho xây dựng lại làng Li-đi-xơ và Đài tưởng niệm để ghi sâu tội ác của bọn phát xít. Tháng 12-1949, Liên hiệp Hội phụ nữ Á Phi họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đề nghị và được Liên đoàn phụ nữ Dân chủ thế giới chọn ngày 1-6 hàng năm làm ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhằm nhắc nhở nhân dân toàn thế giới nhớ đến vụ thảm sát Li-đi-xơ và Ô-ra-đua của bọn phát xít, và hành động để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Tiếp theo quyết định lấy ngày 1 tháng 6 hàng năm là ngày Quốc tế Thiếu nhi, tháng 4 năm 1952 tại Viên ( thủ đô nước Áo) đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này đã yêu cầu tất cả Chính phủ các nước đặt ra những Pháp luật cho nước mình nhằm đảm bảo hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm dùng những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh. Đến năm 1955, Đại hội các bà mẹ của hầu hết các nước trên thế giới họp tại Matxacơva đã tố cáo bọn đế quốc âm mưu gây lại chiến tranh và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu xiết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững trên đất nước.
Từ đó đến nay, những tổ chức phụ nữ thanh niên ở các nước đã lấy ngày 1 - 6 làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.
Ở nước ta, từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 1- 6 đã được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ Quốc. Nhà nước ta cũng ban hành Pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em- Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
9) Lễ Vu Lan (ngày 15 tháng 7):
Vu Lan hay Vu Lan bồn có nguồn gốc từ chữ phạn Ullambana, dịch sang tiếng Hán ngữ là Giải đảo huyền, tức là gỡ khỏi nạn treo ngược–theo nghĩa tiếng Việt. Mà hiểu rộng ra là nhờ vào sự thành tâm chú nguyện của Thập phương chư Tăng mà chúng ta có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi cảnh tội đồ, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Theo Phật thoại: Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong số ít đệ tử xuất chúng của Ðức Phật. Ngài có quyền pháp vô biên, nhưng không vì thế mà Ngài quên đi nghĩa vụ của một người con đối với cha mẹ. Một lần, dùng tuệ nhãn quan sát khắp "bốn phương tám hướng" Tôn giả Mục Kiền Liên thấy mẹ mình (là bà Thanh Ðề) đang chịu cảnh tội đồ trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết. Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh thời mẹ đã gây nên, nhưng Ngài vẫn không khỏi thương xót. Dùng pháp thuật của mình, Tôn giả Mục Kiền Liên mang cơm dâng lên mẹ. Nhưng, do nghiệp quá lớn nên bát cơm bà Thanh Ðề cầm trên tay bỗng hoá thành than đỏ. Chứng kiến cảnh tượng ấy, Ngài rất đau lòng, về bạch lại với Phật, mong Ðức Phật cứu vớt để linh hồn mẹ mình được siêu thoát. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của Tôn giả Mục Kiền Liên, Ðức Phật đã chỉ cách để Ngài có thể cứu vớt được mẹ ra khỏi cảnh đoạ đầy. Ðức Phật nói: "Ông tuy quyền phép vô biên, lại hiếu thảo hơn người, tấm lòng của ông làm cảm động cả trời đất nhưng tội ác của mẹ ông quá nặng, một mình ông không thể cứu được mẹ. Ðến ngày rằm tháng bẩy, Chư Phật hoan hỉ, Chư Tăng tự tứ, hãy sửa soạn lễ vật cúng Dàng, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được".
   Theo lời Phật dạy, nhằm ngày Rằm tháng Bảy, Tôn giả Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan (chậu đựng đồ lễ cúng dàng), thỉnh mời Chư Tăng đến chú nguyện. Nhờ đó bà Thanh Ðề mới được siêu thoát. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà được siêu thoát. Noi gương hiếu đễ của Tôn giả Mục Kiền Liên, hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Bảy các tín đồ, Phật tử khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu Lan với tín tâm cầu cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sẽ được thoát khỏi tội đồ.
Từ bao đời, Vu lan gắn với hình ảnh của người mẹ. Mà mẹ là hiện thân của tình thương. Mẹ gắn kết với con bằng tình thương, sống vì tình thương. Con gắn kết với mẹ cũng bằng tình thương, tình thương ấy được gọi là lòng hiếu thảo.
Vu lan là ngày báo hiếu của con cái đối với các bậc sinh thành. Với những người không còn cha mẹ trên cõi đời, có thể làm những gì đó để cầu nguyện cho cha mẹ mình, hướng nghĩ đến cha mẹ.
Nếu còn cha mẹ trên đời, bạn là người đang có diễm phúc đó. Hãy trở về với cha mẹ, nếu bạn ở xa thì hãy gọi điện thoại, gửi một lá thư... Bạn có thể làm điều gì đó tốt đẹp, đem đến cho cha mẹ niềm vui và hạnh phúc. Niềm vui và hạnh phúc đôi khi rất đơn sơ, có thể là cái nắm tay, có thể là lời nói, lời xin lỗi, cũng có thể là sự cảm thông.
Thật ra, không cứ gì đợi đến Vu lan mới báo hiếu. Bạn nên nhớ rằng mỗi giây phút, mỗi ngày có thể là Vu lan của bạn.
10) Tết Trung Thu (15 tháng 8)
Ở Việt Nam, trong một năm có 4 cái tết chính, mỗi tết lại ứng với một mùa, một tiết và mang một ý nghĩa nhất định. Tết trung thu là một trong 4 tết quan trọng nhất trong năm theo nông lịch cổ; đó là: Tết đầu xuân (Tết nguyên đán), tết giữa thu (Tết trung thu), đệm giữa là tết vào hè (Tết đoan ngọ) và tết đầu đông (Tết cơm mới 10-10)
Theo phong tuc người Việt, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm rằm tháng tám hằng năm – tính theo lịch ta. Tháng tám âm lịch theo truyền thuyết là đêm thu đẹp nhất trong năm vì trăng thật to tròn, sáng và đẹp. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung Thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Ở một số nơi tổ chức múa lân, múa sư tử để các em vui chơi thoả thích.
Tự bao đời nay, trung thu gắn liền với trăng, bởi vậy cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên khi tết trung thu bắt nguồn từ Tết trông trăng. Theo thần thoại, trước hết trăng là một vị nữ thần cô độc, thuộc về nữ giới, có rất nhiều quyền lực không kém gì thần mặt trời. Có lẽ vì thế mà chúng ta có hai loại lịch: Âm lịch và Dương lịch. Tuy vậy, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo lại có những quan niệm khác nhau về vị thần bí ẩn này. Từ thời thượng cổ đã có trên năm mươi quan niệm và tên khác nhau để gọi thần Trăng. Thậm chí thần Trăng đã có trước các tôn giáo hoàn cầu như đạo Hồi, Bà La Môn qua các danh xưng Arma của người Hittite, thần Sin và Amn của người Ả Rập, thần Chadra của người Hindu, đó là nam thần. Ở Trung Hoa, người ta gọi trăng là nữ thánh qua các tên Hằng Nga, người Indonesia gọi Silewe, các dân tộc hải đảo Polynésien thì gọi trăng là nữ thần Nazarata. Trăng đã được tôn xưng tột đỉnh như tại Hy Lạp, đó là thần Hécate ba đầu, cai quản ba cõi trời, đất và biển cả, có đầy phép thần thông biến hóa, chỉ mang lại điềm lành cho nhân thế mà thôi.
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị v.v.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, lễ hội Tết Trung Thu ở Việt Nam cũng có nhiều thay đổi theo thời gian. Song dù thay đổi thế nào thì cái "thần" của nó vẫn còn giữ được, đó là tính chủ thể, sự vui chơi hồn nhiên của trẻ và sự quan tâm của mọi người đối với các em.
Tết Trung thu, một lễ thức nông nghiệp ở nước ta, một cái tết của trẻ mà ở đó các em được phát huy hết các đức tính tốt đẹp của mình, được vui chơi thỏa thích, được hòa mình vào trong thiên nhiên kỳ thú và được đắm mình trong vòng tay yêu thương nhân ái của mọi người. Đó là một lễ hội truyền thống đã ăn sâu vào trong tiềm thức người Việt, một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và bảo tồn.
Có lẽ bất cứ một người Việt Nam nào cũng đều có tuổi thơ và đều có những giờ khắc tưng bừng đón Tết Trung Thu, dù đơn giản chỉ có hồng với cốm thôi cũng không thể nào quên cái vui thủa ấy. Vui vì được rước đèn, được tự tay nhặt từng hạt bưởi để xâu thành một chuỗi phơi khô làm đèn thắp đêm Rằm tháng tám, để rồi khi thành người lớn có gia đình và rồi lại sắm tết cho con cái,
11) Ngày Hiến chương nhà giáo (20 tháng 11)

Trong các ngày lễ tết ở Việt Nam, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có một lịch sử khá đặc biệt, vừa mang tính quốc tế, vừa có tính dân tộc. Tiền thân của nó là ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo.
Tháng 7/1946 Liên Hiệp Quốc Tế các công đoàn Giáo Dục được thành lập (Fesdesration International Syndicat de l"enseignement) viết tắt là "FISE", trụ sở của FISE đặt tại Paris sau chuyển sang Viên, rồi sang Praha, nay tại Beclin. Kể từ tháng 7/1953 Công đoàn Giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo dục quốc tế này.
Năm 1949, tại Hội nghị Vacsava, FISE xây dựng bản Hiến chương các nhà giáo, trong đó có quy định nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi chính đáng của người giáo viên, thúc đẩy một nền giáo dục dân chủ, tiến bộ chống lại những quan niệm phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, và đặc biệt coi trọng tính nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học trên thế giới...
Từ ngày 26 đến ngày 30/5/1957 tại thủ đô Vacsava, Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ 2, có 57 nước tham gia, đại diện cho 10,5 triệu giáo viên toàn thế giới đã quyết định lấy ngày: 20/11 hàng năm làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".
Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta, những năm sau đó còn được tổ chức ở các vùng giải phóng ở miền Nam. Năm 1975 đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước, dần dần trở thành ngày của Nhà giáo Việt Nam.
Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trương Ba Đình, Hà Nội. Và kể từ năm này, ngày hội nhà giáo Việt Nam có tên gọi riêng là Ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày 20/11 hàng năm đã trở thành dịp đặc biệt để những cô cậu học trò thể hiện tình cảm với những người đã luôn tận tình truyền đạt kiến thức, dìu dắt mình lớn lên. Đó là thời gian để suy ngẫm, để nhớ về những kỉ niệm với thầy cô đáng kính, là những hình ảnh thân thương, không thể nào quên...Sẽ mãi theo chúng ta trên bước đường đời.

12) Lễ Giáng Sinh (24 tháng 12)

Lễ Giáng sinh , còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Nô-el, hay Nô-en (nói tắt của từ Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta) là một ngày lễ quốc tế kỷ niệm ngày Chúa Giê-su sinh ra đời của phần lớn Cơ Đốc giáo. Họ tin là Giê-su được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của Đế quốc La Mã giữa năm 6 TCN và năm 6 SCN .
Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 24 tháng 12. Tuy nhiên, những người theo Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Juliêng để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.
Nguyên thủy, lễ giáng sinh là của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với ông già No-el, cây Giáng sinh và cây thông no-el
Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại tổ chức vào tối ngày 24 tháng 12. Theo Công giáo Rôma, lễ chính thức là ngày 25 tháng 12 còn gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là "lễ vọng".
Biểu tượng "Vòng lá mùa vọng"
Vòng lá mùa vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh, thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí - dấu hiệu của mùa Đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu phái Lutheran ở Đức vào thế kỷ 16, nói lên sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối.
Vòng lá có hình tròn biểu tượng cho tính vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá thể hiện hy vọng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím - màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng - màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday).
Các món ăn trong đêm Giáng sinh:
Vào thế kỷ thứ XVI, nhà thám hiểm Sebastian Cabot đem gà Tây về nước Anh. Mặc dù khí hậu lạnh không thích hợp với loại gia cầm này, nhưng gà Tây quay vẫn trở thành món ăn phổ biến của người Anh mỗi dịp Giáng sinh.
Gà Tây quay nổi tiếng đến nỗi năm 1843, nhà văn Anh Charles Dickens đã đưa nó vào tác phẩm kinh điển A Christmas Carol của mình. Món ăn này lan truyền sang Úc từ năm1788.
Bánh Pudding
Những bữa tiệc đón Giáng sinh về không thể thiếu chiếc bánh pudding thơm lừng, béo ngậy. Tuy nhiên, bánh pudding ngày nay khác xa chiếc bánh ngày xưa. Vào thế kỷ XV, bánh được làm từ mận, rượu vang, thịt bê thái nhỏ, vụn bánh mỳ, thảo dược, hành rau, trái cây khô và gia vị.
Khoảng thế kỷ thứ XVI, các loại rau và thịt mất dần. Đến thế kỷ thứ XIX thì thành phần và vị của nó rất gần với bánh pudding ngày nay. Người ta còn cho vào bánh vài hạt đậu hoặc đồng xu và tin rằng người ăn phải phần bánh này,  sẽ gặp may mắn cả năm.
Bánh khúc cây
Trong lễ hội Yule cổ xưa, người ta phải chuẩn bị một khúc gỗ lớn, đốt lên trong suốt 12 đêm để đón chào sự trở lại của thần mặt trời. Người dân tin rằng họ sẽ gặp điềm gở nếu thân cây cháy hết trước lúc kết thúc lễ hội.
Ngày nay, mỗi Giáng sinh, chúng ta lại có một ổ bánh kem chocolate nâu hình khúc gỗ được rắc ít chocolate trắng lên tượng trưng cho tuyết.
Ngày nay, ở Việt Nam, dù không chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Trong những ngày này, cây thông Nô-en được trang trí ở nhiều nơi bằng cây thật (thường là thông ba lá hoặc thông mã vĩ) hay thông nhân tạo làm bằng nhựa, không phải cây thông như ở các nước phương tây thường là họ Bách tán. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây...
Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của Santa, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke. Người Việt Nam rất thích thú các ca khúc Giáng sinh, đặc biệt là Feliz Navidad.





SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội