Menu

Show posts

This section allows you to view all posts made by this member. Note that you can only see posts made in areas you currently have access to.

Show posts Menu

Topics - vitconhocve

#121
 Thời trang hot năm 2007
Tuesday, January 30, 2007


 
Năm 2007 với những sự kiện hội nhập, tiêu chuẩn của chị em phụ nữ không còn đơn thuần là đẹp mà còn là hiệu quả, là thành đạt.

Thời trang cần thiết nhất vẫn là sự cập nhật về mặt suy nghĩ, kiến thức và cả công nghệ. Một mẫu người chuẩn, là biểu tượng thời trang 2007 mà bạn cần đạt đến là phải từ kiến thức vững chắc, tác phong chuyên nghiệp và một diện mạo bên ngoài hoàn chỉnh với các sản phẩm thời trang có chọn lọc.

Từ tóc đến chân là cả một bộ sưu tập dài hơi những chi tiết thời trang. Mỗi chi tiết đều góp tiếng nói vào việc tạo dựng hình ảnh của bạn trong mắt mọi người. Và xu hướng của những chi tiết ấy năm nay sẽ như thế nào?

Màu sắc

Các tông màu chủ đạo là sắc nâu đất ấm cúng và các màu sắc tự nhiên sẵn có do chất liệu. Đặc biệt là các màu vàng, đỏ và tím ở các sắc độ khác nhau. Các mẫu áo quần được thiết kế trên nền màu đất son, màu phấn hoa tự nhiên, vàng mật ong, màu đất nung quá lửa. Các màu gây sốc như tím đậm, đỏ đậm, gỉ đồng, xanh oliu cũng là màu thời trang của năm nay.

Các tông màu xám thì bắt buộc phải kết hợp tính lấp lánh của chất liệu hoặc phụ liệu mới là đúng "gu". Nếu bạn yêu màu hồng thì nên phá  cách một chút sang hồng ngả cam hoặc ngả đỏ hay phai tím.

Bạn thích màu trắng? Năm nay, màu trắng của bạn sẽ là trắng ánh ngọc trai. Màu trắng trơn hoặc trắng kem không còn hợp mốt. Nếu bạn "nghiện" mặc đồ jeans thì các sắc jeans năm nay phải là xanh đậm hoặc đen, những chiếc quần vá, rách, hoặc mài bạc không còn chỗ đứng trong làng thời trang năm nay.

Màu sắc áp dụng cho trang điểm cũng tương ứng với trang phục. Xu hướng trang điểm nhạt màu, tự nhiên hoặc tông nâu, hồng ngả tím là thời thượng. Cùng với trang điểm, diện mạo thì màu sắc trang sức cũng gần như quy đồng mẫu số với các loại đá quý như ruby, lục bảo, thạch anh tím.

Xu hướng năm nay sẽ là các loại trang phục dệt kim nhẹ, thoáng với các hoa văn tạo hình đơn giản, dệt bằng sợi thô hoặc thêu trên vải thô với các hoa văn lớn bằng chỉ thô.

Ngoài ra, các chất liệu khác như lụa, sa tanh được dệt kẻ sọc ca rô hay chạy zic zắc cũng đóng vai trò chủ đạo trong các bộ sưu tập thời trang năm nay. Đối với thắt lưng, túi xách thì chất liệu được ưa chuộng trong năm nay sẽ là da thật hoặc giả da với các họa tiết da rắn, da cá sấu. Với các chi tiết phụ trợ cho thắt lưng và túi xách sẽ hợp thời trang hơn nhất là kim loại vàng hoặc có màu của vàng.




Các thủ thuật dập nhún, pha trộn vẫn còn có chỗ trong  thời trang năm nay. Các loại hạt gỗ chiếm ưu thế so với các chất liệu khác trong việc trang trí, tạo hiệu quả cho trang phục. Nếu bạn là người ưa chuộng vẻ đẹp cổ điển sang trọng thì đây là năm diện của bạn. Chất liệu sa tanh bóng với các màu tím sậm, đỏ sẽ là màu cực "chiến" dành cho trang phục lễ hội hay dạ tiệc.

Chất liệu jeans của năm nay sẽ đi cùng các chi tiết như cúc đồng lớn kiểu nhà binh, nếu bạn muốn chất jeans sang trọng hơn thì các chi tiết đi kèm để trang trí sẽ là thắt lưng bản lớn đính đá quý, các cúc lớn nạm đá quý...

Diện... có ý thức

Với nhận thức cơ bản về xu hướng chung của thời trang năm, bạn đã có thể dự tính và sắp xếp cho việc tạo một hình ảnh thời thượng trong mắt mọi người. Song, để tạo được một hình ảnh chuẩn ở mọi nơi, mọi lúc bạn phải luôn nhớ đến tầm quan trọng của một mái tóc hợp mốt, luôn được chăm sóc, cắt tỉa và chỉnh màu (nếu bạn nhuộm tóc).

Điều quan trọng thứ hai để thời trang luôn đẹp đó là màu sắc hợp với xu hướng chung nhưng bắt buộc phải phù hợp với chủ thể ở các điểm màu da, màu tóc, vóc dáng.

Để không phải tốn kém thay hàng loạt mọi thứ trong tủ áo của mình, bạn nên để dành ra các khoảng thời gian vào thời điểm thay đổi của mùa trong năm để "nhìn lại" tủ áo của mình. Cho dù thời trang có thay đổi đến đâu đi chăng nữa thì vẫn có những món đồ cơ bản không thể thiếu.

- Đó là những chiếc quần áo hoặc chân váy đơn giản nhưng không bao giờ lỗi mốt (thường bạn nên đầu tư nhiều cho chất liệu của những món đồ này vì bạn sẽ dùng chúng khá nhiều lần).

- Danh mục thứ hai là những chiếc áo khoác sẫm màu. Chúng sẽ giúp bạn tạo được nhiều sự kết hợp thú vị, không nhàm chán.

- Danh mục thứ ba là jeans ống thẳng (mốt quần jeans bó sát người không còn được xem là hấp dẫn như trước).

- Thứ tư là một vài chiếc váy dài cổ điển. Sau đó, bạn chỉ cần tạo diện mạo mới cho những món đồ này bằng các phụ liệu thích hợp.

Lưu Dung 

#122
Tin học / Màu cơ bản
29/03/07, 23:11
Có mấy màu cơ bản?

Màu sắc mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày, thật ra đều bắt nguồn từ 3 màu cơ bản: Đỏ, Vàng và xanh. Nhưng trong màu đỏ có đỏ đậm, đỏ cờ. Màu xanh có xanh lam, xanh côban, xanh tím than, xanh cây...Màu vàng có vàng thư, vàng chanh, vàng đất ...Điều này tưởng chừng như đơn giản song thực tế nó gây cho chúng ta sự nhầm lẫn tai hại khi pha màu.
Theo nguyên tắc pha màu, cứ hai màu cơ bản trộn với nhau sẽ được màu thứ ba là màu bổ túc. Nếu chọn màu cơ bản sai, đương nhiên hệ màu bổ túc của chúng ta sẽ sai và điều này sẽ ảnh hưởng đến ý đồ nghệ thuật của bạn khi tìm kiếm màu sắc cho bức tranh  hay tác phẩm của mình. Vậy màu cơ bản là những màu nào?
    Màu xanh (Blue) chính là màu xanh lam.
    Màu đỏ (Red) là màu đỏ cờ.
    Màu vàng (Yellow) là màu vàng chanh.
Khi đó, ta có hệ màu bổ túc chính xác là:
   Đỏ + Vàng -> Da cam
   Xanh + Vàng -> Xanh lá cây
   Đỏ + Xanh -> Tím.
Gọi màu xanh là màu số 1, màu tím là màu số 2, màu đỏ là màu số 3, màu da cam là màu số 4, màu vàng là màu số 5, và màu xanh lá cây là màu số 6. Xếp 6 màu này lần lượt theo thứ tự từ 1 đến 6 với khoảng cách bằng nhau trên một vòng tròn ta thu được bánh xe màu với các cặp màu đối chọi:
Tím <-> Vàng.
Đỏ <-> Xanh lá
Blue <-> Da cam.
Đây là những cặp màu gây hiệu quả mạnh đối với thị giác của chúng ta. Vì thế, những màu này xuất hiện với tần suất lớn trên các bangzon, áp phích quảng cáo, biển quảng cáo và cả trong những tác phẩm tranh cổ động.
Bây giờ ta lại cộng màu cơ bản với hệ màu số hai, sẽ thu được hệ màu số 3. Với cách làm đó, chúng ta thu được rất nhiều hệ màu khác nhau.
Nói đến đây chúng ta không thể không nhắc tới Đen và Trắng.
Chúng ta vẫn hay gọi màu đen, màu trắng song thực chất không phải vậy. Đen và trắng chỉ là hai sắc độ sáng, tối. Muốn tăng độ sáng cho một màu, ta cộng thêm trắng. Muốn giảm độ sáng của màu, ta cộng thêm đen. Khi ấy ta cũng được màu mới. Và cũng chính vì thế mà bảng màu của người họa sĩ phong phú hơn, đặc sắc hơn. Tuy nhiên cần chú ý khi sử dụng Trắng vì nếu lạm dụng, màu sẽ bị bạc, tranh không có độ trong trẻo của màu sắc.
   Nhìn chung, với những bạn với làm quen với màu sắc theo tôi chúng là không nên "tham" vẽ nhiều màu trong một bài. Trước tiên, cần nắm vững kiến thức cơ bản về màu, về sắc, lấy đó làm gốc để tìm kiếm và tìm cho mình bảng màu yêu thích nhâts.

#123
Sâu xanh
#124
- Là người đàn ông biết mình là ai.
#125
Gallery cuộc sống / Hôn
25/03/07, 23:34
.
#126
Gallery cuộc sống /
25/03/07, 22:46
"Tìm em đi"

#127
Truyện tranh là một nhu cầu không thể thiếu của trẻ em. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào hay điều kiện sống nào đi nữa, thiếu nhi vẫn thích đọc truyện tranh, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng nhìn lại thấy thật đáng buồn, dạo quanh một vòng qua các sạp sách báo, đâu đâu cũng gặp toàn là truyện tranh nước ngoài, nhất là truyện tranh Nhật Bản, Truyện Tranh Việt Nam - ở đây chúng tôi muốn nói đến Truyện tranh do họa sĩ Việt Nam vẽ và truyện tranh có đề tài về Việt Nam - chỉ lác đác đôi ba nơi mới có, nhưng cũng chiếm vị trí rất khiêm tốn, trông thấy mà chạnh lòng.
    Nhân buổi hội nghị hôm nay, chúng tôi xin phép được nêu lên đôi nét về thực trạng Truyện Tranh Việt Nam hiện nay, với mong muốn tìm ra một giải pháp khả thi để truyện tranh có một chỗ đứng trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi, cũng như một chỗ đứng trên thị trường.
SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH:    Một thực tế không thể chối cãi là truyện tranh nước ngoài rất hay và hấp dẫn, vì được đầu tư rất kỹ lưỡng về kịch bản và họa sĩ thể hiện, nhưng chẳng lẽ chúng ta không làm được như họ hay sao? Chúng ta bất lực ư?
    Nêu lên vấn đề này là quả thật là bức xúc, vì các Nhà Xuất Bản lớn có thèm để ý đến điều này đâu, họ chỉ việc chạy theo lợi nhuận, truyện tranh nước ngoài chỉ việc photocopy, dịch lời rồi đem in, đâu cần phải vẽ vời làm chi cho mệt, thậm chí ngay cả cái bìa truyện cũng bê nguyên xi, tung ra hằng loạt hết bộ này đến bộ khác mà chẳng thèm đếm xỉa đến đội ngũ họa sĩ kế thừa cho truyện tranh Việt Nam mai sau, nhiều lúc chẳng cần biết hay dở hoặc có yếu tố giáo dục nào trong truyện hay không? chỉ cần hấp dẫn là xong! Lời thoại nguyên bản ra sao thì cứ ghi y chang như thế, lời lẽ ngô nghê, thậm chí khó hiểu nữa là đằng khác, những cảnh hun hít lăng nhăng, đánh đấm ì xèo cứ việc bày ra đấy mà chẳng thèm cắt bỏ, vì cắt bỏ thì thiếu trang, ai sẽ vẽ lại bây giờ cho đủ? chẳng hiểu ghi họa sĩ này họa sĩ nọ biên tập để làm gì nữa?! Truyện Nhật Bản đọc từ phải qua trái thì ta cứ việc photocopy trên giấy can rồi lật ngược tờ giấy lại, thành ra một số truyện có số áo cầu thủ, số nhà v.v... đều đọc ngược cả, chẳng ai thèm sửa vì phải lo cho kịp in để bán, để thu lợi nhuận. Mà chắc chắn là phải có lợi nhuận nhiều rồi, vì có phải trả tiền cho họa sĩ vẽ đâu? họa hoằn lắm thì trả một ít tác quyền cho Nhật Bản mang ý nghĩa tượng trưng, có lợi nhuận nên ai cũng lao vào làm, Nhà xuất bản lớn ở trung ương làm, thì tỉnh cũng làm, anh tư nhân càng làm mạnh hơn nữa, anh chủ quán sách ở đầu đường cũng chẳng kém, đua nhau làm tuốt luốt, vì thấy dễ làm quá, dễ ăn quá, ai dại gì không lao vào. Việc làm của họ đã vô hình trung giết chết đội ngũ họa sĩ vẽ truyện tranh Việt Nam. Sau này ai sẽ là người vẽ truyện tranh cho thiếu nhi chúng ta đọc? đội ngũ họa sĩ truyện tranh Việt Nam có còn tồn tại được hay không? Đây là những câu hỏi đặt ra cho các Nhà xuất bản lớn và cho cả chính chúng ta nữa, cần phải có một lời giải đáp để truyện tranh Việt Nam có cơ hội tồn tại.
    Chúng tôi trình bày sự việc trên không có dụng ý nêu đích danh một ai cả, nhưng xin hỏi quý vị, mang danh là một Nhà Xuất Bản lớn, đến cuối kỳ, cuối quý, cuối năm, khi lập bảng tổng kết thành tích, quý vị không thấy xót trong ruột khi nhìn lại mảng truyện tranh Việt Nam của nhà xuất bản mình "bốc hơi" đâu mất sao? Tôi theo dõi hai năm nay rồi, các Nhà xuất bản lớn chẳng hề xuất bản một cuốn truyện tranh nào do họa sĩ Việt Nam vẽ cả. Đó là một sự thật! tuy rằng nó phũ phàng nhưng cần phải nói ra để cho các quý vị quyền cao chức trọng đang ngồi ở Hội nghị này tự xem lại mình. Một Nhà Xuất Bản thành công không phải là một nhà xuất bản có lợi nhuận cao, có số lượng bản in khổng lồ, mà chủ yếu là có những cuốn sách hay, mang tính dân tộc và do chính chúng ta thực hiện thì mới đáng quý, đáng trân trọng, chứ chỉ chú tâm vì nhờ lợi nhuận từ những cuốn truyện tranh nước ngoài cóp lại thì Nhà Xuất Bản ấy có hơn gì là một nhà in hay một nhà buôn sách đơn thuần?
    Đành rằng truyện tranh chỉ là một mảng nhỏ trong một Nhà Xuất Bản, nhưng rõ ràng là nhờ nó mà phát triển cho các đầu sách khác. May mà chúng ta vẫn còn có một đôi đầu sách truyện tranh Việt Nam ấn tượng với độc giả, đáng kể nhất là bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt, nhưng tiếc thay, đó cũng là một công trình của một Công Ty Tư nhân liên kết chứ không phải của chính Nhà Xuất Bản, còn các đầu truyện khác như Cô Tiên Xanh, Tâm hồn cao thượng, Tiên học lễ... thì số lượng có phần hạn chế và chủ yếu là do các Nhà Xuất bản Tỉnh cấp phép. Nhưng rõ ràng so sánh với Truyện tranh Nhật Bản của các đại gia trong ngành xuất bản thì Truyện tranh Việt Nam chỉ là một phần rất nhỏ, như một đứa con côi cút, thấy mà thương!
PHƯƠNG HƯỚNG KẾ HOẠCH    Như vậy, để cải thiện tình hình truyện tranh Việt Nam hiện nay, chúng ta phải làm như thế nào? Chúng tôi xin mạn phép đề ra các phương hướng sau:
    1- Hạn chế xuất bản truyện tranh nước ngoài bằng cách cương quyết không cấp phép những bản thảo photocopy vì cần phải tôn trọng tác giả, muốn xuất bản thì phải can (sao chép) lại bằng bút mực, biên tập viên sẽ dễ dàng nhận ra bản vẽ mực và bản photocopy một cách dễ dàng, tất nhiên bìa truyện cũng phải vẽ lại, không được copy nguyên bản, khi duyệt, cần phải trình giấy bản quyền và nguyên bản. Việc này sẽ làm chùn tay bất cứ ai muốn in truyện tranh nước ngoài một cách ào ạt để thu lợi nhuận vì cho dù sao chép lại cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, và phải trả tiền cho người sao chép, nếu sao chép không tốt, truyện sẽ không có chất lượng và bán không chạy, còn nếu sao chép tốt, tất nhiên nhuận bút cho người sao chép sẽ cao và sẽ thu hẹp lợi nhuận lại, đồng thời có điều kiện cho người sao chép nâng cao tay nghề thực hành, vì thực tế, số họa sĩ có thể sao chép hoặc vẽ bằng bút sắt chấm mực hiện chẳng có bao nhiêu người. Ngoài ra, tiền xuất bản phí cho một bản truyện tranh nước ngoài sẽ cao gấp 3 lần truyện tranh do họa sĩ trong nước sáng tác. Điều này sẽ khích lệ và động viên đội ngũ họa sĩ trong nước sáng tác nhiều hơn.
    2- Nên thành lập một Nhà Xuất Bản chuyên về Truyện Tranh, bao gồm cả trong nước và nước ngoài, truyện tranh thiếu nhi và truyện tranh dành cho người lớn. Giám đốc Nhà Xuất Bản này phải chịu trách nhiệm trước Trung Ương, trước pháp luật và nhất là chịu trách nhiệm trước thế hệ trẻ khi xuất bản truyện tranh tung ra thị trường. Nếu cần cho cả tư nhân tham gia, vì đây là một thành phần kinh tế thực sự rất năng động trên thị trường.
    3- Truyện Tranh Việt Nam, ở đây chúng tôi muốn nói đến Truyện tranh do chính họa sĩ Việt Nam sáng tác, cho dù là bất cứ đề tài nào như viễn tưởng, thần thoại, phiêu lưu ở nước ngoài, hoặc các đề tài lịch sử, dân gian, thần thoại, cổ tích, giáo dục của Việt Nam (tất nhiên là do họa sĩ Việt Nam sáng tác rồi) sẽ được khuyến khích bằng cách giảm tiền xuất bản phí, chỉ nên từ 3 - 4% mà thôi, hỗ trợ phát hành và quảng cáo để đưa đến tận tay người đọc một cách dễ dàng nhất. Có được những yếu tố thuận lợi này, chúng tôi tin rằng các họa sĩ sẽ không cần đi chụp photocopy nữa, mà cầm lấy cây bút để sáng tạo, hầu cho ra đời những cuốn truyện tranh hay và có giá trị hơn. Được như vậy mới mong truyện tranh có hy vọng phát triển và tồn tại.
PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN:    Muốn phát triển được các yếu tố nêu trên, theo chúng tôi thì cần phải thực hành triệt để các việc sau:
    1- Các Nhà xuất bản cần có đội ngũ biên tập viên truyện tranh có tay nghề thực sự, xem qua bản thảo đã biết truyện này copy hay sáng tác ngay, phân biệt bản vẽ tay một cách chính xác và nhanh chóng, cần kiên quyết và triệt để, không dễ dãi để lọt ra ngoài thị trường các bản thảo bất hợp pháp.
    2- Cần thành lập các Nhóm truyện tranh trong Nhà xuất bản, mỗi nhóm phụ trách một mảng đề tài riêng biệt, có định hướng giáo dục và chuyên môn, chất lượng, để có thể tạo ra những cuốn truyện tranh hay và hấp dẫn. Việc này bước đầu tất nhiên sẽ hơi tốn kém, nhưng khi các nhóm định hình được phong cách vẽ và đề tài rồi thì đây sẽ là một tài sản vô giá cho Nhà Xuất bản và cho cả Truyện tranh Việt Nam có cơ hội phát triển.
    3- Theo chúng tôi được biết, Khoa đồ họa của ngành Mỹ thuật công nghiệp và Đại học Mỹ thuật có dạy về Vẽ truyện tranh, nhưng còn quá hời hợt và thời lượng quá ít, không đủ cho sinh viên nắm rõ các quy trình xuất bản một cuốn truyện tranh hoặc phân cảnh kịch bản, dựng hình, hậu cảnh để thực hiện. Cần phải tăng cường thêm khâu đào tạo này, may ra có thể tạo nguồn nhân lực để phát triển Truyện tranh Việt Nam mai sau.
Kính thưa Hội nghị,
    Với tâm huyết của một người vẽ truyện tranh lâu năm, nêu lên những ý kiến này, chúng tôi không hề có ý muốn chê trách ai hoặc đả kích một nhà xuất bản nào cả, chúng tôi chỉ muốn nói lên nỗi bức xúc của mình trước thực trạng não lòng của Truyện tranh Việt Nam hiện nay và mong tìm ra lối thoát mà thôi. Kính mong quý vị hãy cùng thảo luận để đưa ra những biện pháp tốt nhất, những phương hướng khả thi nhất hầu cho Truyện Tranh Việt Nam có cơ hội tồn tại trên thị trường năng động và khốc liệt nhất hiện nay. Xin chân thành cám ơn quý vị và kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Sưu tầm
#128
Tin học / Hoạt hình 2D
11/03/07, 23:20
Làm một bộ phim hoạt hình 2D cũng phải trải qua 1 quá trình rất dài trước khi có được sản phẩm cuối cùng. Ta xem 1 bộ phim mất khoảng 80' nhưng để có được nó thì người ta phải tốn hàng nhiều năm và ê kíp làm phim lên đến trăm người. Dưới đây là giới thiệu sơ lược về quá trình làm phim hoạt hình 2D. Vì viết vội nên nhiều chỗ lủng củng, từ ngữ ko chính xác (nhất là các từ chuyên môn) nên tôi để lại ghi chú tiếng Anh cho dễ hiểu hơn. Nhờ befree hay ai đó có kiến thức chuyên về lĩnh vực này có thể edit lại dùm. 

Mọi thứ bắt đầu từ ý tưởng (idea). Khi kịch bản (script) được viết xong, 1 đội ngũ các họa sĩ bắt đầu phát triển kịch bản phân cảnh (storyboard). Những người họa sĩ này là những chuyên gia có khả năng phân tích, hiểu biết về phim ảnh tương đối lớn. Thông thường, trong storyboard thường có luôn vắn tắt đối thoại và âm thanh trong phim.

Sau khi storyboard đã được duyệt qua thì tới phần thu thanh (sound recording). Đạo diễn cũng phải thân chinh đến studio để làm việc với các diễn viên lồng tiếng. Phần âm thanh sau đó sẽ được xử lý, phân chia theo số frame của phim và ghi lại trên 1 tờ giấy gọi là dope sheet hay x sheet. Sau phần này mới là bắt đầu thực hiện bộ phim.

(Nói thêm về x sheet: là tên viết tắt của exposure sheet (thỉnh thoảng gọi là dope sheet). Một bản miêu tả những gì diễn ra trong từng frame hình. Có thể hình dung như bản viết nhạc của các nhạc sĩ.)

Rough layout (tạm gọi là các bản vẽ nháp) được vẽ ra trước. Những họa sĩ vẽ phần này cũng tương tự như các họa sĩ vẽ cho các phim live action - sử dụng phần lớn là bút chì để phối cảnh, sắp xếp và thiết kế... Trong suốt giai đoạn này, đạo diễn sẽ nhìn vào các bản vẽ này cộng với tờ "x sheets" và hình thành trong đầu các ý tưởng về chuyển động trong phim.

Trong lúc đó, art director (tạm gọi là chỉ đạo nghệ thuật) sẽ xem toàn bộ phần chuyển cảnh cùng với hình nền của các bản vẽ nháp (rough layout). Người này sẽ thêm "hồn" vào từng cảnh phim bằng màu sắc và ánh sáng. Phần cảnh nền sẽ do một ê kíp họa sĩ tô nền thực hiện. Sau khi phần phông nền hoàn tất, họ tiếp tục chờ đợi bộ phận thiết kế nhân vật hoàn tất phần việc của mình.

Những họa sĩ vẽ chuyển động (animators)sẽ dựa trên ghi chú, chỉ dẫn của đạo diễn và vẽ các hình ảnh chuyển động cho nhân vật. Animator là họa sĩ có kĩ năng cao nhất trong cả đoàn làm phim. Họ phải thấu hiểu câu chuyện, cảm xúc và hành động của từng cảnh phim, từng nhân vật. Cùng với từng nét vẽ của mình, những họa sĩ này phải điều chỉnh, xử lý hình ảnh để tạo cảm giác sức nặng, không gian, tỉ lệ và độ cân bằng được chính xác ở mức cao nhất. Đây là bước quan trọng nhất và đóng vai trò then chốt trong toàn bộ quá trình làm phim hoạt hình. Những họa sĩ này không những phải nắm vững chính xác hình ảnh nhân vật mà còn phải tạo những chuyển động sao cho "hồn". Một nhân vật đang buồn rầu thì không thể đi giống như người đang vui. Một animator phải vừa là diễn viên, vừa thấu hiểu cốt truyện và cảm xúc, tinh thần của câu chuyện.

Phần chuyển động sẽ được chiếu thử bằng bản vẽ bút chì (digital pencil test). Animator sẽ đặt các bản vẽ dưới máy chiếu và xem các chuyển động. Ngày nay, người ta sử dụng máy thử kĩ thuật số hiện đại, có thể xử lý, test hình ảnh chỉ trong vài giây. Cần nhớ rằng phim mà các bạn xem trên TV hoàn toàn khác với bản vẽ nguyên thủy. Đầu tiên các họa sĩ phải vẽ "nháp" các chuyển động, sau đó mới thêm thắt chi tiết vào các hành động trong từng frame. Quá trình chắt lọc này diễn ra hết sức tỉ mỉ và cẩn thận đến từng chi tiết. Quá trình này nói 1 cách ngắn gọn là phác thảo chuyển động, lược bớt nét thừa và đồ lại chi tiết cho hình ảnh.

Sau khi đạo diễn bản phim chuyển động sau khi đã được "clean up", toàn bộ bản vẽ được gửi đến bộ phận scan. Các hình vẽ được scan vào máy tính thành hình kĩ thuật số và ghép vào hình nền. Các họa sĩ vẽ kĩ thuật số (digital designer) sẽ tô màu và xử lý phông nền. Trước bước xử lý kĩ thuật số, từng bước vẽ phải được vẽ bằng tay lên "cel" . Bộ phận quay phim(camera operators) sẽ sử dụng những máy quay đặc biệt chuyên dụng để chuyển thành phim. Trong khi quay, từng cel hình phải được đặt thật chính xác, bởi vì chỉ cần 1 lỗi nhỏ, cả cảnh sẽ phải thực hiện lại từ đầu. Bộ phim Bạch Tuyết & 7 chú lùn có tổng cộng 20.000 cels !!! 0:-) 0:-)

Ngày nay, kĩ thuật hiện đại cho phép bỏ qua phần sử dụng máy camera và lồng âm thanh kĩ thuật số tự động trước khi phim được hoàn tất trên máy tính. Bộ phim sau đó được thuvào băng, DVD.... và đến tay chúng ta - những fan điện ảnh. Quả là 1 quá trình cực kì công phu. Thật khâm phục!!

phew... Cuối cùng, toàn bộ quá trình làm phim hoạt hình 2D được tóm tắt thành sơ đồ sau:

Ý tưởng câu chuyện --> Kịch bản phân cảnh --> Thu âm --> dope sheet timing --> vẽ chuyển động --> thử bản chì --> Kiểm tra lại bản phim --> Thêm màu và phông nền --> Chuyển vào máy vi tính ---> Lồng âm thanh --> Chuyển sang băng từ & DVD --> công chiếu và phát sóng


Shinichi - yxine.com
#129
Đồ họa là một ngành vẽ, trong đó người ta dùng kỹ thuật in ấn để thể hiện tác phẩm, sản xuất ra hàng loạt bản để có thể phổ biến rộng rãi.Không giống các thể loại tranh khác, tranh đồ họa có nhiều bản gốc do số tranh được in nhiều.

Các loại hình đồ họa
•   Đồ họa độc lập (Đồ họa giá vẽ)
•   Đồ họa in ấn
•   Đồ họa máy tính
Ở Việt Nam, việc dùng các thuật ngữ đồ họa chỉ là tương đối, bởi việc đặt tên các thuật ngữ đồ họa là dựa trên ý nghĩa sử dụng của nó. Ví dụ: đồ họa thương nghiệp, đồ họa vẽ tem, đồ họa quảng cáo vân vân...

Sưu tầm
#130
6 bước để cải thiện màu sắc (phần 1)


Để xây được một quy trình quản lý màu sắc một cách hiệu quả điều đầu tiên bạn cần hiểu rõ những lý thuyết cơ bản.
Hầu như tất cả chúng ta đều gặp phải vấn đề sau trong thiết kế: Bạn muốn mọi thứ trên sản phẩm cuối cùng giống hệt như cái đã hiển thị trên màn hình của bạn nhưng hỡi ôi cầm bản in trên tay bạn gầm rú lên: "Tôi đâu có dùng cái màu quái quỷ này". Bạn tự hỏi thế nào mới đúng? Cái nào mới đúng: màn hình của bạn hay cái máy in? Và nguy cơ là chẳng cái nào là đúng cả. Không ai có khả năng giải thích được, dường như là vậy.
Vấn đề là gì? Có thể khắc phục được không?
Trong sáu phần sẽ được giới thiệu lần lượt, chuyên gia về màu Michael Jahn sẽ mô tả màu sắc là loại "động vật khó bảo" như thế nào và thuần phục nó như thế nào. Ông đưa ra 6 bước để có màu sắc như ý:
1.   Hiểu các công cụ của bạn: máy tính, màn hình, phần mềm, máy in,...
2.   Tổ chức hệ thống của bạn
3.   Tận dụng tối đa các ứng dụng liên quan
4.   Giám sát, điều chỉnh hoạt động của màn hình
5.   Nâng cấp máy in
6.   Hoàn thiện các file PDF
Phần 1- Hiểu các công cụ của bạn
Có thể là bất thường khi bắt đầu một bài báo bằng một lời xin lỗi, nhưng bán đáng được một lời xin lỗi. Nhẽ ra bạn không phải bận tâm về việc quản lý màu. Nhưng bất hạnh thay bạn phải lo lắng về nó rất nhiều. Rất lấy làm tiếc cho bạn.
Bạn chẳng phải ngó ngàng gì tới việc quản lý bàn phím của bạn. Nó hoạt động cực tốt. Bạn nhấn phím E và thế là bạn có một chữ E trên màn hình chứ không phải là một thứ gì đó mơ hồ tựa như lai giữa chữ E và một kí tự khác.
Thế nhưng đời thật chớ trêu, màu sắc của bạn lại không được như vậy. Nắm bắt và tái tạo được màu sắc một cách đầy đủ là một công việc đòi hỏi sự khéo léo cao độ. Hãy đi đến các quán café bóng đá và quan sát tất cả các tivi, bạn sẽ nhận thấy rằng cùng một trận bóng đấy với cùng một đầu thu sóng hay giải mã thì mầu sắc ở mỗi tivi cũng có một khác biệt lớn.
Dự đoán được màu sắc qua màn hình và các thiết bị đầu ra là một lợi thế lớn. Các nhà thiết kế cần một trang màu có thể tái tạo được trên các công nghệ khác nhau với những kết quả chắc chắn, ổn định. Điều đó là có thể nếu bạn cài đặt, tổ chức hệ thống của bạn đúng cách và -ơn trời!- ứng dụng các trình quản lý màu.
Trước khi khám phá quản lý màu là gì và sử dụng nó như thế nào, hãy xem xem màu sắc "xảy ra" như thế nào trong môi trường số.
Các bức hình số được tạo ra bằng các ô vuông màu cực nhỏ được gọi là pixel, và mỗi pixel được miêu tả băng cách sử dụng một bộ giá trị màu (xem khung 1). Có nhiều cách khác nhau để "định nghĩa" màu:
•Màu cộng (Additive)-Chồng càng nhiều màu (màu của ánh sáng) thì tạo ra màu càng sáng.
•Màu trừ (Subtractive)-Chồng càng nhiều màu (màu của mực in) thì tạo ra màu càng tối.
Một quả chuối có màu vàng khi nó chín, phải vậy không? Không nhất thiết. Bạn muốn có bằng chứng ư? Hãy để nó trong phòng kín và đóng cửa không cho ánh sáng lọt vào. Bạn thấy gì? Chẳng gì cả. Bây giờ, nếu bạn có hình ảnh của một quả chuối trên màn hình máy tính, bạn có thể thấy nó trong bóng tối. Tại sao? Đơn giản, màn hình đã mang ánh sáng tới căn phòng tối tăm của bạn.
Bạn cần ánh sáng chiếu tới vật thể để bạn có thể nhìn thấy chúng. Chính xác hơn bạn cần ánh sáng phản chiếu từ vật thể tới mắt bạn. Các vật thể khác nhau hấp thu các bước sóng ánh sáng khác nhau và phản chiếu những bước sóng còn lại. Những bước sóng còn lại này mà mắt ta tiếp nhận được chính là màu của vật thể đó.
Sau đây là điểm mấu chốt nhất của việc quản lý màu trong môi trường số: Để có màu sắc hiển thị như nhau trên các thiết bị khác nhau, giá trị màu của chúng phải được thay thế hay chuyển đổi phù hợp với từng thiết bị. Đối với một màu để có sự tương thích cả trên màn hình (sử dụng 3 màu ánh sáng RGB) và trên máy in màu (sử dụng mực in 4 màu CMYK), bạn áp dụng các cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Điều này được thực hiện với các bảng biểu, phương trình và các "mánh khóe" khác. Trên máy tính, nó được hoàn thành một cách nhanh chóng bởi các phần mềm chuyển đổi giá trị màu.

Khung hình 1:

Các màu được miêu tả bằng các giá trị-một nhóm các con số- như là việc khoảng cách được miêu tả bởi các đơn vị inch, mét và các đơn vị tương tự thế. Ví dụ, một màu có thể được mô tả như sau : Đỏ (Red)=153, Xanh lục (Green)=255, Xanh dương (Blue)=204. Như vậy có nghĩa là gì? Trong hệ màu RGB (được sử dụng trên màn hình), điều đó có nghĩa là một màu xanh dương nhạt như điểm màu phía dưới. Để biểu hiện cùng một màu trong hệ màu CMYK (được sử dụng trong in ấn 4 màu), các con số sẽ là: Cyan=51, Magenta=0, Yellow=37, Black=0.

Giả sử như chúng ta gửi cùng một giá trị màu tới 2 thiết bị hiển thị màu, ví dụ như 2 màn hình máy tính. Nếu những màn hình nay hiển thị màu khác nhau thì để cho chúng giống nhau chúng ta phải gửi các con số khác tới một trong số 2 màn hình. Như vậy chúng ta mới có cùng một kết quả.

Để hiểu hơn khái niệm này, hãy đọc vài một khái niệm cơ bản sau đây:
•   Một màu được đại diện bởi các con số. Một bộ số đại diện cho một màu nào đó được gọi là giá trị màu. Các con số sẽ khác nhau trong các hệ màu khác nhau-RGB, CMYK, ...
•   Các con số quy tới một hệ thống nhận dạng xác định đối với một thiết bị xác định. Cũng như gương mặt của con người, mỗi một thiết bị có đặc điểm nhận dạng riêng.
•   Hệ thống nhận dạng là một tham chiếu giải thích ý nghĩa của các con số-sự biểu hiện màu sắc (có thể coi là một hệ thống giải mã và nhận diện màu).
•   Khi một hình ảnh được chuyển từ thiết bị này tới thiết bị khác (từ nguồn tới đích), tham chiếu sẽ thay đổi.
•   Khi di chuyển hình ảnh, cần phải thay đổi thông số để ý nghĩa (tức màu sắc được biểu hiện) vẫn giữ nguyên.
•   Quá trình thay đổi thông số được gọi là chuyển đổi màu. Việc này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, hoặc là ngay trong các chương trình xử lý ảnh như Adobe Photoshop hoặc nếu đầu ra là máy in, có thể thực hiện trong giai đoạn in ấn thậm chí ngay trong máy in.
•   Chuyển đổi màu được thực hiện bởi một phần của chương trình được gọi là động cơ màu. Các hệ thống nhận dạng và các động cơ màu có thể nằm trong các ứng dụng hoặc ngay trong hệ điều hành. Trong hệ điều hành Macintosh, việc quản lý màu được thực hiện bởi ColorSync, trong khi một vài phiên bản của Windows lại sử dụng Image Color Management, ICM ở mức độ hệ thống.

Khung 2: ICC

International Color Consortium (Liên minh về Màu quốc tế) được thành lập năm 1993 bởi 8 nhà sản xuất trong ngành với mục đích tạo ra, phổ biến, thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa và cải tiến hệ thống quản lý màu- mở, trung lập và thống nhất. (Tham khảo về ICC: www.color.org.)
   

Trong tiêu chuẩn ICC này biểu thị các không gian màu khác nhau: Toàn bộ vùng hiển thị là các màu mà mắt người có thể nhìn thấy được. Các không gian màu khác chỉ chiếm một phần quang phổ có thể nhìn thấy.
Trong loạt bài này, chúng ta sẽ xem xét lấy một nguồn nào đó (như một bản can trong suốt hay một file mà bạn tạo ra trong một ứng dụng như Adobe Illustrator) và chuyển đổi nó sang một bộ giá trị đã chuyển đổi phù hợp với các thiết bị đích khác nhau, như màn hình và máy in.
Nó làm việc như thế nào?
Giải thích một cách đơn giản như thế này: Trước tiên chúng ta hãy đơn giản hóa tình huống bằng việc bắt đầu với một hệ màu cố định. Một sự chuyển đổi trên nguồn là tất cả những gì chúng ta cần để đưa ra một tiêu chuẩn, và một sự chuyển đổi trên đích là tất cả những gì chúng ta cần để chiếu theo mỗi đích.
Nghe có vẻ kỹ thuật nhưng thật sự là rất đơn giản. Chúng ta thay đổi dữ liệu RGB hiện thị trên màn hình của bạn thành một dạng màu được gọi là trung gian thiết bị để nó có thể được chuyển đổi thành hệ màu đích, ví dụ như máy in của bạn. Quy tắc này là một phần quan trọng của cái mà các nhà sản xuất các chương trình quản lý màu tham chiếu tới như là màu cho các thiết bị độc lập (xem khung 2).
Để tạo ra một định nghĩa về trung gian thiết bị của một màu, chúng ta phát triển một hệ thống nhận diện ICC,  một hồ sơ miêu tả cách một thiết bị cụ thể tạo ra màu như thế nào- đó là không gian màu đặc trưng của thiết bị. Các hệ thống nhận diện ICC được tạo ra cho 3 loại thiết bị:
•   Thiết bị hiển thị (màn hình)
•   Thiết bị đầu vào (máy scan, camera số)
•   Thiết bị đầu ra (máy in)
Một hệ thống nhận diện miêu tả đầy đủ thiết bị sẽ cho bạn những kết quả tốt nhất trong công việc xử lý màu.
Bài tới: Tổ chức hệ thống của bạn
Trong phần 2, Michael Jahn sẽ nó cho bạn biết làm thế nào để tổ chức máy tính và các thiết bị ngoại vi của bạn để bắt đầu xây dựng một quy trình quản lý màu.
(Michael Jahn là một cố vấn cho các nhà sản xuất hệ thống quy trình làm việc số trong ngành công nghiệp xuất bản và in ấn. Chuyên môn của ông nằm trong các lĩnh vực PDF, xử lý PDF, tiền in ấn và quản lý màu.)

TG: Tùng Arena dịch
#131
Mời các bạn đọc tiếp chương 2 của cuốn sách "The Idea Techniques" của James Webb Young, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực quảng cáo.
Chương hai
Công thức của kinh nghiệm
Một ý tưởng, tôi nghĩ, mang vẻ bí ẩn mà sự tưởng tưởng mang đến cho các câu chuyện về sự xuất hiện bất ngờ của các hòn đảo trong các vùng biển phía nam.

Ở đó, theo lời các thủy thủ già, nơi mà trên hải đồ chỉ là biển sâu xanh thẳm – có thể bất ngờ xuất hiện một đảo san hô vòng tuyệt đẹp. Cả câu chuyên bao trùm bởi bầu không khí thần bí như vậy.

Và với ý tưởng cũng vậy, tôi nghĩ.

Chúng xuất hiện bất ngờ trên vỏ nảo, và cũng đầy vẻ huyền bí và khó giải thích. Nhưng các nhà khoa học biết rằng ở vùng biển phía nam, đảo san hô vòng là sản phẩm của vô số các cụm san hô âm thầm lớn lên từ dưới đáy biển. Và tôi tự hỏi: "Liệu sự hình thành một ý tưởng có giống vậy? Liệu nó có phải là kết quả cuối cùng của một chuỗi dài các quá trình xây dựng ý tưởng âm thầm diễn ra bên dưới một bộ óc tỉnh táo?"

"Nếu là như vậy, có thể chỉ ra các quá trình đó được không, để từ đó chúng ta có thể đi theo và sử dụng chúng một cách có ý thức? Tóm lại, liệu có thể phát triển một công thức hoặc kỹ thuật nhằm trả lời câu hỏi: Làm sao để có được ý tưởng?"

Cái mà tôi trình bày cho các bạn sau đây là kết quả của một thời gian dài trăn trở suy nghĩ về những câu hỏi trên; và của việc theo dõi công việc hàng ngày của những người-làm-ra-ý-tưởng mà tôi có cơi hội được cộng tác cùng.

Điều đó đưa tôi đến kết luận rằng việc tạo ra ý tưởng là một quá trình xác định cũng giống như việc sản xuất xe hơi của Fords vậy; rằng việc tạo ra ý tưởng cũng diễn ra theo một dây chuyền lắp ráp; rằng trong quá trình sản xuất đặc biệt này, bộ não tuân theo một kỹ thuật vận hành có thể học được và điều khiển được; và rằng để vận dụng hiệu quả nó thì việc thực hành kỹ thuật và sử dụng thành tạo bất kỳ một công cụ nào đều quan trọng như nhau. Nếu bạn hỏi tôi tại sao tôi lại sẵn sàng tiết lộ công thức khám phá của mình, tôi sẽ cho bạn biết rằng kinh nghiệm đã dạy tôi 2 điều:

Thứ nhất, công thức dễ phát biểu tới mức chỉ có ít người nghe là thực sự tin vào nó.

Thứ hai, mặc dù công thức rất dễ phát biểu, nhưng làm theo nó đòi hỏi một công việc trí óc thuộc loại nặng nhọc nhất, vì thế không phải tất cả những người thừa nhận nó đều có thể áp dụng nó.

Vì thế tôi phổ biến công thức này mà chẳng lo sợ sẽ làm cho thị trường (mà tôi đang kiếm sống trong đó) trở nên thừa thãi ý tưởng.
(còn tiếp)
LongMT dịch
#132
 LUẬT MÀU SẮC (The law of color)

Một cái hộp Tiffany có màu gì? Màu xanh dương của vỏ trứng chim robin. Tất cả các hộp của Tiffany đều xanh dương. Nếu Tiffany đã dùng nhiều màu khác trên vỏ hộp thì họ đã mất cơ hội tuyệt vời để tăng cường cái tên thương hiệu với một màu rõ rệt.

Một thương hiệu nên dùng màu sắc trái ngược với màu sắc của thương hiệu cạnh tranh

Một cách khác để làm nổi bật thương hiệu là dùng màu sắc. Nhưng màu sắc không phải là thuộc tính dễ dùng. Có hàng ngàn từ ngữ để chọn nhằm tạo ra một cái tên độc đáo, nhưng màu sắc thì không nhiều.

Cơ bản là, có 6 màu (đỏ, cam, vàng, xanh lá, xanh dương, tím). Tốt nhất là chọn một màu thôi từ 6 màu chính hơn là chọn một màu trung gian hoặc một màu pha trộn. Nhưng chọn màu nào?

Hãy nhớ rằng tất cả các màu đều không gây tác động như nhau đối với mắt người xem. Các màu về phía màu đỏ của quang phổ thì hơi tập trung vào phía trước võng mạc. Do đó khi bạn nhìn màu đỏ, thì nó có vẻ di chuyển đến trước mắt bạn.

Những màu ở phía màu xanh của quang phổ thì hơi tập trung vào phái sau võng mạc. Do đó màu xanh dương có vẻ di chuyển xa bạn.

Vì các lí do vật lý này, màu đỏ là màu có năng lượng và gây kích thích. Đỏ là màu đập vào mắt bạn và đó là lí do tại sao 45% các quốc kỳ trên thế giới đều có màu đỏ. (Xanh dương là màu nổi bật thứ nhì. Màu xanh dương có trong khoảng 20% các quốc kì trên thế giới.)

Xanh dương là màu tương phản với đỏ. Xanh dương tạo cảm giác an bình, yên tĩnh. Màu của sự nhàn tản, nhẩn nha.

Trong thế giới của thương hiệu, màu đỏ là màu có tính cách của người bán lẻ, thu hút chú ý. Màu xanh dương là màu có tính cách của tập đoàn, tạo ra sự bình ổn. VD: logo Coca-Cola màu đỏ, logo IBM xanh dương.

Các màu kia là màu trung gian. Màu cam gần đỏ hơn xanh dương. Xanh lá cây gần xanh dương hơn đỏ.

Màu vàng là màu trung tính. Nhưng vì nó nằm chính giữa phạm vi các dải song mà mắt bạn có thể phát hiện được, cho nên màu vàng cũng là màu sáng nhất. Do đó màu vàng được dùng trong các biển báo "hãy chú ý" như đèn giao thông màu vàng, các lằn sơn màu vàng, các biển báo màu vàng.

Bao năm qua một số màu đã mang số đặc tính.
   + Màu trắng thanh khiết (thí dụ áo cưới màu trắng)
   + Màu đen sang trọng (thí dụ nhãn chai rượu Johnnie Walker Black Label)
   + Màu xanh dương là dẫn đầu, lãnh đaọ
   + Màu đỏ tía là vương giả, quý tộc
   + Màu xanh lá cây là màu của môi trường và sức khoẻ

Khi chọn một màu cho một thương hiệu hoặc một logo, các nhà quản lí thường tập trung vào tâm trạng mà họ muốn thiết lập hơn là cái bản sắc độc đáo mà họ muốn tạo ra. Và khi tâm trạng được xem là quan trọng, thì các yếu tố khác bị bỏ qua.

Các lãnh đạo công ty có sự lựa chọn trước hết. Nói chung, màu tốt nhất để chọn là màu tượng trưng cho chủng lọai nhiều nhất. John Deere là thương hiệu hàng đầu về máy cày. Bạn có ngạc nhiên không khi John Deere dùng màu xanh lá cây-Màu của cây cỏ, ruộng đồng- làm màu biểu tượng của thương hiệu?

Một công ty máy cày ở Brazil đã yêu cầu chúng tôi nghĩ giùm một tên thương hiệu và màu sắc của nó. Chúng tôi chọn cái tên Maxion làm tên thương hiệu vì nó có vẻ truyền đạt được "sức mạnh", một đặc tính chủ yếu của máy cày. Nhưng màu cho cái thương hiệu máy cày mới toanh này nên là màu gì đây?

Màu xanh dương có tốt cho máy cày không? Không, nhưng việc tạo ra bản sắc riêng thì quan trọng hơn việc sử dụng màu đúng đắn.

Hertz, thương hiệu đầu tiên về dịch vụ cho thuê xe hơi, đã chọn màu vàng. Do đó Avis, một thương hiệu hạng nhì trong lĩnh vực này, đã chọn màu đỏ. Thương hiệu National dùng màu xanh lá cây.

Người ta thường lý luận mạnh mẽ rằng cần phải chọn một màu sắc trái ngược với màu mà các đối thủ cạnh tranh sừng sỏ của mình đã chọn. Khi bạn lờ đi cái quy luật về màu sắc thì hẳn bạn sẽ làm đại như thế.

Cái nước cola màu nâu đo đỏ. Cho nên hơn 100 năm qua cái màu hợp lý mà Coca-cola đã chọn cho thương hiệu là màu đỏ.

Pepsi –Cola thì chọn màu dở tệ. Họ chọn màu đỏ và màu xanh dương làm màu thương hiệu. Màu đỏ tượng trưng cho màu nước cola, còn màu xanh dương để phân biệt với màu thương hiệu của Coca-Cola. Bao năm qua Pepsi đã chiến đấu với một phản ứng kém lý tưởng đối với chiến lược màu sắc của Coca-Cola.

Bạn hãy nói thực nhé. Trong tâm trí của bạn, chẳng phải thế giới có vẻ ngập tràn các biểu tượng màu đỏ của Coca-Cola hay sao? Và tạo ra quá nhiều biểu tượng của Pepsi-Cola chẳng phải là khó khăn hay sao? Pepsi có mặt ở đó, nhưng việc thiếu một màu sắc độc đáo tạo sự khác biệt đã khiến Pepsi chìm lỉm trong đại dương màu đỏ của Coca-Cola.

Gần đây Pepsi đã sáng ra một chút, không sáng mắt thì sáng màu. Họ đang thực hiện cái mà lẽ ra họ đã phải thực hiện cách đây 50 năm. Hãy làm cho màu sắc thương hiệu trái ngược với màu của đối thủ cạnh tranh.

Pepsi chọn màu xanh dương độc nhất. Một loại Pepsi mới ra đời Pepsi Blue (Pepsi Xanh đã có lần lên cơn sốt ở Việt Nam nhưng nhanh chóng biến mất bởi ít ai nghĩ có thể uống được cái màu xanh không tự nhiên đấy). Pepsi thậm chí còn chơi sang, sơn màu xanh dương cho một chiếc máy bay siêu thanh Concorde để chở cái thông điệp màu xanh đi tới các nhà máy đóng chai nước giải khát này khắp thế giới.

Hãy làm trái ngược. Kodak màu vàng thì Fuji màu xanh dương.

Màu vàng (như trong Golden Arches) cũng là màu rất phân biệt của McDonald's, mặc dù cái logo thực sự của nó hầu như màu đỏ. Nhưng Burger King màu gì? i

Burger King đã sai lầm khi chọn màu của hamburger thay vì chọn màu trái ngược với màu của các đối thủ cạnh tranh sừng sỏ của mình. Burger King đã kết hợp màu vàng của vỏ bánh hamburger với màu đỏ cam của thịt. Một logo gọn gàng nhưng chọn màu sắc tệ hại.

Budweiser màu đỏ, vậy Miller nên chọn màu gì? ii

Một trong các rắc rối mà Miller gặp phải là họ tung ra thị trường quá nhiều chủng loại sản phẩm đến nỗi chúng hủy diệt màu sắc để nhận dạng thương hiệu. Để phân biệt các chủng loại sản phẩm của mình, Miller đã dùng một dải màu phối hợp. Do đó họ đã mất cơ hội để phân biệt họ với Budweiser, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ.

Hãy nghĩ đến màu sắc không thể nhầm lẫn trên vỏ hộp nữ trang Tiffany. Bằng cách chuẩn hóa một màu duy nhất và dùng mãi suốt bao năm qua, bạn có thể tạo ra một sự hiện diện mạnh mẽ về phương diện thị giác trong cái thế giới rối tung này. Vào mùa giáng sinh, mỗi thương hiệu, mỗi cửa hàng đều dùng màu xanh lá cây và màu đỏ (2 màu đặc trưng của Noel) để trang trí, từ M&M's đến Macy's. Tuy nhiên, Tiffany&Co. vẫn cứ dùng màu xanh dương, và họ thậm chí còn đáng chú ý hơn khi trở thành món quà đặt dưới cây thôgn giáng sinh.

Các bà vợ ôm chồng ngay khi họ thấy cái hộp màu xanh dương của vỏ trứng chim robin. Khỏi cần mở ra họ cũng biết bên trong hộp có cái tuyệt vời gì.

Trong khi một màu đơn độc luôn luôn là màu chiến lược tốt nhất cho một thương hiệu, đôi khi bạn có thể tạo ra nhiều màu. Federal Express (FedEx), công ty giao nhận hàng suốt đêm hàng đầu, đã muốn các kiện hàng nằm nổi bật trên bàn người nhận. Do đó họ kết hợp hai màu gây sốc là cam và đỏ tía.

Khi một kiện hàng do FedEx giao đến nơi, ai cũng thấy kiện hàng do FedEx giao đã đến. Nó khác nào bộ quần áo tắm màu cam và đỏ tía trong đại dương màu xanh dương của các công ty.

Cứ dùng mãi một màu qua bao nhiêu năm có thể giúp thương hiệu khắc sâu vào tâm trí mọi người. Bạn hãy nhìn cái màu vàng của Caterpillar, màu nâu của United Parcel Service (UPS), màu đỏ của Coca-Cola và màu xanh dương của IBM. Cái màu xanh dương vĩ đại đã làm gì cho IBM, thì một màu vĩ đại sẽ làm thế cho thương hiệu của bạn.

Theo Al Ries & Laura Ries
(Sưu tầm)
#133
 The Idea Techniques (Làm sao có ý tưởng tốt) - phần 1

Có rất nhiều học viên tại FPT-ARENA hỏi tôi: "làm sao để có ý tưởng?". Chẳng biết trả lời sao cho thỏa đáng, tôi đi tìm câu trả lời ở những nguời khác. Thay vì có đuợc câu trả lời xác đáng, tôi lại phát hiện ra rằng hầu hết các bạn học sinh, sinh viên của chúng ta chưa được dạy cách tìm và phát triển ý tưởng. Trong lúc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi trên, tôi tình cờ phát hiện ra cuốn sách nhỏ của James Webb Young với tiêu đề "The Idea Technique". Có thể nói tôi đã tìm ra câu trả lời không thể hoàn hảo hơn. Sau đây tôi xin giới thiệu với các bạn bài dịch của cuốn sách nhỏ này.



Vài nét về tác giả

Sinh năm 1886 ở Kentucky, James Webb Young được xem như là một chuyên gia quảng cáo, nhưng di sản thực sự của ông lại trong lĩnh vực ý tưởng. Webb Young bắt đầu đi làm năm 12 tuổi tại một cửa hàng tạp hóa ở Cincinnati. Từ đây ông chuyển đến hãng J.Walter Thompson, trở thành phó chủ tịch phụ trách công việc sáng tạo. Sau 16 năm làm việc ở đó, ông nghỉ hưu. Sau đó ông trở thành giáo sư đầu tiên và duy nhất về lịch sử kinh doanh và quảng cáo tại đại học tổng hợp Chicago. Từ năm 1941 đến năm 1946 ông làm việc với tư cách cố vấn cao cấp cho J.Walter Thompson. Và trong khoảng thời gian 1951-1952 ông là cố vấn truyền thông đại chúng cho tổ chức Ford. Bên cạnh cuốn sách này, ông cũng là tác giả của cuốn sách được ca ngợi "Làm thế nào để trở thành một người làm quảng cáo" ("How to Become an Advertising Man"). Sau khi ông mất năm 1973, tên ông được đưa vào Advertising Hall of Fame (tòa nhà tưởng niệm những người nổi tiếng trong ngành quảng cáo).

Chương một
Nó đã bắt đầu như thế nào

Một ngày trong năm cuối cùng của tôi với tư cách là nhân viên một hãng quảng cáo ở Chicago, tôi nhận được một cú điện thoại từ giám đốc quảng cáo khu vực miền tây của một tạp chí nổi tiếng.

Ông ta hỏi xem có thể gặp tôi ngay được không vì đang có việc rất quan trọng. Chẳng bao lâu sau, ông ta có mặt tại văn phòng tôi, vẫn còn thở hổn hển.

"Hôm nay, chúng tôi đang có buổi họp mặt," ông ta nói, "của các nhân viên bán quảng cáo toàn khu vực miền tây. Mục đích là thảo luận về việc làm sao có thể cải thiện việc bán quảng cáo của chúng tôi. Trong cuộc họp chúng tôi đã cố gắng phân tích các phương thức bán hàng của các đơn vị xuất bản và của các nhân viên bán hàng thành công.

Và trong số đó, chúng tôi rất ấn tượng bởi sự thành công của ông Kobler với tạp chí American Weekly.

"Sau khi nghiên cứu tại sao ông ta lại thành công đến vậy, chúng tôi đi đến kết luận rằng thành công của ông ta chỉ dựa trên 1 điều duy nhất: ông ta không bán chỗ đăng quảng cáo trên báo, ông ta bán các ý tưởng".

"Và nhờ đó," ông ta tiếp tục một cách hào hứng, "chúng tôi quyết định rằng chúng tôi cũng phải làm như vậy. Từ lúc này, chúng tôi sẽ không bán chỗ đăng quảng cáo. Bắt đầu từ sáng ngày mai, mọi nhân viên của chúng tôi sẽ bán ý tưởng!"

Tôi nói tôi nghĩ rằng làm vậy là đúng, nhưng không biết có phải đó là điều mà ông muốn trao đổi với tôi.

"Thôi được," ông nói vẻ lo âu, "chúng tôi biết rằng tất cả những gì mình phải làm là bán ý tưởng. Nhưng sau đó chúng tôi có vẻ bế tắc. Chúng tôi không biết làm thế nào để có ý tưởng.

"Tôi nói với mọi người rằng anh có thể chỉ cho chúng tôi, và đó là lý do tôi có mặt ở đây."

"Anh đã từng đưa ra rất nhiều ý tưởng quảng cáo. Anh đã có chúng bằng cách nào? Các đồng nghiệp của tôi đang đợi tôi trở về và nói cho họ biết điều đó."

Đang sung sướng vì được tâng bốc và cũng vì người hỏi tỏ ra hết sức nghiêm túc nên khi đó tôi đã không cười phá lên.

Tôi nghĩ vào lúc đó tôi chưa từng nghe thấy một câu hỏi nào buồn cười và ngây thơ hơn thế. Hơn nữa lúc đó tôi cũng chẳng có được câu trả lời nào hữu ích cho nó.

Nhưng rồi câu hỏi đó cứ ảm ảnh tôi sau đó, và có vẻ như nó không ngớ ngẩn như tôi tưởng. Có thể có câu trả lời cho nó. Và thế là tôi bắt đầu suy nghĩ.


Tác giả: LongMT dịch
#134
Đối với ngành đồ họa, thiên hướng rất quan trọng nhưng vấn đề mấu chốt lại là phương pháp, kỹ năng và sự bền bỉ. Cứ 100 bạn thi vào ngành đồ họa chỉ có 5-10 bạn say mê thật nên dám dấn thân.
Những năm gần đây, nghề thiết kế đồ họa thu hút nhiều bạn trẻ theo học. Hiện có nhiều trường dạy ngành đồ họa ở TP HCM: khoa Mỹ thuật công nghiệp (ĐH Kiến trúc), ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, cao đẳng trang trí Đồng Nai, ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Lang, CĐ văn hóa TP, ĐH Hồng Bàng...
"Ngành đồ họa đang rất thu hút sinh viên. Trong 6 năm làm công tác đào tạo, tôi ít thấy SV nào tốt nghiệp ra trường lại bị thất nghiệp. Vì nhu cầu của thị trường về nghề thiết kế đồ họa đang rất "khát". Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là một nỗi buồn vì chứng tỏ ngành đồ họa nước ta đang tụt hậu so với thế giới những 50 năm!", họa sĩ, giảng viên Nguyễn Tri Phương Đông nhận xét.
Tỷ lệ nữ SV theo ngành thiết kế đồ họa rất cao: 95% (ở ĐH Kiến trúc) và 80% ở các trường khác. Nghề đồ họa đòi hỏi phải học ở khắp mọi nơi. Đặc thù lớn nhất của đồ họa là tính nhân văn và cảm xúc. Muốn làm nghề giỏi, người học cần có độ sâu về tình cảm, hiểu biết rộng, bởi đây là nghề 2 trong 1 - vừa trí thức, vừa nghệ sĩ.
Nhiều bạn cho rằng nghề này phù hợp với nữ mà không chuẩn bị tinh thần đề hiểu đây là một công việc hết sức vất vả. Một số bạn lại nghĩ nghề này mau kiếm tiền, làm việc trong phòng máy lạnh, với máy vi tính. Thật ra để đi được đến tận cùng với nghề đòi hỏi các bạn phải biết tự trau dồi thêm khi còn ngồi ở giảng đường để có kiến thức sâu về chuyên môn. Thực tế cho thấy, trong ngành đồ họa nam giới tỏ ra có ưu thế hơn. Ngày càng có nhiều bạn nữ theo ngành này nhưng tỷ lệ thành công thấp. Ngoài ra số bạn nữ bỏ nghề lại nhiều hơn nam.
Theo một số giảng viên chuyên ngành đồ họa, đó là điều đáng báo động về phương pháp đào tạo làm cho SV hiểu về ngành không giống nhau. Một số SV cho rằng đồ họa là nghệ thuật, cần tạo hình lãng mạn, phiêu linh. Số khác lại hiểu: cứ giỏi về vi tính, kỹ thuật là đủ trong khi tính ứng dụng chưa được xem trọng.
Ngoài ra, giáo trình khung hết sức lạc hậu, có từ 30 năm. Vì vậy những SV khá giỏi đều phải học thêm vi tính ở ngoài và đi làm thêm từ năm 1, năm 2. Trên thế giới, mode cập nhật từng tháng nên việc đào tạo thiết kế phải được đi trước về thẩm mỹ. VN chưa có trường ĐH chuyên ngành thiết kế độc lập mà chỉ là một khoa trong các trường ĐH.
Đối với ngành đồ họa, thiên hướng rất quan trọng nhưng vấn đề mấu chốt lại là phương pháp, kỹ năng và sự bền bỉ. Cứ 100 bạn thi vào ngành đồ họa chỉ có 5-10 bạn say mê thật nên dám dấn thân. Nhiều SV mạnh mẽ, tự tin đã viết đề cương, xin tài trợ và bán ý tưởng cho các doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi ở giảng đường.
Theo cô Thiên Thư, họa sĩ trình bày báo, công việc sau khi ra trường của SV đồ họa rất phong phú và đa dạng: thiết kế quảng cáo, trình bày báo, thiết kế web, thiết kế bao bì sản phẩm lịch, văn phòng phẩm, tổ chức sự kiện... Chúng tôi đã được đào tạo "chung chung" mỗi thứ biết một ít để ra trường có thể làm được mọi công việc mà thị trường cần. Cách thức đào tạo "rộng mà không sâu" đó là thiếu chuyên nghiệp bởi vì mỗi công việc có những đặc thù riêng.
Ví dụ đối với việc thiết kế bao bì sản phẩm, có đối tượng thiết kế là những khối sản phẩm 3 chiều, họa sĩ cần có hiểu biết về tạo dáng sản phẩm. Trình bày báo là một công việc thú vị, phải tổ chức cảm giác linh động nhưng cũng cần sự đồng nhất từ đầu tờ báo đến cuối trang, tổ chức cảm giác đẹp quan trọng hơn thiết kế đẹp. Vì họa sĩ trình bày là đầu bếp cuối cùng trong một chuỗi các đầu bếp tạo ra món ăn tinh thần".
Nguyễn Thanh Nga (nhân viên công ty quảng cáo Lowe) bày tỏ: "Tôi đã được học ở khoa Mỹ thuật công nghiệp (ĐH Kiến trúc) xem ra có lợi thế hơn các trường khác vì chương trình đào tạo tương đối chuẩn. Nhưng khi ra trường, đi làm chúng tôi đều phải học thêm rất nhiều những cái mới lạ. Làm nghề này giờ giấc không cố định."
Trần Thanh Thảo, nhà thiết kế tự do, tâm sự: "Tôi đã từng thiết kế sản phẩm cho nhãn hiệu Toyota, làm logo cho các nhà hàng. Đi làm thường phải chiều theo yêu cầu của khác hàng nên sự sáng tạo của bản thân bị hạn chế ít nhiều. Nghề này đối với nữ bị hạn chế nhiều, nhất là vấn đề sức khỏe do áp lực công việc cao".
Thiên Phú, nhân viên công ty quảng cáo Leo Brunett, cũng đồng tình: "Khi đi học SV thỏa sức sáng tạo. Đi làm hơi bị khác vì bị bó hẹp trong yêu cầu của khách hàng. Nhưng suy cho cùng, mỹ thuật công nghiệp là đem cái đẹp phục vụ cho công chúng, chúng tôi sẽ thành công nếu họ được chấp nhận!".
Thiên Thư "bật mí" bí quyết: "Khi đi làm chúng tôi phải thích nghi với việc ngay cả khi không có... hứng. Do đó chúng tôi khắc phục bằng cách lúc nào có thời gian phải làm mình tươi mới lại, bằng cách đi thực tế, dã ngoại, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, bạn bè...".
(Theo Careertool)
#135
Nghe một lần nhưng nhớ mãi. Bây giờ tìm được lời nhưng lại không tdownload về được. Help me!

Mơ một hạnh phúc

Khi gặp nhau, tình yêu hé nở nụ cười
Nắng mai làm hồng đôi tim ấm nồng
Bao mộng mơ,ước muốn luôn luôn làm anh vui
Lòng thầm cảm ơn trời đã cho anh gần em
Bao ngày qua, niềm vui cũng đã nhạt màu
Với anh, mộng mị cho anh nỗi phiền
Bao buồn vui giấu kín
Không biết kể cùng ai
Sợ người không vui nên đành thôi
Mơ một hạnh phúc ấm áp nơi con tim anh
Có quá lớn lao không anh?
Hãy nói em nghe đi anh!
Để em được sống mãi với tiếng yêu đầu chất ngất khi ta gặp nhau
Chẳng được sao anh?
Mơ một hạnh phúc mãi mãi chỉ riêng em thôi
Có quá lớn lao không anh?
Hãy nói em nghe đi anh!
Để em được thấy mãi những khi anh cười
Thấy mãi anh trong niềm vui
Và sẽ mãi luôn được gần bên anh
...
SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội