Menu

Show posts

This section allows you to view all posts made by this member. Note that you can only see posts made in areas you currently have access to.

Show posts Menu

Topics - tùng anh

#101
Những cánh bướm ma


Chúng tôi bước chậm rãi trên con đường mòn hình xoắn ốc. Ngoái đầu lại nhìn xuống phía dưới thấy những ngôi nhà chỉ còn bé xíu như những mô hình đồ chơi.

- Lên hết những bậc thang đá này sẽ là lối dẫn vào chùa - Sư thầy bảo.

Chúng tôi tiếp tục bước chậm trên những bậc thang phủ màu rêu. Ngôi chùa nhỏ nằm khuất trong khu rừng yên tĩnh. Mùi hương trầm thoang thoảng trong không khí. Đã nghe thứ gì đó vừa khác lạ vừa thân quen ùa vào da thịt mình. Tôi nép sau vạt áo sư thầy, sợ hãi bước những bước ngắn. Sư thầy cười, quay lại nhìn tôi. Lần đầu tiên tôi thấy sư thầy cười.

Tôi theo chân sư thầy bước lên bậc thang dẫn vào chính điện. Thắp hương. Khấn vái. Cúi lạy. Tôi làm tất cả những việc của kẻ lên chùa cầu phước lành như một cái máy. Đến khi xong, sư thầy bảo tôi ra ngoài.

- Lên chùa sẽ tìm được bình an cho lòng mình.

Tôi lại bước những bước chậm rãi quanh khu rừng nhỏ, tĩnh lặng. Mùa lá xào xạc rụng dưới chân. Tôi nhặt những chiếc lá khô ẩm ướt hình năm cánh giống hệt những bông hoa. Tôi đang đi tìm sự bình an cho lòng tôi.

o0o

Hai mươi tuổi, tôi chợt nhận ra điều mình đã mơ hồ cảm nhận từ rất lâu nhưng không dám khẳng định nó. Tôi cô đơn giữa những người quanh tôi. Cha tôi, mẹ tôi đang ở thế giới nào xa lạ lắm. Thế giới ấy không có mặt tôi. Hình như trước những khuôn mặt, những đôi mắt đang mở to xung quanh mình, tôi đã thành kẻ vô hình hòa lẫn vào không khí xung quanh. Tôi tồn tại nhưng không ai thấy sự tồn tại của tôi. Tôi về với cuộc sống của riêng tôi. Tôi mày mò trong thế giới của tôi, nhìn cuộc sống đang lăn hối hả qua ô cửa sổ nhỏ vuông vức. Mùi không khí lưu cữu trong căn phòng kín luôn đóng cửa trở thành bạn. Tôi sợ hãi trước những gì ồn ào, rộng lớn.

Tôi mày mò đi hết những con đường xa lạ lẫn thân quen như kẻ độc hành mệt mỏi trên sa mạc. Trong những câu chuyện của tụi bạn về thời trang, âm nhạc, lũ con trai, trào lưu mới... tôi hoàn toàn lạc lõng. Một đôi lần tôi đã cố hòa nhập vào thế giới ấy nhưng hoàn toàn bất lực. Sau này tôi phát hiện ra rằng con người cũng như ốc vít, bulông. Cái ốc vít quá to không thể vặn vào một bulông nhỏ. Đừng cố ép mình làm những việc mà mình không muốn.

Tôi thôi không còn ép mình làm những việc mình biết chắc nó chẳng mang lại kết quả gì. Tôi hài lòng với cuộc sống của tôi.

Hai mươi tuổi, một sáng đến lớp học tôi nhận ra không chỉ mình tôi cô đơn, xa lạ giữa thế giới này. Có một người giống như tôi. Bất giác, suy nghĩ chạy ngang đầu tôi. Người ấy rồi sẽ là bạn tôi. Người duy nhất sẽ mở cánh cửa đi vào thế giới của tôi.

Sư thầy ngồi cuối góc lớp, bất động trong tập thể ồn ào, nhốn nháo. Có chăng nổi bật là cái đầu nhẵn thín giữa những mái tóc nhuộm đủ màu, vuốt gel tua tủa. Hai mươi tuổi, tôi chợt nhận ra có những vẻ đẹp không theo một tiêu chuẩn nào cả. Vì tôi thấy khuôn mặt thầy, cái đầu lấm tấm những chân tóc con ấy là đẹp. Tôi quay mặt xuống nhìn sư thầy vài lần. Bắt gặp ánh mắt tôi nhìn, sư thầy cúi đầu xuống trang sách. Màu áo nâu sồng ấy làm tôi nhớ về mẹ tôi.

Mẹ tôi đi theo nhà Phật năm tôi mười tuổi. Tôi nhớ hôm tôi lên chùa thăm mẹ lần cuối, trước khi đi xa, mẹ vuốt tóc tôi và bảo rằng mẹ không thể nào chịu đựng được tội ác đang giày vò mình. Đêm nào ngủ mẹ cũng thấy linh hồn vất vưởng ấy về đòi mẹ đền tội. Linh hồn ấy còn vướng vất mãi, không thể đầu thai vì thân thể đã nát trong vụ tai nạn xe. Mẹ quyết định sẽ đi tu. "Chỉ có đi theo Phật, làm những việc có ích mới mong rửa được tội của mình con ạ. Con tha lỗi cho mẹ vì mẹ đã không ở bên con, chăm sóc con. Hãy sống tốt con nhé. Và chăm sóc cha con".

Mẹ tôi đi. Nhà còn hai người, cha không nhắc về mẹ. Một thời gian dài tôi không dám đến gần cha. Tôi sợ nếu tôi vô tình chạm vào điều gì đó, cha sẽ biến mất như mẹ tôi đã từng. Có lẽ cha tôi đang gặm nhấm tội lỗi của mình bằng cách khác. Trong vụ tai nạn gây chết người ấy, cha tôi là người cầm lái. Sau này tôi biết tôi nhầm. Cha tôi đã quên đi tội ác của mình từ lâu rồi. Ông không sợ hãi, không cảm thấy tội lỗi hay ám ảnh những điều như mẹ tôi chịu đựng. Giấc ngủ ông an lành, thanh thản.

Có lần tôi kể với cha tôi, tôi nghe tiếng khóc trẻ thơ trong giấc ngủ. Là đứa con của người phụ nữ đã chết. Ánh mắt nó vô hồn nhìn tôi. Và tôi thấy bàn tay máu me đang bóp cổ mình. Tôi khóc. Cha tôi hét, tôi bị mẹ tôi đầu độc bởi những suy nghĩ mê tín ấy rồi. Làm gì có ma. Không ai có tội cả. Biết chưa? Pháp luật đã phán quyết như thế, đừng ở đấy nói những lời ngu muội giống mẹ mày. Rõ chưa. Tôi không gật đầu. Tôi biết cha tôi không còn là... cha tôi nữa. Xa lạ lắm!

Ngôi nhà chúng tôi vắng dần tiếng người. Tôi nhớ mẹ tôi trong những giấc mơ không dám chợp mắt vì hình ảnh ma mị cứ hiện ra. Chừng ấy năm rồi, tôi không còn mường tượng nổi khuôn mặt mẹ nữa. Mẹ kế bảo hôm lên chùa đốt nhang có thấy thoáng bóng mẹ tôi. Mẹ đứng từ xa chắp tay lạy mô phật với khách đến thăm chùa. Mẹ kế cười trong câu chuyện kể, nụ cười tôi thấy tàn nhẫn quá độ. Tôi hoàn toàn cô độc giữa hai khuôn mặt được định nghĩa là người thân của tôi kia.

Vào đại học, tôi quyết định sẽ đi khỏi chốn địa ngục đang giết chết linh hồn người ấy. Cha tôi ừ hử chìa ra số tiền tôi cần. "Mày muốn làm gì thì làm nhưng hai năm sau phải đi du học". Đó là lần đầu tiên ông có vẻ quan tâm đến tôi sau khi mẹ kế sinh con trai. Tôi lẳng lặng gói ghém hành lý đi xa. Chuyến đi tôi không muốn có ngày trở về. Tôi cắt đứt sự liên lạc với nơi người ta đang gọi là gia đình.

Tôi sống cuộc sống không bạn bè, gia đình. Chừng ấy thời gian trôi qua, đôi khi tôi thấy mình khá giỏi vì đã tồn tại được. Tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống ấy. Đến khi sư thầy xuất hiện. Đến khi tôi hai mươi, đến khi tôi nhận ra rằng... tôi là con người hoàn toàn bình thường. Tôi cũng cần có bạn. Và bạn tôi sẽ là sư thầy cô đơn ngồi cuối góc lớp kia.

Chúng tôi trở thành bạn.Chúng tôi giống nhau. Có lẽ vì cô đơn, có lẽ vì loại sách chúng tôi đọc khá giống nhau. Sách triết học, Phật giáo, văn học... Có lẽ vì nhìn sư thầy tôi lại nhớ đến... mẹ tôi. Tôi thấy lòng bình thản lạ lùng khi ở bên cạnh sư thầy, khi nhìn khuôn mặt, đôi mắt tinh anh, hiền lành sau cặp kính cận. Tôi bắt đầu đọc nhiều sách Phật, những câu chuyện từ vô lượng kiếp, qui luật nhân quả, luân hồi...

Tụi bạn trong lớp bắt đầu để ý đến sự tồn tại của tôi, đơn giản vì trong đầu chúng, trong những lời chúng cố tình xì xào với nhau rằng "Tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê thật. Đến sư thầy cũng không tha". Chúng cười khoái trá, nụ cười giống mẹ kế tôi. Tôi mặc.

Ngày rằm, mồng một, tôi thường lên thăm ngôi chùa thầy tu. Tôi hòa vào một vài phật tử đang cầu kinh, niệm phật. Lâu dần, tôi hiểu vì sao mẹ tôi quyết định chọn con đường đi tu để tìm thanh thản cho lòng mình.

Sau buổi cầu kinh. Chúng tôi thường ngồi trên những bậc thang đá nói những điều bâng quơ. Sư thầy kể sư thầy được gửi lên chùa từ nhỏ vì khó nuôi, yếu vía, ốm thập tử nhất sinh mấy lần. Cha mẹ gửi nhờ nhà Phật nuôi hộ đến năm mười hai tuổi sẽ rước về. Nhưng từ ấy đến nay không thấy ai rước về cả. Hơn hai mươi năm rồi. Có thể cha mẹ đã quên sự tồn tại của mình mất rồi. Giọng sư thầy chùng xuống, bàn tay nguệch ngoạc những hình thù kỳ lạ trên nền rêu. Một khoảng lặng trôi qua, tôi biết sư thầy đang mong nhớ một mái ấm gia đình. Sư thầy cũng là con người bình thường, mang những khát khao bình thường. Tôi nhìn vào khoảng không xa xăm. Lát sau sư thầy làm bộ mặt tươi tỉnh nhìn tôi.

- Không sao. Như vậy cũng tốt. Vì nếu về với cuộc sống của những người quanh mình, chưa chắc đã hòa nhập, đã sống được - tôi cười méo mó an ủi.

Thời gian khác, chúng tôi vào rừng nhặt lá, xem những cánh bướm. Bướm ở đây bay thành từng đàn hàng trăm con, quấn chặt chân người. Sư thầy bảo người thích nhìn những cánh bướm ma. Chúng xấu xí nhưng chúng ám ảnh trong giấc ngủ, lẩn khuất trong mơ. Người đã thấy chúng rồi sẽ nhớ hoài, nhớ mãi. Tôi thảng thốt, đưa bàn tay chạm vào thứ giấu trong tim. Một thứ mỏng manh, dễ vỡ tôi chưa bao giờ dám đụng vào nó. Ước gì tôi là cánh bướm ma. Ước gì tôi đủ sức lẩn khuất trong giấc ngủ, trong mơ của sư thầy. Tôi biết lòng tôi đang mang ý nghĩ tội lỗi. Chúng tôi chỉ có thể là bạn, nói câu chuyện về sách vở, kinh phật. Lối xưng hô của chúng tôi là sư thầy và... con. Chẳng thể là gì khác được.

Có những bình an không thể ở mãi bên mình, mình không thể chiếm giữ được.

o0o

Cha tôi gọi điện bảo tôi về nhà. Hai năm rồi, có lẽ cha nhắc tôi rằng đã đến lúc tôi phải thực hiện điều cha tôi đã nói. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ là cha không đả động gì đến chuyện tôi sẽ đi du học. Tôi về hai ngày, mẹ tôi đến thăm tôi. Điều này làm tôi bất ngờ. Mẹ bảo bà có việc cần phải hoàn thành xong trước khi trở lại chùa. Mẹ chìa ra tấm ảnh bảo với tôi, đây là tấm ảnh đứa con trai đầu của người phụ nữ năm xưa. Mẹ đã tìm ra địa chỉ. "Cậu ấy được cha mẹ gửi lên chùa từ bé nên chắc sẽ không biết chuyện cha mẹ mình đã chết. Mẹ sẽ đến để gặp cậu ấy, dập đầu tạ tội...". Mẹ tôi vẫn nói bằng giọng run rẩy đầy kích động. Tôi chết điếng. Tấm ảnh trên tay mẹ tôi. Khuôn mặt, ánh mắt ấy thân thuộc đến từng cái nhìn. Làm sao tôi quên. Khuôn mặt người con trai tôi gọi là... sư thầy.

Mẹ tôi đi rồi. Mẹ tôi sẽ bước trên những bậc thang tôi từng bước, sẽ gặp người tôi gặp và... mong nhớ.

Tôi không trở lại trường. Tôi bảo với cha rằng tôi sẽ đi du học, sẽ làm theo những điều cha tôi muốn. Ông ngạc nhiên trước sự thuần phục ngoan ngoãn của tôi.

o0o

Mùa đông ở đất nước xa xôi tuyết phủ trắng xóa. Những thân cây trụi lá vào mùa đông. Sau giờ học, tôi ra ngọn núi phía sau trường nhặt những chiếc lá khô ẩn dưới đống tuyết dày. Không có những cánh bướm ma. Không có tiếng chuông chùa ngân vang trong chiều. Dẫu vậy, những cánh bướm ma vẫn ám ảnh trong giấc ngủ mệt mỏi, nhớ nhung. Chúng ùa về từ miền nào đó trong trí nhớ làm choáng ngợp tôi. Những cánh bướm ma đầy ám ảnh, đã một lần thấy khó dứt bỏ đi được.Tôi mơ hoài mãi những cánh bướm ma...


YẾN LINH
#102
Văn xuôi / Quảng tâm
04/06/08, 22:08
Quảng tâm


Cơn mưa đầu mùa ùa về làm cho mấy nhóm học sinh đang nô đùa giữa sân trường chạy ào vào dãy hành lang. Vài hạt mưa tạt vào chân cầu thang, nơi có một cậu bé đang ngồi trên ghế đá. Nó thờ ơ đưa hai bàn tay bé xíu, khô gầy lên vuốt mặt.

Vị mặn thấm qua môi, nó cắn chặt hai hàm răng, rồi cúi xuống ghế lấy tay nải khoác lên vai. Tiếng chuông báo hiệu giờ học bắt đầu, các học sinh đã nhanh chân chạy vào lớp. Màn đêm phủ xuống những tán cây bàng rậm rạp làm không gian càng tăng thêm vẻ lạnh lẽo cùng cơn mưa. Một bóng người ướt sũng, vội vã chạy từ bãi giữ xe vào hành lang rồi lao đến cầu thang. Anh bất chợt dừng lại bên cậu bé, lên tiếng:

- Sao em chưa vào lớp?

- Dạ...

Nó khẽ ấp úng nhìn người đối diện rồi cúi mặt xuống. Cơn gió bất chợt ùa vào cầu thang khiến cho chỏm tóc của cậu bé phủ xuống mặt. Nó chậm chạp đưa tay vuốt tóc rỗi khẽ kéo tà áo, bước lên bậc cầu thang.

- Em đang bệnh hả? Em học lớp nào để tôi xin phép giáo viên cho em nghỉ học tối nay?

Người thanh niên tỏ vẻ quan tâm, bàn tay vỗ nhẹ xuống vai nó.

- Dạ! Em hổng sao đâu. Tại trời mưa nên em hơi mệt. Cám ơn anh!

- Ừ! Vậy thì tốt rồi, thôi em vô lớp học đi.

oOo

Mưa vẫn rả rích, từng giọt mưa đua nhau chạy dài trên mặt đường tạo thành những bong bóng nước nhỏ nối đuôi nhau lao xuống miệng cống đen ngòm. Cậu bé lầm lũi đi trong mưa, bóng nó đổ dài dưới ánh đèn đường. Vài chiếc xe máy lao vụt qua để lại phía sau những vệt nước bắn tung tóe. Nó chợt mỉm cười, rồi thầm thì:

- Sao giống với những con sóng phía sau vỏ lãi của ba mỗi khi chở cua tôm ra chợ bán cho chủ vựa. Ước gì mình lại được ngồi phía trước mũi vỏ lãi để cảm thấy như đang bay trên mặt nước...

- Nè! Sao em lại đội mưa đi như vậy? Em về đâu, để anh chở giúp?

Người thanh niên lại xuất hiện, dừng xe bên cạnh nó. Sau đó anh nở một nụ cười nhìn nó.

- Cám ơn anh ! Em đi bộ chút xíu nữa là về tới chùa Phật Quang rồi.

- Vậy hả, em ở ngôi chùa phía sau lưng ký túc xá Bách khoa trường anh. Ngay đầu đường Đào Duy Từ phải không? Trùng hợp quá, anh em mình cùng đường rồi. Nào lên xe đi, anh cho em quá giang.

Cậu bé chậm rãi leo lên ngồi phía sau, hai bàn tay nắm chặt lấy yên xe. Anh thanh niên nhấn bàn đạp, vệt bánh xe chạy dài trên con đường ngập nước. Bất chợt, anh nghiêng đầu ra sau, hỏi:

- À này, em tên gì?

- Dạ, Quảng Tâm.

- Hả? Tên gì chứ.

- Quảng Tâm là pháp danh của em.

- Còn tên ngoài đời là gì?

- Trần Thiên Thanh.

- Tên đẹp đó. Em bao nhiêu tuổi rồi?

- Dạ, mười ba...

Bầu trời bỗng loé lên những ánh chớp xanh lè. Chiếc xe chao đảo làm hai người gần té. Anh thanh niên thở hổn hển, rồi cười:

- Em sợ không? Vậy mà một mình lủi thủi đi trong mưa thì buồn biết mấy.

Cậu bé im lặng. Cũng may là từ lúc lên xe, nó đã vịn chắc yên xe nên cú chao đảo vừa rồi không làm nó sợ. Không hiểu sao nó lại có cảm giác rất thân quen và gần gũi với người thanh niên mới gặp này.

Anh dừng xe trước cổng chùa, mỉm cười chào nó. Rồi anh quay xe đạp đi về phía đường Nguyễn Kim. Quảng Tâm nhìn theo đến lúc bóng anh khuất sau làn mưa rồi mới bước vào chùa.

oOo

Vậy là nó thành người bạn nhỏ của anh. Anh là sinh viên và làm bí thư chi đoàn nên được mời đến dạy cho những đứa trẻ lang thang, nghèo khổ hoặc những chú tiểu chóp như nó.

Nó đến thành phố được gần ba năm nhưng không có ai làm bạn, ngay cả những chú tiểu ở trong chùa. Thầy trụ trì đón nó về đây vì nể tình người bạn cũ ở Kiên Giang. Nó đã được gia đình gởi đến chùa do căn bệnh lạ, vì không hiểu nên người trong nhà tỏ ra lo sợ. Bây giờ thì nó đã biết rõ bệnh của mình, đơn giản là bệnh hở van tim, do đó sức khỏe của nó rất yếu. Nhưng nó không thể chữa trị được căn bệnh nan y đó vì không có tiền.

Anh thường chọc quê nó:

- Anh cứ tưởng em là con gái đó, vì em quá mỏng manh, yếu đuối. Thôi ráng lên, vài năm nữa lớn đi tập tạ với anh.

Mới đó mà nó đã quen anh được nửa năm. Anh luôn tỏ ra quan tâm đến nó. Anh nói rằng em trai anh cũng cỡ tuổi nó nhưng bị bệnh và ra đi từ nhỏ. Do vậy, anh muốn nhận nó làm em nuôi và chưa bao giờ anh gọi pháp danh của nó. Những món quà anh tặng nó chỉ là những thứ nho nhỏ như cái cặp, quyển truyện hoặc cây viết... nhưng sao nó cảm thấy thật hạnh phúc. Những lúc đó nó chỉ ao ước rằng anh chính là người thân trong gia đình, vì nó chưa bao giờ được nhận sự quan tâm hay những món quà như vậy.

oOo

Tết đến, anh phải chia tay nó để về quê cùng gia đình. Hôm tiễn anh ra bến xe, nó cố gắng cắn chặt hai hàm răng để không khóc, nhưng nó không thể. Lúc đó, nó ao ước cũng được về đoàn tụ cùng gia đình. Bảy năm qua chưa bao giờ nó có được điều đơn giản đó. Nó tự nhủ: "Sao ba má lại bỏ con, sao các anh chị không bao giờ tới thăm? Con có tội gì?..."

oOo

Anh vừa trở lại ký túc xá đã vội vã chạy qua thăm nó, nhưng tìm mãi vẫn không thấy tiểu chóp Quảng Tâm. Thầy trụ trì đưa cho anh một lá thư, rồi nói:

- Cám ơn thí chủ đã quan tâm tới tiểu chóp Quảng Tâm trong thời gian vừa qua. Nhưng từ nay Quảng Tâm sẽ không làm phiền thí chủ nữa.

Anh đọc lá thư ngắn chỉ có một dòng chữ của nó: "Anh sẽ mãi làm anh Hai của em nghen!". Kể từ đó anh thường leo lên sân thượng nhà chùa để đốt những lá thư gởi cho nó, trong thư cũng chỉ có một dòng: "Anh hứa sẽ mãi làm anh Hai của Thiên Thanh ".

oOo

Hai năm sau anh tốt nghiệp đại học. Anh qua chùa Phật Quang, lên sân thượng để đốt lá thư cuối cùng gởi cho Quảng Tâm, vì anh đã quyết định về quê làm kỹ sư xây dựng. Anh đang thì thầm câu nói quen thuộc với Quảng Tâm, bỗng giọng thầy trụ trì vang lên:

- A di đà phật, thầy có việc cần nói. Thí chủ hãy đi theo thầy.

Anh theo thầy trụ trì vào thư viện. Thầy lấy một lá thư đã ố màu đưa cho anh. Giọng thầy chùng xuống:

- Lá thư này lẽ ra phải gởi cho thí chủ từ lâu, nhưng hôm nay thầy mới đưa vì được biết thí chủ sắp rời xa nơi này. Hai năm trước, Quảng Tâm đã để lại hai lá thư. Lần đầu tiểu chóp còn khỏe mạnh, nhưng sau tết thì Quảng Tâm rất yếu. Tiểu kiếp của Quảng Tâm đã hết, có thể lá thư này là lời từ biệt.

Những dòng chữ nguệch ngoạc chạy dài trên trang giấy cũ: "Anh Hai ơi, chắc đây là lần cuối cùng em viết thư cho anh. Em rất mãn nguyện khi được anh quan tâm và nhận làm em. Nhưng căn bệnh của em ngày càng nặng, lòng em lại muốn tìm về quê thăm cha mẹ, anh chị nhưng không thể. Anh Hai hãy giúp em về quê nghen, tâm nguyện này em mong mỏi từng ngày, từng giờ...".

Hai giọt nước mắt tự nhiên lăn dài trên gò má khô gầy của anh.

- Thưa thầy trụ trì, xin người cho phép con đưa hài cốt của Quảng Tâm về quê như ước nguyện của tiểu chóp muốn về với gia đình.

Thầy trụ trì gật đầu, khẽ nở một nụ cười, như trút được nỗi lo âu đã giấu kín hai năm qua. Anh từ biệt chùa Phật Quang, chia tay Sài Gòn tìm về Kiên Giang vào một ngày mưa phùn lất phất, nhưng lòng thật thanh thản, bình yên...


THANH BÌNH NGUYÊN
#103
Thơ sáng tác / Vô đề
04/06/08, 01:30
Vô Đề

Tiếng mưa không phải trên trời
Mà trong lòng khóc nên lời của mưa
Hạt mưa như ánh sao thưa
Ngắm sao như ngắm hạt mưa giữa trời

Ngày xưa khi tình rạng ngời
Ngàn sao là nến mình ngồi bên nhau
Bây giờ tình đã phai màu
Em cô đơn với nỗi sầu trong tim

Từng chiều em vẫn dõi tìm
Nhành hoa tím biếc như tìm dáng anh
Hoa giờ đã rợp lối xanh
Người em yêu mến giờ anh nơi nào?
Tùng Anh
#104
Văn xuôi / Gió trời
03/06/08, 11:04
Gió trời


Cơn chướng vừa lùa qua chái bếp. Miên ngồi đó huơ tay, xua khói bay theo gió, những lọn khói cay xè cứ xồng xộc khiến mắt Miên rơm rớm nước. Ai mà không biết vô tình đi qua bắt gặp cứ ngỡ Miên vẫn còn se sắt cái chuyện đau lòng hôm nào...

Bà Sáu bỏm bẻm nói với nó, mắt đăm đăm nhìn đám lá càng cua chưa tước hết râu:

- Sao ba má bây dạo này hay cãi nhau quá vậy? Tụi bây thấy ổng bả cãi sao không nhảy vô can, nói đỡ vài câu đi? Ăn ở với nhau gần mấy chục tuổi đời mà có bao giờ gió yên bể lặng đâu, cứ gây nhau suốt. Bộ không cãi nhau là không nuốt cơm vô hay sao ấy?

Nó không biết nói sao với bà Sáu. Chỉ biết thở dài theo cái nhìn khó hiểu của bà. Bà Sáu cũng biết tính nó nên thôi. Mấy cơn nắng cứ chếnh choáng ngoài mái giậu. Nhìn thấy đám quần áo phơi lù khù trước mặt, nó quay lại nhìn bà: Thôi, con về , còn cả thau đồ chưa giặt.

....

- Chiều nay tao đi lên xã, bây khỏi chừa cơm cho tao - má nói giọng nghe chan chát. Ngưng một quãng, má nói tiếp với Miên: - Thằng cha bây đàn đúm, chê tao già theo con khác, không còn lo cho bây và thằng Hưng nữa. Tao lỡ mang cái nghiệp làm má bây phải ráng chứ biết sao nữa. Bây ráng mà lo...

Má quay vào buồng thay đồ, xong lại quầy quả cắp túi đi. Nó nghe lòng hồng hộc, mắt nhìn theo dáng bà hun hút phía con đường đất ngoằn ngoèo bé tẹo như cọng chỉ.

- Anh hai ăn cơm đi, em dọn lên rồi.

- Ừ, anh đang vá cái bao lúa, em ăn trước đi, để chiều còn đi học nữa.

Nó không trả lời, với tay gom đống sách vở soạn sẵn hồi sáng cho vào cặp. Cái lưng cong thòng, ốm nhách, trùng trục xương ướt mượt mồ hôi khiến nó tự nhiên thấy rầu rầu. Bình thường thấy hoài mà, sao tự nhiên bữa nay...
Nó xách cặp đi, đôi lúc nhìn lại bậc cửa, thấy cái dáng lòng còng đang đong đưa mắt nhìn theo nó.

...

- Má, con tính thi sư phạm?

- Bây thích gì thì học đó. Tao ráng lo. Nhà chỉ còn bây đi học. Bây ráng học sau này ra làm việc với người ta, có tiền, giúp thằng anh bây nó lấy vợ. Cái thằng lớn ngần này mà cứ như ông già. Chẳng giống như cha bây, già mà còn thích hồi xuân...

- Em thích sư phạm thì cứ đăng ký thi. Anh và má ủng hộ.

Nhìn gương mặt gầy rộc hiền như cục đất của anh hai, nó chạnh lòng. Rồi quay sang  nhìn cha đang nằm sấp ngửa trên giường, còn vương nồng nặc mùi rượu. Nó xót xa. Cha bây giờ thay đổi nhiều quá. Lúc trước có bao giờ cha làm khổ con cái đâu. Cãi trận nhỏ, trận lớn gì với má cũng không bao giờ mắng mỏ, quát nạt hay trút giận lên nó và anh hai. Vậy mà trưa nay, lúc anh hai đỡ cha lại giường, nó thấy cha đạp anh hai một cái rõ đau. Anh hai loạng choạng quay ra. Nó thấy anh hai xuýt xoa hai cái đầu gối. Không biết anh hai đau hai cái đầu gối hay đau lòng nhiều hơn nữa?!

...

Rồi y chang má nói. Hơn nửa tuần lễ sau, nhà nó vắng hẳn mùi rượu nồng nặc của cha. Cha bỏ má con nó đi. Nó không biết rõ nguyên nhân. Má nói: "Thằng chả đi theo con khác...". Còn bà Sáu thì nói: "Chắc má bây làm cha bây bực, ổng tức khí, chịu không nổi nên đi chứ gì. Thôi bây đừng buồn, ráng mà lo học hành, chừng nào ổng tỉnh, ổng về với bây...".

Nó lan man nghĩ không biết cha nó có về không nữa. Mấy lần xóm nó cũng có chuyện tương tự như vậy. Có thấy ai về đâu, mấy năm trời chứ ít ỏi gì. Thằng Mún con thím Tư, sáu, bảy tuổi rồi mà vẫn không có cha đó thôi. Nó tựa lưng vô nhánh sầu đâu , tự nhiên thấy mắt cay xè như lúc vô bếp bắc cơm hôm bữa. Những cơn gió chiều len lỏi vuốt má nó, quẹt mấy giọt nước còn vướng víu trên hai hàng mi mắt. Nó lấy xấp tài liệu ra nhẩm tiếp cái bài còn học dở. Mùa thi mà ông trời có thương nó miếng nào đâu...

...

Nó đậu Đại học Sư phạmTP.HCM. Má cười, anh hai cười rõ vui. Nó cũng vui, mà sao thấy thiếu thiếu. Rồi bốn năm bữa nữa, nó lại lên đường. Anh hai đưa nó đi kiếm nhà trọ, rồi lấy tiền má đưa lo hồ sơ thủ tục nhập học cho nó. Nó đi rồi, nhà chỉ còn má. Sau này lỡ anh hai lấy vợ, chỉ còn má thui thủi một mình. Nghĩ tới bốn năm học trên Sài Gòn, dưới quê má với anh hai còng lưng cuốc ruộng, đi xáng cỏ mướn cho người ta, nó thấy lòng nặng trịch. Vui thì vui, mà buồn cũng đâu ngớt.

- Bữa nay tao nấu chè đãi bây. Mai đi rồi, vô soạn đồ để đi cho đúng giờ.

...

Tối nay, nó đòi ngủ chung với má. Má chẹp lưỡi: "Bộ bây tính đi rồi không về mà đòi ngủ chung với tao lần cuối?". Cái giọng chát như hờn như dỗi của má nghe quen rồi mới hiểu, mới biết khi nào má giận, khi nào má thương. Nó đứng đó tần ngần. Cái mùi thịt kho mằn mặn này, đi xa chắc nhớ lắm !

- Hồi đó tao sanh bây. Thằng cha bây chạy đôn chạy đáo. Rồi lúc bây nằm đỏ hỏn nặng có hai ký lô mốt, tao thấy ổng nhìn bây mà cứ cười hoài. Tao tưởng đâu có bây, ổng sẽ quên chuyện xưa mà lo làm ăn, sống với tao đúng nghĩa vợ chồng. Vậy mà...

- Chuyện xưa gì hả má ?

- Thì hồi đó, ổng bị ép lấy tao. Nghe đâu đó nói ổng có người yêu trước khi quen tao. Mà người đó rất đẹp, là cô giáo duy nhất ở xóm. Tao đâu có biết tên chi. Tao cũng bị ép gả chứ sướng vui gì. Chỉ có cái khác là tao chưa kịp yêu thằng cha nào, chứ không thôi tao cũng không nặng nợ với cha bây như vậy.

Nghe giọng má ngậm ngùi. Nó không biết mình phải nói gì, chỉ thấy hình như má cũng đang buồn thúi ruột. Gió đêm ràn rạt hai bên liếp cửa, nó nằm bâng quơ suy nghĩ.

Má thấy nó còn thức, vỗ vai: "Bây ngủ đi, mai còn đi sớm".

Nó quay sang ôm má, mắt rơm rớm nước: "Con đi rồi, má nhớ con không?".

Nó hỏi thừa vậy mà má cũng trả lời:

- Bây đi học hành tử tế, tao thương tao nhớ. Chứ bây lên trên đó mà đàn đúm, ăn chơi, bây có về tao cũng đuổi.

- Bây làm cô giáo tao mừng. Chỉ khổ anh bây, thằng cha bây đi rồi, nhà mình chỉ  nó đàn ông con trai chèo chống. Tao bây giờ hay bệnh. Nó chưa được học hành tới nơi tới chốn, lại là con tao nuôi giùm người ta nên chưa bao giờ ổng thương thằng anh bây... Cuộc đời tao chỉ còn hai đứa bây an ủi. Bây ráng mà học hành chăm chỉ, mai mốt về giúp anh bây dạy con, dạy cháu. Tao cũng mong năm sau kiếm được một đám cho nó.  Đời này cũng ngộ. Hồi đó biết ba bây có người yêu là cô giáo, tự nhiên tao cũng tự ái không cho anh bây đi học. Cả xóm này mình bả dạy, dù ai khuyên phải quấy tao cũng không nghe. Mà bây giờ bây sắp làm cô giáo. Thằng cha bây mà ở đây, chắc nhớ người yêu phải biết!

...Giọng má như nghẹn lại. Hai con mắt thô ráp nhúm lại như sắp rỉ nước. Đây gần như là lần đầu tiên nó thấy má sắp khóc. Hồi đó có cãi nhau, có đánh nhau với cha, má cũng chưa bao giờ đau xót đến vậy. Hôm nó chơi ngoài bờ kè, té bể đầu, má cũng chỉ lo chứ không hề khóc. Nước mắt đối với má dường như là một thứ xa xỉ. Má chẳng biết đau, dù đôi lúc nó vẫn thấy má hay ngồi bên bậc cửa xe chỉ mà thở dài sườn sượt.

Má im lặng, hai con mắt thiếp lại , lộ rõ hai đường chỉ kéo dài từ khoé mắt. Người ta nói kẻ mắt ai mà dài là đời rất khổ. Phải suy nghĩ nhiều và cuộc đời đầy trắc trở. Nó vuốt tóc má, mấy cọng rơm vẫn còn vương trên những sợi tóc cứng đờ thiếu hẳn sức sống. Tay má chai sần, đôi môi thiếu nước khô khốc. Nó ôm má vào lòng, nghe má thở từng hơi nằng nặng.

Nằm hoài một hồi không ngủ được. Nó khe khẽ bước ra ngoài. Tối nay trăng vằng vặc thật đẹp. Mấy nhánh tre lạo xạo. Nó ngồi bệt xuống đống rơm anh hai mới chất hồi sáng. Ngày mai, chưa đầy mấy tiếng nữa, nó sẽ rời xa nơi này. Nơi có má, có anh hai và đã từng có cha luôn ở bên nó.

Cha có tàn nhẫn quá khi chưa bao giờ âu yếm và yêu thương má. Có nó rồi cha vẫn không nguôi những sự quẫy đạp âm ỉ bấy lâu để rồi bỏ má con nó chơ vơ. Niềm vui của nó giờ không còn song hành cùng niềm vui của cha nữa sao?

Nó thương cho má, mà cũng không dám trách cha. Hồi bé, cha hay ở cạnh nó mỗi khi nó buồn. Có lần nó làm mất cái nơ má mua cho, ngồi khóc sướt mướt, cha lặng lẽ làm cho nó mấy con cào cào bằng lá dừa rồi ôm nó vào lòng an ủi. Hay như cái hồi năm nó mười lăm tuổi, nó theo cha ra đầm câu cá, giăng lưới. Suốt buổi chiều hai cha con vừa câu vừa song ca mấy bài vọng cổ... Hát xong cha lại cười khùng khục vuốt tóc nó: "Con gái cha hát ngọt như mía lau".

Nó còn nhớ có một lần đem cơm cho cha ngoài ruộng. Nó ríu rít hỏi cha: "Nếu được hóa thân thành một cái gì khác, cha sẽ là gì?".

Cha vuốt đầu nó: "Thế con gái cha muốn làm gì?". "Con muốn hóa thành cánh chim bay khắp nơi. Được đến những nơi xa ơi là xa...". Cha bật cười: " Vậy thì... cha sẽ hóa thành ngọn gió trời, nâng cho cánh chim của con gái cha được tung bay thỏa thích...".

Gió ngoài sông thốc vào mát lạnh. Nó xòe tay đón lấy từng ngụm gió đang phập phào mơn man. Chướng tháng mười năm nay yếu nhiều hơn so với năm ngoái. Ngồi ngoài này nó cảm thấy mát lạnh chứ không còn phải co ro. Nhưng nó không còn được ngồi huơ tay dưới đống lửa lều phều bên cha cùng nướng vùi mấy củ khoai ngọt lịm nữa.
Cho dù có ai đó nói với nó những điều không hay, rằng những suy nghĩ của nó là viển vông, nhưng nó vẫn tin có một ngày cha sẽ quay về, và mái nhà này vẫn là nơi bình yên nhất ru nó trong những bến bờ yêu thương khi nó học xa trở về.

Điều quan trọng bây giờ là nó tin cha. Dù ông có như những ngọn gió bay chấp chới khắp cùng trời cuối đất thì nó vẫn cứ tin rồi có lúc ông sẽ lại trở về bên nó.


NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ
#105
Văn xuôi / Hai tờ khai
03/06/08, 11:00
Hai tờ khai


Không họ hàng thân thích. Tay trắng. Một đời găm mặt vào đất đồng. Gặp nhau, thế rồi thành vợ chồng. Thôi thì đùm bọc lấy nhau. Cùng đồng cam cộng khổ.

Hiếm muộn, gần bốn mươi chị mới mang bầu. Siêu âm, bác sĩ bảo con trai. Thế là có người hương hỏa. Anh vui. Chị cũng vui. Dù biết trước sinh con ở tuổi này khó khăn lắm đây.

Bụng đã to. Anh bảo nghỉ ngơi cho khỏe. Chị cười, ở không bứt rứt lắm. Thế là quảy gánh ra đầu làng. Dân quê, ai có quả chanh, nhúm ớt, bắp chuối... chị mua. Chịu khó đem bỏ mấy quán ăn cũng kiếm thêm vài đồng tiền công, sắm được cái áo cái quần cho con đỡ tủi.

Bữa đó mua được kha khá hàng. Chị nhẩm tính cũng được hơn chục ngàn. Phấn chấn, chị gánh băng băng. Giữa đường ngồi nghỉ, chị xoa xoa cái bụng, lát mẹ sắm cho con trai cái nôi đẹp nghen! Bữa nay nữa thôi. Theo mẹ suốt ngày chắc con mệt lắm! Rồi miên man. Xung quanh nhạt nhòa, chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Người đi đường đưa chị vào bệnh viện.

Đến tối, con được lấy ra sau một ca phẫu thuật phức tạp.

Hôm sau, anh đưa chị về. Con nằm lại trong lồng kính.

Gần chục ngày sau, anh đến ủy ban xã làm hai tờ khai. Một cái khai tử cho vợ. Một cái khai sinh cho con. "Anh không biết chữ. Em làm ơn ghi giùm anh cho đúng. Tên nó là Trần Đại Vui. Má nó chọn đó! Nó là máu mủ, là niềm vui muộn màng của anh chị mà!". 


NGUYỄN THẾ THỌ
#106
Văn xuôi / Lỡ hẹn
03/06/08, 10:56
Lỡ hẹn


Ngày ấy, chúng tôi còn rất trẻ và hăm hở vào đời với những lý lẽ riêng, không ai chịu ai và cuối cùng cũng có một quyết định. Đó là tạm chia tay. Đến khi mỏi gối chồn chân sẽ quay về tìm nhau và thời hạn đưa ra là ba năm.

Thời gian đầu chúng tôi liên lạc với nhau bằng thư, bằng điện thoại. Về sau do điều kiện kinh tế nên đổi số điện thoại liên tục và đến một ngày không còn liên lạc được với nhau. Thay vào đó là những cánh thư gửi đi nhưng chờ mãi không có lời đáp. Mỏi mòn chờ đợi nhưng chưa thật rõ mình đang chờ đợi cái gì, trong khi thời hạn ba năm chưa đến và lòng tự trọng của người con gái không cho phép tôi tìm anh.

Từng ngày trôi qua với tôi lúc ấy sao thật nặng nề, có lúc tưởng chừng không thể chịu đựng nổi, nhưng về sau niềm vui trong công việc đã khiến tôi ít nghĩ về anh hơn, ít nghĩ đến chuyện buồn này hơn. Tuy nhiên tự trong thâm tâm tôi vẫn chờ đợi đến ngày hẹn ấy.

Tôi cố gắng thu xếp công việc để về xuôi sớm và xuất hiện trước mặt anh đúng vào thời khắc quan trọng ấy. Đến đây tôi không dám tưởng tượng gì thêm nữa vì niềm vui đã dâng lên thành tiếng... tôi đang hát.

Kính koong! Kính koong! Tiếng xe đạp của bác bưu tá quen thuộc vẫn thường giao báo cho thư viện trường đã làm tôi sực tỉnh. Tôi vội chạy ra lấy báo và bác vui vẻ móc từ trong cặp ra một bức thư đề người nhận tên tôi và người gửi tên anh. Tôi cảm ơn rối rít và đi vội vào trong đọc thư. Ngoài tờ giấy gấp tư vừa rút khỏi phong bì ra thì trên nền đất vừa rơi thiếp giấy màu đỏ chói với hai chữ nổi "thiệp hồng". Sau vài giây choáng váng, tôi nhận ra tên anh và tên người con gái xa lạ.


NHẬT LAM
#107
Văn xuôi / Mùa hẹn ước
03/06/08, 10:30
Mùa hẹn ước


Gió chiều mỗi lúc một mạnh hơn, mấy cánh phượng vẫn bay tơi tả nơi cuối đường. Lại một mùa hạ nữa chỉ mình tôi nhặt cánh phượng rơi ép vào trang vở. Nhỏ ở nơi nào có còn nhớ lời hẹn ước năm xưa?

... Nhà nhỏ nằm cạnh nhà tôi chỉ cách nhau một gốc phượng già cằn cỗi. Chiều chiều nhỏ và tôi thường ngồi dưới gốc cây để học bài hay rủ tụi bạn trong xóm chơi trò "hoàng tử cứu công chúa" bằng những chiếc áo mưa quấn quanh người. Mấy cánh phượng tôi kết thành vòng hoa cài lên đầu nhỏ cho giống cô công chúa trong các bộ phim Trung Quốc, còn tôi lấy tấm khăn bàn của lớp xếp nhỏ lại rồi quấn trên người cho ra vẻ một chàng hoàng tử hào hiệp, đẹp trai trong các chuyện cổ tích.

Tuổi thơ đẹp quá, ngây ngô quá. Chỉ vì tranh nhau một nhành phượng vĩ mà nhỏ giận tôi suốt buổi chiều. Cả buổi chiều ấy trôi qua với tôi một cách nặng nề và mệt mỏi. Nhỏ giận lâu, báo hại tôi phải hái thật nhiều hoa phượng sang nhà nhỏ xin lỗi. Nhỏ cười. Tôi vui sướng.

Tôi yêu hoa phượng, nhỏ cũng yêu hoa phượng. Bởi một điều rằng nhỏ sinh ra vào một ngày đầu hạ, cây phượng vĩ bên nhà vừa hé nụ, lác đác vài bông hoa báo hiệu một mùa mới bắt đầu - mùa của vui sướng và hạnh phúc. Còn tôi, tôi yêu hoa phượng vì nó là màu của học trò, của sự ngây thơ và hi vọng. Trong màu thắm hồng ấy đã chứa đựng cả một niềm tin của tôi và nhỏ - niềm tin vào một ngày... ngày mai đó...

Năm tháng trôi qua nhanh, gốc phượng già nua đã gắn liền với khoảng trời hạnh phúc của tôi và nhỏ. Một mùa hạ về, một lần phượng hồng khoe màu sắc thắm cũng chính là một mùa kỷ niệm của tôi, của nhỏ, của những đứa trẻ nghèo ở vùng quê quanh năm hứng đầy gió cát. Hoa phượng nở như đang xua dần cái không khí ảm đạm của làng quê nghèo - nơi có những người dân đang ngày đêm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Khung trời hạnh phúc ấy tôi cứ nghĩ sẽ tồn tại mãi bên hai đứa. Vậy mà chiều hôm ấy, cũng một buổi chiều đầu hạ cái nắng như thiêu đốt của mấy tháng không có mưa, chỉ có gió và cát thổi từ biển vào sao nghe mằn mặn. Nhỏ chạy sang nhà tôi không phải để mượn vở hay rủ nhau nhặt hoa phượng. "Hoàng ơi, mai Hạ theo gia đình vào thành phố sống rồi!". Lời nhỏ nói tôi cứ tưởng là bông đùa vì thường ngày nhỏ vẫn bảo thế để trêu chọc tôi. Nhỏ dễ ghét quá!

Thế rồi ngày chia tay cũng đến. Mọi ngày gặp nhau tôi với nhỏ tíu tít đủ thứ chuyện vậy mà hôm tiễn nhỏ đi hết con đường làng cả hai đứa đều không nói được một câu. Pha lẫn trong tiếng gió, tiếng ve kêu âm ỉ cùng với cánh phượng rơi đỏ cả con đường, nhỏ lấy trong cặp một quyển sổ:

- Tặng Hoàng làm kỷ niệm nè. Đôi bướm này Hạ đã làm từ những cánh phượng Hoàng mang sang nhà khi hai đứa giận nhau. Mùa hạ năm sau, Hạ sẽ về. Nhất định Hạ sẽ về để nhặt phượng rơi cùng Hoàng.

- Hạ ơi, chúng mình đặt tên con đường này là "con đường Hoàng Hạ" nhé?

"Con đường Hoàng Hạ" vang lên như chứa đựng một lời hứa hẹn, một niềm tin của tôi và nhỏ. Con đường của những ngày nhặt phượng rơi, tung tăng đuổi bắt hay con đường của tôi và nhỏ thường đi trong mưa bằng chiếc xe đạp cà tàng...

Nhỏ đi, tôi đếm từng ngày từng tháng. Một ngày, hai ngày, rồi một năm, hai năm trôi qua nhỏ vẫn biệt tin. Nhỏ không về thăm làng quê nghèo có con đường mang tên hai đứa. Mùa hạ năm nay lại về, gốc phượng già bên hiên nhà bắt đầu trổ hoa. Con đường mang tên tôi và nhỏ phủ đầy cánh phượng rơi nhưng không còn ai nhặt nữa.

Hạ vô tình rơi hoài theo năm tháng
Ai vu vơ nuối tiếc một thiên đàng


Mùa hạ của thời gian vẫn về theo năm tháng. Còn nhỏ - mùa hạ trong trái tim tôi giờ ở nơi nao? Thiên đàng hạnh phúc của những ngày nhặt hoa phượng và lời hẹn ước năm nào nhỏ còn nhớ hay quên?


VÕ THỊ LỆ
#108
Thơ sáng tác / Tình vui
02/06/08, 22:43
Tình vui

À ơi ai hát tình vui
Lời ca liến thoắng thật vui duyên đời
Nhịp đưa nhịp đẩy theo lời
Bao nhiêu hạnh phúc rạng ngời thế gian

À ơi cơn gió lang thang
Cùng ta hát khúc tình tang tính tình
Tình vui ta hát với mình
Câu thương câu nhớ câu tình câu yêu

À ơi anh/em hát em/anh trêu
Trời trưa chen tiếng sáo diều vi vu
Tình vui tựa sóng hồ thu
Dịu êm thanh thoát cõi tiên giữa trần

Tùng Anh
#109
Văn xuôi / Có một mùa hoa
02/06/08, 18:46
Có một mùa hoa


Khi tiếng ve bắt đầu râm ran trên những ngọn cây cũng là lúc sắc hoa bừng nở. Hoa có ở khắp nơi. Rực rỡ trên từng con đường, từng góc phố. Hoa lung linh giữa sân trường nắng tươi khiến tâm hồn học trò phải ngẩn ngơ...

Một ngày nắng, ngồi trong lớp học mà đầu óc cứ để tận đâu đâu. Thì ra ngoài  kia bằng lăng đã nở tím từ khi nào. Màu tím mộng mơ chất chứa một nỗi niềm xưa cũ. Thoáng giật mình: ''Mùa hạ đến rồi sao?''. Bạn bè xung quanh ngơ ngác. Không một tiếng trả lời. Lại còn bị ăn một cái cốc đầu đau điếng. Ai bảo đãng trí: "Tháng năm rồi còn gì?".

Ừ nhỉ! Tháng năm. Bằng lăng mùa hạ. Hoa gì mà đẹp thế? Chẳng phải bởi dáng hình kiều diễm hay hương thơm quyến rũ. Nó hớp hồn ta bởi chính cái màu tím biếc ngây thơ ấy. Chẳng thế mà cứ mỗi giờ ra chơi, cả bọn lại tranh nhau chụp ảnh dưới tán bằng lăng để lưu giữ lại cái khoảnh khắc hoa nở tuyệt diệu ấy. Sao mà trẻ con thế?

Rồi có những trưa hạ, bước chân đến trường mà cứ ngỡ là đi trong mơ. Sao mà nhiều nắng vậy? Ồ! Nhưng không phải. Tại hoa điệp nở vàng mà ta cứ ngỡ là nắng. Có phải hoa điệp thẹn thùng nên giấu mình vào nắng? Hay tại nắng tinh nghịch đang chơi trốn tìm sau  những chùm hoa điệp? Để gió cứ mải mê kiếm tìm mà chẳng thấy. Nên gió giận dỗi thổi tung những cánh hoa rơi đầy xuống lòng đường. Làn tóc rối cũng hiếu động cứ nô đùa với hoa. Đường đến trường như dài và rộng hơn bởi tấm thảm hoa rực rỡ. Ta cứ bước chầm chậm, sợ làm đau những cánh hoa mỏng manh. Để rồi tới lớp lại bị thầy giáo mắng vì hay đi học muộn. Chẳng biết giải thích với thầy ra sao. Xấu hổ quá. Chỉ tại hoa điệp mà thôi...

Lại có những lúc ngồi ôn bài dưới ghế đá mà lòng thấy nao nao. Hạ về rồi nhưng hình như vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Nhìn lên trên, thấy tán phượng vẫn xanh. Lòng thầm trách phượng vĩ sao còn mải ngủ quên trong những nụ hoa bé xinh, biêng biếc. Chẳng phải đâu! Có lẽ phượng sợ ta buồn... Cuối cấp, ôn thi mệt nhoài. Bỗng một ngày, nhìn ra sân trường, cả bọn ngẩn ngơ. Phượng nở bung trên nền trời.

Phượng đỏ rực hối thúc ngày thi đến mau. Cả bọn truyền tay nhau viết nốt những dòng lưu bút. Mực chưa khô mà cánh phượng đã rơi đầy. Vội vã khép lại trang vở, sợ kỷ niệm mong manh tan mất. Để cho những cánh phượng khô giữ mãi một màu đỏ rực. Học trò mà. Còn nông nổi và ích kỷ lắm. Cũng như phượng vĩ ấy, vội nở làm con tim ta xao xuyến. Tiếng yêu chưa kịp nói trong chiều đổ mưa. Để cho mắt ai cứ trong veo  tiếc nuối... Ngày chia tay rực trời hoa phượng đỏ...

Ra trường, mỗi đứa một nơi. Đã bao năm trôi qua nhưng chẳng ai quên những kỷ niệm ngày ấy. Phượng vĩ. Bằng lăng. Hoa điệp. Những màu hoa đã gắn bó với tuổi học trò. Ngây thơ và vụng dại. Để rồi mỗi mùa hạ đi qua ta lại thêm nhớ. Bởi vì trong ta mãi mãi có một mùa hoa... 


ĐINH QUANG HOẠCH
#110
Ba người trong một quán ăn trưa



Trưa muộn.
Quán đã thưa vắng.
Ba người ngồi ở ba góc bàn, tạo thành một hình tam giác. Không ai nói với ai một lời nào. Đơn giản họ không quen nhau, họ chỉ tình cờ cùng vào một quán cơm trưa, vào lúc quán đã thưa vắng vào một buổi trưa muộn.

Chỉ thế thôi.

* * *


Cô ngồi ở chiếc bàn phía trong góc quan sát hai người ngồi phía trước. Một là gã tóc xoăn dáng người gầy, miệng phì phèo thuốc lá. Có vẻ gã đến chỉ để hút thuốc chứ không phải để ăn trưa. Còn người ngồi ở góc tam giác còn lại là một người đàn ông trung niên, cô chỉ nhìn được nửa khuôn mặt. Thi thoảng anh ta lại nhìn đăm chiêu ra vòm trời ngoài cửa sổ, thở dài.

Hình như là một buổi trưa đầy tâm trạng.

Những chiếc bàn rì rầm với nhau.

Cô muốn ngồi một mình suốt buổi trưa hôm nay. Cơ quan nhiều người. Cô quen hết và tất cả họ cũng mỉm cười với cô. Những nụ cười rất tươi, giấu trong đó những ganh ghét, đố kỵ. Cô thấy sợ những nụ cười, cô thấy sợ những con người, ngoài mặt thì hòa nhã, vui vẻ nhưng chỉ chờ cơ hội là dìm nhau xuống.

Cô đang chờ ngày ra đi.

* * *


Gã đã nhìn thấy cô khi vừa bước vào quán. Gã cười khẩy, chắc là một cô gái thất tình, trông buồn thế cơ mà? Một lúc, gã lại thấy một ông kính cận trông khó tính bước vào. Ăn trưa một mình à? Chắc là giận vợ. Gã cười thầm. Cơm đã dọn lên bàn nhưng gã không buồn ăn. Gã bỗng dưng khoái chí khi ngồi nghĩ về hai kẻ một-mình. A ha, chẳng lẽ thế giới cũng còn khối kẻ cô độc giống như gã?

Hôm qua, gã đã có một cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Sinh nhật đứa bạn, thế là cả đám rủ nhau karaoke, hú hét đã đời rồi kéo nhau về nhà trọ thằng bạn, bày trò cụng ly rôm rốp, chúc tụng tưng bừng rồi lăn ra ngủ tới sáng không biết trời trăng mây nước. Bỗng dưng hắn phát hiện ra rằng lũ bạn chỉ thích họp mặt nhau rồi ăn chơi nhậu nhẹt, chứ chẳng cần quan tâm tới cuộc sống của nhau. Ngỡ là thân lắm, cuộc chơi nào cũng đủ mặt, nhưng đến khi đứa này có chuyện thì đếch thấy mặt đứa kia.

Sau khi tỉnh rượu, gã nhận ra chẳng ai thèm hiểu gã và gã cũng chưa hiểu được ai. Những mối quan hệ nhàn nhạt. Và khủng khiếp hơn là gã phát hiện ra gã cô độc. Khi buồn, gã chẳng biết phải chia sẻ cùng ai. Có khi gã chạy giữa phố xá đông người nhưng không tìm nổi một gương mặt quen. Như trưa nay, hắn dò hết các số điện thoại, nhưng cuối cùng hắn lại đi một mình. Ngay cả khi hắn muốn nói rằng hắn cô độc thì hắn cũng không biết nên gọi cho ai. Vì hắn cô độc.

* * *


Anh nhìn thấy một cô gái ngồi cúi đầu và một gã trai ngồi phì phèo thuốc lá. "Chẳng phải là một không gian mình mong đợi". Anh nghĩ thầm nhưng rồi cũng kéo ghế ngồi ở một vòm cửa sáng. Hơn một tuần qua, anh ăn trưa một mình, ở một nơi không ai biết anh. Giống như nơi này.

Anh đang tìm việc. Tạm thời, mỗi ngày anh xách laptop đi làm, ghé quán cà phê nào đó và ngồi dịch những tập tài liệu tiếng Anh thuê cho đám sinh viên nhiều tiền nhưng thiếu kiến thức. Anh không thể để cả nhà lo lắng vì anh thất nghiệp. Mà lại là thất nghiệp vì một lý do không đâu. Anh bị sa thải, đơn giản chỉ vì anh dám chống lại kiểu làm ăn gian dối của ông giám đốc. Chẳng ai đứng về phía anh, và hiển nhiên số lượng người đã chiến thắng chân lý.

* * *


Họ ngồi chung với nhau, trong một bàn. Ba ly cà phê nhỏ giọt. Họ ngồi nói chuyện kẹt xe, chuyện quán có cách bài trí đẹp, mát mẻ. Họ cười với nhau. Cô nói hôm nay cô phải ở lại làm nốt công việc và cũng vì thích không gian của quán nên ngồi lại hóng mát. Gã dụi dụi điếu thuốc và hóm hỉnh bảo có hẹn đi ăn sinh nhật với đám bạn chiều nay, cũng gần đến giờ nên ngồi lại đợi. Anh cười nói anh cũng có một cuộc hẹn với đối tác lúc 2g, nên cũng không cần phải vội.

Ba người ngồi chung một chiếc bàn, cà phê tan. Họ hẹn nhau hôm nào có duyên lại gặp. Biết đâu lại có lúc hi hữu như thế này. Rồi họ lại cười với nhau, vui vẻ.

Nắng chưa nhạt, họ đứng lên rồi chia tay. Mỗi người đi về mỗi hướng.

Không ai biết tên ai. Và không ai chịu thừa nhận mình cô độc.

oOo


Cô nghĩ: có lẽ ngày mai mình sẽ đến một quán khác.

Gã nghĩ: ngày mai mình sẽ đến một quán khác.

Anh nghĩ: ngày mai mình sẽ chọn một quán khác.

... Chỉ có những chiếc bàn là rì rầm với nhau.


HÀN ĐÔNG
#111
Văn xuôi / Tim sen
31/05/08, 22:46
Tim sen

AT - Đội chiếc nón lá lên đầu, tôi gạt cái nắng hè hăng nồng của miền Trung ra khỏi khuôn mặt, rồi bước lẹ ra chòi canh bên hồ sen đang lú nhú từng búp nõn hồng. Gió đồng se từng cơn. Mát rượi!

Cái chòi canh chỉ có hai mái an vị trên bốn thân tre cỡ bự cắm sâu xuống đầm, không gì che chắn, có vậy gió lùa vào lành lạnh trong cái nắng gắt là đã lắm. Một chân đặt lên tấm ván dầu, một tay tóm gọn đôi dép, tôi ngồi xuống bên lão Cam. Lão là người gác đầm này, cũng lâu lắm rồi.

Tôi  chỉ nhớ lần đầu mình ra đây, thấy lão  đang đuổi lũ nhóc bẻ trộm sen. Rồi lúc quay về chòi, thấy tôi  liền quát: "Á... à! Mày dám vào đây ngồi cơ à! Định chôm đồ của ông hả?". Tôi bối rối nói: "Dạ không! Cháu chỉ vào ngồi hóng mát thôi". Nghe nói vậy lão dịu đôi mắt lại, ngồi bệt xuống chòi, lẩm bẩm: "Cha chúng nó, xin thì tau cho, cớ gì ăn trộm!".

Tôi ấn tượng về lão quá, một người bỏ ra hơn nửa cuộc đời canh sen lại có tính cách lạ lẫm như một đứa trẻ sắp dậy thì. Có hờn, có dỗi vô cớ, dần dà tôi quen luôn sự phong trần của lão và đôi khi cũng tự nhủ: Không biết mình có lây lão không?

Xét về tính cách mà nói, lão cũng khá kỳ quái, lão canh hồ sen từng ấy năm trời chỉ để ngắm. Hỏi lão, lão cười khì khì, bảo:

"Sen là để ngắm, để cái hương vị của đất, của nước, của nắng, của gió quyện vào với nhau, canh sen là canh những quá khứ bên mình". Tôi  suy nghĩ mãi, nhận thức của tôi chưa hiểu câu nói đó, nhưng trong tâm thức mình tôi biết lão yêu sen lắm! Lần đầu gặp lão, nếu không biết, người ta có thể ba chân bốn cẳng bỏ chạy bởi mái tóc rối xù của lão, thêm làn da đen ngòm với cái sẹo chạy dài trên cổ, ai yếu tim cũng ngã lăn ra mất. Nhưng với tôi, lão có sức cuốn hút lạ kỳ, tôi muốn khám phá con ngưòi ấy, tính cách ấy cho bằng được, như thể đi vào động sâu, càng đi càng thú vị.

Góc chòi canh luôn có chỗ cho ba vật mà theo lão, thiếu nó là thiếu luôn sự yên bình. Đó là bình trà ướp tim sen, cây đàn cò với ống điếu thuốc lào, với lão những thứ này gắn bó bên đời lão lâu nay, khó bỏ lắm! Lão kể cây đàn cò theo lão rong ruổi mấy tỉnh miền Nam, đến đâu dân cũng quí cũng thương. Những ngày như thế với lão thật đáng trân trọng, sau này tân nhạc phát triển, nghề của lão lùi dần về quá khứ, mà quá khứ thì mấy người để ý. Cứ ngồi trên chòi canh mà nghe lão kéo đàn thì tuyệt, cộng thêm hương sen thấm tỏa thật sảng khoái. Nhưng với lão, điều ấy cũng... thường thôi!

Tôi trở thành bạn lão lúc nào không hay. Tôi và lão hợp nhau như đôi bạn trẻ, mà lão có già đâu! Lão là người trẻ trong tâm hồn lẫn con người.

oOo

Tôi xếp chân lại, xin lão một bát trà tim sen, nhấp hơi. Lão cũng làm vậy, xong quay sang bảo tôi:

- Chốc nữa mày theo tau xuống đầm nghe.

- Dạ! - Tôi đồng ý không do dự, mà do dự làm gì, vả lại đây là lần đầu tôi được xuống đầm cùng lão, thử cảm giác ra sao.

Nắng hạ trải dài, tôi bước xuống ghe theo lão bơi ra giữa đầm. Len lỏi đến từng thân sen, thấy lão đưa tay sờ vào dưới mỗi búp sen, rồi gật gù cái đầu, tôi thấy lạ, sau hỏi mới biết được lão xem sen gần nở hay chưa, lão nói nếu thấy lạnh là sắp nở, còn không thì đợi vài ngày nữa. Ô hay! Tôi ngỡ ngàng lắm! Bàn tay lão bao năm sương gió, chai sạn chắc gần hết, vậy mà lão vẫn tinh tường đến hiếm thấy. Mà sen nở là chuyện tự nhiên, lạnh hay không lạnh làm sao "cảm" nổi. Tôi phục lão quá!

Đi được nửa hồ, rát mặt, tôi chợt nhớ mình quên cái nón ở chòi, quay lại lấy chắc mệt, tôi đưa tay ngắt chiếc lá sen ươm vàng lên che nắng. Lúc bấy giờ tôi  mới cảm nhận được dòng nước mát lành của đầm sen. Mấy lâu nay chỉ ngồi trên chòi cách mặt nước cả mét, nhìn xuống thấy xanh xanh cũng thích, nhưng sợ. Tôi lùa tay vào dòng nước, những gì êm đềm nhất đang chảy, tôi thấy bồi hồi lạ lùng. Lão bảo:

- Đó là cảm giác của sự xoa dịu quá khứ, cứ tận hưởng đi.

Nghe thế, tôi rút vội tay lên, hình như tôi chưa muốn chấm dứt mọi chuyện buồn trong dĩ vãng. Tôi muốn "nuôi" thêm một thời gian nữa, sau này xóa cũng chẳng sao.

Lão chuyển tay chèo cho tôi, giục đến góc đầm có mấy cành sen chín sớm, giờ còn trơ cái bầu nhụy đen tuyền. Tôi làm theo, gắng rảo tay nhưng cũng phải khéo léo, nếu không sẽ đâm gãy sen non. Lão bẻ được năm bầu nhụy ưng ý, lại giục tôi bơi về chòi. Đến chòi, tôi lấy lá sen lúc nãy cho lão để sen lên, những hạt sen mà lão đã nhanh tay lấy ra khỏi bầu nhụy. Nom cũng hấp dẫn thật! Lão chạy ù sang bờ ruộng kế bên, vơ lấy đám cỏ khô về, lão lùa đống hạt sen lại, cho vào cả rồi châm lửa. Lão thổi thổi để thêm chút tro tàn còn nóng. Hạt sen chín dần, mùi bắt đầu tỏa ra, nứt cả lỗ mũi. Tôi háo hức với món ăn kỳ bí này, đầu tôi lóe lên ý nghĩ sẽ bán lại công thức cho mấy nhà hàng, như thế đầm sen của lão sẽ khấm khá thêm, dù lão không chịu bán tôi cũng sẽ thuyết phục.

Tôi đưa que lấy từng hạt sen ra, thổi sạch, lão lấy tay bóc lớp vỏ, bên trong vẫn còn nguyên màu ngà của hạt sen, lão cho tất vào mồm nhai "rau ráu". Tôi thử làm theo, ngon tuyệt, nhưng có gì đó đăng đắng. Tôi nhăn mặt, lão phá lên cười:

- Tim sen đó, ăn cái đó mới bổ.

Tôi chịu đắng kém lắm, mỗi hạt sau đều tách tim sen ra rồi mới ăn. Lão lấy đàn cò dạo một bản vọng cổ tự biên:

Trời sinh ra kiếp con người

Đắng cay chua ngọt là đây chứ gì!

Lão lại cười.

- Mày ngốc lắm, tim sen đắng mà lòng nó trong, tất cả tinh túy của hoa sen đều ở đó, không ăn có mà dại. Ngày xưa... - lão hạ giọng - Ngày xưa nhờ có nó mà lão này yêu được cô gái xóm Rầy đó, ngày nào lão cũng lấy tim sen ướp trà cho cổ, rồi hai người yêu nhau. Nhưng binh biến lại phải chia lìa.

Lão thở dài như trút bao tâm sự chôn vùi lâu nay. Tim sen với lão là một khoảng trời kỷ niệm. Tôi hồ đồ quá! Sao lại bỏ tim sen ra khỏi hạt sen, sao lại bỏ đắng cay ra khỏi ngọt bùi, quyện vào mới thấy hương vị chứ! Lão nói không sai, tôi còn dại quá, chưa đủ bản lĩnh và ý chí để nếm vị đắng của tim sen, lão là người bước qua gần hết chặng đường, lão già dặn lắm, nhưng cũng trong sáng lắm. Lão đối với tôi thật đáng nể.

... Tôi lấy tay cho tim sen vào mồm. Ừ, quả thật rất ngon!


LÊ VĂN GIAO
#112
Người yêu thơ / Hà Nội
29/05/08, 12:38
TA kể cho các bạn của TA nghe về chuyến đi Hà Nội, thế là được tặng một bài thơ. TA post lên cho mọi người cũng thưởng thức và cũng tặng cho các bạn ở Hà Nội! ^_^

Hà Nội "nhỏ như bàn tay con gái"
Mà sao em đi mãi...
Vẫn chẳng thể nhìn được anh

Có những điều quá đỗi mong manh
Có những điều không thể không nói dối
Có nghĩa gì đâu khi không ai có lỗi
Hà Nội nhỏ như hai tiếng "người quen"...

Đầu này thành phố có một người thức trắng đêm
Em chong đèn chờ hoa ra nụ
Chờ đến tận khi hoa tàn úa
Vẫn không thể cảm nhận được mùi hương...

Có những giản đơn quá đỗi bình thường
Mà em không sao chạm tay với được
Trái tim trầy xước...
Đã bao giờ anh muốn hiểu đâu...

Chưa thể một lần là của riêng nhau
Anh vẫn thế, trước giờ vẫn thế
Chỉ có em khạo khờ rơi lệ
Cho một người chưa quen...

Chưa có, dù nhỏ nhoi, một chút êm đềm
Em tự thêu dệt nên tấm thảm màu cổ tích
Những ái ân trong màn đêm tĩnh mịch
Tiếng dế ngân trong cỏ ướt sương sa...

Khi bóng dáng anh còn quá đỗi nhạt nhoà
Em đã nghĩ đến một tình yêu rất thực
Những điều giản đơn nhiều khi là quá sức
Mong manh...

Biết chẳng bao giờ em là của riêng anh
Hà Nội khạo khờ như bàn tay con gái
Tiếng dế ngân trong đêm còn vang mãi
Em nhốt khạo khờ mãi là của riêng em...

Chỉ có mình em và nỗi buồn của đêm


Tử Quỳnh
#113
Lời thì thầm của hương


Mỗi buổi sáng thức dậy, khẽ nhón chân mình bước ra khu vườn nhỏ tràn đầy hương hoa. Em tự ước mình sẽ là nàng công chúa nhỏ và hoàng tử sẽ bước ra từ những bông hoa thanh tú ấy.

Trên tay chàng là chiếc giày thủy tinh lấp lánh nhưng rồi chiếc giày bỗng... vỡ òa trong nắng. Em luôn mơ mộng thế đấy vì khi được ở bên hoa em thấy mình tựa như tà áo trắng của tuổi học trò. Hồn nhiên, vô tư, không lo nghĩ chuyện gì. Em yêu hoa, yêu những gì mà hoa dâng đến cho đời.

Em thường hay đố anh biết người yêu hoa và người thích hoa có khác nhau không? Có đấy, rất khác là đằng khác. Người thích hoa thì chỉ muốn hoa thuộc về mình mà vô tình để hoa tàn đi theo năm tháng, còn yêu hoa thì luôn lo lắng, chăm sóc cho hoa để vẻ đẹp ấy sẽ đi vào vĩnh hằng. Hãy trân trọng em nhé, vì em cũng giống như hoa, mong manh và tinh khiết. Em yêu hoa không hẳn vì hương vì sắc mà em yêu những lời thì thầm của hương hoa.

Đừng bảo có loài hoa không hương, có cả đấy chỉ là do tùy thuộc vào tâm hồn người thưởng hoa mà thôi. Em có khờ không khi rung động trước vẻ rụt rè nhút nhát của nàng hoa mắc cỡ hay chỉ là đóa cúc dại ven đường. Em có vô tư quá khi cười giòn tan trong nắng vì được ai đó tặng đóa hồng nhung kiêu sa. Còn bây giờ em đang chìm mình vào những làn hương dịu nhẹ, mở cửa trái tìm mình để chiêm ngưỡng những sắc hoa.

Những sắc hoa phải chăng là những sắc cầu vồng với bảy sợi chỉ màu nối kết bảy vạn bảy trăm bảy mươi bảy nghìn trái tim của những người đang yêu, sắp yêu và sẽ yêu. Là khắc sâu trong trái tim mỗi người những chữ: ta yêu em.


HOÀNG PHỤNG THUYÊN
#114
Ngày ấy đâu còn


Một mùa đông nữa lại về, lòng tôi chợt nhớ đến anh, chỉ một năm trước thôi anh còn đi bên cạnh tôi, cùng nhau đón mừng ngày Noel nơi góc quán quen thuộc. Thế mà giờ lại chia xa không biết bao giờ sẽ gặp lại nhau.

Ngồi trên phòng trọ nhìn xuống đường phố vào ban đêm, dòng người tấp nập, xe cộ đông đúc nhưng sao có cảm giác trống vắng quá. Ánh đèn đường làm nhòa đi ánh mắt nhìn của tôi nhưng không thể nào phai nhòa ký ức năm nào.

Lúc đó, tôi là một cô bé học lớp 12 cứng đầu, còn anh là một con người không hề quen biết. Nếu không có kỳ thi học kỳ I thì tôi và anh đã như hai đường thẳng song song. Tháng mười hai để lại cho đời học sinh biết bao nỗi buồn lo nhưng cũng háo hức, lo vì thi, háo hức vì lễ Noel đã đến gần.

Tôi cũng thế, ngày đầu tiên đến trường thi những cơn gió lạnh làm cho da thịt tái đi, nhưng tôi vẫn chịu đựng, chẳng bao giờ tôi mặc áo ấm đến trường cả, lý do chỉ vì chữ "ngại", đã mặc áo dài nên ngại mặc áo ấm bên ngoài, vì mặc như thế kỳ lắm! Tôi đang tập trung dò bài để chuẩn bị bước vào phòng thi, chẳng hiểu vì thấy tôi không bình thường hay tội nghiệp mà anh đã đến hỏi thăm: "Lạnh lắm hả nhỏ?".

Tôi đáp nhanh: "Mắc chi đến..." câu trả lời chợt im bặt khi tôi bất chợt chạm phải ánh mắt ấm áp của anh, chính ánh mắt ấy đã làm tôi bớt giá lạnh, suốt thời gian thi tôi và anh đã gắn bó với nhau như hai người bạn thân. Anh cũng giống tôi là không chịu mặc áo ấm, chính sự giống nhau ấy mà hai đứa ngày càng thân hơn.

Kỳ thi đã qua lâu rồi nhưng câu chuyện giữa tôi và anh cứ dài đằng đẵng. Đến lễ Noel anh đã tặng tôi một tấm thiệp kèm theo một cánh hoa hồng, lúc đó tôi biết tình cảm anh dành cho tôi nhưng lớp 12 là năm học cuối cấp nên tôi muốn dành tất cả cho việc học.

Tuy vậy mỗi chiều thứ bảy chúng tôi đều cùng đi chơi, cùng chia sẻ những buồn vui. Bất chợt một buổi chiều cuối năm, ánh mắt anh buồn lạ và anh đã hỏi tôi: "Em có yêu anh không?". Lòng tôi bối rối lắm nhưng tôi đã nói: "Em không biết". Tại sao chỉ một chữ "Có" mà tôi không thốt ra được, để bây giờ ngồi đây hối tiếc chuyện ngày qua.

Ngày ra trường, tôi đậu đại học ở một trường gần nhà. Còn anh đã theo gia đình đến một đất nước xa xôi sinh sống. Lúc giã từ anh đặt vào tay tôi một cành hồng đỏ thắm, tôi biết anh muốn nói gì nhưng thời gian trôi thì lòng người thay đổi, tôi muốn anh ra đi mà trong lòng không còn gì vương vấn. Những giọt lệ tôi cố kìm nén đã bật ra khi dáng anh khuất dần. Tôi biết từ đây tôi mất anh mãi mãi.

Trời đã dần khuya, dòng người trên phố đã thưa dần. Bỗng một chiếc phi cơ bay ngang bầu trời đen thẫm, tôi chợt ước sao anh trở về bên tôi như ngày xưa và hỏi: "Em có lạnh lắm không?". Tôi biết đó chỉ là ảo vọng mà thôi. Chiếc máy bay xa xăm ấy làm sao chở được niềm mơ ước nhỏ nhoi của tôi về được. Phải không anh?


KIM TIẾN
#115
Tài Hoa Thi / đối thơ YH!
22/05/08, 00:10
Chém cha những kẻ đa tình
Một trang anh dũng biết gì tình yêu
Những lời bóng gió mỹ miều
Những câu nhân nghĩa toàn điều dối gian
Tùng Anh
#116
Nghe đồn có kẻ họ Phan
Thơ hay chữ giỏi - tên chàng là Tâm
#117
Tài Hoa Thi / Đối thơ
11/09/07, 00:28
Hoa mai khe khẽ cựa mình
Đôi chim én lượn bình minh xuân về
SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội