Menu

Show posts

This section allows you to view all posts made by this member. Note that you can only see posts made in areas you currently have access to.

Show posts Menu

Messages - tùng anh

#31
Ngày xưa em sợ ế chồng
Bây giờ em đã có chồng hay chưa?
#32
Văn xuôi / LÒNG HIẾU
05/11/15, 04:13
Lòng hiếu

Cô gái vẫn ngồi im lặng chú tâm vào việc trang điểm khuôn mặt mình trước tấm gương soi. Cô đang tỉ mỉ kẻ cặp lông mày thật sắc nét không để ý đến giọng nói yếu ớt, khàn khàn vì bệnh của bà mẹ đang nằm phía bên kia góc phòng:
- Vân ơi, con còn đó không, rót giùm cho mẹ ly nước. Mẹ khát quá!
Cô gái vẫn yên lặng, thong thả gắn cặp lông mi giả cong vút vào mí mắt. Cô liếc ngang, liếc dọc, rồi đứng lên, xoay qua phải, xoay qua trái, chỉnh lại cái váy màu tím than, kéo cái cổ áo màu vàng nghệ xuống một tí để lộ ra cái ngấn ngực thật sâu, trắng muốt. Cô mỉm cười với mình trong gương. Ánh mắt cô sáng lên sự thỏa mãn và tự hào với sắc đẹp của khuôn mặt và những đường cong trên cơ thể đầy gợi cảm của mình.
- Vân ơi, con còn đó không? Rót cho mẹ miếng nước con!
Cô gái nhíu mày, xẵng giọng:
- Nước trong bình thủy ở bên đó, mẹ rót cũng được chứ!
- Nước trong bình hết từ hồi trưa rồi. Con coi dưới ấm trong bếp còn rót cho mẹ một miếng, mẹ khát quá. Mẹ mệt lắm.
Tiếng thều thào, đứt quãng của người mẹ càng làm cô gái bực mình, nói như quát:
- Tôi trễ giờ rồi. Mẹ tự xuống lấy. Đây đi xuống bếp cũng không nổi hả, làm như sắp chết!
Có tiếng xe máy nổ giòn giã vừa đến ngoài cổng rào. Một thanh niên tóc nhuộm vàng khè như lông chim, cặp kính đen che gần nửa mặt, rồ ga đứng đợi. Cô gái hấp tấp bước ra cửa bỏ sau lưng giọng gọi hốt hoảng, yếu ớt của người mẹ:
- Vân ơi, con đi hả? Cho mẹ... Cho mẹ...
Ánh nắng xế chiều vẫn còn hầm hập hắt vào căn phòng nhỏ lợp tôn, nhờ nhờ ánh sáng của người mẹ đang nằm. Tiếng xe rú mạnh rồi xa dần, xa dần...
Cả gian đại sảnh của nhà hàng ồn ào với đủ thứ âm thanh. Tiếng nhạc đinh tai, tiếng người cười nói, chào hỏi, tiếng kéo ghế, tiếng gọi nhau. Một sự hòa âm bình thường ở bất cứ một buổi tiệc cưới nào với các trai thanh, gái lịch, và những con người sang trọng, bảnh bao.
Chợt toàn hôn trường như lắng xuống khi MC bắt đầu chương trình hôn lễ. Mọi con mắt đều hướng về sân khấu nơi cặp uyên ương đang tươi cười hạnh phúc bên cha mẹ của mình. Nhưng phải nói chính cái vẻ đẹp, cái duyên dáng trong giọng nói và cách dẫn dắt, giới thiệu chương trình của MC đã tạo được một không khí thật trang trọng, ấm áp và tươi trẻ. Một vài tiếng xuýt xoa của người tham dự:
- Trời, con bé MC đẹp quá.
- Con bé Tuyết Vân đấy, không biết sao? Mới hai mươi mốt tuổi, coi bộ còn dễ thương hơn cả cô dâu!
Và rồi cả đại sảnh trầm xuống với nỗi xúc động sâu lắng khi giọng nói đầy sức truyền cảm của cô gái MC Tuyết Vân thánh thót vang lên như chính từ sự chân thành của trái tim:
- Thưa quý vị, một nhà thơ đã viết "Biển cả bao la không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công cha". Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời của hai bạn Hoàng Yến và Minh Tân. Đó chính là nhờ công ơn biển trời của cha mẹ mà bổn phận làm con, dù có báo hiếu suốt cả một đời cũng không thể nào trả nổi. Để thể hiện lòng hiếu thảo, dù rất nhỏ nhoi, đối với ân đức vô lượng đã sanh thành dưỡng dục và xây dựng hạnh phúc hôm nay, mời hai bạn hãy kính cẩn dâng lên hai bên cha mẹ chung rượu mừng trong ngày đại hỷ.
Người ta thấy cặp mắt của cô MC dường như long lanh hai ngấn lệ. Cha mẹ nào lại không xúc động trước cảnh tượng ấy chứ. Có tiếng thút thít dưới hàng khách dự, vài bà cụ đưa tay quệt mấy giọt nước mắt suýt rơi xuống thức ăn...
Giọng nói, lời văn của cô MC Tuyết Vân cứ như liều thuốc tiên đánh thức được hết thảy những rung động thiêng liêng của tình ruột thịt mà dường như từ lâu đã ngủ quên trong những tế bào cằn cỗi của tuổi già. Mà cũng có thể ấy là những giọt nước mắt tủi thân vì các cụ cũng đã có lần rất hạnh phúc khi được con mình kính cẩn dâng rượu trước mặt đông đủ bà con bốn bên nội ngoại cùng bạn bè thân hữu trong cái hôn trường cũng hoành tráng như hôm nay, và đó là lần duy nhất chúng "biểu diễn" lòng hiếu thảo.
Tiếng vỗ tay vang cả đại sảnh làm các cụ giật mình. Hôn trường lại xôn xao, xập xình tiếng nhạc. Cô MC Tuyết Vân mặt tươi như hoa nở, lộng lẫy dưới ánh đèn màu. Lại vài cụ xuýt xoa:
- Ôi, ai có phúc sanh được đứa con gái đã xinh mà lại hiếu đễ như thế! Chị có thấy nó khóc khi nhìn cảnh dâu rể dâng rượu cho cha mẹ không?
Một bà cụ ước ao:
- Giá cô ấy làm dâu nhà mình nhỉ!
Tiếng nhạc, tiếng hát giúp vui. Tuyết Vân duyên dáng, nhí nhảnh. Cùng nhau thật no, thật say. Thức ăn, thức uống dư thừa, đổ trên bàn, rơi xuống đất, lênh láng trên sàn. Tuyết Vân được bao khách hâm mộ mời cụng hết ly này đến ly khác. Hạnh phúc tràn ngập cả sảnh đường, dường như sự bất hạnh, thiếu ăn, thiếu uống không còn tồn tại trên cuộc đời này nữa...
Tuyết Vân bước xuống xe. Tiếng máy nổ xa dần. Cô gái chậm rãi bước vào nhà. Cô thấy hài lòng. Mọi thứ cho đêm cưới của một MC như cô thật hoàn hảo. Cô gái đẩy cửa. Bóng tối trùm cả căn nhà. Cô lầm bầm:
- Tối rồi mà cũng không bật được ngọn đèn.
Cô bước chân qua ngạch cửa. Bỗng cô loạng choạng hoảng hốt, chân cô vừa đạp phải vật gì mềm mềm. Cô lấy hết can đảm với tay bật công tắc. Ánh sáng bừng lên. Cô khiếp hãi hét lớn. Mắt cô mở to.
Người mẹ nằm sóng soài trên nền gạch nham nhở, chiếc bình thủy lăn bên chân giường, cái nắp văng bên cạnh những mảnh thủy vỡ lấp loáng dưới ánh đèn. Cô gái chạy vội ra sân la to. Vài người hàng xóm chạy qua. Một người đàn ông cúi xuống bồng người mẹ lên, lắc đầu:
- Bác ấy chết rồi!
Cô gái bối rối trước ánh mắt của mọi người, vừa khóc vừa nói như phân bua:
- Chiều nay con đi làm đám cưới, đã dọn cơm và pha nước đầy bình thủy cho mẹ con rồi mà, mọi thứ cần dùng để sát bên giường, không biết bà đi đâu mà té thế?
Thêm một số người đến. Đèn được nối thêm. Vài người phụ nữ lào xào trách móc. Một người lên tiếng:
- Thôi chuyện lỡ rồi. Con Vân còn nhỏ quá chưa biết gì. Xin bà con vui lòng mỗi người giúp một tay để lo hậu sự cho bác ấy.
Nắng chiều in hình những chòm lá bồ đề lao xao trên sân chùa. Tôi nhìn bà lão đang ngồi bên cạnh trên chiếc ghế đá, mái tóc bạc phất phơ theo từng cơn gió nhẹ, cặp mắt nhìn vào khoảng không phía trước mà như đang nhìn vào một cõi xa xăm nào. Tuy mặc một bộ đồ nâu của nhà chùa nhưng trông bà vẫn đẹp lão, minh mẫn, vẫn còn vài nét thanh tú trên khuôn mặt mà dường như thời gian chưa kịp xóa nhòa. Tôi hỏi khẽ:
- Sau đó thế nào nữa bác?
Vẫn đăm chiêu nhìn vào khoảng không gian vô tận, bà lão lẩm bẩm một mình:
- 49 năm, 2 tháng, 12 ngày tính cả ngày hôm nay.
- Dạ, bác nói gì ạ? Tôi ngạc nhiên hỏi.
Bà lão vẫn như nói với mình:
- Mẹ của bác chết đến hôm nay là đúng 49 năm, 2 tháng, 12 ngày. Ngần ấy năm tháng bác đã sống trong nỗi giày vò của lương tâm, sám hối bao nhiêu cũng không gội rửa hết tội lỗi. Chỉ cần một phút thôi để pha cho mẹ của bác một ly nước thì mọi sự đã thay đổi. Thầy dạy rằng cái chết và cái sống chỉ cách nhau một hơi thở, cái thiện và cái ác chỉ cách nhau một sát-na của tâm.
Tôi cầm tay bà lão an ủi:
- Nhưng bác đã sám hối ngần ấy năm. Bà dưới suối vàng chắc đã hiểu và tha thứ cho bác vì ngày ấy bác còn quá trẻ chưa suy nghĩ được nhiều.
Bà lão thở nhẹ:
- Khi bác ngợi ca một cách trơn tru lòng hiếu thảo ở bữa tiệc thừa mứa đồ ăn thức uống thì mẹ của bác đang ngã gục chết khát vì sự bất hiếu của con mình. Có thể bà đã tha thứ cho bác, nhưng bác lại không thể tha thứ cho mình.
Bỗng bà quay lại nhìn tôi:
- Cháu còn bố mẹ không?
Tôi gật đầu:
- Dạ, còn ạ.
Bà lão đăm chiêu:
- Hãy lấy câu chuyện của đời bác vừa kể như bài học làm người, kẻo sau này bố mẹ mất đi có sám hối bao nhiêu cũng không tiêu trừ được tội lỗi đâu, cháu ạ.
Tiếng chuông công phu chiều vang lên. Bà lão đứng dậy, chậm rãi bước về phía chánh điện. Tôi cũng đứng dậy, hỏi với theo:
- Bác có con cái gì không?
Bà lão không quay đầu lại. Tôi nghe tiếng bà trả lời như âm vọng từ một cõi xa xôi nào:
- Có, nhưng chúng đã bỏ bác đi tất cả rồi!
Bóng bà lão xa dần. Thêm một tiếng chuông chùa lại vang lên, ngân nga, trải dài nhè nhẹ, như dùng dằng, như níu kéo một nỗi niềm nào giữa cái hư không tịch mịch trong ánh chiều đang dần tan loãng...
ST
#33
Bức tâm thư đẫm nước mắt chát đắng của cô giáo mầm non

Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và bức xúc. Thế nhưng, bên cạnh sự lên án trước các hành vi sai trái của một số cá nhân làm nghề dạy trẻ, vẫn còn những "góc khuất" đắng cay của nghề này ít ai hiểu được. Để độc giả thêm thấu hiểu và thông với với nghề giáo viên mầm non, Lao Động xin đăng tải bức tâm thư của cô giáo trẻ Đặng Thị Kim Huệ (hiện đang là giáo viên Trường mầm non Quốc tế Bambi – K300, TPHCM) với tiêu đề "Nước mắt nghề mầm non" đã thu hút hàng trăm sự đồng cảm từ độc giả khắp cả nước.

Một mình trong căn phòng tối, tôi ôm con khóc nức nở. Đúng rồi, phụ huynh nào khi giao con cho người khác cũng có nhiều nỗi lo sợ. Và dù chúng tôi có cố gắng thế nào đi nữa cũng không bao giờ làm vừa lòng họ. Vì thế tôi càng ra sức cố gắng... thì càng bỏ bê gia đình, con cái của mình.....

Khi còn là một nữ sinh, tôi luôn bị ấn tượng bởi hình ảnh một cô giáo mầm non hiền hòa trẻ trung, được các em nhỏ vây quanh, cô dạy các em múa, hát, dạy học chữ... và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Chính vì điều đó mà tôi ao ước sau này mình trở thành một giáo viên mầm non. Thế nhưng khi điều ước trở thành sự thật, thì nó lại trở thành điều mà tôi hối tiếc nhất trong cuộc đời của mình. Giá mà tôi đã lựa chọn một nghề khác...

Khối lượng công việc và áp lực quá lớn

Thời gian làm việc hàng ngày của tôi không phải 8 tiếng mà thực tế phải lên tới 10 tiếng. Trường quy định giáo viên có mặt từ 6h30 để dọn dẹp lớp, nếu đến muộn 5 phút sẽ trừ lương. Công việc hàng ngày của tôi là ban ngày chăm sóc trẻ, tối về lo soạn giáo án, hằng tuần phải rửa đồ chơi, ngày ngày lau nhà, cọ rửa từng khe gạch,... lúc các con ăn thì cô bày bàn, lúc con ngủ thì cô dọn dẹp,...

Với bằng ấy công việc mỗi ngày, khi vác được thân xác về tới nhà, hôm nào tôi cũng mệt rã rời. Nhiều đêm nghĩ, sao mình lại lựa chọn con đường này?, số tiền lương hơn 2 triệu nhận được quá ít ỏi so với công sức và áp lực đang phải gánh chịu. Với một người phụ nữ bình thường, chỉ một đứa con thôi cũng đã bận tối tăm mặt mũi, không còn phút nào dành cho bản thân, huống chi chỉ có 2 cô giáo trong một lớp 40 cháu. Vừa cho các cháu ăn (với những cháu lười ăn thì đây thực sự là một cuộc chiến), vừa dạy hát múa, dạy chữ, kể chuyện, ru các cháu ngủ, làm vệ sinh cá nhân cho các cháu,...

Nhưng có lẽ điều không chỉ tôi mà cô giáo nào cũng phải canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng của hàng chục học sinh. Từ miếng ăn, thức uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ, lúc các em nóng sốt, biếng ăn, chảy mũi... đều phải theo dõi.

Tự trấn an mình trước... phụ huynh

Mặc dù nhiều áp lực, nhưng mỗi sáng khi thức dậy tôi lại tự trấn an mình, nghề nào cũng có sự vất vả khó nhọc riêng, đã lựa chọn con đường này cho mình thì sẽ cố gắng đi đến cùng. Nhưng cuộc đời quả thật không đơn giản như mình nghĩ, tôi được hiệu trưởng gọi lên khiển trách vì có phụ huynh tố cáo tôi "ăn bớt" sữa của các con...

Khi đối chất, vị phụ huynh nói rằng mỗi ngày đón về, thằng bé 4 tuổi đều đòi ăn như bị bỏ đói. Rằng các cô ở trường mầm non cho con chị ăn uống kiểu gì mà bé nói rằng không được ăn no. Thậm chí sữa bột chị gửi đều hàng tháng mà thằng bé nói rằng nó không được cô cho uống sữa....

Vị phụ huynh đó dùng những lời lẽ khá nặng nề để chỉ trích. Tôi tự hiểu rằng làm cha mẹ ai cũng lo lắng cho con mình, thế nhưng những lời nói ấy thực sự đã làm tôi tổn thương vì tôi không làm như thế. Hàng ngày tôi vẫn cho bé ăn uống đầy đủ như những em khác, sữa mẹ bé gửi tôi vẫn cho uống nhưng bé không chịu hợp tác mà chỉ thích uống sữa tươi. Sau khi nghe tôi giải thích vị phụ huynh kia cũng nguôi ngoai, phần vì không có bằng chứng việc "ăn bớt" sữa của bé nên chị ấy bỏ ra về. Còn tôi đứng trơ trọi ở trường mà trong lòng tràn ngập nỗi buồn và hối hận...

"Tình yêu nghề" khiến gia đình bên bờ vực thẳm

Khi con tròn 6 tháng tuổi, tôi gửi ông bà nội để trở lại làm việc. Những bề bộn của công việc đã làm tôi không còn thời gian chăm sóc cho con đẻ của mình, ở trường không thể cáu với các bé, tôi đem hết nỗi bực tức về nhà trút lên đầu chồng con. Tình cảm vợ chồng dần phai nhạt sau mỗi cơn giận dữ vô cớ của tôi mà không có cách nào cứu vãn nổi. Cho đến một hôm tôi nổi điên đánh đứa con 1 tuổi của mình chỉ vì cháu quấy khóc trong khi soạn giáo án để mai có đoàn thanh tra về trường.

Đúng lúc chồng về, anh tức giận quát mắng, đánh đập và tuyên bố "Nếu tôi cứ tiếp tục theo đuổi cái công việc lương không đủ ăn mà áp lực chồng chất này thì sớm muộn gia đình cũng sẽ tan nát".

Là một người mẹ, một giáo viên mầm non, chăm sóc cho hàng trăm đứa trẻ nhưng con mình như thế nào tôi lại không hề hay biết.

Tôi nhớ như in khi cô hiệu trưởng đề nghị cho trẻ nghỉ một ngày để các cô họp chuyên môn trong một buổi họp phụ huynh, các vị đã nhao nhao lên rằng: "Ôi! Nếu nó nghỉ ở nhà thì tôi chết ", bởi vì "Không biết đến trường nó sao chứ về nhà quậy lắm, ăn uống thì khó khăn".

Còn bây giờ, chính cái công việc "nuôi dạy hổ" này đang đẩy tôi đến gần cái chết, đẩy gia đình tôi đến nguy cơ tan vỡ, con tôi bị bỏ rơi, đẩy tôi từ một cô gái vui vẻ hay cười thành một người hay khó chịu cau có... Tôi ước gì mình không yêu nghề, ước gì trước đây mình đã chọn đi một con đường khác. Liệu giờ đây, tôi có còn cơ hội nào để làm lại không?.

Yêu trẻ không chỉ bằng lời nói, bằng suy nghĩ mà bằng chính hành động, bởi "Càng yêu nghề bao nhiêu, phải càng yêu người bấy nhiêu". Vì xã hội đã tạo ra hiệu ứng "dây chuyền" khiến các cô giáo mầm non đang chịu áp lực rất lớn từ xã hội, tuy nhiên không phải ai cũng thấu hiểu được nỗi vất vả của những nguời mẹ thứ hai này.
#34
TRÔI BỀNH BỒNG GIỮA NGÀN SAO

Buổi chiều Đài Bắc thật nhẹ, thật chậm như thể cả trời mây tháng tư đã tan bỗng vào bao la xanh. Đường xe hun hút dưới năm mươi ba tầng nhà, giữa rặng lá xanh dọc đại lộ Trung Sơn.Chúng tôi ôm chặt nhau, môi bầm dập, tìm cách giết nhau, cuối cùng rơi xuống một vực sâu sợ hãi. Tan bật ngửa, thở dốc rồi lật ngực vùi sấp mặt xuống gối. Tôi nằm yên bất động, hồn trí tôi tơi bời lượn quanh quẩn bên trên những đồ đạc bề bộn giữa căn phòng mờ tối.
Tháng tư Đài Bắc bao lâu mới qua?

* * *

"Em về Việt Nam đi!" – Tan nói khi chúng tôi đã uống hết ly cà phê buổi chiều. Buổi chiều mùa hè hiếm hoi không bị những công vụ chen ngang, Tan quay về lục lọi hồi lâu trong ngăn bàn làm việc.

"Ai đã phát hiện ra em?" – Mãi cho tới khi chúng tôi đã làm căn phòng lộn nhào bởi những cố gắng lao vào thân thể nhau, tôi mới thốt lên lời.
"Không ai cả. Nhưng ai dám mặc hot paints lao vào bộ Ngoại giao tìm anh? Dám cưỡi enduro chạy thẳng vào trụ sở Quốc dân đảng? Em không ở đây được nữa!"
Trời ơi! – Tôi đã hiểu ra vì sao tình yêu đau đớn hơn cái chết.
"Ông Lee sắp sang Việt Nam, ông ấy cần người giúp gây dựng các mối quan hệ. Em giúp anh nhé!" – Tan hôn lên mắt lên môi, chậm rãi thì thầm.
Tôi nằm bất động, rồi quả quyết trườn xuống giường, với lấy bao Black Russian.
"Anh bán em cho Lee?" – Tay tôi run bắn lên, điếu thuốc châm quá tay khói ngời ngời. – "Anh bán em cho thằng Lee?"– Khói thuốc làm tôi ho sặc sụa, nước mắt nhỏ xuống da thịt trần trụi.
Tan bò tới cắn mạnh lên vai tôi, cắn đến tứa máu. Anh nghiến răng. Tôi căm thù anh. Anh căm thù tôi. Máu và nước mắt chúng tôi chảy ra trong bóng chiều.

* * *


Trường bắn tập đặt trọn trong lòng núi Tứ Thú, quanh Đài Bắc là trùng điệp những căn cứ địa vây quanh núp trong lòng núi.
Desert Eagle hình như bây giờ cũng trở thành một huyền thoại được sùng bái như Beretta, vỏ thép hoàn hảo, đạn khoẻ. Không rõ khi thiết kế một khẩu súng, những chuyên gia vũ khí của ngành công nghiệp vũ khí Israel nghĩ gì. Đơn giản TAAS chỉ muốn táo bạo vứt bỏ kiểu súng tự động truyền thống, khắc phục nhược điểm vốn có của kiểu ổ đạn quay trái, hay họ nghĩ súng cũng là một tác phẩm?
Bàn tay giết người cũng cần cầm đẹp?
Eagle xuất hiện trong nhiều cảnh phim. Tôi nghĩ người viết kịch bản có thể chưa từng cầm đến miếng thép lạnh chết người này.
Eagle đạn mạnh. Phát thứ nhất bắn vào đầu. Nếu chưa chết, phát thứ hai bắn tiếp vào đầu, đủ để kết liễu sinh mệnh đối phương. Nếu vẫn chưa chết, mới cần phát thứ ba bắn vào ngực.
Tình yêu không phải là nhìn vào mắt nhau mà là cùng nhìn về một hướng.
Chỉ trong trường bắn, Tan và tôi mới cùng nhìn về một hướng.
Tan dạy tôi. Tan là một thế giới xa lạ hoàn toàn, Tan chỉ thân thuộc khi chúng tôi gắn sâu thân thể vào nhau. Những lúc ấy ngày càng ít dần, chúng tôi thường ôm chặt nhau, mỗi người nhìn về mỗi hướng khác.
Hướng nào cũng đầy trời sao. Tôi ghét căn phòng ngủ ba phía trời sao, ánh sao như đau đáu hàng đêm. Nên tôi phải vùi vào vai anh, hơi ấm duy nhất, khi chiếc giường trôi bềnh bồng giữa ngàn sao.
Tan chưa về. Bấm những mật mã quen thuộc, đột nhập vào căn phòng ân ái, áp miếng thép nặng lạnh vào má. Tôi đã nghĩ đến cái chết.
Chết ở nơi nặng lòng yêu nhau thật dễ biết bao.
Nhưng tôi như một bánh răng trong cỗ máy khổng lồ, sinh mệnh tôi không thuộc về tôi nữa. Chúng tôi hoàn hảo. Nhưng tôi chỉ mắc một sai lầm duy nhất, tôi đã yêu một bánh răng khác trong cỗ máy. Yêu đến mức có thể đánh đổi cả quốc tịch, cả quê hương bản quán, cả sự cô đơn tuổi già, cả bia mộ khi tôi chết. Sẵn sàng nằm dưới tấm đá vô danh cắm trên đất người.
Như thế có được gọi là tình yêu không?
Khẩu Chim ưng sa mạc của Tan do một quan chức chính phủ châu Phi tặng. Anh từng nói, quan chức ngoại giao là một nghề phúc hoạ kề nhau. Làm nhân viên ngoại giao, phúc thì mình hưởng nhưng hoạ sẽ dành cho đất nước.
Tôi là hoạ cho Tan.
Tôi là điểm yếu duy nhất của Tan.
Chẳng trách đã hai năm nay Tan không lên được chức trưởng ban vụ Châu Á.

* * *

Tan tỏ tình bằng một nụ hôn. Một buổi sáng mùa thu hai năm trước.
Nụ hôn đó thay đổi cuộc đời của hai chúng tôi.
Tôi dẫn đoàn khách bộ Tài chính của Việt Nam vào phòng khách lớn, nhìn thẳng vào người đàn ông trước mặt mỉm cười nhã nhặn. Chiều hôm trước đã dặn nhau, giả vờ không quen biết. Nên trong sự nhã nhặn là nụ cười láu lỉnh.
Đã hơn một năm mới gặp lại, Tan trẻ hơn nhiều khi chúng tôi gặp nhau tại Hà Nội.
Nhưng cái hôn thì thật. Đưa khách ra đến cổng bộ Kinh tế, máy di động của tôi rung lên tin nhắn:
"Em đẹp lắm!"
Từ sân bay về tôi đến thẳng nhà Tan, bấm mật mã vào cổng. Trút đôi tất lụa trên nền nhà và thiếp ngủ trên sô-pha chờ anh.
Tôi nghĩ chắc hôm đó ánh sáng đồng loã. Những rèm cửa mảnh hé lên tôi những bóng mờ trắng đen lấp lửng nhạt nhạt. Tỉnh dậy dưới những cái hôn phủ khắp. Chúng tôi miệt mài xâm chiếm nhau từ xô pha tới cửa phòng khách. Những cú xô đẩy hối hả.
Muốn giết nhau muốn khẳng định nhau.
Mở mắt ra, trời đã ngàn sao. Có người đàn bà nào quên được khoảnh khắc ấy trong đời?

* * *

Có thể trung tâm huấn luyện của bộ đã dạy anh nhiều hơn tôi tưởng.
Không chỉ chơi golf, nghi thức ngoại giao, những mánh khoé của nghề. Dạy anh cả sự lạnh lùng.
Dạy anh rằng mỗi đứa đàn bà đều rắp sẵn mưu mô, mỗi quốc gia đều khư khư quyền lợi riêng, đừng tin vào người khác máu.
Cấm lấy vợ quốc tịch nước cộng sản.
Tôi đến từ Việt Nam. Nhưng tôi lang thang, tôi vô sở cầu, tôi thiện nguyện, tôi đứng trước tình yêu tôi đã quên mọi yếu tố chính trị, mọi sóng gió trên bàn cờ châu Á.
Tôi chỉ là một người đàn bà nhỏ nhoi mà thôi.
Trên chuyến bay rời Đài Bắc, tôi choáng váng phát hiện ngay cả những hình ảnh tôi chụp nét mặt anh, dáng ngủ của anh, đều đã bị anh xoá sạch trong máy điện thoại của tôi.
Cuộc tình thế là không còn dấu vết gì. Như chưa từng hối hả gắn sâu, chưa từng êm ái.
Như chưa từng hận thù.
Anh được dạy nhiều quá. Tôi là cơn bướng bỉnh duy nhất của anh chăng, trong cuộc sống đầy quy ước và rình mò này.
Khi cơn bướng bỉnh qua đi, anh đã nhớ lại mọi bài học từ lúc mới vào nghề.
Cảm ơn cơn quên lãng của anh đã cho tôi một tình yêu.

* * *

Tôi còn nhớ khi tôi ngồi chat trong phòng nghiên cứu, tranh cãi trong conference trên mạng với hai quan chức trước ngày họ dự định đuổi toàn bộ du học sinh Việt Nam về nước để trải qua một vòng phỏng vấn mới tại văn phòng Đài Bắc, một cách "thanh lọc" những kẻ kiếm tiền trá hình tại Đài Loan, thì mặt cười YIM của Tan còn sáng.
Khi đó YIM như chiến trường nóng bỏng, cảm ơn YIM cho phép tôi không cần nhìn thẳng vào mặt đối thủ. Nên tôi không run tay. Tôi nói, du học sinh đa số nghèo, bắt họ mua một vé khứ hồi về Việt Nam 450 đô, chỉ để chữa cháy cho chính sách quản lý người nước ngoài lỏng lẻo của bộ thời gian qua, oan uổng quá.
Tôi buzz Tan, nói, chủ trương này của anh đưa ra, đúng không?
Im lặng.
Đó là lần cuối cùng mặt cười YIM của anh còn sáng. Sau đó, Tan logout vĩnh viễn.

* * *

Tôi còn nghe nhắc đến Tan một lần nữa. Khi ông Lee mời tôi lên văn phòng Đài Bắc tại Việt Nam để gặp riêng.
Lee nói, ông biết tôi ở ẩn lâu nay, cắt đứt mọi quan hệ, không nhận điện thoại của ông. Nhưng thời gian tới ông sẽ vẫn phải bất đắc dĩ làm phiền tôi.
Tháng mười một, những cơn gió heo may ở Hà Nội đã xa lắc xa lơ, mùa đông xám và khô, phố xá quẩn lên những cơn lốc bụi tối tăm.
Tôi lại là một người đàn bà bé nhỏ yếu ớt, có thể tôi đã từng mạnh mẽ, đó là lúc tôi còn Tan.
Không còn tình yêu, tôi đã chết khô.
Như cuộc đời này đã tắt mọi ánh lấp lánh vàng son, chỉ còn lại hiện thực ảm đạm ghê rợn.
Lee cho biết, cảnh sát Đài Bắc tìm thấy trên hộp súng dấu vân tay của tôi.
Desert Eagle như tình yêu, tôi đã từng cầm lên, nhưng tôi đã trả lại anh.
Vì sao dấu tay tôi xuất hiện trong một vụ tự sát, họ nhờ ông Lee trả lời.
Vì sao họ lại biết đó là dấu vân tay của tôi?
Theo tài liệu còn lưu trong hồ sơ của cảnh sát Đài, tôi, ba mươi hai tuổi, không hiểu vì sao có được hai thẻ cư trú khác nhau nhưng đều hợp pháp, ba tên gọi hoặc hơn, hai số máy di động, bốn tài khoản tại hai ngân hàng quốc nội, thay đổi chỗ ở thường xuyên. Và đã xuất cảnh trước thời điểm vụ tự sát bốn tuần.
Bốn tuần sau anh mới hiểu ra tình yêu đau đớn hơn cái chết?

* * *

Đời như thế mà thôi, chẳng để lại gì.
Tôi không có ý định phấn đấu để người ta xây nhà tưởng niệm cho tôi sau ngày tôi chết. Tôi thích được như Tan, không bao giờ giải thích vì sao, cứ lẳng lặng yêu và lẳng lặng chối từ.

* * *

"Tránh các máy camera dưới tầng và dọc đường"
Lần nào yêu nhau Tan cũng dặn tôi như thế.
Hàng nghìn con mắt điện tử giám sát những thân phận. Tôi là một điểm sáng di chuyển trên bản đồ số toàn cầu.
Không còn tình yêu, đời nào nghĩa gì.
Trong bài hát Amayadori, cô gái sẽ gặp lại chàng trai ngày xưa dưới mái hiên một sân ga tình cờ, và hỏi, dạo này anh sống ra sao? Anh vẫn như ngày xưa chứ? Có lẽ trong bài hát, họ nhìn vào mắt nhau. Đã từng yêu anh, là em, như theo đuổi giấc mơ. Và họ cầm tay nhau quay trở lại quá khứ.
Chúng tôi không đi tàu, chúng tôi Boeing 737 xuyên lục địa. Và những chuyến bay hẹn hò nhau tại những nhà ga lạnh lùng. Tan vĩnh viễn đứng lại ở lại ga chết. Vì thế, tôi không còn cơ hội quay trở lại quá khứ, chiếc giường trôi giữa ngàn sao bềnh bồng, vùi đầu vào ngực Tan.
Tôi sẽ vẫn chỉ là một điểm sáng di chuyển tiếp trên bản đồ số toàn cầu, bị theo dõi bởi các camera và máy định vị vệ tinh. Nhưng những đêm cô đơn tôi không chập vào điểm sáng nào nữa, suốt đời.
Cuộc sống không bao giờ được như những bài ca.
(Trang Hạ)
#35
Thơ sáng tác / Re: Vô đề
21/08/15, 01:31
Yêu anh em biết sẽ buồn
Tình trong mộng ảo, chẳng buồn mà chi?
Yêu anh một mối tình si

Vui trong giây phút, buồn thì thiên thu


Tình anh tựa lá mùa thu

Ươm vàng mấy độ rơi vừa tay em

Tình anh tựa ngọn gió đêm

Lùa qua mái tóc êm đềm bên tai


Tình em tựa vạt nắng phai
Buồn vương lên ánh mắt ai trong chiều

Tình em tựa tiếng sáo diều

Khi trầm, lúc bổng những điều trong tim


Tùng Anh
#36
Hai "ăn mày" đi dự đám cưới

Vào ngày kết hôn, mẹ hỏi tôi: "Hai người trông giống ăn mày ngồi ở nơi vắng vẻ kia là ai vậy?
Khi tôi nhìn sang, chợt thấy một ông lão đang nhìn chằm chằm về phía mình, bên cạnh còn có một bà lão. Thấy tôi nhìn sang, họ liền vội vã cúi gầm mặt xuống. Tôi không quen biết gì với cả hai người, nhưng nhìn họ cũng không giống những người ăn xin, quần áo họ mặc trông còn mới. Điều khiến mẹ nói họ giống ăn mày là vì cái lưng còng, bên cạnh còn có cây gậy.
Mẹ bảo Thiên Trì vốn là cô nhi, bên đó vốn không có người thân đến, nếu như không phải chỗ quen biết gì thì hãy đuổi họ đi.
"Thời buổi này, những người ăn xin rất là xấu nết, cứ thích đợi ở trước cửa nhà hàng, thấy nhà nào có đám tiệc liền giả làm người thân đến ăn chực".
Tôi nói: "Chắc không vậy đâu mẹ, để con gọi Thiên Trì đến để hỏi thử xem sao?"
Thiên Trì giật mình hoảng loạn khiến cho những bó hoa tôi đang cầm trên tay rơi "bịch" xuống đất, cuối cùng anh ấp a ấp úng nói họ chính là ông chú và  bà thím của mình.
Tôi khẽ liếc mẹ một cái, ý nói rằng suýt chút nữa đã đuổi người thân đi rồi.
Mẹ nói: "Thiên Trì, con không phải là cô nhi sao? Vậy thì người thân ở đâu ra vậy?"
Thiên trì sợ mẹ, cúi gầm mặt xuống nói đó là họ hàng xa của anh, rất lâu đã không qua lại rồi, nhưng kết hôn là  chuyện lớn, trong nhà ngay cả một người thân cũng không đến, trong lòng cảm thấy rất đáng tiếc, vậy nên.....
Tôi dựa vào vai Thiên Trì, trách anh có người  thân đến mà không nói sớm, chúng ta nên đặt cho họ một bàn, nếu đã là họ hàng thân thích thì không thể ngồi ở bàn dự bị được.
Thiên Trì ngăn lại, nói là cứ để họ ngồi ở đó đi, ngồi ở bàn khác họ ăn uống cũng không thấy thoải mái.
Mãi đến lúc mở tiệc, ông chú và bà thím cũng vẫn ngồi ở bàn đó.
Lúc mời rượu đi ngang qua bàn hai người ngồi, Thiên Trì do dự một hồi rồi vội kéo tôi đi ngang qua. Tôi ngoảnh đầu nhìn lại, thấy họ cúi mặt xuống đất, nghĩ ngợi một hồi, tôi kéo Thiên Trì trở lại: "Ông chú, bà thím, chúng con xin kính rượu hai người!".
Hai người ngẩng đầu lên, có phần ngạc nhiên nhìn chúng tôi.
Đầu tóc hai cụ đều đã bạc trắng hết cả, xem ra già nhất cũng đã bảy tám chục tuổi rồi, đôi mắt của thím rất sâu, mặt tuy đối diện với tôi nhưng ánh mắt cứ lờ đờ, chớp giật liên hồi.
Tôi lấy tay quơ qua quơ lại vô định trước mặt bà thím, không thấy có phản ứng gì, thì ra bà thím là một người mù.
"Ông.........ông chú.... bà thím....., đây là vợ con Tiểu Khiết, bây giờ chúng con xin được kính rượu hai người!", Thiên Trì đang dùng giọng quê để nói chuyện với họ.
"Ờ.....ờ......", ông chú nghiêng nghiêng ngả ngả đứng dậy, tay trái vịn vào vai của thím, còn tay phải run run nhấc ly rượu lên, lòng bàn tay đều là những vết chai màu vàng, giữa những khe móng tay dày cộm còn dính lại bùn đất màu đen.
Những tháng ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời khiến cho họ bị còng lưng quá sớm. Tôi kinh ngạc phát hiện rằng, chân phải của ông chú là một khoảng trống không.
Bà thím thì bị mù, ông chú thì bị què, sao lại trên đời lại có một đôi vợ chồng như thế?
"Đừng có đứng nữa, hai người hãy ngồi xuống đi".
Tôi đi sang dùng tay dìu họ. Ông chú loạng choạng ngồi xuống, lúc ấy không hiểu tại sao bà thím lại nước mắt đầm đìa, chảy mãi không thôi, còn ông chú thì chẳng nói chẳng rằng lấy tay vỗ nhẹ vào lưng bà. Tôi thật muốn khuyên họ vài câu, nhưng Thiên Trì đã kéo tôi rời khỏi .
Tôi nói với Thiên Trì rằng: "Đợi đến khi họ về nhà hãy cho họ chút tiền đi, tội nghiệp quá. Hai người đều bị tàn tật cả, những tháng ngày sau này không biết ông bà phải sống thế nào đây".
Thiên Trì gật gật đầu không có nói gì cả, chỉ ôm chặt lấy tôi.


Đêm trừ tịch đầu tiên sau ngày cưới
Thiên Trì bảo rằng dạ dày bị đau nên không ăn cơm tối được, cứ thế đi về phòng ngủ. Tôi bảo mẹ hãy nấu chút cháo, rồi cũng theo vào phòng. Thiên Trì nằm trên giường, trong mắt vẫn còn đọng nước mắt.
Tôi bảo: "Thiên Trì không nên như vậy, đêm trừ tịch đầu năm mà không ăn cơm tối với cả nhà, lại còn chạy về phòng như thế nữa. Cứ như là cả nhà em bạc đãi anh vậy, cứ mỗi lần đến ngày lễ Tết đều bị đau dạ dày, sao lại có chuyện như vậy được? Thật ra em biết anh không phải là bị đau dạ dày, nói đi, rốt cuộc là có chuyện gì vậy?"
Thiên Trì rầu rĩ một hồi lâu, rồi nói: "Xin lỗi, chỉ là anh nhớ đến ông chú và bà thím, còn có ba mẹ đã mất của anh nữa. Anh sợ trong lúc ăn cơm không nhịn được, sẽ khiến cho ba mẹ không vui nên mới nói là bị đau dạ dày".
Tôi ôm chầm lấy anh, nói: "Ngốc quá, nhớ họ thì khi đón Tết xong chúng ta sẽ cùng đi thăm họ là được rồi, hơn nữa em cũng rất muốn biết là hai người họ sống thế nào".
Thiên Trì nói: "Thôi, đường núi đó rất khó đi. Em sẽ mệt, hãy đợi khi nào đường xá thông suốt, chúng ta khi đó chắc cũng đã có con cái rồi, lúc đó sẽ dẫn em đến đó thăm họ vậy".
Trong lòng tôi rất muốn nói: "Đợi đến khi chúng ta có con rồi, chắc họ đã không còn nữa!", nhưng không dám nói ra, chỉ nói hãy gửi chút tiền và đồ dùng cho họ vậy!


Giữa kì trung thu năm thứ hai
Tôi vừa khéo đang công tác ở bên ngoài, Tết Trung Thu ngày đó lại không về nhà được.
Tôi rất nhớ Thiên Trì và ba mẹ, nên liền gọi điện cho Thiên Trì nấu cháo điện thoại rất lâu.
Tôi hỏi Thiên Trì rằng những lúc nhớ tôi ngủ không được thì làm thế nào đây?
Thiên Trì bảo là lên mạng hoặc là xem ti vi, nếu như vẫn không được thì nằm ở đó, mở to mắt mà nhớ tôi vậy.
Buổi tối hôm đó, chúng tôi nói chuyện mãi đến khi điện thoại hết pin mới thôi.


Vốn dĩ muốn chọc ghẹo chồng một chút, thật không ngờ......
Nằm trên giường ngủ trong khách sạn, nhìn ánh trăng tròn bên ngoài cửa sổ, tôi làm thế nào cũng không ngủ được. Mở to đôi mắt mà nước mắt cứ chảy mãi không ngừng, tôi thất sự rất nhớ Thiên Trì, nhớ ba và mẹ.
Nghĩ rằng Thiên Trì chắc cũng không ngủ được, nói không chừng vẫn còn đang ở trên mạng.
Tôi liền bật dậy mở vi tính, tạo một cái nick mới tên là "lắng nghe lòng bạn", để chọc ghẹo Thiên Trì một chút. Dò tìm một chút, quả nhiên Thiên Trì vẫn còn ở đó, tôi chủ động nhập nick của anh, anh chấp nhận.
Tôi hỏi anh: "Ngày Tết trung thu muôn nhà đoàn viên như thế này, sao anh vẫn còn dạo chơi trên mạng vậy?"
Anh trả lời: "Vì vợ tôi đang đi công tác bên ngoài, tôi nhớ cô ấy đến không ngủ được, vậy nên lên mạng xem thế nào".
Tôi rất vừa ý với câu nói này.
Tôi lại gõ tiếp: "Vợ không có nhà, có thể tìm một người tình khác để thay thế mà, giống như nói chuyện trên mạng vậy nè, tâm sự để tự an ủi mình một chút".
Một lúc lâu, anh ấy mới trả lời lại: "Nếu như cô muốn tìm người tình, vậy thì xin lỗi vậy, tôi không phải là người cô cần tìm, tạm biệt".
"Xin lỗi, tôi không phải là có ý đó, anh đừng giận nha", Pa....pa...pa...Tôi vội vàng gửi tin nhắn cho anh.
Một lát sau, anh ấy hỏi tôi: "Sao bạn lại dạo chơi trên mạng vậy?"
Tôi nói: "Tôi làm việc bên ngoài, bây giờ cảm thấy rất nhớ ba và mẹ. Lúc nãy cũng vừa mới nói chuyện với bạn trai xong, nhưng vẫn không ngủ được, liền lên mạng để giải trí một chút".
"Tôi cũng rất nhớ ba và mẹ tôi, chỉ có điều là người thân đang ở bên ngoài, con muốn phụng dưỡng mà không được".
"Người thân ở bên ngoài, con muốn phụng dưỡng mà không được. Nói vậy là sao?".
Tôi lặp lại câu này rồi gửi cho anh.
Tôi có chút khó hiểu, Thiên Trì sao lại nói những lời như thế?
"Bạn tên là 'lắng nghe lòng bạn', hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe vậy. Có một vài chuyện mà để trong lòng quá lâu thế nào cũng sẽ sinh bệnh, đem nói ra chắc sẽ dễ chịu hơn một chút, dù sao đi nữa tôi và bạn cũng không biết gì nhau, bạn cứ xem như là nghe một câu chuyện vậy".


Thế là, tôi tình cờ biết được câu chuyện mà Thiên Trì đã cất giấu trong lòng bấy lâu nay
30 năm trước, cha tôi lúc ấy đã gần 50 tuổi rồi mà vẫn chưa lấy được vợ, vì ông bị què cộng thêm gia cảnh nghèo khó nên không có cô gái nào muốn gả về gia đình ông. Về sau, trong làng có một ông lão ăn xin dẫn theo cô con gái bị mù. Ông già đó bị bệnh rất nặng, ba tôi thấy họ đáng thương liền bảo họ vào nhà nghỉ ngơi. Thật không ngờ vừa nằm xuống thì không dậy được nữa, sau này con gái của ông già đó, cũng chính là cô gái mù kia đã được gả cho ba tôi.
Hai năm sau thì sinh ra tôi.


Nhà chúng tôi sống rất kham khổ, nhưng trước sau tôi vẫn không hề đói bữa nào
Ba mẹ không thể trồng trọt được, không có thu nhập, đành phải tách hạt bắp cho người ta, một ngày lột đến cả mười ngón tay đều sưng rộp lên chảy cả máu, ngày hôm sau liền quấn tấm vải rồi tách tiếp.
Vì để cho tôi được đi học, trong nhà ba mẹ nuôi ba con gà mái, hai con đẻ trứng bán lấy tiền, con còn lại đẻ trứng cho tôi ăn. Mẹ bảo rằng những lúc bà đi xin ăn ở trong thành phố, nghe nói những đứa trẻ trong thành đi học đều  được ăn trứng gà, con nhà chúng ta cũng được ăn, sau này nhất định sẽ thông minh hơn cả những đứa trẻ khác trong thành.
Vậy mà trước sau họ đều không ăn, có lần tôi nhìn thấy mẹ sau khi đánh quả trứng vào nồi, bà đã dùng lưỡi liếm liếm những lòng trắng còn sót lại trong vỏ trứng, tôi liền ôm chầm lấy bà khóc sướt mướt. Dù nói thế nào, tôi cũng không chịu ăn trứng nữa, ba tôi sau khi biết  được đầu đuôi câu chuyện, tức giận đến mức muốn dùng gậy đánh mẹ. Cuối cùng tôi đã thỏa hiệp, điều kiện tiên quyết chính là chia đều quả trứng đó để ba người chúng tôi cùng nhau ăn. Tuy họ đã đồng ý, nhưng mỗi lần cũng chỉ là dùng răng nhâm nhi một hai miếng cho có vậy thôi.
Những người trong thôn trước giờ đều không hề gọi tên tôi, mà đều gọi tôi là con của ông chồng què  bà vợ mù. Ba mẹ chỉ cần nghe thấy có người gọi tôi như vậy, thì nhất định sẽ liều mạng với người đó.
Mẹ nhìn không thấy thì sẽ lấy miếng gạch mà ném loạn xạ cả lên, miệng chửi rằng: "Cái đồ trời đánh nhà chúng mày, chúng tôi tuy bị què bị mù, nhưng con chúng tôi bình thường lành lặn, nên không cho phép chúng mày gọi như thế. Sau này chúng mày sẽ chẳng có đứa nào bằng được con tao cả".
Kì thi trung học năm đó, đứa con trai của vợ chồng què mù kia thi được giải nhất huyện, khiến cho họ thật sự được nở mày nở mặt một phen. Mọi người trong thị trấn đã chu cấp tất cả số tiền học phí thay nhà chúng tôi, ngày tiễn tôi đi lên thành phố học, ba tôi cũng lần đầu tiền bước ra khỏi làng vùng sâu vùng xa này.
Lúc lên xe, nước mắt tôi chảy mãi không dừng,


Ba một tay chống gậy, một tay lau nước mắt cho tôi
"Vào thành phố rồi hãy cố gắng học hành, sau này sẽ tìm được việc làm và lấy vợ ở đó luôn. Người khác mà có hỏi đến ba mẹ con thì con hãy nói rằng con là trẻ mồ côi, không có ba mẹ, nếu không thì người khác sẽ xem thường con cho xem. Nhất là con sẽ không lấy được vợ, người ta sẽ chê bai con. Nếu làm lỡ việc lấy vợ của con thì ba cũng không còn mặt mũi nào để đi gặp tổ tiên nữa".
"Ba!", tôi bảo ông đừng nói nữa, "đây là những lời gì thế, chỉ có những kẻ không ra gì mời không chịu nhận ba mẹ thôi?"
Mẹ cũng nói: "Những lời này đều đúng cả đấy, con phải nghe mới được. Con có còn nhớ lúc còn ở trong trường hay không? Chỉ cần nói con là con cái của vợ chồng què mù trong làng, mọi người thì lập tức khinh thường chế giễu con ngay. Lúc mới bắt đầu, ngay cả thầy cô trong trường cũng không thích con. Sau này nếu con dẫn vợ thành phố về thì hãy nói chúng ta chính là ông chú và bà thím của con".
Nói xong, bà vừa khóc vừa lau nước mắt.
Ba nó: "Tốt nhất là đừng có dẫn vợ về nhà, hễ dẫn về nhà, mẹ con lại không nhịn được, như vậy sẽ lộ tất cả thì nguy".
Sau đó, ông liền dúi mười quả trứng gà đã luộc chín sẵn vào lòng tôi, rồi dẫn mẹ đi mất. Tôi đứng lặng nhìn theo hình bóng của họ, nước mắt chảy mãi không thôi.
Nghe kể đến đây, khóe mắt tôi bỗng thấy cay cay, tàn tật không phải là lỗi của họ, đó chẳng qua chỉ là số mệnh buộc họ phải thế, nhưng họ đã sinh cho tôi một Thiên Trì hoàn mỹ.


Thiên Trì ngốc nghếch này, cha mẹ như thế này, thử hỏi còn có cha mẹ nào hoàn mỹ hơn thế nữa chứ.
Tôi rất tức giận, sao anh ấy lại xem thường tôi như thế?
"Vậy sau đó, anh liền nói với vợ anh rằng họ chính là ông chú và bà thím của anh sao?".Tôi gõ câu hỏi này rồi gửi cho anh
"Vốn dĩ tôi không tin. Người vợ tôi tìm là tôi, chứ không phải ba mẹ, tại sao ngay cả ba mẹ cũng không thể nhận chứ?
Vậy mà tôi ở bên ngoài mười năm, ba mẹ không hề đến trường thăm tôi dù chỉ một lần.
Năm đầu tiên làm việc, tôi muốn dẫn họ vào thành phố chơi, họ đều không chịu, nói rằng nếu chẳng may để cho người khác biết ba mẹ tôi là người tàn tật, họ sẽ bôi tro trát trấu lên mặt tôi, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc lấy vợ của tôi".


Người thân ở bên ngoài, con muốn tận hiếu mà không được
Cả đời họ đều ở trong vùng núi xa xôi mà không muốn ra ngoài.
Mẹ có nói rằng bà chính là từ thành thị đến đây, nhưng như vậy nào có ý nghĩa gì đâu.
Sau này, tôi đã quen một người bạn gái, khi tôi cho rằng  thời cơ đã chín muồi rồi, liền dẫn cô ấy về thăm nhà một chuyến.
Nào có ngờ đâu, sau khi đến nhà, cô ấy ngay cả cơm còn chưa ăn một bữa liền bỏ đi ngay, tôi vội đuổi theo sau, cô ấy nói rằng, nếu phải sống với những người như thế, ngay cả một ngày cô ấy cũng không sống nổi. Còn nói gien nhà chúng tôi có vấn đề, con cái sau này nhất định cũng sẽ không được khỏe mạnh.
Nghe xong những lời này, tôi tức đến nỗi bảo cô ấy rằng đi được bao xa thì cứ đi. Về đến nhà, mẹ tôi đang khóc nức nở, còn ba thì luôn miệng trách mắng tôi. Bảo tôi không nghe những lời họ nói, không muốn đứt hương hỏa nhà chúng tôi.


Về sau, tôi đã quen bạn gái thứ hai, chính là vợ tôi bây giờ.
Tôi rất yêu cô ấy, ngay cả nằm mơ tôi cũng sợ mất cô ấy, nhà của cô ấy lại giàu có, họ hàng thân thích đều là những người có địa vị trong xã hội.
Đã có vết xe đổ lần trước rồi, tôi rất sợ, đành phải làm đứa con bất hiếu.
Nhưng mỗi lần đến ngày lễ Tết tôi đều nhớ đến họ, trong lòng như có tảng đá lớn đè lên, rất khó chịu.
"Vậy anh trước giờ không nói cho vợ anh biết sao? Biết đâu cô ấy sẽ thông cảm chuyện này thì sao?"
"Tôi chưa từng nói, cũng không dám nói. Nếu như cô ấy chấp nhận, tôi nghĩ rằng mẹ vợ tôi cũng sẽ không chấp nhận. Tôi sống cùng với họ, ba vợ là người rất có tiếng tăm bên ngoài. Nếu như ba mẹ tôi đến rồi, không phải là bôi tro trát trấu vào mặt họ sao? Tôi cũng chỉ có thể tranh thủ những lúc ra ngoài công tác, học tập mà lén lén trở về thăm họ một lúc...
Cảm ơn bạn đã nghe tôi nói nhiều như vậy, bây giờ lòng tôi đã  thấy nhẹ nhõm thoải mái hơn nhiều rồi".
Sau khi tắt máy rồi, tôi vẫn không sao ngủ được.
Ai cũng bảo là con cái không chê mẹ xấu, chó không chê nhà nghèo, nhưng hãy nhìn xem chúng tôi đã làm gì đây?
Tôi hiểu được chỗ khó xử của Thiên Trì, cũng hiểu được nỗi khổ tâm của ba mẹ anh.
Nhưng họ lại không biết rằng cả hai đã đẩy người vô tội là tôi vào trong nghịch cảnh vô tình vô nghĩa.
........
Trời vừa sáng, tôi liền đến gõ cửa phòng ban giám đốc, nói với ông ấy rằng những sự việc còn lại xin ông toàn quyền xử lý, tôi có chuyện vô cùng quan trọng cần phải làm ngay, mọi chuyện giờ đều phải trông cậy vào ông ấy. Sau đó, tôi vội thu dọn ít đồ, rồi đi thẳng ra trạm xe lửa. Cũng may, tôi đã bắt được chuyến xe lửa đầu tiên.
Con đường núi đó quả thật là rất khó đi.
Vừa mới bắt đầu hai chân đã mỏi đến không còn chút sức lực nào nữa, về sau bàn chân sưng phồng cả lên, không thể nào đi tiếp được nữa.
Ngay lúc giữa trưa, trời lại nắng gắt, tôi đành phải ngồi nghỉ bên đường một lúc.
Nước uống mang theo trên người gần như sắp uống hết cả rồi, mà tôi cũng không biết phía sau còn bao nhiêu lộ trình phải đi nữa.
Cởi giày, bóp cho mụn nước dưới chân chảy ra, lúc đó đau đến nỗi tôi khóc bật thành tiếng, thật sự muốn gọi điện bảo Thiên Trì đến rước tôi về nhà, nhưng lại thôi tôi phải có chịu đựng. Tôi lấy tay tóm lấy một nắm hoa cỏ lau ở ven đường lót vào dưới chân, cảm thấy bàn chân thoải mái hơn nhiều.
Nghĩ đến ba mẹ của Thiên Trì, bây giờ vẫn còn làm việc vất vả ở nhà, bàn chân bỗng nhiên tràn trề sức lực, đứng thẳng dậy mà tiếp tục đi tiếp về phía trước. Khi trưởng thôn dẫn tôi đến trước cửa nhà của Thiên Trì, một vùng trời kia, ráng chiều đỏ rực đang chiếu lên cây táo lâu năm trước cửa nhà họ.
Dưới cây táo, ông chú của Thiên Trì, không phải, ba của Thiên Trì đang ngồi ở đó, nhìn ông còn già hơn nhiều so với lúc đám cưới. Tay đang bóc những hạt bắp, cây gậy lặng lẽ dựa vào cái chân tàn tật kia của ông.
Mẹ thì quỳ ở dưới đất chuẩn bị thu dọn số bắp đã phơi xong, bàn tay bà đang gom những hạt bắp lại thành đống.


Tựa một bức tranh, mà trong bức tranh ấy chính là người cha người mẹ hoàn mỹ nhất trên đời này
Tôi từng bước từng bước đi về phía họ, ba vừa nhìn thấy tôi, quả bắp ông đang cầm trên tay liền rơi xuống đất, miệng há thật to, giật mình hỏi: "Con, sao con lại đến đây?"
Mẹ ở bên cạnh hỏi dò: "Ba nó à, ai đến vậy?"
" Vợ...vợ của Thiên Trì".
"Hả. Ở đâu?", mẹ hoảng hốt dùng tay sờ soạng chung quanh để tìm về phía tôi.
Tôi khom lưng đặt hành lí xuống đất, sau đó dùng tay nắm chặt tay bà, quỳ mọp xuống đất, nghẹn ngào nói với ba mẹ rằng: "Ba! Mẹ! Con đến đón ba mẹ về nhà đây!"
Ba ho vài tiếng, nước mắt chảy dài khắp gương mặt chi chít nếp nhăn.
"Tôi đã nói rồi mà, thằng con của chúng ta không hề nuôi vô ích!"
Còn mẹ thì ôm chầm lấy tôi, từng hàng từng hàng nước mắt từ trong hốc mắt của bà chảy xuống cổ tôi.


Khi tôi dẫn ba mẹ đi, mọi người trong làng đều đốt pháo hoan hô.
Tôi một lần nữa lại thấy tự hào vì ba mẹ.
Khi Thiên Trì mở cửa ra, nhìn thấy ba và mẹ đứng ở bên trái bên phải tôi, không khỏi lấy làm kinh ngạc, người anh ngây như khúc gỗ, không nói một lời nào.
Tôi nói: "Thiên Trì, em chính là người đã đọc câu chuyện của anh đó, em đã đón ba mẹ chúng ta về rồi này. Ba mẹ hoàn mỹ như thế, sao anh lại nỡ để cho họ ở trong vùng núi xa xôi hẻo lánh được chứ?"

Thiên Trì khóc không thành tiếng, ôm chặt lấy tôi, hai hàng nước mắt lăn dài xuống cổ tôi giống như mẹ anh vậy.
Ba và mẹ, hai từ ngữ thần thánh, thiêng liêng bao quát hết thảy tình yêu trên thế gian này, thật đáng để cho chúng ta dùng cả đời để gọi.
Nguồn:Tinhhoa.net
#37
Quote from: Phan Tâm on 25/02/15, 21:41

Con tim lưu giữ thiên thu
Bóng nàng ngự trị chẳng hư chẳng thừa
Chìu nhau biết mấy cho vừa ?
Nên câu lưu luyến chẳng chừa phần ta
.


Vậy mà thu ấy vội qua
Vậy mà anh nỡ đi xa không về
Để mây ôm ánh trăng thề
Chơ vơ cho đến bao giờ hỡi anh?
#38
Tất cả những người đàn ông nên dành một phút để đọc bài này

Nói về cô bồ thì, không có gì hơn vợ. Nhưng không có thì cảm thấy thiếu.
Anh ta nói, chuyện gì cũng có lý do của nó. Và dưới đây, là một trong số những lý do đó:
– Hai vợ chồng lấy nhau lúc còn khó khăn. Khi đó, cả 2 cùng phải tiết kiệm nhiều thứ. Tằn tiện nuôi con. Sau này, khi cuộc sống khá giả hơn, vợ dường như vẫn giữ thói quen tiết kiệm, mà đối với điều kiện kinh tế hiện tại, có thể được xem là... ki bo. Muốn hai vợ chồng đi ăn nhà hàng: Vợ chỉ chọn nhà hàng tầm trung, muốn gọi rượu vang, vợ chỉ gọi 1 ly.
Vợ bảo: Đồ ăn cũng chỉ vào miệng rồi trôi đi. Ăn ngon đâu cần đắt, ăn no là được. Tiền bạc không được lãng phí, phải để dành lo cho tương lai các con.
Còn bồ thì sao?
Đi ăn nhà hàng, bồ chọn nhà hàng ngon nhất, đắt nhất. Khi gọi rượu, bồ gọi cả chai, để cả 2 thưởng thức. Bồ nói: Ăn uống là nghệ thuật, thế nên sự lựa chọn phải tinh tế.
Chỉ thế thôi, anh đã thấy thoải mái với bồ, nặng nề với vợ.
– Anh mua cho vợ một cái túi xách hàng hiệu. Vợ than vãn suốt cả tháng liền là lãng phí. Nghĩ sao mua một cái túi mấy chục triệu? Bây giờ có những hàng tầm trung, vẫn đẹp và giá lại mềm.
Còn bồ thì sao?
Anh mua cho bồ một cái túi y chang vợ. Bồ mừng ra mặt. Hạnh phúc trào dâng hai mí mắt, phát khóc luôn. Nhảy vào ôm hôn, nói anh thật tuyệt vời.
– Về chuyện ngoại tình, vợ nói: Nếu anh có người đàn bà khác, em sẽ không bao giờ tha thứ cho anh.
Bồ bảo: Em chỉ cần có anh bên cạnh, anh có vợ, có con cũng không sao. Vì em yêu anh.
Đối với vợ, anh phải giấu bồ. Còn đối với bồ, anh chẳng khi nào phải giấu vợ.
Sơ sơ là như thế, anh đã thấy vợ chẳng thể bỏ, bởi còn có con. Còn bồ là tình yêu, ở bên bồ, anh thoải mái hơn nhiều.
Tôi nói với anh rằng: Liệu bồ có bên anh khi khó khăn, lúc sa cơ lỡ vận?
Anh bảo: Thì chắc gì khi sa cơ lỡ vận, vợ cũng sẽ bên anh? Nói chung lúc khó khăn, thì như nhau cả.
À hóa ra là anh đã quên, ngày anh chỉ là thằng sinh viên quèn, lương ba cọc ba đồng, công việc thì nay đây mai đó, chị đã vất vả cùng anh trải qua những ngày khốn khó như thế nào? Chị nhịn ăn mua cho anh cái áo sơ mi để đi làm ngày đầu tiên. Lúc áo chị bị rách, sờn đường chỉ ở tay áo, chị cặm cụi khâu chứ nào đâu dám mua đồ mới.
À hóa ra là anh đã quên, ngày sinh đứa con đầu lòng, chị đi đẻ phải nhảy xe ôm, trong túi có vài chục nghìn. Vừa đi vừa khóc, không phải vì đau đẻ mà là vì lo không có đủ tiền thì người ta không cho vào đẻ.
À hóa ra là anh đã quên rằng chị cũng xinh đẹp, chị cũng trẻ trung, chị cũng ngọt ngào. Nhưng vì anh, vì miếng cơm manh áo, chị phải hy sinh biết bao, để bây giờ, nhà có của ăn của để... chị vẫn giữ thói quen tằn tiện?
Quần áo anh vứt ở nhà bồ, cô ta mang ra tiệm giặt ủi. Quần áo anh ném trên giường hai vợ chồng, ngày ngày chi cặm cụi giặt tay, vì sợ giặt máy, đồ đắt tiền của anh bị hỏng. Mang ra tiệm giặt một lần, chị thấy giặt không sạch, nên chẳng dám giao quần áo của chồng cho người ngoài.
À thì ra anh đã quên, người vợ mà anh phát chán ngày hôm nay, trước đây, anh đã từng phải giành giật với bao người đàn ông khác.
À thì ra có một điều mà anh không biết, cô bồ của anh có thể không chỉ có mình anh. Còn với chị, vợ của anh, anh là duy nhất.
Anh có thể mua cho chị cái túi hàng hiệu, nhưng liệu có hàng hiệu nào có thể đền đáp ân tình mà vợ dành cho anh?
Ngày mai bầu trời sụp đổ, vợ anh vẫn sẽ gánh lấy nó, vì chồng con mình.
Ngày mai, trời chỉ cần mưa thôi, anh không có thứ gì che chắn, bồ cũng sẽ bỏ anh đi.
Anh không yêu vợ thật lòng, không thương vợ để hiểu cho chị. Có cái lý gì, đi so sánh chị với bồ của anh?
Anh à, có một đạo lý này ở đời, có lẽ anh chưa biết: Đồ mình vứt đi có khi rất nhiều người muốn nhặt. Anh cười khinh khi nói: Tao vứt đi mà mày nhặt lại sao? Người ta nhổ vào mặt anh rồi bảo: Thằng ngu
#39
Là phụ nữ thì nên đọc bài này

Chồng hì hụi nấu cho vợ bát cháo, bưng đến, nói: "Ăn đi cho toát mồ hôi..."
Người ấy đến đúng lúc bát cháo còn để trên bàn, bảo: "Em ăn đi kẻo nguội..."
Sáng thấy trời trở gió, chồng đưa cho cái áo khoác bảo: "Trời lạnh đấy..."
Người ấy nhìn thấy quấn kín mít trong đống áo quần, hỏi: "Có lạnh không em?"
Chỉ thêm một từ "em" mà sao nghe lòng cứ rưng rưng. Người ấy thật dịu dàng, thật trìu mến, thật đáng yêu.
Chỉ thiếu một từ "em" mà thấy lòng lạnh tanh, ngao ngán thấy ông chồng thật khô khan, cục mịch.
Chỉ vì một từ em mà chị đã xao lòng. Chỉ thiếu một từ em mà chị cảm thấy hụt hẫng, người đâu mà khô như ngói.
Chị thật chóng quên. Trước kia anh đâu có thế. Nhưng...
Anh vừa hoàn thành công trình được nghiệm thu xuất sắc, vội lao về nhà để đưa vợ đi nhà hàng chiêu đãi, mặc cho đồng nghiệp í ới rủ rê đi nhậu, nhưng gặp ngay nét mặt lạnh lùng của vợ:
– Hôm nay thất nghiệp hay sao mà giờ này đã về...
Nguội cả niềm vui.
Vui quá vì nhận được một hợp đồng béo bở, về thấy vợ đang lúi húi nấu cơm, thương vợ quá nên bàn:
– Em tìm thuê lấy người giúp việc cho đỡ vất...
Vợ cau có:
– Sợ vợ vất vả hay thích có bà bé trong nhà?
Tình yêu vụt tắt.
Có hôm tự nhiên nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa thấy yêu vợ lạ lùng, chẳng kìm được lòng đến bên vợ hôn một cái. Vậy mà vợ quay ngoắt lại, giương mắt lên hỏi:
– Hôm nay lại làm gì nên tội hả? Anh khai ngay. Hôm nay anh gặp lại người yêu cũ phải không?
Nói là vì yêu vợ quá thì vợ lại phì vào mặt bảo: "Đừng giả dối, đừng đánh trống lảng...". Buồn cả người.
Có hôm công việc không suôn sẻ, vừa mệt, vừa chán, chỉ mong được về nhà nằm nghỉ bên vợ con cho quên hết sự đời, vậy mà vừa mở cửa, mới bước được có một chân vào nhà vợ đã nhìn lom lom hỏi:
– Hôm nay cãi nhau với con nào hả? Sao mặt mũi trông như thất tình vậy?
Cứ nghĩ, giá như vợ chỉ hỏi một câu: "Anh có chuyện gì mà trông mệt thế?", chắc sẽ bật khóc mà nói: "Không có em chắc anh không sống nổi...".
Vợ bước từ phòng tắm ra, trông vợ mát mẻ cứ như thiên thần, yêu thật là yêu, chạy ra ôm vợ vào lòng, ghé tai nói khẽ: "Em xinh thật là xinh. Thơm thế, cứ như được ướp bằng ngàn loài hoa ấy...".
Vợ hất tay, nguýt dài: "Đừng có tán, tính chuyện vớ vẩn hả... người ta đang mệt đây, để cho người ta yên". Trăm ngàn tình yêu đều sun cả lại, cụt cả hứng.
Ngày sinh nhật vợ, nhân có tiền thưởng, hứng chí mua cho vợ một bó hoa lan cực đẹp. Cầm bó lan đi đường bao cô gái phải trầm trồ khen, sướng run cả người, tin chắc vợ sẽ vui lắm đây. Vậy mà vợ chỉ nhìn bó hoa đã hỏi ngay: "Bao nhiêu tiền thế? Anh mua hay cô nào mua hộ?" Niềm vui chợt tắt.
Nhưng nào đã xong, vợ truy mãi đành phải nói giá bó hoa (mà chỉ là nửa giá thật thôi đấy), vợ giãy lên đành đạch tưởng bị đứt ruột, kêu rầm: "Kỳ sau đến ngày sinh nhật tôi ông cứ mua cho tôi con gà để tôi ôm là được, đừng có hoa hoét làm gì phí tiền...".
Cứ thế mà những lời có cánh, những hành động galăng dần dần mai một, héo hon, khô đét.
Có nhiều lúc khao khát được nói những lời yêu thương, khao khát được bày tỏ tình cảm với vợ mà miệng chẳng dám nói lời ngọt ngào âu yếm, sợ phải nhìn ánh mắt nghi ngờ của vợ, sợ phải nghe vợ nói: "Đừng có mà giả tạo, đừng có mà nói điêu...".
Vợ chẳng biết chính mình đã biến chồng thành mảnh ngói khô khan để rồi cứ thế mà hờn trách, xa rời chồng. Để rồi xao lòng với người đàn ông khác bởi một tiếng "em"...
P/s: Phụ nữ cũng vì yêu chồng, sợ mất chồng vì quá nhiều cạm bẫy của cuộc sống xung quanh. Phụ nữ sợ chồng sẽ thèm " phở" mà chán "cơm"...Thế nên luôn dè chừng, luôn nghi ngờ...để rồi một ngày chính sự ngờ vực, chính vì lo nơm nớp ấy lại đánh mất đi hạnh phúc mà đáng ra chồng đã cố gắng hết lòng vì mình. Tôi tin rằng Phụ nữ tinh tế luôn biết cách giữ chồng và yêu chồng 1 cách thông minh.
Hải Băng (S.T)
#40
Những bức ảnh khiến bạn phải giật mình ngẫm nghĩ
Không quá nhiều chữ, những hình ảnh đơn giản nhưng đầy sáng tạo và ý nghĩa đã thể hiện rất mạnh mẽ những thông điệp ẩn chứa trong đó

Sự giận dữ của bạn sẽ làm trẻ con bị tổn thương nhiều hơn bạn nghĩ



"Mỗi lần bị người khác đụng chạm, là một phần cơ thể của em bị cướp mất"



Quần áo cũ của bạn lại có thể giúp những người khác giữ ấm cơ thể. Hãy tặng chúng cho những người đang cần.



Những lời cung cấp tưởng nhỏ nhặt nhưng lại là một manh mối quan trọng để giúp cảnh sát điều tra tội phạm.



Không phải ai cũng có khả năng mua sắm đầy đủ những thứ cơ bản nhất cần có trong cuộc sống



Có đến 2,7 triệu trẻ em Ai Cập phải đánh đổi tuổi thơ của mình bằng việc đi làm và kiếm tiền như người lớn.



Một que diêm hoàn toàn có thể gây ra một trận hỏa hoạn lớn



Sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chính là tự bắn từng viên đạn vào chính bản thân mình



Nếu vô tình chứng kiến bất kì ai bị ngược đãi, lạm dụng, hãy lên tiếng. Vì chính bạn sẽ là chìa khóa quan trọng giúp họ được giải thoát.



Không điều gì có thể thay thế được môi trường tự nhiên, và san hô bằng đĩa nhựa hoàn toàn có thể gây ra những hiểm họa khó lường. Hãy luôn ý thức bảo vệ môi trường biển.



Bãi biển không thể tự nó làm sạch mọi thứ. Hãy chung tay bảo vệ môi trường ngay hôm nay!



Từng làn khói thuốc sẽ khiến cuộc sống của bạn cũng mất dần đi



Mỗi khi bạn "Lên giường" với một người đàn ông, cũng chính là bạn đang quan hệ với cả quá khứ của anh ấy. Và bạn thì chẳng thể biết được ở thì quá khứ, đã có những điều gì đã xảy ra! Hãy luôn kiểm tra HIV để tự bảo vệ sức khỏe của mình.



Cờ bạc cũng như thuốc lá – dễ nghiện, khó từ bỏ



Mạng là ảo, nhưng những nguy hiểm tiềm ẩn sau nó là thật.



Sự thờ ơ, lãnh cảm chính là điều độc ác nhất mà con người đang làm
SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội