Cà phê phố Hà Nội ( vô để tìm hiểu )

Started by tinhbanvatoi, 21/02/07, 15:30

Previous topic - Next topic

tinhbanvatoi

Cà phê phố "nốt nhạc của thời gian"


Từ mỗi hẻm nhỏ khu phố cổ tới những tuyến phố hiện đại của thủ đô Hà Nội, bạn có thể dễ dàng tìm thấy cho mình một tách cà phê tại một quán cà phê "vỉa hè hay sang trọng" phù hợp với khẩu vị, phong cách sống của bạn. Ngày nay, trong khu phố cổ không còn nhiều quán cà phê nhỏ treo mành trúc, phục vụ cà phê phin truyền thống cho những người có thời gian rảnh rỗi.

Thưởng thức hơn một tách cà phê
Vào cái thời nghe đài, xem ti vi còn là xa xỉ, nhiều người đã chọn quán cà phê như một cách để thu thập thông tin vào mỗi sáng.

Với dân trí thức và giới nghệ sĩ thì thường lui tới cà phê Lâm số 60 phố Nguyễn Hữu Huân. Cà phê ở đây được pha theo cách truyền thống bằng phin lọc, giữ nóng trong những chiếc bát sứ chứa nước sôi. Trong lúc từng giọt cà phê nhỏ tí tách, họ thư giãn thả hồn mình ngắm những bức tranh treo trên tường của họa sĩ nổi tiếng Bùi Xuân Phái.

Cà phê Nhân trên phố Hàng Hành thì được dân nghiền cà phê ưa chuộng. Bởi lẽ, người chủ quán cà phê chỉ phục vụ những loại cà phê thơm ngon và công thức pha chế rất đặc biệt.

Rẽ vào một ngõ nhỏ Cà phê Giảng ở phố Hàng Gai, có vị độc đáo như cà phê trứng (cà phê nóng cộng với sữa và thêm lòng đỏ trứng gà đánh bông) tạo một hương vị đặc trưng của cà phê và thơm ngậy của trứng.

Trong khi đó, trên tầng 2 số nhà 13 Đinh Tiên Hoàng lại là "khung trời riêng" của giới sinh viên Thủ đô. Căn nhà với nét kiến trúc cổ kính này là nơi lí tưởng cho các bạn sinh viên hẹn hò, thư giãn khi rảnh rỗi bên tách cà phê giá rất "sinh viên". Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nơi đây là quán cà phê hai tầng, sinh viên tới đây có thể ngồi vẽ tranh, chơi đàn ghi ta hay nghe nhạc rock.

Theo dòng thời gian, mọi thứ đều thay đổi. Những quán cà phê nhỏ thân quen, nơi tạo nên phong cách sống của người dân Hà thành, nay không còn chiếm nhiều ưu thế như trước nữa. Trong thời buổi kinh tế thị trường, rất nhiều cửa hàng chuyển sang kinh doanh cà phê và các phố cà phê mới ra đời.

Cà phê "phố"
Triệu Việt Vương nổi lên như một phố cà phê vào những năm 90 của thế kỷ XX, cà phê phin truyền thống trong các góc phố yên tĩnh. Mặc dù các quán cà phê theo xu hướng này rải rác trong khắp thành phố, nhưng Triệu Việt Vương vẫn là nơi quen thuộc của những người thích chuyện "trên trời dưới đất". Sáng sáng, họ ngồi trên vỉa hè của quán cà phê, đọc báo, hút thuốc, bàn chuyện làm ăn, nhâm nhi cà phê.

Cùng với cà phê phin và nơi yên tĩnh, Hàng Hành được biết đến như nơi tụ họp của dân "sành điệu". Hơn 20 quán lớn, nhỏ với những cái tên rất ngộ như "Old Quarter", "Mid Night", "Pinky Moon" và "Green Coffee", tất cả đều đang cạnh tranh nhau với cà phê Nhân "kỳ cựu".

Phố Nguyễn Du lại có một phong cách khác. Cà phê 84 là một địa điểm rất thơ mộng cho đôi lứa vào những ngày cuối tuần và những dịp trọng đại. Một khu vườn kín đáo có thêm dịch vụ "Karaoke" sống (khách hàng hát cùng với dàn nhạc). Hiện nay không chỉ có cà phê mà các quán có thêm nhiều loại đồ uống khác như trà, sinh tố các loại. Họ thu hút khách bởi phong cách mới, như trang hoàng quán theo kiểu Latinh hay nhạc sống...

Tất cả các quán đều có những loại cà phê đặc thù như cà phê đen đá, đen nóng, cà phê sữa đá và cà phê sữa nóng, giá chỉ từ 3.500 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ thuộc vào quán.


Phong cách mới
Cà phê Trung Nguyên, cà phê thương hiệu đầu tiên của Việt Nam, đã có mặt ở rất nhiều nơi trong Thành phố. Thương hiệu cà phê này đã bắt đầu làm quen với dân nghiền cà phê, với hơn 10 loại cà phê, hương vị rất đậm đà nhưng giá cũng khá cao.

Biểu tượng nâu và vàng của Trung Nguyên đã dần chiếm được cảm tình, những con phố như Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng, Triệu Việt Vương, Quán Sứ... đều có cà phê "Chồn". Đó là cách nói vắn tắt về một phương pháp chọn cà phê của Trung Nguyên. Những con Chồn được nuôi trên các đồn điền cà phê, chúng có cảm nhận rất tốt về vị giác và chỉ chọn ăn những hạt cà phê tốt nhất. Sau quá trình tiêu hóa tự nhiên của Chồn, họ thu lại hạt, làm sạch, rang và pha chế như bình thường. Hệ thống tiêu hóa của Chồn đã bất ngờ làm cho hạt cà phê trở lên mịn hơn và đậm đà hơn các loại cà phê khác.

Còn với những ai yêu phong cảnh và cà phê thì có thể tới Highlands Coffee trên Hồ Tây. Với những bộ bàn ghế gỗ thanh lịch cùng những chiếc ô màu trắng với những giỏ hoa treo, hoa bàn nhiều màu sắc và thể loại nhạc Jazz rất đặc trưng, khiến Highlands Coffee trở nên dịu dàng hơn giữa sự ồn ào náo nhiệt của đường Thanh Niên. Nằm trên những vị trí đẹp nhất trong Thành phố, như Hồ Tây, Hồ Gươm, tầng 1 khu thương mại Vincom City Tower và Big C hay đại sảnh Nhà hát lớn, Highlands Coffee đã trở thành nơi nghỉ ngơi, thư giãn của dân trí thức, giới nghệ sĩ, những bạn trẻ sành điệu và nhân viên văn phòng bên tách cà phê Capuchino, Mocha, đồ Italian Soda hay cà phê mang phong cách Việt. Highlands Coffee đã gần gũi hơn với người dân Hà Nội và những người nước ngoài.

Mặc dù thời gian có thay đổi, dù cho cà phê hiện đại có ngon đến đâu, thì dân nghiền cà phê của thành phố vẫn không thay đổi khẩu vị của mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn bên trong những quán cà phê nhỏ, cà phê phố cổ vẫn luôn nườm nượp người mỗi sáng./.

Thương Thương
CNTT số tháng 8/2005 (trang 38)

tinhbanvatoi

"Cafe nước máy" ở Hà Nội

Nguyên Lê/Người Việt
Tại Hà Nội, mỗi ngày có hàng ngàn quán cà phê mở cửa đón khách. Trên mỗi con đường, trung bình sẽ có từ hai quán cà phê trở lên. Mặc dù, các quán cà phê tại Hà Nội không được đầu tư lớn như ở Sài Gòn nhưng nó vẫn trở thành một trong những trung tâm giải trí của giới trẻ.



Một cửa hàng bán cà phê tại Hà Nội, Việt Nam.
Người ta khó biết được đâu là cà phê thật, đâu là
cà phê giả. Hình: HoangDinhNam/Getty Images.

Tại đây, mỗi người chỉ bỏ ra chừng 10 ngàn đồng Việt Nam là vô số bạn trẻ có thể ngồi tán gẫu hết cả ngày. Giá các loại nước uống của các quán cà phê Hà Nội không đắt nhưng thay vào đó là cách pha chế một cách hổ lốn trầm trọng. Thậm chí, những quán cà phê lớn. thay vì cho khách uống nước pha chế an toàn, sạch sẽ thì nhân viên tại những quán cà phê này lại cho khách hàng của mình thưởng thức nhiều ly nước hỗn tạp thiếu vệ sinh. Dân Hà Nội thường gọi loại cà phê này là cái tên "cà phê nước máy."

Các quán cà phê hay trà là nơi giới trẻ Hà Nội
thường lui tới. Hình: Mai Thượng/Người Việt

Ðến phố cà phê nổi tiếng tại Hà Nội mang tên Triệu Việt Vương chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi theo dõi cách pha chế nước ở đây. Ðây là địa điểm trung tâm về cà phê nhưng nhân viên ở những quán tại khu vực này lại cho khách thưởng thức những ly "cà phê nước máy" hết sức ấn tượng. Theo một người bạn là nhân viên tại một quán cà phê khu vực này bước vào khu vực pha chế, chúng tôi thấy xung quanh đồ đạc dùng để pha nước bị vứt lung tung, lộn xộn. Những bình đựng nước đun sôi nằm trơ trọi ở một xó. Phích đựng nước nóng cũng xếp ngay ngắn dưới một gầm bàn khá kín. Ðể pha một ly cà phê, nhân viên quán này đổ bột cà phê vào phin và vặn nước máy ở vòi ra cho vừa đủ. Rồi sau đó, để lên ly chờ cà phê chảy hết, cho thêm chút đá và mang ra cho khách.

Hầu như, mọi lần pha chế nước uống tại đây đều dùng hoàn toàn nước máy chưa được đun sôi. Nguyên liệu pha chế vứt lung tung, bẩn thỉu dây cả ra ngoài nhưng vẫn được sử dụng triệt để. Ðã vậy, những nước uống như trà lipton có một túi trà đi kèm sẽ được nhân viên ở đây giúp hòa tan với nước bằng cách lấy tay bóp cho nước và trà chảy ra. N.H. một nhân viên tại quán này cười nhẹ giải thích: "Nước đun sôi hay nước máy cũng là nước cả thôi, vào bụng cái gì chẳng là nước. Mà ở đây, có ai đi đun nước đâu, ai cũng lười nên vội pha xong nước cho khách thôi. Khách cũng có ai muốn chờ lâu đâu, mà uống vậy cũng không chết ai đâu mà lo."

Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở một quán mà hầu hết các quán cà phê khu vực này đều làm rất ẩu, vô trách nhiệm. Một người quản lý một quán cà phê đường Triệu Việt Vương rất tự tin cho rằng: "Cà phê ở quán anh là nhất, nhân viên pha chế rất đảm bảo vệ sinh." Trong khi đó, vợ anh này lại thắc mắc khó hiểu: "Có khi nào tôi thấy bọn nó đun nước đâu mà vẫn pha chế xong một cách nhanh chóng mới giỏi. Hỏi thì đứa nào cũng bảo là nước còn dư nhưng dư từ hôm qua cùng lắm cũng chỉ đủ pha 10 ly thôi chứ làm sao đủ cả một ngày?" Không chỉ thế, một số nhân viên còn vác đồ đạc pha chế để gần cửa nhà vệ sinh làm hẳn một khu pha chế ở đấy với lý do "lấy nước cho dễ". Và cứ thế, hàng ngày khách đến đây được thưởng thức những món rất lạ: "Cà phê nước máy."

Không chỉ là cà phê nước máy mà một quán cà phê trên đường Hàng Ðào khá nổi tiếng còn cho khách hàng thưởng thức nước hỗn tạp gia vị. Một nhân viên ở đây kể rằng, quán này thường tập trung khá nhiều thành phần nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu có tiếng tăm. Vì thế, nhân viên ở đây cứ nhìn thấy ai kênh kiệu, dễ ghét là sẽ pha chế nước "đặc biệt" ngay. Bên cạnh pha chế nước một cách bình thường, nhân viên ở đây còn nhổ thêm một bãi nước bọt vào ly nước với lý do "vừa có bọt, vừa đỡ tức giận" và mang ra cho khách. Xong về nhà, những nhân viên này mà thấy nhân vật mình ghét trên ti vi vừa cười vừa khoe "nó từng uống nước bọt của tao."

Rồi thay vì dùng những dụng cụ đảm bảo vệ sinh pha chế, nhiều nhân viên khuấy nước cho khách bằng tay. Chỉ trong vòng vài phút, ly nước mang ra cho khách xem có vẻ hấp dẫn nhưng nào có mấy ai biết nó chứa bao nhiêu vi trùng trong đấy. Ðã thế, đường bị kiến bò vào cũng để nguyên pha cho khách rồi vớt vội khiến cho có ly nước vẫn còn lổm ngổm một, hai con kiến.

Không chỉ tồn tại ở một quán mà tình trạng pha nước uống mất vệ sinh như này tồn tại ở nhiều các quán cà phê đang kinh doanh tại Hà Nội. Với một số lượng nhân viên không được huấn luyện, làm việc thiếu trách nhiệm, các quán cà phê đang dần biến thành tụ điểm mất vệ sinh. Ngoại trừ những đồ uống được đóng chai, một nhân viên đang làm tại một quán cà phê đường Lý Nam Ðế cho rằng "chẳng có quán nào nước pha chế là nước uống đảm bảo cả."


tinhbanvatoi

Cafe Hà Nội

Hà Nội vào đông với cái lạnh cắt da cắt thịt, với những đợt gió rét buốt thi nhau tràn về khiến những con phố nhỏ vốn sầm uất nay cũng vắng bóng người qua lại hơn. Trong cái giá lạnh này thì địa điểm lý tưởng để cho những doanh nhân bàn chuyện làm ăn, cho những đôi tình nhân âu yếm nhau , hay cho học sinh, sinh viên buôn dưa lê chính là những quán cafe với những quán cafe sinh viên (quán cóc) bên đường hay những quán cafe sang trọng, sành điệu, là nơi để chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội của mình.


Cafe vỉa hè

Những quán vỉa hè này là sự lựa chọn lý tưởng cho những học sinh, sinh viên với túi tiền eo hẹp, cho những ai thích không khí xô bồ, bình dân, có thể trò chuyện, cười đùa thoải mái. Nhắc đến cafe vỉa hè thì không thể nhắc phố Triệu Việt Vương - dãy phố của những quán cafe vỉa hè. Trái với sự sầm uất của "ông hàng xóm" - phố Bà Triệu thì phố Triệu Việt Vương ít người qua lại hơn nên đa số dân tình thích ngồi ở vỉa hè để vừa tán chuyện, vừa ngắm người qua lại.


Ảnh : Nguyễn Tuấn Anh

Nổi lên trong dãy phố này phải nói đến THỌ CAFE, một thương hiệu đã được khẳng định từ biết bao năm nay. Với một không gian rộng rãi,một mảnh vườn nhỏ trải dài theo căn nhà, một gian nhà để xe rộng rãi kèm theo dịch vụ rửa xe tại chỗ, cafe Thọ thu hút được nhiều khách hơn so với các hàng khác. Đồ uống ở đây khá là đầy đủ, từ cafe đến sinh tố, trà, nước hoa quả với giá cả bình dân (6000d/ cốc cafe).



Ảnh : Nguyễn Tuấn Anh

Một địa chỉ nổi tiếng khác là cafe Lâm ở Nguyễn Hữu Huân, hơi chếch hàng Xôi Yến nổi tiếng. Sau khi ăn một bát xôi xéo gà ở Xôi Yến rồi sang nhâm nhi một tách cafe ở Lâm thì còn gì bằng. Cafe Lâm có không gian nhỏ hơn rất nhiều so với cafe Thọ, với những dãy bàn ghế nhỏ nhắn, dân dã. Nét độc đáo và nổi tiếng của Lâm không phải bởi cafe ngon, giá cả bình dân hay vị trí đẹp mà là những bức tranh ở trên tường. Theo như lời của chủ quán thì những bức tranh này đều được các hoạ sĩ vẽ thay cho tiền cafe.Với giá 7000d/ cốc cafe, ngồi nhâm nhi tách cafe sau bữa sáng, cập nhập tin tức bằng tờ Tin Nhanh buổi sáng, kể chuyện trên trời dưới biển với bạn bè thì khác gì " phê tít trên cây mít" đâu.

Một địa điểm nổi tiếng khác là Hale vỉa hè, chạy dọc theo Nguyễn Du từ Liên Trì cho đến Trần Bình Trọng. Với những chiếc ghế nhựa xanh được kê sát tường, ngồi quay mặt sang hồ Hale, có thể nói khung cảnh ở đây khá đẹp, vừa nhâm nhi tách cafe tán gẫu với bạn bè, vừa ngắm người qua kẻ lại trên phố Nguyễn Du. Giá cả ở đây cũng rất bình dân, chỉ với 4000d/ cốc cafe.

Cafe Sinh Viên

Những quán cafe này phần lớn nằm rải rác xung quanh các trường đại học tại Hà Nội. Nổi bật hơn cả là dãy cafe ở phố Vọng với gần ba chục quán nằm gần 3 trường DH lớn của Hà Nội là Bách Khoa, Xây Dựng và Kinh Tế. Mang đậm nét sinh viên với các tiêu chí NGON - BỔ - RẺ nên những Vọng Quán, Mây Hồng... đã thu hút được lượng lớn sinh viên.

Nét đặc trưng của cafe Vọng là chương trình " Sao Hôm Điểm Hẹn" hay theo cách dân dã gọi thì là " cây nhà lá vườn". Với những sân khấu nhỏ, đèn nhấp nháy như đang ở trên sàn, những giọng ca Sao Hôm tương lai có thể thoải mái thể hiện giọng "oanh vàng" hay "vịt đực" của mình. Tất nhiên với tiêu chí rất sinh viên " hát hay ko bằng hay hát" thì dù hay hay dở các ca sĩ Sao Hôm này đều nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt từ những khán giả phía dưới



Cafe Sành Điệu
Những quán cafe sành điệu với nội thất sang trọng, cách bài trí bắt mắt, âm nhạc sôi động trẻ trung, kết nối với Internet qua mạng Wi-Fi đã thu hút phần lớn dân sành điệu, doanh nhân thành đạt. Chẳng hạn như New Windows, toạ lạc trên đầu ngã tư Lý Thường Kiệt và Hàng Bài.




Đa phần những quán này đều toạ lạc trên những con phố lớn, sầm uất đông người qua lại. Nội thất với những bộ bàn ghế sang trọng, được bày trí rất bắt mắt kèm theo những bản nhạc trẻ trung, sôi động đang rất thịnh hành và tất nhiên là ko thể thiếu yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của giới trẻ ngày nay , Internet với công nghệ truy cập không dây Wi-Fi.

Amigo- đối thủ nằm bên đường đối diện của New Windows



Độc đáo hơn là quán cafe Hale. Trái ngược lại với phong cách sôi động, ồn ào của bar ở tầng 1 thì cafe Hale toạ lạc ở tầng 2 là sự yên tĩnh, lịch sự. Cũng chính vì đặc điểm này mà nơi đây thu hút được khá nhiều giới trung niên đến uống cafe, bàn chuyện làm ăn, hay những cuộc đi chơi gia đình cuối tuần.

Những quán cafe sành điệu này kiêm luôn chức năng cơm văn phòng. Những món cơm, phở, bún, bánh mỳ ... sẵn sàng phục vụ bạn từ sáng đến tối. Đồ uống thì ngoài những đồ uống thông thường ra thì còn có rượu, bia. Tất nhiên giá cả ở đây cũng "chát" hơn, thường thì dao động trong khoảng 25.000 - 35.000/ đồ uống.



Ngoài lề chút, theo như giang hồ đồn đại thì quán cafe 1A Yết Kiêu mới mở với không gian rộng rãi, thoáng đãng, nội thất sang trọng, hiện đại. Nhạc được mix hay nhất trong các quán cafe sành điệu ở Hà Nội đang dần nổi lên như một thế lực mới trong làng cafe vốn đã đông đúc này



tinhbanvatoi

Cà phê Hà Nội và người bạn vong niên

(VietNamNet) - Ở Hà Nội, những quán cà phê cũ là một phần linh hồn thành phố. Đến đó người già nghĩ về thời đã qua. Người trẻ tìm thấy những bài học mới trong cuộc đời và phát hiện ra một Hà Nội đáng yêu...


Tâm sự gửi đến cô bạn Hải Phòng và bác

Có một câu chuyện tôi muốn kể cho cô nghe. Cô còn nhớ một ngày trên tầng ba quán cà phê Phố Cổ, nhìn ra Hồ Gươm buổi chiều xanh thẫm, cô nói với tôi: "Trong ly cà phê này có vị của cuộc sống"?

Chắc cô không hề biết rằng từ câu nói trên tôi đã đến với cà phê như thế nào. Và cô cũng không ngờ rằng, một người tỉnh khác đến Hà Nội như tôi bỗng trở nên gắn bó và yêu Hà Nội như bây giờ.

Tôi vốn là người uống trà. Với tôi, nhớ khi ngồi với cô, cà phê chỉ có vị đắng. Nhưng sau thời gian sau đó, đôi khi vô thức, trong góc tối quán nhỏ Hà Nội, tôi gọi cho mình một ly cà phê đen... Nhờ thế mà đã phát hiện Hà Nội có một phần linh hồn ẩn chứa trong những quán cà phê ấy những quán cà phê nhỏ và tối, đã xưa cũ như những ký ức về Hà Nội cổ với mảng tường rêu và thiếu nữ Hà Thành tóc dài cặp trễ sau lưng.

Đó là quán Giảng ở đầu Hàng Gai. Quán nằm ngay trên con phố nhiều người qua lại nhất, vậy mà luôn có vẻ tĩnh lặng cũ kỹ của những ngày xa xưa. Tường đã ố vàng, trước cửa treo chao đèn màu đen, bóng đèn điện đã hỏng từ lâu, bàn ghế thấp nhỏ và sạch sẽ. Khách đến quán ngồi dọc theo tường, ngồi một chỗ có thể nhìn khắp quán. Quen nhau cả, thường là khách quen, đến chỉ để uống nhanh một cốc cà phê sáng, nói dăm câu bâng quơ về tình hình thời sự hay những chuyện đã qua bằng cảm giác thư thái, tĩnh lặng.


Một quán cà phê cũ HN, nhìn từ ngoài. Ảnh: Mai Trinh

Đó là quán Lâm nằm trên đường Nguyễn Hữu Huân. Trên tường treo những bức tranh đã in đầy dấu vết thời gian. Mọi người đồn nhau tranh ấy là do mấy vị họa sĩ uống cà phê chịu mang đến tặng. Quầy pha cà phê là một cái bàn to cũ kỹ. Bàn khách nhỏ, chỉ vừa cho hai người ngồi. Những lúc quán đông, khách lạ, khách quen ngồi cùng nhau cả. Đông hơn nữa thì khách ngồi tràn ra hè, đặt ly cà phê của mình trên ghế đẩu, trầm ngâm đọc báo. Vỉa hè rộng. Mỗi người như là cả một thế giới riêng tư...

Những quán cà phê cũ ấy là một phần linh hồn thành phố, là nơi để người già nghĩ đến những câu chuyện cũ, nói với nhau những câu chuyện cũ, trong những buổi sáng, buổi chiều mà dù ngoài đường xe cộ đi lại, đối với họ chỉ có kỷ niệm là ồn ào, chỉ có tiếng lá sấu rụng trên hè là ồn ào...Những người bạn già ngồi bên nhau, thời gian trôi ngược lại. Sau cặp kính trắng, những hồi ức miên man...

Những quán ấy cũng là nơi để người trẻ có được bài học quý. Vì ở nhiều người già có một kho chuyện kể, mỗi câu chuyện kể đều chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa. Những chuyện mà mới nghe qua người trẻ tưởng như người già nào cũng có và cũng giống nhau, về những ngày gian khó, những ngày chiến tranh, những người bạn đã đi xa không trở lại, những người bạn mãi mãi vẫn còn đợi chờ... Nhưng chỉ cần chú tâm chút thôi sẽ thấy tất cả những câu chuyện ấy đều là tình yêu có thật, nỗi đau có thật, những kỷ niệm mãi mãi còn vẹn nguyên bởi tình cảm chân thành và trong sáng nhất của một thời chưa phải quá xa xôi.

Bên trong một quán cà phê Hà Nội. Ảnh: Mai Trinh

Những quán cà phê cũ cũng giống như những người già ngồi trong quán, đã đi qua rất lâu thời gian, chứng kiến nhiều thay đổi, nhìn thấy hết, thấu hiểu và lưu giữ hết, lặng lẽ và yên bình, âm thầm nâng niu ký ức mà ít khi oán trách. Những người đã hiểu cuộc sống đến từng chân tơ kẽ tóc, có thể lý giải mọi thăng trầm càng thiết tha với từng giây từng ngày của thành phố bé nhỏ. Quán cũng biết nhiều về cuộc đời nên không có vẻ ngoài phô trương, cầu kỳ nữa. Chân tường đã lem nhem những rêu, bàn ghế đã loang lổ những vết ố cà phê nâu thẫm.. riêng hoa trên bàn luôn tỏa hương thơm thanh khiết nhất, và mọi mặt người đều gần gũi thân quen.

Ở những quán ấy thường bắt đầu những câu chuyện giản dị mà tốt đẹp và mang ý nghĩa quan trọng không ngờ. Như câu chuyện của tôi với một người mà tôi cũng không biết tên, không biết nhà bác ở đâu, trước đây bác làm gì, bây giờ bác bao nhiêu tuổi. Chỉ biết chắc rằng bác là một người Hà Nội nhân hậu, một người bạn lớn mà tôi sẽ còn nhớ suốt đời mình.

Tôi gặp bác một lần duy nhất trong quán cà phê cũ nhỏ cạnh Hồ Gươm. Bác đã lớn tuổi, là một người hưu trí Hà Nội có vẻ ngoài rất nhàn tản.

Năm ấy là năm 2003, bắt đầu mùa đông, không khí đôi chút lạnh, và trên khắp những ngả đường thành phố hoa sữa đã thơm nồng. Hôm ấy tôi không có chuyện gì buồn, chỉ là trạng thái trống rỗng, cố gắng suy nghĩ điều gì đó nhưng lại cảm thấy dường như tất cả những điều đang diễn ra quanh mình thật vô vị. Vẻ mặt tôi thì dường như là rất buồn rầu, ngồi một mình và gọi một ly đen. Giống như những người trẻ tuổi nông nổi khác, thời gian đấy tôi luôn coi cuộc đời mình là nghiêm trọng không người lớn nào có thể thấu hiểu.

Quán nhỏ nên tôi và bác ngồi cùng bàn. Ở quán ấy, giống như tất cả những quán cũ khác của thành phố, những người lạ thường ngồi cùng bàn, chung một không gian nhỏ, sự thân thiện nhỏ. Quán yên tĩnh. Tôi nhìn mãi ra đường, đường rất đông người qua, ai ai cũng dường như bận bịu vô cùng lắm. Bác thì đọc báo, cặp mắt kính trễ xuống trên mũi. Rất lâu. Rồi bỗng nhiên, bác ngẩng đầu nhìn tôi và nói rằng: "Cà phê của cháu sắp đắng rồi!".

Bác bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy, với nét mặt tự nhiên như là trong những đoạn tạp văn xưa về người Hà Nội mà tôi đã đọc qua.

Bác hỏi han tôi: quê cháu ở đâu, nhà có mấy anh chị em, bố mẹ có khỏe không... Tuyệt nhiên không thắc mắc vì sao tôi lại ngồi một mình và vì sao tôi lại có vẻ mặt trầm ngâm như vậy (nếu bác hỏi, tôi đã thấy rất xấu hổ vì không có lý do gì để trả lời bác cả).

Rồi bác gấp báo và nói với tôi, chuyện Hà Nội đã vào đông, chuyện những cái cây đã bắt đầu thay lá, chuyện những cây cà phê từ vùng này sang vùng khác cho hạt cà phê khác nhau thế nào... Như người Hà Nội hưu trí nhàn tản nhất, nói những điều vu vơ không đầu không cuối với người lạ để hết thời gian.

Khi ấy tôi cũng đang nhàn rỗi lắm, hai ngày cuối tuần hồi đó thường là thời gian mà tôi thấy thừa thãi vô cùng, chưa yêu ai, không có nơi nào để chơi, không có việc gì để làm... Vậy nên tôi thấy vui khi bác nói chuyện với tôi. Tôi kể cho bác nghe chuyện những xích mích nhỏ đang xảy ra giữa tôi và mấy người bạn, chuyện người ta đã làm sai ra sao và tôi đang chờ người ta xin lỗi thế nào, chuyện tôi đã chỉ được 5 điểm môn học yêu thích nhất... Tất cả đối với tôi khi ấy thật sự nghiêm trọng, những chuyện xảy ra trong đời luôn cần được phân biệt rõ ràng đúng và sai, người sai thì phải xin lỗi, người đúng được quyền tha thứ hay không tha thứ, những kết cục thành công hay thất bại đều có nguyên nhân, những hành động sai lầm đều để lại vết thương day dứt mãi...Bác cười hiền lành, bao dung. Bác bảo: "Cháu hãy nghĩ đến những chuyện tốt đẹp trong một ngày mà thời tiết rung động lòng người đến thế này".

Bác nói vậy. Giản dị. Bỗng nhiên tôi nhận ra cây dâu da bên kia đường vòm lá thi thoảng đã có chỗ vàng rực, những chiếc lá rụng xuống trên hè trong đêm đã khô lại, không khí như còn đọng vị hương thanh khiết, và gió lạnh se se làm lòng thấy dịu dàng rồi mong nhớ không nguôi về những điều cũ kỹ xa xôi.
Rồi bác nói với tôi về cà phê, về việc lựa chọn hạt cà phê, chế biến, pha và thưởng thức nó. Bác nói những việc ấy nếu suy nghĩ một chút sẽ thấy giống như việc một người lựa chọn thái độ đối với cuộc đời, nâng niu và tận hưởng những cảm xúc mà nó mang lại. Nếu biết trân trọng, dùng lòng mình để đón nhận cuộc sống, giống như yên tĩnh lắng nghe vị thơm của ly cà phê tan trong không khí, sẽ có được những tình cảm yêu thương dịu dàng, những niềm hạnh phúc đơn sơ không bao giờ ngờ đến.

Bác nói cho tôi biết những đạo lý tốt đẹp và giản dị, trong thời gian vừa đủ để chậm rãi uống cạn một ly cà phê đen. Khi ấy, bác làm tôi ngạc nhiên vô cùng về những người Hà Nội. Có thể ngồi trong quán cà phê nhỏ, khi ngoài đường tất cả thật bận bịu, bỏ công sức và thời gian để giúp một kẻ trẻ tuổi nông nổi biết được trong cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp đến thế nào. Có thể cố tâm làm một việc tốt đẹp bằng hành động như thể chỉ vu vơ nói những chuyện không đầu không cuối mà thôi.

Sau này, tôi thường nghĩ đến những điều bác nói. Và đôi khi, trong góc tối quán nhỏ, vào những ngày mà sức lực dường như không đủ để dễ dàng tha thứ cho hết thảy và yêu thương hết thảy nữa, tôi gọi cho mình một ly cà phê, nhấp ngụm cà phê đầu tiên, lắng nghe vị ngọt thơm đọng lại nơi vòm họng, dùng tất cả những tình cảm dịu dàng trong trái tim mình mà ngắm nhìn mọi người để lòng trở lại tĩnh lặng, và tận sâu trong tôi, tôi mong được gặp bác thêm một lần nữa biết bao...

Cô bạn Hải Phòng thân mến à, tôi đã bắt đầu yêu Hà Nội như thế đấy. Càng ngày càng thấy thân thiết hơn những góc nhỏ thành phố tĩnh lặng, những con đường thành phố mong manh hoa trắng mùa xuân, những quán nhỏ suy tư bình yên, những con người thành phố dịu dàng hồn hậu...

Vậy nên đi xa là thiết tha nhớ thời gian của những buổi sáng sớm tới quán cà phê quen, kê ghế ra vỉa hè, ngắm nhìn con đường thành phố ngái ngủ, chờ đợi những chiếc xe đạp chở đầy hoa đi qua, nói dăm ba câu bâng quơ với người lạ bên cạnh, lắng nghe câu chuyện của hai người già gần đấy... Những điều như thế, có thể mang lại cho mình bao nhiêu sức lực không ngờ, để yêu thương...

Hà Nội, một ngày thu muộn 2006

Hoài Thu

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội