Phi trường Đài Bắc

Started by saos@ngmo, 11/03/07, 09:40

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

Phi trường Đài Bắc

truyện ngắn của Lý Lan


Chuyển máy bay ở Đài Bắc. Thời tiết tốt, những chuyến bay từ Los Angles, từ San Francisco đến đúng giờ, theo như thông báo. Chuyến bay tiếp từ Đài Bắc về Sài Gòn không có gì thay đổi trên lịch bay, và theo lịch đó thì hai giờ nữa máy bay cất cánh.

- Đừng, Pú!

Tiếng la làm đứa bé giật mình, bàn tay nhỏ khựng lại trong không trung. Nó ngoái nhìn mẹ, đôi mắt đen láy vừa ngơ ngác vừa phân trần "con chỉ muốn sờ vào cánh hoa thôi mà." Nhưng ánh mắt của mẹ nó vừa cảm thông vừa lo lắng "nhìn thôi con à, rủi hư hao ngừơi ta bắt mình đền."

Chợt ánh đèn chớp nhá lên, đứa bé xoay hẳn người lại nhìn người đàn ông đang cầm máy chụp hình, đôi mắt nó nở tròn sửng sốt. Ông ta mĩm cười chỉ vào chậu hoa lan lộng lẫy bên cạnh đứa bé. Đây là chỗ đẹp nhất sân bay Đài Bắc: nơi trưng bày hoa lan. Hoa đang độ mãn khai , hàng trăm cành, được bày trí trong vùng ánh sáng êm dịu, phản chiếu và lan toả giữa những vật thể trông giống như thủy tinh, tạo ấn tượng sang trọng, cao quí. Cái vẻ cao sang ấy đã cám dỗ đứa bé và khiến mẹ nó có vẻ lóm thóm. Chị bối rối bảo con.

- Đi.

- Khoan. Để chụp cho ba mẹ con một tấm hình kỷ niệm.

Trước khi đứa bé hiểu ra điều gì, ánh đèn chớp lại nháng lên. Nó nhìn người đàn ông cầm máy hình rồi nhìn mẹ. Nó hiểu vẻ mặt không hài lòng nhưng không phản đối của mẹ, cái vẻ mặt của mẹ khi ba nó đặt lên mâm cơm chiều chai rượu, vừa ăn vừa uống vừa nói luôn mồn, độc thoại suốt bữa ăn. Người đàn ông này không to xác bằng ba nó, nhưng nụ cười cầu tài và ánh mắt vuốt ve của ông hao hao giống cách ba nó nhìn mẹ nó khi đã ngà ngà say. Ông đi tới gần, chìa cái máy ra trước mặt đứa bé, chỉ cho nó coi hình ba mẹ con ngơ ngác lạc lỏng trên nền hoa lan trắng tím vàng nâu đài các. Ông nháy mắt với đứa bé nói một câu tiếng Anh. Nó ngơ ngác nhìn mẹ và mẹ nó càng bối rối. Người đàn ông như chợt hiểu ra, à lên một tiếng:

- Em lấy chồng Đài Loan hả?



* * *

Năm năm trước cũng tại sân bay này khi nghe câu hỏi tương tự Quyên đã bật khóc. Trong cái cách hỏi, trong cái giọng nói của mấy 'Việt kiều' mang passport Mỹ ấy có một chút tò mò một chút thương hại. Mai mối ra sao? Em nuôi bệnh má em ở bệnh viện ung bứu, không có tiền, lúc đó ai biểu làm gì có tiền em cũng làm hết. Chồng em là người thế nào? Ổng cũng lớn tuổi, thợ sửa xe, thất nghiệp hoài, làm đủ thứ chuyện cũng không có tiền. Em cũng đi làm, có bầu cũng đi làm, em cũng làm đủ thứ chuyện, gần đây em tưới cây và dọn dẹp nhà cửa cho một bà bác sĩ, em làm nửa ngày vì bận con nhỏ. Con đâu? Bà nội nó không cho đem theo. Sao em nỡ bỏ con đi về? Má em chết, em về chịu tang. Buồn, lo, tủi , và nhục, Quyên khóc rấm rức. Trong sáu bảy người vây quanh vặn hỏi và bàn tán, có một người móc bóp cho Quyên năm chục đô.

Bây giờ Quyên không sẵn lòng bán câu chuyện đời mình nữa, dù có được cho một trăm đô. Nên chị không đáp câu hỏi của người đàn ông. Một tay quắp đứa con gái bốn tuổi bên hông, vai đeo một cái túi bự gần bằng đứa bé, tay còn lại kéo một cái vali con có bánh xe, mắt chị luôn ngó chừng đứa con trai sáu tuổi chạy lăng quăng phía trước. Thỉnh thoảng chị la lên "Pú", không biết chị bảo đứa nhỏ đừng làm gì đó hay 'Pú' là tên của nó. Ba mẹ con đi đứng lụp chụp một hồi thì tới chỗ ngồi đợi lên máy bay. Người đàn ông lặng lẽ đi đằng sau họ. Ông ta sẽ đi cùng chuyến bay.

....

Nếu con mình không chết... Ý nghĩ chỉ thoáng qua trong một giây. Đức ngồi xuống cái ghế phía sau lưng ba mẹ con. Anh không cố ý, nhưng vẻ mặt và dáng điệu của người đàn bà trẻ này có một sức hút, mà ngay từ cái nhìn đầu tiên anh đã chạnh lòng. Hình như cái dáng gồng gánh bao che con cái của chị hao hao ... ừ, hao hao giống mẹ anh. Vẻ mặt buồn buồn chịu đựng nhưng ngang bướng ngầm ấy khiến anh nhớ đứa em gái của mình. Và đôi mông chắc căng trong lớp quần jeans và cái gáy loăn xoăn tóc mai khi chị rướn cổ giữ thăng bằng giữa cái túi đeo trì một bên vai và đứa con xốc một bên nách, khiến anh đi theo chị như một con đực theo một con cái.

"Reng ..."

Tiếng chuông điện thoại reo một hồi hai hồi rồi ba hồi. Vài người chung quanh bắt đầu kiểm tra xem có phải điện thoại mình reo, rồi nhìn quanh. Đức cũng đưa tay sờ điện thoại của mình mặc dù anh biết chắc chắn tiếng reng ấy phát ra từ cái túi xách đặt bên cạnh người đàn bà ngồi trước mặt anh. Chị bắt đầu chú ý tiếng reng, rồi giật mình lật đật mở túi xách xục xạo tìm và lấy ra một cái điện thoại di đông mới toanh. Nó tiếp tục reo trong bàn tay lúng túng của chị. Đức chồm tới nói:

- Em bấm cái nút có hình cái điện thoại xanh đó.

Người nào ở đầu kia điện thoại hẳn là đang gân cổ nói, giọng oang oang khàn khàn vang ra từ cái máy nhỏ xíu, Đức ngồi đằng sau cũng nghe loáng thoáng tiếng xí xô xí xào. Quyên gật đầu từng cái như chêm dấu phẩy ngắt câu vào chuỗi âm thanh tuôn ra liên tục. Một lát sau chị kèm theo mỗi cái gật đầu một tiếng Ò hay Ừ. Rồi chị kê cái máy vô tai đứa bé, nó kêu toáng lên 'Papa' rồi nói líu lo một chập. Đứa em gái của nó đòi cái máy, hai đứa giành qua giành lại, đứa bé gái giậm chân khóc to, trong điện thoại vang lên tiếng quát, đứa bé trai xụ mặt đưa cái máy lại cho mẹ.

Quyên cầm lại điện thoại, đe hai đứa nhỏ là không ngoan thì không được đi máy bay, nhìn quanh coi, có ai khóc lóc la lối như tụi nó đâu. Hai đứa bé bèn ngồi xuống ghế nhìn quanh. Phần lớn là người Việt từ Mỹ và Canada đang chờ chuểyn máy bay về Việt Nam, họ cũng nhìn ba mẹ con. Giọng nói trong máy điện thoại vẫn léo nhéo. Quyên quay mặt ra sau nói:

- Anh làm ơn tắt dùm.

Đức cầm cái máy bấm nút rồi đưa lại, cả lúc cầm lấy và đưa lại tay anh đều chạm tay Quyên một cách cố ý. Quyên cám ơn rồi ngồi ngay ngắn, mắt canh chừng hai đứa con, cái va li con và cái túi xách to bên cạnh.

Cái điện thoại di động chỉ mới mua vào phút chót, vì chồng Quyên sực nhớ lần trước tưởng mất liên lạc luôn. Nhà Quyên lúc đó chưa có điện thoại, vả lại cũng không có ai ở nhà. Mẹ Quyên mất ở bệnh viện, đám tang ở chùa. Quyên ở chùa suốt ngày đêm đến khi đưa đi hoả táng rồi đem hủ tro về gởi trong chùa, cúng kiến xong xuôi mới về nhà. Nhà cửa hoang vắng trống trơ. Cha Quyên say lừ đừ, đứa em trai mười bảy tuổi cũng đã biết uống rượu. Trong đám ma Quyên nghe nó bàn bạc với cha gì đó mà năm triệu bảy triệu, cha Quyên bảo "Hỏi chị mày tính sao?" Y như Quyên từng nghe biết bao nhiêu lần trứơc đây: "Hỏi má mày tính sao?" Bây giờ mẹ chết, nhất nhất cái gì cần chi tiền trong đám tang, từ vài ngàn trà nước đến năm bảy triệu tiền nhà đòn, đều "hỏi chị".

Khi chỉ còn cha con chị em về lại với nhau trong nhà, Quyên chẳng còn bao nhiêu trong túi, và cũng nhận ra chẳng ai khác có đồng nào. Bé Oanh, bé Yến và thằng Nhu thằng Hào đều đen đúa ốm nhom. Như Quyên hồi xưa. Hồi đó bà mối ngó bàn tay Quyên chai sần, móng đóng đất đen sì, gót chân nứt nẻ, kẻ chân bị nước ăn lở lói, lắc đầu. Bà nói với người mẹ nằm nuốt nước mắt trên giường bệnh: "Tôi làm vụ này là làm phước, chứ con Quyên xấu quá, nội cái hàm răng hô chỉa ra mấy cái răng sâu là mất hết duyên rồi. Chị đừng lo nó bị bán vô động, động nào mua nó e khó gỡ được vốn! Nếu nó biết thân, ưng người già già hay cũng xấu xấu như nó, có khi hạnh phúc."

- Chồng em gọi hả?

Quyên giật mình quay lại, chạm cái nhìn của Đức. Kiểu nhìn đó Quyên đã quen gặp trong mấy năm gần đây, không tập trung vào hàm răng hay gót chân của chị, mà trượt từ gáy xuống mông, lướt quanh ngực quanh bụng. Hai mươi lăm tuổi, sanh nở hai lần, làm việc quần quật nhưng chủ yếu là việc trong nhà, thân hình Quyên nảy nở săn chắc, da vẻ hồng hào, mặt mũi đầy đặn và toát ra một sức hút mà Quyên không hề ý thức. Quyên không biết là chị không xấu, nhưng chị biết đàn ông múôn gì. Trong bảy tám năm qua chị làm mướn cho mấy chục nhà, mấy chục gia cảnh, mấy chục ông bà chủ không ai giống ai, nhưng ít nhất có một chục đàn ông có cùng cái nhìn kiểu đó đối với chị. Cho tới bây giờ Quyên chỉ từng chăn gối với một người đàn ông, mà người đàn ông đó vụng về trên giường cũng như vụng về trong tất cả khía cạnh khác trong đời.

Quyên gật đầu. Người đó là chồng Quyên.

Đức ngồi chồm tới , hơi thở của anh phả vào gáy Quyên khiến những sợi tóc mai rung động, giọng anh gần như thì thầm bên tai Quyên.

- Nó không đi với em sao?

Một câu hỏi thừa nên Quyên không trả lời, vẫn ngồi yên nhìn chừng hành lý và con cái. 'Nó' là tiếng Quyên cũng hay dùng khi nói về chồng với mấy đứa em ở bên nhà, nhưng một người xa lạ gọi chồng mình bằng 'nó' làm Quyên khó chịu. Một chút khó chịu tan theo tiếng thở dài. Chồng Quyên, chẳng những đúng như lời bà mối là già già xấu xấu, mà còn ngu ngu hèn hèn nữa. Có một lần trời mưa to lắm, Quyên lo cơm nước và dọn dẹp cho nhà chủ xong rồi, bồng đứa con ngủ trong nôi ở góc bếp định ra về. Bà chủ thấy vậy lái xe hơi ra cho quá giang về. Xe chạy ra tới đầu phố Quyên thấy một bóng người trùm áo mưa cầm cây dù đứng lấp ló dưới hiên của nhà hàng, Quyên bảo bà chủ ngừng xe lại. Bà chủ quay kiếng xuống hỏi: "Anh đi đón vợ sao không tới nhà tôi mà đứng đây?" Người đàn ông mặt xám ngoét trong mưa ấp úng: "Đứng đây chờ nó đi qua." Bà chủ bảo: "Lên xe, tôi chở về luôn." Người đàn ông đứng thộn ra dưới mưa, rồi xua tay lúng búng nói: "Thôi, chở mẹ con nó về thôi, tôi đi bộ." Bồng con vô nhà đặt lên nôi rồi, Quyên đứng ở cửa nhìn về cuối con đường, thấy bóng ông chồng cắp cây dù dưới nách lầm lũi cắm cúi đi về trong màn mưa mờ mịt, trong lòng Quyên bực bội chán ngán, đồng thời một chút cảm động dâng lên. Sáu bảy năm làm vợ chồng, đó là tình cảm cơ bản của Quyên đối với chồng, người mà dù thế nào đi nữa vẫn là người thân duy nhất của Quyên ở đất nước xa lạ này.

- Nó xứng đôi với em không?

Đức vẫn kiên trì rủ rỉ nói sau ót Quyên. Chị nghe tóc mai dựng lên sau gáy. Không phải chị không có gan bảo gã đàn ông đó hãy để chị yên. Nhưng phần vì chị quen chịu đựng. Chị đã chịu đựng nhiều lần những lời dụ dỗ hay chọc ghẹo, mắng mỏ hay xỉa xói, ở những nơi chị làm việc, ở bên nhà chồng, và chị cứ im lặng như không hiểu. Mà thực tình thì chị cũng không biết đối đáp ra sao. Thất học, chín mười tuổi đi bắt còng lượm nghêu đến mười tám tuổi. Quyên luôn mặc cảm nghèo xấu, chẳng biết 'ăn nói' gì cả. Lấy chồng xứ lạ, Quyên lại càng như câm. Nhưng Quyên âm thầm học nghe để hiểu điều người khác nói, vì ngay năm đầu tiên ở nhà chồng chị đã phải trả cho sự dốt nát một giá đắt. Về nhà chồng được ba ngày, má chồng dắt Quyên đi ở cho một nhà khá giả trong thị trấn. Chủ nhà tử tế, hướng dẫn công việc cụ thể, chị siêng năng làm lụng, cúôi tuần chủ đưa chị tờ giấy bạc một trăm. Chị không biết tiền đô tiền Đài và hối đoái ra sao. Chị chắt mót hàng tháng gởi hết về nhà cho mẹ chữa bệnh. Đến khi nghe em trai chị cay đắng nói trong điện thoại là tiền chị gởi về không mua nỗi một vĩ thuốc, chị ngỡ ngàng, rồi dần dần hiểu ra số tiền nhỏ nhoi đó chẳng xứng đáng công việc nhọc nhằn chị cáng đáng. Chị vẫn tiếp tục đi làm vì không biết làm gì khác, uất ức cả tháng trời rồi liều mạng phất phất tờ giấy bạc chủ nhà vừa đưa, bập bẹ mấy tiếng mới học mót để đòi thêm tiền công. Nói qua nói lại một hồi, chủ nhà hiểu ra và từ tốn giải thích rằng đây là tiền cho thêm Quyên để thưởng Quyên làm việc chu đáo, còn tiền công thì hàng tháng mẹ chồng Quyên đến lãnh rồi.

Hôm đó mẹ chồng Quyên không ở nhà. Quyên đành trút giận lên chồng, ông chồng lù đù dắt vợ qua nhà người chị cách đó ba dãy phố. Vừa thấy mặt mẹ chồng đang chơi với cháu ngoại, cơn uất của Quyên tuôn ra lẫn lộn tiếng Việt tiếng Đài, tiếng khóc, tiếng nấc. Nhưng Quyên khóc không lâu, nước mắt chưa kịp lăn chị đã quẹt vô tay áo để dỏng tai nghe chồng, mẹ chồng, chị chồng, anh rể chồng, cháu chồng cải vả nhoi lên. Mẹ chồng xỉa vào mặt Quyên: "Tiền mày trả nợ tao." Quyên ưỡn cái bụng chữa năm tháng la lên: "Tôi nợ gì bà? Tôi ăn cơm nhà chủ, tối ngủ dưới bụng con trai bà, sáng dậy tôi giặt quần áo cho bà, tối về bưng nước cho bà, trong khi má tôi nằm bệnh viện chờ tiền tôi gởi về mua thuốc mà bị bà ăn chặn ăn cướp hết không chừa ra một đồng. Tôi nợ gì bà?" Mẹ chồng quơ khúc củi phang lên đầu đứa con trai: "Tao vô phước đẻ mày, bốn mươi mấy tuổi mà không làm nên trò trống gì, mượn tiền cho mày mua vợ, dè đâu mày đội quần vợ, nó hỗn với mẹ mày mà mày không dám đánh nó hả?" Bà chị chồng cũng cầm cán chổi xông vô. Chồng Quyên chỉ biết rụt cổ khom người né với đỡ. Quyên nhìn chồng mà sôi gan, khi chị chồng quơ chổi lên, Quyên sấn tới giựt cây chổi. Chị chồng bất ngờ bị mất đà ngã loạng choạng la bài hãi. Sau đó là một cuộc hỗn chiến. Từ đó vợ chồng Quyên dọn ra ở riêng, Quyên đi làm ở đâu cũng thương lượng trước tiền công và đòi trả tiền tận tay mình. Cũng từ đó chị không biết sợ ai nữa. Nhưng nghề đầy tớ khiến chị quen im lặng chịu đựng.

- Em về xứ luôn hả?

Một lý do khác khiến Quyên ngồi im dù không tin thiện ý của những hỏi han đó: những lời ấy là tiếng Việt. Cái tiếng mà chị thèm nghe biết chừng nào. Có đôi lần, khi mẹ Quyên mất, khi đứa con trai té lầu nằm phòng cấp cứu, Quyên khóc lóc than thở bằng tiếng mẹ đẻ với chồng, rồi đau đớn nhận ra người gần gũi nhất đó cũng không hiểu mình nói gì. Khi về chôn cất mẹ xong rồi, Quyên ngồi nghe cha kể chuyện suốt đêm, khóc khong biết bao nhiêu nứơc mắt. Chị đã quyết định ở lại nhà chăm sóc cha và em. Cha chị hỏi: "Nó có đánh con không?" Chị nói: "Không. Nhưng nói chuyện không hiểu nhau, cải nhau hoài." Nhất là từ sau vụ ẩu đả ở nhà chị chồng. Đêm đó về nhà, Quyên ức quá khóc tấm tức mãi, chồng chỉ biết cầm chai dầu xức chỗ bầm gần bụng Quyên. Bấy giờ Quyên mới nhận ra chồng mình bị bầm giập khắp mình mẩy, có chỗ tét da ứa máu. Chị xức thuốc xoa bóp cho chồng và rùng mình nhớ lại cơn liều mạng ngu xuẩn của mình. Giả dụ ông chồng lù đù này không che không đở cho Quyên thì đừng nói sau này mẹ tròn con vuông. Quyên một thân một mình ở đây, sống chết ai biết?

"Vợ chồng nào cũng cải nhau. Nó có lo cho con không?" Cha Quyên lại hỏi. Quyên nói: "Cũng có lo. Nhưng y làm không ra tiền, mà có ra đồng nào cũng bị má chồng lấy hết, lại nghe lời má với chị xúi tầm bậy." Quyên biết họ xúi chồng Quyên bỏ Quyên vì không trị Quyên được nữa; y cũng nhiều phen nghe lời. Mà Quyên cũng chẳng cần. Thực tế là từ ngày đặt chân đến xứ Đài, Quyên đi làm mướn tự nuôi mình rồi nuôi con. Nhưng chẳng biết tại sao dằng co hai năm trời hai người vẫn còn là vợ chồng. Khi nghe tin Quyên về nước chịu tang, mẹ chồng chạy qua nhà bắt đứa cháu nội, còn Quyên bà nói "muốn đi đâu thì đi". Quyên không giành con lại được, cầm như đã mất nó rồi.

- Tội nghiệp em quá.

Quyên giật mình vì bàn tay người lạ chạm vào vai. Chị quay đầu lại trừng mắt nhìn Đức. Năm năm trước cũng ở sân bay này Quyên khóc mùi khi nghe lời cảm thán tương tự. Nhưng từ đó đến nay chị đã trưởng thành, và không muốn ai thương hại mình cả. Vả lại, mắc gì thương hại? Cái chị được hay mất hôm nay là chọn lựa của chị. Chị đã quyết định ở lại quê nhà, dù phải đi dang nắng lội sình bắt còng lượm nghêu như xưa. Chị đã quyết định gọi điện thoại để bảo người đàn ông cải nhau với chị hai năm trời hãy quên chị đi và nếu không nuôi được con thì gởi trả nó cho chị. Chị đã quyết định, dù cha và em chị không ủng hộ, nhưng chị nói họ đâu biết thế nào là một mình nơi xứ lạ, có miệng như câm, có tai như điếc. Chị đã quyết định. Tiếng chuông điện thoại reo ba bốn hồi mà không có người bắt máy. Quyên chợt thoáng lo. Giờ này ở Đài trời tối rồi, sao không ở nhà? Y lù đù không biết tự lo thân ... Nhưng rồi máy điện thoại cũng được bắt lên, tiếng nói như người mù quờ quạng "Quẩy? Quẩy? Ai gọi đó?" văng vẳng tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt như đói bụng hay đau bụng. Quyên sốt ruột quát: "Có cho con ăn chưa sao nó khóc vậy?" Tiếng người đàn ông chợt nín bặt rồi oà vỡ. Đó là tiếng khóc bất ngờ không kềm được. Rồi tiếng nói lắp bắp nghẹn ngào: "Lãi, lãi, má đây, đừng khóc nữa." Tiếng trẻ con khóc to rõ hơn rồi tiếng người đàn ông nghẹn ngào lắp bắp không ra lời. Nước mắt Quyên đã tuôn trào tự lúc nào. Chị cắn môi mình để nén tíêng khóc, nhưng rồi nó cũng vuột ra. Hồi đó gọi điện thoại còn mắc lắm, Quyên phải ra bưu điện gọi. Em Quyên tiếc rẻ: "Tốn cả trăm ngàn đồng chỉ để khóc cho nhau nghe!"

- Quí khách đi chuyến bay ...

Phòng đợi chộn rộn hẳn lên. Đức ngồi nhìn Quyên xốc đứa bé gái lên hông trái, quàng cái túi xách lên vai phải, vừa nắm tay đứa bé trai vừa kéo cái vali con. Nếu con mình còn sống ... Anh gạt đi, nếu còn sống nó hăm mấy tuổi rồi, sao mình cứ nhìn đứa nhỏ năm sáu tuổi nào cũng nghĩ tới nó. Gần hai mươi năm đã trôi qua từ ngày tấm thân bé bỏng của nó bị thả xuống biển. Mẹ nó từ ấy khi tỉnh khi điên. Cái giá đó anh trả cho cái gì? Cái giá đó anh đâu lường được khi quyết định tha hương. Trơ trọi xứ người anh đã bầm giập trong cuộc trồi vượt ngoi lên mà sống, dù bây giờ sống đàng hoàng anh vẫn đau đáu trong lòng hình ảnh đứa bé lên năm và người vợ trẻ chịu khó chịu thương. Anh bảo Quyên:

- Em lên trước đi, có con nhỏ được ưu tiên.

Quyên gật đầu, dắt con, kéo vali đi. Chị vẫn nhút nhát ở nơi đông người, nhưng sân bay Đài Bắc không còn lạ lẫm như thưở ban đầu. Lần chị trở lại Đài Bắc sau khi chôn cất mẹ, máy bay chưa đáp xuống đường băng mà chị đã rục rịch đeo bóp xách giỏ, có cảm giác như sắp về tới nhà mình. Súôt chuyến bay chị cứ lo ông chồng lù đù không biết có nghe ra và nhớ giờ máy bay đến để ra đón không. Lòng nặng nề không biết mình quyết định đúng hay sai, nghĩ đến cha và em mà áy náy, nghĩ đến chồng mà buồn bực, nghĩ thân mình lại xót xa. Vậy rồi khi nhìn thấy chồng bồng con đứng trong đám đông xa lạ, chị rơi nước mắt và quên hết chung quanh.

Khi Đức tìm đến chỗ ngồi của mình trên máy bay, anh nhận thấy ba mẹ con Quyên đã yên vị ở hàng ghế ngay trước mặt anh. Quyên cầm cái điện thoại di động loay hoay một lát rồi quay lại nhờ Đức gọi dùm.

Đức bấm máy rồi áp vào tai. Chuông vừa reo chưa dứt tiếng đã nghe một giọng ồ ồ quát: "Quẩy?" Đức đưa máy cho Quyên. Chị áp vào tai mình để nhận đúng tiếng chồng rồi đưa cho đứa con trai, bảo nó:

- Nói cho ba biết là lên máy bay rồi.

Đứa bé hí hửng nói to:

- Con lên máy bay rồi. Con nhìn qua cửa sổ thấy nhiều máy bay lắm. Ba đứng ở đâu sao con không thấy?

Quyên cũng nhìn ra cửa sổ máy bay. Bên ngoài mưa rơi lất phất. Chị bảo con:

- Kêu ba về đi, kẻo mắc mưa.

- Má kêu ba về đi kẻo mắc mưa.

Quyên đưa tay định lấy lại cái điện thoại, nhưng chị ngần ngừ rồi bảo con:

- Nhắc ba mặc áo ấm vào.



Tháng 12/2006

bản quyền của Lý Lan

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội