CHUYỆN MA - SỢ LÉM

Started by QUANGKHAI, 16/05/07, 20:26

Previous topic - Next topic

QUANGKHAI

Yêu Nữ




      Hắn đứng chân trần trên cát, dưới ánh nắng nóng bức và mùi tanh nồng của hải cảng, dưới tấm bạt mỏng của một quầy cà phê nhỏ. Chiếc quần màu hung cũ mèm của hắn ngắn tới chỗ mắt cá chân, hai bàn chân hắn dài chai sạm và nứt nẻ, những ngón tay mềm mại trước đây giờ đã thô ráp như đá.

      Chiếc sơ-mi hắn mặc có màu xanh nhạt hài hoà với sắc trời bạc phếch trong nắng hè chói chang. Hắn đưa cánh tay phải ra một cách ương ngạnh và khó chụ, như muốn yêu cầu khách tới thăm các viện bảo tàng phải bố thí mới được chiêm ngưỡng. Những tiếng lắp bắp ngô nghê bật ra từ cái miệng mở to, để lộ hai hàm răng trắng loá của hắn.

      Gã câm điếc à?

      Gã không điếc đâu.

      Jean Demetriadis, chủ nhân của các xưởng sản xuất xà phòng lớn trên đảo, lợi dụng lúc hắn đang lơ đãng nhìn về phía biển, thả một đồng drachme (tiền Hi Lạp cổ) xuống nền quán trơn nhẵn. Tiếng leng keng rất khẽ và gần như tắt ngay do lớp cát mịn vương trên nền quán vẫn chui vào đôi tai của gã hành khất. Hắn nhặt vội đồng bạc kim loại trắng rồi lập tức đứng lại như cũ, trầm tư và buồn rầu, như con hải âu đậu trên bến cảng.

      Gã không điếc đâu - Jean Demetriadis lập lại rồi đặt xuống trước mặt mình một ly nước bã nhớt và đen đã uống gần một nửa. Gã hành khất Panegyotis này đã bị câm lúc mười tám tuổi vì đã gặp lũ ma Nerayder.

      Một nụ cười mỉm hiện trên đôi môi Panegyotis khi hắn nghe nhắc đến tên mình. Hắn tỏ ra không hiểu ý nghĩa lời nói của người kia, người mà hắn lờ mờ nhận là người bảo trợ của mình, nhưng hắn chỉ cảm nhận được qua giọng nói, chứ không phải ngôn từ. Hài lòng vì biết người ta đang nói về mình hắn càng hy vọng được thêm một lần bố thí nữa nên lặng lẽ chìa tay ra phía trước, giống như vẻ sợ sệt của con chó khi nó khẽ chạm chân vào gối ông chủ để nhắc ông ta đừng quên cho nó ăn.

      Hắn là con trai của một trong những gia đình nông dân khá giả nhất làng tôi - Jean Demetriadis nói tiếp - họ là những người giàu thực sự. Cha mẹ hắn có những cánh đồng mênh mông, một ngôi nhà lỗng lẫy bằng đá khối, một vườn cây ăn trái xum xuê, một vườn rau xanh tốt, một chiếc đồng hồ báo thức đặt trong bếp, một ngọn đèn cháy sáng suốt ngày đêm trước bức tường treo đầy ảnh thánh, nghĩa là họ có đủ thứ cần thiết. Người ta có thể nói về Panegyotis là, trước mặt hắn lúc nào cũng có ổ bánh mì nóng giòn cho đến trọn đời. Đối với hắn con đường đã mở sẵn ở phía trước dù là con đường Hi Lạp bụi cát, gập gềnh sỏi đá, nhưng vẫn có tiếng chim hót véo von. Hắn đã hứa hôn với con gái của vị bác sĩ thú y, một cô bé ngoan làm việc trong xưởng của tôi; vì hắn rất đẹp trai nên có hàng đống nhân tình ở cái xứ sở đầy những cô gái thèm khát yêu đương này; người ta còn đồn rằng hắn đã vụng trộm với vợ của ông linh mục; mà nếu như điều đó có thật thì ông linh mục cũng chẳng trách hắn vì ông vốn không mấy yêu phụ nữ và cũng chẳng quan tâm gì đến vợ mình, vả lại cô nàng luôn tỏ ra sẵn sàng với bất kỳ ai. Các vị thử hình dung hạnh phúc của thằng Panegyotis xem: nào là tình yêu của những người đẹp, sự ghen tỵ của bọn đàn ông và đôi khi cả sự thèm khát của họ nữa, nào là chiếc đồng hồ bạc và hàng ngày lại thay một chiếc sơ mi trắng tinh, nào là đĩa cơm chiên thịt vào bữa trưa và nước màu xanh lam ngát hương xức trước bữa ăn tối. Nhưng hạnh phúc vốn thật mong manh: khi nó không bị con người hay hoàn cảnh phá huỷ thì lại bị những bóng ma đe doạ. Có thể quý vị còn chưa biết hòn đảo của chúng tôi vốn lắm chuyện bí ẩn. Ma ở đây không giống với lũ ma quỷ phương Bắc của quý vị, nghĩa là chỉ xuất hiện lúc nửa đêm và ban ngày sống ở nghĩa địa đâu. Bọn ma ở đây không thèm khoát tấm choàng trắng và chúng thì có da thịt hẳn hoi. Nhưng chúng nguy hiểm hơn cả những hồn ma người chết, những người ít ra đã từng biết sống, biết đau khổ là thế nào. Những con ma Nereyder ở nơi này vừa trong trắng lại vừa xấu xa, khi thì bảo vệ lúc thì phá huỷ con người. Những vị thần đã chết từ lâu và các bảo tàng chỉ còn giữ lại những cái xác bằng cẩm thạch của họ. Rồi, một buổi sáng tháng Bảy, hai con cừu của cha Panagyotis giở chứng quay cuồng. Nạn dịch lan rất nhanh trong đàn thú và mảnh sân đất nện trước nhà chẳng bao lâu đã biến thành nơi cách ly bầy gia súc bị bệnh. Ngay giữa trưa nóng bỏng Panegyotis một mình đi tìm vị bác sĩ thú y ở bên kia sườn núi Xanh Êli, trong một làng nhỏ cạnh bờ biển. Đến chiều tối hắn vẫn chưa về. Cha Panegyotis rất lo cho hắn; người ta đã sục sạo khắp làng và các thung lũng lân cận, nhưng đều vô ích; suốt đêm đám phụ nữ cầu nguyện tại ngôi nhà thờ trong làng, nơi chỉ là một kho chứa cỏ được thắp sáng bằng vài chục ngọn nến. Tối hôm sau, vào giờ nghỉ, cánh đàn ông ngồi bên bàn ở sân làng trước một ly cà phê, một cốc nước và một thìa mứt, thì thấy hắn, một gã Panegyotis khác lạ, thay đổi tới mức như vừa từ cõi chết trở về. Đôi mắt hắn lấp lánh như chỉ còn tròng trắng, hai tháng sốt rét cũng không thể làm cho hắn vàng khè như thế. Một nụ cười làm méo xệch cặp môi của hắn khiến cho lời nói không thoát ra được. Tuy nhiên, hắn vẫn chưa bị câm hoàn toàn. Những tiếng ngắc ngứ bật ra khỏi miệng hắn như tiếng của một nguồn nước sắp tắt.

      Ma Nereyder... Các cô... Nereyder... đẹp lắm... Trần truồng... Người tóc vàng... Tóc vàng.

      Đó là những lời duy nhất mà người ta có thể nghe hắn nói. Nhiều lần, trong những ngày tiếp theo, người ta thấy hắn vẫn còn lẩm bẩm một mình: "Tóc vàng... Người tóc vàng..." cứ như hắn đang vuốt ve một tấm lụa. Rồi sau đó lịm tắt. Mắt hắn không còn lấp lánh nữa, cái nhìn trở nên xa vắng và bất động một cách lạ lùng; hắn chiêm ngưỡng mặt trời không chớp mắt; có lẽ hắn đã tìm thấy khoái cảm khi quan sát vầng thái dương vàng chói ấy. Tôi có mặt ở làng trong mấy tuần đầu tiên phát bệnh của hắn: không sốt, cũng chẳng có một triệu chứng gì là cảm nắng hay lên cơn. Cha mẹ hắn đưa hắn đến một tu viện nổi tiếng ở gần đấy để trừ tà; hắn ngoan ngoãn, để mặc người ta muốn làm gì thì làm, nhưng từ lễ tế ở nhà thờ, thuật xông khói hương lẫn những ma thuật của các mụ phù thuỷ trong làng đều không thể tống ra khỏi hắn những nữ thần điên rồ xinh đẹp. Rồi cuộc sống hắn cứ tuần tự trôi đi; hàng ngày hắn vẫn kiên nhẫn tới nơi các nơi ma nữ hiện hình: ở đó có một nguồn nước mà đôi khi những người đánh cá ghé lại lấy nước ngọt, một thung lũng sâu và một nương cây vả, nơi bắt đầu một con đường chạy xuống biển. Người ta nghĩ rằng sẽ thấy trong lớp cỏ gầy những dấu chân phụ nữ, những chỗ cỏ rạp xuống do thân người đè lên. Họ hình dung ra cảnh cậu con trai làng bị tiếng cười nói của phụ nữ đánh động, như người đi săn chợt nghe thấy tiếng vỗ cánh; những cô gái xinh đẹp nâng cánh tay ngà lấm tấm lớp lông tơ vàng ươm chắn ngang ánh mặt trời; bóng lá thấp thoáng trên khuôn ngực trần, cặp vú trắng với đôi núm đỏ hồng chứ không phải màu xanh tím; rồi Panegyotis hôn ngấu nghiến vào tóc họ, hắn có cảm tưởng như đang nhấm nháp mật ong và rạo rực ham muốn khoái lạc. Loài ma Nereyder đã dâng tặng chàng thanh niên cuồng si một thế giới đàn bà khác hẳn với những cô gái trên đảo, và khác biệt với những con vật cái. Các nường đã cho hắn cái mơn man mới lạ, sự mệt mỏi diệu kỳ và lấp lánh hạnh phúc. Người ta đồn rằng hắn vẫn không ngừng gặp các nường vào những trưa nóng nực, lúc những con quỷ đẹp mê hồn ấy lang thang tìm tình yêu: và dường như hắn đã mê tới mức quên cả mặt vị hôn thê, mà mỗi lần gặp nàng hắn đều quay mặt như tránh một con khỉ đột; hắn khạc nhổ khi vợ ông linh mục đi qua khiến bà phải khóc suốt vài tháng mới bình tâm lại. Lũ ma ấy đã làm hắn mụ mẫm đi rồi lôi hắn vào vòng xoáy trò chơi của chúng. Rồi hắn không làm việc nữa; hắn cũng không bận tâm đến thời gian; hắn trở thành kẻ hành khất để có thể ăn bất cứ khi nào hắn đói. Hắn lang thang trên đảo, cố tránh những con đường lớn; hắn chui vào trong nương rẫy và rừng thông ẩm thấp; Người ta bảo rằng một bông hoa nhài cài trên vách đá khô hoặc một viên sỏi trắng đặt dưới gốc cây trắc bá đều là mật hiệu mà hắn có thể giải mã ra thời gian và địa điểm của lần hẹn hò sắp tới với lũ ma xinh đẹp. Những người nông dân cũng kháo nhau rằng hắn không hề già đi; họ khó lòng đoán được hắn đang ở tuổi mười tám hay bốn mươi. Nhưng đầu gối hắn đã run, và hồn phách hắn đã ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại và cả tiếng nói nữa, cũng sẽ không bao giờ xuất hiện trên đôi môi hắn.

      Nhưng mà này, Jean, vợ Demetriadis nói một cách bực dọc, ông có cho rằng Panegyotis đã thực sự thấy con ma Nereyder không?

      Jean Demetriadis không đáp, ông ta đang bận nhổm người trên ghế để đáp lại lời chào kiêu hãnh của ba cô gái nước ngoài đang đi qua. Ba cô gái Mỹ mặc y phục trắng nhún nhẩy đi trên bến cảng ngập nắng, theo sau là một ông phu khuân vác già gập lưng dưới sức nặng của chiếc bao tải thực phẩm mà các nàng vừa mua ở chợ; giống như những cô bé vừa tan trường, họ nắm tay nhau bước đi. Một cô trong số họ để đầu trần, có mấy cành sim nhỏ gài lên mái tóc hung, còn cô thứ hai đội chiếc mũ rơm rộng vành kiểu Mêhicô, và cô thứ ba đội một chiếc khăn bông, đeo kính râm to che gần kín mặt như một chiếc mặt nạ. Ba cô gái trẻ này muốn định cư ở đảo, họ đã mua một ngôi nhà cách xa đường cái: ban đêm họ dùng đinh ba bắt cá ngay trên con thuyền riêng của họ và vào mùa thu họ đi săn chim cút. Họ không giao du với ai và tự lo liệu lấy cuộc sống; họ sống cách biệt hẳn để tránh những lời dèm pha mà có lẽ họ còn khó chịu hơn cả những điều vu khống. Tôi thử quan sát xem Panegyotis có ném cái nhìn theo mấy cô gái không, nhưng vô ích; đôi mắt hắn lơ đãng, trống vắng và không một chút loé sáng: rõ ràng hắn không thừa nhận những con ma Nereyder của hắn mặc quần áo đàn bà. Đột nhiên, hắn cúi xuống nhanh nhẹn nhặt một đồng drachme mà chúng tôi vừa ném xuống, và tôi nhận thấy có một vật duy nhất trên lớp lông thô của chiếc áo thuỷ thủ mà hắn khoác hờ hững trên vai, một bằng chứng không thể chối cãi được: đó là một sợi tơ, một sợi tơ mảnh của mái tóc vàng óng đàn bà.



sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

QUANGKHAI


--------------------------------------------------------------------------------
Vương Tử Phục  Bồ Tùng Linh 

Vương Tử Phục 




      Vương Tử Phục là người đất Lã. Chàng tuy mồ côi cha từ bé nhưng có vẻ phong nhã tuyệt vời. Nhà Phục mở một gian hàng bán tơ lụa. Năm mười bốn tuổi chàng thi đậu trường huyện nên mẹ rất cưng chiều không dám rời ra đâu lâu. Đến năm sau bà mẹ đi hỏi con gái họ Tiêu cho Phục nhưng chưa cưới.

      Nhân đang mùa hội Nguyên tiêu, trai gái dập dìu, Phục theo anh em đi dạo phố chơi. Chợt chàng thấy một người thiếu nữ nhan sắc tuyệt đẹp, dắt theo mấy con hầu đi giữa đám người nam thanh nữ tú. Phục nhìn mê mải một hồi rồi lẽo đẽo đi theo để thưởng thức sắc đẹp diễm lệ ấy. Cô gái hình như biết ý Phục nên có lúc nàng giả vờ dừng lại gắt con hầu:

      Người gì mà đôi mắt trừng trừng như quân cướp thế kia!

      Lời nói có vẻ giận dỗi nhưng nghe kỹ ra chiều khích lệ!

      Nói xong nàng cười mỉm, vất xuống đất một cành hoa rồi ngúng nguẩy bước đi. Phục không bỏ lỡ cơ hội, vội nhặt lấy cành hoa rồi liền theo cô gái . Ngửi mùi hương thoang thoảng ngọt ngào, tâm hồn Phục ngơ ngẩn như quên tất cả. Song thoáng một cái, nhìn lại bóng hồng đã mất, Phục quay về và cảm thấy ấm ức khôn nguôi. Đêm ấy, phục giấu cành hoa dưới gối rồi gối đầu lên mà ngủ, mơ màng vẫn thấy thân hình uyển chuyển của cô gái.

      Rồi từ đấy Phục biếng ăn, biếng ngủ, sinh ra ngớ ngẩn, hồn phách để tận đâu đâu. Bà mẹ có một con nên lo lắng vô cùng, hết chạy thuốc lại theo thầy cúng song Phục vẫn vậy, thân thể càng gầy ốm hơn. Khi bệnh nặng quá, thầy thuốc bốc thuốc đưa tới thì Phục lấy tay gạt đi không chịu uống, tâm trạng vẫn nửa tỉnh nửa mê. Mẹ dò hỏi mãi về nguyên do, song Phục cứ im lặng.

      Sau đó, có người bạn học là Ngô sinh đến chơi. Thấy Ngô sinh là bạn cùng trang lứa, dễ gần gũi chăng nên mẹ Phục nhờ chàng gặng hỏi con mình dùm. Ngô sinh thương bạn nên dần dần tìm lời dò hỏi. Phục thổ lộ sự tình rồi nhờ Ngô tìm hộ thiếu nữ nọ. Ngô cười đáp:

      Thì ra anh mắc bệnh si tình. Sao không nói sớm, tôi sẽ dò hỏi cho. Tôi thường dạo phố nên chắc dễ tìm thấy nàng. Anh lo lành bệnh đi rồi tôi giúp cho!

      Phục nghe thế lấy làm vui mừng. Sau đó Ngô sinh thuật lại cho mẹ Phục mọi việc. Chàng kể tỉ mỉ hình dáng người con gái để đi tìm chỗ nàng ở. Nhưng sau mấy ngày họ vẫn chưa tìm ra được tung tích.

      Từ lúc gặp Ngô sinh và trút được bầu tâm sự, Phục dần tươi tỉnh và ăn uống trở lại. Vài ngày sau Ngô đến thăm, Phục hỏi kết quả, Ngô đành nói dối:

      À, tưởng ai xa lạ, thì ra là cô em họ của tôi.

      Phục hỏi dồn tới địa chỉ, Ngô bịa:

      Ở phía trong núi, phía tây nam, cách đây hơn ba mươi dặm...

      Phục dặn dò đến ba bốn lần, bắt Ngô phải hứa chắc giúp chuyện hôn nhân cho chàng.

      Từ đó Phục tươi tỉnh hẳn, ăn uống gấp mấy ngày thường rồi bình phục rất nhanh. Phục lấy cành hoa đặt dưới gối ngày nọ ra xem, tuy đã khô rồi nhưng cành vẫn còn nguyên, cánh hoa vẫn chưa rã. Ngắm nghía cánh hoa mà Phục thấy như mỹ nhân hiện ra sương khói trước mặt, hương thơm vẫn còn thoang thoảng.

      Nhưng Phục chờ Ngô sinh đã lâu mà không thấy trở lại, chàng sốt ruột viết thiếp mời đến. Ngô sinh cũng viết thiếp hồi âm, viện cớ bận việc nhà chưa đến ngay được. Phục vừa giận vừa buồn, mặt mày ủ rủ. Bà mẹ sợ Phục tương tư lần nữa rồi lại sinh bệnh, nên tìm cách cưới vợ cho chàng. Mới nhắc tới chuyện hỏi cưới cô họ Tiêu, Phục đã lắc đầu quầy quậy, suốt ngày chỉ nôn nóng đợi Ngô sinh đến để hỏi tin tức. Nhưng Ngô vẫn bặt vô âm tín, Phúc oán hận Ngô lắm, nghĩ là định chơi ác với mình. Chàng chợt thấy rằng ba mươi dặm đường núi cũng không xa lắm, trông chờ nơi người đưa tin thì vô vọng quá chi bằng tự đi tìm cho nhanh việc. Phục quyết định ra đi, giấu cành hoa vào trong áo, tuyệt không cho ai biết.

      Một mình xuyên vào đường núi, Phục vừa đi vừa hỏi thăm và cứ theo hướng tây nam mà tiến. Đã quá ba mươi dặm mà núi non vẫn thăm thẳm phía trước, không có một nhà cửa nào. Qua ít dặm nữa, Phục thấy thấp thoáng trong núi xanh có vài mái nhà. Chàng cứ nhắm hướng đi tới, thấy trong xóm chỉ có vài gian nhà cỏ nhưng có vẻ thần tiên lắm. Phục đến một cổng nhà có trồng mấy cây liễu rũ, bên trong mấy cụm hoa đào hoa hạnh đưa hương thơm ngát. Chàng muốn vào nhưng nhìn quanh không thấy bóng người lại thôi. Đang đứng tần ngần thì chợt Phục nghe phía trong rào có tiếng con gái gọi: "Tiểu Vinh", giọng thánh thót như tiếng chim hót khiến Phục càng chú ý nơi phát ra âm thanh. Phục thấy bóng con gái đi xuyên từ phía đông sang phía tây, tay vân vê đoá hoa hạnh, ý chừng định cài lên tóc.

      Ngửng đầu lên trông thấy Phục, nàng vội vàng chạy vào nhà. Chỉ thoáng qua mà chàng nhận ra ngay là người con gái đánh rơi cành hoa hôm nọ. Phục mừng lắm nhưng ngại bước vào đường đột mỹ nhân sẽ giận, nên chàng chỉ dám thập thò trước cổng.

      Quanh quẩn ở đấy từ sáng đến trưa mà Phục vẫn không thấy ai trong nhà đi ra. Chàng quên ăn mà vẫn chẳng thấy đói khát gì. Cuối cùng có một người con gái ló mặt, nhìn ra cổng lộ vẻ kinh ngạc không hiểu sao Phục cứ đứng ở ngay cổng. Bỗng nhiên một bà lão chống gậy đi ra, nhìn Phục rồi nói:

      Anh muốn gì mà cứ đứng ở đây từ sáng sớm, không biết đói hay sao?

      Phục vội vái chào:

      Cháu muốn tìm một người bà con.

      Bà cụ chăm chú:

      Người bà con tên họ gì?

      Phục ớ người không đáp được. Bà cụ cười to:

      Lạ thật, bà con mà tên tuổi không biết thì hỏi làm sao. Ta xem anh cũng có dáng học trò, thôi vào đây tạm ở qua đêm, mai về hỏi rõ lại tên tuổi rồi đi tìm cũng không muộn.

      Nghe nói thế Phục mừng lắm nhưng giả vờ ngần ngừ một lát rồi mới theo bà cụ vào nhà. Nhìn bên ngoài đơn sơ nhưng vào trong rồi mới thấy nhà đẹp đẽ, tường bóng như gương, ghế đệm tủ giường vật nào cũng sạch sẽ, không có một vết bụi. Phục ngồi xuống và thấy thấp thoáng sau rèm có người nấp nhìn. Bà cụ gọi to:

      Tiểu Vinh! Con đi tìm ít gạo đi.

      Có tiếng dạ bên trong. Ngồi yên chỗ rồi, Phục mới kể rõ đầu đuôi câu chuyện, bà cụ hỏi:

      Phải chăng bà ngoại cậu là người họ Ngô?

      Vâng ạ.

      Bà kinh ngạc:

      Vậy cậu đúng là cháu ta rồi. Mẹ cậu là em ta. Mấy năm nay cảnh nhà ta sa sút và ta không có con trai nên họ hàng ta đành biệt tin. Không ngờ cháu đã lớn thế này.

      Phục mừng rỡ:

      Thì hôm nay cháu muốn đi tìm bác đó nhưng vì hoảng hốt quá nên quên cả họ tên.

      Bà cụ kể:

      Ta lấy chồng họ Tần, song không có con, chỉ có đứa con gái nhỏ là con của vợ lẽ ông nhà. Ta nuôi nó từ nhỏ, không phải ngu ngốc gì nhưng do không ai dạy dỗ nên nó cứ ham vui đùa, chốc nữa ta sẽ gọi nó ra chào cháu.

      Lát sau người hầu dọn ra một mâm cơm có một con gà luộc nhỏ xíu. Bà cụ cứ nhường cho Phục ăn. Khi người hầu lên dọn mâm bà cụ nói:

      Gọi cô Ninh lên đây.

      Chẳng mấy chốc Phục nghe bên trong có tiếng cười khúc khích, bà cụ nghiêm mặt:

      Anh Ninh! Đây là anh bà con với mày đó!

      Tiếng cười khúc khích lại bật ra, người con gái cố bịt miệng vẫn không sao giữ được tiếng cười. Bà cụ lườm con gái:

      Lớn đầu rồi mà thấy khách cứ cười mãi thì coi sao được?

      Nàng cố nhịn cười đứng thẳng người. Phục làm lễ vái chào, bà cụ chép miệng:

      Anh em họ mà lâu nay không biết mặt mũi, e thiên hạ cười cho.

      Phục hỏi thăm em gái năm nay bao nhiêu tuổi. Nàng nhịn không được cứ cúi đầu xuống mà cười không dám ngẩng lên. Bà cụ bảo Phục:

      Không có ai dạy dỗ nó cả. Mười sáu tuổi rồi mà nó cứ như trẻ con.

      Phục buộc miệng:

      Vậy cháu lớn hơn em một tuổi.

      À, cháu mười bảy tuổi ư? Tuổi canh ngọ chứ gì? Cháu có vợ con chưa?

      Phục lắc đầu. Bà cụ nói:

      Tướng mạo thế này mà chưa có đám nào sao? Con Anh Ninh nhà này cũng chưa có đám nào hỏi cả! Chỉ tiếc là hai đứa có chút họ hàng...

      Phục im lặng cứ nhìn Anh Ninh không chớp mắt, chợt chàng nghe thoảng bên tai tiếng con hầu:

      Mắt cứ trừng trừng giống như phường ăn cướp!

      Anh Ninh bật cười, kéo tay con hầu:

      Mình ra vườn xem hoa đi!

      Nói xong nàng đứng dậy, thoăn thoắt đi liền. Ra đến cửa nàng rũ người ra cười, bà cụ đứng dậy mời Phục đi nghỉ.

      Cháu từ xa đến đây, nên ở chơi vài ngày rồi hãy về. Nếu buồn thì ra ngoài sân có vườn hoa đấy, còn trong nhà thì cũng có sách đọc.

      Phục vâng dạ.

      Ngày hôm sau, Phục ra thăm vườn. Nơi đây rất đẹp, trồng loại kỳ hoa, dị thảo lại rộng đến khoảng nửa mẫu. Giữa vườn lại có một gian nhà cỏ, ý chừng để uống trà thưởng hoa. Đang thơ thẩn thì Phục bỗng nghe tiếng chân người, nhưng không thấy ai mà chỉ nghe tiếng cười khúc khích mãi trên cao. Ngửng đầu lên Phục thấy Anh Ninh vắt vẻo trên cành cây. Nhìn xuống Phục, nàng cười rũ rượi như sắp muốn ngã xuống. Phục vội kêu:

      Khéo ngã đấy.

      Anh Ninh vừa tụt xuống cây vừa cười rũ rượi, không sao im được. Gần xuống đất thì nàng tuột tay ngã thật, Phục chạy đến nâng nàng dậy và nhân tiện xoa xoa cánh tay ngọc. Cô gái không e lệ gì cả, cứ rũ người ra cười, đến độ phải dựa vào gốc cây vì không thể đứng được nữa. Đợi một lúc lâu cho nàng cười xong Phục mới rút tay áo ra cành hoa mang theo đưa cho nàng. Anh Ninh cầm lấy:

      Khô thế này, giữ làm gì nữa?

      Phục đáp:

      Tuy khô nhưng là của nàng nên tôi vẫn giữ.

      Nàng ngây thơ hỏi:

      Có ý gì không?

      Để thấy rằng tôi chưa bao giờ quên nàng. Từ lúc dạo chơi Nguyên tiêu về, tôi tương tư thành bệnh, tưởng đã chết rồi. May mà gặp lại đây, xin nàng nghĩ tới lòng thành của tôi.

      Anh Ninh vẫn cười:

      Ồ, cùng họ hàng với nhau em đâu dám tiếc. Khi nào chàng về em lại sai con hầu hái một cành hoa thật to khác tặng chàng.

      Phục thở dài:

      Sao nàng ngớ ngẩn thế?

      Anh Ninh tròn mắt:

      Sao lại ngớ ngẩn?

      Phục đáp:

      Tôi chẳng yêu hoa, chỉ yêu người cầm hoa thôi.

      Anh Ninh nói:

      Chúng ta có tình họ hàng với nhau thì phải yêu chứ!

      Phục đáp:

      Tình này không phải tình họ hàng mà là tình chồng vợ.

      Nàng ngơ ngác:

      Tình chồng vợ với tình họ hàng có khác gì đâu?

      Phục nói:

      Chỗ khác là vợ chồng thì đêm phải ngủ chung với nhau.

      Anh Ninh nhìn Phục như suy nghĩ gì đó rồi đáp:

      Em chưa bao giờ ngủ chung với người trần cả.

      Nàng nói tới đó thì con hầu bất chợt đi ra. Phục vội vàng tránh đi chỗ khác. Một lát sau, trở về phòng khách Phục đã thấy nàng với bà cụ. Bà cụ trách:

      Cơm xong rồi mà chẳng thấy mày đâu cả.

      Anh Ninh đáp:

      Tại anh ấy cứ nói chuyện muốn ngủ với con...

      Phục kinh hoảng vội đưa mắt lườm Anh Ninh. Nàng mỉm cười không nói gì thêm. Cũng may là bà cụ bị lãng tai nên Phục kịp đánh trống lãng nói sang chuyện khác. Sau đó gặp riêng Anh Ninh, Phục trách sao quá lộ liễu thì nàng tròn mắt:

      Thế điều ấy không nói với ai được à?

      Phục hạ giọng:

      Đó là chuyện kín nên phải giấu người khác.

      Anh Ninh đáp:

      Việc ngủ chung là bình thường, việc gì phải giấu?

      Phục bực mình vì nàng ngây ngô quá nhưng chưa biết làm thế nào?

      Vừa lúc ấy có người nhà Phục đến tìm.

      Nguyên mẹ Phục thấy con đi mãi không về nên đâm hoảng, tìm kiếm khắp nơi không thấy, cuối cùng bà tìm đến hỏi Ngô sinh. Ngô sinh sợ hãi nhưng đành nói thật là trước đây mình trót bịa với Phục về chuyện ở núi phía tây nam. Bà mẹ liền thuê người đi tìm rồi quả nhiên tới đây. Phục bèn thưa với bà cụ mẹ nàng; xin cho nàng cùng về thăm nhà mình. Bà cụ vui vẻ đồng ý. Giục Anh Ninh sửa soạn hành trang đi theo Phục. Trước khi đi bà còn dặn Anh Ninh:

      Rồi mày sẽ tới nhà của dì, một nơi sung túc, đủ nuôi để mày rong chơi thoả thích. Nhưng phải học lấy một nghề, rồi dì mày tìm chỗ yên ấm xứng đôi để tác hợp cho.

      Hai người từ biệt lên đường. Đến thung lũng dưới chân núi Phục quay nhìn lại, thấy lờ mờ bóng bà lão tựa cửa nhìn theo.

      Về tới nhà, mẹ Phục thấy Anh Ninh xinh đẹp lạ thường, kinh ngạc hỏi con cái nhà ai, chàng đáp chính là con bà bác, bà mẹ nói:

      Những lời Ngô sinh nói trước đây toàn là chuyện bịa. Ta làm gì có chị em mà có cháu?

      Hỏi đến Anh Ninh, nàng đáp:

      Cháu đâu biết cha cháu họ Tần, lúc cha mất cháu còn nằm nôi, đâu nhớ việc gì?

      Mẹ Phục nói:

      Ta có một bà chị lấy chồng họ Tần nhưng chết đã lâu lắm rồi, làm sao còn sống đến ngày nay?

      Nhân đó, bà bèn hỏi cặn kẽ về tướng mạo và đặc điểm nút ruồi thì Anh Ninh nói mọi sự đều giống hệt như bà chị đã chết khiến bà hoang mang:

      Nói thì đúng thật. Nhưng chị ta chết lâu rồi, làm sao sống lại được?

      Trong lúc gia đình Phục đang bán tín bán nghi thì Ngô sinh đến chơi. Anh Ninh tránh mặt vào nhà trong. Ngô sinh nghe chuyện bà mẹ Phục kể thì thẫn thờ một lúc rồi hỏi:

      Người con gái ấy có phải tên là Anh Ninh?

      Phục đáp đúng, Ngô lại càng cho là lạ. Phục hỏi vì sao biết tên, Ngô đáp:

      Nguyên sau khi cô Tần chết thì chú ấy ở goá một thời gian. Sau đó chú có quan hệ với một con hồ ly, bị nó hút hết sinh khí đến thành bệnh rồi chết luôn. Tôi biết hồ ly ấysinh hạ một đứa con gái đặt tên là Anh Ninh. Khi cô chú chết cả, hồ ly thỉnh thoảng vẫn ghé. Về sau người nhà mua bùa yểm vào cổng thì hồ ly mới sợ bồng con đi nơi khác. Phải chăng bà cụ chính là hồ ly ấy?

      Mọi người đang bàn bạc ngoài phòng khách thì nghe trong nhà có tiếng khúc khích. Biết là tiếng cười của Anh Ninh, mẹ Phục chép miệng:

      Con bé đẹp người nhưng sao khờ dại thế.

      Ngô yêu cầu coi mặt Anh Ninh. Mẹ Phục dắt khách vào phòng trong lúc Anh Ninh vẫn tiếp tục cười. Rầy rà mãi nàng mới hơi nhịn, nhưng chỉ lát sau lại rũ ra mà cười.

      Biết khó lòng tra hỏi nên Ngô đề nghị Phục tìm lại hướng nhà cũ của Anh Ninh.

      Đến nơi, hai người không thấy thôn xóm nào cả mà chỉ có con đường đầy hoa dại thôi. Ngô chợt nhớ rằng mộ của bà cô mình khi xưa nằm quanh quất đâu đây, nhưng đã quá lâu nên mộ bị cây cỏ gai góc phủ kín không thể nào tìm ra dấu vết được. Hai chàng đành than thở ra về.

      Mẹ Phục đem lời Ngô kể thuật lại cho Anh Ninh nghe và có ý nghi nàng là hồ ly. Nàng cười và không tỏ ý sợ gì cả. Anh Ninh không biết buồn khi xa nhà, suốt ngày nàng chỉ cười rúc rích và cả nhà không ai hiểu vì sao nàng cười.

      Lúc học nữ công, Anh Ninh tỏ ra thông minh khéo léo vượt bậc, nhưng cái tật cười suốt ngày dù bị la rầy nàng vẫn không bớt được.

      Mẹ Phục thấy nàng ở lâu và không có chuyện kỳ dị nào nên chấp thuận cho chàng và Anh Ninh làm lễ hợp cẩn. Trong ngày cưới Anh Ninh cứ rũ người ra cười đến độ đến tối mịt mới cử hành xong lễ.

      Anh Ninh rất yêu hoa, nên về làm dâu nhà họ Vương có mấy tháng mà trong nhà, ngoài sân, bờ dậu, vách tường, chỗ nào nàng cũng trồng toàn là hoa.

      Sân sau nhà Anh Ninh trồng một dàn mộc hương giáp với tường hàng xóm. Ngày nào nàng cũng trèo lên hái một cành để cài lên tóc. Hôm nọ, lúc nàng trèo như vậy thì đứa con trai hàng xóm nhìn thấy nàng đẹp như tiên nên sinh lòng thèm muốn. Hắn đánh tiếng trêu chọc, nàng cứ khúc khích cười không đáp, lại còn lấy tay chỉ xuống chân tường trước khi tụt xuống. Thằng con trai tưởng rằng nàng hẹn gặp hắn ở chỗ ấy nên đêm tối lần mò đi sang, quả nhiên gặp nàng đứng chỗ ấy thật. Hắn liền xáp lại ngỏ lời ong bướm, song bất chợt hắn rú lên rồi ngã vật xuống, người đầy máu me.

      Người nhà hắn nghe tiếng thét vội đốt đuốc chạy ra. Không thấy Anh Ninh đâu chỉ thấy hắn đang nằm rên rỉ. Thằng con trai chỉ nơi nàng đứng, mọi người nhìn kỹ chỗ ấy thì bắt được một con bò cạp to bằng cườm tay. Họ liền dùng gậy đập chết con bọ cạp ấy.

      Hôm sau thằng con trai hàng xóm hấp hối. Nhà hắn phát đơn kiện. May quan huyện vốn là người hâm mộ tài học của Phục nên không lôi thôi gì. Nhưng mẹ Phục vẫn than thở:

      Con cứ điên ngốc như thế nên làm cho cả nhà lo lắng. May mà không bị kết án, nếu quan trên không minh xét có phải chồng con chết rũ trong tù lúc chờ đối chất không?

      Anh Ninh thề với mẹ chồng sẽ không cười nữa. Bà nói:

      Ai cũng cần cười, nhưng nên cười có lúc chứ.

      Từ đó Anh Ninh nín bặt, không cười nữa dù gặp chuyện vui cũng vậy. Một đêm nàng khóc sướt mướt nói với chồng:

      Ngày trước định không nói vì sợ anh và mẹ lo, nhưng nay em phải cho anh biết rõ, em vốn do mẹ chồn sinh ra. Lúc mẹ em bỏ đi, bà già nuôi em mà anh gặp là ma đó. Nếu anh còn chút tình với em và không ngại tổn phí thì hãy xây mộ phần cho mẹ em được yên nghỉ...

      Phục hứa sẽ y lời.

      Ngày hôm sau, hai vợ chồng thuê xe về chốn cũ. Đến bãi cỏ rậm rạp nàng chỉ một cái là đúng ngôi mộ, đào lên thì thấy thi hài bà cụ vẫn còn tươi. Anh Ninh khóc rất thảm thiết rồi cho tìm mộ họ Tần là cha nàng để hợp táng.

      Từ đó, cứ mỗi năm đến tiết hàn thực. vợ chồng Phục lại đến quét dọn sửa sang ngôi mộ họ Tần.

      Rồi nàng sinh con trai, thằng bé không biết sợ người, gặp ai cũng nhoẻn miệng cười, giống y như mẹ.







sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

QUANGKHAI

Sự Báo Thù
Của Các Sinh Vật Lửa




      Antoni Tcharnotski, giám đốc sở cứu hỏa thành phố Rakshava, đặt tờ thống kê các đám cháy sang một bên rồi mệt mỏi nằm dài ra trên đi văng, khoan khoái hút điếu xì gà Cuba.

      Bấy giờ là khoảng hơn bốn giờ chiều, tiết trời tháng bảy nóng nực.

      Qua tấm mành buông kín, ánh sáng ban ngày mờ mờ nhuốm vàng căn phòng, bầu không khí oi bức ngột ngạt như cuộn lên thành những làn sóng vô hình. Tiếng ồn ngoài đường phố như ngái ngủ vì nóng nực vọng vào đều đều, trên các ô cửa sổ, những con ruồi mệt lử bay vo vo rời rạc và yếu ớt. Tcharnotski phân tích các ghi chép, đối chiếu các ngày tháng, xếp loại những tư liệu đã tích lũy được trong nhiều năm, rút ra các kết luận.

      Ai có thể nghĩ ngợi được rằng từ các số liệu thống kê lãnh đạm lại hiện lên một bức tranh thú vị đến thế, mà tất cả chỉ vì chúng được nghiên cứu một cách có phương pháp và cực kỳ kỹ lưỡng. Ai mà ngờ từ những con số ngày tháng khô khan thoạt nhìn chẳng nói lên điều gì, lại có thể lấy ra được những kết quả khiến người ta bàng hoàng cả người, lại giúp ta nhận thấy trong mớ hỗn độn các sự việc tưởng như khó phân biệt, lặp đi lặp lại rất đơn điệu những hiện tượng kỳ lạ đến thế!

      Nhưng để nhìn ra một điều gì như vậy, để nắm bắt được một điều gì như vậy cần phải có một linh cảm đặc biệt, và thậm chí có lẽ cần cả một cấu tạo có thể chất đặc biệt. Hiển nhiên Tcharnotski chính là một trong những người như thế và ông hiểu rất rõ điều đó.

      Đã nhiều năm ông nghiên cứu về các đám cháy, tìm hiểu chúng ở Rakshava và ở bất cứ đâu, thu nhập hết sức cẩn thận các bài cắt ở báo chí, lục lọi sách báo chuyên ngành, xem nhiều bản thống kê so sánh.

      Trong các cuộc nghiên cứu khác thường, những tấm bản đồ chi tiết hầu hết các vùng trên thế giới đã giúp ích cho ông rất nhiều; các ngăn tủ trong phòng thư viện của ông xếp chặt những cuốn sách dày cộp. Ở đó có sơ đồ các thủ đô, các thành phố và khu dân cư với tất cả những phố, những ngõ chằng chịt, những quảng trường và xó xỉnh, những vườn cây và công viên, những công trìng xây dựng, nhà thờ và nhà cửa, tóm lại, đó là những sơ đồ vẽ rất tỉ mỉ: bất kỳ ai dù mới đến lần đầu, dựa vào bảng hướng dẫn ấy cũng dễ dàng định hướng được, như thể đó là thành phố quê hương vậy. Các sơ đồ ấy đều được đánh số cẩn thận, được sắp xếp theo từng huyện, từng vùng, saÜn sàng phục vụ: chủ nhân chỉ cần đưa tay ra là những tờ trình vuông và hình chữ nhật, bằng vải, bằng ni lông hay bằng giấy cung cấp ngay mọi chi tiết muốn tìm.

      Tcharnotski cắm cúi hàng giờ trên các tấm bản đồ, nghiên cứu và so sánh cách sắp xếp nhà cửa và đường phố cảu những thành phố khác nhau.

      Công việc ấy cực kỳ tỉ mẩn, đòi hỏi một sự kiên nhẫn ghê gớm. Không phải bao giờ các kết luận cũng tự nhiên bật ra, nhiều khi phải chờ đợi rất lâu mới tóm được một kế quả nào đó. Nhưng Tcharnotski bấu chặt như con ve, con bọ chét. Hễ thấy một chi tiết ngờ ngợ, là ông bám riết ngay lấy, rồi không cho phép mình nghỉ ngơi trì hoãn, sớm muộn ông cũng tìm ra được những khâu trước đó hoặc những câu tiếp theo.

      Sau nhiều năm gian khổ, ông đã có được những "tấm bản đồ hỏa hoạn" đặc biệt, ngoài ra, ông còn có được cái gọi là những "biến thể của các đám cháy". Trên các tấm bản đồ có đánh dấu những nơi, những công trình xây dựng và nhà cửa, từng bị hỏa hoạn, bất kể thiệt hại không đáng kể hay là bị thiêu rụi hoàn toàn. Còn trên những bản vẻ gọi là "biến thể các đám cháy" thì ghi lại những thay đổi diễn ra trong quy hoạch xây dựng sau vụ hỏa hoạn; tất cả mọi thay đổi, dù nhỏ nhất, đều được ghi lại cẩn thận.

      So sánh các tấm bản đồ hai loại kể trên, dần dần Tcharnotski đi đến những kết luận lý thú. Nếu nối những điểm xảy ra hỏa hoạn ở một vùng nào đó, thì trong tám mươi phần trăm các trường hợp, sẽ hiện lên đường viền những sinh vật kỳ lạ, đôi khi chúng giống như những đứa trẻ quái thai, nhưng thường thường, đó là hình những con thú nhỏ thú vị, những con vượn cáo đuôi dài xoắn vặn rất ngộ, những con sóc nhanh nhẹn thân uốn vòng, những con khỉ trông buồn cười đến mức dị dạng.

      Tcharnotski lấy từ trong các sơ đồ ra cả một bộ sưu tập như thế, ông tô màu sặc sỡ rồi đưa chúng vào một cuốn anbom độc đáo, chắc hẳn không ai có, ngoài bìa đề dòng chữ "Anbom các sinh vật lửa".

      Phần hai bộ sưu tập của ông là những "trích đoạn và phác thảo", rất nhiều những hình kỳ cục không rõ ràng, chu tuyến chưa hoàn chỉnh, chỉ có thể lờ mờ phỏng đoán. Ở đây phác họa những cái đầu, những mẫu thân thể, những khúc chân tay, những cái cẳng tẽ ngón lông lá, đây đó còn hiện lên những hình hình học, những hình như vết mực nhòe hoặc như một đám những con thủy túc nhộn nhạo.

      Cuốn anbom của Tcharnotski khiến ta nhớ tới một bộ sưu tập những hình ngộ nghĩnh hoặc sáng tác của một họa sĩ có óc tưởng tượng mãnh liệt; thích thú với sự quái dị, ông đưa lên mặt giấy trắng cả một đám những tạo vật như báo điềm gở, những quái vật chỉ tồn tại bên ngoài lương tri con người. Ai không hiểu rõ vấn đề lắm có thể sẽ nghĩ rằng mình đang xem loạt tranh kỳ cục vẽ bằng màu đỏ của một họa sĩ thiên tài ghi lại những giấc mơ huyền hoặc. Nhưng nhìn một số bức tranh tưởng tượng ấy, người ta sởn gai óc...

      Sau nhiều năm dài, nhà nghiên cứu độc đáo phát hiện ra thêm một quy luật nhờ các quan sát viên của ông gợi ý cho: các vụ hỏa hoạn thường xảy ra vào thứ năm. Các con số thống kê xác nhận con quỷ ác hại ấy thường thức dậy chính vào ngày đó trong tuần.

      Và điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Thậm chí Tcharnotski còn tìm ra một cách giải thích ít nhiều phù hợp. Theo ông, đó là tại bản chất của ngày thứ năm, được phản ánh ngay trong tên gọi tượng trưng của nó. Bởi từ xưa, ngày đó vẫn được coi là ngày của thần Zeus sấm sét, và do vậy nảy sinh tên gọi ngày ấy ở nhiều thứ tiếng. Không phải bỗng dưng chủng tộc Đức gọi thứ năm là ngày sấm sét: Donnerstag và Thursday, Agiovedi, Juever và Jeudi, với sức mạnh la tinh thực sự, lẽ nào nghe không mang máng tên thần Jupiter?

      Sau khi đi đến hai kết luận cực kỳ quan trọng ấy, Tcharnotski tiến tiếp theo con đường suy lý. Vốn yêu thích triết học và những khái quát siêu hình, trong những giờ rảnh rỗi ông đọc các tác giả thần bí thời kỳ đầu Cơ đốc giáo và nghiền ngẫm kỹ những luận văn thời trung cổ mà ông quan tâm.

      Sau nhiều năm nghiên cứu các vụ hỏa hoạn và những hiện tượng kèm theo, ông nghiêng về ý nghĩ cho rằng chắc hẳn có những tạo vật cho tới nay chúng ta chưa biết, một thứ gì đó đại loại như khâu trung gian giữa con người và loài vật, và chúng lộ ra trong bất kỳ tai họa tàn phá nào.


1 2 3 4 5 6 


--------------------------------------------------------------------------------
Sự Báo Thù  Dịch Giả: Vũ Đình Bình 



      Dẫn chứng cho thuyết của mình, Tcharnotski nêu ra các tín ngưỡng của nông dân và các truyền thuyết cổ xưa ma quái, nàng tiên cá, quỷ lùn, thần lửa và các thiên tinh. Ngày nay, ông đã không còn chút nghi ngờ nào về sự tồn tại của các sinh vật lửa. Ông cảm thấy chúng có mặt ở mỗi đám cháy cho nên ông gắng sức đè bẹp thói càn bậy của chúng. Dần dần, đối với ông, cái thế giới bí mật mắt thường không trông thấy ấy trở thành một thế giới cũng thực như thế giới của bản thân ông, tức là thế giới con người. Và thế là nổ ra một cuộc đấu tranh kiên trì và không khoan nhượng, giờ đây hoàn toàn đã được nhận thức rõ. Nếu trước kia Tcharnotski đấu tranh với lửa như với một hiện tượng mù quáng không kìm lại được, thì bây giờ, càng hiểu ra bản chất thực của nó, ông dần dần có thái độ khác với nó. Năm này qua năm khác, trong cái sức mạnh hủy diệt phi lý là đám lửa, ông đã nhận ra một con thú dữ ác ý, ham tàn phá, mà ông phải thanh toán. Rồi sao đó, qua một số dấu hiệu, ông thấy phía địch đã nắm bắt được sự thay đổi trong chiến thuật của ông. Và thế là cuộc chiến tranh đã mang tính chất cá nhân.

      Phải nói rằng Antoni Tcharnotski, giám đốc sở cứu hỏa ở Rakshava, đúng là người sinh ra cho một cuộc chiến tranh như thế, có lẽ hơn bất kỳ ai khác trên thế gian này.

      Bản thân thiên nhiên phú cho ông những năng lực đặc biệt dường như đã phân công cho ông vai trò người chế ngự lửa. Thân thể ông tuyệt đối không cảm thấy lửa; ở giữa ngọn lửa ngùn ngụt, giữa đám cháy hoành hành dữ dội, ông hoạt động hết sức an toàn, không bị một vết bỏng nhỏ nào.

      Mặc dù chức vụ giám đốc không yêu cầu ông phải trực tiếp tham gia dập lửa, nhưng không tiếc thân mình, luôn là người đầu tiên lao vào đám cháy. Thân hình ông, cao lớn và mềm mại, mái tóc rậm như bờm sư tử nhô ra dưới chiếc mũ cứu hỏa, nổi cao lên như vị thần hộ mệnh giữa những cuộn khói lửa tua tủa hàng ngàn cái nọc đỏ lừ. Đôi khi tưởng như chắc chắn đi vào cõi chết, nơi mà không một người lính cứu hỏa nào dám thò mũi vào, nhưng, kỳ diệu chưa! từ chốn địa ngục ấy ông lại xuất hiện bình an vô sự, với nụ cười hiền lành và hơi bí ẩn trên gương mặt dũng cảm, rọi sáng bởi những ánh lửa đỏ rực; rồi sau khi hít đầy không khí vào lồng ngực nóng bỏng, ông lại xông vào lửa. Bạn bè ông tái mặt khi ông cực kỳ can đảm leo lên những tầng gác ngùn ngụt lửa, trèo lên những ban công đang cháy, liều lĩnh chạy len lỏi giữa những khung thép nóng giãy.

      - Một con quỷ! Ông ấy đúng là một con quỷ! Đám lính cứu hỏa thì thầm với nhau, khiếp hãi và kính nể nhìn theo thủ trưởng của họ.

      Chẳng bao lâu ông có biệt danh "Chịu Lửa" và trở thành thần tượng của lính cứu hỏa và dân chúng thành phố. Xung quanh ông, người ta thêu dệt nhiều chuyện, trong đó, ông được mô tả như một nhân vật hai mặt, là thượng đẳng thiên sứ Mikhail, đồng thời là con quỷ. Về ông có nhiều lời đồn đại, trong đó khiếp sợ và cảm phục xen kẽ nhau một cách kỳ lạ. Còn hiện nay, Tcharnotski được coi là một pháp sư tốt bụng có quen biết các thế lực bí ẩn. Đối với mọi người, mỗi bước chân, mỗi cử chỉ của ông Chịu Lửa đều chứa đựng ý nghĩa đặc biệt.

      Điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn cả là tính chất "amiăng" của Tcharnotski dường như được truyền sang quần áo ông, bởi chúng cũng không bị cháy trong các vụ hỏa hoạn.

      Hồi đầu, người ta tưởng khi chửa cháy ông mặc bộ quần áo may bằng loại vải đặc biệt, chịu được lửa, nhưng hóa ra hoàn toàn không phải thế. Đó là những lần bị kẻng báo động đánh thức giữa đêm đông giá lạnh, ông vội vã mặc luôn bộ quần áo đầu tiên ông trông thấy ở trạm cứu hỏa, mà khi ra khỏi lửa ông vẫn bình yên vô sự.

      Ở địa vị ông, giá thử người khác thì đã tận dụng tài năng đặc biệt đó để kiếm tiền, ví như sẽ làm thuật sĩ lãng du hoặc một tay đại bịp, nhưng đối với ông Antoni chỉ cần mọi người quý trọng và cảm phục là đủ. Điều duy nhất ông tự cho phép mình là những "thử nghiệm" vô tư trong phạm vi đồng nghiệp hoặc những người quen thân làm cho khán giả phải sững sờ. Chẳng hạn, ông đặt trên lòng bàn tay mấy hòn than hồng khoảng mười lăm phút hoặc lâu hơn nữa mà không có dấu hiệu đau đớn gì, đến lúc ông lại vứt than vào lửa, trên tay ông không hề có vết bỏng.

      Khả năng của ông truyền "tính chịu lửa" của mình cho người khác cũng gây nhiều thích thú. Chỉ cần ông cầm tay ai, là người đó cũng "chịu lửa" được một khoảng thời gian nhất định. Một nhóm bác sĩ địa phương chú ý đến ông, họ đề nghị ông "biểu diễn" vài buổi với một số tiền thù lao lớn. Tcharnotski tức giận từ chối và sau đó, một thời gian dài ông không trình bày "thử nghiệm" ngay cả trong phạm vi hẹp.

      Người ta còn kể về ông nhiều chuyện hết sức lý thú khác nữa. Một số lính cứu hỏa từng phục vụ dưới quyền ông không ít năm đã đem các thánh thần ra mà cam đoan rằng trong các đám cháy, ông Chịu Lửa thường phân thân ra làm hai, làm ba: họ kể rằng nhiều lần, họ thấy ông đồng thời ở hai, ba chỗ nguy hiểm nhất giữa đám lửa ngùn ngụt. Kshishtof Slutch, đội trưởng cứu hỏa, thề rằng một lần, khi đám cháy đã dịu bớt, anh ta tận mắt thấy ở mé trong một hốc bám người còn nguyên vẹn có ba thân hình ông Antoni giống hệt nhau, chúng nhập vào nhau làm một, còn ông Tcharnotski thì đang thản nhiên xuống cầu thang.

      Chẳng ai biết trong những lời đồn đại ấy có bao nhiêu thật, bao nhiêu bịa. Nhưng một điều chắc chắn, Tcharnotski là một người khác thường và dường như sinh ra là để đấu tranh với hỏa hoạn.

      Và ông đã chiến đấu thực sự, ngày càng quyết liệt, ông hiểu sức mạnh của ông, năm này qua năm khác ông hoàn thiên các phương pháp tự vệ, dựng ngày càng nhiều chướng ngại trên con đường hoành hành của lửa.

      Đối với Tcharnotski, dần dần cuộc đấu tranh ấy trở thành ý nghĩa cuộc đời; ông liên tục phát minh ra những phương pháp đáng tin cậy để phòng cháy. Như hôm nay, buổi trưa tháng Bảy nóng nực này chẳng hạn, ông nằm xem những ghi chép mới nhất, phân loại những tài liệu tích lũy được cho cuốn sách đang viết về các đám cháy và các biện pháp phòng cháy. Ông đang định viết một cuốn sách lớn; hai tập, kết quả nghiên cứu của ông trong nhiều năm.

      Chốc chốc lại rít một hơi điếu xì gà thơm Cuba, Tcharnotski ngẫm nghĩ bố cục cuốn sách và trình tự các chương...

      Hút nốt điếu thuốc, ông dụi nó vào cái gạt tàn, rồi mỉm cười mãn nguyện, ông đứng dậy.

      - Không đến nỗi tồi! Ông tự khen mình, hài lòng về những điều ước tính. Có vẻ ổn lắm.

      Ông thay quần áo, rồi đến quán cà phê yêu thích chơi cờ...


1 2 3 4 5 6 


--------------------------------------------------------------------------------
Sự Báo Thù  Dịch Giả: Vũ Đình Bình 



      Vài năm trôi qua. Hoạt động của Tcharnotski ngày càng tiến triển. Giờ đây, không chỉ Rakshava biết đến ông. Người ta nói tới ông Chịu Lửa cả ở những nơi xa thành phố này. Nhiều người đến gặp ông và tỏ lòng khâm phục ông. Cuốn sách của ông về các đám cháy có tiếng vang lớn, và không chỉ trong ngành cứu hỏa; trong một thời gian ngắn, nó đã được in lại mấy lần.

      Nhưng không phải mọi việc đều suôn sẻ. Trong khi trực tiếp tham gia chữa cháy, đã mấy lần ông bị thương.

      Hôm cháy kho củi ở Viteluvka, một thanh rầm đang cháy đột nhiên rơi xuống khiến xương quai xanh của ông bị thương nặng; ở hai vụ hỏa hoạn khác, trần nhà đổ sụp làm ông bị thương chân và vai; còn hôm Giáng sinh mới rồi, suýt nữa ông bị mất tay phải; một thanh xà bằng sắt rơi từ tít trên nóc xuống chạm một đầu vào ông, chỉ một ly nữa là ông nát xương...

      Trước những chuyện không may ấy, Tcharnotski cừ khôi cực kỳ bình tĩnh.

      - Ta còn chịu thua lửa, nên nó mới ném các thanh xà vào ta, ông thường nói thế, miệng mỉm cười khinh khỉnh.

      Nhưng thời gian gần đây, các lính cứu hỏa dõi theo từng bước của ông và không để ông lao vào lửa quá sâu, ít nhất là những chỗ có nguy cơ sập nhà. Tuy nhiên, mối nguy hiểm vẫn rình rập ông thường xuyên đến mức kỳ lạ, cả ở những nơi tưởng như an toàn nhất. Hình như hễ cứ có mặt Tcharnotski là ma quỷ kéo đến: bên cạnh ông bỗng dưng rơi xuống những khúc gỗ chỉ vừa mới bén lửa, những thanh xà trên trần lửa còn chưa lan tới, cả những tảng vôi, vữa nặng trịch, to bằng viên đại bác, có khi rơi đúng chỗ Tcharnotski vừa đứng.

      Còn Tcharnotski chỉ nhếch mép cười, thản nhiên hút xì gà. Thế nhưng các bạn bè của ông băn khoăn cau mày và sợ hãi tránh ông cho xa. Rốt cuộc họ đã hiểu ra rằng ở bên cạnh ông không phải là không nguy hiểm.

      Cũng đã xảy ra vài sự việc thuộc loại ấy, nhưng ở trong nhà sếp của họ, nên không ai biết.

      Tất cả mọi chuyện bắt đầu từ làn khói khét lẹt, ngột ngạt: một ngày nọ, ngôi nhà tràn ngập mùi khét như thể có miếng giẻ rách cháy âm ỉ ở xó nhà. Mùi khó chịu như những lớp sóng vô hình lan tỏa váo các hành lang, đọng mùi hôi trong các phòng, như một tấm màn nặng nề rủ từ trên trần xuống. Mùi ấy thấm vào đồ đạc, quần áo, chăn đệm. Quạt máy và hệ thống thông gió có hoạt động cũng không ăn thua. Và mặc dù các cửa ra vào và cửa sổ đều mở toang hầu như suốt ngày, mà đó là lúc ngoài trời lạnh âm mười tám độ, cái mùi ghê tởm ấy vẫn không bay đi. Gió lùa và giá lạnh cũng không xua được nó, nó cứ xộc vào mũi nồng nặc. Mọi cố gắng tìm ra nguồn gốc mùi ấy đều không đi tới đâu, nên đành chịu vậy.

      Cuối cùng, một tháng sau, khi không khí trong nhà đã khá lên đôi chút, thì lại xảy ra một tai họa khác: thán khí. Mấy ngày đầu, còn có thể đổ tình trạng này là do đám gia nhân vụng về, vì lơ đãng đã đóng sớm các lò sưởi, nhưng về sau phải công nhận vấn đề hoàn toàn không phải ở đó, dù các lò đã được theo dõi rất cẩn thận, mùi thán khí ngột ngạt vẫn đầu độc không khí ngày một nhiều hơn. Việc thay đổi chất đốt cũng không ăn thua: mặc dù Tcharnotski đã cho đốt lò bằng củi và không đóng cửa lò nữa, ban đêm trong nhà vẫn có người bị trúng độc hơi than, còn bản thân ông, sáng dậy thấy đầu nhức như búa bổ và buồn nôn. Sự việc đến mức ông buộc phải đi ngủ nhờ ở người quen chứ không ngủ nhà nữa.

      Vài tuần sau, thán khí bớt hẳn, và ông lại thở phào nhẹ nhõm trở về nhà.

      Ông không biết ngay tại sao nhà ông gặp nhiều tai biến như thế, nhưng lật đi lật lại vấn đề, cuối cùng ông hiểu ra rằng ẩn sau tất cả những cái đó là một mục tiêu: làm cho ông sợ, hạ nhiệt tình chiến đấu của ông.

      Nhưng các quỷ kế như vậy chỉ đổ thêm dầu vào lửa, ông bị chạm đến chỗ đau nhất, và quyết chiến thắng bằng bất kỳ giá nào.

      Hồi ấy, Tcharnotski đang nghiên cứu một hệ thống mới cho bơm chữa cháy; ông hy vọng nó sẽ đoạt hiệu quả cao hơn tất cả các loại bơm trước đây. Thứ được dùng để dập tắt lửa sẽ không phải là nước, mà là một chất gas đặc biệt, chất này sẽ bọc kín dày đặc tòa nhà bị cháy khiến ôxi không lọt vào được nữa: bằng cách ấy, ông có thể dập tắt lửa từ lúc nó mới manh nha.

      - Tôi đảm bảo đó sẽ là một ngọn roi của Trời đối cới các đám cháy, ông hồn nhiên khoe với một kỹsư ông quen khi chơi cờ. Rất có thể khi bằng phát minh của tôi được chứng nhận, lửa hầu như sẽ không còn gây hại nữa.

      Và ông tự mãn vân vê bộ ria.

      Bấy giờ là quãng giữa tháng Giêng, Tcharnotski định hoàn thành đề án chi tiết trong vài ba tháng rồi gửi lên bộ. Tối này qua tối khác, ông cặm cụi trên các bản vẽ, nhiều khi ông ngồi đến tận nửa đêm...

      Một lần, đang ngồi làm việc lúc nữa đêm như thế, ông lơ đãng nhìn Martin, người đầy tớ già, kều than trong lò ra, và bỗng dưng mẩu gỗ cháy dở ấy thu hút sự chú ý của ông.


1 2 3 4 5 6 


--------------------------------------------------------------------------------
Sự Báo Thù  Dịch Giả: Vũ Đình Bình 



      - Gượm đã, ông giữ Martin lại ở ngưỡng cửa. Bác rắc tro than lên tờ báo này cho tôi.

      Martin hơi bối rối, làm theo lời ông chủ.

      - Thế! Tốt rồi. Thôi, bác về ngủ đi.

      Còn lại một mình, Tcharnotski một lần nữa nhìn kĩ các hòn than. Đập ngay vào mắt ông là hình dạng các hòn than. Không hiểu lửa cháy thế nào mà các hòn than có đường viền mang hình các chữ cái. Ông kinh ngạc xem xét những đường viền rõ nét ấy; không còn nghi ngờ gì nữa, trước mắt ông là những con chữ lớn bằng than được "gia công" rất khéo.

      Một câu đố hóc búa độc đáo, ông nghĩ và tò mò xếp các hòn than hết kiểu này đến kiểu nọ. Biết đâu ông xếp được chúng thành cái gì đó?

      Thế rồi chưa đầy mười lăm phút, dưới bàn tay ông đã xuất hiện các từ: "Nung Nóng", "Tia Lửa", "Dọa Nước", "Thổi Khói".

      - Cái hội này vui ra phết, ông lẩm bẩm, ghi lại những cái tên lạ lùng ấy cho khỏi quên, đầy đủ thành phần bọn lưu manh lửa. Bây giờ ta hãy xem nên đặt biệt danh cho bọn mi như thế nào. Đúng là một cuộc viếng thăm độc đáo, nhưng các tấm danh thiếp lại càng độc đáo hơn.

      Nhếch mép cười, ông cất tờ giấy vào tủ.

      Từ hôm ấy, ông dặn Martin ngày nào cũng đem tro than cho ông, và lần nào ông cũng phát hiện trong đó những lời nhắn gửi.

      Những lời ấy ngày càng gợi tò mò hơn. Sau các bức danh thiếp là những bức thông điệp từ thế giới bên kia, những câu rời rạc với nội dung răn đe và rồi cả với nội dung dọa nạt.

      "Cút đi!", "Để chúng tao yên!", "Chớ đùa với bọn ta!", "Coi chừng đấy!". Các bức thông điệp lửa thường kết thúc như vậy.

      Tcharnotski không coi trọng những lời ấy, với chúng ông có thái độ hài hước. Say sưa nghiên cứu ông xoa xoa tay và chuẩn bị đánh một đòn chí mạng. Chắc chắn ông sẽ thắng. Cần nói thêm rằng mọi chuyện bất ngờ khó chịu vẫn rình rập ông ở các đám cháy nay không lặp lại nữa, những trò ác xảy ra ở nhà nay cũng chấm dứt.

      "Nhưng ngày nào ta cũng phải trao đổi thư từ như ta và chúng quen thân nhau vậy, ông mỉm cười, sáng sáng xem những lời nhắn gửi của than lò". Có lẽ các sinh vật này không biết hướng năng lượng ác độc của chúng tới vài điều xấu xa cùng một lúc. Hiện giờ chúng chuyển sang fire message, cho nên chưa thấy trước được sẽ có gì khác. Về mặt này thì ta gặp may, bọn mi cứ viết đi, càng lâu càng tốt, ta bao giờ cũng là một độc giả không vô ơn.

      Nhưng quãng đầu tháng Hai, "thư từ" bỗng ngưng lại. Một thời gian, các hòn than vẫn còn giống đường viền các chữ cái, nhưng dù cố mấy, Tcharnotski cũng không xếp được thành từ nào ít nhiều hiểu được; ông chỉ xếp được thành mấy kết hợp phụ âm vô nghĩa hoặc những chuỗi dài nguyên âm. Rõ ràng "thư từ" đã cạn kiệt, và cuối cùng, các hòn than không còn có đường viền giống các chữ cái nữa.

      "Fire message" đã chết, Tcharnotski kết luận và vạch một vạch đỏ dưới mục "Nhật ký thông điệp lửa".

      Trong vòng một, hai tuần, mọi chuyện êm ả. Khoảng thời gian đó, Tcharnotski hoàn chỉnh cấu trúc thiết bị dập lửa bằng hơi gas và bắt đầu lo chuyện lấy bằng chứng nhận. Nhưng công việc nghiên cứu vất vả đã làm ông mệt lả, sang tháng Ba, ông cảm thấy sức đuối đi rất nhiều, thỉnh thoảng ông lại cảm thấy toàn thân cứng đờ, hồi xưa ông đã từng bị chứng này do có tổn thương thần kinh. Người ngoài không biết tình trạng của ông, vì các cơn cứng đờ thường xảy ra ban đêm, trong giấc ngủ. Thức giấc buổi sáng, ông cảm thấy rã rời như vừa đi một chặng đường dài. Phải nói rằng chính ông cũng không nhận thấy những cơn đó, vì sự chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia diễn ra nhẹ nhàng và hoàn toàn không đau đớn gì, chỉ có điều giấc ngủ trở nên nặng nề hơn khi dần dần từ giấc ngủ bình thường sang giấc ngủ cứng đờ. Lúc thức giấc, tuy mệt mỏi nhưng ông lại nhớ lại được rất rõ và rất sống động những chuyến lãng du trong mơ. Suốt đêm, Tcharnotski leo các ngọn núi, thăm các thành phố xa xôi, lang thang trên các miền đất lạ. Sự suy mòn thần kinh làm ông kiệt sức lúc ban sáng hình như chính là tại các chuyến phiêu bạt ban đêm của ông. Và thật kỳ lạ: chính ông cũng giải thích như vậy về sức khỏe yếu kém của ông. Các chuyến đi trong mơ được ông cảm nhận như một điều gì đó hoàn toàn hiện thực.

      Nhưng Tcharnotski không tâm sự chuyện đó với ai, vì chẳng cần thế, ông cũng đã bị để ý quá nhiều rồi. Cho người khác biết đời sống thầm kín của tâm hồn mình để làm gì?

      Tuy nhiên, nếu gần gũi mọi người hơn, có thể ông sẽ nghe họ xì xào những gì, và chắc chắn ông sẽ lo lắng cho bản thân ông.


1 2 3 4 5 6 


--------------------------------------------------------------------------------
Sự Báo Thù  Dịch Giả: Vũ Đình Bình 



      Việc đầu tiên là ông chú ý đến Martin, bây giờ, bác ta nhìn ông chủ với một thái độ nghi ngờ kỳ lạ và thậm chí còn có vẻ sợ hãi.

      Bác ta có cơ sở như vậy, và không chỉ một lần. Một đêm khuya vào quãng đầu tháng Ba, bác ta cầm nến đi từ bếp về phòng mình ở ngay sát cạnh phòng ngủ của ông chủ, bỗng bác ta thấy bóng Tcharnotski đang đi xa dần ở cuối hành lang. Hơi ngạc nhiên, Martin quyết định thử kiểm tra xem hay đó chỉ là cảm giác mà thôi, bác ta liền vội vã theo sau. Nhưng tới cuối hành lang thì ông chủ đã biến mất, như ông đã độn thổ vậy.

      Martin băn khoăn nhón chân rón rén vào phòng ngủ của ông chủ, và bác ta thấy gì? Tcharnotski đang ngủ trên giường như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.

      Vài ngày sau, cũng ban đêm, Martin lại trông thấy ông chủ của mình, nhưng lần này là ở cầu thang, ông đứng trên bậc thang, cúi người qua tay vịn và nhìn xuống dưới bằng cái nhìn siêu thoát. Martin sởn gai ốc, bác ta lao tới kêu lên:

      - Ông định làm gì thế? Ông hãy biết sợ Chúa Trời, vì như thế là có tội!

      Nhưng bác ta chưa kịp chạy đến gần, thì hình bóng Tcharnotski đã biến dạng một cách kỳ lạ, nhòa đi rồi như thấm vào tường, không một tiếng động. Martin làm dấu thánh rồi không suy nhĩ lâu, bác ta lao vào phòng ngủ của ông chủ, lạ chưa, cũng như lần nọ, ông đang ngủ rất say.

      - Quái thật! Martin lẩm bẩm. Ma quỷ hay sao nhỉ? Mình có say rượu đâu.

      Bác ta đã định về đi ngủ, thì bỗng trông thấy ở cuối phòng có một điều kỳ lạ: phía trên đầu ông chủ quãng một mét, lơ lửng một ngọn lửa đỏ bập bùng. Về hình dạng, nó giống như bụi cây đang cháy, và hình như những cái xúc tu rực lửa của nó đang cố túm lấy Tcharnotski.

      - Lạy chúa! Martin kêu lên và chạy tới con quái vật lửa.

      Thế là bụi cây đang cháy thu ngay lại những cái lưỡi lửa đang vươn về phía Tcharnotski, cuộn lại thành một cột lửa dày đặc rồi lập tức tắt ngấm, có tiếng xèo xèo nhè nhẹ.

      Trong phòng ngủ khá tối, chỉ có ánh sáng yếu ớt của ngọn nến Martin để dưới sàn. Tcharnotski ngủ trên giường, người duỗi cứng đơ như gỗ...

      Hôm sau, Martin thận trọng nói bóng gió với ông chủ rằng ông mệt mỏi, có cần gọi bác sĩ không, nhưng Tcharnotski nói lảng đi bằng một câu đùa mà không biết tiếp đó sẽ có chuyện gì.

      Hai tuần sau thì xảy ra một tai họa...

      Sự việc xảy ra vào đêm hai mươi tám rạng ngày hai mươi chín tháng Ba đáng ghi nhớ đối với dân chúng trong thành phố. Tcharnotski về nhà rất khuya, mệt rã rời, hôm ấy, đội cứu hỏa phải dập một đám cháy lớn ở khu kho nhà ga. Ông tỏ ra rất dũng cảm, không chỉ một lần coi thường nguy hiểm để cứu mấy nhân viên đường sắt ngủ say ở các xó xỉnh trong khu kho. Về nhà quãng gần mười giờ, ông để nguyên quần áo nằm lăn ngay xuống giường và ngủ như chết.

      Những ngày gần đây, lo lắng cho chủ, Martin như một con chó trung thành canh giữ sự yên tĩnh của ông ở phòng bên, bác ta không tắt đèn, thỉnh thoảng lại ngó sang phòng ngủ của ông chủ. Đêm ấy bác ta buồn ngủ quá, mái đầu bạc nặng nề ngả sang vai và cuối cùng gục xuống bàn.

      Bác ta thức giấc vì có một tiếng động đáng ngại. Cố rũ đi cơn buồn ngủ, bác ta giụi mắt và lắng nghe. Tiếng động không lặp lại nữa. Bác ta bèn vớ lấy chiếc đèn chạy sang phòng ngủ của ông chủ.

      Nhưng hỡi ôi, đã quá muộn. Mở cửa ra, bác ta thấy lửa bao quanh ông chủ như một vầng sáng, hình như hàng nghìn cái vòi lửa đang mút chặt váo thân thể ông.

      Martin chưa kịp chạy đến giường thì quầng lửa đã như thẩm thấu vào thân thể người đang ngủ không còn dấu vết gì, cứ như hề chưa có lửa bao giờ vậy.


1 2 3 4 5 6 


--------------------------------------------------------------------------------
Sự Báo Thù  Dịch Giả: Vũ Đình Bình 



      Run như cầy sấy, Martin luống cuống nhìn kỹ ông chủ.

      Đột nhiên mặt Tcharnotski biến đổi một cách kỳ lạ: đang bất động bỗng nhăn nhó như thể bị co thắt hay hay bị động kinh, đến mức khó nhận ra. Như bị một sức mạnh bí ẩn nhập vào thân thể, Tcharnotski bỗng bật dậy, rú lên một tiếng man dại rồi lao thẳng ra khỏi nhà.

      Lúc ấy là bốn giờ sáng, phía trên thành phố, cái ảo ảnh ngái ngủ đang đuổi nhau trong điệu vũ vòng tròn, lũ quỷ ác mộng ngán ngẩm cụp những đôi cánh hư ảo của chúng lại, miễn cưỡng chuẩn bị quay về, còn các thiên thần trầm ngâm cúi trên những chiếc giường của trẻ thơ thì vội vã đặt trên trán đứa trẻ nụ hôn tạm biệt...

      Chân trời phía đông đã có những vệt tím. Bình minh xám nhạt, run rẩy trước cái lạnh buổi sớm, lan dần về phía thành phố như những làn sóng thức tỉnh, tỏa sáng, đổi mới. Đàn quạ thành phố thức dậy sau một đêm gà gật, bay một, hai, ba lần thành những vòng tròn màu đen phía trên tòa thị chính, rồi vừa kêu quàng quạc vừa đậu xuống những cành cây trụi lá trước mùa xuân. Lũ chó hoang lang thang ban đêm trong các ngõ tối, bây giờ kiếm cái ăn ngoài chợ...

      Đột nhiên ở nhiều điểm trong thành phố vọt lên những ngọn lửa, lửa như một bông hoa nở tung những cánh hoa đỏ rực nhuốm hồng phía trên các mái nhà, vươn cao lên trời. Chuông nhà thờ gióng lên, sự yên tĩnh buổi sớm bị vỡ tung ra bởi những tiếng kêu, tiếng gào, iếng hét:

      - Cháy! Cháy!

      Ở ngoài chợ, các đám người chạy loạn xạ, các ô tô phóng như bay, cứu hỏa rú ầm ĩ. Một người mặc đồng phục lính cứu hỏa, mái tóc tung bay, tay cầm đuốc đang ra sức len qua đám đông.

      - Ai đấy nhỉ? Ai?

      - Bắt lấy nó! Bắt lấy! Tên đốt nhà!

      Hàng nghìn cánh tay hướng về phía hắn.

      -Tên đốt nhà! Tên tàn ác! Đám đông điên cuồng giận dữ gầm lên.

      Có ai đó hắt ngọn đuốc ra khỏi tay hắn, có ai đó ôm nghiến lấy hắn. Hắn vùng ra, sùi bọt mép... Cuối cùng hắn cũng bị thuần phục. Và người ta đã dẫn giải hắn trên quãng trường, tay hắn bị trói chặt, quần áo hắn rách bươm. Mọi người chằm chằm nhìn vào gương mặt đang được. Mọi người chằm chằm nhìn vào gương mặt đang được ánh bình minh yếu ớt chiếu sáng.

      - Ai thế này?

      Những người áp giải bất giác buông thõng tay xuống.

      - Ai thế này?

      Mấy người lính canh khiếp sợ cứng họng không nói được nữa.

      - Sao mặt trông quen quen?

      Trên vai kẻ điên rồ lủng lẳng những cái ngù vai bị tuột ra trong lúc ẩu đả, đó là ngù vai của giám đốc sở cứu hỏa, còn trên áo sơ mi rách lấp lánh tấm huy chương "Vì có công chữa cháy", lóe sáng cây thập tự vàng "Vì lòng dũng cảm". Và gương mặt kia, một gương mặt biến dạng đi trông như thú vật, với hai con mắt xếch đỏ ngầu máu!...

      Suốt một tháng ròng sau đám cháy khủng khiếp đã thiêu rụi bảy công trình xây dựng đẹp nhất thành phố ấy, đêm nào Martin cũng trông thấy bóng ma Tcharnotski. Bóng kẻ điên rồ trườn vào phòng ngủ, cúi xuống chiếc giường bỏ trống lục lọi ở đó tìm thân thể, có lẽ để lại nhập vào? Hỡi ôi, chỉ tổ uổng công...

      Mãi tới cuối tháng Tư, sau khi ông giám đốc sở cứu hỏa bị nhốt ở bệnh viện của bác sĩ Zhegota, trong tình trạng mất trí nhớ đã nhảy qua cửa sổ tầng gác xuống đất và chết tại chỗ, bóng ma của ông ta mới thôi không về nơi ở cũ nữa...

      Nhưng mãi tới nay mọi người vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện hoang đường về hồn ma của ông Chịu Lửa: nó đã để lại thân xác của nó trong giấc ngủ, rồi không quay trở về được nữa, bởi các sinh vật lửa đã chiếm mất.


1 2 3 4 5 6






sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

QUANGKHAI

Quỷ Hút Máu      Richard Matheson

Quỷ Hút Máu


      Vào một buổi sáng mùa thu, Alexis Cheria thức dậy trong một trạng thái trì trệ cực độ. Nàng nằm trơ ra hơn một phút, đôi mắt đen huyền nhìn thẳng lên phía trần nhà. Chân tay nang hình như bị bọc trong một lớp chì. Có lẽ nàng đau mắt. Phải nhờ Petre khám bệnh xem sao.

      Cố hít một hơi yếu đuối, nàng từ từ chống khuỷu tay ngóc dậy. Bộ đồ ngủ của nàng sột soạt rút lên ngang thắt lưng. Tại sao nút áo lại tuộc ra như vậy nhỉ ? Nàng nhìn xuống thân mình tự hỏi.

      Bất chợt Alexis rú lên

      Trong phòng ăn sáng, bác sĩ Petre Cheria giật mình rời tờ báo nhìn lên. Trong khoảnh khắc ông đẩy chiếc ghế ra sau, quẳng khăn ăn lên bàn, chạy vội về phòng giữa nhà. Ông lao mình qua căn phòng trải thảm đỏ và nhảy lên cầu thang từng hai bậc một . Ngồi ở đầu giường, Alexis vẫn còn kinh hoàng nhìn xuống ngực mình. Trên làn da căng phòng và trắng ngần, một vệt máu đọng lại.

      Bác sĩ Cheria ra hiệu đuổi người tớ gái đang đứng lặng người ở cửa phòng há hốc miệng nhìn bà chủ. Ông đóng cửa và vội quay lại với vợ. Nàng hổn hển nói :

      - Petre !

      - Từ từ em ạ !

      Ông đỡ vợ nằm ngửa ra trên chiếc gối hoen máu.

      - Petre, cái gì vậy anh ? Nàng khẩn khoản

      - Cứ nằm yên đi em .

      Ông đưa tay lướt ngang ngực vợ dò xét. Bỗng dưng ông nín thở. Nghiêng đầu vợ qua một bên, ông kinh hoàng nhìn ngây dại vết thương nhỏ trên cổ nàng, và dải máu hãy còn ươn ướt tuôn ra từ đó .

      - Trời ơi, cổ họng em !

      - Không đó chỉ là ....

      Bác sĩ Cheria không nói hết câu. Ông biết rõ đó là cái gì. Alexis bắt đầu run rẩy :

      - Trời ơi ! trời ơi ! Bác sĩ Cheria đứng dậy quày quả bước vào phòng rửa mặt. Ông mở vòi nước rồi quay vào chùi vết máu. Chỗ bị thương bây giờ đã rõ, hai vết như kim châm, sát tĩnh mạch cổ. Khi bác sĩ Cheria sờ vết thương, vợ ông rống lên và quay mặt đi

      - Em nghe anh này " Ông ta nói có vẻ bình tĩnh " Chúng ta nhất định không chịu mê tín dị đoan nghe em. Em có ...

      - Em sắp chết đến nơi rồi

      - Alexis, em có nghe anh nói không ? " Ông nắm chặt hai vai vợ Nàng quay đầu lại, nhìn ông với cặp mắt trắng dã. Nàng hỏi :

      - Anh cũng biết đó là cái gì rồi chứ ?

      Viên bác sĩ nuốt nước bọt. Ông cảm thấy hương vị tách cà phê buổi sáng còn sót lại trong miệng :

      - Anh biết có lẽ nó là gì. Chúng ta rồi cũng phải biết điều gì có thể xảy ra. Tuy nhiên ...

      - Em chết đến nơi rồi

      Cheria nắm lấy tay vợ, bóp thật chặt :

      - Alexis, không ai có thể cướp đoạt em của anh nổi đâu .

      Solta là một ngôi làng với vài ngàn dân ở chân dãy núi Bihor, Rumani. Đây là một nơi với những truyền thống hắc ám. Dân chúng mỗi khi nghe chó sói tru xa xa là không cần phải suy nghĩ gì thêm, vội làm dấu thánh giá. Trẻ con thì thay vì hái hoa, hái lá lại lo nhặt tỏi đem về để ở cửa sổ. Trên cửa mỗi nhà đều có vẽ một chữ thập. Và tai ương do quỷ hút máu gây ra cũng thông thường như tai ương của những bệnh tật hiểm nghèo. Lúc nào chúng cũng lảnh vảng đâu đó.

      Bác sĩ Cheria nghĩ mông lung về những chuyện đó trong lúc ra đóng cửa sổ căn phòng của vợ. Trên đỉnh núi xa xa lập lòe mấy đóm lửa. Chẳng bao lâu trời sẽ tối hẳn và dân chúng ở Solta đều đóng chặt cửa những ngôi nhà được bảo vệ bằng đám tỏi của họ. Cheria biết mọi người đã rõ những gì xảy ra cho vợ ông. Chị bếp và người tớ gái lo tầng trên đã xin nghỉ việc. Nhờ sự cứng cỏi của lão quản gia Karel họ mới chịu ở lại. Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu. Trước quỷ hút máu thì không còn lý trí, lý luận gì nữa hết .

      Ông đã thấy điều đó ngay từ buổi sáng ông ra lệnh tìm xem trong phòng bà chủ có con vật nào mang nọc độc hay không. Đám người làm rón rén bước vào làm như căn phòng trải đầy trứng, mắt thì trắng dã như không có con ngươi, tay chân thì líu quíu. Vì họ biết chắc là chẳng có con bọ, con trùng nào ở trong phòng cả. Cheria cũng vậy. Nhưng ông vẫn nổi giận trước sự nhút nhát của họ, và càng giận dữ ông càng làm cho họ sợ hơn .

      Rời cửa sổ, ông quay lại mỉm cười và nói : - Và bây giờ thì chẳng có ai có thể vào phòng này đêm nay nữa.

      Ông ngưng lại khi nhận ra nét khủng khiếp trong đôi mắt vợ. Ông cố vớt vát : - Không có gì vô nổi đâu em ạ.

      Alexis nằm yên không động đậy, một tay xanh mét gác lên ngực, nắm chặt xâu chuỗi thánh giá nàng mới lấy trong hộp nữ trang ra. Đã lâu lắm rồi nàng không đeo xâu chuỗi này, từ khi ông tặng nàng xâu chuỗi nạm kim cương nhân dịp lễ thành hôn của hai vợ chồng. Đúng là nguồn gốc quê mùa đã khiến trong lúc kinh hoàng này, nàng tìm sự bảo vệ ở chuỗi thánh giá đơn giản của thuở xa xưa. Nàng trẻ con quá. Cheria âu yếm mỉm cười nhìn vợ.

      - Em không phải vậy đâu em ạ. Tối nay thế nào em cũng được ngủ yên Mấy ngón tay nàng vội bấu chặt xâu chuỗi hơn

      - Không, em cứ đeo nếu em thích. Anh muốn nói tối nay anh sẽ ở suốt đêm bên cạnh em

      - Anh sẽ ở với em ?

      Ông ngồi xuống giường và nắm tay vợ :

      - Thế em nghĩ là anh có thể bỏ em một lúc nào đó một mình à ?

      Nửa giờ sau nàng đã ngủ say. Bác sĩ Cheria kéo một chiếc ghế đến ngồi cạnh giường. Ông tháo kính ra, lấy tay trái xoa xoa sống mũi. Rồi ông thở dài ngắm vợ. Nàng đẹp quá. Nhịp thở của bác sĩ Cheria trở nên dồn dập. Ông tự nhủ :

      - Làm quái gì có quỷ hút máu người

      Có tiếng nện thình thịch ở xa xa. Bác sĩ Cheria lẩm bẩm trong giấc ngủ, các ngón tay ông co rút. Tiếng động lớn dần, và một giọng nói hoảng hốt phát ra trong bóng tối :

      - Thưa bác sĩ !

      Cheria bật dậy. Trong khoảnh khắc ông bối rối nhìn về phía cửa ra vào khóa chặt

      - Thưa bác sĩ Cheria " Karel hỏi lại

      - Cái gì vậy ?

      - Thưa, yên ổn cả chứ ạ ? - Phải, mọi việc ... Bác sĩ Cheria khản tiếng thét lên, nhảy bật về phía giường. Bộ quần áo ngủ của Alexis lại bị xé rách phía trên ngực, một vệt máu gớm ghiếc bao phủ ngực và cổ nàng.

      Karel lắc đầu :

      - Thưa ông, cửa dù có đóng chặt cũng không thể ngăn được các linh hồn. Ma quái có thể biến thành hơi khói chui qua nổi mọi kẽ hở dù nhỏ tới đâu đi nữa.

      - Nhưng còn xâu chuổi thánh gia ? - Gheria kêu lên - Xâu chuỗi này vẫn còn nguyên ở cổ mà, không bị đụng tới ! Trừ việc ... có dính máu - Ông nói thêm giọng buồn nản .

      - Điều này tôi cũng không hiểu nổi - Karel nghiêm nghị trả lời - Lẽ ra xâu chuỗi phải bảo vệ bà

      - Nhưng tại sao tôi không thấy gì hết vậy ?

      - Hơi hám quỷ hút máu đã làm ông hôn mê. Kể ra ông cũng may mắn lắm mới không bị tấn công luôn đó

      - Tôi không nghĩ là mình may mắn

      Bác sĩ Gheria đấm mạnh tay, nét mặt như một người mới phạm tội. Ông hỏi : - Tôi phải làm gì bây giờ hở Karel ?

      - Thưa, đem tỏi ra treo

      - Karel trả lời

      - Treo khắp các cánh cửa sổ và cửa ra vào. Đừng để sót một khe hở nhỏ nào mà không có tỏi Gheria bối rối gật đầu :

      - Suốt đời tôi chưa bao giờ tôi gặp chuyện này. Và bây giờ thì chính vợ tôi ....

      - Tôi thì tôi đã thấy rồi. Chính tôi đã có dịp hạ một trong những con quỷ đó ngay tại nhà mồ của nó Gheria có vẻ ghê sợ :

      - Cọc gỗ nhọn ....?

      Karel chậm rãi gật đầu .

      Gheria nuốt nước bọt :

      - Cầu trời để lần này ông cũng có dịp cho con quỷ yên nghỉ đời đời

      - Petre Nàng có vẻ yếu đuối hơn rên rỉ không ra lời. Gheria cúi xuống vợ :

      - Gì hở em yêu ? - Tối nay nó sẽ trở lại nữa

      - Không ! - Ông quả quyết lắc đầu - Nó không thể trở lại. Đám tỏi sẽ cản nó

      - Xâu chuỗi thánh giá của em lẫn cả anh đã không thực hiện được điều đó

      - Nhưng tỏi làm được. Và hơn nữa em thấy không ? Ông chỉ vào chiếc bàn ngủ cạnh giường :

      - Anh đã sai người đi mua cà phê đen. Đêm nay anh nhất định không ngủ Nàng nhắm mắt, một nét đau đớn thóang hiện ra trên khuôn mặt tái mét của nàng

      - Em chưa muốn chết. Đừng để em chết nghe Petre

      - Em không sao đâu. Anh hứa với em con quái vật sẽ bị tiêu diệt

      Alexis yếu ớt rùng mình. Nàng thì thào :

      - Nhưng có cách nào đâu, Petre !

      - Chắc chắn rồi sẽ có cách mà em ạ - Ông trả lời .

      Bên ngòai, bóng đêm lạnh lẽo và nặng nề vẫn bao phủ ngôi nhà. Bác sĩ Cheria đến ngồi cạnh giường và bắt đầu chờ đợi. Không đầy một tiếng sau, Alexis chìm đắm vào một giấc ngủ say. Bác sĩ Cheria nhẹ nhàng thả tay ra, rót cho mình một tách cà phê. Vừa nhấp từng ngụm cà phê nóng, ông vừa ngó quanh phòng. Cửa sổ khép chặt, mọi khe hở đều có tỏi che lấp và xâu thánh giá trên cổ Alexis. Ông gật gù. Ông nghĩ thê nào cũng thành công. Con quỷ hút máu sẽ không còn tác yêu tác quái được nữa .

      Viên bác sĩ tiếp tục ngồi đó, chờ đợi và nghe ngóng chính hơi thở của mình . Bên ngoài chưa gõ đến tiếng thứ hai, bác sĩ Cheria đã ra tới cửa .

      - Micheal ! - Ông ôm chầm lấy chàng thanh niên

      - Ồ ! Micheal, tôi biết thế nào anh cũng tới ! Ông hối hả đưa bác sĩ Vares tới phòng sách của mình. Bên ngòai bóng đêm mới vừa ló dạng .

      - Không hiểu dân làng biến đi đâu hết vậy - Vares hỏi - Trên đường tới đây tôi không hề thấy bóng một người nào .

      - Họ nằm bẹp dí trong nhà vì kinh hòang chứ đa6u. Đám người làm của tôi cũng vậy, trừ một người .

      - Ai vậy ?

      - Karel, người quản gia. Ông ta không ra mở cửa vì đang ngủ. Tội nghiệp ông ta, ông ta già quá mà phải làm công việc thế cho năm người một lúc - Bác sĩ Cheria bấu chặt lấy tay bác sĩ Vares - Micheal à, chắc anh không thể ngờ được là tôi hài lòng biết chừng nào khi được gặp anh

      Vares bối rối nhìn ông ta

      - Tôi đến ngay khi nhận được thư anh

      - Và tôi rất lấy làm cảm kích trước việc đó. Tôi biết từ Cluj tới đây khá xa và đi đường mệt mỏi lắm

      - Có chuyện gì không hay vậy anh ? Trong bức thư anh chỉ nói .... Cheria vội kể cho ông khách nghe tất cả những gì xảy ra trong tuần qua

      - Micheal à, tôi muốn phát điên lên. Coi bộ chẳng có gì hiệu quả cả ! Tỏi, Thánh giá, gương soi, nước đều vô hiệu ! Mà không, không nên nói vậy. Nhưng đó không phải là điều mê tín dị đoan hay tưởng tượng. Đó là chuyện đã xảy ra. Một con quỷ hút máu đang hủy họai nàng. Mô~i ngày nàng lại chìm sâu trong cái tình trạng hôn mê chết chóc mà ....

      Cheria nắm chặt tay : - Mà tôi vẫn chưa hiểu gì cả

      - Ông ta chán nản thì thầm

      - Tôi chẳng hiểu gì cả - Tới ngồi đây đi anh ! - Bác sĩ Vares đẩy ông bạn tới một chiếc ghế, đăm chiêu ngắm khuôn mặt tái mét của ông ta. Và bắt mạch cho Cheria

      - Không lo cho tôi !

     - Cheria phản đối

     - Chính Alexis mới là người mà chúng ta phải giúp đỡ

     - Ông ta chợt vất cánh tay run rẩy qua mắt và nói

     - Nhưng bằng cách nào bây giờ ?

      Ông không phản đối khi chàng trẻ tuổi cởi nút áo và khám qua ngực ông ta

      - Cả anh nữa

     - Vares chán nản thốt lời

      - Có gì quan trọng đâu ?

      - Cheria nắm tay chàng trẻ tuổi

     - Ông bạn ơi ! hãy nói là không phải tôi ! Lẽ nào tôi lại làm chuyện ghê tởm đó với nàng ?

      Vares tỏ ra bối rối :

      - Anh ư ? Nhưng ... - Tôi biết, tôi biết. Tôi, chính tôi cũng bị tấn công. Nhưng không có gì xảy ra sau đó cả. Micheal ! Đây là một cái giống quái vật khủng khiếp gì mà lại không thể ngăn cha9.n được nhỉ ? Từ nơi tối tăm nào đó đã hiện ra vậy kìa ? Tôi đã cho lục sóat khắp quanh vùng, từng đất đất một, mọi nghĩa địa đều bị khám xét, mọi hầm mộ đều bị kiểm tra. Không có căn nhà nào trong làng là tôi lại chưa khám xét qua. Tôi xác nhận lại là không có một căn nhà nào. Micheal ạ ! Vậy mà vẫn có một cái gì, một cái gì đó tấn công chúng tôi mỗi đêm và tước đọat dần đời sống của chúng tôi. Cả làng bị chìm đắm trong nỗi khủng khiếp

      - và cả tôi nữa ! Vậy mà tôi vẫn chưa trông thấy, chưa nghe thấy con quái vật ấy. Và mỗi sáng tôi lại thấy người vợ yêu dấu của tôi ...


sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội