KHI SƠN NỮ YÊU

Started by QUANGKHAI, 29/07/07, 14:51

Previous topic - Next topic

QUANGKHAI

Câu chuyện tôi sắp kể, là chuyện có thật diễn ra từ cách đây rất lâu, khi tôi chưa đến 20 tuổi, nhận công tác dạy học ở miền núi. Đúng là vì còn quá trẻ, lại chưa biết gì mấy về đời sống, phong tục tập quán - cao hơn là lịch sử văn hoá của các dân tộc khác nhau, nên tôi chưa nhận ra (và cả ý thức thunhận như bây giờ ta gọi là: Đi khảo sát thực tế), nội dung, ý nghĩa của những sự việc mà tôi được chứng kiến về chuyện tình yêu của các cô sơn nữ tôi có dịp tiếp xúc hoặc một số cô là học sinh của tôi.

Dạo ấy, các xã chưa có trường học bao giờ, trẻ em và người lớn đều chưa biết chữ. Khi tôi về mở trường, chỉ có một mình một xã. Ban ngày, dạy chữ cho các em nhỏ. Đến tối, dạy cho người lớn - thanh niên nam và nữ. Gọi là lớp: Buổi tối hoặc là Lớp Bình dân học vụ - gọi tắt là lớp Bình dân. Người già, lớn tuổi, lớp trung niên chỉ loáng thoáng vài ba người, học được ít buổi thì rơi rụng hết. Còn lại là thanh niên mà đông hơn là các cô gái, đi học đều và chịu khó học. Học sinh sàn sàn tuổi thầy giáo nên dễ chan hoà, cởi mở với nhau. Thấy tôi ngoài giờ dạy học, chỉ đến nhà học sinh hoặc ngồi viết, soạn bài, đi đâu cũng một mình, sau lớp học buổi tối là về... đi ngủ (ở nhờ nhà dân). Chắc là không bảo nhau, trước sau có đến mấy cô (thuộc loại... xinh xinh) cô lúc này, cô lúc khác hỏi tôi khi thầy trò đã thân mật, có một cô đã hỏi tôi:
- Thầy giáo không đi chơi à?
Tôi thật thà:
- Toàn rừng với núi thế này, đi chơi ở đâu hả em?
- Vào xóm, ra suối.
- Với ai?
- Với các cô mái (các cô gái Mường ở tuổi thanh niên 15-18 gọi là cô mái) với em đây này! Tắm suối thích lắm.
Vài cô học sinh khác cũng hỏi tôi, nhưng chỉ có thêm một cô nữa là cô thứ hai nói: "Với em đây này!". Lại có trường hợp tình cờ cùng đi một quãng đường rừng với một cô học sinh nữa. Đang đi, cô tạt ngay hái một chùm quả tròn tròn, xanh xanh mà tôi chưa từng thấy bao giờ, mời:
-Thầy ăn đi. Ngon đấy.
Thấy tôi có vẻ ngần ngừ, cô giục:
-Thầy cứ ăn đi, không chết người đâu.
- Nhỡ chết thì sao? - Tôi đùa.
Cô gái trả lời không đùa một tí nào:
- Thầy chết, em đền em cho thầy.
Thực lòng, được mấy cô học trò "hay hay" lại xinh nữa mộc mạc tỏ tình, gợi ý như thế, tôi cũng thích, cũng muốn, nhưng sợ. Sợ rằng: Chỉ cần thực sự "luyến ái" với cô nào đấy, là mọi người ở xã biết ngay. Xã biết thì cơ quan biết, bấy giờ chỉ còn có mà đeo ba lô về cơ quan để... ngửa cổ ra chịu kỷ luật. Giờ nhớ lại, tựa như gặp lại kỷ niệm mơ màng, bâng khuâng, trong trẻo của một thời trai trẻ hồn nhiên.
Các cô sơn nữ khi yêu rất dứt khoát và quyết liệt vào lúc còn đang yêu nhau. Lấy chồng rồi, đừng có ai tán tỉnh gái có chồng mà dại.
Một cô học sinh của lớp tôi đã yêu một anh cán bộ trên huyện. Ngỡ hai người sắp cưới nhau. Thế mà chẳng có chuyện gì diễn ra. Tôi mới hỏi. Cô gái thản nhiên đáp:
- Nó chê em rồi thầy ạ!
Tôi ngạc nhiên:
- Ai chê ai?
- Nó chê em. Thấy đứa khác nó thích hơn, thì để cho nó đi với đứa khác.
- Em không thấy buồn, thấy tức à? - Tôi lại hỏi.
Cô gái cười:
- Nó không thích mình nữa thì thôi. Buồn, tức làm gì hở thầy?
Tôi chưa nguôi sự ái ngại cho cô, thì chỉ một thời gian sau, cô lấy chồng hẳn là một anh cán bộ "tầm cỡ" ở trên tỉnh. Chồng cô đã giúp cô đi học thêm rồi về công tác ở Hội phụ nữ tỉnh.
Một trường hợp khác ngoài nơi tôi dạy học là cô gái mới 18 tuổi. Ai cũng nghĩcô sắp về nhà chồng. Đùng một cái, chẳng có chuyện gì xảy ra. Vì đã quen biết, tôi hỏi:
- Tại sao thế?
- Chẳng tại sao cả.
- Ai bỏ ai?
- Em bỏ.
- Tại sao?
-Tại vì chưa là chồng, đã bắt em phải thế này, phải thế kia rồi. Đến khi là chồng thật, em đến bị trói mất thôi. Lấy chồng thế thì sợ quá.
Nói xong, cô sơn nữ cười rất tươi.
Có chút nỗi niềm ân hận, dù chuyện qua đi đã lâu, tôi không thể nào quên được cô sơn nữ ấy với tình yêu mãnh liệt, tha thiết mà dịu dàng, cao quý làm sao. Ấy là với cô học trò thứ nhất nói với tôi: "Thầy đi với em đây này!" . Ngày ấy tôi đã rung động, xao xuyến, nôn nao trước tình cảm của em. Em xinh lắm. Song tôi không dám. Một lần, em nhìn vào mắt tôi, nói khẽ:
- Thầy giáo không muốn em à? (muốn đây tức là yêu).
Tôi bối rối, lúng túng, xúc động trước tình cảm của em nên đã gật đầu:
- Có.
- Sao thấy em thầy lại chạy?
Quả thực tôi đã phải nén lòng tránh em, tránh dịp gặp riêng chỉ có hai người, vậy mà em biết. Tôi đành phải nói thực để em rõ rằng: Kỷ luật của cơ quan không cho phép tôi đi đến nơi nào là yêu ở nơi ấy. Vả lại, có được lấy em, thì tôi không có nhà. Gia đình ở tít dưới xuôi. Công tác của tôi không ở hẳn một nơi nào lâu, nay đây mai đó, cấp trên điều đi là phải đi ngay. Nghe tôi nói vậy, em cầm tay tôi, nhìn tôi:
- Thầy đi đâu, em đi đấy.
- Lấy gì mà sống, mà nuôi nhau? (cán bộ lúc đó chưa có lương). Cô gái - em - cô sơn nữ ấy đã rắn rỏi:
- Thầy ăn phụ cấp, gạo của thầy. Em làm lấy em ăn.
Tôi không còn biết nói thế nào nữa. Nói thế nào cũng dễ làm em tủi thân, hoặc hiểu nhầm về tôi. Nghĩ mà não cả lòng, không dám vượt qua chữ "kỷ luật" và chữ "sợ". May sao, hơn tháng sau tôi được gọi đi học lớp chính trị ngắn ngày rồi về huyện nhận công tác mới. Tôi báo tin cho em với ngụ ý: "Đấy! Anh nói có sai đâu". Thì em thản nhiên:
- Em biết rồi! (và hỏi tôi) Anh không quên em chứ?
Tôi gật đầu. Em hỏi xin tôi chiếc ảnh. Tôi chỉ có chiếc ảnh nhỏ cắt ra từ bức ảnh chụp chung, chỉ bằng chiếc móng tay cái, tặng em lúc chia tay. Em rất buồn nhưng không khóc... Nhiều năm sau không gặp lại nhau, tôi nghe tin em mất vì sốt rét ác tính. Lúc thay áo cho em, một bạn gái của em cũng là học sinh của tôi, thấy có gói giấy nhỏ ở chiếc túi bé xíu nơi ngực áo. Lúc mở ra xem, thì đấy là bức ảnh của tôi. Vậy mà bao nhiêu năm rồi, không ai biết. Nghe chuyện, tôi bàng hoàng cả người.
Thế đấy. Khi sơn nữ yêu... 

Ghi chép của Phong Thu     

sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội