Xưởng Điện lạnh Đức Hải

Bố vợ khoan dung ***

Started by QUANGKHAI, 17/08/07, 15:43

Previous topic - Next topic

QUANGKHAI

Tốt nghiệp cao đẳng ngành du lịch đã nửa năm mà Hoàng chưa xin được việc làm ổn định. Công việc ngày ngày của Hoàng bây giờ là mang những bó hoa hoặc lẵng hoa tươi đến các địa chỉ mà khách hàng đặt dịch vụ với cửa hàng bán hoa. Hôm nay Hoàng gặp một người khách khiến anh thấy tò mò và thích thú, muốn khám phá về câu chuyện của họ.

"Tôi muốn em chuyển cho tôi ba mươi ngày hoa tươi đến một địa chỉ này được không?". Người khách khoảng hơn ba mươi tuổi vừa hỏi vừa rút trong túi ra một mẩu giấy có ghi số nhà, đường phố và tên một người là Kiều Thắm đưa cho Hoàng.

Điều cần thiết nhất thì người kia không hỏi nên Hoàng phải nói ra: "Giá tiền công mỗi ngày ba mươi ngàn, còn hoa cần bó bao nhiêu tiền là do anh". Người khách gật đầu vui vẻ rồi rút tiền đưa trước cho Hoàng một trăm ngàn đồng để Hoàng thực hiện chuyến hoa đầu tiên trong ngày mai.

Hoàng hỏi: "Thế ý ông anh muốn tặng hoa gì, bó kiểu gì, loại giấy màu gì và bó bao nhiêu tiền? Còn đề tặng thế nào nữa chứ?". "A phức tạp thế à? Chết chết, bởi anh chưa từng đặt hoa tặng ai nên không để ý, vậy anh chỉ đặt một bông hồng đỏ bọc trong túi giấy bóng kính trắng. Và...".

Người khách nghĩ ngợi, ngần ngừ một vài phút rồi mới nói: "Anh định mỗi ngày đề tặng một câu thơ cho chị ấy". Đoạn người khách cúi xuống lục lọi một hồi trong các ngăn của chiếc cặp da cũ mang bên người rồi đưa cho Hoàng một tờ giấy có nhiều câu thơ và nói với Hoàng là mỗi hôm ghi ra một câu để gửi kèm bông hồng đỏ cho anh.

Không hiểu sao, Hoàng thấy cảm tình với người khách có vẻ lãng tử kia nên anh nhận lời làm dịch vụ ngay cho anh ta. Đây rồi, căn nhà số 36 của ngõ 52 sau khi đi loằng ngoằng tìm tòi mãi Hoàng mới tìm thấy. Anh cẩn thận nhìn lại địa chỉ trước khi bấm chuông và mỉm cười đọc hai câu thơ đính vào bông hoa: "Em là một chấm buồm xa/ Nhỏ như nắm được mà ra vô cùng".

Hoàng hồi hộp như chính mình là người tặng hoa khi hồi chuông thứ hai vừa dứt và có tiếng mở then cửa. Anh đang tưởng tượng một nàng Kiều Thắm xinh đẹp và điệu đàng hiện ra với nụ cười đầy kiêu hãnh giơ tay nhận bông hồng, rồi vụt vào nhà quên cả ký sổ nhận hàng của Hoàng.

Thì kìa. Một người đàn ông trung niên hiện ra với bộ quân phục đã bạc cũ, nhìn chằm chằm vào Hoàng: "Cậu hỏi ai?". Hoàng bị động nên lúng túng như ngậm hột thị. "Cháu hỏi chị Kiều Thắm ạ!". "Nó đi vắng".

Người đàn ông trả lời khô khốc rồi toan đóng cửa thì Hoàng đã vội giữ cánh cửa: "Bác ơi, có một anh gửi cháu mang đến cho chị Kiều Thắm bông hoa này". Người đàn ông quay lại gắt: "Đã bảo nó đi vắng! Không nghe thấy à?". "Vậy thì cháu xin phép gửi lại, bác nhận hộ chị Kiều Thắm cho cháu".

"Nhận là nhận thế nào? Tôi là bố nó chứ có phải nó đâu mà nhận hoa hồng?". Lúc đó Hoàng đành phải năn nỉ: "Bác ơi, cháu chỉ làm dịch vụ thuê để kiếm tiền, bác không nhận, bông hoa này mang về là cháu phải mất tiền hoa và tiền công, khổ thân cháu".

Người đàn ông nghĩ vài giây rồi lừ lừ giơ tay ra cầm bông hoa như một sự ép buộc, nhưng khi ông nhìn thấy hai câu thơ cài ở cành hoa thì ông tức điên: "A lại thằng nhà thơ Linh Văn chứ gì? Thằng này nó đang tán con Thắm nhà tôi đây, thôi thế thì cậu mang đi cho rảnh mắt. Cả nhà tôi không đồng ý nhá".

Hoàng nói như van: "Bác ơi, cháu làm ăn thì chỉ biết nhận và đưa. Cháu đã trót hợp đồng vụ này nên mong bác nhận giúp. Từ hôm nay cho đến hết tháng, mỗi ngày cháu phải đưa đến đây một bông hồng và hai câu thơ. Bác không nhận là cháu chết dở đấy bác ạ".

Người đàn ông trở nên ôn tồn hơn, nói với Hoàng: "Thôi, tôi nhận cho cậu hôm nay, nhưng từ mai thì thôi. Cậu về cắt hợp đồng với người ta đi. Nói rằng nhà cô Thắm không nhận bất kỳ một cái gì của người vô danh kiểu này".

Hú vía, Hoàng trở về mà ấm ức mãi trong lòng. Buổi tối, người khách kia gọi điện cho Hoàng vào máy nhà trọ. "Anh có phải là nhà thơ Linh Văn không đấy? Gia đình chị Kiều Thắm không nhận hoa đâu. Anh đến đây em thanh toán trả anh chỗ tiền còn lại". Người khách bảo: "Số tiền ấy chỉ đủ mua hoa ngày mai, ngày mai em đưa nốt cho tôi, may ra gặp chị Kiều Thắm ở nhà thì chị ấy sẽ nhận đấy".

Hôm sau, Hoàng lại lóc cóc đến ngôi nhà kia và bấm chuông. Trời đất quỷ thần ơi, lại ông già hiện ra với nét mặt giận dữ như từ hôm qua chưa rửa: "Này, cái kiểu gì đấy? Tôi đã yêu cầu phải chấm dứt ngay cái trò tán gái rẻ tiền này đi cơ mà. Cậu có biết không hả?".

Hoàng vội túm lấy tay ông già để thanh minh và nhờ ông lần nữa việc nhận bông hồng kia, chẳng ngờ ông đã nhanh tay tóm áo cậu rồi lôi xềnh xệnh vào nhà, kéo sát tận chỗ điện thoại để gọi công an 113 đến xử lý vì tội: "Các anh định quấy rối cuộc sống gia đình tôi đấy phỏng? Hay định bom thư thì bảo?".

Hoàng tái mặt van xin để được tha, rồi chạy ù ra cửa, nhưng nhanh như cắt ông già đã vơ lấy bông hoa Hoàng để vội ở bàn nước nhà ông ấn trả vào tay cậu và ra lệnh: "Mang ném ngay vào sọt rác cái của nợ này! Từ mai cậu còn tiếp tay cho bọn lưu manh thì liệu hồn".

Bông hoa hồng sau cuộc giằng co đã bị gãy nên Hoàng vứt vội ngoài cổng để ra về. Thôi, đằng nào thì cũng chấm dứt hợp đồng và hết tiền. Chỉ có điều tính tò mò muốn xem mặt cái chị Kiều Thắm kia và mối quan hệ của họ ra sao mà bị xua đuổi thì không được.

Tuy nhiên trong túi Hoàng còn giữ những câu thơ tình đầy chất lãng mạn, Hoàng đọc còn xao xuyến cả cõi lòng, nói chi đến các cô gái, ví như câu ngày hôm nay: "Một đời tôi chịu ngẩn ngơ/ Chỉ xin rẽ nẻo non tơ tìm người". Hay câu cho ngày kia: "May mà ta vẫn chưa già/ Cúi hôn bậc cửa quét tà váy em". Khiếp, thảo nào ông cụ gọi là thơ tán gái rẻ tiền.

Câu chuyện rồi trôi vào dĩ vãng và nhanh chóng bị quên ngay bởi sau đó, Hoàng phải lao vào cuộc mưu sinh với rất nhiều nghề kiếm sống vất vả. Cuối cùng thì anh cũng xin được việc làm ở một công ty vệ sinh môi trường.

Bản thân Hoàng thấy thế là toại nguyện, nhưng Lan - người yêu anh thì buồn ra mặt: "Em không thích công việc ấy. Sợ rằng bố mẹ em cũng không thích". Hoàng thuyết phục Lan: "Em yêu anh là được, miễn là chúng mình sống hạnh phúc bên nhau, bố mẹ cũng chỉ mong có thế. Còn công việc nào mà làm ra đồng tiền chân chính đều là công việc vinh quang em ạ".

Lan có vẻ đồng ý. Nhưng lần sau đi chơi, em lại so sánh: "Bạn bè em, đứa yêu giám đốc, đứa yêu kỹ sư, bác sĩ, nghề nào cũng sang trọng, nhiều tiền...". A, Lan đã nói thế có nghĩa là em đang khinh cái công việc Hoàng sắp làm. Hóa ra với Lan, công việc vệ sinh môi trường là công việc thấp hèn không xứng với em...

Lòng tự trọng của người đàn ông trong Hoàng trỗi dậy, anh nóng mặt bảo: "Vậy thì cô đi mà tìm các thằng cha giám đốc, kỹ sư, bác sĩ mà yêu. Tôi không xứng thì thôi". Hoàng và người yêu giận nhau từ đấy.

Thời gian trôi đi, thấm thoát Hoàng đã làm cái công việc này được sáu năm trời. Anh từ một nhân viên cứu ngập úng đường phố giờ đã là thợ xén cây tài nghệ sau khi được công ty cử đi đào tạo tận bên Thái Lan về môn này.

Hôm nay, Tổng công ty mời Hoàng đi dự hội thi xén cây giỏi toàn ngành, anh mới có dịp gặp mặt Phó tổng giám đốc - người đã ký quyết định cử anh đi học tại Thái Lan mấy năm trước. Cuộc gặp mặt vị Phó tổng giám đốc ấy, ngờ đâu làm Hoàng nhận ra một điều quá thú vị. Anh ta chính là người khách đặt hoa hồng tặng cô Kiều Thắm năm nào.

Nhớ lại chuyện xưa, Hoàng hỏi: "Anh có phải là nhà thơ Linh Văn không?". "Sếp" ngơ ngác mãi không hiểu. Thấy thế, Hoàng tủm tỉm cười rồi ngâm nga một câu thơ: "Thu tàn, xuân cũng mòn vơi/ Chỉ còn hoa với lòng tôi chết dần".

Ôi chao, Hoàng vừa đọc đến đó thì "Phó tổng" cười phá lên và ho sặc sụa, rồi vừa ho anh vừa hỏi: "Hóa ra ông là tay dịch vụ đưa hoa ngày đó đấy à? Thế ông còn giữ hộ mình cái chùm thơ ấy không?".

Chẳng để Hoàng kịp nghĩ, Phó tổng kể: "Ngày đó, mình còn là công nhân lái xe rác đêm. Tình cờ một đêm giao thừa đang xúc rác, mình thấy Kiều Thắm và một cô bạn gái đang kiễng chân hái lộc cây liễu bên hồ công viên. Mình phì cười bảo: "Này hai em gái, ai lại đi hái lộc liễu bao giờ?". Hai em nhanh nhảu hỏi: "Lộc liễu thì làm sao hả anh?". "Thì cả năm nhiều nước mắt chứ còn làm sao?".

Hai em sợ quá: "Thế hả anh? Hóa ra cây nào thì lộc ấy ạ? Nhưng có những lộc gì hả anh?". À, thì lộc đa cho tuổi thọ, lộc đào cho vận đỏ, lộc sung cho sung sướng, lộc quất cho ăn đòn...".

Chẳng hiểu sao hai em tin sái cả cổ. Chợt một em nhìn quanh rồi hỏi: "Quanh đây chúng em chỉ thấy có cây si, vậy lộc si cho gì hả anh?". "À cho tình duyên đấy. Ai đến tuổi tìm người yêu thì hái lộc si".

Vừa nói tôi vừa giơ tay với hái hai cành si xanh mướt nhất đặt vào tay hai cô gái. Hai em giãy nảy: "Không, chúng em còn học phổ thông, chưa cần lộc duyên". Nhưng mình bảo cứ cầm lấy, nếu không năm nay tôi sẽ bị vô duyên, hai em đành phải cầm hai cành si lộc về nhà đón giao thừa. Rồi chúng mình thân quen nhau từ đấy.

Một lần mình ngỏ ý đến chơi nhà nhưng Kiều Thắm không cho, cô bảo: "Bố em ghê lắm. Nếu đang học mà yêu ai thì bố em sẽ dần cho đến chết". Không đến nhà Kiều Thắm được, mình nghĩ ngay sáng kiến tặng thơ cho nàng. Thế là một hôm mình ngồi cắm cúi cả ngày viết được bài thơ và ký tên Linh Văn rồi gửi qua bưu điện cho Thắm.

Chẳng ngờ lá thư bị bố Thắm kiểm duyệt, ông chửi bới tên nhà thơ lãng mạn kia đã "đầu độc" con ông đang là học sinh. Khi mình gửi hoa tươi đến tặng Kiều Thắm, ông cụ thừa sức nhận ra đó là ai gửi tặng, nhưng vì ghét mình quá nên ông kiên quyết không nhận.

Sau này khi biết mình là công nhân lái xe đổ rác chứ không phải nhà thơ thì ông vui mừng, vun vào cho chúng mình ngay. Giờ thì Kiều Thắm đã là phu nhân hiền hậu của mình rồi.

Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười về tính trẻ con nông cạn của mình ngày ấy. May mà có ông bố vợ rất khoan dung và độ lượng. Nếu không bọn mình chả lấy được nhau".

Vị phó tổng giám đốc đã ngừng kể nhưng trong lòng Hoàng còn dội lại nhiều lần câu hỏi: "Tại sao anh ta may mắn thế? Tại sao lại có người con gái yêu anh với tình yêu nồng hậu thế?".

Còn mình thì bất hạnh. Nỗi bất hạnh này là do Lan chưa thật lòng yêu anh. Chẳng qua em thấy Hoàng đẹp trai, hiền hậu, chịu khó thì rung động cảm tình thôi. Em còn mặc cảm với công việc của mình thì đấy không phải là tình yêu.

Nhưng rồi Hoàng cũng nghĩ lại mình. Trong sự chia ly này có lỗi lớn của Hoàng. Tại sao anh không quyết tâm yêu Lan đến cùng, tại sao anh lại tự ái trước những tính toán còn nông nổi của Lan? Và chính anh là người không khoan dung cho Lan trong những lời so sánh hồn nhiên kia. Vậy nên Hoàng đã mất Lan từ đấy. 

Hạnh Hoa     



sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội