Làng bên kia sông

Started by tinhbanvatoi, 10/01/07, 10:56

Previous topic - Next topic

tinhbanvatoi

TRUYỆN NGẮN
 
Làng bên kia sông
Phạm Đức Long


Làng Lợt ở bên kia sông. Mùa khô nước cạn, lòng sông trồi lên toàn đá trọc đầu. Chiều chiều lớn nhỏ trong làng đều ra sông lặn ngụp, phơi mình trên cát, ngồi trên những hòn đá trơn nhẵn tắm nắng. Mùa khô con nước hiền hòa như vậy, song đến mùa mưa dòng sông cuồn cuộn, lắm lúc rất dữ dằn.

Hoa về dạy học ở làng Lợt được bảy năm. Bảy năm là khoảng thời gian đủ để cho người ta gắn bó với một vùng đất.

Trường làng có ba cô giáo. Cô Hường đứng tuổi đã lấy chồng người Ba Na ở luôn trong làng. Cô Thanh trẻ hơn chưa lập gia đình. Hoa lấy chồng bộ đội ở bên này sông.

Làng Lợt nằm trong một thung lũng bên sông. Cả làng chỉ có một hộ người Kinh cư trú. Họ có một căn nhà ở ngoài huyện, con cái ăn học ở đó. Hai vợ chồng thường thay phiên nhau cõng hàng vào làng, đổi các sản vật của rừng đem về huyện bán lấy tiền. Ðã nhiều năm, ngôi làng Ba Na này di chuyển đến đâu, họ đều đi đến đó, làm nên cuộc sống cộng sinh bền bỉ. Nhờ họ mà làng biết đồng tiền. Nhờ họ mà làng có rượu đế để uống. Nhờ họ mà làng có thuốc lá để hút, có cá khô để ăn...

Làng sống giữa vùng đất nguyên sinh, lại gần rừng, gần sông nên lúa gạo, thực phẩm rất dồi dào. Những năm đời sống giáo viên còn khó khăn, thiếu gì, các cô giáo đều được đồng bào đem cho. Từ con cá, con gà, đến gùi gạo, gùi măng, đọt bí, rau rừng. Hồi tất cả còn độc thân, ba chị em cùng ở lại trong làng. Ðến lúc Hoa lấy chồng bộ đội, phải qua sông với chồng. Rồi đến cô Hường lấy chồng, chỉ còn trơ trọi mỗi mình cô Thanh.

Làng Lợt ở cái thế mưa không ngập, nắng không hạn, thiên nhiên hiền hòa, đất đai màu mỡ tốt tươi. Ðời người từ khi mới sinh ra đã không phải quá lam lũ tìm cái ăn. Việc trồng tỉa chỉ làm một tháng ăn một năm. Ngoài ra sản vật của núi rừng sông suối thì mùa nào thức ấy. Từ măng le, rau dớn, nấm rừng, đến chim thú, cá sông... thức nào cũng sẵn.

Người làng Lợt vì thế sống rất hào phóng, vô tư. Trẻ em sinh ra cứ chơi mãi cho đến tuổi tay cầm được cái rìu, cái dao, cái yết, chân vượt được dốc đèo, lội được con suối thì mới đi săn, đi rẫy. Ðời người là một vòng quay chậm rãi và đơn giản. Ðến những mùa làm rẫy hay thu hoạch xong, cả làng quây quần lễ hội, uống rượu vui chơi thâu ngày thâu đêm. Bắt được con thú dù to dù nhỏ, làng cũng chia đều cho tất cả mọi thành viên cộng đồng từ người già đến trẻ em. Những lúc có trợ cấp của Nhà nước cho bất kỳ đối tượng nào, làng cũng cứ chia đều cho hết thảy mọi người.

Người làng Lợt coi những thứ hiện có là rất thỏa mãn. Họ không muốn những gì phức tạp, khó hiểu. Ví như đứa trẻ sinh ra chỉ làm cái lễ thổi tai, tức là báo cho Giàng biết trong làng đã có thêm một thành viên mới. Khi bắt chồng bắt vợ, được gia đình ưng thuận, được già làng cho phép thế là làm lễ cưới nhau. Khi bỏ nhau, già làng chỉ cần bắt hai người cầm căng hai đầu một sợi dây, rồi dùng dao cắt đứt đôi là xong...

Ðó là nói những hồi còn chiến tranh và những năm đầu giải phóng, những năm trước đây. Bây giờ thì các cô giáo người Kinh đã về làng dạy cho trẻ con cái chữ. Nhờ các cô giáo, người làng mới biết được nước Việt Nam rất rộng. Thế giới cũng không chỉ bó hẹp ở mấy ngọn núi, mấy con sông quanh làng.

Bây giờ tên tuổi ai cũng phải ghi, đất đai cũng phải ghi. Cán bộ ghi nhằng nhịt đủ thứ, còn người làng phần lớn chỉ biết chấm ngón tay vào mực đỏ rồi lăn trên trang giấy, chẳng hiểu ra làm sao. Cái lợi của việc học chữ rõ là rất tốt rồi, song bọn trẻ từ bao nhiêu đời nay sinh ra chỉ biết chơi. Bây giờ phải đi học chữ, chúng nó ngại ngùng lắm. Lại phải khai giấy. Mỗi lần vào đầu năm học, cô giáo lại phải đi từng nhà ghi chép, rồi lên xã làm giấy khai sinh cho từng đứa trẻ để được đến trường. Chỉ có các cô giáo mới làm được việc đó, cả làng Lợt chẳng ai đủ trình độ để ghi chép được như vậy. Cũng chính vì không biết chữ mà mấy năm trước có bọn người buôn bò đưa tiền giả vào mua hết bò của làng mà chẳng ai biết. Ðến khi có công an về, người làng mới vỡ lẽ tiền giả tiền thật.

Người Ba Na tốt bụng, chịu khó chịu khổ được, nhưng học cái chữ không khổ mà sao khó quá. Bọn trẻ hằng ngày chỉ thích vào rừng, ra sông ra suối. Bắt ngồi để nghe nói về cái chữ rõ là chúng không thích. Chỉ đến khi cô Hoa đưa ra cái lệ phát kẹo thì tất cả lớn bé lại hè nhau đến lớp. Chị địu em, anh địu em. Từ đứa vị thành niên đến đứa lẫm chẫm, đứa còn cõng trên lưng đều vào chung một lớp. Lớp học trở nên rất hỗn độn với đủ lứa tuổi. Trẻ con làng Lợt đến lớp như một ngày hội. Ðể lập nên trật tự, các cô giáo phải chia lớp thành hai khối ngồi quay ngược lại với nhau. Một khối lớn quay lên phía trước để học chữ. Khối nhỏ hơn quay về phía sau để học hát. Khốn nỗi bọn trẻ từ lớn chí bé đứa nào cũng thích học hát. Ðể duy trì tốt lớp học, cô Hoa lại phải đưa ra sáng kiến: Em nào ngồi đúng vị trí theo sơ đồ mới được phát kẹo. Về sau, để có đủ quà phát cho học sinh, mỗi đợt có đoàn cán bộ y tế xuống làng khám bệnh, các cô giáo lại xin cấp rất nhiều vi-ta-min C để hằng ngày phát cho học trò thay kẹo. Nhờ những viên kẹo, viên C ấy mà đã có rất nhiều lớp học được mở ra, nhiều lứa học trò được đến lớp. Trẻ em làng Lợt đã có thói quen đi học. Có em học mãi hai ba năm một lớp, hết lớp rồi còn xin học lại nữa...

Mặc dù chỉ học đến trường làng, song sau một thời gian, đã có khá nhiều em đọc và viết được con chữ rất sành sỏi. Nhờ có những lớp học, con mắt của dân làng Lợt như sáng hơn, rộng ra. Người làng tiếp thu tốt hơn những lời cán bộ nói. Ðã nhiều người biết ký được tên mình. Cũng nhờ thế mà người làng Lợt biết phân biệt đúng sai. Có lần bọn xấu vào làng vận động mọi người gia nhập các tổ chức phản động, già làng đã trả lời dứt khoát: "Làng Lợt chỉ tin theo cái đạo của Bác Hồ thôi!".

Bây giờ trong làng có những việc cần phán xử, cần giải quyết, người làng Lợt đã biết nhờ đến chính quyền. Nhiều việc của làng, của dân đã được đưa ra chính quyền làm sáng rõ...

Bảy năm, làng Lợt đã để lại trong cô Hoa bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Những tháng ngày khó khăn gian khổ. Có lúc nắng nôi. Có khi mưa lũ. Những chặng đường rừng. Những lần vượt sông...

Có lần gặp cơn lũ bất ngờ, Hoa bị nước cuốn trôi khi lội sông từ làng trở về. Biết tin ấy, làng Lợt đã rã ra cả ngày cả đêm đi tìm. Lần ấy, làng đã tìm thấy cô Hoa bị mắc trên bụi tre gai, không lên, cũng không xuống được. Ðó là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời dạy học của cô.

Gần đây, anh Dũng chồng Hoa được điều động lên trên. Sau khi nhận nhiệm vụ mới một thời gian, anh đã xin chuyển công tác cho vợ về dạy học ở vùng ven đô thị. Nhận được tin ấy làng Lợt buồn lắm. Bọn học trò nhiều đứa khóc rưng rức trong lớp học. Con gái thì đan lát thêu thùa những đồ thổ cẩm tặng cô. Mấy thằng con trai vẽ tặng cô một tấm hình phụ nữ đôn hậu ngộ nghĩnh và đẹp như tiên. Ðó chính là hình ảnh của cô Hoa dưới con mắt của bọn chúng.

Hoa chuyển đi, đồng nghĩa với một cô giáo trẻ khác sẽ trở về thế chân cô ở cái làng heo hút nhưng hiền hòa chân chất này! Cô giáo trẻ ấy có đủ tình yêu sưởi ấm những đôi mắt trẻ thơ trong trẻo mà ngây ngô? Liệu cô giáo trẻ ấy có đủ nghị lực lội sông hàng chục năm trời để mang theo cái đạo chữ đến cho làng!...

Khi đã trở về bờ bên này lần cuối cùng, Hoa mới thực sự thấy hết, mới thực sự lưu luyến với những chuỗi ngày cực nhọc, gian khổ nhưng tươi vui và cao đẹp ấy.

Bây giờ với cô, làng Lợt đã cách một con sông. Nơi ấy có những ánh mắt hồn nhiên ngây thơ. Có những giọng đọc ê a ngọng nghịu. Có những cuộc đời phẳng lặng như trang giấy trắng. Có những đồng nghiệp một đời cõng vác các con chữ vui buồn, lặng lẽ đi qua thời gian.

Và cái làng nhỏ bên sông ấy cứ trở đi trở lại trong những giấc khuya trằn trọc của Hoa, vừa ngọt ngào vừa như day dứt...

Theo Nhân dân

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội