TÌNH ĐỜI HIẾM THẤY

Started by QUANGKHAI, 04/08/07, 18:50

Previous topic - Next topic

QUANGKHAI


Cô tôi là người khuôn phép và mẫu mực nhất trong dòng họ Đặng bên nội nhà tôi. Nghe mẹ tôi kể rằng hồi bà mới về làm dâu, cô hay cặp kè bà những lần đi chợ huyện chỉ vì nghe đồn rằng ở phố huyện có anh phòng thuế thích mẹ. Khi tìm hiểu biết anh phòng thuế đã có vợ con và chỉ là mối quan hệ đồng học với mẹ tôi từ xưa thì cô phê phán lắm. Cô cho rằng đàn ông và đàn bà đã có gia đình mà còn thân thiện nhau là thiếu đứng đắn.

Bố tôi làm nghề dạy học, thỉnh thoảng có đồng nghiệp nữ đến nhà trao đổi bài giảng hoặc công việc nhà trường, cô đều tìm cách đánh tiếng rằng mẹ tôi là người vợ thảo hiền được anh cô rất yêu thương để họ khỏi có tình ý gì với bố.

Mẹ tôi có chiếc áo cánh bằng lụa trắng, cứ mỗi lần mặc lại bị cô tôi hỏi: "Hôm nay chị đi gặp ai à?" và cô thường đánh tiếng xa xôi: "Đàn bà có chồng rồi thì cần gì ăn mặc diện nữa?". Thế là mẹ tôi tức mình đi may ngay một lúc hai bộ quần áo mới toanh mặc cho cô biết mặt.

Cũng nghe mẹ tôi kể lại, hồi đó cô tôi xinh lắm nên có nhiều người đến tìm hiểu. Nhưng ai đến cũng bị cô chê với những lý do rất vớ vẩn. Nào là ăn diện thế thì tốt mã rẻ cùi, nào là đẹp trai thế sau này sẽ bị gái nó mê, nào là viết thư tình hay thế thì là kẻ nịnh đầm, ươn hèn. Nếu người nói ít, nhìn cô nhiều thì cô cho là loại đa tình và thiếu đứng đắn. Nếu mau mồm miệng cô lại chê ba hoa, xáo rỗng... Nói chung cô là người khó tính, khó nết, hay chê người và thích dạy dỗ người khác cách sống theo ý mình cho dù người ấy là ai.

Một lần có cô gái đi mua đồng nát qua nhà tôi khát nước quá vào xin ngụm nước, thế mà bị cô mắng cho vì tội "Vô duyên, lẳng lơ. Nhỡ nhà người ta chỉ có một người đàn ông ở nhà thì sao?". Cô gái kia không phải vừa, liền chanh chua trở lại: "Khát thì xin ngụm nước chứ ai ăn cắp đàn ông của nhà chị. Chỉ có nhà chị mới khan hiếm thôi nhá. Còn đây ứa vựa. Đẩy ra không hết trên bụng đâu nhá".

Cô tôi kinh tởm những lời ấy đến mức từ đó cô khinh ghét tất cả những người đi mua gom đồng nát. Có gì thừa cô đem quẳng ra hồ chứ không thèm bán cho họ...

Thế rồi cô tôi cũng lấy được chồng vào năm hai mươi chín tuổi do bố tôi mai mối với người bạn bố. Đầu tiên cô chê chú ấy bủn xỉn, ky bo vì tội đến ra mắt ông bà nội tôi mang biếu đúng một quả bưởi vườn nhà, đi chơi lần đầu đãi cô đúng một bát phở, còn mình thì ngồi nhìn vì đã đánh răng, không thể ăn gì nữa.

Đã thế, lần nào đi chơi với cô tôi, chú ấy cũng chỉ mặc bộ đồ bộ đội cũ mèm, đi dép lốp. Bố tôi bảo: "Người như thế mới là của mình vì không có gái nào nó thèm theo".

Cô chưa kịp nhận lời thì nhà chú kia đã "ập" sang ăn hỏi. Buổi tối ấy cô tôi liền mời chú đi chơi. Vào một quán nước, cô nói nghiêm túc: "Tôi chưa nhận lời yêu anh, anh phải hủy ngay lễ ăn hỏi". Chú kia bảo: "Tôi yêu em là được. Sống với tôi rồi em sẽ yêu". Cô kiên quyết: "Vậy thì tôi thà chết còn hơn. Chết mà không được tôi mới lấy anh".

Đêm ấy về, cô tôi mua gói thuốc bả chuột. Trước lúc chui vào màn, cô viết lá thư trách móc bố tôi, xin lỗi ông bà tôi rồi dốc gói bả thuốc vào cốc nước và tu ừng ực. Tinh mơ, bố tôi dậy thấy lá thư tuyệt mệnh để trên bàn thì phát hoảng, bổ ngay vào buồng em gái. May sao cô tôi vẫn ngủ mê mệt, lay gọi không biết gì.

Đưa vào viện cấp cứu, bác sĩ cười bảo do cô uống phải thuốc ngủ loại nhẹ có trộn bột đao. Tỉnh dậy, cô tôi cho là thần linh đã sắp đặt số phận nên đồng ý lấy chú Vĩnh, chú tôi bây giờ.

Thế mà ai biết được hơn hai mươi năm sau, cuộc sống của cô tôi lại bi đát và bị thay đổi đến mức ấy. Chưa đầy năm mươi tuổi, cô bị ngã gãy xương hông. Đi khám, bệnh viện kết luận bị loãng xương nặng khó khắc phục trở lại. Từ đó bó bột, đóng đinh nằm một chỗ, ăn ngủ, sinh hoạt cũng trên một cái giường. Hai ngày bác sĩ đến thay băng, tiêm thuốc một lần.

Chú tôi làm sếp phải đi công tác luôn luôn, không thể chăm sóc vợ, trong khi vợ chồng chú chỉ có mỗi cái Hằng lại đang học ở nước ngoài. Chú tôi về quê thông báo tìm người giúp việc, trả lương đặc biệt để chăm sóc cô mà chẳng có ai cho con cháu họ đi giúp. Bởi họ biết thừa tính cô tôi nghiêm cẩn, ghê gớm thế nào.

Vậy nên hàng ngày, ngoài việc phải dậy sớm vệ sinh cho vợ, nấu ăn sáng xong, chú tôi lại thuê những người đi mua đồng nát quen mỗi ngày hai tiếng đến tắm giặt cho cô, nấu và cho cô ăn trưa. Những người mua đồng nát thấy công việc được trả hậu hĩ thì thay nhau đến làm và rất chu đáo.

Trong số họ có cô Ngoan là lớn tuổi mà chưa chồng. Cô chịu thương chịu khó, biết nương nhẹ người bệnh và nấu ăn rất giỏi nên được cô tôi quý lắm. Cô tôi hay thưởng tiền cho cô Ngoan vì đã không sợ bẩn thỉu, tanh hôi mà làm tất cả các việc chăm sóc cho cô.

Những lần chú tôi đi công tác vắng, cô Ngoan đã phải ngủ lại để phục vụ cô tôi đêm hôm. Dần dần cô Ngoan bỏ hẳn nghề thu mua đồng nát, trở thành người phục vụ cô tôi thường xuyên tại nhà theo lời đề nghị của cô tôi. Cũng dần dần, cô Ngoan càng béo tốt, trắng trẻo, xinh đẹp trông thấy.

Một lần gia đình cô Ngoan ở quê nhắn lên bắt cô phải về làm ruộng chứ không cho đi giúp việc nữa. Cô Ngoan xin phép cô chú tôi cho thôi việc, nhưng bị cô tôi phản đối: "Ở quê trồng lúa được bao nhiêu mà phải bán lưng cho đất, bán mặt cho trời? Làm ở đây có thu nhập cao, lại được ăn sung mặc sướng".

Cô Ngoan không chịu cứ nằng nặc đòi về. Cô tôi mủi lòng trào nước mắt rồi chắp hai tay bảo: "Chị lạy sống em! Em hãy ở đây giúp chị cho hết sang năm, cháu Hằng nó đi học về thì anh chị chẳng dám giữ em nữa".

Đến nước ấy thì cô Ngoan đành phải nể. Cô tôi mừng lắm và chiều Ngoan ra mặt. Sai chú tôi dọn một căn phòng ở tầng ba dành cho Ngoan, lương trả cho cô cũng tăng lên. Ngược lại, cô Ngoan cũng tỏ ra tận tụy hết mình cho cái gia đình ấy.

Hầu cô tôi bệnh tật đã đủ mệt, cô còn hầu cả chú tôi lúc ốm, lúc say. Những đêm khuya, chú tôi trở về nhà trong bộ dạng say mềm, nôn mửa, cô Ngoan phải dọn rửa. Nhiều lần phải bê nước nóng vào phòng ngủ tắm rửa cho chú tôi theo lời sai của cô tôi.

Một đêm đông, chú Vĩnh say mèm trở về như một tàu lá rũ. Cô Ngoan phải ra đón chú từ ô tô. Chú vừa đi vừa ọe rất to khiến cô tôi thấy ghê, phải giục đưa lên phòng chú cho nhanh. Cô nhanh nhẹn tháo giày, cởi tất và lột tất cả quần áo chú ra để lau nước nóng. Chú Vĩnh nhắm mắt, rên rẩm kêu rét rồi bắt đóng chặt cửa phòng cho khỏi giá lạnh.

Cửa vừa đóng xong, chú choàng dậy ôm chầm lấy cô Ngoan rồi vật ra giường. Cô Ngoan hốt hoảng định chống cự nhưng rồi cô hiểu cần phải thế nào nên mọi sự đã diễn ra theo đúng kịch bản của ông chú tôi. Vở kịch như thế còn được tái diễn một lần nữa vào ba ngày sau đó, rồi thì đi vào những cuộc mây mưa âm thầm thỏa hiệp bất kể lúc nào thuận lợi.

Cô tôi ốm đau, nằm liệt nên phải ở một phòng dưới tầng một. Chú Vĩnh cần làm việc yên tĩnh và sạch sẽ nên ở tầng hai. Cô Ngoan là người giúp việc ở tầng ba cho kín đáo. Tầng bốn bỏ không hai buồng và phòng thờ.

Mười một giờ đêm, sau khi dọn dẹp xong công việc, cho cô tôi uống thuốc, mắc màn đâu đấy xong xuôi, cô Ngoan mới trở lên tầng ba. Nhưng đến tầng hai chú tôi đã đón vào âu yếm một trận rồi mới buông cho cô lên nghỉ. Có hôm mệt quá, cô Ngoan cứ nằm ì trong phòng chú ngủ đến sáng cũng chẳng sao.

Cô tôi thức đó nhưng có đi được đâu mà bắt bớ. Hôm nào cô Ngoan không rẽ vào phòng chú Vĩnh ban đêm thì sáng ra lại dậy sớm rẽ vào. Cuộc tình vụng trộm đầy tự do như thế kéo dài cả năm trời mà cô tôi đâu biết.

Nhưng cứ ngắm cái vóc dáng của người phụ nữ ngày một phây phây, mãn nguyện của Ngoan cùng với cái cung cách chiều chuộng, đưa mắt, nói năng của họ thì ai mà chẳng nhận ra hai con người ấy đang có tình ý. Sao cô tôi tinh đời thế mà chẳng biết gì nhỉ? Hay là do cô ốm đau nhiều quá, tinh thần bị tê liệt, u mê mất rồi?

Cuối năm đó, tự nhiên cô Ngoan lại đùng đùng đòi thôi việc để về quê. Đợi chú tôi đi làm, nhà chỉ còn hai người đàn bà, cô tôi mới từ tốn hỏi: "Em có mang nên sợ phải không?". Cô Ngoan tái mặt từ chối đây đẩy, nhưng cô tôi gằng giọng bảo: "Em đừng giấu, thần sắc em và cái bụng đầy đầy, cái lưng ngay đơ kia đã nói lên tất cả. Nhưng thôi, không phải về quê, cứ ở đây giúp tôi cho đến khi nào gần ngày sinh nở tôi sẽ thuê tiếp người khác đến phục vụ tất cả chúng ta. Mọi người hãy sống hòa hợp bình thường như chẳng có điều gì xảy ra trong ngôi nhà này. Em về quê với cái bụng bất ngờ sẽ chẳng có lợi gì. Nó sẽ là con trai đấy, tôi cấm làm chuyện thất đức đối với gia đình tôi".

Lời cô đe dọa nhưng không tra khảo ai là tòng phạm, vừa khuyên giải lại vừa buộc tội nghiêm khắc khiến Ngoan "chết lịm" trong nỗi kính sợ. Cô òa khóc nức nở kể lại tất cả tội lỗi của mình. Nhưng Ngoan vừa mới nói đã bị cô tôi chặn lại: "Thôi, tôi không muốn nghe, cấm kể". Suốt cuộc "giằng xé" của hai người đàn bà, người ta không thấy có từ nào nói đến người thứ ba là ai đó. Lạ thế.

Đầu năm sau, vào tháng thứ tám của cái thai trong bụng Ngoan thì cô tôi giở bệnh nặng. Những cơn đau vật vã kéo dài khiến cái cơ thể teo tóp của cô không thể nào chịu đựng được. Biết mình không sống nổi, cô bảo chồng mời luật sư đến để làm di chúc cho cô.

Trước mặt cả đại gia đình hai bên nội ngoại được triệu tập từ quê lên họp, cô tôi tuyên bố cô Ngoan là người vợ thứ của chồng mình, mọi người phải chấp nhận cả đứa con trong bụng Ngoan và phải có trách nhiệm với mẹ con Ngoan. Sau khi cô mất được bốn chín ngày thì cô Ngoan và chú Vĩnh phải đi đăng ký kết hôn. Căn nhà này là của cái Hằng một nửa. Cô để lại cuốn sổ tiết kiệm cho cái Hằng...

Tất cả mọi điều đều ghê gớm nhưng không có gì bất ngờ. Cái bất ngờ chính là sau khi cô Ngoan khóc nức nở và ăn năn hối hận hỏi: "Chị ơi, em và anh ấy đã có tội lớn với chị, chị có tha cho chúng em không?" thì cô tôi cười rất tươi mà rằng: "Cái tội lớn ấy là do ta sắp đặt tất cả. Ta biết sẽ có cái ngày này nên phải lựa chọn sớm mới tìm được người như em thay ta làm tiếp các công việc của nhà chồng". Đến lúc ấy thì cả họ nhà tôi ai cũng lắc đầu lè lưỡi bảo cô tôi là người tinh khôn, sâu sắc và ghê gớm cho đến lúc chết. 

Hạnh Hoa     



sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội