Phỏng vấn viện trưởng viện mẫu thời trang FADIN

Started by vitconhocve, 22/06/07, 13:43

Previous topic - Next topic

vitconhocve




"Sexy cũng là một vẻ đẹp trong những cái đẹp chung như đẹp nền nã, lãng mạn... Điều quan trọng là ta phải biết sexy ở đâu, chỗ nào cho đúng..." - Nhà thiết kế Minh Hạnh nói.


Căn bản và bản lĩnh


Chủ đề mà chúng tôi muốn trao đổi cùng chị là "Cái đẹp", chị đã sẵn sàng chưa?

- Có gì đâu mà không sẵn sàng, vì chính địa điểm bạn phỏng vấn ở đây - Viện mẫu thời trang Việt Nam (FADIN) - đã là một trong những nơi tạo ra cái đẹp rồi. (Cười).

Với chị, cái đẹp có gần với sự sexy?

- Sexy cũng là một vẻ đẹp trong những cái đẹp chung như đẹp nền nã, lãng mạn... Điều quan trọng là ta phải biết sexy ở đâu, chỗ nào cho đúng. Cá tính của bạn là bốc lửa, gợi cảm thì bạn không thể làm cho mình nền nã đi được, cũng như nên sexy thế nào cho gần gũi với mọi người.



"Văn hóa Việt Nam có rất nhiều sự gợi cảm nhưng không có
sự dung tục"

Theo trào lưu chung, ngày càng có nhiều cô gái cố thể hiện vẻ sexy của mình. Chị nghĩ sao về điều này?

- Sexy là sự gợi cảm, nhưng nó phải gắn với văn hóa Việt Nam. Chứ nếu nó đi quá đà thành dung tục thì phải bỏ. Văn hóa Việt Nam có rất nhiều sự gợi cảm nhưng không có sự dung tục. Người mặc phải có tri thức để biết đâu là sự gợi cảm đâu là sự dung tục.

Cách ăn mặc của Thu Minh - ca sĩ tuyên bố mình mang "thương hiệu sexy" - là gợi cảm hay dung tục, thưa chị?

- Tôi khẳng định lối ăn mặc đó là dung tục chứ không phải là sexy. Không chỉ bộ đồ mà cả cách cô ta biểu diễn cũng dung tục. Đây là một điều đáng tiếc cho Thu Minh, bởi cô là một người con gái đẹp. Cô có một giọng hát tốt, một hình thể đẹp, đây là điểm đáng quý lẽ ra cô ấy phải tôn nó lên nhưng Thu Minh đã không làm được điều đó.

Sự dung tục trong cách phục trang của Thu Minh thể hiện cụ thể ở điểm nào mà lại có đến 3 lần liên tiếp "bị" trao giải "nghệ sĩ mặc phản cảm nhất"?

- Để nói thành lời và định nghĩa nó thì rất khó, chỉ có thể nhìn nhận bằng cảm giác. Ở Thu Minh có rất nhiều sự khiêu khích, cô ấy không mang lại một mỹ cảm thật sự gần gũi. Một người ca sĩ khôn ngoan sẽ để cho khán giả nhìn họ bằng một sự khám phá chứ không phải bằng một sự khó chịu trong cách thể hiện của mình. Đó là một vẻ đẹp hiện đại.

Thu Minh đẹp, chị đã thừa nhận điều này nhưng chị có thấy mình quá nặng lời khi nói cô ấy thiếu tri thức?

- Tôi nghĩ tri thức ở đây không phải là cô ấy học đến lớp mấy, tri thức này là sự cảm nhận đối với công chúng. Là ca sĩ họ có thể có những cách tạo dựng hình ảnh của mình với công chúng, nhưng nó phải là một hình ảnh toàn diện nhất.

Cách đây vài năm Đàm Vĩnh Hưng cũng đã nhận giải đó, sau này thì anh ấy đã có một phong cách chuẩn mực hơn nhiều. Kể cả Thu Minh trong thời gian gần đây cũng đã có một phong cách tốt hơn. Trong các nghề biểu diễn thì sự tiết chế luôn là yếu tố quan trọng để tiến tới thành công. Ở Minh đang bắt đầu có điều đó. Chúng ta phải nhớ chúng ta đang sống ở Việt Nam, nên nếu muốn thành công thì phải đánh được vào đúng tâm hồn, tiềm thức của người Việt.

Giải này là do 21 nhà báo làm trong lĩnh vực nghệ thuật công với Viện mẫu Fadin trao chứ cá nhân tôi không thể chi phối được.

"Trong nghệ thuật, tiết chế luôn là yếu tố quan trọng, ở Thu Minh
bắt đầu có điều đó.."

Nhưng Thu Minh có đưa ra lập luận của cô rằng: "Không lẽ tôi hát nhạc dance lại đi mặc áo dài Minh Hạnh!"?

- Tôi không trách Minh vì câu nói đó. Em còn quá trẻ và cũng hời hợt trong câu nói đó chứ không có ý tứ sâu xa gì cả. Mặc cái gì không quan trọng mà quan trọng là phải biểu hiện được đẳng cấp của mình. Tất cả các ca sĩ hay nghệ sĩ ở "dàn trên", sự sang trọng luôn phải là biểu hiện đầu tiên. Nếu họ không có cái đó, họ không đứng trên top được. Mà điều này không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy.

Đâu chỉ có nhạc dance, hip hop cũng vậy thôi. Hát gì thì trong thế nào anh bộc lộ ra ngoài thế vậy, nên nếu anh non tay chưa đủ thì đừng quá mạnh. Trong nghề biểu diễn cái chán nhất là sự lập dị, phản cảm. Đó không phải là tạo ấn tượng. Tạo ấn tượng là phải đánh chúng vào não trạng của con người, não trạng đó là một tâm hồn dân tộc chứ không phải là một tâm hồn nửa mùa, lai căng.

Bạn có thể mặc gì thì mặc nhưng nếu bạn không hiểu rõ bản thân mình thì rất dễ xảy ra tình trạng lai căng nửa mùa. Trong nghề của tôi, chúng tôi khuyến khích sự phá cách trong tầm quỹ đạo văn hóa. Nếu nó đi ra ngoài tầm đó thì lại là phá phách rồi.

Nhưng nhiều khi phải chấp nhận đứng giữa ranh rới của "phá cách" và "phá phách" thì mới có cái đẹp mới?

- Phá cách mà không đủ lực chẳng bao giờ đem lại một cái đẹp mới nào cả. Phá cách là cần thiết nhưng đừng biến mình thành lập dị. Một nhà thiết kể muốn tạo được phong cách riêng cho mình thì phải kiên định đi trên con đường đã chọn. Họ phải có kiến thức đủ tầm để nhận thức được cái mình làm ra là phá cách hay lập dị. Không nên "đẽo cày giữa đường".

Đã làm nghệ thuật thì phải có bản lĩnh, không thể vì ta thấy hàng đó bán được ta sẽ chạy theo làm. Chạy theo như thế là đánh mất phong cách của mình. Đây là điều rất nguy hiểm. Trong sáng tạo mà đi sau người ta thì rất khó lên trước được, vì vậy đừng đi chung con đường với ai. Muốn có bản lĩnh thì trước hết phải có căn bản.

Chị có thấy kỳ không khi mà sau khi nhận được giải thưởng ăn mặc phản cảm Thu Minh lại được khán giả và nhà đài ưu ái hơn? Phải chăng giải thưởng của mình có vấn đề?

- Giải thưởng không có vấn đề gì hết, như tôi đã nói Thu Minh là một người đẹp và có tài. Họ trao giải cho cô là giải chuyên môn, chứ không phải là giải phong cách. Thu Minh không nằm trong lớp diva, biết đâu cô ấy ăn mặc có phong cách hơn thì con đường tới lớp này sẽ gần hơn?

Không phải là dễ dàng gì mà Trần Thu Hà lại chuyển sang ăn mặc sang trọng và có phong cách độc đáo như vậy. Nó có là do nhận thức của cô ấy đã được nâng lên. Mặc làm sao cho thấy là mình tôn trọng khán giả và vẫn sang trong, độc đáo để thể hiện đẳng cấp của mình.

Có tiêu chí nào cho việc đánh giá đâu là phản cảm đâu là không phản cảm?

- Cái quan trọng nhất của một người làm nghề biểu diễn là làm sao biểu hiện được tâm hồn của công chúng Việt. Mà điều cốt yếu là văn hóa Việt không bao giờ chấp nhận sự dung tục. Phải hiểu được điều này.

Không phải chỉ có Thu Minh mà còn có rất nhiều người khác cũng như cô nhưng họ chưa có tên tuổi và tầm ảnh hưởng tới công chúng thì hội đồng chấm giải không đưa họ vào. Tôi muốn nói rằng: Khi đã là người của công chúng thì ta nên thật cẩn trọng. Đó chính là quan điểm của văn hóa chứ không phải chỉ của riêng tôi.

Văn minh và "có lực"



"Ngày ấy" của Mỹ Tâm đúng là con nít chưa định hình được phong cách, nhưng "bây giờ" phong cách
của cô đã rõ...

Với người không của công chúng chị có tư vấn thế nào để họ ngày càng đẹp hơn. Ví dụ về ca sĩ hạng "sao" khi chưa thành "sao" là Mỹ Tâm...?

- Thường những người không phải người của công chúng hay sắp thành người của công chúng phải chọn cho mình một phong cách nào đó hợp với mình để hoàn thiện phong cách trước khi ra mắt công chúng. Quá trình này rất là phức tạp: lúc thì họ thấy họ xinh, lúc lại không, lúc thì thấy nên nền nã, lúc lại nghĩ mình hợp với nóng bỏng.

Như hiện tượng của Mỹ Tâm cũng là một tín hiệu rất đáng mừng. Vừa rồi tôi có coi chương trình Ngày ấy và bây giờ của cô. "Ngày ấy" của Mỹ Tâm đúng là con nít chưa định hình được phong cách, nhưng "bây giờ" phong cách của cô đã rõ...

Được như vậy thì họ phải có sự hỗ trợ, không phải là từ nhà thiết kế cho họ mà là của công chúng, bạn bè và hỗ trợ lớn nhất là của chính bản thân mình. Mình phải hiểu được mình rõ nhất.

Nhưng nhiều người thấy Mỹ Tâm mặc vậy và họ lại bắt chước... Có nên không, thưa chị?

- Các bạn trẻ hay có một hình tượng cho mình, họ hay bắt chước, mà bắt chước là một sự nguy hiểm. Đã là người của công chúng thì phải rất thận trọng vì họ dẫn dắt một lớp thanh niên đi theo quan niệm và vẻ đẹp mà họ tạo nên.

Cách đây 3, 4 năm đã có rất nhiều ca sĩ nam mặc những trang phục rất yếu đuối, giống như dành cho phụ nữ. Đây là một điều rất đáng buồn nhất là khi so sánh với hình ảnh của Bế Văn Đàn, Nguyễn Văn Trỗi thấy thương họ quá! Mới qua một thế hệ mà thanh niên lại có thể biến đổi đến mức quá đáng như vậy.

Đáng tiếc nhất là ở họ không có sự văn minh, nó rất lạc. Thứ hai nó không có nam tính trong đó. Cho dù họ có là người đồng giới thì cũng vẫn phải thể hiện điều đó, phải văn minh, hiện đại và mốt.

Năm, bảy năm trước, bộ phim Người mẫu của Hàn Quốc chiếu ra là thanh niên, phụ nữ Việt chạy theo liền. Đáng tiếc quá! Vì khi phim đó đến với chúng ta thì nó đã lạc hậu rồi. Chưa nói đến chuyện da mình là da vàng, xứ đó da trăng. Mà mặt trắng môi thâm mới hợp được, mà da vàng thì mà để cho môi thâm. Trời ơi, nó tệ quá!

Còn về thị phần đồ mỹ phẩm quần áo họ bán ra tăng gấp 5 lần, thế là chúng ta mất thị trường. Thanh niên Việt Nam thời nay không có tinh thần tự tôn dân tộc. Nói ra chuyện này tôi cũng rất ngại sợ cho rằng mình đang giáo điều. Ý thức của lớp người này quá kém, nhất là cứ chạy theo nước ngoài như thế.

Điều này cũng như việc họ chạy theo cách ăn mặc, nam không ra nam, nữ không ra nữ. Giới nào thì giới chứ, tôi gặp rất nhiều người đồng tính, họ ăn mặc rất là đẹp, rất nam tính và hiện đại.



"Không phải Đàm Vĩnh Hưng cứ đi nước ngoài thấy hàng hiệu,
mua về đã là đẹp..."


Trường hợp Đàm Vĩnh Hưng lúc đó chưa đến nỗi như vậy, nhưng theo kiểu trời nóng mà chùm nguyên cả cái mền mà anh nói là "cái khăn" lên biểu diễn thì đó là không thích nghi với thời cuộc.

Trời Sài Gòn nóng như thế mà sao lại "diện" nguyên cái áo da hay áo dạ dài? Như vậy nó biểu hiện anh chưa chú ý gì về môi trường sống của mình. Không phải là anh cứ đi nước ngoái thấy đó là hàng hiệu, đẹp thì anh mua về. Anh phải làm sao cho mình thích nghi với văn hóa nơi anh sống chứ.

Chị nói sao về trào lưu ăn mặc phi giới tính hiện nay?

- Phi giới tính của Nhật rất đẹp, bên Pháp thì cực đẹp. Nó là có giới tính cho những người phi giới tính. Thí dụ: Những người đồng tính của họ biểu hiện rất nam tính trong cách ăn mặc.

Chính biểu hiện này là lực hấp dẫn của họ với những người đồng tính khác. Họ cực hấp dẫn. Trong giới này bên đó người đồng tính nhiều lắm, nhưng họ biểu hiện rất văn minh. Mà tôi rất thích sự văn minh vì nó là động lực phát triển xã hội.

Không có sự văn minh là mọi thứ lại bắt đầu từ con số không ngay. Cái đó mới là sự quyết định chứ anh phá cách thế nào chăng nữa vẫn phải giữ được văn minh.

Nhật được gọi là Nhật "điên", nhưng họ điên có văn hóa. Họ rất dễ thương, dễ thương cực kỳ, khi mà họ phá cách họ có lực. Cũng như Picasso không vững về annatomi thì không thể dám bẻ người co quắp lại trong cái thời kỳ mà chưa ai dám làm vậy.

Ăn mặc có lực là một từ đầy hàm ý?

- Có lực thì làm gì cũng được, khi đã có nó thì không cần phải mất nhiều tiền họ cũng tạo ra được sự văn minh ngay tức khắc. Cái đó là xã hội và thời trang rất cần. Tại sao cả trăm cô đều ăn mặc quần Jean áo thun mà lại có người hấp dẫn hơn những người còn lại. Cô nào hấp dẫn hơn chính là do cô đó có lực. Vì họ biết mình chứ không phải là sự diêm dúa.

Điều tôi rất mừng là trong những năm vừa qua sau khi giải được trao thì tình trạng ăn mặc nam không ra nam nữ không ra nữ đã giảm đi hẳn. Cho nên bây giờ dung tục hay không dung tục đang cần một cái nhìn tinh tế hơn. Chúng ta đã qua thời kỳ đồ đồng đồ đá rồi. Phải tiến lên thời hiện đại chứ. Phải tiến lên để phân biệt rõ sự gợi cảm khác sự dung tục ở đâu?

Theo Vietimes


-------------------------------*************-------------------------------------------

Mình rất thích nhà thiết kế Minh Hạnh. Là viện trưởng viện thiết kết thời trang Việt Nam nhưng trông cô thật giản dị, mộc mạc. Như cô nói, nét văn hoá Việt đã ngấm sâu vào tiềm thức nên ta dễ thấy bộ sưu tập của cô, thiết kế của cô trộn không thể lẫn. Đứng ở đâu, người ta cũng có thể thấy một phong cách, một tâm hồn rất Việt, rất thơ.
Em đi, bỏ lại con đường vắng. Bỏ lại vạt nắng vàng, bỏ lại hàng cây buồn ngơ ngẩn..........

Em se la Nguoi ra di

Hay hay quá, hay thât. mỗi tội chả đọc được gì cạ
VC ơi xem lại font chữ đi!

vitconhocve

OKI. Thanks. Bi giờ "ngon" rùi. Đọc bài này cũng hay đấy ku ạ.
Em đi, bỏ lại con đường vắng. Bỏ lại vạt nắng vàng, bỏ lại hàng cây buồn ngơ ngẩn..........

vitconhocve

Cuộc phỏng vấn này được tranh thủ vào "giữa ngọ", khi cái lưng đang bị đau của chị lên tiếng đòi tạm nghỉ. Minh Hạnh quan ngại về nguy cơ của thời trang Việt Nam hậu WTO, bức xúc về giải thưởng "mốt" và từ chối chuyện gia đình vì không muốn khoe con...

Chế tác áo dài không phải thiết kế thời trang


- Tuần lễ thời trang Việt Nam đã bước vào năm thứ 7, nghĩa là các nhà tạo mẫu chuyên nghiệp có hẳn một sân chơi rộng rãi và được công chúng đặc biệt quan tâm. Nhưng chị lại  nói, chúng ta đang đứng trước rất nhiều nguy cơ to lớn?

- Hậu WTO, chúng ta phải chấp nhận một thực tế, cả ngành dệt may đứng trước một thử thách nghiệt ngã, hoặc là hòa được vào biển lớn theo luật đại dương, hoặc là bị bỏ rớt lại phía sau. Nếu không đủ sáng tạo, không đủ tri thức, nhà thiết kế Việt Nam sẽ chỉ là những người đơm khuy áo cho các nhà thiết kế nước ngoài mà thôi.

- Nghĩa là chị không tin vào các nhà thiết kế trẻ của chúng ta?

- Tôi tin chứ, vì nhiều em rất giỏi và đã khẳng định được mình. Nhưng cái tôi nói là cái chung của nền công nghiệp thời trang. Thử hỏi, các trường đào tạo được gì nào? Nó bị hổng từ lâu rồi. Kiến thức mà sinh viên được trang bị quá mỏng, giáo trình thời trang sai hoàn toàn, giáo viên thì không có kinh nghiệm. Kỹ thuật của Việt Nam cũ 50 năm so với thời trang thế giới. Sinh viên trong trường chỉ được dạy làm sao vẽ cho thật đẹp. Mà chỉ vẽ đẹp, nói thật, chẳng làm được gì.

Thế nên, nhà thiết kế được đào tạo ra trường thua xa công nhân lâu năm, chẳng biết chất liệu thế nào, xử lý ra sao chứ đừng nói đến xu hướng. Nhìn lại, hầu như các nhà thiết kế thành công hiện nay đều trưởng thành từ cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix. Tôi không muốn nói tới cuộc thi này, nhưng sự thực là vậy đấy, họ được cọ xát trong một thực tế khắc nghiệt hơn để trưởng thành nhanh hơn.

NTK Minh Hạnh. Ảnh: Zim.

- Theo cách mà chị nói, nghĩa là một thợ may tay nghề cao và chịu khó cập nhật kiến thức thời trang thì hoàn toàn có thể trở thành nhà thiết kế?

- Không bao giờ. Nó là một trời một vực. Anh thợ may có lành nghề cỡ nào cũng chỉ là thợ may thôi. Tôi cũng nói điều này, các nhà báo đừng tự ái, rất nhiều nhà thiết kế, đặc biệt ở Hà Nội, làm được chừng dăm bộ trang phục, đem đi chụp mẫu và đăng báo coi như bộ sưu tập. Đó là nghiệp dư, và báo chí đã tiếp tay cho sự nghiệp dư ấy.

Bộ sưu tập phải có khuynh hướng, màu sắc và ý tưởng rõ ràng chứ, đâu phải lơ mơ. Cũng đừng hiểu lầm giữa việc may áo dài và thiết kế thời trang. Chiếc áo dài đã có sẵn, người vẽ kiểu chỉ là nghệ nhân chế tác mà thôi. Còn nhà thiết kế thời trang phải sáng tạo ra những mẫu mã mới.

Thời trang của ca sỹ không đại diện cho xu hướng

- Tôi cứ nghĩ, ca sỹ là thần tượng của giới trẻ, chính thời trang của họ mới tạo ra xu hướng?

- Thế này nhé, nhà thiết kế tạo ra những bộ trang phục rất mốt cho ca sỹ. Ca sỹ mua nó với cái giá đắt đỏ. Và họ sẽ mặc theo ý thích của mình. Họ thích phối hợp áo nọ và quần kia. Mà trang phục như thế đã là không được rồi. Đó là chưa kể áo quần đó mà trang điểm khác, tóc tai khác thì nó cũng đã khác đi nhiều lắm. Thế nên, ca sỹ không đại diện được cho xu hướng. Và nhà thiết kế lại không đủ "quyền uy" để bắt ca sỹ mặc theo những gì mình thiết kế. Khi ngôi sao mặc lệch chuẩn, nhà thiết kế chỉ biết "bó tay".

Thu Minh hở hang cũng chẳng sao, nhưng...

- Các ca sỹ đều có nhà thiết kế riêng cho mình. Nhưng khi các nhà thiết kế lép vế trước ngôi sao thì hiện trạng trang phục ca sỹ đã... nổ bom: Năm nào cũng có ca sỹ giành giải ăn mặc phản cảm nhất?

- Tôi lại không muốn nói đến giải thưởng này, nhưng thôi, anh đã hỏi thì tôi sẽ thẳng thắn: Với trường hợp Thu Minh nhé, cô ấy hở như thế chẳng là gì và cô ấy mặc đồ của ai cũng được, không ai phê cô ấy là hở hang. Nhưng, cái cách ăn mặc đó nó thể hiện sự dung tục. Sự dung tục đó phản ánh văn hóa của ca sỹ.  Mà đó không phải ý kiến của riêng tôi mà là cả ý kiến của 21/21 nhà báo văn nghệ. Chúng tôi cũng còn giữ rất nhiều thư bạn đọc họ gửi về để nói lên điều này.

Còn các nam ca sỹ vì sao cứ nhận giải phản cảm? Tôi cho rằng, giới tính không phải vấn đề, họ có thể là gay, trong giới thời trang có rất nhiều người gay, tôi không kỳ thị và không đặt ra vấn đề giới tính của họ. Nhưng ca sỹ là người của công chúng, có sức ảnh hưởng tới công chúng mạnh mẽ, họ là nam phải ra nam, nữ phải ra nữ.

Thử hỏi, nam ca sỹ mà mặc những chiếc áo bóng nhẫy, đính đủ thứ kim sa hạt lựu thì làm sao lại không phản cảm? Nam ca sỹ phải thể hiện được sự nam tính của mình. Chính vì thế, Hà Anh Tuấn được giải ăn mặc mốt nhất chỉ với áo sơ mi và quần jeans. Chúng tôi không nói chuyện ngoài đời, mà nói đến sự xuất hiện trước công chúng, Tuấn đã có được sự tự nhiên không màu mè trong sự chọn lựa trang phục cho mình, điều đó thể hiện sự lựa chọn có tri thức.

Ủng hộ Đẹp Fashion Show

- Năm nay, ngay sau Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân hè, khán giả Hà Nội lại được dịp tới Đẹp Fashion Show để xem vở thời trang "Bí ẩn của những linh hồn". Một cách công bằng, chị thấy Đẹp Fashion Show như thế nào?

- Thành thật là tôi rất ủng hộ. Phải có nhiều show như thế thì thời trang Việt Nam mới phát triển được. Cái quyết định là ở nhà tổ chức và các nhà thiết kế. Các show thời trang đơn lẻ ấy cũng là cách để khán giả có cái nhìn rộng hơn về thời trang.


- Không nói về Đẹp Fashion Show, mà nói về các show thời trang trình diễn khác, thường các nhà thiết kế thiên về ấn tượng hơn là tạo ra khuynh hướng. Vậy thì thưa chị, chúng ta có nên nghĩ tới công chúng sẽ tiếp nhận nó như thế nào?

- À, cái đó thuộc về các nhà thiết kế. Nếu họ không đưa ra được khuynh hướng, họ tự thất bại với chính mình. Nhà tạo mẫu không thể lỗi mốt.

- Câu này thật tế nhị, nhưng là thắc mắc lâu ngày, tại sao các nhà thiết kế khi tham gia Fashion Week thì thường sẽ không có mặt tại Đẹp Fashion Show và ngược lại?

- Tôi chẳng quan tâm đến những vấn đề mà người ta coi là đấu đá như thế. Thực ra đó hoàn toàn thuộc quyền của các nhà thiết kế. Không có chuyện bất hòa giữa hai nhà tổ chức đâu.

Không muốn khoe con

- Giỏi kinh bang tế thế, nhưng chị có tự tin để nói về tài tổ chức gia đình?

- Tôi không trả lời về gia đình đâu, đó là nơi bình yên duy nhất để tôi trở về mỗi ngày. Chồng tôi làm gì, con tôi ra sao, mọi người tự tìm hiểu lấy. Tôi không muốn lên báo để nói về những điều đó, vô tình mà gây áp lực cho chồng, con mình. Tôi không muốn khoe con...

Tin từ Giadinh.net
Em đi, bỏ lại con đường vắng. Bỏ lại vạt nắng vàng, bỏ lại hàng cây buồn ngơ ngẩn..........

vitconhocve

Phản hồi từ bài viết: "Lối ăn mặc của Thu Minh là dung tục"

"Đọc những gì chị Minh Hạnh nói lại về mình, tôi chỉ muốn nói hai điều: Thứ nhất là Thu Minh chưa già nhưng đã đủ tuổi để không làm trò con nít nữa. Thứ hai, nếu Fadin mua ủng hộ Thu Minh 5.000 đĩa nhạc thì chắc chắn Thu Minh sẽ suy xét nhiều đến ý kiến từ phía Fadin và chị Minh Hạnh" - ca sĩ Thu Minh.


Tôi đã nghe ý kiến của chị Minh Hạnh về cách ăn mặc của mình. Nói thật là bây giờ tôi không còn quan tâm đến thông tin từ phía chị đưa ra nữa vì sự việc đã qua lâu rồi, đã có nhiều ý kiến trên báo chí nói về giải thưởng kia của Fadin và cách ăn mặc của tôi. Tôi cho đó là những ý kiến khách quan nhất của "người thứ 3" nhìn vào tôi và giải thưởng của Viện mẫu.

Tôi đã từng bày tỏ quan điểm của mình rằng: "Phản cảm" là hình ảnh ăn mặc quá xấu. Ví dụ: luộm thuộm, hở hang, chỉ khoe những nhược điểm của cơ thể nên trở thành dung tục khiến khán giả phải quay mặt đi hoặc khoác những bộ trang phục khiến con người ta trở nên dị hợm.

Qua nhiều chương trình tôi thấy nhiều bạn đồng nghiệp ăn mặc đẹp thật sự, rất khó có thể nói ai là nhất vì mỗi người một vẻ "mười phân vẹn mười. Người biết cách ăn mặc là người dù ở phong cách thời trang nào cũng biết tôn ưu điểm của mình lên và che đậy nhược điểm".

Đọc những gì chị Minh Hạnh nói lại về mình, tôi chỉ muốn nói hai điều: Thứ nhất là Thu Minh chưa già nhưng đã đủ tuổi để không làm trò con nít nữa. Thứ hai, nếu Fadin mua ủng hộ Thu Minh 5.000 đĩa nhạc thì chắc chắn Thu Minh sẽ suy xét nhiều đến ý kiến từ phía Fadin và chị Minh Hạnh.

Tôi cũng thấy lạ khi mình là đối tượng rất được Fadin "ưu ái" khi 3 năm liền nhắc đến tên. Chưa bao giờ gặp chị Minh Hạnh và tôi không biết sự "ưu ái" này là xuất phát từ đâu nhưng tôi đã chứng minh được một điều: Năm nay trên thị trường nhạc Thu Minh đã thành công hơn năm qua.

Phóng viên Nguyễn Ngọc Diệp (Báo Hà Nội Mới Tin chiều)

Tôi thích Thu Minh vì cách hát của cô ấy nhưng không phải bao giờ cũng đồng tình với cách ăn mặc đó. Thu Minh có dáng người đẹp, rất dễ mặc nhưng nhiều khi cô ấy lại khoác lên mình những bộ trang phục rất kì quặc. Khán giả chỉ thấy phản cảm chứ không hề thấy phong cách.

PV Nguyễn Ngọc Diệp

Không chỉ Thu Minh mà rất nhiều ca sĩ trên thị trường hiện nay bị vướng vào chuyện ăn mặc. Đa số đều nghĩ rằng lên sân khấu phải rực rỡ, bắt mắt và họ đều muốn hướng tới một phong cách nào đó. Nhưng không phải ca sĩ nào cũng thành công. Nhiều ca sĩ tự biến mình thành những con vẹt Hồng Kông loè loẹt hoặc tự biến mình thành một cái mắc treo toàn những đồ rách rưới.

Minh Hạnh nói đúng, ăn mặc là cả một nghệ thuật đòi hỏi người lựa chọn trang phục phải có kiến thức và nhận thức tối thiểu. Việt Nam không phải là nơi tiên phong về thời trang, chúng ta thường mặc quần áo nhập từ nước ngoài, mẫu mã hoàn toàn nước ngoài. Do vậy người mặc phải có sự tỉnh táo nhất định để nhận biết trang phục nào phù hợp với vóc người, với phong cách của mình. Hiện nay tôi thấy mọi người chạy theo mốt một cách mù quáng.

Có những cô gái chân rất to, không thẳng nhưng rất thích mặc quần bò bó. ăn mặc như vậy chỉ làm lộ rõ nhược điểm của mình mà thôi. Mấy năm về trước tìm một bộ trang phục phù hợp rất khó nhưng giờ đây có quá nhiều shop quần áo đẹp. Sự lựa chọn đã tăng lên trông thấy. Đó cũng là một nguyên nhân khiến người ta bị rối trí trong một biển quần áo, một biển phong cách.

Nhưng tôi nghĩ đây là giai đoạn tạm thời mà thôi. Khi người tiêu dùng được tiếp xúc nhiều hơn với thời trang, dần dần họ sẽ quen và sẽ biết thế nào là đẹp, là phù hợp với mình. Tất cả đều phải học, không ai có thể ăn mặc đẹp ngay, kể cả ca sĩ.

Nam Linh (163 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q3, TPHCM - Email: [email protected]):

Tôi đã đọc bài viết phỏng vấn về phát biểu của chị Minh Hạnh về cách ăn mặc của ca sĩ hiện nay. Thực sự, tôi không đồng tình chút nào đối với một số ý kiến cho rằng giới ca sĩ hiện nay ăn mặc đẹp hơn nhiều so với trước kia. Là một ca sĩ, đương nhiên giọng hát sẽ quyết định 80% sự thành công. Nhưng nếu anh ăn mặc đẹp, phù hợp thì sẽ góp phần không nhỏ trong việc gây ấn tượng trước mặt khán giả.

Chúng ta hãy thử so sánh cách ăn mặc lòe loẹt, diêm dúa và lập dị của giới ca sĩ trong nước với cách ăn mặc tinh tế, đơn giản nhưng đầy tự tin của ca sĩ nước ngoài. Có thể nói, một khi đã sexy, thì phải sexy sao cho phù hợp, sang trọng. Không phải cứ phô diễn một phần thân thể ra rồi mệnh danh nó là sexy, là hết mình vì nghệ thuật là xong. Sự sexy chỉ hấp dẫn khi nó còn một chút gì ẩn hiện, để khám phá, chứ nhìn vào một bộ trang phục chỉ thấy sự tục tĩu, lố lăng thì không còn gì để nói, đó hoàn toàn không phải là sự sexy đúng nghĩa.

Chúng ta hãy làm một phép so sánh giữa ca sĩ Thu Minh và ca sĩ Phạm Văn Phương (Singapore), tôi nhớ không lầm là trong một chương trình giao lưu âm nhạc cách đây hơn 1 năm, khi đó chúng ta thấy rõ khoảng cách rõ rệt trong nhận thức về thẩm mỹ của ca sĩ trong nước và trong khu vực, chưa nói đến quốc tế. Một bên là sự diêm dúa, tầm thường, hở hang trong khi đó một bên là sự tinh tế, kín đáo nhưng không kém nữ tính. Đâu có phải ăn mặc hở hang thì mới được xem là sexy.

Về phía nam ca sĩ, chúng ta thử tưởng tượng so sánh lối ăn mặc màu mè diêm dúa của Đàm Vĩnh Hưng với cách ăn mặt giản dị, nhưng đầy nam tính của những Quách Phú Thành, Lưu Đức Hoa, Tạ Đình Phong. Họ đâu cần phải phô trương hàng hiệu, khoác lên mình những bộ trang phục không giống ai thì mới khẳng định được đẳng cấp của mình. Tóm lại, chúng ta còn phải bỏ ra một thời gian dài để thu ngắn được khoảng cách về gu thẩm mỹ trong nước và ngoài nước, nhất là trong giới ca sĩ và cả thế hệ các bạn trẻ hiện nay. Như thế, những người tiên phong thu ngắn khoảng cách về nhận thức thẩm mỹ của chúng ta chính là những nhà thiết kế chân chính như Minh Hạnh.

Đừng vì những lời nhận xét thẳng thắn của chị mà tỏ ra giận dữ, hay cảm thấy bực bội. Chúng ta hãy hiểu rằng, đẹp và sexy ở đây chính là sự phù hợp giữa trang phục và vóc dáng, sự nền nã, sang trọng, khẳng định được giới tính của mình và phải là bản chất của dân tộc mình, đừng chạy theo trào lưu và bắt chước những cái không thuộc về mình rồi cứ hô hào lên đó chính là phong cách riêng của tôi.

Ken Nguyễn (email: [email protected])

Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng khi đọc những câu trả lời của nhà thiết kế Minh Hạnh về ca sỹ Thu Minh. Trước đây tôi có xem chị Minh Hạnh trong chương trình Văn hóa - Sự kiện - Nhân vật và thực sự ấn tượng với chị qua chương trình đó. Nhưng khi đọc bài phỏng vấn này tôi lại có cảm nhận khác về chị.

Nhân vô bất thập toàn, con người dù sâu sắc đến mấy cũng có lúc nông cạn. Tôi không tưởng tượng được Minh Hạnh sẽ dùng từ "dung tục" để nói về một người trong giới nghệ thuật như mình. Dù chị có quá tự tin với mỹ cảm và "tri thức" của mình đi chăng nữa, tôi nghĩ người tri thức sẽ phát ngôn có tri thức hơn.

Về ca sỹ Thu Minh, tôi có dịp xem Thu Minh biểu diễn trực tiếp vài lần ở các sân khấu lớn và đặc biệt là trong liveshow Thiên Đàng của chị. Tất cả những gì đọng lại trong tôi là: giọng hát đẹp và mê say, trang phục gợi cảm, phong cách nóng bỏng. Nói về Thu Minh tôi thấy chị là là một quả táo đỏ mọng và quyến rũ. Tôi trân trọng những nổ lực không ngừng của chị. Tôi nghĩ trong lòng nhiều người Thu Minh đã là diva rồi.

Vu Phung (email: [email protected])

Tôi nghĩ chị Minh Hạnh nhận xét về cách ăn mặc của ca sĩ Thu Minh là quá đáng. Chẳng nhẽ chị không còn những từ khác để nói nhẹ nhàng hơn hay sao? Phải chăng chị nghĩ mình là chuyên gia, được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước về thiết kế thòi trang mà có thể nhận xét như vậy? Chuyện các ca sĩ ăn mặc lòe loẹt, sexy là quyền tự do của mỗi cá nhân họ. Mỗi người có một "gu" thẩm mỹ riêng, quan điểm về cái đẹp khác nhau.

Nếu như các ca sĩ vẫn giữ cách ăn mặc dị hợm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục thì cá nhân họ một ngày nào đó sẽ suy nghĩ và thay đổi lại phong cách.

Tôi đã từng xem ca sĩ Thu Minh biểu diễn và thấy rằng chị ấy biểu diễn rất tuyệt vời, cách ăn mặc của chị đúng là sexy ( nhưng sexy ở đây có nghĩa là chị ấy biết chỗ nào cần phải gợi cảm, chỗ nào cần phải che bớt đi) chứ đâu có tệ hại như nhà thiết kế Minh Hạnh nói.

Hòa Bình ( Sài Gòn; Email: [email protected])

Minh Hạnh là ai ? Giải thưởng không phải là thước đo giá trị một con người. Minh Hạnh có khá (chứ không nhiều) giải thưởng nhưng thử hỏi Minh Hạnh có bao nhiêu thiết kế được mang tên trên thời trang hiện đại?  Minh Hạnh đã hơi quá lời khi phát biểu về Thu Minh. Không ai có "quyền" phát biểu như vậy. Nếu có một cuộc đối chất, tôi chắc chắn rằng Minh Hạnh không thể phân biệt rạch ròi được cái nào là Sexy cái nào là dung tục. Tôi viết thế này có quá không? Với người bình thường thì hơi quá nhưng với những gì Minh Hạnh đã phát ngôn là không quá đâu.

Ngau Hung (12/43 Ly Chieu Hoang; Email: [email protected])

Là một người của công chúng, tôi nghĩ nhà thiết kế Minh Hạnh nên tự suy nghĩ lại về cách dùng ngôn từ của mình. Mỗi người một suy nghĩ và con mắt thẩm mỹ riêng, chưa chắc NTK Minh Hạnh có cái nhìn hoàn hảo và chuẩn mực. Lời lẽ của một nhà thiết kế có tiếng tăm như chị khi nói về người khác như vậy quả là tác dụng ngược lại.
Tôi không phải là khán giả trung thành của Thu Minh nhưng tôi cũng rất thích nghe cô ấy hát và biểu diễn, tôi thấy cô ấy rất gợi cảm và nóng bỏng. Cách biểu diễn của chị luôn cuốn hút người xem chứ không tệ như NTK Minh Hạnh nhận xét. Thật đáng buồn cho NTK Minh Hạnh.

Theo VieTimes/Giadinh.net
Em đi, bỏ lại con đường vắng. Bỏ lại vạt nắng vàng, bỏ lại hàng cây buồn ngơ ngẩn..........

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội