Hãy yêu nhau đi

Started by tùng anh, 10/06/08, 12:08

Previous topic - Next topic

tùng anh

Hãy yêu nhau đi


1.

Ký túc xá tối thứ bảy vắng hoe vắng ngắt. Buồn tênh. Cả phòng còn mỗi mình, Hạnh lôi tờ báo cũ mèm ra đọc. Sự trống rỗng lên đến tận cổ. Tắt đèn. Trùm kín chăn. Nhưng sao mắt cứ thao láo. Mới tám giờ tối, cái giờ ấy có thánh mới ngủ được.

Mình Hạnh với mười giường. Rộng rãi. Êm ái. Hạnh thấy lòng rộng ra mà chẳng êm ái chút nào. Giá như có một đứa bạn lúc này nhỉ, để đánh bài quỳ, quẹt nhọ nồi hay nói chuyện trời ơi đất hỡi cũng được. Nhưng đó chỉ là giá như. Mà giá như thì làm gì có thật trước mặt mình. Họa chăng chỉ có ở thế giới ông bụt, bà tiên.

2.

Mấy đứa bạn cùng phòng nói Hạnh hâm thật. Không hâm mà đến năm ba vẫn chưa có người yêu à? Trong khi cả phòng rục rịch từ năm một, năm hai. Đến giờ phút này, trưởng phòng có thể dõng dạc tuyên bố, phòng Hạnh chín phần mười đã xóa mù... yêu. Duy có Hạnh. Xem ra Hạnh gần đèn mà chẳng chịu... rạng. Đã có không ít những cuộc đại hội cấp... phòng để thực hiện cái gọi là đả thông tư tưởng trì trệ, bảo thủ, duy ý chí của Hạnh.

Nào là:

- Tao hỏi mày nhé, sinh viên là quãng đời đẹp nhất đúng không? Đấy! Thế tình yêu có phải là thứ tình cảm đẹp nhất, diệu kỳ nhất không? Đúng quá đi chứ lại. Vậy tại sao ta không cho nó giao nhau trong một khoảng không gian - thời gian nhất định nhỉ? Khi hai cái "nhất" ấy gặp nhau thì có phải đời mình thăng hoa không nào? Nếu sinh viên và tình yêu nằm trên hai đường thẳng song song thì mấy nghìn sinh viên ở đây chỉ là một hằng số à? Mà hằng số thì có lấy giới hạn n lần trong mọi khoảng tình cảm cũng chỉ là chính nó. Nguy không? Nguy quá đi chứ còn gì nữa – Lan "toán" làm một thôi một hồi.

- Nó phải là chính nó. Ta không là ta thì ta là ai? - Hạnh vặc lại.

- Không! Ta là ta mà ta không phải là ta. Ta sẽ là ta khác sau một giây một phút mày ạ! "Mọi người sinh ra là để yêu. Đó là nguyên lý và là cứu cánh của cuộc sinh tồn", miệng Bình "triết" dẻo quánh, Đisraeli chẳng nói vậy là gì.

- Phải rồi! Cái ông gì nhỉ. À! Terome K. Terome bảo: "Tình yêu giống như bệnh sởi: người nào cũng phải trải qua" - Hồng "sinh" giội thêm.

- Đúng! Mà phải trải qua thời sinh viên mới đích thực là sinh viên. Thầy tao từng nói, là sinh viên mà chưa yêu một lần thì chưa đủ điều kiện để xét tốt nghiệp - giọng Thúy "văn" lanh lảnh.

Hạnh há hốc miệng ngồi nghe như con chiên nghe cha giảng đạo. Nghe không kịp vuốt mặt. Nghe chưa thấu bên này, bên kia đã dội lại. Chín người thay nhau bồi liên hồi. Bồi như be bờ đắp đập. Nhưng sau thời gian theo dõi, theo kết luận sơ bộ của phòng thì kết quả vẫn là zero.

Hạnh cứ trơ ra đấy. Trơ như đá núi Nhồi tận Thanh Hóa xa xôi quê Hạnh. Trơ như bức tượng đồng giữa công viên nơi Hạnh hay ra đấy học bài. Mà lạ thật. Nếu Hạnh xấu thì đã đành. Đằng này Hạnh đẹp. Nếu phòng mở cuộc thi hoa hậu, chí ít Hạnh phải ẵm gọn danh hiệu á hậu 2.

Thế mà cả năm chẳng thấy ai đến chơi hay rủ đi chơi. Có đến thì họa hoằn lắm mới được một hai tên đồng hương hoặc cùng lớp, ngồi chưa ấm chỗ đã chạy như bị ma đuổi. Có đi chơi thì toàn với "hội liên hiệp phụ nữ". Thế đấy.

Suốt năm suốt tháng chỉ thấy Hạnh lên lớp, về ký túc xá. Đi thư viện, về ký túc xá. Đi chợ, về ký túc xá. Đi gia sư, về ký túc xá. Dường như có bấy nhiêu con đường, có bấy nhiêu bước chân. Mặc nắng. Mặc mưa. Mặc trưa. Mặc tối. Mặc dòng người hối hả. Hạnh tất tả chạy theo giáo trình, từ điển...

3.

"Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá. Hãy yêu nhau đi dòng nước đã trôi xa, nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ, ngày mai mong chờ, ngày sẽ thiên thu....". Giọng Khánh Ly trong một tình khúc Trịnh Công Sơn từ quán cà phê vọng lại làm Hạnh thấy bâng khuâng, bồi hồi suy tưởng. Trong lòng chênh chao. Mênh mang. Phiêu diêu. Bất chợt Hạnh hát theo "Hãy yêu nhau đi...". Thật hay. Trịnh phải sống thật với tình yêu lắm, sống hết mình với tình yêu lắm mới có những ca từ hay đến thế.

Sâu sắc đến nỗi Hạnh giật mình nhìn lại bản thân. Hạnh đâu có vô cảm. Hạnh đâu phải người nói không với tình yêu. Là người học tâm lý, Hạnh hiểu tình yêu phải là sự rung cảm của một tâm hồn khi gặp một tâm hồn hòa hợp. Nó là sự hòa điệu của hai trái tim, làm người ta say sưa và nhìn thấy mọi vật đều tươi đẹp hơn. Mà cái tâm hồn diệu kỳ ấy thì Hạnh chưa gặp. Còn yêu như kiểu lũ bạn, Hạnh cảm thấy sợ. Nói như ai đó là người ta tìm hiểu nhau ba tuần, yêu nhau ba tháng, cãi nhau ba năm, chịu đựng nhau ba mươi năm và con cái tiếp tục như thế. Nhất định Hạnh sẽ không làm vậy.

Chẳng hiểu sao trong giờ phút này Hạnh lại nhớ đến anh. Gọi là anh đơn giản bởi anh học trên Hạnh một khóa, anh hơn Hạnh một tuổi. Biết nhau đã bốn năm mà Hạnh đâu có rõ tên anh, gần đây mới biết anh học văn. Lạ chưa. Nói thế có ai tin được không!

4.

Năm học lớp 11, một tai nạn xảy đến với Hạnh. Tan trường, trên quãng đường vắng, Hạnh xin đường rẽ trái. Bỗng "rầm, rệt... ệt... rệt". Hạnh thấy mắt mình hoa lên, tối sầm lại và không biết gì nữa. Trong phòng trắng toát. Gì cũng trắng. Trắng đến rợn người. Hạnh khẽ cựa.

- Ấy! Hạnh tỉnh rồi à?

- Dạ! Em đang ở đâu ạ?

- Em đang ở bệnh viện. Em bị xe máy tông rồi anh đưa vào đây. Bác sĩ bảo rạn xương ống chân. Có lẽ em hơi yếu nên choáng ngất.

- Mà sao anh biết tên em?

- Anh ở cùng phường với em, học trước em một lớp. Chỉ có em không biết anh thôi.

- Em cảm ơn anh! - Hạnh lí nhí.

Vừa lúc bố mẹ Hạnh được bạn bè về báo kịp đến. Anh chào bố mẹ Hạnh và Hạnh, ra về.

Sau buổi ấy, hơn một lần Hạnh định tìm gặp để cám ơn anh. Nhưng lại ngại. Hạnh không đủ tự tin. Thế là chuyện đó qua. Có đôi lần hai người vô tình gặp nhau trong khi đang đi với bạn mình. Anh cười. Hạnh cũng cười. Chỉ thế thôi.

Năm một, Hạnh bước vào cổng trường đại học, đang ngơ ngác như cừu non lạc mẹ, chẳng biết đường nào, làm sao thì anh tới. Anh khoác trên mình chiếc áo sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi.

- Chúc mừng Hạnh! Em làm thủ tục nhập học à?

- Dạ!

Rồi anh dẫn Hạnh đi, hướng dẫn cách làm, làm những gì, ở đâu... Xong, anh tất tả quay lại giúp đỡ bạn khác không kịp cho Hạnh cảm ơn.

Năm hai, Hạnh vừa đạp xe ra khỏi cổng trường, một chiếc xe khác phanh kít trước mặt. Ngẩng lên.

- Hạnh à! Lâu nay em khỏe không?

- Dạ..., em bình thường - Hạnh bối rối vì hơi bất ngờ.

- Em có rỗi không?

- Giờ em phải đi chợ.

- Thế thì thôi vậy. Anh đi nhé, chúc vui vẻ.

Anh đạp xe đi. Hạnh nhìn theo. Một người con trai cao to. Lông mày rậm. Mắt sáng, luôn nhìn thẳng. Và nụ cười sẵn sàng ban phát cho người đối diện - Hạnh nghĩ thế.

Năm ba, Đại hội liên chi đoàn khoa, anh được giới thiệu là đại biểu khoa văn lên chúc mừng đại hội. Hạnh sững sờ. Hạnh quay lại hỏi bạn tên anh là gì. Nó không để ý. Hạnh cũng vậy. Thế là Hạnh vẫn chưa biết tên anh. Và rồi anh chúc mừng, anh hát tặng đại hội. Anh hát bài gì Hạnh không rõ. Hạnh chỉ nhớ có câu "Hẹn cùng em một ngày ở quê Thanh", vì tới câu ấy, anh đã nhìn thẳng vào mắt Hạnh. Hạnh bối rối. Hạnh đánh rơi mũ trên tay, may mà đứa bạn ngồi bên không biết. Ôi, ánh mắt anh nhìn mới trìu mến làm sao. Có cái gì đó hi vọng. Hứa hẹn. Chờ đợi. Gần gũi lắm. Thân thương lắm.

5.

"Hãy trao cho nhau muôn vàn yêu dấu. Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau. Trái tim cho ta nơi về nương náu, được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều" - giọng Khánh Ly vẫn đều đều. Dưới sông, dòng Hương như ngừng trôi. Một vài chiếc thuyền nan đánh cá kỳ cạch, kỳ cạch theo tiếng gõ mái chèo vào mạn thuyền của chủ đang dẫn ngược về hướng Thiên Mụ rồi lại xuôi chiều về Vĩ Dạ. Cầu Trường Tiền đã tắt hết bóng màu, chỉ còn ánh điện bàng bạc như chuẩn bị đi vào giấc ngủ sâu. Huế về đêm nhẹ nhàng và yên tĩnh. "Giờ này anh đang làm gì nhỉ? Hẹn cùng anh một ngày ở quê Thanh" - Hạnh bất chợt kêu lên rồi mỉm cười nhảy chân sáo về phía ký túc xá.


VĂN THÀNH LÊ
Đến đây một khắc tương phùng
Tri nhân tri kỷ ngại ngùng làm chi?
Đến đây một khắc ca thi
Dù mai không gặp xin ghi vào lòng

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội