Quà quê

Started by tùng anh, 30/09/08, 13:21

Previous topic - Next topic

tùng anh

Quà quê


Úp cái nón cũ của bà lên đầu, Nguyên lò dò lội xuống mương rau muống. Mặt nước tỏa những vòng tròn quanh chân, như những vòng hào quang. Nguyên đứng im, ngắm bóng mình dưới nước. Trong bộ quần áo nâu sờn cũ của bà, trông Nguyên giống một cô nông dân lắm.

Rau non, không cần ngắt mà là bẻ. Mỗi ngọn rau một tiếng bụp nhỏ, chẳng mấy mà trên tay Nguyên đã có một ôm rau kha khá, gần đủ cho một bữa ăn. Mùi nhựa rau nồng nồng ngai ngái trộn lẫn mùi bùn bị khuấy động tạo một mùi là lạ quen quen không sao diễn tả được.

- Ê, nhóc!

Nguyên giật mình. Nó đang lục tìm trong trí nhớ của mình về mùi hương này thì bỗng đâu có kẻ chu mồm vào phá đám. Nó hất cái nón ra sau, nhìn lên. Trên bờ, một thằng con trai mới trổ mã đang lom khom, mũ lưỡi trai đội ngược, áo sơ mi vằn vện màu sắc, quần lửng, giày bố, mồm bỏm bẻm nhai kẹo cao su như bò nhai rơm. Có biết Nguyên là ai không mà dám lên giọng. Nguyên nhìn lại mình, suýt nữa thì bật cười, anh chàng này lầm cũng phải. Không thèm trả lời, Nguyên bỏ ôm rau vào rổ, gượng nhẹ như sợ lũ rau bị đau. Thằng con trai trên bờ tháo balô ném phịch xuống cỏ:

- Nhóc có biết nhà bà Tám Trầu đi đường nào không?

Nếu là hôm qua, Nguyên sẽ không biết. May sao hồi sáng này khi bà Tám Trầu sang nhà bà Nguyên hỏi mua chục trứng gà, Nguyên đã thấy bà Tám quẹo vào ngõ có cây ngâu già. Nguyên đang định chỉ đường thì thằng con trai móc túi ra tờ giấy bạc màu xanh:

- Nhóc chỉ giúp, anh cho tiền.

Nguyên quắc mắt nhìn thằng con trai và nhìn tờ giấy bạc, cái mặt nghênh nghênh thấy ghét. Tuổi ấy còn đang phá tiền của bố mẹ chứ đã kiếm ra được xu nào. Nguyên cầm tiền, chỉ vào ngõ có cây ngâu. Thằng con trai mắt sáng rỡ, đi gần như lết với cái balô kéo lệt sệt đằng sau. Trông có vẻ gã này cũng đã đi bộ từ đường cái vào đây. Thằng con trai đi được mấy bước, quay lại:

- Sao không nói gì hết vậy? Bị gì à?

- Câm!

Nguyên buột miệng, đọc được sự ngạc nhiên đến buồn cười của thằng con trai. Thằng con trai phì cười lết tiếp, Nguyên bỏ tiền vào túi, ngoe nguẩy cắp rổ rau về. Đi hái rau mà còn hái cả ra tiền, kiểu này ngày nào nó cũng đi hái rau vài bận.

Nhà bà Tám mở tiệc mừng thằng cháu sinh viên miền Nam đích tôn. Hình như có chung một nửa con lợn với đám cưới làng trên. Bà cháu Nguyên cũng được mời. Cái lệ ở quê nhà ai có việc gì là cả làng cùng xúm tay vào, niềm vui cũng thành vui chung.

So với ấn tượng ban đầu, hôm nay thằng cháu đích tôn của bà Tám ăn nói dễ thương hơn nhiều. Nó đứng trước mọi người, đĩnh đạc, lễ phép nói lời cảm ơn vì mọi người trong làng đã đến góp mặt, chung vui cùng bà cháu nó. Nó còn đến từng bàn mời mọc, chỉ thấy còn thiếu mỗi cô dâu nữa là y hệt một đám cưới. Ý nghĩ này làm Nguyên phì cười, và tưởng tượng cảnh thằng con trai khoác tay một cô gái váy áo lòe xòe cười cười nói nói. Nguyên cứ nghĩ, và cười một mình, đến khi bà gõ đũa vào tay, ra hiệu có người đang nhìn Nguyên mới thôi cười.

Bà khen nhà ai khéo đẻ con, thằng bé vừa ngoan vừa ra dáng. Nguyên ấm ức, định kể chuyện chiều qua cho bà nghe, lại sợ bà cho là mình ghen tị. Thì thôi chín bỏ làm mười.

Con chó vàng sủa nhặng xị báo nhà có khách, ngoài ngõ, thằng con trai xách cái bị cói nhảy choi choi, quát chó ầm ĩ. Nguyên lững thững ra, cố ý không ngó ngàng gì đến con chó. Thằng con trai thò tay vào túi, lấy ra hộp trà với gói bánh dẻo:

- Bà anh gửi biếu bà nhóc, quà miền Nam ăn lấy thảo.

Nguyên thò tay qua song cổng nhận, tính quay vào nhà, nghe thằng con trai nhiều chuyện:

- Nhóc không cảm ơn và mời khách vào nhà sao?

Nguyên tỉnh bơ lắc đầu, giơ hộp trà ra:

- Muốn trả lại không?

- Hóa ra nhóc đâu có câm, cũng đáo để ra trò, sao kiệm lời vậy?

- Kiệm lời để thấy có người lắm lời.

Bà ở trong bếp ra, thấy nó, chạy ra kéo cửa:

- Cháu vào nhà chơi, đừng chấp em nó nhỏ dại.

Nguyên suýt nữa thì phá lên cười. Mới tối qua thôi bà nói là bằng tuổi Nguyên bà đã tay bồng tay bế, mẹ Nguyên đã phải thoát ly gia đình đi làm công nhân, vậy mà trước mặt thằng con trai này, bà nỡ đè Nguyên xuống còn "nhỏ dại". Thằng con trai nghênh ngang theo bà vào nhà, không thèm liếc Nguyên lấy nửa cái.

Vào đến sân, nó khen: - Nhà bà có cây na to ghê.

Vào đến nhà, nó khen: - Nhà bà mát và sạch ghê. Nhà có con gái có khác.

Đúng là đồ lẻo mép nhiều chuyện.

Bà rót nước cho nó, hỏi thăm:

- Cháu học trường nào?

- Dạ, trường luật.

- Ngày xưa gọi là thầy cãi.

Thằng con trai phì cười, bà lại hỏi:

- Cháu tên là gì nhỉ?

- Dạ, cháu tên Đăng. Còn cô nhóc đáo để kia tên gì hả bà?

- Em nó tên Nguyên. Nó bướng lắm, lại ngang như cua ấy. Có gì cháu đừng chấp em nó.

Nguyên liếc nó một cái, đồ con trai vô duyên, dám nói người ta đáo để.

Thằng con trai chào bà đi về, "mai kia cháu lại sang thăm bà và em". Ngang qua chỗ Nguyên đang đứng với con chó, nháy mắt: "Anh về nghe nhóc, bớt đanh đá còn lấy chồng chứ?".

Suốt thời gian còn lại của buổi sáng, Nguyên ngồi thầm rủa thằng con trai vô duyên. Bà đi ngang, giục:

- Có chịu sang nhà cô Thảo không, khéo người ta chờ đấy.

Nguyên sực nhớ, ngày mai nhà cô Thảo có đám cưới con gái, lũ con gái trong làng được "trưng dụng" đến chuẩn bị bát đĩa. Nguyên cũng không nằm ngoài số đó, sao nó không nhớ ra. Nó sẽ rủ thằng con trai kia đi cùng, cho mấy cô nông dân thứ thật trị cho một mẻ, hết dám khiêu khích nó.

Đám cưới làng vui và ấm cúng. Nguyên thấy thằng con trai kia cũng đến cùng với bà, vừa đi vừa cúi rạp người chào hỏi các ông bà trong làng, phong cách rất ngoan hiền. Thời này mà có một gã biết lễ phép như vậy kể cũng quý. Loay hoay một lúc, nó thấy gã đứng trước mặt mình:

- Sao đầu bù tóc rối vậy nhóc, lên xem cô dâu để còn học hỏi, khi nào đến lượt nhóc nhớ mời anh nhe.

Gã cười hinh hích bỏ đi, còn nho nhỏ hát: "Trời xe duyên nên khiến anh gặp em, cho lứa đôi kết thành...". Nó lầm bầm: "Oan gia".

Nguyên đạp xe ra chợ. Đường đê lộng gió, nó không về nhà ngay mà lang thang quanh chợ, lúc ra khỏi chợ trên tay đã có một túi hoa quả đủ loại. Chợ quê bán rẻ như cho, lại toàn quả ngon. Mấy tháng ở nhà với bà, thể nào Nguyên cũng tăng cân.

- Nhóc, nhóc!

"Oan gia" đứng xoạc cẳng, giang tay giữa đường ngăn xe lại:

- Chở anh ra chợ. Anh cần gọi điện.

- Khoai ở đâu mà bở thế?

- Con gái quê ghê gớm thật! Thế này nhé, cho anh mượn xe, anh cho (gã giơ hai ngón tay), còn cho mượn cả người và xe thì... năm ngón.

Nguyên phì cười, đồng ý luôn. Xem thử bao giờ thì gã hết tiền.

- Nhóc học lớp mấy rồi?

- Đoán đi.

- Xem nào, chắc lớp tám, nhưng cái mặt đáo để, ăn nói ghê gớm cho thêm một lớp nữa là lớp chín. Có đắt mấy cũng không qua khỏi lớp mười.

Nguyên bật cười, gã ngoái cổ lại:

- Cười gì thế?

Nguyên kéo áo gã, nhắc: 

- Đi cho cẩn thận.

- Khéo lo, anh là tay lái lụa đấy. Thành phố đông là thế anh còn biểu diễn được nữa là đường quê vắng vẻ thế này...

Một cái bóng màu đen vụt qua đường, trong một tích tắc ngắn ngủi. Ai mà chứng kiến chắc cũng chẳng kịp nhìn thấy gì ngoài tiếng chó kêu ăng ẳng đau đớn khuất dần sau bụi cây, tiếng xe đổ, tiếng kim loại va vào nhau. Đến khi định thần lại có thêm tiếng rên rỉ của một thằng con trai, và hiện trường hiện rõ có một cái xe đạp bánh trước quăn quéo như cái bánh phồng tôm, thằng con trai ngồi xoạc cẳng, một chân còn gác qua khung xe nhăn nhó ôm tay. Cách chừng một mét về phía sau là một đứa con gái đứng tỉnh bơ, áo quần nó vẫn sạch sẽ tinh tươm. Thằng con trai bực bội:

- Biết võ à?

- Không.

- Sao phi xuống lẹ vậy?

Nguyên không trả lời, dựng xe dậy. Gã bỏ luôn ý định ra chợ. Tìm chỗ sửa xe, Nguyên phải chở gã về, cần phải đến chỗ thầy lang, hình như tay gã bị bong gân hay trật khớp gì đó. Cổ tay gã đang sưng lên nhanh chóng.

Nguyên chở gã đến nhà thầy lang già, không biết ông làm gì mà ở ngoài này còn nghe gã hét lên đau đớn và giọng ông lang hả hê: "Xong rồi". Ông bó cho gã thứ thuốc bột thơm lừng mùi quế, gã nhăn nhó xuýt xoa. Nó tỉnh queo:

- Công nhận tay lái lụa.

Vụ ngã xe làm gã phải ngồi nhà cho bà chăm sóc. Nó có qua chơi mấy lần, nghe bà gã xuýt xoa thương cháu nội, nghe gã nhăn nhó khi nó thay thuốc giùm. Cái mặt nghênh nghênh hồi gặp ở mương rau muống đi đâu mất, nhưng cái miệng thì vẫn không chừa.

- Mai đi hái rau muống nữa nhe. Hôm đó cứ nghĩ mình vớ được cô thôn nữ ngoan hiền, ai ngờ hóa ra...

Nó không thèm đấu khẩu, nghiến răng siết hai đầu vải, gã cũng nghiến răng chịu đau mà không dám kêu. Bà nội gã tưởng nó giận, vội vàng ra mắng cháu mình. Nó hất mặt ra về, lòng đinh ninh mai sẽ buộc chặt hơn nữa cái băng cho bõ ghét.

Bà ốm, phải đi viện. Nguyên ở luôn ngoài viện với bà. Hai mắt nó sưng húp, nó hoảng sợ khi nghĩ một ngày nào đó nó sẽ không còn bà ở bên mà thương yêu, mà mắng "chó con". Gã ra thăm, mang theo một túi hoa quả. Nó hỏi mà không nhìn gã:

- Ra làm gì?

Gã thản nhiên:

- Ra cho y tá riêng thay băng. Tay đau mà.

Nó quay đi, không cười. Gã vẫn vẻ nghênh ngang thường ngày, cúi nhìn nó.

- Thôi nào, lớn rồi. Khóc người ta cười cho đấy.

Nguyên cảnh giác:

- Khóc hồi nào?

- Mắt sưng húp thế kia không khóc thì là gì?

Nước mắt Nguyên lại chảy ra. Rất tự nhiên, gã vòng tay qua, vỗ vai nó rất ân cần. Tối, gã ở lại viện trông bà với nó, cô bác sĩ còn nói bà có hai đứa cháu hiếu thảo. Hôm nào gã cũng ra, không nói ra, có gã, Nguyên cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

- Này.

- Gì?

Gã xòe tay ra:  - Năm ngón tay, anh còn nợ nhóc. Của nhà làm được đấy.

Nó lườm:

- Tôi có tay rồi, lấy làm gì nữa.

- Hôm nọ anh nói anh cho nhóc năm ngón tay, nhóc chả đồng ý là gì. Giờ nó là của nhóc rồi, nhóc muốn làm gì chúng thì tùy, nhưng anh báo trước, chúng rất thích được nắm thật chặt và ở gần tay nhóc như thế này này.

Nó rụt tay về. Gã cười hinh hích:

- Công nhận nhóc ẩn mình kỹ thật. Sẽ có một ngày anh ra thăm Thủ đô của nhóc. Sẽ mang năm ngón tay này trả cho chủ nhân mới của chúng. Chắc Thủ đô không có chó đâu nhỉ?

Cô bác sĩ báo mai bà được ra viện, nó chờ mãi mà chưa thấy gã ra. Đến trưa cũng không thấy. Tự dưng nó thấy dỗi, tự nhủ lát nữa gã đến, nó sẽ không thèm nói chuyện. Rồi lại tự giễu mình, gã không ra thì sao, gã có quyền không ra lắm chứ.

Bà về, cũng không thấy gã sang. Mãi tối, bà gã mới sang thăm, báo tin, bố mẹ gã ở trong Nam ra, gã phải đi đón, tiện đi cùng bố mẹ thăm thú họ hàng ở tỉnh bên. Gã vội đi nên không ghé thăm hai bà cháu nó cũng phải. Nguyên thở dài, nhìn lịch. Nó sắp phải đi rồi, sẽ không gặp được gã để chào. Mà đã có gì đáng để bịn rịn đâu.

Nguyên ở thêm với bà một tuần nữa. Một tuần vui bên bà nhưng vẫn thấy thiếu thiếu cái gì. Rồi tự hỏi cái tay của gã không biết đã lành hẳn chưa. Hôm nọ thằng nhóc nhà hàng xóm bị ngã trật khớp chân cũng được ông lang già chữa, chỉ một tuần là khỏi. Không biết gã có còn quay lại đây hay là vào luôn miền Nam. Có khi nào gã nhớ nó không? Một chút thôi?

Chiều nó đi, bà làm gà cho nó ăn, hai bà cháu cứ nhìn nhau. Nguyên bảo hay bà lên thành phố ở với bố mẹ nó mà bà không chịu, nói đã quen sống ở quê. Bà ngậm ngùi: "Mỗi năm cháu về thăm bà một lần là bà vui rồi. Hai năm nữa cháu ra trường, đi làm, rồi lấy chồng là hết có thời gian về ở với bà". Nó ngúng nguẩy: "Còn lâu cháu mới lấy chồng". Bà nhìn xa xăm: "Thằng cháu bà Tám Trầu cũng ngoan nết, bà thấy nó cũng được". Nó phì cười: "Nó được là việc của nó, liên quan gì đến cháu bà". Bà lườm nó: "Thì bà cứ nói thế!".

Nó cười, cũng nghĩ là gã được. Nó tin gã sẽ làm như những gì gã nói, gã là món quà quê đã tặng riêng nó trong mùa hè. Nó cười một mình, lan man nghĩ đến ngày mình được sở hữu những năm ngón tay... 


NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Đến đây một khắc tương phùng
Tri nhân tri kỷ ngại ngùng làm chi?
Đến đây một khắc ca thi
Dù mai không gặp xin ghi vào lòng

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội