'Я вас любил' - 'Tôi yêu em', bài thơ không hình ảnh

Started by saos@ngmo, 13/04/07, 15:30

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

'Я вас любил' - 'Tôi yêu em', bài thơ không hình ảnh

"Tôi yêu Em" của Puskin chắc chắn là một trong những bài thơ dịch nổi tiếng nhất ở nước ta nói chung và của dịch giả Thuý Toàn nói riêng. Bản thân người viết những dòng này cũng thuộc lòng bài thơ từ tuổi học trò.

Chân dung tự họa của Puskin.
Chân dung tự họa của Puskin.
Tuy nhiên, vì "Tôi yêu Em" không chỉ tồn tại trong sổ tay các bạn trẻ đang tuổi yêu đương mà còn được dạy trong trường phổ thông, tôi muốn góp ý với dịch giả về một vài chỗ chưa chính xác và nhất là một số khía cạnh độc đáo của nó mà có lẽ do thiếu thông tin nên ông đã bỏ qua.

Nguyên bản tiếng Nga của bài thơ như sau:

Я вас любил

Александр Сергеевич Пушкин

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам Бог любимой быть другим.

Dịch nghĩa:

Tôi yêu Em: tình yêu, có lẽ,
Trong lòng tôi vẫn chưa tắt hẳn;
Nhưng thôi, chớ để nó quấy rầy Em thêm nữa.
Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì.
Tôi yêu Em lặng thầm, vô vọng,
Bị giày vò khi vì rụt rè, khi bởi ghen tuông.
Tôi yêu em chân thành đến mức, dịu dàng đến mức,
Lạy Trời mà Em mà được ai khác yêu như vậy.

Còn đây là bản dịch của Thúy Toàn:

TÔI YÊU EM
Alexander Sergeyevich Pushkin

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

1. Một nhược điểm dễ nhận thấy trong câu đầu tiên của bản tiếng Việt là cụm từ "chừng có thể" không được Việt lắm, vì thế nó không trung thành với ngôn từ trong sáng của nguyên bản. Theo tôi, tốt nhất là ta cứ dịch một cách giản dị, sát nghĩa thành:

Tôi yêu em: tình yêu, có lẽ,

Tuy nhiên, đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng hơn là Thúy Toàn đã thay lối biểu đạt ngập ngừng đầy kịch tính của Puskin bằng một câu văn trôi chảy. Nhưng ngay cả điều này có lẽ cũng có thể chấp nhận được trong chừng mực nào đó nếu như nó không liên quan đến những đặc điểm quan trọng hơn mà tôi sẽ bàn dưới đây.

2. Một nét độc đáo của bài thơ nằm ở chỗ nó hoàn toàn không hề có một hình ảnh nào. "Ngọn lửa tình" là hình ảnh Thúy Toàn thêm vào, có lẽ do gợi ý của động từ "tắt" (угасла). Nhưng từ "tắt" ở đây chỉ đơn thuần có ý nghĩa là chấm dứt hẳn, kết thúc hoàn toàn, như khi ta nói "ngày đã tắt", "chiến tranh đã tắt hẳn" hay "hy vọng cuối cùng đã tắt". Chính nét độc đáo này đã gây nên những cuộc tranh cãi thú vị giữa những người theo quan điểm truyền thống (cho rằng "thơ là tư duy bằng hình tượng", rằng một bài thơ hay phải có hình ảnh độc đáo), với những nhà Hình thức chủ nghĩa (chủ trương "Nghệ thuật như là thủ pháp" - tên tiểu luận có tính cách mạng của Shklovsky đã được dịch ra tiếng Việt).

3. Một nét độc đáo khác của bài thơ là sự "nghèo nàn" về ngôn ngữ. Và điều này cũng lại trái ngược với quan niệm truyền thống cho rằng một bài thơ hay phải có ngôn từ phong phú, trau chuốt, hay độc đáo. Ngoài từ duy nhất ít mang nghĩa ít nhiều bóng bẩy là từ "tắt" chỉ sự kết thúc hoàn toàn đã nói ở trên, tất cả các từ trong bài đều được dùng với nghĩa trực tiếp, giản dị nhất. Roman Jakobson, trong bài Thơ của Ngữ pháp và Ngữ pháp của Thơ [1], chỉ ra rằng bài thơ chỉ có 47 từ nhưng có tới 14 đại từ, 10 động từ, và chỉ có 5 danh từ, đều là danh từ trừu tượng. Cái hay của bài thơ, vì thế, chủ yếu nằm ở các thủ pháp ngữ pháp đặc biệt, trong đó có cách ngắt câu ngập ngừng tôi đã nói ở trên.

4. Nhưng thủ pháp ngữ pháp đặc biệt nhất và hiệu quả nhất là ở hai câu cuối cùng, cũng là hai câu Thúy Toàn đã hiểu sai ý tác giả. Mặc dù "дай вам Бог" ở mệnh lệnh thức, nó thật ra không có ý nghĩa mệnh lệnh thức hay cầu khẩn. Puskin sử dụng nó làm vế thứ hai của một cấu trúc so sánh "так...как..." Nghĩa thực của câu cuối cùng không phải là một thái độ cao thượng: "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em" như trong bản dịch của Thúy Toàn, mà là "Có lạy Trời em [mới lại] được ai khác yêu chân thành, nâng niu đến thế". Lối nói này cũng tương tự khi người Việt nói: "Có trời mà biết được!" để nói rằng "Chẳng ai biết được đâu!"[2].

Tóm lại, Puskin muốn nói: "Tôi là người yêu Em nhất", hoặc "Chẳng bao giờ có ai yêu Em được như tôi nữa đâu!"

5. Một khó khăn khi dịch bài thơ là làm thế nào để chuyển tải ý nghĩa của lối dùng kính ngữ (вас) sang tiếng Việt. Tôi cho rằng Thúy Toàn đã đúng khi cho tác giả xưng "Tôi" chứ không phải là "anh". Tuy nhiên, với từ "em", tôi đề nghị dùng cách viết hoa. Đây chính là cách dùng kính ngữ của của người Italia: khi "lei" viết thường, nó được hiểu là ngôi thứ ba giống cái số ít (cô ta, bà ta...), còn khi viết hoa, "Lei", nó được hiểu là ngôi thứ hai, tương tự như "bac" trong tiếng Nga. (Trong bản dịch nghĩa ở trên tôi đã dùng cách viết hoa này).

6. Cuối cùng, viết những dòng này, với tư cách độc giả, tôi muốn tỏ lòng biết ơn đến dịch giả Thuý Toàn, người đã cho tôi biết Puskin trước khi tôi biết tiếng Nga. Bất kỳ bản dịch nào cũng cần phải sửa chữa nhiều lần. Tôi không có ý định đưa ra bản dịch của mình, vì Thúy Toàn xứng đáng là người tự chỉnh trang lại bản dịch. Vả lại, tôi nghĩ, giả sử có định dịch lại, chắc tôi cũng sẽ phải ghi tên Thúy Toàn là đồng dịch giả. Bản dịch của ông từ lâu đã là một phần ký ức trong tôi.

Normal, tháng 2/2006

Ngô Tự Lập

Lovers_Again

VÔ TÌNH-Puskin

Vô tình anh gặp em
Rồi vô tình thương nhớ
Đời vô tình nghiệt ngã
Nên chúng mình yêu nhau


Vô tình nói một câu
Thế là em hờn dỗi
Vô tình anh không nói
Nên đôi mình xa nhau


Chẳng ai hiểu vì đâu
Đường đời chia hai ngả
Chẳng ai có lỗi cả
Chỉ vô tình mà thôi

Vô tình suốt cuộc đời
Anh buồn đau mải miết
Vô tình em không biết
Nguy hiểm nhất là khi: Đứng trước Bò, Sau lưng Ngựa và ở cạnh người Ngu

Sao_Online

Aleksandr Sergeyevich Pushkin

Aleksandr Sergeyevich Pushkin (tiếng Nga: Алекса́ндр Серге́евич Пу́шкин (trợ giúp·chi tiết); 1799–1837) là đại thi hào, nhà văn, nhà viết kịch người Nga. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại.

Ông mất khi mới 37 tuổi nhưng đã để lại nhiều kiệt tác như "Evegny Onegin", "Người con gái viên đại úy", "Con đầm bích", "Boris Godunov"... Ông được coi là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn và tả thực nước Nga thế kỷ 19.



Sinh ngày: 6 tháng 6 năm 1799 tại Moskva
Mất ngày: 10 tháng 2 năm 1837
Nghề nghiệp: sáng tác thơ, văn, viết kịch
Quốc tịch: Nga
Trường phái: lãng mạn, tả thực
Tác phẩm chính: Evgeny Onegin, Người con gái viên đại úy

Thời thơ ấu

Puskin sinh ngày 6 tháng 6 năm 1799 (26 tháng 5 theo lịch cũ) tại Moskva trong một gia đình quý tộc Nga có nguồn gốc từ thế kỷ 12. Mẹ ông thuộc dòng dõi của Abram Petrovich Gannibal, một người nô lệ da đen của Pyotr Đại đế[1]. Nhờ thông minh xuất chúng và có những đóng góp lớn về quân sự, hàng hải cho nước Nga, Gannibal đã được Pyotr Đại đế nhận làm con nuôi. Thời thơ ấu, trong những tháng hè, Puskin thường tới sống với bà ngoại tại ngôi làng nhỏ Zakharov, gần thành phố Zvenigorod, ngoại ô Moskva. Những tháng ngày êm đềm ở đây về sau này được phản ảnh trong những bài thơ đầu tiên của Puskin ("Thầy tu", 1813; "Bova", 1814; "Lời nhắn cho Yudin", 1815; "Giấc mơ", 1816).

Thời niên thiếu

Sáu tuổi, Pushkin được tuyển vào trường Lyceum Hoàng gia[2], tại Tsarskoe Selo (Hoàng Thôn, nay là thị trấn Pushkin) gần thủ đô Sankt-Peterburg. Thời gian theo học tại đây ông đã chứng kiến cuộc Chiến tranh vệ quốc 1812 của nước Nga chống lại quân Pháp của Napoléon I. Ông có bài thơ nổi tiếng về chủ đề này - "Hồi ức về Hoàng Thôn" (Воспоминание о Царском Селе, 1815). Bài thơ này đã được nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng thời bấy giờ là Gavril Romanovich Derzhavin (Гаври́л Рома́нович Держа́вин) coi là một tác phẩm kiệt xuất và đã tôn vinh Pushkin, khi đó mới 16 tuổi, như một nhà thơ lớn của nước Nga.
Sau khi tốt nghiệp Lyceum, Pushkin tích cực tham gia vào các hoạt động văn học nghệ thuật của giới quý tộc trí thức trẻ tại Sankt-Peterburg, lúc bấy giờ đang nỗ lực đấu tranh cho một cuộc cách mạng xoá bỏ chế độ nông nô tại Nga. Thời gian này ông cho ra đời những bài thơ mang tính chính trị như "Gửi Chaadaev" (К Чаадаеву, 1818), "Gửi N. Ya. Plyuskova" (Н. Я. Плюсковой, 1818), "Làng quê" (Деревня, 1819)... Năm 1820 Pushkin cho in bản trường ca đầu tiên của mình - "Ruslan và Lyudmila" (Руслан и Людмила) và ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn về phong cách cũng như chủ đề, mặc dù cũng phải chịu sự công kích dữ dội từ phía chính quyền.

Đi đày

Mùa xuân 1820, do những bài thơ cách mạng, thống đốc Sankt-Peterburg, bá tước M. Miloradovich, đã quyết định đày Pushkin tới Sibir. Tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ và ảnh hưởng của những người bạn (Nikolai Mikhailovich Karamzin, Pyotr Yakovlevich Chaadaev, Fyodor Nikolaevich Glinka), cuối cùng ông chỉ phải chịu mức án nhẹ hơn là bị trục xuất khỏi thủ đô Sankt-Peterburg vô thời hạn. Sau khi rời Sankt-Peterburg, Pushkin đã đi xuống miền nam nước Nga, tới Kavkaz và Krưm, Moldavia, Kiev. Trong thời gian này ông vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới có ảnh hưởng rất lớn tới văn học Nga thế kỷ 19, như "Người tù Kavkaz" (Кавказский пленник, 1822), "Gavriiliada" (Гавриилиада, 1821), "Anh em lũ cướp" (Братья разбойники, 1822), "Đài phun nước Bakhchisarayskiy" (Бахчисарайский фонтан, 1824). Năm 1823, ở Kishinov, Pushkin bắt tay vào viết tiểu thuyết bằng thơ, kiệt tác "Evgeny Onegin"[3] (Евгений Онегин).


Bản viết tay của Pushkin

Tháng 7 năm 1824, với đơn xin ân xá, Pushkin được chính quyền cho phép về ở khu trang trại Pskov tại vùng Mikhailovskoe dưới sự kiểm soát của gia đình. Tại Mikhailovskoe ông đã sang tác những tác phẩm lịch sử như vở kịch "Boris Godunov" (Борис Годунов, 1825), "Với biển cả" (К морю, 1826), trường ca "Những người Digan" (Цыганы, 1827).

Năm 1825, trong lần sang thăm trang trại láng giềng, Pushkin đã gặp nàng Anna Kern, người tạo cho ông cảm hứng để sáng tác bài thơ nổi tiếng "Gửi K". Cuối năm 1825 đầu năm 1826 kết thúc chương năm và sáu của "Evgeny Onegin", mà lúc đó Puskin coi là đoạn kết cho phần một của tác phẩm.

Cuối năm 1825, thông qua một số viên chức có thiện chí, Pushkin đã được tiếp cận Sa hoàng Nikolai I để đệ đơn xin ân xá và được Sa hoàng chấp thuận. Tuy nhiên sau thất bại của cuộc Cách mạng tháng Chạp 1825 tại Sankt-Peterburg, chính quyền đã xem xét lại tất cả các ấn phẩm chống đối chính quyền của Pushkin trước đó và quyết định buộc ông bị quản thúc tại gia và có chính sách kiểm duyệt nghiêm khắc các tác phẩm của nhà thơ. Pushkin đã chuyển về Moskva sống trong thời gian này.


Tượng Pushkin ở Moskva

Năm 1831 được đánh dấu bởi một sự kiện rất quan trọng trong sự nghiệp của Pushkin, ông đã có buổi gặp gỡ với Nikolai Vasilevich Gogol, một nhà văn Nga nổi tiếng khác. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn thân và luôn hỗ trợ nhau trong hoạt động nghệ thuật. Puskin đã có ảnh hưởng lớn tới những nhân vật trong các tác phẩm châm biếm phê phán hiện thực của Gogol.

Cùng năm 1831, Pushkin kết hôn với người đẹp Natalia Goncharova, người đã đem lại cho ông cảm hứng sáng tác lớn lao. Ông hoàn tất chương "Bức thư của Onegin" trong tác phẩm "Evegeny Onegin" và cũng là chương kết của công trình vĩ đại mà nhà thơ đã mất 8 năm để thực hiện.

Trở lại Sankt-Peterburg

Tháng 11 năm 1833, Puskin trở lại Sankt-Peterburg, và cảm thấy cần phải có những thay đổi lớn trong cuộc sống, ông không muốn bị kìm kẹp trong bốn bức tường do chế độ quản thúc.

Nhờ sự sủng ái của Sa hoàng Nikolai I, đầu năm 1834 chế độ quản thúc đối với Pushkin được nới lỏng, tuy nhiên các tác phẩm thơ ca của ông vẫn phải có sự đồng ý của Sa hoàng mới được phát hành. Do vậy hoàn cảnh kinh tế của nhà thơ không được thuận lợi, Pushkin phải đăng ký vào một chức vụ thư lại trong viện biên sử của Sa hoàng. Thời kỳ này, Puskin chuyển hướng sang viết văn xuôi. Ông sáng tác truyện vừa như "Con đầm bích" (Пиковая дама), tiểu thuyết như "Dubrovski" (Дубровский, 1832-33), "Con gà trống vàng", "Người da đen của Pyotr Đại đế" (không hoàn thành)...

Cùng với những người bạn, Pushkin đã thành lập tờ tạp chí Người đương thời (Современник). Nhiều tác giả nổi tiếng của Nga thời bấy giờ như Aleksandr Ivanovich Turgenev, N.V. Gogol, V.A. Zhukovski, P.A. Vyazemski đã ủng hộ bằng cách gửi những tác phẩm mới nhất của mình tới cho tạp chí này. Tuy nhiên, độc giả Nga khi đó chưa quen với những bài viết mang tính phê phán hiện thực sâu sắc đã không hưởng ứng tạp chí Người đương thời. Số lượng độc giả quá ít khiến ban biên tập lâm vào tình thế rất khó khăn, họ không có đủ tiền để trang trải cho việc in ấn và thù lao cho cộng tác viên. Hai số cuối của tạp chí có đến quá nửa là sáng tác của Pushkin, phần lớn là để vô danh. Tiểu thuyết "Người con gái viên đại úy" (Капитанская дочка) chính là được in trên tạp chí này.

Đấu súng

Vợ của Puskin, Natalya Goncharova là một phụ nữ đẹp và quý phái vì vậy luôn có rất nhiều người ái mộ, trong số đó có cả Sa hoàng Nikolai I. Trong khi đó Puskin, do nguồn gốc châu Phi của mình, lại có một bề ngoài không mấy bắt mắt. Điều này làm cho Puskin rất khó chịu và không ít lần cảm thấy bực bội.

Năm 1837, do những tin đồn thất thiệt về quan hệ ngoại tình của vợ mình với Georges d'Anthès, một sỹ quan kỵ binh trong quân đội Sa hoàng, Puskin đã thách đấu súng với viên sĩ quan trẻ tuổi này. Cuộc đọ súng đã kết thúc hết sức bi kịch khi cả hai đối thủ đều bị thương, nhưng Puskin đã bị trọng thương và qua đời hai ngày sau đó – ngày 10 tháng 2 năm 1837 (29 tháng 1 trong lịch Julian).

Ghi chú

1. Sau này vào những năm 1830, Puskin đã viết cuốn tiểu thuyết về Abram Petrovich Gannibal, có tựa đề là "Người nô lệ da đen của Pyotr Đại đế". Tuy nhiên cuốn tiểu thuyết này đã không được hoàn thành vì ông bất ngờ qua đời sau vụ đọ súng với Georges d'Anthes.

2. Lyceum Hoàng gia là trường dành cho các học sinh quý tộc Nga từ cấp tiểu học cho tới trung học; học sinh theo học Lyceum thường có độ tuổi từ 8 tới 17.

3. "Evegeny Onegin" là tác phẩm dài nhất và nổi tiếng nhất của Puskin. Ông đã dày công thực hiện nó trong gần tám năm trời (1823-1830). Sau này nhà soạn nhạc người Nga nổi tiếng Tschaikovski đã dựa vào bản trường thi này để viết vở opera "Evgeny Onegin".

Một bài thơ

Что в имени тебе моем?

     
Что в имени тебе моем?
Оно умрет, как шум печальный
Волны, плеснувшей в берег дальний,
Как звук ночной в лесу глухом.
     
Оно на памятном листке
Оставит мертвый след, подобный
Узору надписи надгробной
На непонятном языке.
     
Что в нем? Забытое давно
В волненьях новых и мятежных,
Твоей душе не даст оно
Воспоминаний чистых, нежных.

Но в день печали, в тишине,
Произнеси его тоскуя;
Скажи: есть память обо мне,
Есть в мире сердце, где живу я...

Còn lại gì cho em

Còn lại gì cho em trong tên gọi
Sẽ chết đi như tiếng dội buồn thương
Của ngọn sóng vỗ bờ xa mòn mỏi
Như rừng sâu tiếng vọng giữa đêm trường.
     
Cái tên gọi trong những dòng lưu bút
Để lại cho em dấu chết, tựa như
Lời ai điếu giữa những viền hoạ tiết
Mà lời văn nghe u ẩn, mịt mù.
     
Cái tên gọi đã từ lâu quên lãng
Trong những cơn xúc động mới cuồng điên
Chẳng hề gợi trong hồn em một thoáng
Hoài niệm xưa bao tha thiết êm đềm.
     
Nhưng nếu gặp ngày âm thầm đau đớn
Phút u buồn xin em hãy gọi tên
Và hãy nói: vẫn còn đây kỷ niệm
Em vẫn còn sống giữa một trái tim.

What's in my name? It's soulless
     
What's in my name? It's soulless,
It shall expire, like the dismal roar
Of waves that hit the distant shore, --
Like nighttime noises in the forest!
     
Upon the memo sheet, in grief,
Its imprint in the stillborn gloom,
Much like the writing on the tomb,
In foreign language it will leave.
     
What's in it? All the lost and trite
In new and wild insurrection,
Within your soul it won't excite
The pure and kind recollections.
     
But silently, in time of anguish
Pronounce it softly while grieving
Say that my memory won't vanish
That there's a heart in which I'm living...
Đi dân nhớ, ở dân thương!

Sao_Online

ĐẤU SÚNG

Về nguyên nhân cuộc đấu súng của A.S.Pushkin lâu nay đã tồn tại nhiều giả thuyết, chứng cứ khác nhau, nhiều lời đồn đại và đàm tiếu, nhiều nhân chứng, từ các bác sĩ đến bạn bè của nhà thơ. Hơn nữa, sự thật, tất nhiên, ở mỗi người một khác.



Natalia Goncharova

Cuộc đấu súng của Pushkin và Dantes diễn ra ngày 8 tháng 2 năm 1837. Hai ngày sau, 10 tháng 2, nhà thơ số một của nước Nga qua đời. Theo thông tin chính thức, Pushkin bị chết bởi một vết thương từ viên đạn súng lục của Dantes.

Tất nhiên, nếu cuộc đấu súng diễn ra trong thời đại ngày nay thì nhà thơ có thể được cứu sống - các nhà y học nhiều lần khẳng định rằng vết thương của Pushkin không nghiêm trọng lắm, nhưng khoa học lúc bấy giờ chưa đủ trình độ để cứu chữa cho ông.

Gây nhiều tranh cãi hơn cả là nguyên nhân dẫn tới cuộc đấu súng bất hạnh. Nói một cách khác, ai là người có lỗi trong cái chết của Aleksandr Pushkin? Về vấn đề này lâu nay đã tồn tại nhiều giả thuyết, chứng cứ khác nhau, nhiều lời đồn đại và đàm tiếu, nhiều nhân chứng, từ các bác sĩ đến bạn bè của nhà thơ. Hơn nữa, sự thật, tất nhiên, ở mỗi người một khác.

Giả thuyết cổ điển được giảng dạy ở trường phổ thông như sau: một vài năm sau khi cưới cô vợ trẻ xinh đẹp Natalya Goncharova, Pushkin chạm trán với kẻ tình địch của mình George Dantes. Anh chàng người Pháp này ra sức ve vãn vợ của Pushkin, sau đó bị thách đấu súng và đã sát hại nhà thơ. Tuy nhiên, càng ngày các nhà nghiên cứu càng phát hiện ra nhiều chi tiết khác biệt so với những gì ban đầu chúng ta lầm tưởng.

Cuộc đấu súng thứ nhất của Pushkin và Dantes không thành vì nó được thách trước thềm đám cưới của Ekaterina Goncharova (chị gái của Natalya) và Dantes. Và cuộc đấu súng lần thứ hai do Pushkin thách đã trở thành định mệnh.

Ngoài rất nhiều những phỏng đoán khác nhau về mối quan hệ qua lại bên trong bộ ba này còn có một số giả thuyết đã được khẳng định bằng tư liệu.

Giả thuyết đầu tiên thuộc về bá tước Aleksandr Vasilyevich Trubetskiy, vốn không phải là chỗ thân tình với Pushkin, nhưng hiểu ông rất rõ qua các cuộc gặp gỡ riêng trong xã hội thượng lưu Peterburg và qua mối quan hệ gần gũi của mình với Dantes. Câu chuyện được ghi lại của bá tước kể về một mối quan hệ hoàn toàn mới đối với tấn bi kịch này. Theo các hồi ức và chứng cứ mà Trubetskiy tiếp cận được thì Pushkin hoàn toàn không ghen Natalya với Dantes. Tình hình ở đây hơi khác thường - Pushkin yêu cô em gái của vợ, Alexandrine, một người không xinh đẹp như bà chị, nhưng lại cực kỳ thông minh. Nàng cũng đem lòng yêu nhà thơ khi ông còn chưa cưới Natalya, và hơn nữa, nàng còn thuộc lòng tất cả các tác phẩm của ông. Như Trubetskiy khẳng định, Pushkin đã đáp lại mối tình của Alexandrine.

Dantes thường hay đến chơi nhà Pushkin. Anh ta tán tỉnh Natalya như với tất cả những người đẹp khác, nhưng nói chung anh ta cũng không say đắm nàng một cách đặc biệt. Những bức thư do Liza, người hầu của Natalya, chuyển tới cũng không nói lên điều gì: trong thời chúng ta đó là chuyện bình thường. Pushkin biết rất rõ rằng Dantes không thực sự say đắm vợ mình. "Nhà thơ nói chung không ghen, nhưng như ông nói, ông rất ghét Dantes bởi lối cư xử hỗn láo, ngôn ngữ khiếm nhã đối với các bà" - Bá tước Trubetskiy khẳng định.

Vâng, Pushkin có ác cảm với Dantes, nhưng ông cũng chỉ dừng lại ở đó. Cuộc đấu súng trở thành hậu quả của một mối ghen tuông khác - với cô em gái Alexandrine: chẳng bao lâu sau lễ cưới Pushkin đi lại với Alexandrine. Sự kiện này không còn gì phải nghi ngờ. Chính Alexandrine đã thú nhận điều đó. Bạn hãy nghĩ xem, trong hoàn cảnh đó liệu Pushkin còn có thể ghen vợ mình với Dantes? Nếu như Pushkin không thích những cuộc viếng thăm của Dantes, thì nói chung không phải vì Dantes tán tỉnh và pha trò với vợ ông, mà là vì khi đến chơi nhà Pushkin, Dantes gặp gỡ với Alexandrine.

Nguyên nhân chính của cuộc đấu súng là sự kiện Dantes cùng với vợ là Ekaterina sắp sửa rời nước Nga sau lễ cưới và Alexandrine cũng chuẩn bị đi cùng họ. Tất nhiên, vì câu chuyện tình giữa Pushkin và Alexandrine được giữ bí mật rất cẩn thận, nên mối quan hệ của Dantes với Natalya đã trở thành nguyên nhân chính thức.

Giả thuyết thứ hai thuộc về một hậu duệ của George Dantes, nam tước Loter de Gekkern Dantes. Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây trên tờ "Thanh niên Moskva" ông đã đưa ra giả thuyết của mình dựa trên nhiều công trình nghiên cứu. Theo nam tước, Pushkin yêu Natalya, yêu một cách chân thành, ngưỡng mộ nàng, nhưng lại tỏ ra rất "gia trưởng", ông không cho vợ thể hiện cá tính của mình. Loter de Gekkern đã đưa ra một bằng chứng là lá thư của nhà thơ gửi mẹ vợ của mình, bà Natalya Ivanovna Goncharova, trong đó ông viết: "Nghĩa vụ của vợ con là phục tùng những gì con cho phép".

Vladimir Fridkin, tác giả cuốn sách "Ngành Pushkin học ở nước ngoài", viết: "Khi cưới Natalya, Pushkin ý thức được rằng Natalya còn chưa yêu ông, và ông đã viết điều đó cho bà mẹ vợ. Nhưng vào năm 1831 ông muốn tu tỉnh và tin rằng có thể sống hạnh phúc với Natalya. Nàng chính là nguyên mẫu của nhân vật Tachyana Larina trong tiểu thuyết thơ "Evgeniy Onegin" - điềm đạm, thủy chung, kín đáo... Nhưng ta hãy nhớ lại xem tác phẩm này đã kết thúc như thế nào: là vợ của một viên tướng, nhưng linh hồn của Tachyana lại thuộc về một người đàn ông khác. Đối với Pushkin sự chung thuỷ về thể xác của nhân vật đối với người chồng hợp pháp trong câu chuyện này không phải là điều chủ yếu. Đối với các thi sĩ nói chung, thế giới nội tâm bao giờ cũng quan trọng hơn...".

Chính vì vậy, ngày 4 tháng 11 năm 1836, sau khi nhận được bức thư nặc danh về sự phản bội của vợ, Pushkin đã tra hỏi Natalya Nikolayevna và nàng đã chính thức thừa nhận có quan hệ với Dantes. Điều quan trọng không phải là sự phản bội về thể xác, mà là tinh thần. "Ngôi nhà của thi sĩ giây phút này sụp đổ như làm bằng cáctông - Vladimir Fridkin viết tiếp - Pushkin đánh mất ý nghĩa cuộc sống của mình. Ông không muốn giết chết người khác chỉ vì hắn được vợ mình yêu. Nhưng có thể tìm cái chết cho chính bản thân mình bằng chuyện đó. Rất có thể đấy là nguyên nhân của những hành động rồ dại của Pushkin trong những tháng cuối cùng của cuộc đời". Trong hồi ký của mình Sologub viết: "Tất cả mọi người đều ngăn cản Pushkin. Chỉ một mình ông không muốn điều đó". Pavlishchev, con rể của Pushkin cũng viết: "Nhà thơ tìm đến cái chết, vì ông sẽ rất bất hạnh, nếu như còn sống...".

Tuy nhiên, giả thuyết này không được bà Galina Sedova, người phụ trách nhà lưu niệm Pushkin, tác giả cuốn sách vừa hoàn thành về những tháng cuối đời của nhà thơ, chia sẻ. Theo bà, giả thuyết cho rằng Pushkin muốn kết thúc cuộc đời là không chính xác: "Ông muốn sống, làm việc và hoàn toàn không có ý định chết. Ví dụ, trong ngày đi đấu súng ông còn yêu cầu chuyển các vở kịch cho tờ tạp chí của mình".

Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn nhận xét rằng đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện này là người làm chứng của George Dantes, hầu tước Olivie d'Arshiak: ông ta luôn tìm cách hòa giải các đối thủ. Ông ta đã thực hiện thành công điều đó vào tháng 11 năm 1836, khi Pushkin lần đầu tiên thách đấu với Dantes. Chính vì sợ d'Arshiak lại thuyết phục được họ, đêm trước cuộc đấu súng bất hạnh, Pushkin tìm mọi cách tránh gặp ông ta.

Qua các hồi ức của những người đương thời, Sedova nhận xét rằng trước ngày xảy ra cuộc đấu súng, Pushkin viếng thăm rất nhiều bạn bè. Thậm chí ông còn đến gặp cả nhà văn Fedorov và trò chuyện gần hai giờ đồng hồ, mặc dù Fedorov là người mà Pushkin luôn luôn coi thường. Từ đó có thể kết luận rằng Pushkin muốn kéo dài thời gian.

Nhiệm vụ thứ hai mà nhà thơ đã hoàn thành là ý định bảo vệ người làm chứng của mình Konstantin Danzas khỏi bị truy tố vì đã không báo cáo với nhà chức trách về cuộc đấu súng đang được chuẩn bị.

Sedova cho rằng Pushkin đã chọn trước cho mình người làm chứng là Danzas và thỏa thuận cùng với ông ta về điều đó. Tuy nhiên, về sau nhà thơ đã làm tất cả để chứng minh rằng thỏa thuận đó xuất hiện ngay trước cuộc đấu súng.

Pushkin đã giới thiệu người làm chứng của mình vào phút chót. Ông đã giải quyết hai vấn đề - bảo vệ cho Danzas khỏi bị truy tố và loại trừ khả năng bị d'Arshiak hoà giải. Không một ai để ý tới những chi tiết tế nhị này.

Về sau Danzas bị xét xử vì ông là người làm chứng cho Pushkin và không báo cáo về cuộc đấu súng. Các lời khai của ông ta cho thấy rằng vào ngày xảy ra cuộc đấu súng, ông đã gặp Pushkin bên chiếc cầu ở Vườn Mùa hạ. Họ lặng lẽ đi tới Đại sứ quán Pháp và gặp d'Arshiak. Chỉ ở đây Pushkin mới kể cho ông ta hết mọi việc, họ đưa ra các điều kiện của cuộc đấu súng, rồi các thành viên đi đến sông Đen. Và kết quả điều tra đã chứng minh rằng Danzas quả thật là người làm chứng một cách ngẫu nhiên, vào đúng phút chót, tình tiết này đã làm giảm tội cho ông ta.

Tuy nhiên, trên đây vẫn là những giả thuyết về cuộc đấu súng của Pushkin. Trong tương lai các nhà nghiên cứu văn học sử sẽ còn phải đưa ra các giả thuyết khác trên cơ sở những tư liệu có thể sẽ được tìm thấy nữa. Chỉ một điều chúng ta có thể khẳng định chắc chắn: ngày 10 tháng 2 năm 1837, nước Nga đã vĩnh viễn mất đi một thi sĩ vĩ đại.
Đi dân nhớ, ở dân thương!

Sao_Online

CHÙM THƠ NGA

Dịch giả Thuý Toàn


KHÔNG, TÔI NÀO NỮA YÊU EM

Mikhail Lermontov


Không, tôi nào nữa yêu em;
Mộng xưa đau đớn, cuồng điên qua rồi;
Nhưng nơi sâu kín lòng tôi
Hình em vẫn sống, tuy vời vợi xa;

Đã say mộng mới thiết tha
Nhưng hình ảnh ấy dễ là đã quên;
Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng,
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ!
1831


TÔI YÊU EM

Aleksandr Puskin


Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
1829


GỬI...*
Aleksandr Puskin


Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu:
Trước mặt anh em bỗng hiện lên,
Như hư ảnh mong manh vụt biến,
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.

Giữa day dứt sầu đau tuyệt vọng,
Giữa ồn ào xáo động buồn lo
Tiếng em nói bên tai anh văng vẳng,
Bóng dáng em anh gặp trong mơ.

Tháng ngày qua. Những cơn gió bụi
Đã xua tan mộng đẹp tuổi thơ,
Lãng quên rồi giọng em hiền dịu,
Nhòa tan rồi bóng dáng nguy nga.

Giữa cô quạnh âm u tù hãm
Dòng đời trôi quằn quại hắt hiu,
Chẳng tiên thần, chẳng nguồn cảm xúc,
Chẳng đời, chẳng lệ, chẳng tình yêu.

Cả hồn anh bỗng bừng bừng tỉnh giấc:
Trước mặt anh em lại hiện lên,
Như hư ảo mong manh vụt biến
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.

Quả tim lại rộn ràng náo nức,
Vì trái tim sống dậy đủ điều:
Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc,
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.
1825

* Puskin gửi người yêu là Anna Kern.


GỬI...*

Mikhail Lermontov


Ta ngẫu nhiên gần nhau nhờ số phận,
Tìm thấy mình ở lẫn trong nhau,
Hai tâm hồn xích lại gần thân ái,
Dù bước đời kẻ trước, người sau!

Cũng như vậy, dòng nước xuân soi sóng
Vòm trời xanh vòi vọi trên cao,
Trong sóng đêm, vòm trời như tỏa nắng,
Và run lên với ngọn sóng dâng trào.

Xin em hãy là trời cao lồng lộng
Bạn phong ba bão tố của đời tôi;
Giữa hai đứa hãy bùng lên bão lớn,
Tôi sinh ra sống cùng bão mà thôi.

Tôi sinh ra để loài người, tất cả
Thấy chiến công hay cái chết của tôi,
Nhưng bên em, ngọn hải đăng dẫn tới,
Để loài người khen ngợi hoặc nhạo cười.

Thiên hạ đâu hiểu được lòng thi sĩ,
Tâm hồn tôi ai thương yêu được nhỉ?
Ai cảm thông nỗi buồn chán của tôi,
Niềm hoan hỉ ai biết cùng chia sẻ?
1832

* Bài thơ viết về Varvara Aleksandrovna Lopukhina, người mà tác giả say mê từ thời trẻ.


NƯỚC XUÂN

Fedor Chiutchev


Trên đồng ruộng vẫn còn vương tuyết trắng
Mà nước đã ồn ào báo hiệu mùa xuân
Nước tuôn chảy, thức dài bờ say mộng,
Lấp lánh tuôn, chuyện vãn luôn mồm.

Nói luôn mồm với mọi nơi mọi chốn:
"Xuân đã đến kìa, xuân đang đến kia kìa!
Xuân đã phái chúng tôi đi trước,
Là người đưa tin của xuân trẻ măng tơ!"

Xuân đang đến, mùa xuân đang sắp đến!
Theo chân nàng vòng nhảy cầm tay
Những ngày tháng Năm thanh bình, ấm áp,
Má hồng hào, ngời ngợi chen vui.
1830


GIÔNG BÃO MÙA XUÂN

Fedor Chiutchev


Giông bão tháng Năm sao yêu thế,
Tiếng sấm đầu tiên tiếng sấm xuân,
Dường như nghịch ngợm, như đùa giỡn,
Bỗng chợt ầm vang giữa trời xanh.

Tiếng rền tươi trẻ rung trời đất,
Mưa bụi bung theo rắc bốn phương,
Ngàn vạn ngọc châu mưa lơ lửng,
Mặt trời nhuộm thắm chỉ mưa vàng.

Hối hả nước tuôn từ triền núi,
Ríu rít chim muông rộn khắp rừng,
Tiếng nước tiếng mưa cùng mở hội,
Hòa theo tiếng sấm góp vui chung.

Em bảo: thần Hebe* đỏng đảnh
Cho đại bàng của thượng đế mồi ăn,
Bỗng cất tiếng cười, nghiêng cốc đổ
Rượu sấm đang sôi tắm cõi trần.
1828

* Hebe (Juventas) - nữ thần Tuổi trẻ vĩnh cửu, con của thần Dớt và Hêra. Nàng được giao nhiệm vụ tiếp rượu tiên cho các vị thần trong bữa ăn trên đỉnh Olimpia và chăm nuôi con đại bàng của phụ thân nàng là thần Dớt, chúa tể của tất cả thần linh và người trần.
Đi dân nhớ, ở dân thương!

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội