Bạn cũ - Tác giả Phạm Thị Điệp Giang

Started by saos@ngmo, 31/05/07, 17:23

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

Bạn cũ
Tác giả Phạm Thị Điệp Giang   


Mẹ tôi gọi điện tới văn phòng: "Có đứa nào tìm con đấy. Nó hỏi mẹ số di động, thấy mẹ có vẻ ngập ngừng không muốn cho, nó nói, cháu không làm hại gì Hương đâu bác. Tự dưng mẹ thấy lo lo".

Tôi điểm đi điểm lại trong óc, không đoán ra nổi đó là ai. Mọi thứ đang bình thường, rồi bỗng chốc, một ai đó tìm gặp bạn và lại nói "không làm hại gì cả", bạn sẽ nghĩ gì?

Mẹ bảo: "Nó nói giọng Sài Gòn, cũng thưa dạ tử tế lắm". Bố bảo: "Thưa dạ tử tế cũng chẳng nói lên điều gì. Cái con Lan hay đẩy xe cho ông Tường đấy, cũng thưa dạ tử tế lắm".

Bố đang nói đến chị Lan cave. Trước tôi vẫn ngỡ là con gái ông Tường. Ông Tường vừa nghỉ hưu sớm hồi đầu năm, do một vụ đột quỵ. Ông mới chuyển tới khu tập thể tôi ở chừng hai năm nay. Bình thường, ông cũng không quan hệ với ai. Sáng có ôtô con tới rước đi, chiều, có ôtô con chở về. Sau vụ đột quỵ, từ một con người đầy quyền lực ở cơ quan, ông trở thành kẻ tàn phế, ngày đợi người tới bón đủ ba bữa cơm vào miệng; sáng, chiều cũng phải có người đẩy xe lăn cho ra ngoài hít tí bụi đường. Chị Lan là người đó.

Mẹ tôi bảo: "Thì đã làm sao? Ông cứ thành kiến. Con người ta, sông có khúc, người có lúc. Cũng vì hoàn cảnh mà nó phải vậy". Bố đặt cốc bia xuống bàn: "Tốt đến mấy, cũng vẫn là cave".

Từ ngày ông Tường đổ bệnh, bà vợ ông lại sinh ra đổ đốn. Sáng bà nói bà đi tập thể dục thẩm mỹ với mấy bà bạn. Tối bà nói bà đi tập khiêu vũ cổ điển. Có buổi tối nhà tôi đang ăn cơm, nghe điện thoại réo. Hoá ra, ông Tường gọi điện sang kêu bố tôi "cấp cứu" cho vì từ sáng đến tối bị nhốt trong nhà không một hạt cơm (bố tôi là trưởng khu tập thể). Đó mới là bữa bố tôi biết con gái ông Tường đi nước ngoài từ lâu, nhà ông giờ chỉ có ba người: bà vợ, chị Lan và ông. Bố tôi hỏi: "Thế cái Lan đâu lại để ông chết đói thế này?". Ông Tường mới ngậm ngùi trả lời: "Nó cũng đâu phải người ở. Vợ tôi thuê nó về ngày đẩy tôi hai vòng quanh phố buổi sáng và chiều. Cơm bữa sáng, bữa trưa nó lo.

Chứ từ 6h là nó đi đứng đường rồi". Bố tôi giận quá mới bảo: "Tôi chả thấy nhà ai như nhà ông, lại thuê cả cave về hầu". Ông Tường xót xa: "Nói thực với ông, tôi ốm đau, bệnh tật thế này, nhiều người đến ở nhưng không chịu được. May mà đến cái Lan, không hiểu vì nó cần tiền quá, hay vì nó quen chịu khổ rồi, mới lo hết cả mấy thứ việc khó làm ấy mà chẳng kêu ca gì. Sau này, chúng tôi mới phát hiện ra nó là cave, lúc đầu cũng bực, nhưng sau nghĩ đi nghĩ lại, thấy chỉ có nó mới chịu tận tụy chăm sóc tôi. Ngay cả nhà tôi bây giờ, ông thấy đấy...".

Kết thúc cả bữa tối, tôi vẫn chịu không tài nào nghĩ ra ai đã gọi điện cho mình. Bố mẹ vừa dọn bàn, vừa dặn tôi phải cẩn thận. Thời buổi này, trăm nghìn thứ làm người ta phải lo lắng.

"Cháu không làm hại gì Hương đâu", quái lạ, tôi thầm nghĩ. Chẳng làm hại gì, chỉ cần một câu nói thôi, đã đủ làm người ta mất ngủ mấy đêm. Ơ văn phòng công ty, cách đây gần 2 tháng, chị Lý một tuần liền đi làm với đôi mắt sưng vù. Đến một hôm, không nén nổi nữa, vừa tới cửa đã khóc toáng lên. Mọi người chạy tới hỏi, mới lập cập kể, chẳng hiểu sao, cả tuần liên tục, cứ có người gọi điện tới số di động, nói chị cướp chồng người ta, rồi cứ cụt lủn một câu kết thúc "Mày không cẩn thận, bà tạt axít cho hỏng đời mày".

Cả trưa hôm ấy, chẳng ai đi ăn, chỉ ngồi nghĩ cách giúp chị Lý. Ai cũng biết, chị Lý hiền lành, tính tình đôn hậu, từ xưa đến nay không thù oán ai. Chồng chị Lý đi công tác nước ngoài hơn một năm nay, chị Lý ở nhà với bố mẹ chồng, chăm sóc thằng bé con quanh năm đau ốm. Cuối cùng, anh Tứ bảo vệ mới nói, một mặt cứ báo công an, một mặt, đích thân anh Tứ hàng ngày sẽ lĩnh nhiệm vụ đưa đón chị Lý đi làm. Khi công an điều tra ra, mới biết, bà "Hoạn Thư" kia nhầm số chị Lý với người khác.

Đấy, chỉ là vài cái chuyện cỏn con, người thực việc thực xung quanh, đã đủ khiến ta mệt mỏi. Cứ thu mình lại, bảo toàn sự yên ổn, đó là lựa chọn tốt nhất thời bây giờ. Như đang yên đang lành thế này, lại có người gọi tới, nói "không làm hại gì đâu", hỏi có còn ăn, còn uống, còn làm việc, ngủ nghê được như thường?

Ba ngày sau, đang gà gật trong giờ ngủ trưa ở công ty, tôi nhận được tin nhắn: "Tao đây. Đứa bạn khó khăn được mày cho 2000 ăn cơm đây. Còn nhớ không?". Tôi nghĩ thầm, chắc là nó rồi. Nó - là cái đứa gọi điện cho mẹ tôi đây mà. Nhưng biết được là đứa nào chứ? Tôi nhắn lại: "Tao mà lại tốt thế sao? Mà mày là ai?".

Chẳng phải lâu la, ngay bữa trưa hôm sau, tôi đã ngồi đối diện với nó. Phụng. Phụng Lâm Đồng. Phụng Lâm Đồng cùng lớp đại học. Nó vẫn thế, chẳng thay đổi gì. Tóc vẫn cứ hoe hoe vàng, mắt nâu, da trắng, như lai Tây. Tôi cười cười: "Mày để lại câu nhắn mà làm cả nhà tao sợ. Tao cũng mất ngủ mấy ngày nay". Nó cười phá lên: "Mày có làm gì mờ ám không mà phải sợ ai? Tao chỉ muốn gặp mày vì nhớ, vì lâu quá, thế thôi".

Phụng kể, bố mẹ Phụng đã bán nhà ở Lâm Đồng, cả nhà đi theo bảo lãnh của anh cả, sang Mỹ sống đã được gần năm nay. "Có mỗi mình tao ở lại, hàng tháng sống nhờ trợ cấp của ông bà già", Phụng lại cười. "Hôm bữa, mở album lớp mình ra coi, tự dưng tao nhớ mày quá trời. Tao nghĩ mày chẳng nhớ cái vụ 2000 đâu, nhưng mà tao nhớ. Hôm bữa tao đói quá, mà không còn xu dính túi, mày móc túi lấy ra 2000, mày bảo tao mua gì mà ăn, tao mua được một suất cơm trong ký túc xá, ăn kỳ hết mới thôi". "Trời ạ, mày nhớ mấy cái vụ cỏn con đó làm gì?". "Nhớ chứ mậy. Tao tự nhủ với bản thân tao rồi, tao phải nhớ hết, ai giúp đỡ tao cái gì, tao phải nhớ để mà sau này trả ơn". "Ơn với chả oán. Mày cứ nghĩ vậy, rồi cả đời không bứt ra được cái vòng ơn - oán ấy, lại sẽ bị nó đè nặng trên vai, không làm được gì đâu". "Mày nghĩ vậy sao?". "Ừ". "Nghĩ vậy đâu được mậy. Chứ như bây giờ, nhiều đứa lớp mình tới nhà tao chơi, rồi tụi nó kêu tại sao ngày xưa bạn bè không dám nói nhau nhiều chuyện, không chịu nghe, chịu giúp nhau, để giờ phải khổ thế này".

Tôi cười: "Mày nói chuyện gì nghe to tát thế? Học đại học thì cũng lớn lắm rồi, sao không ý thức được cuộc đời của mình?". Phụng buồn buồn nhìn tôi rồi thở dài: "Thế mày không biết chuyện cái Thi vào viện phụ sản phá thai hả? Hôm nọ, nó tới nhà tao rồi khóc, nói ngày đó dại dột, mà sao khi tao biết chuyện, tao lại không can nó?". Tôi lắc lắc cốc càphê đã loãng, chỉ còn lại mảnh đá nhỏ trong veo: "Chuyện đó cũng thường thôi mà. Vả lại, quan tâm làm sao hết? Mà tự mình không biết giữ mình thì...". Phụng lắc đầu, tỏ vẻ không hài lòng. Hai bàn tay nó đan vào nhau, ôm lấy chiếc ly, rồi nó thở dài: "Nếu ai cũng như mày, không quan tâm gì chuyện thiên hạ, thì sẽ ra sao nhỉ? Cho dù, nhiều khi tao nghĩ, mày cho tao 2000 đồng dạo nọ, có khi cũng không phải quan tâm hay thương xót gì, mà chỉ vì lúc đó mày tiện thể mà thôi...".

Tôi im lặng. Nhưng không suy nghĩ. Tự dưng tôi có cảm giác buổi gặp gỡ này sao vô duyên quá. Chúng tôi có thân thiết gì đâu, gặp lại sau vài năm, lại có thể ngồi nói những chuyện riêng tư như thân thuộc lắm. Mà những chuyện này, Phụng nói với tôi để làm gì?

Quán càphê ngay sát công ty, đã quá giờ nghỉ trưa nên khách vắng dần. Phụng cũng đã uống hết ly nước cam trước mặt. Nhưng có vẻ nó chưa muốn về, nên tôi cũng ngại, đành ngồi lại tiếp chuyện. Phụng kể đang sống trong một căn hộ rộng rãi, chỉ có một mình. "Hôm nào mày lên tao chơi. Chỗ tao rộng rãi lắm, nhiều đứa lớp mình cũng khoái qua tao. Mà tao lại rảnh, nhiều lúc buồn thúi ruột".

Thì ra, đến cả nửa năm nay, nhà Phụng đã trở thành "trung tâm buôn chuyện" của lũ lớp tôi. Toàn là dân tỉnh lẻ. Có đứa đang chờ thuê nhà mới, cũng tới ở chỗ Phụng. Có đứa người yêu bỏ, bỏ người yêu, cũng tới tìm Phụng. Có đứa thì cãi nhau với chồng, dỗi bố mẹ, cũng ra nhà Phụng. Tôi bảo: "Tụi mày thế mà vui nhỉ? Tao thì lâu cũng chẳng liên hệ gì với lớp mình, mà việc cứ đầu tắt mặt tối, không khi nào dứt ra được". Phụng xoay xoay cái cần hút nước cam trong tay: "Tụi nó bảo giờ mày làm to, đâu có tiếp xúc với ai đâu?". "Tao á?", tôi cười lớn, "to nhỏ gì mày ơi? Cũng chỉ đủ sống thôi mà. Có điều, tính tao từ xưa vẫn vậy, ít giao tiếp lắm mà". "Ừ, tao thấy mày không thay đổi nhiều. Tao nhớ, mày thẳng tính, yêu ghét rõ ràng lắm. Cứ như tao đây, giờ mà nói dối mày, mày có giận không?".

Tôi nhìn cô bé phục vụ, chưa vội trả lời. "Nói dối, nhưng mà không có hại cho mày ấy, thì mày có giận không?" - Phụng lặp lại câu hỏi. "Cũng còn tùy mức độ mày ạ! Nhưng mà nói chung là, tao không thích nói dối". Phụng lại xoay xoay cái cần hút, giờ đã bị bóp bẹp, có vẻ như nó muốn nói gì đó với tôi, nhưng lại ngại ngần không dám mở miệng. Còn tôi, thì vờ như không hiểu ý. Cũng may, một cuộc gọi của công ty đã giúp tôi "rút êm".

Lúc chia tay, tôi đòi trả tiền. Phụng nói: "Tao giờ nhiều tiền lắm, để tao trả", tôi cười "Quán này quán ruột của tao rồi, mày có trả tiền, họ cũng chẳng nhận đâu". Rồi khi ra cửa, tôi còn kịp vẫy mấy hàng hoa rong, mua cho Phụng một túm hoa cúc trắng.

Nghe tôi kể chuyện Phụng, mẹ tôi nói: "Con cũng phải xem chừng. Bạn bè 3 - 4 năm biệt tăm tích, giờ gặp lại, mọi chuyện nghe ra cũng không rõ ràng". Bố dẫn chứng: "Như thằng bạn con Chi ấy, may là nó lừa có mấy trăm".

Chi là chị con bác cả tôi. Cũng một bữa có người bạn - từng là bạn rất thân hồi còn học cấp 3 - ghé qua. Nhiều năm không liên lạc gì, gặp lại bạn thân cũ thì mừng lắm. Chưa kịp vui thì cậu bạn mới nói, đi xe vượt đèn đỏ, bị công an giữ, đang cần gấp ít tiền nhưng không có, nhớ ra có Chi nhà ở gần đây, nên vào vay tạm, bữa nào có sẽ trả lại Chi. Chị Chi vui vẻ đưa cho cậu bạn ba trăm nghìn. Mấy ngày sau, gặp một người bạn cấp 3 khác tới cơ quan giao dịch, kể chuyện. Anh này mới cho biết, cậu kia giờ nghiện hút nặng, suốt ngày "giở bài" vay tiền để "đút" công an lấy xe, bạn bè cùng lớp, ai cũng "dính" cả, có lẽ vì chị Chi là bạn thân, nên đến lúc không còn ai để lừa nữa, cậu ấy mới tìm đến.

Tôi miên man nghĩ, mấy lần định nhắn tin cho Phụng hỏi địa chỉ rõ ràng của nó, lại thôi. Suy cho cùng, chúng tôi gặp nhau, cũng chỉ là dăm ba câu chuyện, chẳng mất mát gì. Mà giờ cứ gọi điện, nhắn tin cho nó, bỗng dưng tạo lại mối quan hệ cũ, lại bạn bạn bè bè, ơn ơn huệ huệ, biết đâu lại rách việc ra.

Hơn ba tháng sau, lớp trưởng lớp đại học gọi điện tới báo ngày họp lớp, kỷ niệm 4 năm ra trường. Tôi có chuyến công tác Sài Gòn, lại không thể có mặt. Chiều hôm sau, về tới Hà Nội, tôi gọi điện rủ Dương - người bạn thân nhất ở lớp - đi uống cà phê, tranh thủ xem những bức ảnh chụp buổi họp hôm trước của lớp. Tìm mãi mà không thấy hình của Phụng, tôi mới hỏi: "Sao không thấy cái Phụng Lâm Đồng mày nhỉ?". Dương nhìn tôi ngạc nhiên: "Mày không biết à? Bọn nó bảo nó sang Nga rồi. Đi chui. Giờ chẳng có tin tức gì cả". "Nó sang Nga làm gì? Bố mẹ nó ở Mỹ gửi tiền về, nó sống đàng hoàng lắm mà". "Ai bảo mày vậy chứ?". "Nó. Nó tìm tao hồi ba tháng trước. Còn đi ăn với nhau mà.

Nó nói nó sống trong căn hộ rộng rãi lắm, bọn lớp mình còn thường xuyên tới nó chơi mà". "Làm gì có chuyện đó. Bố mẹ nó mất lâu rồi mày ơi. Nó còn ông anh trai, đang làm ở một quán càphê ở Hà Nội này. Nó tốt nghiệp xong rồi không tìm được việc làm, cũng lang bạt mãi. Vừa rồi, nó cũng tìm đến bao nhiêu đứa lớp mình vay tiền, nói là chữa bệnh. Nhưng giờ thấy bảo đi Nga rồi, chắc là chẳng đứa nào hy vọng nó trả tiền nữa".

Tự dưng, tôi có cảm giác hụt hẫng. Có phải Phụng đã dối tôi - đứa bạn nó bảo mang ơn vì 2000 đồng cho một bữa đói? Tôi như thấy lại Phụng, tóc hoe hoe vàng, da trắng, mắt nâu. Tôi nhớ lại câu hỏi, lời nói, cái giọng ngọt ngào của nó. Hoá ra, (có vẻ như) tôi chẳng biết gì hết. May mắn, hay không may mắn, là Phụng đã không chọn tôi như cậu bạn thân của chị Chi đã "lừa" chị ấy? Tôi mở máy, bấm số của Phụng, chỉ nghe tiếng báo hiệu không liên lạc được, bất giác, tôi hỏi Dương: "Mày cũng chỉ nghe nói thôi, phải không?".

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội