Âm nhạc cổ điển ở VN

Started by saos@ngmo, 13/06/07, 20:55

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

Cần nói rằng cụm từ "âm nhạc cổ điển" mà ở Việt Nam chúng ta quen dùng để chỉ tất cả các loại hình âm nhạc hàn lâm châu Âu (hay âm nhạc giao hưởng thính phòng). Điều đó, chưa thật chính xác, bởi trong âm nhạc hàn lâm bao gồm nhiều thời kỳ âm nhạc (cổ đại, trung cổ...), nhiều chủ nghĩa âm nhạc (cổ điển, lãng mạn, ấn tượng, hiện đại...) mà âm nhạc cổ điển chỉ là một trong nhiều chủ nghĩa, thời kỳ như đã nêu.

Âm nhạc "cổ điển" theo nghĩa đó là loại hình âm nhạc đã tồn tại và phát triển nhiều thế kỷ trong các lâu đài quí tộc, các cung điện vua chúa ở châu Âu... và ngày nay chúng được bảo tồn khá kỹ lưỡng qua hệ thống các nhạc viện ở khắp thế giới.

Nhớ thuở "hồng hoang" và... vàng son

Phải nói rằng sự tiếp cận với âm nhạc cổ điển của công chúng Việt Nam có trước cả thời kỳ hình thành "tân nhạc". Năm 1928 ở Hà Nội đã có những buổi Concert Symphonique ở khách sạn Con Gà Vàng (Coq d'Or). Còn ở Sài Gòn, đã có nhiều nghệ sĩ nước ngoài đến biểu diễn violon và piano, chủ yếu là các tác phẩm của V.A.Mozart, L.v.Beethoven, F.Chopin, C.Gounod, H.Berlioz...

Năm 1954 và 1956 là hai thời điểm đánh dấu sự chuẩn bị lực lượng cho âm nhạc cổ điển Việt Nam một cách bài bản, với những học sinh đầu tiên được Nhà nước cho xuất ngoại như Tạ Bôn, Lã Hữu Toản (violon), Lê Bích (flute), Trần Ngọc Xương, Phạm Đình Sáu, Hoàng Vân, Hoàng Đạm (sáng tác)... du học ở Trung Quốc (1954).

Đợt đầu tiên du học Liên Xô (1956) có Quang Hải, Trọng Bằng, Trần Quý (chỉ huy). Năm 1959, đã có Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với 114 nhạc công để đến năm 1963 trở thành Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Vũ kịch Việt Nam với biên chế hàng trăm người, đã dàn dựng và biểu diễn một số tác phẩm lớn của các nhà soạn nhạc thế giới như W.A.Mozart, L.v.Beethoven, P.I.Tchaikovsky...

Đồng thời nhiều tác phẩm giao hưởng (GH) của Việt Nam cũng được biểu diễn như "Lửa cách mạng" (Trần Ngọc Xương), "Giải phóng Điện Biên" (Hoàng Đạm), "Quê hương" (Hoàng Việt)..., một số nhạc kịch như "Cô Sao" (Đỗ Nhuận), "Bên bờ Krông Pa" (Nhật Lai)... Thập niên 60 này cũng được xem là thời kỳ vàng son của nhạc cổ điển Việt Nam.

Nhưng, thật ngậm ngùi, bởi thời vàng son nay không còn nữa...

"Cổ điển" trong đời sống ngày nay

Âm nhạc cổ điển ở Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào hai nơi: Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy ở Huế có Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ từ 1962 (nay là ĐH Nghệ thuật Huế), nhưng ở đây sinh hoạt nhạc cổ điển gần như không đáng kể và cho đến nay Huế vẫn chưa có được một dàn nhạc giao hưởng (GH).

Ở Hà Nội có Dàn nhạc GH Việt Nam, Tp.HCM mãi đến năm 1994 mới có Nhà hát GH Vũ kịch. Đây được xem là 2 đơn vị biểu diễn âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có sự tham gia của Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện Tp.HCM, CLB Guitar Phú Nhuận Tp.HCM, IDECAF...

Đáng kể nhất là 2 "đại gia" Hennessy và Toyota, tài trợ chương trình nhạc cổ điển mang đẳng cấp quốc tế hằng năm. Và gần đây (từ 2005) chương trình "Giai điệu mùa Thu" của Tp.HCM quy tụ khá đầy đủ các tài năng trẻ nhạc cổ điển đang làm việc ở nước ngoài về biểu diễn.

Các lực lượng "tham gia" này cũng đã tạo ra những đêm nhạc cổ điển có chất lượng nghệ thuật cao, nhưng tất cả cũng như thời vụ hoặc định kỳ mỗi năm một lần, không thể tạo một vị trí đáng kể cho nhạc cổ điển trong bức tranh âm nhạc chung.

Nhất là khi cơn gió nhạc nhẹ ở miền Nam thổi ra đất Bắc (sau ngày giải phóng) rồi tràn ngập mọi sinh hoạt âm nhạc của xã hội và hiện nay cơn gió như đã trở thành... bão táp trong cơ chế thị trường. Đây cũng chính là nguyên nhân mà trong nhiều thập niên sau thời "vàng son" cho đến nay nhạc cổ điển Việt Nam vẫn chưa thể vươn mình gượng dậy.

Nếu so sánh hằng đêm, ở Tp.HCM, nơi có hàng chục điểm biểu diễn nhạc nhẹ thì định kỳ 2 đêm diễn một tháng của Nhà hát GH Nhạc vũ kịch như hiện nay là quá ít ỏi. Sự phát triển tự phát nhưng quá mạnh mẽ của âm nhạc đại chúng trong cơ chế thị trường đã đẩy lùi âm nhạc cổ điển vào... quên lãng.

Tuy rằng để tạo nên bộ mặt sinh hoạt âm nhạc cổ điển đúng nghĩa, cần phải có sự đồng bộ giữa 3 lực lượng: nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn và công chúng thưởng thức.

Nhưng hiện nay, vấn đề công chúng gần như là vấn đề cốt lõi quyết định hoạt động của loại hình âm nhạc này. Công chúng quá ít làm cho số lượng các đêm diễn không thể nhiều.

Một buổi diễn nhạc giao hưởng có khi phải cần cả trăm nhạc công, nhưng giá vé không thể bán cao, khán giả quá ít và mỗi tháng chỉ biểu diễn tối đa năm, ba đêm, nên người nghệ sĩ không thể sống được với nghề. Điều này dẫn đến hệ quả là lực lượng nghệ sĩ ngày càng thu hẹp và tài năng ngày càng khan hiếm.

Những tài năng âm nhạc đã đoạt giải thưởng quốc tế như Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh phải đặt sự nghiệp của mình ở những đất nước xa xôi.

Gần đây, hàng loạt tài năng trẻ đi du học rồi cũng ở nước ngoài làm việc như Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam (Pháp), Hoàng Linh Chi (Tây Ban Nha), Văn Hùng Cường, Quốc Trường (Mỹ), Bích Trà (Anh), Trần Hữu Quốc (Hàn Quốc)...

Nhạc viện Tp.HCM vẫn miệt mài tìm kiếm những năng khiếu và đào tạo, nhưng những tài năng trẻ mới, cũng sớm theo dòng chảy "chất xám âm nhạc" ra nước ngoài. Bà Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện Tp.HCM cho biết: "Con số mà các tài năng trẻ đi ra nước ngoài trong vòng 4 năm nay là khoảng 120 người".

Những người thi vào nhạc viện (ngoại trừ môn thanh nhạc) ngày càng vắng bóng, nhiều môn học thuộc ngành GH như viola, trombone, basson, contrebasse... không có người học.

Nhạc viện Tp.HCM không thể xây dựng được dàn nhạc, dàn nhạc của Nhà hát GH Nhạc vũ kịch muốn tuyển thêm người nhưng không có người để tuyển. Đó là thực trạng và viễn cảnh không mấy tươi sáng sủa của âm nhạc cổ điển Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chỉ tại công chúng?
Công chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật, nhất là nghệ thuật biểu diễn. Một buổi biểu diễn thưa thớt khán giả sẽ không thể mang lại những hưng phấn cho nghệ sĩ và làm chùn chân các nhà tổ chức, dẫu đó là những giao lưu văn hóa.

Thật đáng buồn khi những buổi biểu diễn nhạc cổ điển trang trọng, những hàng ghế tốt nhất được dành hết cho khách VIP, nhưng đây cũng là những hàng ghế vắng chủ nhiều nhất.

Nhạc cổ điển chủ yếu là nhạc không lời, nhưng hiện nay việc giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông, gần như học sinh không được tập nghe và làm quen với loại âm nhạc này.

Tại Tp.HCM, Nhà hát GH Nhạc vũ kịch đã có chương trình biểu diễn hướng dẫn, để khán giả có thể thưởng thức nhạc cổ điển, chương trình thực hiện ở các trường đại học, nhưng mỗi năm chỉ thực hiện 2-3 buổi (do không có kinh phí) chẳng khác gì đem muối bỏ biển.

Nhạc viện Tp.HCM đang xúc tiến dự án chương trình "Vươn đến đỉnh cao" đem nhạc cổ điển đến với đông đảo học sinh cấp 1, cấp 2 trong Tp, nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được tài trợ, còn kinh phí Nhạc viện thì chỉ đủ sức cho 4 chương trình/năm...

Công chúng quá ít cũng là nguyên nhân chính mà nhạc cổ điển không thể nhận được những khoản tài trợ cần thiết để thực hiện các chương trình, dự án. Con đường duy nhất để nhạc cổ điển thoát khỏi vòng "lẩn quẩn" này là làm tăng số lượng công chúng, bằng cách nâng cao dân trí âm nhạc để họ có thể thưởng thức nhạc cổ điển.

Nhưng trong thời gian qua và hiện nay hệ thống giáo dục âm nhạc đại trà ở trường cấp 1, cấp 2 của chúng ta quá yếu kém, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta giáo dục âm nhạc cho những công chúng tương lai bị lệch hướng - chỉ dạy sơ lược về nhạc lý, đọc nhạc, hát bài hát mà hoàn toàn không dạy cho họ cách thưởng thức một tác phẩm âm nhạc, từ đơn giản đến phức tạp.

Nếu chúng ta không nâng cao dân trí âm nhạc cho công chúng, dẫu đã có những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ bậc nhất thế giới như Rostropovich, Đặng Thái Sơn cũng không thể làm nhạc cổ điển có tiếng nói khả dĩ trong đời sống âm nhạc hiện nay.

Hải Long

theo: http://dep.com.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1359

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội