Phận nài ngựa trường đua

Started by vitconhocve, 10/07/07, 09:35

Previous topic - Next topic

vitconhocve

Phận nài ngựa trường đua - phần 1

"Phong: 33 kg, xuống! Vũ: 28 kg, xuống! Thành: 30 kg, xuống...". Từng nài xếp hàng lần lượt được đọc tên, đưa lên bàn cân để làm thủ tục trước khi đợt đua bắt đầu.



Nài H. còi dí trên lưng ngựa.

Đây là quy định bắt buộc cho cả nài và ngựa trước khi xuất phát. Nhưng khi ngựa tung vó ở trường đua thì người ta chỉ hò reo tên ngựa.

Vào chiều thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, giới cá cược đổ về trường đua Phú Thọ (TP HCM) để khóc cười cùng với tiếng vó ngựa. Họ biết rành tên ngựa, chủ ngựa, nhưng ít ai biết những chú nài - người điều khiển ngựa đua.

Để có những cuộc tỉ thí ở trường đua, các nài ngựa phải oằn mình vì cuộc mưu sinh. Những "em bé" không được lớn này "ra lò" từ các "trường đào tạo cha truyền con nối", bước vào đường đua với những cay đắng theo vó ngựa.

Những "em bé" không được lớn

Vòng đua bắt đầu, cửa chuồng mở ra, những con ngựa tung mình vọt về phía trước trong tiếng hò reo của khán giả: "Hoàng Phi Hồng, Tây Thi, Điêu Thuyền... Cố lên! Cố lên". Tên ngựa được xướng lên trong sự cổ vũ cuồng nhiệt ở trường đua. Trên lưng ngựa, những thân hình nài bé bỏng rạp mình quất roi thúc liên tục giục ngựa lao về đích. Nhìn những nài ngựa trông như những em bé, người ta chỉ có thể đoán chừng đây chỉ là những đứa trẻ mới 12-13 tuổi. Nhưng...

"Tụi con đều đã 16-17 tuổi cả rồi. Đứa nhỏ nhất cũng đã 15 tuổi. Nhưng nghề này buộc nài như con phải biết "ép xác" xuống ký tối đa" - nài ngựa tên P. (viết tắt theo yêu cầu của nhân vật - NV) ốm nhách, đen thui thủi, đã 17 tuổi mà chỉ cao chưa đến 1,4m, tâm sự.



Nài Nguyễn Thanh Phong cùng con ngựa về nhất trong một cuộc đua ở trường đua Phú Thọ.

Một con ngựa đua thành công thường phụ thuộc ba yếu tố: khả năng của ngựa, đường đua và tài năng của nài. Nhưng khả năng của nài là quan trọng nhất. Theo các chuyên gia nuôi ngựa đua, nài có thể quyết định đến 70-80% khả năng chiến thắng của ngựa.

Hiện có hơn 40 nài tham gia thường xuyên ở trường đua Phú Thọ, phần lớn đều là dân ở "lò" nuôi ngựa tại Đức Hòa (Long An) và một số ít ở vùng ven TP HCM như Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Chánh, quận 8... Nhưng người ta thường ít cần biết tên nài, tên ngựa mới là quan trọng. Nài ngựa là những vận động viên vô danh.

Để trở thành "nài chiến" thực thụ, các nài phải rèn luyện như một vận động viên thể thao chuyên nghiệp. Ngay từ 4 đến 5 giờ sáng, các nài phải vệ sinh chuồng trại cho ngựa và tập luyện cùng vòng sân đấu rộng 1.800 m2 với đầy đủ các tư thế trên lưng ngựa qua các kỹ thuật phi tốc độ, bứt phá...

Tập luyện xong, nài lại làm phận sự của người nuôi ngựa, cho ngựa ăn uống, rồi tiếp tục luyện tập ca trưa, ca chiều. Nài P. cho biết tất cả nài ngựa đều phải thực hiện chế độ "ăn kiêng, ép xác", giữ cho cơ thể không quá 35 kg. Kiêng ăn và kiêng cả ngủ. Mỗi tuần chỉ ăn vài bữa cơm vào những ngày cuối tuần và mỗi bữa chỉ được ăn hơn một chén.

Nhiều chủ ngựa còn bắt các nài áp dụng những "tuyệt chiêu" rất nguy hiểm như uống cà phê đắng pha giấm để triệt các chất béo trong người. Nhưng biện pháp giảm cân nhanh nhất mà các nài đều khiếp sợ chính là "xông khô", tức là các cậu bé phải chui vào thùng phuy đậy kín nắp lại và đốt đèn cầy bên trong cho ra mồ hôi! Nài V. với thành tích 18 lần về nhất trong năm thổ lộ do ít ăn, ít uống, phải thường xuyên "xông khô" nên cậu luôn sống trong trạng thái lơ mơ như "người cõi trên". Mỗi khi ngồi trên lưng ngựa, các nài đôi khi mơ màng như một người "nghiện" ngựa với thúc bách duy nhất là làm bất cứ giá nào để giục ngựa mình về đích.

Các nài ngựa ở trường đua Phú Thọ đều cho biết đây là một nghề rất nguy hiểm. Sợ nhất là khi đua bị té chân còn dính vào bàn đạp hay tệ hại hơn là té đúng vào vó ngựa đua đang lao tới từ phía sau. Đã có rất nhiều nài ngựa bị té gãy chân hay chấn thương đầu phải nằm viện cả mấy tháng hoặc mang thương tật suốt đời vì té vào vó ngựa. Nhưng tai nạn vẫn chưa phải là thứ sợ nhất của nài.

Nghề nài ngựa có tuổi thọ rất ngắn, giai đoạn phong độ cao nhất chỉ kéo dài 2-3 năm. Và họ phải luôn là những "đứa trẻ không thích lớn", phải chịu "ép xác" liên tục.

Nài Long, đã giải nghệ, kể: "Năm tôi 16 tuổi, một hôm lên cân thấy xấp xỉ tới 40 kg. Còn ba ngày nữa là đến cuộc đua, chủ ngựa bắt tôi phải bằng mọi cách trong ba ngày giảm 5kg, nếu không thì ông phạt cắt lương, cho nghỉ. Sợ quá, tôi chỉ dám ăn cháo, nhịn ngủ. Ông chủ vẫn chưa chịu, ông bắt phải ngồi trong thùng phuy xông đèn cầy suốt từ sáng tới chiều, chỉ cho nghỉ giải lao mỗi giờ được năm phút. Xông rồi bước ra ngoài mà hai giò run bước không nổi, vậy mà chủ chỉ cho húp miếng cháo cầm hơi. Đêm trước ngày đua, chủ lại bắt uống thuốc xổ, cả đêm tôi ngồi trong nhà vệ sinh. Sáng ra, người tôi dẹp lép như con tép, nhìn vào gương chẳng còn nhận ra mình. Đến khi lên cân ở trường đua tôi còn đúng 35 kg. Thật khủng khiếp!".


Nài Nguyễn Thanh Phong cùng con ngựa về nhất trong một cuộc đua ở trường đua Phú Thọ.

"Chẳng ai muốn mình phát triển không bình thường, nhưng hầu hết nài đều có hoàn cảnh rất nghèo, lại là lao động chính trong gia đình, ngồi trên lưng ngựa mà "gánh" trên lưng mình đến 5-6 miệng ăn. Bởi vậy, không cố bám lưng ngựa mưu sinh thì lấy gì lo cho gia đình", P. nói già dặn như người lớn. Cậu bé này làm nài nuôi cả gia đình năm miệng ăn.

Vừa xong vòng đua, T., từng có thành tích về nhất 28 lần qua các cuộc đua, lần này về thứ hai, bước đi loạng choạng vì kiệt sức song cũng cố bước nhanh về phía cha mình đang nhận số tiền thưởng. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên mặt, cậu mở một nụ cười rạng rỡ: "Mệt đến lả cả người. Nhưng nghĩ đến số tiền thưởng vài trăm ngàn đủ lo cho cả gia đình trong tuần này, con vui lắm".

Cách đó không xa, một chú nài ngựa vừa bị té lăn xuống đất do con ngựa trở chứng đang được các nhân viên y tế xem có còn đủ khả năng dự đua tiếp tục hay không. Cậu bé nài ngựa mặt xanh mét, tay chân lấm đầy máu và cát, nhưng cũng ráng gượng đứng dậy nài nỉ trọng tài và các nhân viên y tế cho cậu được tiếp tục trở lại đường đua vì cha mẹ cậu đang ngồi bên ngoài để chờ con kết thúc cuộc đua có ít tiền mua gạo cho cả gia đình chín người có bữa cơm chiều.

Trường đua Phú Thọ với diện tích 48 mẫu ra đời năm 1932, do người Pháp xây dựng, từng được xếp loại là một trong những trường đua nổi tiếng nhất châu Á. Sau một thời gian dài đóng cửa, đến năm 1989 trường đua hoạt động trở lại, do Sở TDTT TP HCM quản lý. Trường đua mở cửa mỗi tuần hai ngày với khoảng sáu đợt đua. Số lượng ngựa đăng ký thi đấu chính thức hiện nay lên trên 600 con và còn đến vài trăm ngựa dự bị khác, cuốn theo nó là bao nhiêu thân phận nài ngựa.

(Theo Tuổi Trẻ)
Em đi, bỏ lại con đường vắng. Bỏ lại vạt nắng vàng, bỏ lại hàng cây buồn ngơ ngẩn..........

vitconhocve




Hôm nào có lịch học ngày thứ bảy là nài ngựa Nguyễn Thanh Phong phải nghỉ để đi đua.

Hầu hết nài ngựa đều xuất thân từ con nhà nòi. Họ được truyền nghề theo kiểu cha truyền con nối, gia đình có mấy đời đều làm nài. "Lò" đào tạo nài ngựa ở vùng Đức Hòa (tỉnh Long An) được xem như "trường đào tạo" nài lớn nhất VN.



Từ sáng sớm, khắp các con đường làng Tân Hòa (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) đã thấy hàng trăm chú nài chạy bộ, cưỡi xe đạp dắt ngựa chạy lọc cọc trên đường. Một ngày huấn luyện mới lại bắt đầu như mọi ngày ở đây từ hơn trăm năm qua. Làng này được xem là "lò" nuôi ngựa đua nên nhà nào cũng nuôi vài ba con. Những đứa bé được gia đình giao đi chăn ngựa từ khi còn bé nên đã làm quen với việc ngồi trên lưng ngựa từ rất sớm.

Nài Vũ 1, khá nổi tiếng hiện nay ở trường đua vì đã từng liên tục đoạt giải nhất - xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nài ngựa. Vũ 1 là cháu ruột của hai nài nổi tiếng trước năm 1975 là Lê Văn Một và Lê Phước Hải. Còn nài Thành 2 cũng có ông ngoại, các cậu và anh trai đều từng làm nài. Cũng xuất thân từ "lò" nài ngựa vùng này, nài Thành 3 có ba anh em đều từng mưu sinh trên lưng ngựa. Nài Du cũng là con, cháu những cựu nài nổi tiếng...

Trời chưa hừng đông, nài ngựa Nguyễn Thanh Phong đã nhanh bước dắt con ngựa xám ra sân để bắt đầu một ngày vất vả dượt ngựa. Đi cạnh con ngựa cao lớn lênh khênh, dáng Phong nhỏ bé. Chiều cao chỉ bằng bụng ngựa, vậy mà thoắt một cái, Phong đã nhảy phóc lên lưng ngựa ngồi chễm chệ như kỵ sĩ thứ thiệt. Cậu cầm dây cương, hai chân thúc vào hông ngựa hướng ra đồng cỏ, phóng như bay.

Ông Nguyễn Văn Phẫn, cha của Phong, tự hào nói: "Nó đi nài tuần nào cũng đem về hai, ba triệu đồng. Các chủ ngựa ai cũng mê nó, cứ thấy nó là bắt nài cho bằng được". Thành tích của Phong thật đáng nể, từ đầu năm 2007 đến nay, Phong đã đoạt 33 giải nhất, không kể nhì, ba, kiếm được trên dưới 30 triệu đồng phụ giúp gia đình. "Mà tụi nhỏ xóm này cũng lạ, ngựa chứng cỡ nào tụi nó cũng thuần được hết", ông Phẫn nói.


Nài Trần Văn Vũ tuần nào cũng có 5-7 "độ" phải nài.

Trần Văn Vũ, được dân nài gọi là Vũ 4, đến rủ Phong đi quần ngựa. Vũ 4 cũng là "siêu kỵ mã" của trường đua, hiện nay được xếp vị trí số 3 sau Phong và Vũ 2. Vũ 4 đã có ba năm trong nghề. Vũ 4 chỉ cao 1,3m và cân nặng 28kg, nếu không nói ra ít ai ngờ cậu đang học lớp 9 ở trường gần nhà. Tuần nào cậu cũng có 5-7 "độ" phải nài trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật. "Nếu thắng cuộc, con kiếm được 1,5-2 triệu đồng/tuần là đủ phụ giúp cha mẹ, lo cho mấy đứa em trong cả tháng đó", Vũ 4 thật tình cho biết.

Cả xóm có đến hơn 20 "kỵ mã" như Vũ 4 và Phong. Các nài này còn may mắn hơn các bạn trong xóm vì vừa đi học, vừa đi làm nài, còn phần lớn những đứa trẻ khác đều bỏ học giữa chừng. Các nài như Dũng, Quân 2, Quân 3, Cường 1, Phong 2, Sơn 3... có em mới học lớp 1, 2 rồi bỏ học nửa chừng, tất cả lao vào gió bụi trường đua để mưu sinh.

Vùng Mỹ Hạnh, Đức Lập Hạ và Đức Lập Thượng (Long An) được xem là "lò" nuôi ngựa đua và cung cấp nài cho cả nước. Cứ 10 gia đình thì có đến chín gia đình sống bằng nghề nuôi ngựa. Tính ra ba xã có khoảng 110 hộ nuôi ngựa, số lượng khoảng trên 1.000 con. Mỗi năm có 65 con ngựa xuất chuồng, chiếm gần 2/3 ngựa đua ở trường đua Phú Thọ (TP HCM).

Những tuổi thơ bị đánh mất

"Hôm nào có lịch học ngày thứ bảy là Phong phải nghỉ để đi đua. Thấy nó bỏ học, tui cũng rất lo nhưng đã theo nghề biết làm sao được", mẹ Phong lo lắng về việc học của con bị gián đoạn. Ngay cả những buổi thi học kỳ vừa rồi, Phong cũng đã bỏ thi để đi đua ngựa.

Bà Phẫn, mẹ của nài Phong, dù rất muốn con học hành tới nơi tới chốn, song cũng không ngăn được bởi suy cho cùng cũng phải lo cơm áo gạo tiền. Cuộc đời những đứa trẻ làm nài ngựa ngày ngày gắn chặt với chuồng trại, lưng ngựa, gió bụi trường đua... Nói về tương lai đứa con mình, giọng bà Phẫn chùng xuống: "Tương lai chắc cũng không khá hơn cha chú nó. Ngày xưa nhà tui đua ngựa còn mua đất, mua nhà, sắm sửa xe cộ, ngày nay trước mắt thấy chỉ có được ít tiền. Chắc cả cuộc đời nó rồi cũng là dắt ngựa, cắt cỏ, nuôi ngựa mướn thôi, chứ có cái chữ đâu mà ngẩng mặt với đời!". Vùng này tuy mệnh danh là "trường đào tạo" nài ngựa có tiếng, nhưng nhiều gia đình nợ nần tứ giăng, kiếm tiền bữa nào xào bữa đó, nên bao nhiêu tiền mà các nài kiếm được cũng nhanh chóng tiêu tan theo nợ nần của cha mẹ.

Nài Thành kể do suốt ngày đi quần ngựa nên cậu thường xuyên trốn học, học lực càng ngày càng yếu. Nhà trường có mời gia đình lên trao đổi về việc học của Thành nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó, lưu ban mấy năm liền nên cậu đã bỏ học. Thành buồn bã: "Thôi kệ, tương lai của con coi như chỉ còn gắn với bầy ngựa. Mai mốt lớn lên người ta không cho làm nữa thì xin làm người dàn cờ, dượt ngựa. Các em con cũng định đi làm nài nhưng con cản, con nói tụi mày ráng học để cuộc đời không giống như anh. Chỉ có học mới vươn xa ra khỏi cái lò ngựa này".

Ông Thơm, một chuyên gia huấn luyện nài ở đây, chỉ tay về mấy căn nhà tranh lụp xụp phía xa xa trong xóm và cho biết: "Đó là những gì còn lại của nài C.H. có tiếng một thời, lúc hết thời về cưới vợ phải đi mần mướn. Còn cạnh đó là nhà nài G., cha mẹ có ruộng đất để lại nhưng do quen cách ăn chơi ở trường đua ngựa từ nhỏ nên cuối cùng cũng phải đi dẫn ngựa mướn kiếm sống". Thậm chí cựu nài danh tiếng như nài B. đã từng thắng nhiều giải đua lớn, tiền bạc xài như nước, vang bóng một thời, về sau đâm ra quậy phá, hút chích, sinh ra trộm cắp rốt cuôc phải vô trại Bố Lá "gỡ lịch" 3-4 năm.

Hỏi nài Vũ 4 về điều gì thôi thúc để cậu đeo đuổi cái nghề làm nài này, cậu trả lời bằng giọng đầy tâm trạng: "Cảm giác oai phong như kỵ mã chỉ có trong thời gian đầu khi mới theo nghề. Còn sau này ngồi trên lưng ngựa mệt lả người, mờ cả mắt vì "ép xác", trước mắt con chỉ là chuyện cần phải phóng theo ngựa để có tiền phụ gia đình".

(Theo Tuổi Trẻ)
Em đi, bỏ lại con đường vắng. Bỏ lại vạt nắng vàng, bỏ lại hàng cây buồn ngơ ngẩn..........

vitconhocve

Vòng đua cuộc đời

Gò mình trên lưng ngựa, lao thẳng về phía trước trong trường đua cát bụi mịt mù, các cậu bé nài ngựa vẫn âm thầm nuôi trong lòng những ước mơ ẩn sau chuyện mưu sinh cơm áo. "Trường đồ tri mã lực" - đường dài mới biết ngựa hay, những khát vọng âm thầm của các chú nài cùng vó ngựa vào vòng đua với cuộc đời.


Các cậu bé nài ngựa ở trường đua Phú Thọ (TP HCM) vẫn thường lấy tấm gương của cựu nài Phú Sơn, dân nài ngựa còn gọi là "anh Đức nuôi ngựa", để phấn đấu. Anh Đức từng xuất thân là dân nài ngựa ở trường đua Phú Thọ, nổi tiếng là một nài giỏi, thường xuyên đưa ngựa về đích với thứ hạng cao nhất.

Vào những năm 1986-1987, nài Đức thường được các chủ ngựa tin tưởng giao cho cưỡi những con ngựa "chiến" nhất thời điểm đó như con Quận Chúa, Hồng Phi Hà và đều về nhất hoặc nhì. Gia đình ở vùng ven Hóc Môn từng mấy đời gắn bó với nghề nuôi ngựa, sau đó sa sút, mười mấy tuổi Đức đã vừa đi làm "mã phu" chăm sóc ngựa cho các chủ ngựa, vừa kiêm công việc làm nài. Đức nói anh làm nài ngựa cũng vì yêu thích ngựa và hoàn cảnh khó khăn lúc đó cần tự kiếm sống. "Tất cả đắng, cay, vinh, nhục của đời nài tôi đều từng trải qua. Có ở trong cuộc mới hiểu hết được nỗi khắc nghiệt của nghề này. Làm nài vừa phải tự mình làm suy dinh dưỡng để giữ cân, lại vừa phải có sức khỏe tốt, trí thông minh và khả năng phán đoán nhạy bén để điều khiển ngựa về đến đích", anh Đức nói.
Ngoài ngựa VN, trường đua Phú Thọ còn có gần 40 con ngựa đua cao lớn nòi Thoroughbred, giá mỗi con từ 15.000 USD trở lên, được nuôi và huấn luyện tại các trại ngựa ở Ausstralia đưa về, cùng với lực lượng huấn luyện viên, nài ngựa người nước ngoài, chủ yếu là nài người Malaysia.

Đời nài nụ cười và nước mắt đan xen. Mới nở nụ cười khi ngựa về nhất, nhì thì vòng đua sau có thể bật khóc nghẹn ngào vì bị những lời mắng chửi, xỉ vả nặng nề khi ngựa về sau cuối. Hàng loạt áp lực từ dân cá độ lậu, giới chủ ngựa dập tắt những ước mơ và sự hồn nhiên trẻ thơ của những cậu bé mới lớn làm nài. Kết thúc đời nài ngắn ngủi là trở thành những thanh niên không học vấn, không nghề nghiệp. Nài Đức quyết tâm tìm cho mình một hướng đi.

Vừa làm nài, vừa nhận chăm sóc ngựa, Đức vẫn dành dụm số tiền kiếm được để đầu tư nuôi vài con ngựa giống cho riêng mình. Đến khi giã từ trường đua, anh đã trở thành chuyên gia về nuôi dưỡng, chăm sóc ngựa chuyên nghiệp. Những con ngựa do anh nuôi dưỡng trở thành những con ngựa nổi tiếng ở trường đua như các con Dalida, Thiên Nga, Phượng Hoàng... mà mỗi lần thi đấu đều thường xuyên về nhất.

Từ đó, cựu nài Đức trở thành người nuôi ngựa đua nổi tiếng cả nước mà các "đại gia" khắp nơi phải tìm đến nhờ anh chăm sóc, nuôi dưỡng ngựa giúp họ. Dân trong giới ngựa đua còn phục tài thuần ngựa chứng của Đức. Anh đã từng đi lùng mua nhiều loài ngựa hoang hay ngựa chứng do chủ không biết huấn luyện mang về thuần dưỡng rồi bán lại. Hiện nay Đức là chuyên gia cho các chủ ngựa Malaysia ở trường đua Phú Thọ, được họ tin tưởng giao cho việc quản lý các con ngựa thuần chủng trị giá vài chục ngàn USD được đưa từ Australia sang. Còn tại nhà, anh có một trại ngựa giống nho nhỏ.

Anh Đức nói: "Tôi mê ngựa như chính cuộc sống của mình. Tôi muốn chứng minh với mọi người rằng phận nài ngựa nếu biết vươn lên, có ước mơ thì vẫn có thể khẳng định được mình ngay trong công việc này. Quan trọng là phải biết tìm một hướng đi tương lai cho mình". Đam mê ngựa như vậy nhưng anh Đức không cho hai đứa con theo nghiệp cha vì "mê ngựa, làm nài rồi thế nào cũng bỏ học"!

Những ước mơ âm thầm


Giấc mơ của các cậu bé nài không vượt ra khỏi trường đua.

Những ước mơ của nhiều cậu bé nài ngựa đôi khi quanh quẩn không vượt qua khỏi phạm vi trường đua. Kiếm được tiền nhiều, trở thành một nài giỏi, thắng cuộc nhiều lần và được nhiều chủ ngựa chọn là mơ ước của hầu hết các cậu bé làm nghề nài ngựa. Hằng tuần, hằng tháng các cậu lại khoe với nhau số tiền kiếm được trong tháng và những lần về nhất, nhì, ba nhiều hay ít để chứng tỏ tài nghệ của nài. Đó là điều bận tâm duy nhất của các nài. Còn dự định tương lai đối với các em đều rất âm thầm.

Gần đây, trường đua nâng cấp, mở rộng với việc đưa ngựa thuần chủng vào thi đấu với các nài người nước ngoài. Những nài người Malaysia có người 40 - 50 tuổi và nặng trên dưới 50kg là chuyện bình thường. Các nài giỏi như Popon, Sabri... có cuộc sống rất giàu có, họ làm việc với phong thái hết sức nghiêm túc và chuyên nghiệp trong sự ngưỡng mộ của các nài trong nước.

Nài Phong thổ lộ từ khi có các nài quốc tế từ các nước sang cùng tranh tài ở trường đua Phú Thọ, nhìn họ sang trọng, được trọng thị, Phong mơ ước mình sẽ trở thành một nài ngựa nổi tiếng cả thế giới, được thi đấu ở đấu trường quốc tế. Nhưng rồi ước mơ ấy cũng lụi tàn dần khi càng thâm niên trong nghề, Phong và các bạn chứng kiến sự khắc nghiệt, đào thải của công việc này.

Rất ít nài ngựa trụ được với nghề sau 3-4 năm vắt kiệt sức trong vó ngựa trường đua. Vũ tâm sự sau này cậu mơ ước sẽ dành dụm được một số tiền riêng từ nghề nài ngựa để mở trại nuôi ngựa, "khi ấy con sẽ phát triển đàn ngựa của mình và trở thành một chủ lò nổi tiếng". Còn nài Thành thì ước sau này sẽ trở thành một huấn luyện viên đua ngựa.

Hiện nay vẫn chưa có một hội nài ngựa được thành lập để bảo vệ quyền lợi các cậu bé làm nghề nài. Tất cả mọi sinh hoạt, định hướng cuộc đời sau này của nài đều mang tính tự phát, phụ thuộc bản thân và gia đình các em mà gánh nặng cơm áo chi phối rất nhiều. Ông Nhan Văn Trâm, chủ tịch Hội chủ ngựa tại trường đua Phú Thọ, cho biết đã có lúc vấn đề cuộc sống, sinh hoạt của các nài ngựa cũng được đặt ra, nhưng muốn tập trung các em lại để có sự hỗ trợ, định hướng trong một tổ chức thì không đơn giản. Điều đó còn tùy thuộc chủ ngựa, gia đình và chính bản thân các em. Xem ra vòng đua với cuộc đời của những nài nhỏ bé vẫn còn dài bất tận và không có điểm dừng.

(Theo Tuổi Trẻ)
Em đi, bỏ lại con đường vắng. Bỏ lại vạt nắng vàng, bỏ lại hàng cây buồn ngơ ngẩn..........

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội